Tin nông nghiêp ngày 10 tháng 12 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 10 tháng 12 năm 2019

Nhiều trái cây Việt giảm giá do bị Trung Quốc siết chặt

Nguồn tin: VOV

Xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2019 của cả nước ước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2019 ước đạt 3,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam lớn nhất, chiếm gần 67%, đạt 2,08 tỷ USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào, Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan…

Cũng theo đơn vị này, xuất khẩu hàng rau quả trong 10 tháng qua giảm mạnh do giá trị xuất khẩu nhiều nông sản chính giảm mạnh như: thanh long, sâu riêng, măng cụt, dừa, nhãn, ớt, dưa hấu, nấm hương… Đặc biệt, mặt hàng thanh long chỉ đạt kim ngạch 974 triệu USD, giảm 8,9%, sầu riêng đạt gần 760 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái...

Nhiều mặt hàng trái cây giảm giá mạnh trong thời gian qua. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân của sự sụt giảm là từ giữa năm 2019, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động nhập khẩu trong khi đó sầu riêng là mặt hàng chưa được phép xuất khẩu chính ngạch.

Năm nay, giá sầu riêng đầu vụ được thương lái thu mua ở mức 40.000 đồng/kg, đến cuối vụ giá mới được 55.000 – 60.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận từ đầu đến nay luôn ở dưới mức 10.000 đồng/kg, có thời điểm giá giảm mạnh còn 5.000 -7.000 đồng/kg.

Ngoài ra, giá trái mít Thái tại nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm khoảng 50% so hơn một tháng trước và đang ở mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua…

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để có thể xuất khẩu ra nước ngoài đặc biệt là với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy nhanh việc đăng kí mã số vùng trồng, mã số đóng gói cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường này.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu và các thị trường khó tính khác. Các doanh cũng cần chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại trong sản xuất và chế biến sâu; tăng cường hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực xuất khẩu./.

Chung Thủy/VOV.VN

Hòa Bình: Giữ gìn thương hiệu cam, bưởi

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong và Nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” được quản lý chặt từ giống, quy trình kỹ thuật, chất lượng VietGAP, ATVSTP cho việc sản xuất, bảo vệ thương hiệu và giữ vững lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó phải kể đến vai trò của các HTX tham gia tích cực trong công tác sản xuất và kinh doanh sản phẩm; quản lý lô gô, tem, nhãn và chất lượng sản phẩm cũng như quảng bá về thương hiệu cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc đến mọi vùng miền trong cả nước.

HTX 3T nông sản Cao Phong chuẩn bị các sản phẩm cam, bưởi có chất lượng tham gia Tuần lễ Nông sản.

Với mục tiêu "giữ vững và nâng tầm thương hiệu cam Cao Phong", HTX 3T nông sản Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) đã có những cách làm sáng tạo và phù hợp mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm cam sạch, chất lượng và an toàn cho sức khỏe. Đến nay, HTX đã thu hút 25 thành viên với tổng diện tích canh tác 43,2 ha. HTX luôn thực hiện tốt quy trình sản xuất, chăm sóc cam và đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn. Để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, 3T farm không chỉ chú trọng khâu sản xuất chăm bón mà còn liên kết với trường Đại học Bách khoa Hà Nội để lắp đặt mô hình rửa, phân loại, xử lý bọc màng sinh học bảo quản sản phẩm và dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc... HTX đã thực hiện liên kết với các chuỗi thực phẩm sạch Hà Nôi, Thanh Hóa và sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T cho biết: Sản phẩm "cam - quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh" được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019 đưa ra thị trường đã được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực. Tới đây, sản phẩm của 3T farm sẽ có mặt tại chuỗi sự kiện Tuần lễ vàng về nông sản của hệ thống siêu thị Coop mart. Chúng tôi cũng đã làm việc để đi đến ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống siêu thị Vinmart trong năm 2019. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô bán hàng, gia tăng quản lý từ khâu sản xuất đến chăm bón và dành khoảng 5 ha sang sản xuất hữu cơ.

HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc, xã Tử Nê (Tân Lạc) đang tiếp tục nâng tầm thương hiệu bằng cách mở rộng diện tích trồng bưởi mang chất lượng VietGAP và tự tin đóng góp vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của tỉnh Hòa Bình. Tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, các hộ trồng bưởi được tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong sản xuất nông nghiệp. HTX hiện có khoảng 30 ha canh tác cây ăn quả, trong đó, diện tích bưởi đỏ là chủ yếu. Tất cả diện tích này đều được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP.

Cùng với đó, HTX đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý rửa, phân loại, đóng gói và bảo quản quả bưởi, đảm bảo cung ứng ra thị trường những sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt nhất, tự hào mang nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra các thị trường có tính chuyên nghiệp cao như hệ thống siêu thị tại Hà Nội, nhà phân phối bán lẻ có uy tín trên toàn quốc.

Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc trao đổi: Đến nay, diện tích bưởi đỏ của toàn huyện gần 1.000 ha thì có trên 100 ha áp dụng quy trình VietGAP. Đây thực sự là chiếc "chìa khóa vàng” nâng tầm giá trị của thương hiệu sản phẩm, để nông sản địa phương tiếp cận những thị trường lớn, khai thác được nhiều cơ hội để tiếp tục vươn xa.

Đinh Thắng

Bạch Thông (Bắc Kạn): Sản lượng quýt ước đạt 12.000 tấn

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năm nay do thời tiết thuận lợi nên quýt Bạch Thông (Bắc Kạn) được mùa, ước sản lượng đạt khoảng 12.000 tấn, tăng hơn 2.000 tấn so với năm ngoái, giá trị ước đạt hơn 10 tỷ đồng.

Nông dân xã Quang Thuận thu hái và dùng cáp tời để vận chuyển quýt đi bán.

Toàn huyện hiện có hơn 1.500ha cây cam quýt, trong đó trên 1.200ha đang cho thu hoạch. Tính đến nay diện tích đã thu hái được khoảng 70%, dự kiến đến hết tháng 12 cơ bản kết thúc vụ quýt, người dân chuẩn bị bước vào thu hoạch cam. Mặc dù sản lượng đạt khá nhưng giá quýt vụ này không tăng, đầu vụ bình quân 10.000 đồng/kg, đến nay chỉ duy trì ở mức 6.000-7.000 đồng/kg./.

Thu Trang

Thu hoạch cà phê chọn lọc: Lợi ích kép

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang tất bật cho vụ thu hoạch cà phê mới. Điều đáng mừng là người dân đã bắt đầu nhận thức được giá trị, lợi ích của việc thu hái chín có chọn lọc thay vì hái xô, một đợt như trước đây.

Đây là năm đầu tiên, gia đình anh Y Puk Ayun (buôn Sah A, xã Ea Tul) áp dụng kỹ thuật thu hái cà phê chín theo hướng chất lượng cao. Do cây cà phê ra hoa đậu quả nhiều đợt trong năm, rất khó để tất cả quả chín đồng loạt nên anh chia vụ thu hoạch thành 3 đợt. Đợt đầu và đợt hai anh lựa hái những cây có tỷ lệ quả chín cao (khoảng 90%), đợt cuối cùng chờ hạt chín đều sẽ tuốt đồng loạt.

Để hái được quả chín đúng chuẩn, người hái phải thật cẩn thận sao cho không ảnh hưởng đến các quả còn lại trên cành. Việc hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công, anh Y Puk cho biết: Với 1 ha cà phê, thu một lần cần 5-7 công hái trong một tuần; còn thu nhiều đợt công sẽ gấp đôi. Nhưng thu hoạch một lần chỉ được phần lợi trước mắt là tiết kiệm thời gian, chi phí nhân công; còn năng suất, chất lượng cà phê bị ảnh hưởng lớn do tỷ lệ quả xanh quá nhiều. Ý thức được lợi ích lâu dài, anh Y Puk quyết định thu hái cà phê theo hướng chất lượng cao, lấy công làm lời để giảm bớt chi phí thuê nhân công.

Gia đình Y Yô (xã Ea Tul) chỉ lựa hái quả cà phê chín, không hái quả xanh.

Anh Dương Thanh Toàn chia sẻ: “Việc thay đổi thói quen thu hoạch cà phê truyền thống không phải trong một sớm một chiều và không một cá nhân, doanh nghiệp đơn lẻ nào làm được mà cần sự vào cuộc của các ban ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến cho người dân đồng thời nhân rộng, tạo điều kiện cho những người sản xuất cà phê chất lượng cao hoạt động hiệu quả”.

Còn gia đình ông Y Yô Ayun (buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đã có kinh nghiệm trong việc áp dụng quy trình thu hái có chọn lọc trên 3 ha cà phê. Trước đây gia đình ông toàn thu hoạch cà phê một lần nên hái cả quả xanh. Năm 2018, ông liên kết với doanh nghiệp thu mua cà phê chất lượng cao, bắt đầu thu hái cà phê chín 100%. Hái cà phê chín gặp khó khăn về công nhưng đổi lại giá bán cao hơn nhiều so với hái xô.

Ông Y Yô phân tích: Nếu bán tươi, 1 kg cà phê xô có giá 5.000 - 6.500 đồng, còn 1 kg quả chín từ 8.000-10.000 đồng. Tính ra, sau khi trừ công cán thì thu hoạch cà phê chín sẽ lời hơn hái xô khoảng 2.000 đồng/kg hạt tươi; một tấn sẽ lời 1,5 - 2 triệu đồng; nếu phơi khô chế biến thành nhân, giá cà phê chọn lọc cao hơn cà phê xô từ 6.000 - 8.000 đồng/kg, tương đương 6-8 triệu đồng/tấn nhân. Đây là số tiền không nhỏ với người nông dân, nhất là trong thời điểm giá cà phê đang thấp, chi phí đầu tư cao như hiện nay.

Anh Dương Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Nông sản Thanh Toàn (thôn 1, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) hiện đang thu mua cà phê hái chín với giá 9.000 - 11.000 đồng/kg hạt tươi (kèm yêu cầu, tỷ lệ hạt xanh hườm, tạp chất tối đa 10%) cho hay: Việc hái xô, chế biến xô và bán xô không chỉ đem lại trực tiếp đến lợi ích của người trồng mà còn khiến chất lượng, vị thế cà phê Việt Nam trên trường quốc tế giảm. Với mong muốn thay đổi thói quen thu hoạch của người dân, năm 2018, anh liên kết với các nông hộ chế biến thử nghiệm 5 tấn cà phê nhân chất lượng cao. Kết quả khách hàng rất ưa chuộng vì chất lượng cà phê tốt, người nông dân cũng được lợi khi bán được giá cao hơn cà phê xô. Năm nay, anh mạnh dạn sản xuất 30 tấn cà phê nhân tại xã Ea Kpam, Ea Tul và các xã lân cận trong huyện Cư M’gar.

Sau thu hái, người dân nhặt quả cà phê xanh, non ra để riêng.

Đây là những khu vực có điều kiện đất đai, khí hậu khá tốt để cà phê phát triển cho quả đạt chất lượng cao. Trước vụ thu hoạch cà phê, anh Toàn tổ chức hội thảo tại địa phương giúp nông dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của việc hái chín, dần dần thay đổi thói quen thu hoạch, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của hạt cà phê. Ngày thu hoạch, anh còn cử người tư vấn, hướng dẫn người dân cách thu hái, bảo quản hạt cà phê. Cà phê hái trong ngày sẽ được sơ chế ngay và phơi trong nhà kính với những tiêu chuẩn khắt khe đảm bảo giữ nguyên chất lượng.

Thanh Thủy

Lạc Dương (Lâm Đồng): Trồng nấm hương trong nhà kính, thu chục triệu/tháng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Trên diện tích nhà kính chỉ 50 m2 trồng nấm hương, nông dân không sử dụng chất hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũng như hạn chế tác động của môi trường, sau khi bán sản phẩm và trừ chi phí cho lợi nhuận chục triệu đồng/tháng. Đó là cách làm kinh tế mới của hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Mô hình trồng nấm hương trong nhà kính giúp người đồng bào DTTS tại huyện Lạc Dương thu chục triệu/tháng.

Gần 2 năm trở lại đây, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Lạc Dương đã dần quen với việc chăm sóc các nhà trồng nấm thay cho những vườn cà phê già cỗi. Đây là mô hình chuỗi liên kết sản xuất nấm hương được UBND huyện triển khai cho các hội viên tham gia nhằm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng mới.

Anh Liêng Hot Ha Ren (Thôn 1, xã Đạ Sar) quyết định đầu tư 50 triệu đồng để xây dựng nhà trồng nấm hương dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long. Anh cho biết, mình đầu tư với vốn ban đầu được cấp 5.000 phôi giống, đến nay, số phôi giống này cho thu hoạch rất đạt. Nhận thấy trồng nấm hương không quá khó, lại cho thu nhập đều, anh quyết định đầu tư tiền để xây dựng thêm một nhà nấm nữa. Hiện nay với 2 nhà nấm mỗi ngày anh thu 20-25 kg. Sau khi thu hoạch được Công ty Nấm Nguyên Long thu mua toàn bộ với giá 70.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu về 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả, nhiều hộ đồng bào cũng mong muốn trồng, tuy nhiên nguồn phôi giống đang thiếu, bà con rất mong phía công ty nghiên cứu cung cấp nguồn giống để cho bà con nhân rộng mô hình.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện Lạc Dương hiện có 22 hộ tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất nấm hương, quy mô 33 nhà trồng nấm với Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long, tập trung ở các xã: Đưng K’Nớ, Đa Nhim, Đa Sar và thị trấn Lạc Dương, trong đó hơn 70% hộ là người đồng bào DTTS.

Tham gia mô hình chuỗi liên kết, bà con được các doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật từ khi làm nhà nấm, chọn phôi, chăm sóc đến khi thu hoạch, đóng gói và cam kết thu mua 100% sản phẩm. Ngoài ra, từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Lạc Dương cũng đã cho bà con vay vốn để thực hiện mô hình. Còn HTX sản xuất Nông nghiệp và Dịch vụ môi trường Lâm Đồng cũng cho bà con vay trả chậm 20 triệu đồng để thực hiện mô hình. Riêng các hộ ở xã Đưng K’Nớ được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.

Ông Nguyễn Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nấm Nguyên Long cho biết: Thời gian qua, công ty gặp một số sự cố về hệ thống điện nên một số phôi nấm của công ty cung cấp cho người dân không đạt chất lượng như mong muốn. Hiện, công ty đã khắc phục xong và cam kết sẽ cung cấp phôi giống đảm bảo trong thời gian tới cho bà con. Đối với đầu ra, Công ty đã nghiên cứu nhiều sản phẩm cho loại nấm hương và đã có đối tác nước ngoài hợp đồng thu mua nên việc mở rộng sản xuất của bà con sẽ được đảm bảo.

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Dương cho biết: Từ việc canh tác nông nghiệp truyền thống, huyện Lạc Dương đã tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang ứng dụng công nghệ cao và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Tiêu biểu cho sự thành công đó phải kể đến mô hình chuỗi liên kết trồng nấm hương.

Tùy theo khả năng kinh tế của gia đình, có hộ trồng 50 m2 với quy mô 1 nhà nấm, có hộ trồng 100 m2 với quy mô 2 nhà nấm. Kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 50 triệu đồng cho một nhà nấm 50 m2. Kỹ thuật trồng đơn giản cộng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và Nhà nước là điều kiện thuận lợi để các hộ thực hiện mô hình hiệu quả để từng bước thoát nghèo.

Theo ông Hải, việc trồng nấm không khó, cũng không vất vả, thị trường tiêu thụ lại đang rất rộng mở, ai cũng có thể thành công. Tuy nhiên, bà con phải nắm vững quy trình kỹ thuật vì sự tăng trưởng và quá trình phát triển của nấm có liên quan đến nhiều yếu tố, như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...

Điều kiện đầu tiên là nhà trồng nấm phải đúng tiêu chuẩn về kích thước và độ ẩm phải đảm bảo trên 85%. Ngoài ra, đặc điểm của nấm là loài ưa sạch, từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý, chăm sóc và thu hái đều được bà con tuân thủ, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Sản phẩm sau khi thu hái được sơ chế và đóng gói đảm bảo đúng quy trình.

Nấm thu trong vòng hơn 3 tháng, sản lượng đạt 1,5 tấn/nhà/vụ, với giá nấm hương hiện công ty thu mua 70.000 đồng/kg, mỗi mô hình thu về lợi nhuận từ 7-10 triệu đồng một tháng sau khi đã trừ chi phí.

Mô hình chuỗi liên kết trồng nấm ở huyện Lạc Dương đã mở ra hướng làm kinh tế mới, hiệu quả cho người nông dân; bởi rất thích hợp với điều kiện sản xuất hộ, vốn ít của đa số nông dân hiện nay. Mặt khác, việc trồng nấm trong nhà cũng là một giải pháp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh phát triển mạnh. Hiện, UBND huyện Lạc Dương đang xúc tiến, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho người dân.

HOÀNG YÊN - HOÀNG SA

Đồng Tháp: Giá trứng vịt tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Trong 3 tuần trở lại đây, giá trứng vịt bắt đầu tăng mạnh trở lại sau thời gian dài rớt giá chạm đáy. Hiện trứng vịt được thương lái, doanh nghiệp thu mua tại các trang trại tại huyện Tháp Mười, Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) với giá dao động từ 22 ngàn – 23 ngàn đồng/chục đối với vịt nuôi rọ và giá 18 ngàn đồng/ chục đối vịt chạy đồng. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi khoảng từ 500 – 600 đồng/trứng.

Giá trứng vịt tăng là do nhu cầu tiêu thụ trứng của thị trường tăng mạnh. Hiện giá thịt heo đang tăng mạnh, người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn những loại thực phẩm khác để cân đối thực đơn cho gia đình. Ngoài ra, sau thời gian trứng vịt rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi vịt trứng giảm đàn, dừng nuôi nên sản lượng trứng cung ứng cho thị trường khá khiêm tốn. Dự báo, vào dịp cuối năm, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng trứng vịt nhiều nên giá trứng vịt có thể tăng mạnh.

Theo một số nông dân nuôi vịt tại huyện Tháp Mười, từ đầu năm đến nay, trứng vịt liên tục rớt giá, có những thời điểm giá trứng vịt nuôi rọ chỉ còn khoảng 1.400 – 1.500 đồng/trứng, trong khi đó giá thành sản xuất đã trên 1.700 đồng/trứng. Đối với trứng vịt chạy đồng giá còn giảm mạnh hơn, có lúc chỉ còn 1.200 đồng/ trứng, người chăn nuôi phải lỗ ít nhất từ 400 – 500 đồng/trứng. Do giá trứng thấp, người nuôi có tổng đàn càng nhiều thì thiệt hại càng lớn. Nhiều nông dân nuôi vịt để thu hoạch trứng không còn đủ vốn để cầm cự nên phải nghỉ nuôi. Đó là lý do khiến cho tổng đàn vịt nuôi lấy trứng hiện nay của địa phương giảm mạnh.

Trước những tín hiệu mới phấn khởi từ thị trường, người chăn nuôi hi vọng giá trứng vịt sẽ tiếp tục được duy trì ổn định để người chăn nuôi có thể yên tâm sản xuất và tái đàn.

MỸ LÝ

Hòa Bình: Phát triển thương hiệu gà đồi theo chuỗi liên kết

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Sản phẩm gà Lạc Thuỷ và gà Lạc Sơn được công nhận nhãn hiệu chứng nhận là cơ hội để huyện Lạc Thủy và Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) giới thiệu sản phẩm gà sạch đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Các HTX trên địa bàn huyện đang tích cực phát triển thương hiệu gà theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị cho người chăn nuôi.

HTX gà đồi Hương Nhượng mở rộng diện tích chăn nuôi phát triển thương hiệu gà Lạc Sơn

Gà Lạc Thủy là giống gà bản địa, chất lượng thịt thơm ngon, cho hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Bước đầu đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 HTX chuyên sản xuất, kinh doanh gà Lạc Thủy, 15 cơ sở ấp nở gà giống và trên 150 trang trại, gia trại và nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn các xã, thị trấn. Người chăn nuôi gà đã liên kết, hỗ trợ nhau từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm đã cung cấp ra thị trường khoảng 10 triệu con giống, 500 tấn gà thương phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Nhằm giúp thương hiệu gà ri Lạc Thủy cạnh tranh cao hơn so với các loại gia cầm trên thị trường, HTX gà Lạc Thủy có địa chỉ tại xã An Bình áp dụng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, bán giống và thức ăn chăn nuôi cho các hộ vệ tinh. Đồng thời hỗ trợ bao tiêu sản phẩm với gần 20 hộ tham gia vào chuỗi liên kết. Sản phẩm gà thịt của HTX đóng túi hút chân không đã có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội, sản lượng bán ra của HTX là 30.000 con/tháng. Sản phẩm gà tươi nguyên con của HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy được xếp hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Gà đồi Lạc Sơn cũng là giống gà ri bản địa của người Mường ở huyện Lạc Sơn. Gà thịt có chất lượng thơm ngon, thịt dai, chắc, da thường có màu vàng. Khi ăn có mùi thơm, ngọt thịt; đây chính là những đặc điểm khác biệt tạo nên thương hiệu gà Lạc Sơn. Nhãn hiệu "Gà Lạc Sơn" được cấp cho 5 HTX chăn nuôi gà trên địa bàn sử dụng. HTX gà đồi Hương Nhượng đang thể hiện vai trò "bà đỡ” cho các thành viên, giúp các hộ chăn nuôi thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Từ khi thành lập, HTX với nghề chính là nuôi gà đồi, thành viên HTX và các hộ được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc gà do tỉnh, huyện tổ chức. Thời gian đầu, có 7 hộ nuôi gà đồi với khoảng 7.000 con, hộ nuôi nhiều 3.000 - 4.000 con/lứa, hộ nuôi ít từ 200 - 500 con/lứa. Năm 2017, HTX được chọn tham gia dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ gà theo chuỗi giá trị thuộc chương trình xây dựng NTM. Dự án đã hỗ trợ HTX 8.000 con gà giống, hỗ trợ tập huấn chuyển giao KH-KT cho các hộ nuôi gà thương phẩm; hỗ trợ mua thuốc, vắc xin, bóng úm, khay ăn, bình uống nước và xây dựng điểm giết mổ, bảo quản gà, tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng.

Thực hiện phương án "mua chung, dùng chung, bán chung" để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Hàng năm, các hộ gia đình và HTX đã cung cấp cho thị trường hơn 40 tấn gà thịt, 30.000 con gà giống và 180.000 quả trứng ra thị trường. Đặc biệt, sản phẩm gà thịt của HTX được đóng túi hút chân không cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Năm 2019, sản phẩm gà đồi của HTX được lựa chọn là sản phẩm OCOP cấp huyện. Mục tiêu HTX hướng tới là sản xuất ra các sản phẩm theo chuỗi thực phẩm sạch an toàn phục vụ người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu gà đồi Hương Nhượng, Lạc Sơn.

Hải Linh

Lợi ích ứng dụng cơ giới hóa nuôi bò sữa

Nguồn tin: Khoa Học Phổ Thông

Nông nghiệp TP.HCM đang chuyển biến tích cực, nhiều mô hình canh tác ứng dụng máy móc thiết bị mang nhiều lợi ích. Trong chăn nuôi bò sữa, việc thay đổi cách vắt sữa từ thủ công chuyển dần sang vắt máy cho thấy hiệu suất sữa đạt cao hơn, rút ngắn thời gian vắt sữa, thuận lợi trong việc vận chuyển đến trạm thu mua.

Ứng dụng vắt sữa bò bằng máy là một khâu quan trọng trong quá trình cơ giới hóa chăn nuôi bò sữa, có hiệu quả hơn hẳn so với vắt sữa thủ công. Máy vắt sữa làm giảm nhẹ cường độ lao động, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sữa mới vắt.

Máy vắt sữa, ngoài nhiệm vụ hút sữa, còn tham gia tác động kích thích tiết sữa cho bò trong quá trình vắt. Giải quyết kịp thời tình trạng thiếu nhân lực, nâng cao chất lượng sữa tươi nguyên liệu và vệ sinh thực phẩm tốt, giải quyết ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi. Mỗi năm tiết kiệm gần 30 - 50 triệu đồng/hộ tiền thuê mướn nhân công vắt sữa bò.

Ngành nông nghiệp TP.HCM định hướng cơ giới hóa trong chăn nuôi, trong đó có bò sữa, mục tiêu đến năm 2020 có 50 - 60% doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi, cơ giới hóa trong khâu vắt sữa bò 90%, chế biến thức ăn cho bò 40 - 50%, cơ giới hóa chuồng trại chăn nuôi 70%, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đàn, quản lý giống.

T. GIANG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop