Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 10 tháng 10 năm 2019

Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Bộ tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam

Nguồn tin:  Khuyến Nông TPHCM

Theo Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) định nghĩa nông nghiệp hữu cơ là phương pháp nuôi, trồng, chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào (như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hóa học, các loại phân hóa học, các chất kích thích sinh trưởng, kháng sinh tổng hợp, chất bảo quản hóa học,…), nhằm đặc biệt bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, duy trì và nâng cao sức khỏe con người trong các khâu từ canh tác, chế biến, phân phối đến tiêu dùng.

Với những đặc trưng đó, nên dù nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đi sau nhiều quốc gia và mới dừng lại ở dạng mô hình, nhưng đã có khắp trên các tỉnh thành cả nước và sản phẩm khá đa dạng phong phú từ chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, đến nuôi trồng thủy sản.

Để phát triển thế mạnh từng vùng và tìm ra sản phẩm trọng điểm về nông nghiệp hữu cơ cho thời gian tới, Việt Nam phải xây dựng hệ thống phân phối nông nghiệp hữu cơ chuyên biệt. Đây là cách để thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa, đặc biệt cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, đảm bảo nhu cầu ngày càng lớn của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, cần có hệ thống chứng nhận, giám sát nông nghiệp hữu cơ chặt chẽ,… Đó cũng là một trong những lý do để Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Bộ tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ. Đây là Bộ tiêu chuẩn đầu tiên của Việt Nam dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bộ tiêu chuẩn có quy định đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Nội dung các tiêu chuẩn, đưa ra nhiều nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ từ trang trại (như giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing) và các yêu cầu đối với vật tư đầu vào (như: phân bón, yêu cầu về ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh cây trồng, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến).

Mục tiêu của Bộ tiêu chuẩn nhằm bảo vệ người tiêu dùng tránh bị lừa dối, gian lận trong thương mại và tránh công bố sản phẩm vô căn cứ; Bảo vệ cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ trước việc các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương thức khác bị hiểu sai là hữu cơ. Mặt khác, Bộ tiêu chuẩn cũng là cơ sở bảo đảm các giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và marketing,… đều được kiểm tra và tuân thủ theo tiêu chuẩn quy định. Hài hòa các điều khoản về sản xuất, chứng nhận, nhận biết, ghi nhãn đối với sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ,… Được thực hiện trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển (như Mỹ, EU, Nhật Bản,...).

Bộ tiêu chuẩn Quốc gia nông nghiệp hữu cơ này được xác định là cơ sở quan trọng để nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp thực hành nông nghiệp hữu cơ áp dụng và thực hiện.

M.Hiếu

Phú Yên: Nông dân làm giàu nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

Mô hình Chăn nuôi cá chình bông thương phẩm trong hồ xi măng giúp nông dân huyện Tuy An có điều kiện thoát nghèo. Ảnh: NGỌC HÂN

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều dự án, mô hình đồng hành cùng ND trong nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

“Việc ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất đã giúp ích rất nhiều cho hội viên, bà con ND trong tỉnh”, Chủ tịch Hội ND tỉnh Lê Đủ khẳng định.

Khi ND làm chủ công nghệ

Nhẩm tính lại hiệu quả về mặt kinh tế của việc ứng dụng tiến bộ KH-CN trong sản xuất bắp và chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua trong chăn nuôi bò, ông Nguyễn Văn Thành ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), chia sẻ: “Gia đình tôi đã nuôi bò nhiều năm, lúc trước chủ yếu dùng cỏ, rơm rạ để cho bò ăn nên việc trữ cỏ cho mùa khan hiếm rất cực. Từ khi tôi được tiếp cận với việc dùng thức ăn ủ chua để vỗ béo bò, đàn bò ăn nhiều hơn, ngủ ngon, đường tiêu hóa ổn định và tăng trọng tốt. Sau thời gian vỗ béo bằng thức ăn ủ chua, bò tăng trọng với mức tăng gần 1kg/ngày/con nên bà con chúng tôi rất phấn khởi khi áp dụng kỹ thuật nuôi mới này”.

Còn theo ông Nguyễn Duy Trinh ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi vịt trời và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay đàn vịt của gia đình ông có hơn 3.000 con; mỗi tháng xuất bán khoảng 500 con vịt thương phẩm; bình quân mỗi con nặng từ 1,8-2,5kg, được bán với giá 150.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 250-300 triệu đồng từ việc xuất bán vịt thương phẩm. Theo kinh nghiệm của ông Trinh, để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng thì vịt trời nên được chăn thả tự nhiên.

“Khi vịt được một tháng tuổi thì bắt đầu cho ăn bắp, chuối, rau muống… Vịt trời ăn ít, chỉ khoảng 10% khẩu phần ăn của vịt nhà. Từ khi nở ra đến khi xuất bán, chi phí thức ăn cho mỗi con vịt trời khoảng 50.000 đồng. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm chuồng trại để tăng đàn, kịp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”, ông Trinh nói.

Hành động tập thể

Để giúp ND ứng dụng KH-CN, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, thời gian qua, các cấp Hội ND đã thực hiện nhiều phần việc thiết thực. Ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết: “Thông qua hoạt động phong trào, các cấp Hội phối hợp với ngành Nông nghiệp, KH-CN, các doanh nghiệp, trung tâm, trường dạy nghề tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi cho hàng trăm ngàn lượt hội viên, ND…

Từ đó thay đổi nhận thức, cách làm trong ND về chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng của địa phương và nguồn đầu tư của gia đình. Đồng thời phối hợp tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản cho ND, kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua các lớp tập huấn, hầu hết ND được hiểu biết thêm nhiều quy trình kỹ thuật mới để từng bước áp dụng vào tình hình thực tiễn của mỗi hộ gia đình, tạo thêm công việc mới cho lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhiều dự án, mô hình được triển khai như: Dự án Chế biến thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua cung cấp cho chăn nuôi bò trong các nông hộ và trang trại; dự án Nhân giống và sản xuất chuối theo hướng công nghiệp ở vùng trung du; mô hình Chuỗi liên kết rau an toàn; mô hình Nuôi trâu đàn kết hợp dịch vụ; mô hình Sản xuất bánh tráng theo dây chuyền công nghiệp…

Nhiều năm trồng sắn, bắp trên rẫy của gia đình nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, năm 2010, ông Trần Hữu Luật quyết định vay vốn mua thêm đất, đầu tư trồng mía, cao su và một số cây nông nghiệp ngắn ngày. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, chất lượng đường từ cây mía và mủ cao su ngày càng được nâng lên, đem lại thu nhập cao, giúp kinh tế gia đình ông ổn định. Hiện trang trại gia đình ông có 6ha mía, 3ha cao su, 2ha lúa nước, bắp và một ao cá rộng 500m2 kết hợp với phục vụ tưới tiêu. Bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí, ông Luật thu về hơn 400 triệu đồng; 6 lao động làm việc thường xuyên cho ông có mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình Trồng mía hàng đôi gắn với dịch vụ cơ giới hóa, gia đình ông Huỳnh Khắc Vũ ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), mỗi năm thu nhập trên 1 tỉ đồng. “Gia đình tôi áp dụng kỹ thuật trồng mía hàng đôi bằng máy nên số lượng mía “đứng” rẫy nhiều hơn hẳn, mía mọc đều, hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí thuê lao động. Mô hình ứng dụng công nghệ cơ giới hóa được đông đảo bà con học theo. Khả năng vụ này năng suất mía bình quân của tôi vượt 100 tấn/ha, cá biệt có những ruộng mía thâm canh có thể chạm mức 150 tấn/ha”, ông Vũ nói.

Ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội ND tỉnh: Trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngoài các định hướng mang tính đột phá mà tỉnh đã đề ra thì yếu tố “người ND kiểu mới” đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, ND phải tổ chức được “hành động tập thể” theo quy trình sản xuất chung. Kèm theo đó, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại của ND phải được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng sản phẩm… Để làm được điều này, các hộ ND cần áp dụng kỹ thuật tiến bộ, xây dựng quy trình kỹ thuật, liên kết sản xuất chứ không theo kiểu đơn lẻ, mang tính cá nhân như lâu nay.

NGỌC HÂN

Phát huy tiềm năng kinh tế vườn cây ăn trái đặc sản

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Nhằm phát huy các tiềm năng đất đai, lao động, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, Tiền Giang đã mở rộng diện tích vườn trồng cây ăn trái các loại lên trên 77.000 ha, vượt 4,74% so với mục tiêu đề ra vào năm 2020. Hàng năm, sản lượng trái cây các loại đã đạt trên 1,5 triệu tấn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Kinh tế vườn là thế mạnh của địa phương, trong đó nhiều sản phẩm như: Sầu riêng, thanh long, bưởi da xanh… là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được vùng chuyên canh khóm 16.660 ha trên vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), mỗi năm cho sản lượng gần 277.000 tấn; vùng chuyên canh sầu riêng trên 11.600 ha, sản lượng thu hoạch trên 254.000 tấn/năm; thanh long gần 7.000 ha, sản lượng trên 194.000 tấn/năm… Trong đó, có gần 670 ha cây ăn trái đặc sản được công nhận đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Mới đây, trong tháng 8/2019, tỉnh đã công bố chỉ dẫn địa lý "Sầu riêng Cai Lậy" do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy.

Đáng chú ý, thực hiện mục tiêu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi địa bàn khó khăn phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã khuyến khích nông dân phát triển diện tích cây ăn trái đặc sản trên vùng Đồng Tháp Mười, vùng ven biển Gò Công nhiễm mặn và vùng ngập lũ phía thượng nguồn sông Tiền với những cây trồng thích hợp, cho hiệu quả kinh tế cao, vừa phù hợp đặc thù thổ nhưỡng địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm chuyển giao kỹ thuật canh tác, cập nhật những biện pháp canh tác tiên tiến cho nông dân thông qua các cuộc hội thảo, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm trình diễn, thâm canh theo hướng GAP… Đặc biệt là xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản có lợi thế của địa phương như: Thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, bưởi da xanh... gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa nhằm nâng sức cạnh tranh của nông sản, tạo nguồn hàng chất lượng cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nông dân Võ Văn Nhì, cư ngụ xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, trồng 3.000m2 bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP cho biết, diện tích trên chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp, bấp bênh sang trồng bưởi da xanh - một loại trái cây đặc sản, cho chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng. Ba năm qua, ông tham gia Tổ hợp tác trồng bưởi da xanh VietGAP Đạo Thạnh. Theo ông Nhì, áp dụng các tiêu chí VietGAP, nông dân trồng bưởi da xanh thu được nhiều điều lợi, mà điều lợi lớn nhất là có được sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc, đạt độ đồng đều và được thương lái mua với giá cao. Với 3.000m2 bưởi da xanh VietGAP, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông còn lãi ròng gần 200 triệu đồng.

Còn ông Huỳnh Thanh Lê, cư ngụ ấp 9, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, chuyển đổi 1 ha đất vườn tạp sang trồng chuyên canh sầu riêng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông đạt sản lượng 30 tấn, bán giá 50.000 đồng/kg, thu 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1 tỷ đồng. Nhờ cây trồng đặc sản mà những nông dân nghèo khó trước đây như ông Võ Văn Nhì, Huỳnh Thanh Lê… đã vươn lên làm giàu, kinh tế gia đình ngày càng ổn đinh.

Minh Trí

Bến Tre: Bình Đại trồng mới hơn 40ha dừa

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Từ đầu năm 2019 đến nay, nông dân tại các địa phương trên địa bàn huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) đã trồng mới được khoảng 40ha dừa (tập trung tại các xã thuộc tiểu vùng I và II), nâng tổng số dừa toàn huyện hiện có 7.562ha. Hiện diện tích dừa cho trái chiếm trên 6.800ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 55 triệu trái, đạt hơn 83% kế hoạch năm và tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện dự án cải tạo diện tích dừa kém hiệu quả và hình thành mô hình vườn dừa mẫu thâm canh tăng năng suất, dự án trồng dừa hữu cơ, trong đó đẩy mạnh thực hiện hiệu quả mô hình liên kết từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm dừa. Hiện huyện đã thành lập được nhiều tổ hợp tác trồng dừa và xây dựng được 2 chuỗi sản xuất trái dừa tại các xã: Vang Quới Đông, Thới Lai, Phú Vang, Lộc Thuận, Phú Long, Thạnh Trị.

Từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành đẩy mạnh vận động, khuyến khích người dân chú trọng phát triển và tập trung chăm sóc tốt vườn dừa, nhằm phấn đấu đạt sản lượng 66 triệu trái dừa theo kế hoạch đề ra.

Thanh Hương

Phú Thọ: Đoan Hùng vào mùa thu hoạch bưởi

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Những ngày mùa thu, tiết trời mát mẻ là thời điểm vùng đất trung du Đoan Hùng (Phú Thọ) vào mùa thu hoạch bưởi. Ở khắp các làng quê, không khí tấp nập thu hái bưởi làm dậy lên niềm vui mùa quả bội thu của những người trồng bưởi từ bao đời nay bên dòng sông Lô.

Cây bưởi vốn là cây đặc sản ở vùng đất Đoan Hùng. Từ xa xưa, bưởi Đoan Hùng vốn nổi tiếng khắp vùng, được thị trường gần xa ưa chuộng. Dựa vào thế mạnh và tiềm năng của cây bưởi, trong những năm gần đây, huyện Đoan Hùng đã phát triển mạnh diện tích cây bưởi ở hầu khắp các xã như Chí Đám, Tây Cốc, Phương Trung, Bằng Luân, Hữu Đô, Đại Nghĩa, Chân Mộng, Phúc Lai… Bưởi Đoan Hùng là một trong số 75 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp vừa được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao giải thưởng “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”. Đây là lần thứ 3 bưởi đặc sản Đoan Hùng tiếp tục được vinh danh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Những giống bưởi quý được trồng với diện tích lớn trong khu đất vườn của các hộ dân ở Đoan Hùng như bưởi Sửu xanh, bưởi Khả Lĩnh, bưởi đào, bưởi Xuân Vân… Trong đó, nổi tiếng nhất là hai vùng đất bưởi Chí Đám và Bằng Luân. Ngày 8/2/2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân của Đoan Hùng. Tên gọi xuất xứ hàng hóa bưởi Đoan Hùng là tài sản Quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam kể từ ngày đó.

Để có những mùa bưởi bội thu, người dân Đoan Hùng quý và chăm sóc cây bưởi đặc sản còn hơn cả chăm sóc mình. Trong mỗi khu vườn, người ta chặt bỏ những cây cao, rợp bóng để tạo khoảng không cho bưởi dại nắng. Chủ nhân của những vườn bưởi ngày ngày tưới nước, bón phân và chăm sóc cho từng gốc bưởi. Họ coi bưởi là loài cây đã gắn bó với con người và mảnh đất này từ bao đời nay, vì thế, không thể để mất đi giống bưởi quí, giống bưởi sẽ giúp họ phát triển kinh tế vườn một cách hiệu quả. Vào mùa bưởi trổ hoa, người dân dường như mất ăn mất ngủ để chăm chút cho từng nụ. Công việc thụ phấn cho bưởi, phun thuốc giữ hoa và tưới nước là công đoạn hết sức tỉ mỉ, kiên trì và khoa học, nếu sơ sẩy hay lơ đãng một chút là có thể mất đi một vụ bưởi.

Để có được trái bưởi ngọt và căng mọng nước vào thời điểm cuối thu, người dân đất bưởi phải trải qua những tháng ngày “đơm hoa kết trái” cùng bưởi. Những kỹ thuật được các chủ vườn thuộc trong lòng bàn tay như thụ phấn, giữ quả, bón phân, tách bớt quả, ngắt lá và đến thời điểm bưởi xuống đường thì phải thu hoạch, nếu không tôm bưởi sẽ khô và mất giá. Cần cù, miệt mài và say sưa với nghề trồng bưởi vốn là phẩm chất của những người nông dân chân chất ở vựa bưởi Đoan Hùng. Với họ, cây bưởi cùng họ mưu sinh, cùng họ phát triển kinh tế. Vì thế, nếu không bỏ công chăm sóc bằng chính cái tâm của mình, chắc hẳn bưởi sẽ chẳng cho những vụ bội thu như hôm nay.

Mùa bưởi bội thu của người dân Đoan Hùng.

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Đoan Hùng có 2.346,6ha bưởi. Trong đó, bưởi đặc sản hiện có là 1.399,2ha (bưởi Sửu 536,4ha, bưởi Bằng Luân 862,8ha). Diện tích bưởi đã cho sản phẩm trên địa bàn khoảng 1.500ha. Tính riêng năm 2018, sản lượng quả đạt khoảng 16.000 tấn (bưởi đặc sản khoảng 11.000 tấn), giá trị sản phẩm đạt khoảng 260 tỷ đồng. Theo ước tính của người dân, mùa bưởi năm 2019, mỗi cây bưởi có tuổi từ 10 – 15 năm sẽ cho từ 300 – 350 quả. Thời điểm vào mùa, giá bưởi giao động từ 20.000 – 35.000 đồng/quả, tùy vào kích cỡ và loại bưởi. Nhờ thế, cây bưởi trở thành cây trồng thoát nghèo của người dân Đoan Hùng. Mỗi mùa bưởi được thu hoạch, mỗi hộ dân nơi đây có thu nhập vài trăm triệu đồng. Có khi, bưởi mới ra nụ, đã có thương lái ở khắp mọi nơi về đặt hàng, họ đặt cọc cả cây rồi họ tự tay chăm sóc bưởi đến ngày hái quả. Vì thế, về Đoan Hùng hôm nay, diện mạo vùng quê vốn xưa kia nghèo khó đã thay đổi hẳn, nhà cao tầng, đường bê tông, trường học, trạm y tế đã được khang trang. Đặc biệt là mức sống của mỗi gia đình, của cộng đồng dân cư đã được nâng lên rõ rệt.

Mùa này, Đoan Hùng tấp nập thu hái bưởi. Khắp nơi, thương lái về mua bưởi để mang ra thị trường tiêu thụ. Bưởi Đoan Hùng là loại hoa quả sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được công nhận thương hiệu, bảo quản đơn giản trong thời gian dài, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng nên được thị trường gần xa ưa chuộng.

Về Đoan Hùng những ngày này, những trái bưởi dám nắng thu, vàng ươm đang gọi tay người hái, níu giữ lòng người, mùa thu hái “vàng xanh” ở vùng quê trung du. Ai ai cũng cảm nhận được tấm lòng thảo thơm và chân chất của người dân đất bưởi từ bao đời nay nặng lòng vun trồng cho những mùa quả bội thu.

Nguyễn Thế Lượng - Trường THPT Hạ Hòa - Phú Thọ

Phát triển vùng bưởi chuyên canh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, mới đây, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Kiều đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng trái bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững.

Khi thực hiện dự án sẽ giúp vùng bưởi da xanh huyện Long Mỹ đạt chất lượng VietGAP và nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm.

Hợp tác xã (HTX) Tiến Nông là nơi trồng đầu tiên và có diện tích bưởi da xanh nhiều nhất ở huyện Long Mỹ. Đến nay, HTX đã tăng quy mô diện tích lên 14ha chỉ sau 1 năm thành lập. Hiện tại, có hơn 6ha bưởi đã cho trái, năng suất đạt khoảng 7,5 tấn/ha. Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc HTX Tiến Nông, chia sẻ: “Huyện Long Mỹ đa số là đất phèn nên từ trước đến nay nông dân chỉ biết trồng mía, lúa. Từ khi Nhà nước và chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cây trồng, kết hợp cử cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học xuống đây cải tạo đất, ngọt hóa, rửa phèn, hướng dẫn người dân trồng cây có múi, nhờ vậy diện tích bưởi da xanh đã bắt đầu hình thành và tăng quy mô như hôm nay”.

Thành lập từ năm 2017, HTX đã được UBND huyện hỗ trợ bằng cách đặt hàng nhà khoa học đến nghiên cứu và xây dựng quy trình cũng như hướng dẫn sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 20ha. HTX Tiến Nông còn thường xuyên được ngành có liên quan tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để thành viên ứng dụng tốt vào cây bưởi, đặc biệt là liên kết tạo đầu ra ổn định cho trái bưởi. Phát huy những lợi thế, năm 2018 vừa qua, HTX Tiến Nông đã vận động người dân tham gia mô hình hợp tác sản xuất, tập trung phát triển diện tích trồng bưởi da xanh lên 17ha và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP theo hướng dẫn của các nhà khoa học.

Kế thừa những thành tựu mà địa phương, HTX đã dày công thực hiện, tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng trái bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Dự án hướng tới mục đích xây dựng mô hình canh tác phù hợp trên từng điều kiện nhóm đất để gia tăng năng suất, chất lượng tối đa nhất.

“Theo đó, chúng tôi sẽ xây dựng 4 mô hình canh tác phù hợp từng điều kiện nhóm đất như đất phù sa, đất phèn nhẹ, phèn nặng. Trong các mô hình sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để chất lượng trái bưởi đạt chuẩn VietGAP. Cuối cùng, sản phẩm của dự án ngoài việc cung ứng cho thị trường những trái bưởi chất lượng, còn có cả một hệ thống quy trình canh tác bưởi theo từng nhóm đất, gồm công thức phân, thuốc phù hợp, tiết kiệm nhất. Triển vọng của dự án là tạo ra những trái bưởi mang hương vị đặc trưng của tỉnh Hậu Giang, chất lượng tốt hơn so với cách trồng thông thường mà nông dân đã từng làm”, bà Nguyễn Thị Kiều chia sẻ.

Theo chân nhà khoa học, chúng tôi đến huyện Long Mỹ để tìm hiểu quá trình chuyển đổi mô hình nông nghiệp theo định hướng của dự án. Ở đây, những vườn bưởi xanh um lá, xa xa những vườn khác thì đang trĩu trái thay thế những ruộng mía, ruộng lúa kém hiệu quả kinh tế ngày nào. Chỉ vào những liếp đất cao ráo, ông Trần Văn Tôn chia sẻ thêm: “Cán bộ kỹ thuật đã đến đây lấy mẫu đất để xét nghiệm xem có bị nhiễm kim loại nặng hay không. Còn những mô đất trồng bưởi thì đã được cải tạo phèn, bổ sung phân hữu cơ từ những ngày đầu xuống giống. Nhờ vậy, mấy cây bưởi phát triển tốt mà không cần bón nhiều phân hóa học hay xịt nhiều thuốc”.

Bà Kiều cho biết thêm: Thực hiện dự án, chúng tôi sẽ chọn một số vườn đối chứng đã trồng trước của người dân, cùng với đó xây dựng 4 khu vườn mới bằng cách xử lý đất, cải tạo dư lượng kim loại nặng, bón bằng phân hữu cơ oai từ phế phẩm nông nghiệp; xử lý chế phẩm hòa tan lân, cố định đạm… Kết hợp bón phân cân đối để nâng pH đất nhằm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây bưởi da xanh. Ngoài ra, còn có nấm Trichoderma.sp giúp đối kháng bệnh cho cây. Điểm mới của dự án là có tích hợp phần mềm kipus, hướng dẫn bà con sử dụng phần mềm trong quá trình đăng ký sản phẩm bưởi VietGAP. Phần mềm này sẽ cập nhật tất cả những bước làm, thời gian bón phân, liều lượng phân bón của nông dân nhằm tăng tính minh bạch của sản phẩm khi cung ứng cho người tiêu dùng. Phần mềm này còn giúp tăng giá trị cho sản phẩm bưởi VietGAP của nông dân, giúp tạo sự khác biệt giữa sản phẩm thông thường và bưởi đạt chuẩn VietGAP.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ thì bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh, huyện thì địa phương cũng đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân huyện phát triển vùng cây có múi. Thông qua các đề tài, dự án, người dân được tập huấn và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, vốn chương trình mục tiêu, huyện cũng hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, chi phí giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Ngoài ra, khi nông dân hay HTX có phương án sản xuất về lĩnh vực nông nghiệp thì có thể vay vốn ưu đãi. Nhờ vậy, diện tích trồng cây bưởi của nông dân và HTX tại huyện đã tăng lên hơn 80ha như hiện nay.

Theo Bí thư Huyện ủy Long Mỹ Lê Hữu Phước, huyện đã đề ra Chương trình phát triển, quy hoạch vùng chuyên canh cho cây bưởi trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có múi ở những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Huyện cũng thường xuyên quan tâm và mời nhà khoa học về hỗ trợ giúp nông dân sản xuất chuyên canh cây có múi gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm bưởi da xanh của huyện Long Mỹ. Mong rằng, tới đây bưởi da xanh huyện Long Mỹ sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Hiện nay, trên thị trường cả nước, bưởi da xanh luôn được giá và hút hàng. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở huyện Long Mỹ cũng đã bắt đầu chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh. Vì vậy, việc ứng dụng kỹ thuật mới sẽ rất phù hợp với xu hướng hiện nay. Hy vọng, khi dự án kết thúc, ngoài 40ha bưởi da xanh mà dự án thực hiện đạt chuẩn VietGAP thì trên địa bàn huyện Long Mỹ sẽ có nhiều nông dân ăn nên làm ra với cây bưởi. Vùng đất phèn khó khăn Vĩnh Viễn nói riêng và huyện Long Mỹ nói chung sẽ khá hơn nhờ cây ăn trái.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Vị thế nào cho cây ca cao? (Kỳ 1)

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sản xuất ca cao có hương vị tốt nhất thế giới. Hiện nay, sản xuất ca cao trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua của các đơn vị trong và ngoài nước để chế biến, xuất khẩu. Thế nhưng diện tích ca cao thì vẫn không tăng mà còn có xu hướng giảm dần, khó phục hồi. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Kỳ 1: Nhiều lợi thế phát triển nhưng khó cạnh tranh

Mặc dù cây ca cao có lợi thế lớn khi được các doanh nghiệp thu mua, chế biến ca cao trong và ngoài nước “săn” hàng, tuy nhiên do phát triển sau nên phải cạnh tranh khốc liệt với các loại cây công nghiệp khác trên đất Tây Nguyên.

Khẳng định giá trị

Cây ca cao có mặt ở Việt Nam khá sớm (khoảng cuối thế kỷ 19), trong đó có Đắk Lắk. Nhưng mãi đến năm 2007, khi Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ được triển khai thì cây ca cao mới thực sự có chỗ đứng trên vùng đất Tây Nguyên và một số tỉnh khác. Và cũng từ đó, sản lượng cũng như chất lượng ca cao tăng lên, góp phần đưa giá trị hạt ca cao của Việt Nam vượt qua Indonesia và được xếp vào nhóm nước có chất lượng sản phẩm cao như Brazil, Ghana, Bờ Biển Ngà. Đã có rất nhiều hộ nông dân trồng thành công cây ca cao và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đơn cử như HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt (thôn 4, xã Ea Sar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk). Thành lập từ năm 2011, hoạt động của HTX đã có những bước phát triển vượt bậc với cây ca cao.

Ông Đường Văn Đình, Giám đốc HTX cho biết, nhận thấy hạt ca cao là sản phẩm tiềm năng ở vùng đất này nên ông lựa chọn cây ca cao để phát triển, đồng thời hướng dẫn nông dân canh tác theo quy trình Chứng nhận quốc tế UTZ và Thương mại công bằng (Fairtrade). Để phát triển bền vững, HTX đứng ra cung ứng cả đầu vào (giống, phân bón, quy trình chăm sóc…) và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông dân. Chính yêu cầu cao của đối tác là động lực cho các thành viên HTX chăm sóc tốt vườn cây, giúp năng suất ca cao của HTX tăng cao, đạt bình quân 2 - 2,5 tấn/ha.

Nông dân trồng ca cao ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) chăm sóc vườn cây.

Theo Cục Trồng trọt, thời gian qua, mặc dù diện tích có sụt giảm, nhưng hiện nay ca cao đang có những tín hiệu rất tốt và có triển vọng. Đặc biệt, hạt ca cao Việt Nam đã được vào danh sách ca cao có hương vị tốt hàng đầu thế giới do Tổ chức Ca cao thế giới (ICO) công nhận vào năm 2015. Hiện trên thế giới có 60 nước sản xuất ca cao, nhưng để đạt được danh hiệu này không phải là nhiều. Đây là lợi thế rất lớn để Việt Nam tham gia vào các nước sản xuất ca cao hương vị chất lượng cao.

Hiện cả nước có 2 đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận UTZ, với 286 hộ, 285 ha và sản lượng 330,3 tấn tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre. Ngoài ra, về chứng nhận nhà máy chế biến xuất khẩu ca cao hạt có 1 đơn vị, về chứng nhận chế biến chocolate và sản phẩm tiêu dùng 4 đơn vị, nhà thương mại 8 đơn vị.

Ngoài ra, ca cao Việt Nam còn đứng trước cơ hội lớn nữa là nhu cầu về các sản phẩm ca cao trên toàn thế giới đang tăng cao. Thêm vào đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á xuất khẩu hạt ca cao lên men và có vị thế chiến lược để đáp ứng nhu cầu hạt ca cao lên men cho các nhà sản xuất chocolate… Hiện ca cao Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm tấn hạt ra thị trường thế giới, trong đó có thị trường khó tính như Nhật Bản. Đây chính là những tiền đề tốt cho việc phát triển cây ca cao trong tương lai.

Chưa tìm được chỗ đứng

Ban điều phối Phát triển Ca cao Việt Nam cho biết, việc phát triển diện tích ca cao Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, đỉnh cao về diện tích ca cao đạt được là vào năm 2012, với 25.700 ha, sau đó diện tích liên tục giảm và đến năm 2018 còn 5.833 ha, giảm 19.867 ha, bằng 22,7% so với năm 2012. Tỉnh Bến Tre có diện tích giảm nhiều nhất, hiện có 345 ha, giảm 9.655 ha, tiếp đó là Đắk Lắk hiện còn gần 1.400 ha, giảm trên 1.000 ha so với cuối năm 2012. Ngoài ra một số tỉnh có diện tích giảm nhiều gồm Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

Hạt ca cao lên men được phơi sấy trên hệ thống giàn phơi để bảo đảm chất lượng hạt.

Nguyên nhân là do giá ca cao biến động và ở một số thời điểm xuống thấp vào cuối năm 2012 đến năm 2013, trong khi đó một số cây trồng như bưởi da xanh, sầu riêng, dừa, cam… tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị kinh tế cao hơn hẳn ca cao; ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ các cây trồng có hiệu quả cao như sầu riêng, bơ... nên người nông dân đã chuyển cao ca sang trồng cây khác. Ngoài ra, một số vùng sản xuất ca cao chưa phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai, điều kiện canh tác, những năm đầu phát triển chủ yếu dự vào các dự án tài trợ của nước ngoài vào một số địa phương.

Điều đáng nói là mục tiêu và địa bàn mà các dự án thường hướng đến là đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn; quy mô sản xuất nhỏ; hướng dẫn kỹ thuật chưa thấu đáo; trồng phân tán, nhỏ lẻ, khó đầu tư thâm canh. Vì vậy, một số diện tích sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp; một số diện tích trồng trong vùng không thích hợp thường xuyên thiếu nước vào mùa khô (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), nhiễm phèn mặn (Đồng bằng sông Cửu Long). Trong khi đó, chính sách hỗ trợ phát triển ca cao chưa nhiều và đủ mạnh để thúc đẩy sản xuất ca cao, liên kết sản xuất phát triển.

Theo Sở NN-PTNT, hiện Đắk Lắk đang dẫn đầu cả nước về diện tích ca cao, tuy nhiên vẫn không thể cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với cây tiêu, cà phê và hiện tại là các loại cây ăn trái, nhất là bơ, sầu riêng. Do đó, diện tích ngày càng giảm và phát triển cây ca cao đã không đạt mục tiêu đề ra từ năm 2015 theo Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND về phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh, đó là diện tích trồng đạt 6.000 ha, trong đó 2.000 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 2.800 đến 3.000 tấn.

(còn nữa)

Minh Thuận - Hoàng Tuyết

Cần giải pháp phát triển bền vững cây cao su

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá mủ giảm, nông dân ít chăm sóc nên vườn cây dịch bệnh, phát triển không đồng đều...

Ông Lê Công Đầu, ở thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) áp dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene. Ảnh: Phan Tuấn

Mất ổn định vì mất giá

Một thời được mệnh danh là “vàng trắng”, cây cao su đã giúp cho không ít nông dân đổi đời, vươn lên làm giàu. Nhưng rồi cũng chính cây cao su đã khiến nhiều nông dân phải ngậm ngùi rơi vào cảnh thua lỗ, phá bỏ vườn cây để chuyển đổi sang cây trồng khác. Thậm chí, có nhiều gia đình còn bỏ bê, không màng chăm sóc cây cao su nữa. Anh Hoàng Văn Núi, thôn 3, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) là người đã gắn bó với cây cao su hàng chục năm nay.

Vào các năm 2013-2014, khi giá mủ cao su còn ở mức cao, gia đình anh có 3 ha cao su, đem lại nguồn thu khá lớn. Thế nhưng, sau đó vài năm, giá mủ cao su liên tục hạ, làm cho đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là việc duy trì phát triển vườn cây. Anh Núi nhớ lại: Có thời kỳ mỗi ngày gia đình tôi thu về 2-3 triệu đồng. Nhưng sau đó, giá giảm xuống còn khoảng 1/3 so với trước. Giá bán mủ không bù lại được tiền thuê công nên tôi đành bỏ bê, ít chăm sóc. Thay vào đó, tôi tập trung vào các loại cây khác. Đối với diện tích cao su mới trồng, gia đình tôi cũng chặt bỏ ngọn, dùng thân cây làm trụ cho cây tiêu.

Anh Hoàng Văn Núi thôn 3, xã Hưng Bình (Đắk R'lấp) chặt ngọn khoảng 1 ha cao su mới trồng, lấy thân cao su làm trụ cho tiêu leo

Cũng ở thôn 3, xã Hưng Bình, gia đình bà Lê Thị Lan cũng vừa chặt bỏ gần 1 ha cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác. Theo bà Lan, thực tế vườn cây của gia đình cũng đã già. Hơn nữa, do chăm sóc ít nên cao su bị bệnh nhiều. Giá mủ xuống thấp nên bà không có ý định trồng lại cao su mà chuyển sang một số loại cây khác theo hình thức xen canh.

Theo ông Võ Bá Nam, khuyến nông viên xã Hưng Bình, cây cao su trước đây đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nhưng hiện nay không còn được coi trọng do giá mủ giảm mạnh. Chính vì thế, việc nông dân chặt bỏ, chuyển đổi từ cao su sang cây trồng khác, không chú trọng chăm sóc vườn là thực trạng chung trên địa bàn xã. Thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã đã có khoảng 25 ha cao su bị chặt bỏ, hiện chỉ còn khoảng 991 ha.

Nhiều nông dân xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) vẫn bám trụ với cây cao su dù giá xuống thấp. Ảnh: Văn Biên

Đắk R’lấp là địa phương có diện tích trồng cao su lớn nhất trong tỉnh từ nhiều năm nay. Theo đó, giai đoạn từ 2010-2014, diện tích cao su của địa phương này tăng mạnh, đạt 8.329 ha. Sau đó, do giá mủ cao su hạ, nên diện tích cây trồng này lại giảm mạnh hàng năm, hiện còn 6.766 ha (giảm 1.563 ha), trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh là 6.100 ha. Sản lượng mủ năm 2018 đạt 10.300 tấn, giảm khoảng 1.000 tấn so với năm 2017.

Không chỉ ở Đắk R’lấp, khoảng 3 năm nay, khi giá mủ cao su giảm, nhiều vùng, nông dân đã chặt bỏ cây cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác. Cụ thể như tại Đắk Glong, nếu như năm 2016, huyện này có 1.850 ha cao su thì đến nay chỉ còn khoảng 726 ha. Tại huyện Tuy Đức, những năm qua, diện tích cao su cũng giảm hàng năm và hiện còn 5.539 ha...

Theo thống kê, sự phát triển của cây cao su trên địa bàn tỉnh những năm qua không ổn định. Cụ thể, giai đoạn từ 2010-2014 diện tích tăng mạnh từ 23.063 ha lên 31.311 ha. Nhưng từ 2015-2017 lại giảm mạnh, từ 31.311 ha xuống còn 26.348 ha. Năm 2018, diện tích cao su lại tăng lên và đạt 29.643 ha. Điều này cho thấy sự phát triển không đồng đều của loại cây trồng này mà nguyên nhân chính theo nông dân là do vấn đề thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thăm vườn cao su của nông dân tại xã Hưng Bình (Đắk R'lấp)

Vẫn còn tiềm năng để duy trì, phát triển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành đang tập trung thực hiện chủ trương thí điểm nghiên cứu các giống cao su phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh, từng khu vực làm cơ sở nhân rộng. Một thuận lợi là ngành cao su đã có các bộ giống phù hợp các tiểu vùng. Theo đó, ở Tây Nguyên là địa bàn ít ảnh hưởng của bão, không có mùa đông lạnh nên tiến hành trồng các giống cao su như PB 260, PB 255, RRIV 3, GT1, VM 515, RRIV 124, PB 312.

Ngày 2/8/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/ NQ-HĐND về Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với biến đổi khí hậu. Theo đó, đến 2020, tổng diện tích cao su toàn tỉnh là 30.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 24.000 ha, năng suất 1,5 tấn mủ/ha, sản lượng 36.000 tấn mủ/năm. Tầm nhìn đến năm 2030 vẫn ổn định 30.000 ha cao su, nâng diện tích cho thu hoạch lên 26.000 ha, nâng năng suất lên mức 2 tấn mủ/ha, sản lượng 52.000 tấn mủ/năm. Quy hoạch vùng trồng cao su tập trung ở 5 huyện gồm: Cư Jút, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong và Krông Nô.

Cơ quan chuyên môn cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cao su, không vì giá xuống thấp mà bỏ bê vườn cây, khi giá lên thì không thể phục hồi, khai thác hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đã có những động thái cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp chế biến mủ cao su, gắn với đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh có chủ trương phát triển cao su phải theo hướng tập trung, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp cũng tập trung cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao theo chuỗi giá trị và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm chế biến phù hợp nhu cầu tiêu thụ thị trường thế giới. Ngành chức năng, doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết với người dân có đất, hoàn thiện cơ chế liên kết hài hòa lợi ích giữa các bên để phát triển mô hình cao su đại điền, nhằm tăng cường các biện pháp cơ giới hóa, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư. Để ngành cao su phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, Nhà nước đang đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm cao su nguyên liệu trong nước.

Hồng Thoan

Trồng rau an toàn: Chưa giúp nông dân làm giàu

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Cùng với cây lúa và con tôm, rau màu cũng được xếp vào nhóm cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao và góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Trong đó, rau màu sản xuất theo phương thức an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm mức dư lượng kháng sinh... là hướng đi tất yếu và bền vững.

Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT tham quan mô hình trồng rau cần nước ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long).

Giá cả, đầu ra chưa ổn định

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình trồng rau sạch (với tổng diện tích sản xuất hơn 14.000ha) nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đơn cử như mô hình trồng rau trong nhà lưới của nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi); trồng ngò rí, cải rổ, hẹ… theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân TP. Bạc Liêu; trồng rau cần trong nhà lưới ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long)… Tuy nhiên, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn vẫn chưa thể giúp nông dân làm giàu bởi giá cả, đầu ra chưa ổn định.

Ông Trương Minh Bạch (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Chúng tôi trồng rau an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, điều đáng buồn là người tiêu dùng hay “đánh đồng” rau sạch và mua như giá các loại rau trồng theo phương thức cũ”.

Việc rau sạch khó tìm đầu ra ổn định, nguyên nhân cơ bản là thiếu mô hình quản lý để nâng cao giá trị cây màu. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, rau màu được sản xuất ở khu vực “vành đai xanh” của TP. Bạc Liêu không chỉ vượt trội về năng suất, mà còn đạt cả chất lượng. Tuy nhiên, người trồng rau màu luôn phải đối mặt với việc được mùa mất giá, và rau màu của TP. Bạc Liêu phải núp bóng dưới danh nghĩa “nhập từ tỉnh ngoài”. Điển hình là nhiều cây màu sản xuất ở TP. Bạc Liêu như củ cải, xà lách, măng tây… khi đưa vào siêu thị phải mang tên “rau nhập từ Đà Lạt”. Bởi, theo quy định của các siêu thị, hàng hóa được bày bán ở đây phải có nguồn gốc, xuất xứ, sản xuất theo quy trình sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn làm được việc này, vùng sản xuất rau màu phải được quy hoạch, sản xuất theo quy trình, được cấp giấy chứng nhận rau an toàn.

Nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) trồng rau màu trong nhà lưới. Ảnh: C.L

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Để khắc phục những bất cập trên, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không sản xuất tràn lan, mà có sự chọn lựa gắn với việc sản xuất chuyên canh từng loại cây trồng. Bởi, vùng chuyên màu của TP. Bạc Liêu được mệnh danh là “vành đai xanh” có tổng diện tích sản xuất màu lớn nhất tỉnh với gần 4.000ha, cho tổng sản lượng gần 55.000 tấn/năm, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau màu. Không có quy hoạch cũng đồng nghĩa với việc chưa được đầu tư về hạ tầng, chưa thể sản xuất rau sạch, rau an toàn hay hình thành các vùng chuyên canh, và mạnh ai nấy trồng. Đây là nguyên nhân làm cho các siêu thị, doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa thể ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành quản lý vẫn chưa làm tốt công tác hỗ trợ và xúc tiến thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình “từ cánh đồng đến nhà máy”. Dù khuyến khích nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn nhưng đến nay các đơn vị có trách nhiệm vẫn chưa xây dựng được điểm bán rau sạch, rau an toàn. Do vậy, nhiều mô hình sản xuất rau sạch nhanh chóng bị phá sản, nông dân quay lại với kiểu sản xuất cũ.

Ông Lâm Đại Hoàng, người trồng rau sạch ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Rau trồng theo mô hình an toàn sinh học hay trồng theo cách truyền thống, nếu nhìn sơ qua thì thấy không có gì khác nhau. Vì vậy, ngành quản lý nên mở các điểm bán mặt hàng nông sản sạch hoặc có giấy chứng nhận, logo… để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn, và người trồng rau cũng đỡ phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Khôi Nguyên

Giá con dông tại Bình Thuận tăng cao, cung không đủ cầu

Nguồn tin: VOV

Đầu ra ổn định, cộng với giá thu mua tăng gần gấp đôi giúp người nuôi dông tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận thu lãi lớn.

Thời gian gần đây, thị trường đầu ra con dông thịt tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khá ổn định nhờ nhu cầu từ các nhà hàng, khách sạn tăng cao.

Hơn một năm nay, cứ hai đến ba tháng một lần, trang trại nhà anh Võ Nhân Tạo ở thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết lại xuất bán một lứa dông thịt, có trọng lượng từ 2-3 con/kg. Do nhu cầu tiêu thụ mạnh nên thương lái thường đến tận nhà để mua, giá lại khá cao, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi.

Anh Võ Nhân Tạo thường tận dụng rau củ quanh nhà để làm thức ăn cho dông.

Anh Tạo cho biết: “Dông được bán cho thương lái để họ bỏ cho các nhà hàng, resort. Đầu ra hiện đang tăng mạnh trong khi hàng thì không có, khan hiếm”.

Thị trường dông thịt tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết khá ổn định thời gian qua, giá bán cao. Cụ thể, dông có trọng lượng khoảng 2 con/kg, được thu mua ở mức từ 600.000 – 700.000 đồng/kg. Riêng dông có trọng lượng từ 8-10 con/kg thì được bán với giá từ 400.000 – 600.000 đồng/kg.

Nhưng hiện tại nguồn cung không đủ nhu cầu. Cả xã hiện chỉ còn khoảng 20 hộ nuôi dông thương phẩm, với diện tích hơn 10 ha. Một số ít hộ nuôi nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong gia đình.

Ông Trần Minh Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết cho biết: “Giá dông hiện đang tăng. Thị trường, nhu cầu cũng tăng mạnh so với những năm trước. Một số bà con hiện vẫn tiếp tục duy trì, giữ đàn và địa phương có kế hoạch khuyến khích phát triển đàn dông hiện có trên địa bàn cơ bản ổn định hơn”.

Chính quyền địa phương khuyến khích phát triển đàn dông nhưng phải có kế hoạch, không ồ ạt mở rộng chuồng nuôi để tránh việc cung vượt quá cầu như những năm trước./.

CTV Văn Thuận/VOV-TPHCM

Hòa Bình: Huyện Lạc Thủy phát triển thương hiệu gà Lạc Thủy

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Hòa Bình

Mô hình phát triển thường hiệu gà Lạc Thủy cho hiệu quả kinh tế cao

Nhằm duy trì, tạo nguồn gen gà quý và tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà đồi Lạc Thủy, huyện Lạc Thuỷ (tỉnh Hòa Bình) đã phối hợp nhân rộng mô hình nuôi gà bản địa với sự hỗ trợ của Viện chăn nuôi, Chi cục Thú y và các doanh nghiệp sản xuất con giống trên địa bàn. Từ đó góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện nhà.

Là giống gà địa phương được bà con nông dân huyện Lạc Thủy nuôi từ lâu, khi trưởng thành gà Lạc Thủy có ngoại hình gần giống với gà Mía (Sơn Tây), nhưng qua khảo sát đánh giá của các chuyên gia Viện Chăn nuôi, giống gà Lạc Thủy có một số điểm khác biệt và ưu điểm vượt trội hơn hẳn. Giống gà này là một trong những giống gà nội thuần nhất, đồng nhất về ngoại hình và có nguồn gen đặc hữu còn tiềm ẩn. Bộ lông mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong các dịp lễ, tết. Lông mọc sớm nên có sức đề kháng khá tốt với thời tiết, thích hợp nuôi cả 4 mùa trong năm. Gà con có bộ lông đồng nhất màu trắng ngà, tốc độ mọc lông “siêu nhanh”, chỉ sau 1 tuần tuổi đã mọc hết lông cánh, sau 4 tuần tuổi có thể phân biệt trống, mái qua đặc điểm ngoại hình. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của giống gà Lạc Thủy mà không giống gà nào khác có được. Khi trưởng thành, con mái có lông màu lá chuối khô nhạt, hơi giống với gà mía, trọng lượng khoảng 1,5kg; con trống có bộ lông màu mận chín, trọng lượng khoảng 2kg, chân nhỏ, da chân vàng, da thịt vàng, khá dễ nuôi và dễ tiêu thụ. Thời gian nuôi gà thịt khoảng 4 - 4,5 tháng, tỉ lệ nuôi sống khoảng 90- 93%. Gà chăn nuôi tốt ở phương thức nuôi nhốt và chăn thả, thích hợp với quy mô nuôi hộ gia đình, trang trại và bán trang trại.

So với những vật nuôi khác thì gà bản địa của Lạc Thủy có nhiều ưu điểm nổi trội đã nhanh chóng được thị trường đón nhận, mở ra hướng phát triển đầy hứa hẹn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao, những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã chuyển đổi diện tích vườn, đồi sang làm trang trại để nuôi gà. Mô hình này được nhân rộng ở khắp các thôn, xóm; nhiều hộ tập trung chăn nuôi gà với quy mô lớn, lên tới hàng nghìn, hàng vạn con mỗi năm. Hiện tại, trên địa bàn huyện có quy mô gần 1,0 triệu con với 235 trang trại, gia trại nuôi gà theo sản xuất an toàn. Phát triển chăn nuôi gà Lạc Thuỷ đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, điển hình như gia đình anh Trần Đình Liêm, thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm, gia đình anh Cao Văn Dân, Nguyễn Hồng Minh (xã Phú Thành), gia đình ông Trần Minh Quyến ở thôn Phú Thắng, xã Phú Thành. Hàng năm các gia đình duy trì nuôi 1.000 con gà mái đẻ, gà được nuôi nhốt kết hợp chăn thả giúp tận dụng diện tích đất vườn hiện có.

Có thể nói, thành công lớn nhất của những hộ nông dân nuôi gà Lạc Thủy chính là sự ủng hộ, tin dùng của người tiêu dùng trên khắp mọi miền đối với sản phẩm của mình, không chỉ ở giá thành hợp lý, mà chính là chất lượng sản phẩm. Gà Lạc Thuỷ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp Bằng bảo hộ chứng nhận tại Quyết định số 19793/QĐ-SHTT ngày 19/3/2019. Điều này không chỉ khẳng định thương hiệu gà Lạc Thủy trên thị trường mà còn mở ra nhiều cơ hội để đưa giống gà Lạc Thủy quê hương đến với đông đảo hộ gia đình chăn nuôi, giúp người nuôi gà gia tăng lợi nhuận về kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhờ vào nguồn gà giống mang gen bản địa chất lượng.

Để bảo tồn nguồn gen và phát triển giống gà quý hiếm của địa phương theo hướng chăn nuôi bền vững, huyện Lạc Thủy đang thực hiện các cơ chế hỗ trợ, các mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế; trích nguồn kinh phí ngân sách huyện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gà Lạc Thủy; tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục đầu tư mở rộng vùng sản xuất cũng như quy mô đàn để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, đưa sản phẩm gà Lạc Thủy đến với mọi miền của đất nước./.

Lê Huệ (CTTĐT)

Hiệu quả từ mô hình nuôi gà thả vườn

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Qua mô hình này cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao đời sống cho gia đình.

Nắm bắt được nhu cầu của người dân về gà thịt chất lượng cao, ông Phan Văn Đèo (ngụ tại ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đã quyết định nuôi gà ta thả vườn thay vì nuôi nhốt trong chuồng. Đây là một mô hình có rất nhiều ưu điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với diện tích 1 ha đất cao su, ông Đèo dành một phần xây thành những chuồng nhỏ để gà trú ngụ. Khi gà được khoảng 40 ngày tuổi sẽ thả ra ngoài để chúng tự do kiếm ăn. Như vậy, chất lượng gà sẽ tốt hơn.

Ông Phan Văn Đèo bên đàn gà thả vườn 3 tháng tuổi.

Khi mới bắt đầu nuôi, vì chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc gà thả vườn nên ông Đèo chỉ nuôi thử 500 con được lấy từ giống gà Đồng Nai, ông vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả và từ lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, ông nhận thấy nuôi gà ta thả vườn rất dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, đàn gà phát triển nhanh và đều.

Nuôi gà trong vườn còn tận dụng được nguồn phân bón trực tiếp cho 1 ha cây cao su của gia đình. Từ 500 con gà ban đầu, thấy nuôi có hiệu quả, gia đình ông Đèo mua thêm 500 con nữa về nuôi.

Theo ông Đèo, mô hình nuôi gà của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại không tốn nhiều công chăm sóc; thức ăn chủ yếu là cám, lúa, bắp, rau xanh, tiết kiệm được chi phí. Trong khi đó, vốn đầu tư chuồng trại nuôi gà thả vườn không cao, xung quanh nhà và khu chăn thả ông dùng các vật liệu như lưới thép B40, lưới nylon bao quanh chuồng trại và khu chăn thả, đảm bảo giữ nhiệt độ thích hợp thoáng mát cho đàn gà.

Ngoài thức ăn chính là lúa, cám, ông Đèo còn bổ sung thêm các loại rau. Ông chia sẻ, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn gà ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đặc biệt là giao thời giữa lứa cũ và lứa mới. Sau khi xuất bán phải vệ sinh kỹ chuồng trại, kiếm thêm rau xanh, chuối, các loại cây trong sân vườn để cung cấp thức ăn cho lứa gà mới nuôi…

Hiện tại, mỗi năm ông Đèo nuôi 2 đến 3 lứa, mỗi lứa khoảng 500 con trở lên. Theo ông Đèo, giống gà Đồng Nai nuôi rất thích hợp tại địa phương, thêm vào đó chất lượng thịt rất tốt, nguồn gốc con giống rõ ràng nên ông an tâm trong việc đầu tư nuôi. Thông thường, gà nuôi khoảng 4 tháng là có thể bán ra thị trường, nếu chăm sóc cẩn thận gà có thể đạt trọng lượng hơn 2kg/con. Hiện gà xuất chuồng ông bán khoảng 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg, những lúc cao điểm như lễ, tết giá tăng cao hơn, khoảng 100.000 đồng/kg và được thương lái đến đặt mua tại nhà.

Với mô hình chăn nuôi mới này, thu nhập của gia đình ông Đèo luôn ổn định và phát triển. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 80 đến 120 triệu đồng.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà thả vườn của ông Đèo mang lại mới chỉ là bước đầu. Điều đáng nói, gia đình ông Đèo đã mạnh dạn đầu tư và nuôi thành công giống gà Đồng Nai thả vườn với quy mô lớn ở địa phương. Đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Thạnh Tây. Qua mô hình này cũng cho thấy, người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao đời sống cho gia định, góp phần tạo thêm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng ở địa phương.

Đức Thịnh

Anh tài xế làm giàu nhờ nuôi cà cuống

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Nhiều năm làm tài xế nhưng bệnh nghề nghiệp buộc anh Cao Nguyễn Đô Lăng (ngụ ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang) phải tìm hướng đi mới cho cuộc đời. Gần 3 năm trước, con cà cuống đến với anh Lăng như một cơ duyên để rồi giờ đây cà cuống giúp anh kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Con cà cuống.

Thành công từ lần nuôi đầu tiên

Anh Lăng kể, những năm trước, anh làm tài xế cho một công ty trên địa bàn. Nhiều năm theo nghề, lưng anh thường xuyên đau nhức, ảnh hưởng đến công việc. Vốn xuất thân gia đình nông dân, trong lúc nghề tài xế có khả năng không thể theo đuổi tiếp, anh Lăng suy nghĩ tìm hướng đi mới gắn với nông nghiệp để ổn định cuộc sống gia đình. “Trong lúc khó khăn tìm mô hình chăn nuôi, tôi chợt nhớ đến có quen một người bạn ở Tây Ninh chuyên nuôi cà cuống nên đến tham quan mô hình, hy vọng học hỏi được kinh nghiệm. Trong bối cảnh hiện nay, dẫu là chăn nuôi, cũng phải tìm vật nuôi mới thì mới mong thành công. Cà cuống đầu ra luôn ổn định nhưng là vật nuôi mới tại miền Tây nên phải tính toán kỹ trước khi quyết định đầu tư. Nhờ chuyến tham quan mà tôi biết thêm rất nhiều vấn đề liên quan về loài vật đặc biệt này và quyết định đưa chúng về đồng bằng”- anh Lăng kể.

Sau khi được hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc, đầu năm 2017, anh Lăng tận dụng đất của gia đình làm trại rồi xây bể và chia lại 120 con cà cuống giống (150.000 đồng/con) của người bạn về nuôi thử nghiệm. “Do lần đầu nuôi chưa quen với cách cho ăn, chăm sóc nên lứa cà cuống này chết gần 30 con. Tuy hao hụt nhưng có thể coi là thành công trong lần nuôi đầu tiên vì chỉ sau hơn 2 tháng tôi đã quen dần tập tính, cách thức cho ăn, chăm sóc. Số cà cuống này tôi để đẻ ra làm giống nhân đàn, cứ thế phát triển cho đến hôm nay”- anh Lăng bộc bạch.

Theo anh Lăng, để cà cuống phát triển tốt, anh xây bể nuôi bằng xi măng ngang 1,5m, dài 3m, cao 0,8m. Bên trên bể có nắp đậy bằng lưới để cà cuống không bò ra ngoài, chiều cao mặt nước cách đáy bể khoảng 0,2m. Anh Lăng cho biết cà cuống rất dễ nuôi, hoàn toàn không bị nhiễm các loại dịch bệnh, ít hao hụt, gia đình có diện tích đất nhỏ vẫn có thể nuôi được. Đặc biệt cà cuống đẻ quanh năm, mỗi lần đẻ cách nhau 1-1,5 tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau 5-7 ngày, trứng nở thành ấu trùng, tỷ lệ nở khoảng 98%. Từ khi nở đến lúc xuất bán làm giống mất 45 ngày; còn nuôi dưỡng để sinh sản mất 75 ngày… Theo anh Lăng, con cà cuống đực ngay phần lưng có 2 ống nhỏ gọi là bọng, màu trắng, bên trong chứa một chất thơm mùi quế, thường được dùng để chiết xuất tinh dầu. Đối với con cái thì không có tinh dầu thơm này.

Tiếp tục mở rộng sản xuất

Tuy chỉ mới “bén duyên” với vật nuôi này gần 3 năm nhưng mọi kỹ thuật nuôi dưỡng cà cuống, anh Lăng đều thuần thục. Trong quá trình nuôi, anh Lăng quan tâm tạo môi trường thủy sinh ổn định cho cà cuống. Các bể nuôi được anh thả rong rêu, lục bình và đặt cây gỗ xung quanh bể cho cà cuống có chỗ bám vào đẻ trứng. Thức ăn của cà cuống chủ yếu là nhái, cá nhỏ và côn trùng như dế, cào cào, châu chấu. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn, anh Lăng còn nhân giống ếch và các loại cá kiểng như cá bảy màu, hột lựu, lia thia... Theo anh Lăng, điều quan trọng là phải cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ để tránh tình trạng cà cuống cắn nhau, dẫn đến hao hụt. Hôm trước đổ thức ăn vào thì hôm sau phải vớt xác các loại làm mồi còn dư ra bỏ để không làm ô nhiễm nguồn nước. Chu kỳ từ 1-1,5 tháng tiến hành thay nước trong bể một lần.

Anh Lăng rất thành công khi lập trại nuôi cà cuống.

Hiện trang trại cà cuống của anh Lăng có 20 bể nuôi với khoảng 2.000 con bố mẹ và vài ngàn con non. Nhờ đó, mỗi tháng anh xuất bán hàng trăm con giống với giá khoảng 200.000 đồng/con, thu nhập hơn 40 triệu đồng. “Hiện nay, cà cuống được coi là loài côn trùng quý hiếm, có nhiều công dụng như làm thuốc chữa bệnh, ngâm làm nước mắm, chế biến thành các món ăn đặc sản như chiên giòn, chiên bột… nên không lo đầu ra. Con giống, ổ trứng, có bao nhiêu người ta đặt hàng vẫn không đủ để giao”- anh Lăng nói.

Đến thời điểm này, con cà cuống đã trở thành nguồn thu chính của gia đình anh Lăng. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Lăng nói hiện có khách đặt 80 ổ cà cuống giá mỗi ổ 700.000 đồng nhưng không có hàng để giao. Đầu ra ổn định, anh Lăng quyết tâm mở rộng trại nuôi. Anh dành hết vốn tích lũy được hơn 1,5 tỉ đồng mua đất mở rộng trại, nâng tổng số lên gần 30 bể nuôi, với tổng đàn bố mẹ thường xuyên hơn 3.500 con. “Cà cuống được xem là món đặc sản nhưng ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm nên việc nuôi loài côn trùng này rất an tâm đầu ra. Tuy cà cuống không bệnh nhưng cái khó là nguồn nước phải sạch, nguồn mồi phải ổn định, nếu thiếu chúng sẽ cắn nhau dẫn đến bị thương gây thiệt hại tổng đàn. Khi cung ứng giống ra thị trường, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ kỹ thuật cho những ai muốn nuôi loại côn trùng này”- anh Lăng cho biết.

Cà cuống có tên khoa học là Lethocerus indicus Lep. et Serv là một loại côn trùng thuộc họ Chân bơi Belostomatidae sống dưới nước, thuộc bộ Cánh nửa (Hemiptera) và là một trong những nhóm côn trùng có kích thước lớn nhất hiện nay. Cá thể có cơ thể dẹt, hình lá, màu vàng xỉn hoặc nâu đất, dài trung bình 7-8cm, có con lên đến 10-12cm. Ở dưới ngực cà cuống đực, có hai túi nhỏ và dài chứa chất lỏng trong, mùi thơm mạnh, đó là tinh dầu có tên hóa học là veleriant amil. Chất tinh dầu này không độc, có vị cay, mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị trong bữa ăn của người Việt. Bộ phận dùng làm thuốc của cà cuống là thịt, trứng và tinh dầu. Thịt và trứng cà cuống chứa protein với hàm lượng khá cao, lipid và các vitamin. Đông y cho rằng dược liệu có vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ thận, tráng dương, lợi tiêu hóa. Trong dân gian, người ta dùng thịt và trứng cà cuống để ăn dưới dạng luộc hoặc chiên sau khi đã lấy túi tinh dầu. Có thể để nguyên con, chỉ bỏ cánh, hấp chín, rồi băm nhỏ dùng làm gia vị đặc biệt cho món nước chấm bánh cuốn và nước dùng bún thang. Trên thực nghiệm y học, tinh dầu cà cuống được dùng với liều thấp theo giọt như một chất kích thích thần kinh, gây hưng phấn và tăng cường nhẹ khả năng sinh dục.

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Thất bại ở đâu đứng lên ở đó

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Đó là chia sẻ của anh Đào Nhân Nghĩa ở thôn Ngoại Trình, xã Thụy Hà (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) sau nhiều lần thất bại từ nuôi dê lấy sữa. Nhưng chính những thất bại đã góp phần quan trọng làm nên thành công của nhà nông trẻ này.

Anh Nghĩa thuê lại 2 mẫu ruộng bỏ hoang để trồng các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao làm thức ăn cho dê.

Bà Vũ Thị Khấm, mẹ của Nghĩa vẫn còn trách móc khi nói chuyện với chúng tôi: Việc làm ổn định ở UBND huyện thì Nghĩa không làm, lại về chăn nuôi dê. Làm nông nghiệp đã vất vả, nhiều rủi ro, nuôi dê lấy sữa lại chưa có ai làm ở địa phương, vốn không có nữa. Lúc đầu tôi không đồng ý cho làm đâu nhưng thấy con gặp thất bại mà vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng nên tôi ủng hộ và mong rằng con sẽ thành công khi theo đuổi ước mơ của mình.

Ước mơ nuôi dê lấy sữa của Nghĩa được ấp ủ, nhen nhóm khi còn học đại học. Thế nên, dù công việc ổn định, anh vẫn từ bỏ để về làm nông dân và chọn nuôi dê lấy sữa làm hướng phát triển kinh tế gia đình. Nghĩa kể, năm 2017, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 8 con dê về nuôi. Ngoài khó khăn về vốn, khi bắt tay vào làm có những khó khăn mà mình không lường trước được. Như cỏ trồng cho dê ăn, mình làm theo hướng dẫn, trồng ở vùng đất trũng, cỏ lúc đầu lên xanh tốt, mình cắt cỏ vào dịp có nước đổ ải thì cỏ chết dần. Thức ăn cho dê vì thế cũng không chủ động được. Cùng lúc đó, một số con dê bị bệnh rồi chết, dê bị sảy thai... thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Lúc con dê đầu tiên chết, tôi bị sốc nặng, không ăn không ngủ, rồi con thứ hai, thứ ba chết. Nhưng rồi tôi lấy lại tinh thần, quyết tâm làm. Anh chị em ở Huyện đoàn và những người thân cũng động viên càng tiếp thêm quyết tâm cho tôi. Nghĩa cho rằng, mình thất bại ở đâu thì đứng lên ở đó. Mình phải đứng lên mới có cơ hội làm lại. Làm gì cũng có khó khăn, nếu gặp thất bại mà bỏ cuộc thì mãi mãi không thành công.

Khi cỏ đã đủ cung cấp, khi dê cho sữa, Nghĩa lại gặp vướng mắc về chế biến, bảo quản nên sữa không đạt yêu cầu. Anh trải lòng: Những khách hàng đầu tiên đều là những khách hàng tiềm năng, khi biết mình có sữa dê, sữa chua dê, họ tìm đến với mình trong khi đó sản phẩm mình làm ra lại không đáp ứng được mong đợi của họ. Có người tẩy chay, không dùng sản phẩm từ sữa dê của mình. Mình thuê chuyên gia về hướng dẫn, tư vấn và đã lấy lại hình ảnh, chất lượng sản phẩm bảo đảm, sau đó khách hàng đã quay lại. Hiện tại họ là khách hàng thường xuyên của mình.

Sau 1 năm, việc chăn nuôi dần ổn định, Nghĩa quyết định mở rộng quy mô. Hiện nay, đàn dê của gia đình anh có 60 con, trong đó 25 con chuyên lấy sữa. Với đàn dê, anh đánh số từng con để tiện theo dõi, chăm sóc. Anh thuê lại 2 mẫu ruộng bỏ hoang để trồng các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao làm thức ăn cho dê. Anh còn tự mày mò, tìm hiểu cách phối trộn thức ăn từ những phụ phẩm nông nghiệp, cách làm này vừa giúp anh quản lý được chất lượng nguồn thức ăn đồng thời giảm bớt đáng kể chi phí chăn nuôi. Mỗi ngày gia đình anh lấy được 30 lít sữa tươi. Anh Nghĩa đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến các sản phẩm từ sữa dê như sữa tươi thanh trùng, sữa chua dê, sữa chua nếp cẩm tại nhà để từng bước xây dựng thương hiệu sữa dê Thái Bình. Các sản phẩm đã được Sở Công Thương, Sở Y tế kiểm định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được tiêu thụ tại Thái Thụy, thành phố Thái Bình và Hà Nội. Bà Vũ Thị Nhâm, xóm 4, xã Thụy Hà cho biết: Nhà tôi thường xuyên mua sữa dê của nhà anh Nghĩa, các cháu rất thích uống sữa dê, ăn sữa chua dê. Sữa ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, bảo đảm vệ sinh, tôi yên tâm khi cho các cháu dùng.

Sau 2 năm, việc chăn nuôi, kinh doanh của Nghĩa đã thuận lợi và ổn định hơn. Mỗi tháng anh thu về 30 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi 15 triệu đồng. Ngoài ra anh cũng có thêm thu nhập từ bán dê thịt. Thời gian tới anh dự định đầu tư xây thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi với quyết tâm xây dựng thương hiệu sữa dê Thái Bình.

Trong câu chuyện khởi nghiệp của mình, Nghĩa luôn nhắc tới sự đồng hành của Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Thái Thụy. Anh cho biết: Chính các anh chị ở Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đã giới thiệu để tôi tham gia, đạt giải nhì cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2018 và tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Cuộc thi này đã giúp tôi giao lưu, học tập nhiều kinh nghiệm từ các mô hình khởi nghiệp của thanh niên, giúp tôi càng thêm quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình.

Xuân Phương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop