Tin nông nghiêp CN ngày 15 tháng 12 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp CN ngày 15 tháng 12 năm 2019

Khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ IV- Vĩnh Long năm 2019

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Tối 13/12/2019, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ IV- Vĩnh Long năm 2019 chính thức khai mạc.

Festival quy tụ 850 gian hàng từ 665 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia và chuỗi các hoạt động liên quan sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Festival diễn ra từ ngày 13- 19/12 với nhiều chương trình hoạt động đa dạng, phong phú, ý nghĩa như: hội thảo “Khung khổ pháp lý và chính sách phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp”; hội thảo “Đào tạo nghề nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp”; hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt”; hội thi “Món ngon độc đáo chế biến từ sản phẩm lúa gạo- nếp Việt Nam”; triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề: "Đồng xanh sinh lúa vàng- Ruộng sạch cho gạo ngon"….

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh:

“Trong khuôn khổ các hoạt động Festival Lúa gạo lần này, các cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nông dân sẽ là cầu nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; hỗ trợ người nông dân sản xuất, làm giàu từ cây lúa.

Festival còn mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp chiến lược để đảm bảo vai trò chủ lực của ngành đối với sự phát triển bền vững của kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần nâng cao vị thế và phát triển ổn định thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước”.

Tại lễ khai mạc, 105 điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong 2 năm 2018- 2019 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đã được tuyên dương (ảnh).

Tin, ảnh: NHÓM PV

 

Đồng Tháp: Vợ chồng người nông dân nặng lòng với giống lúa Nhật Akita Komachi

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

“Vùng quê mình xưa nay là vựa gạo của cả nước, nông dân canh tác lúa nhiều nhưng hiệu quả mang lại còn ở mức thấp do chất lượng sản phẩm hạn chế. Vì vậy, tôi nghĩ sao mình không tìm ra một hướng đi mới và tự tin vào mục tiêu cuối cùng là tạo ra hạt gạo sạch. Trước tiên là vì sức khỏe gia đình, tiếp đó là vì cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo trên chính mảnh đất quê hương” - vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến ngụ ấp Hòa Dân, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) tâm sự khi được hỏi về việc phát triển giống lúa Nhật Akita Komachi đầy tiềm năng.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng, bà Tăng Thị Kim Xuyến luôn nặng lòng với giống lúa Nhật Akita Komachi. Ảnh: N.KHÁNH

Từ thực tế sản xuất của địa phương...

Từ lâu cuộc sống của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến gắn bó nhiều với cây lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với vốn kiến thức sẵn có, ông Tùng rất chịu khó nghiên cứu trên sách, báo và từ những nông dân trên địa bàn huyện. Mặt khác, thay vì “bán lưng cho đất, bán mặt cho trời” thì ông Tùng lại đi lo việc của người tiêu dùng hơn, luôn tìm những giống lúa chất lượng cao, hạn chế sử dụng phân hóa học.

Với 3ha, ông Tùng chọn cách sản xuất giống lúa chất lượng cao là Đài thơm 8 và Nàng Hoa 9, mỗi năm 3 vụ. Tuy nhiên, trong thời gian dài canh tác 2 giống lúa này, gia đình thường rơi vào tình trạng khó khăn là đầu ra và giá cả bấp bênh. Ông Tùng quyết định tìm ra một giống lúa mới đạt giá trị kinh tế cao hơn và có đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập. Ông Tùng chia sẻ: “Khoảng năm 2016, qua lời người quen giới thiệu, tôi biết đến giống lúa xuất xứ từ Nhật Bản mang tên Akita Komachi. Thực tế, giống lúa này gạo rất thơm ngon, độ dinh dưỡng cao. Vì vậy, tôi đến TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ để học hỏi và thu thập thông tin về giống lúa này”. Khi bắt tay vào làm, ông Tùng lại gặp nhiều khó khăn, bởi khác với cách canh tác bình thường, giống lúa Akita Komachi không hề thích ứng với các loại thuốc hóa học. “Lúc đầu mang về canh tác, do quen với tập quán cũ, tôi đã can thiệp thuốc trừ cỏ. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian phun thuốc, gần 2.000m2 lúa đã héo từ từ rồi chết. Mặc dù đã có điều chỉnh cho phù hợp nhưng qua 3 vụ liên tiếp tôi đều thất bại với giống lúa Nhật này” – ông Tùng nhớ lại.

Qua mỗi lần thất bại, ông Tùng đã nghĩ ra được nguyên lý phù hợp để canh tác giống lúa khó tính này. Đến vụ thứ 4, ông lập ra một quy trình cho lúa Akita Komachi theo hướng hữu cơ. Trong đó, sau khi lúa được ủ lên giống sẽ được cấy; chú trọng điều chỉnh mực nước để hạn chế cỏ dại nhằm bảo tồn lượng thiên địch. Cùng với đó, trong quá trình canh tác, ông Tùng sử dụng 100% phân hữu cơ và chế phẩm sinh học nhập khẩu từ Australia, Nga... để đáp ứng sự phát triển của cây lúa.

Với sự phấn đấu không mệt mỏi, ông Tùng đã thành công với quy trình do chính ông xây dựng cho giống lúa Nhật Akita Komachi. Từ vụ thứ 5, ông mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất lên 1ha trồng lúa Nhật. Sau 85 ngày gieo sạ, lúa đã cho thu hoạch với chất lượng hạt gạo thơm, ngon và độ dẻo vượt trội so với giống lúa thường. Khi đó, giá thành gạo Akita Komachi được mua với giá 50.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các giống lúa thường.

“Ban đầu, những người hàng xóm đều nghĩ tôi không bình thường vì cách làm lạ đời. Nhưng thực chất, trong tôi đang ấp ủ một giấc mơ lớn hơn. Đó là một giấc mơ làm ra hạt gạo sạch, chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng” – ông Tùng chia sẻ.

...Đến thành công với giống lúa chất lượng cao

Đến nay, ông Nguyễn Văn Tùng đã thành công với giống lúa Nhật Akita Komachi nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp hữu cơ, giúp giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Vụ lúa nào vợ chồng ông Tùng cũng sản xuất lúa không đủ cung ứng cho thị trường, với mức giá cao hơn so với lúa bình thường.

Theo ông Tùng, giống lúa Nhật Akita Komachi có nhiều ưu điểm như: ít nhiễm phèn, tương đối thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng vùng miền, thân cây ít ngã đổ, ít sâu bệnh nên nông dân có thể hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Từ đó, chi phí canh tác cũng thấp hơn so với lúa thường, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất. Hiện tại, mỗi vụ ông chỉ cung ứng hơn 2 tấn gạo Nhật Akita Komachi ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh Đông Nam bộ... Số lượng này còn rất thấp so với nhu cầu thị trường. Đây là giống lúa hạt tròn và gạo rất thơm, dẻo. So với các giống lúa thông dụng, năng suất lúa tuy thấp nhưng phẩm chất gạo tốt và giá trị cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: “Thời gian tới, để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa Nhật Akita Komachi. Trong quá trình sản xuất sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều phương thức hiện đại để nâng cao giá trị hạt gạo. Cùng với đó, hoàn tất các thủ tục về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch và chất lượng an toàn thực phẩm... để đảm bảo các điều kiện tiếp cận kênh siêu thị... Tôi sẽ có hướng hỗ trợ các hộ lân cận về kỹ thuật, giống để cùng sản xuất và cùng thành lập tổ hợp tác để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm”.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, lúa Nhật Akita Komachi được xem là giống lúa tiềm năng, phù hợp với việc nâng cao giá trị ngành nông nghiệp của địa phương. Huyện sẽ có định hướng quy hoạch lại vùng sản xuất, đồng thời hỗ trợ mô hình trong việc mở rộng vùng sản xuất; hỗ trợ kết nối, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Cùng với đó, có định hướng xây dựng để giống lúa này trở thành sản phẩm Ocop của địa phương”.

Vượt qua các sản phẩm chất lượng khác trong tỉnh, giống lúa Akita Komachi của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tùng và bà Tăng Thị Kim Xuyến đã xuất sắc đạt giải Ba Hội thi Gạo ngon tỉnh Đồng Tháp 2019.

Khánh Phan

Đơn Dương (Lâm Đồng): Xuất hiện nhiều mô hình rau, hoa thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Thống kê ngành chức năng Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, giá trị thu nhập từ trồng rau thương phẩm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện hiện nay đạt mức bình quân từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, trong đó đã xuất hiện nhiều mô hình rau hoa có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Ka Biêr - nông dân dân tộc thiểu số ở thôn Ha Wai, xã Tu Tra canh tác 4 sào ớt Đà Lạt trong nhà kính, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng.

Hiện Đơn Dương có 10.486 ha ứng dụng công nghệ cao trong tổng diện tích 11.763 ha canh tác rau, hoa toàn huyện, chiếm tỷ lệ 86%. Trong đó, diện tích canh tác làm nhà kính, nhà lưới 2.240 ha; diện tích áp dụng tưới tự động, tưới nhỏ giọt 8.192 ha; diện tích dùng điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm 29,5 ha và diện tích canh tác không dùng đất 7,3 ha.

Bên cạnh trồng rau thương phẩm, trên địa bàn huyện hiện đã có nhiều gia đình canh tác hoa cho thu nhập cao hơn rau với tổng diện tích trồng hoa từ 140 - 160 ha trong năm với các loại hoa ly, cát tường, layơn, cẩm chướng, lan...

VIẾT TRỌNG

Hai đàn lợn sống sót giữa ‘vòng vây’ dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Hai đàn lợn con của hai hộ dân tại thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã sống sót, phát triển bình thường dù bị dịch tả lợn châu Phi càn quét qua.

Anh Hoàng Văn Mười, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) cho biết, gia đình bắt đầu nuôi lợn theo hình thức trang trại hơn 2 năm nay. Mặc dù đã thực hiện rất kỹ càng các bước về vệ sinh, nhưng tháng 9/2019, đàn lợn 190 con của gia đình cũng bị chết, phải tiêu hủy do DTLCP.

Đàn lợn cuối chuồng của anh Hoàng Văn Mười, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) sống sót sau dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Hồng Thoan

Chỉ trong vòng khoảng nửa tháng, toàn bộ đàn lợn bị ốm, chết đồng loạt, khiến cho vợ chồng anh rất bàng hoàng. Toàn bộ lợn nái, lợn đực, lợn thịt đều chết. Chỉ còn hơn 20 con lợn con chừng 5-7 kg ở phía cuối trại lại không nhiễm DTLCP và sống sót. Gia đình anh vẫn chăm sóc đàn lợn con bình thường và đến nay mỗi con đã đạt trọng lượng khoảng 30-35 kg. Vợ chồng anh Mười đang đẩy mạnh chăm sóc, cho lợn ăn tăng thêm để kịp xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán mong vớt vát phần nào thua lỗ.

Cũng ở thôn 6, xã Đắk Wer, gia đình ông Hoàng Văn Bàn, bị "bão" DTLCP càn quét làm chết 150 con lợn. Thế nhưng, gia đình vẫn có 16 con lợn con sống sót và phát triển bình thường. Đến nay, đàn lợn sống sót đã đạt trọng lượng 40-45 kg/con. Ông Bàn vui mừng cho biết: “Hơn chục năm nuôi lợn, nhưng tôi cũng không lý giải được lý do vì sao mấy con lợn con lại không chết. Chắc nó khỏe, đề kháng tốt nên thắng được vi rút gây bệnh. Tôi cũng mong Nhà nước vào cuộc nghiên cứu xem thử đàn lợn của tôi có gì đặc biệt mà không bị chết do DTLCP, biết đâu lại có được cách để chống dịch hiệu quả, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi”.

16 con lợn của ông Hoàng Văn Bàn, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) từ 5-7 kg/con, hiện đạt trọng lượng khoảng 40-45 kg/con. Ảnh: Hồng Thoan

Trao đổi về vấn đề trên, ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT) khẳng định: Ngành Nông nghiệp cũng đã nắm bắt và theo dõi, nghiên cứu những đàn lợn sống sót sau DTLCP trên địa bàn tỉnh. Những con lợn sống sót sau dịch chứng tỏ kháng thể lớn, vi rút chưa xâm nhập hoặc đã bị ức chế. Điều này cũng cho thấy địa phương, ngành chức năng đã làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng nên mầm bệnh được khống chế, giảm sức tàn phá, ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các hộ có đàn lợn sống sót đều là những hộ thực hiện khá tốt các yêu cầu về bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh, có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng đầy đủ, nên tăng được sức đề kháng cho lợn.

Trong năm 2019, DTLCP xuất hiện tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, tổng số lợn mắc bệnh là 1.058 con, với trọng lượng 88.167,1 kg. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất do dịch DTLCP gây ra.

Cũng theo ông Đáp, mới đây, bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã ban hành văn bản mới về hướng dẫn tiêu hủy lợn bị DTLCP. Theo đó, khi xét nghiệm dương tính với DTLCP thì tiêu hủy theo ô, chuồng thay vì tiêu hủy đồng loạt. Điều này đã được ngành chức năng, các địa phương quán triệt cụ thể đến lực lượng làm công tác phòng, chống dịch, tiêu hủy lợn bị DTLCP để bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Hồng Thoan

Nam Định: Hiệu quả của mô hình nuôi lợn tiết kiệm nước

Nguồn tin: Báo Nam Định

Trong phát triển nông nghiệp hiện đại, các xu thế sản xuất tiết kiệm tài nguyên, hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường ngày càng được khuyến khích. Tại tỉnh Nam Định, trong trồng trọt, các mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đã được ứng dụng và khẳng định hiệu quả tích cực. Mới đây, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm “Xây dựng hiện trường về chăn nuôi lợn tiết kiệm nước”.

Xây dựng chuồng nuôi lợn tiết kiệm nước theo kỹ thuật chuồng sàn, xử lý chất thải bằng bể biogas tại xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Với tổng đàn lợn thường xuyên khoảng 750 nghìn con, hàng năm ngành chăn nuôi lợn của tỉnh cung cấp ra thị trường trên 150 nghìn tấn thịt lợn hơi, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong phương thức chăn nuôi lợn hiện tại tiêu tốn số lượng không nhỏ tài nguyên nước. Một lượng lớn nước được sử dụng để làm mát, tắm cho lợn và rửa chuồng trại (trung bình 30-50 lít/đầu lợn/ngày) dẫn đến lượng chất thải rắn bị hòa tan vào một khối lượng nước rất lớn tạo nguồn thải lớn, phức tạp cho công tác xử lý vì phải tiến hành phân tách nước thải và lấy bã để sản xuất phân bón dạng rắn; khối lượng lớn dung dịch nước và chất thải chăn nuôi thải ra môi trường cũng gây ra ô nhiễm nghiêm trọng đến nguồn nước xung quanh trang trại. Chưa kể, do lượng nước lớn đòi hỏi phải tăng thể tích cần thiết của bể phân giải sử dụng cho khí sinh học và làm tăng các chi phí đầu tư xử lý môi trường. Ngoài ra, chất thải sau khí sinh học (lượng chất thải từ bể phân giải khí sinh học) được thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước (nước thải) hoặc thải vào môi trường dẫn đến các rủi ro tiềm tàng gây ô nhiễm nghiêm trọng đất và nguồn nước mặt.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, có tới 80% lượng nước thải từ chăn nuôi lợn vẫn chưa được tận dụng như phân bón hữu cơ và được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng do hiện tượng phú dưỡng môi trường nước, ô nhiễm nước uống và lây lan các bệnh truyền nhiễm. Nếu xử lý tốt, lượng nước thải này chứa một lượng đáng kể các chất dinh dưỡng thực vật và các chất hữu cơ, nó có thể được sử dụng như phân bón hữu cơ dạng lỏng, đồng thời làm giảm đáng kể ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các trang trại, hộ chăn nuôi thường sử dụng nước ở sông, ao, hồ để tắm cho lợn, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm như: dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng… bùng phát và lây lan gây hậu quả nặng nề cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Trước thực tế trên, Ban quản lý dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp tỉnh đã triển khai mô hình thí điểm: “Xây dựng hiện trường về chăn nuôi lợn tiết kiệm nước” tại hơn một chục hộ chăn nuôi ở các huyện: Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng... Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi lợn thiết kế nền chuồng theo kiểu sàn, có các khe thoát chất thải của tấm sàn bê tông đảm bảo phân lợn rơi xuống mà không bị dính lại tại kẽ hở, tỷ lệ khoảng hở đảm bảo cân đối giúp phân rơi xuống dưới đạt tỷ lệ cao nhất. Đáy hầm chứa phân bên dưới được làm thật nhẵn và phẳng, không có độ dốc để khi mở ống xả bên ngoài thì theo áp lực toàn bộ phân và nước sẽ chảy hết ra ngoài. Trước khi thả lợn vào nuôi, các hộ bơm 10-15cm nước dưới bể chứa phân để khi phân rơi xuống không bị dính xuống nền chuồng, sau 1-2 ngày sẽ tạo ra 1 lớp váng ngăn không cho mùi hôi bốc lên giúp cho cả quá trình nuôi sạch sẽ và hạn chế được mùi hôi. Khi lợn xả thải toàn bộ lượng chất thải rơi xuống bể chứa phân, không ứ đọng lại trên chuồng nền chuồng như hiện nay nên người chăn nuôi không phải sử dụng nước để tắm và rửa chuồng mỗi ngày. Toàn bộ chất thải được xử lý qua hệ thống bể lắng xử lý chất thải 4 ngăn bố trí các ống hút dích dắc ở tầng giữa nên nước và chất thải khi đến bể biogas sẽ rất trong. Do hàm lượng phân trong nước thải còn ít đã giảm tải đáng kể dung tích phải chứa cho bể biogas, nước thải ra ngoài cũng không gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn lắng xuống bể sau khi kết thúc một lứa nuôi sẽ được hút lên làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Hiện mô hình chăn nuôi lợn tiết kiệm nước đang cho thấy rất nhiều ưu điểm như: tiết kiệm ít nhất 40% lượng nước sử dụng trong chăn nuôi lợn thịt so với mức trung bình hiện nay. Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình giảm được trên 2,2 triệu đồng chi phí sử dụng nước cho 50 con lợn/lứa. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình còn giảm chi phí nhân công tắm rửa lợn, chi phí tiền điện, đồng thời giảm đáng kể chi phí đầu tư xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm, tạo môi trường sạch ở trong và xung quanh khu vực chăn nuôi, đảm bảo sức khỏe cho người dân, vật nuôi và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Chí Thanh - một hộ chăn nuôi tham gia mô hình tại xã Yên Khang (Ý Yên) cho biết: Trước đây chuồng lợn của gia đình được làm bằng nền bê tông đặc. Để khử mùi hôi do chất thải của lợn ông thường phải bơm nước rửa chuồng và tắm cho lợn mỗi ngày từ 2-3 lần nhưng mùi hôi thối vẫn bốc lên rất khó chịu. Kể từ khi mô hình chuồng sàn được đưa vào sử dụng, hàng ngày ông Thanh chỉ cần đổ thức ăn vào máng cho lợn, không phải tắm và vệ sinh chuồng. Tổng lượng nước sử dụng của lợn nuôi trên chuồng sàn thấp hơn rất nhiều so với đối chứng, từ khoảng 40 lít/con/ngày giảm xuống còn 7-10 lít/con/ngày. Việc tiết kiệm nước này giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước, tiết kiệm nhiều chi phí cho xử lý chất thải và đặc biệt thu được chất thải chăn nuôi làm nguồn phân bón hữu ích cho cây trồng. Như vậy giá thành sản phẩm chăn nuôi giảm, góp phần tăng sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Đức Trang, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) khẳng định hiệu quả to lớn từ mô hình vì không những giải quyết được vấn đề về chất thải chăn nuôi mà còn có tác dụng phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát như hiện nay. Ông Trang chia sẻ, trước khi xây dựng mô hình thực nghiệm, người dân hầu như chưa có thông tin gì về công nghệ chuồng sàn trong nuôi lợn, vì vậy còn thiếu tin tưởng khi đặt vấn đề về xây dựng mô hình. Sau khi làm mô hình thực nghiệm, nhiều hộ chăn nuôi trong vùng đã đến tham quan, tìm hiểu về công nghệ chuồng sàn đều nhận thấy nhiều lợi ích mang lại.

Mô hình chăn nuôi lợn tiết kiệm nước đã cho thấy hiệu quả thiết thực của việc nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Đây là một trong những giải pháp chăn nuôi lợn tiết kiệm tài nguyên nước, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và phòng tránh dịch bệnh mà các hộ chăn nuôi cần học tập, chia sẻ kinh nghiệm và mạnh dạn nhân rộng. Qua đó góp phần phát triển chăn nuôi lợn bền vững, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, xây dựng giữ gìn môi trường nông thôn mới và tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh./.

Ngọc Ánh

Vui buồn nuôi heo vụ tết

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Giải pháp duy nhất bảo vệ đàn heo khỏi bệnh dịch tả heo châu Phi là an toàn sinh học, nên các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, được đầu tư bài bản để bảo toàn và phát triển đàn heo. Trong khi đó, do không được tái đàn, nhiều nông hộ đang điêu đứng trước thị trường thịt heo tết.

Cùng với sự phát triển mạnh của chăn nuôi công nghiệp với trang trại quy mô lớn, thì chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không ngừng bị thu hẹp do kém lợi thế cạnh tranh nên chỉ chiếm khoảng dưới 10% tổng đàn. Chăn nuôi nhỏ lẻ càng tan tác trong “cơn bão” bệnh dịch tả heo châu Phi và rất khó phục hồi lại. Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có gần 5.359 hộ và trang trại với trên 447.000 con heo bị tiêu hủy, chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thông thường, đây là thời gian chuẩn bị vụ heo tết, thế nhưng năm nay lại khác, không khí ảm đạm bao trùm các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì dịch bệnh hoành hành không thể tái đàn.

Với diện tích đất hơn 500m², anh Nguyễn Văn Sinh ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, chọn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình hơn 18 năm qua. Bình quân mỗi năm, với tổng đàn 50 heo nái và 200 heo thịt, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi trên 200 triệu đồng, kinh tế gia đình tương đối ổn định. Song tháng 7 vừa qua, bệnh dịch tả heo châu Phi đã quét sạch số heo trong trại, bây giờ muốn tái đàn nhưng anh Sinh chưa dám vì lo dịch sẽ quay lại.

Được tái đàn heo là mong mỏi lớn nhất của người chăn nuôi sau bệnh dịch tả heo châu Phi tạm lắng. Song người chăn nuôi cũng chưa biết cách phòng bệnh ra sao nên rất dè dặt, thận trọng trong việc tái đàn. Thêm vào đó là khó khăn về vốn, bởi hầu hết hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng sau khi dịch quét qua và việc tìm được nguồn heo giống đảm bảo chất lượng cũng là vấn đề cần được các cấp chính quyền, ban ngành quan tâm hỗ trợ người dân trong giai đoạn này.

Hiện giá cả thịt heo liên tục tăng cao vì nguồn cung đang thiếu hụt, thế nhưng các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai lại cho rằng, hiện nguồn cung heo chưa quá khan hiếm như dự đoán vì tổng đàn heo của các doanh nghiệp chiếm 86% trên tổng đàn heo của Đồng Nai với khoảng 1,2 triệu con. Các công ty lớn trong tỉnh vẫn đang cung cấp ổn định số lượng ra thị trường. Cụ thể, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung ứng khoảng 3.000 con heo/ngày, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cung cấp 1.000 - 1.200 con/ngày, Công ty TNHH Sunjin Vina khoảng 300 con/ngày...

Không chỉ giữ được tổng đàn, các doanh nghiệp lớn đều đang có kế hoạch tăng đàn heo nái và heo thịt. Trong đó, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đang áp dụng biện pháp tăng trọng lượng để bù vào nguồn cung heo bị giảm. Theo đó, mỗi con heo của doanh nghiệp này bán ra thị trường đạt mức 110 - 130kg/con. Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) đã nhập thêm khoảng 8.000 con heo nái hậu bị về các trại ở Đồng Nai, để tăng đàn nái lên khoảng 10%. Còn Công ty TNHH Sunjin Vina (huyện Trảng Bom) hiện có tổng đàn nái khoảng 10.000 con và có kế hoạch tăng thêm trại heo nái với quy mô hàng ngàn con trên địa bàn tỉnh. Tương tự, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (chi nhánh tại KCN Long Khánh, TP Long Khánh) đang đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp xây trại chăn nuôi heo mới ở những khu vực đủ điều kiện an toàn sinh học để tái đàn heo.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo nái của tỉnh chỉ còn khoảng 200.000 con, giảm gần 100.000 con, nên sẽ khó thực hiện ngay việc tái đàn trong thời điểm này và tỉnh đang tập trung các giải pháp bảo vệ đàn heo còn lại và tái đàn an toàn nhằm ổn định nguồn cung trong thời gian tới; trong đó, nguồn cung chủ yếu hiện vẫn từ các công ty chăn nuôi lớn vì trong điều kiện hiện nay, chỉ các doanh nghiệp mới có điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực để thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp an toàn sinh học để tái đàn.

TIẾN MINH

Dân khốn khổ vì voi rừng ‘ghé thăm’

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Thời gian gần đây, người dân sống gần khu vực rừng thuộc hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) luôn trong cảnh lo lắng, đề phòng vì đàn voi rừng thường xuyên “ghé thăm”, phá hoại hoa màu, chòi rẫy.

Hơn hai tháng nay, anh Ma Văn Canh (huyện Buôn Đôn) luôn phải túc trực tại rẫy cả ngày lẫn đêm để canh giữ vườn sắn khỏi bị đàn voi rừng phá hoại. Rẫy nhà anh ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) nằm trong hành lang di chuyển của voi rừng nên chúng thường xuyên lui tới, nhất là vụ thu hoạch. Từ tháng 10-2019 đến nay, đàn voi rừng đến khu vực rẫy nhà anh Canh hai lần, mỗi lần đi cả đàn, số lượng lên đến vài chục con, có cả voi lớn lẫn voi con. Đàn voi ăn thì ít mà nghịch phá thì nhiều, chúng đi đến đâu, hoa màu bị giẫm đạp, chòi rẫy bị quật ngã đến đó.

Lúa nhà anh Y Dami Knul phải thu sớm do voi rừng giẫm phá.

Voi rừng thường xuất hiện vào chiều tối nên mới vào cuối chiều là người đi rẫy lo thu dọn đồ đạc về; đồng thời, cắt cử đàn ông ở lại chòi rẫy để canh đuổi voi. Voi rừng đi theo đàn và rất hung dữ, đã từng tấn công làm chết người. Khi phát hiện voi về, người dân sẽ hô hào cho những người xung quanh biết, phối hợp đuổi voi; hoặc điện báo cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk hay nhờ đội phản ứng nhanh tại địa phương giúp sức. Cách đuổi voi nhanh là bật nhạc, đốt lửa, soi đèn pin, dùng xoong nồi, trống chiêng khua đuổi liên tục cho đến khi chúng lùi vào rừng sâu. Tuy nhiên khi đói, đàn voi lại về rẫy kiếm thức ăn.

Bên tấm bạt lúa dính đầy bụi đất có nhiều hạt lúa lép vì phải thu hoạch sớm do voi rừng đến “thăm”, anh Y Dami Knul (buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho biết nhà có ba sào lúa nhưng chỉ thu được 5 bao thóc; số còn lại bị đàn voi vùi sâu dưới vũng bùn. Nếu không bị voi giẫm đạp, vụ lúa này, nhà anh thu trên 20 bao. Vụ lúa thất thu, gia đình anh Y Dami đang tập trung giữ diện tích sắn còn lại nhưng vẫn thấp thỏm không yên. Việc đàn voi “ghé thăm” phá hoại hoa màu đã không còn xa lạ với người dân buôn Đrăng Phôk. Voi rừng thích ăn ngô, sắn, lúa, mía...; chúng thường canh thời điểm cây ngô đóng hạt, lúa trổ đòng, cây sắn to củ để kéo về. Người dân cũng biết thời gian voi lui tới và đã chủ động đi canh ngừa nhưng không được. Do rẫy cách xa buôn làng, voi lại về ban đêm, dân làng bắt gặp đánh trống khua chiêng mạnh cỡ nào chúng vẫn lì lợm ăn phá cho chán mới chịu rời đi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4-7 đàn voi hoang dã với số lượng khoảng 80-100 cá thể. Quần thể voi hoang dã có đầy đủ cơ cấu bầy đàn voi đực, voi cái, voi con, voi trưởng thành và voi già.

Ông Y Tê Brông, Trưởng buôn Đrăng Phôk (xã Krông Na, Buôn Đôn) cho biết: Từ đầu tháng 8-2019 đến nay đã có tới 7 đợt voi rừng về phá hoại hoa màu của người dân trong buôn. Theo số liệu người dân trình báo, có khoảng 10 ha cây trồng bị đàn voi ăn, phá. Trước đây, voi rừng ít xuất hiện trong buôn nhưng vài năm gần đây, tần suất voi về ngày càng nhiều, có năm lên tới chục lần. Hiện chưa có biện pháp triệt để hạn chế voi về khu vực dân cư phá hoại cây trồng, chòi rẫy... nên người dân chỉ biết đề phòng, nếu thấy voi thì tập trung xua đuổi bằng các dụng cụ phát ra âm thanh, đảm bảo an toàn cho voi và người.

Voi rừng bị gặp nạn được Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cứu hộ, chăm sóc.

Theo điều tra sơ bộ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, vùng phân bố, sinh cảnh sống ổn định của voi hoang dã trong phạm vi diện tích khoảng 173.059 ha nằm trên hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Trong đó, sinh cảnh sống chính là những khu vực voi hoang dã thường xuyên cư trú, có diện tích 157.455,6 ha; khu vực voi hoang dã di chuyển kiếm ăn theo mùa có diện tích 15.603,4 ha.

Để giảm thiểu xung đột voi - người, Trung tâm đã mở nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn, hội thảo bàn các giải pháp bảo tồn voi hoang dã gắn với giảm thiểu xung đột voi - người trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông); làm bảng tuyên truyền tại các điểm nóng; phát hành nhiều tờ rơi, tài liệu tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo tồn voi và các giải pháp giảm thiểu xung đột voi - người đến với nhân dân, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển.

Thanh Thủy

Nhân nuôi bảo tồn cá cóc

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

Mới đây, 8 cá thể cá cóc Việt Nam đã được gửi từ Vườn thú Cologne (Đức) đã đến sân bay Nội Bài, đây là một trong những nỗ lực để chuyển giao cá cóc Việt Nam từ Đức về Việt Nam để nhân nuôi bảo tồn.

Các cá thể cá cóc Việt Nam đã được chuyển đến Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (Vĩnh Phúc) để nuôi cách ly và tạo nguồn con giống phục vụ nhân nuôi bảo tồn. Trong tương lai, cá cóc sinh sản tại Trạm đa dạng sinh học Mê Linh có thể sẽ được thả lại tự nhiên nhằm phục hồi quần thể của loài lưỡng cư quý hiếm này ở Việt Nam.

Cá cóc Việt Nam (Tylototriton vietnamensis) được mô tả là loài mới cho khoa học vào năm 2005 với mẫu chuẩn thu thập ở vùng đông bắc Việt Nam. Đây là một loài lưỡng cư quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam, có tên trong danh sách các loài động vật được bảo vệ theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ và được xếp ở bậc EN (nguy cấp) theo danh lục đỏ IUCN (2019). Loài này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng do sinh cảnh sống bị thu hẹp, suy thoái và bị khai thác quá mức để làm sinh vật cảnh.

Trong bối cảnh đó, Vườn thú Cologne (Đức) và Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã hợp tác nghiên cứu và bảo tồn loài động vật này từ năm 2008 đến nay. Các chương trình nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái, quan hệ di truyền và đánh giá hiện trạng quần thể được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của cả hai cơ quan. Kết quả nghiên cứu đã được sử dụng để xây dựng hồ sơ đưa loài cá cóc Việt Nam vào danh lục đỏ IUCN (năm 2016), phụ lục II CITES (năm 2019) và nghị định của Chính phủ (năm 2019), nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo tồn loài. Chương trình bảo tồn tại chỗ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương cũng đã được triển khai ở một số khu bảo tồn như Tây Yên Tử (Bắc Giang), rừng quốc gia Yên Tử và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh).

N.H

Nhân giống thành công chim Giang sen trong điều kiện nuôi bán hoang dã

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Kỹ sư Trần Văn Bạc, công tác tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười đã nhân giống thành công chim Giang sen trong điều kiện nuôi bán hoang dã với 11/14 cá thể được nuôi sống đến trưởng thành. Đề tài này vừa được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2018 - 2019).

Chim Giang sen 30 ngày tuổi.

Theo kỹ sư Bạc, Giang sen là loài chim thuộc danh mục cần quy tập và bảo tồn tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Khu bảo tồn) nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Đây là loài chim nằm trong sách đỏ Việt Nam thuộc nhóm IIB, có tên khoa học là Mycteria leucocephala. Trong những năm qua, Khu bảo tồn đã tiến hành quy tập được 12 cá thể bố mẹ. Tuy nhiên, do loài chim này sống và thích nghi với điều kiện nuôi bán hoang dã nhưng lại không sinh sản nên công tác quy tập và bảo tồn loài sinh vật quý hiếm này gặp không ít khó khăn.

Xuất phát từ thực tế trên, kỹ sư Bạc nảy sinh ý tưởng và bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu "Nhân giống chim Giang sen trong điều kiện bán hoang dã". Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 10/2016 đến tháng 3/2017. Trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu về đặc điểm sinh học của giống chim Giang sen, tác giả đã tiến hành các thử nghiệm nhằm tạo ra điều kiện tối ưu gần giống với môi trường sống tự nhiên để chúng có thể thích nghi và sinh sản. Theo kỹ sư Bạc, chim Giang sen sống trong môi trường tự nhiên, chúng thường kiếm ăn tại các đầm lầy, đồng ruộng với nguồn thức ăn chính là cá sống cùng một số động vật khác như tép, nhái, cua nhỏ… và thường làm tổ trên các cây rừng lớn như: Tràm lâu năm, gừa, gáo…

Cũng qua khảo sát thực tế, tác giả nhận thấy, trong quá trình quy tập tại Khu bảo tồn, loài chim này được nuôi nhốt trong nhà lưới và được cung cấp nguồn thức ăn chủ yếu là cá (đã chết) nên chúng ăn ít, dẫn đến suy dinh dưỡng, thể trạng kém. Ngoài ra, do không được bổ sung nguồn nguyên liệu tự nhiên vào đúng mùa sinh sản để chim bố mẹ xây tổ, tự ghép đôi, giao phối… là những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng. Từ đó, giải pháp kỹ thuật được tác giả đề xuất gồm: Chuồng nuôi được thiết kế theo kiểu nhà lưới với không gian đủ rộng để chim tự do bay lượn; đồng thời, bố trí hồ thả cá để làm mồi cho chim ăn (thay cho cá chết) và trồng cây xanh xung quanh chuồng kết hợp cung cấp một số nhánh cây khô như: Chuỗi đực, tràm, tre, keo gai… vào đúng mùa sinh sản nhằm tạo điều kiện cho đàn chim bố mẹ xây tổ, ghép đôi, giao phối và sinh sản. Đặc biệt, cần tạo không gian yên tĩnh để phù hợp với cuộc sống hoang dã của loài chim này.

Kết quả nghiên cứu của đề tài là từ 12 cá thể chim Giang sen trưởng thành ban đầu, kỹ sư Trần Văn Bạc đã cho sinh sản thành công 7 tổ chim với 14 cá thể chim non, trong đó, số lượng sống đến trưởng thành là 11 con.

Việc nhân giống thành công chim Giang sen trong điều kiện bán hoang dã đã góp phần bảo tồn loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam đang có nguy cơ tiệt chủng cũng như góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được áp dụng để nhân giống cho các loài chim khác có tập tính tương đồng với loài chim Giang sen như: Điêng điểng, Già đãi, Diệc xám, Diệc lửa…

Huỳnh Văn Xĩ

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop