Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 11 tháng 10 năm 2019

TX. Hồng Ngự (Đồng Tháp): Sen hồng vào mùa nở rộ

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Diện tích trồng sen không nhiều như các địa phương khác, tuy nhiên, TX.Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cũng đã có cánh đồng sen. Với diện tích khoảng 8.000m, thời điểm này, các cánh đồng sen đã bắt đầu nở rộ, thu hút người dân và khách tham quan đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Theo anh Trần Thái Ngọc ở ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, do đất trồng lúa không đạt hiệu quả nên gia đình anh chuyển sang trồng sen. Việc trồng sen trên đất lúa không chỉ giúp cải tạo đất, cắt đứt mầm bệnh để vụ lúa sau đạt hiệu quả hơn mà vụ sen này còn mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh cao hơn trồng lúa. Ước thu nhập của gia đình anh trong vụ sen này khoảng 60 triệu đồng - 70 triệu đồng.

Với hiệu quả thiết thực, TX.Hồng Ngự đang vận động nông dân chuyển đổi cây trồng hoặc luân canh 2 vụ lúa 1 vụ sen để việc canh tác đạt hiệu quả hơn.

HOÀNG PHƯƠNG

Giá thảo quả thấp kỷ lục

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Thảo quả được coi là cây trồng góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, tuy nhiên, giá thảo quả đang ở mức thấp “kỷ lục” khiến người dân lo lắng.

Giá thảo quả thấp chưa từng thấy

Trung Lèng Hồ (Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là một trong những xã có diện tích thảo quả lớn nhất tỉnh (hơn 850 ha). Cây thảo quả đã gắn bó với đồng bào các dân tộc xã này hàng chục năm qua, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Gia đình ông Lý Páo Di, ở thôn Trung Hồ trồng gần 10 ha thảo quả, trong đó có gần 8 ha đến thời kỳ thu hoạch. Những năm mất mùa, gia đình ông Di thu được 50 - 70 triệu đồng từ bán thảo quả khô, còn nếu được mùa, được giá thì con số này lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cây thảo quả được trồng nhiều ở xã Dền Sáng (Bát Xát).

Năm nay, mặc dù cây thảo quả chưa khôi phục hoàn toàn sau khi chịu ảnh hưởng bởi thời tiết những năm trước nhưng dự kiến gia đình ông Di cũng thu hàng tấn thảo quả khô. Tuy nhiên, giá thảo quả đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 70 - 80 nghìn đồng/kg, khiến ông mất ăn, mất ngủ. Ông Di than thở: Chưa năm nào giá thảo quả khô thấp như năm nay, bán 1 kg thảo quả khô không mua nổi 1 kg thịt lợn. Nếu cuối năm mà giá vẫn thấp như thế này thì thiệt hại nhiều lắm.

Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch (thường là từ tháng 10 âm lịch) nhưng đến nay, hơn 300 ha thảo quả đã được người dân xã Tả Giàng Phình (Sa Pa) thu hoạch xong. Gia đình ông Sùng A Phủng, thôn Suối Thầu 1 năm nay thu hoạch được gần 1 tấn thảo quả khô. Với giá bán như hiện nay, gia đình ông thu về chưa đến 100 triệu đồng. Ông Phủng tâm sự: Những năm trước, giá bán thảo quả khô dao động ở mức 200 - 300 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên tới 450 nghìn đồng/kg. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà giá thảo quả khô năm nay xuống thấp đến thế, khiến gia đình tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cùng tâm trạng, ông Sùng A Khoa, cũng ở thôn Suối Thầu 1 như “ngồi trên đống lửa” khi hàng tạ thảo quả khô chưa tìm được người mua. “Cố bán thì cũng được, nhưng giá rẻ quá, bán đi không đủ chi phí thu hoạch, chăm sóc”, ông Khoa nói.

Đâu là nguyên nhân?

Những năm qua, cây thảo quả đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân các xã vùng cao. Tuy nhiên, một thực tế là đầu ra của cây thảo quả luôn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ông Sùng A Cở, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ cho biết, xã có khoảng 850 ha thảo quả. Có những năm được mùa, được giá, cây thảo quả mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho người dân. Thế nhưng vài năm gần đây, cây thảo quả không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến người trồng thảo quả ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Phần lớn quả thảo quả khô được thương lái mua của người dân, rồi xuất bán sang Trung Quốc. Khi nhu cầu của Trung Quốc giảm, chắc chắn giá thảo quả sẽ giảm theo. Hiện giá thảo quả chỉ khoảng 70 nghìn đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Nông dân xã Tả Van (huyện Sa Pa) thu hoạch thảo quả.

Một nguyên nhân nữa khiến thảo quả khô giảm là do chất lượng. Theo đúng thời vụ thì khoảng tháng 11 - 12 mới vào mùa thu hoạch thảo quả, nhưng một số xã đã thu hoạch gần xong. Như vậy, người dân đã thu hoạch thảo quả non, dẫn đến năng suất, chất lượng thảo quả giảm, thương lái ép giá cũng là điều dễ hiểu.

Ông Hạng A Sang, Chủ tịch UBND xã Tả Giàng Phình cho biết: Thời điểm này, cơ bản diện tích thảo quả trên địa bàn xã đã được thu hoạch, tức là người dân đã thu hoạch thảo quả non với diện tích rất lớn. Khi chất lượng thảo quả thấp thì giá bán chắc chắn bị thương lái ép xuống. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động người dân nên thu hoạch thảo quả đúng thời vụ để đảm bảo năng suất, chất lượng nhưng người dân sợ mất trộm nên thu hoạch non.

Toàn tỉnh hiện có gần 20 nghìn ha thảo quả, trong đó 80% diện tích đã cho thu hoạch. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, vận động người dân không thu hoạch thảo quả non và có giải pháp chế biến sâu, không để cây thảo quả quá phụ thuộc vào một thị trường. Có như vậy, cây thảo quả mới là nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao.

TẤT ĐẠT

Vị thế nào cho cây ca cao? Kỳ 2: Giải pháp để phát huy lợi thế sẵn có

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Kỳ 2: Giải pháp để phát huy lợi thế sẵn có

Không thể phủ nhận, ca cao Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang có nhiều lợi thế trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề tăng giá trị sản phẩm ca cao và tạo thế cạnh tranh mạnh với những cây trồng khác đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đẩy mạnh liên kết

Thực tế trong sản xuất những năm qua cho thấy, ca cao được đánh giá là cây có nhiều tiềm năng, nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các dự án, tổ chức, công ty trong và ngoài nước và hỗ trợ của ngành Nông nghiệp địa phương thông qua vật chất (cây giống, cho vay phân bón…), tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế và lên men ca cao. Đã có nhiều mô hình thành công trong sản xuất ca cao nhờ học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt tốt kỹ thuật và đầu tư, chăm sóc đúng mức cho cây ca cao.

Mặc dù phát triển cây ca cao vẫn không đạt mục tiêu như kỳ vọng, nhưng Việt Nam cũng ghi nhận tín hiệu tích cực trong việc đầu tư sản xuất ca cao quy mô tập trung được một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước đầu tư. Điển hình như Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức liên kết với nông dân đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo tiêu chuẩn UTZ.

Hiện tại vùng nguyên liệu do công ty đầu tư và thu mua đã lên hơn 600 ha trải rộng khắp trên ba tỉnh Đồng Nai (Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú), Lâm Đồng (Đạ Huoai, Đạ Teh, Đơn Dương, Đam Rông) và Bình Thuận (Tánh Linh, Đức Linh) với sản lượng lên đến gần 600 tấn hạt khô trong năm 2018. Mục tiêu thu mua của công ty trong năm 2019 khoảng 700 tấn hạt. Bên cạnh đó, để sản phẩm ca cao được biết đến nhiều hơn công ty đã mở trạm dừng chân “Thế giới ca cao” liên kết với các tour du lịch để khách tham quan có cơ hội tham gia trồng, chăm sóc, chế biến và thưởng thức hương vị đặc trưng, nguyên chất của các sản phẩm ca cao ngay tại công ty.

Thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt phơi sấy hạt ca cao lên men được làm theo quy trình chứng nhận FLO.

Theo đại diện Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, muốn ca cao phát triển bền vững và hiệu quả không chỉ nỗ lực của công ty là đủ mà còn cần có sự phối hợp của các tổ chức đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) do đó việc củng cố hoạt động của các tổ chức này rất được đơn vị quan tâm. Hiện tại công ty đã hỗ trợ thành lập được 2 hợp tác xã ca cao và 17 tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận. Để chuỗi liên kết phát huy được hiệu quả, công ty đã hỗ trợ về cách thức tổ chức và chi phí hoạt động cho tổ hợp tác và hợp tác xã thông qua hoạt động thu gom trái cho công ty.

Còn ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho hay, hiện đơn vị đã được Chi cục Phát triển nông thôn Đắk Lắk phê duyệt Dự án nâng cao giá trị ca cao từ trồng, thu hoạch đến chế biến và thương mại sản phẩm. Theo đó, công ty sẽ trực tiếp kết nối với bà con nông dân ở hai huyện Ea Kar và Krông Ana và một số hợp tác xã có trồng ca cao để cung ứng hạt cho công ty chế biến, thương mại ra thị trường. Hiện công ty cũng đang hợp tác với thương hiệu Miss Ede để đẩy mạnh vấn đề thương mại sản phẩm.

Hướng đến chiến lược toàn diện

Sản xuất ca cao của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội là nhu cầu tiêu thụ của thế giới đang tăng cao, đặc biệt là châu Á. Theo nhận định của các chuyên gia, vào năm 2020 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao do nhu cầu tăng, cộng với sự sụt giảm về sản lượng của các nước có thế mạnh như Ghana và Bờ Biển Ngà vì diện tích ca cao già cỗi trong khi hoạt động trồng mới chưa thay thế kịp. Thêm vào đó, các nước trồng ca cao ở châu Á, đặc biệt là Indonesia, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất châu Á cũng giảm sản lượng và chất lượng.

Trong khi đó, chất lượng ca cao Việt Nam đang được đánh giá cao và có cơ hội chiếm lĩnh thị trường ca cao cao cấp. Hiện giá hạt ca cao khô của Việt Nam đang ở mức giá khá ổn định, được các doanh nghiệp thu mua dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg, cao hơn mức giá của thế giới khoảng từ 10.000-20.000 đồng/kg do chất lượng ca cao Việt Nam ngon nhưng số lượng lại ít hơn các nước khác. Nếu so sánh về giá với các loại cây công nghiệp khác như tiêu, cà phê thì rõ ràng hiện nay cây ca cao đang dẫn đầu, tuy nhiên do chưa được quan tâm đầu tư nên năng suất chưa cao dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại chưa như mong đợi.

Chính vì vậy, từ lợi thế cây ca cao đã có nền tảng sản xuất tốt, về lâu dài cần có chiến lược toàn diện cho ngành ca cao, đó là phát triển theo hướng chất lượng, trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Giải pháp trước mắt là tiếp tục duy trì diện tích hiện có, phát triển diện tích trồng xen với điều, dừa, cây ăn quả tại những vùng tập trung có điều kiện sinh thái, đất đai, quy mô nông hộ đủ lớn, có nguồn lực đầu tư sản xuất, ưu tiên vùng có điều kiện nước tưới.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung thông qua liên kết sản xuất với nông dân; phát triển sản xuất ca cao trên cơ sở sản xuất theo hướng thâm canh, chất lượng, sản xuất chứng nhận; đẩy mạnh phát triển ngành chế biến ca cao trong nước, khuyến khích các mô hình sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm ca cao trong nước, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm ca cao của các công ty trong nước.

Theo Ban điều phối Phát triển Ca cao Việt Nam, căn cứ vào quy hoạch tổng thể đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, các tỉnh rà soát, đánh giá tình hình phát triển ca cao trên địa bàn tỉnh, xác định vùng sản xuất phù hợp, quy mô diện tích đủ lớn. Đối với các tỉnh bổ sung ca cao vào đối tượng cây trồng trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ sản xuất. Phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp sản xuất, sơ chế với du lịch; tăng cường quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là chất lượng ca cao xuất khẩu nhằm xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam ngay từ bây giờ.

Do chất lượng ca cao Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường thế giới, đặc biệt là sản phẩm xuất xứ tại Đắk Lắk nên hiện nay đang xảy ra tình trạng không ít thương lái nhập bột ca cao từ các nước Indonesia, Malaysia rồi lấy nhãn hiệu ca cao Đắk Lắk để bán tràn lan trên thị trường trong nước với mức giá thấp hơn rất nhiều. Điều này không những làm ảnh hưởng uy tín của sản phẩm ca cao có nguồn gốc tại Đắk Lắk mà còn mất niềm tin của người tiêu dùng đối với ca cao Việt Nam nói chung.

Minh Thuận - Hoàng Tuyết

Trồng cây phúc bồn tử đen cho thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Phúc bồn tử đen, một loại cây trồng mới vừa được du nhập về Đà Lạt nhưng đã phát huy được hiệu quả kinh tế rõ nét so với nhiều loại cây trồng khác.

Cây phúc bồn tử đen của gia đình ông Vũ Nhuần

Ở Đà Lạt, gia đình ông Vũ Nhuần, đường Vạn Kiếp, Phường 8, được xem là người tiên phong trồng phúc bồn tử đen với diện tích 1.300 m2. Sau 6 tháng chăm sóc, cây phúc bồn tử đen đã giúp cho gia đình có thu nhập bình quân 3 triệu đồng mỗi ngày.

Phúc bồn tử đen, hay còn gọi là quả mâm xôi đen có nguồn gốc xuất xứ từ Israel, trái có vị chua. Ông Nhuần cho biết, cách đây 1 năm gia đình ông mạnh dạn mua giống phúc bồn tử đen về gieo trồng trong nhà kính. Sau khoảng 6 tháng chăm sóc, những cây phúc bồn tử đen đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, gia đình ông Nhuần thu hoạch từ 15 kg - 17 kg trái và bán ra thị trường với giá 200.000 đ/ kg, giúp cho gia đình ông có nguồn thu nhập lớn.

Ông Vũ Nhuần thu hoạch phúc bồn tử đen

Ông Vũ Nhuần cho biết thêm, ưu điểm của cây phúc bồn tử đen là cho trái quanh năm, trái to trung bình khoảng 80 - 90 trái/ kg, nếu chăm sóc tốt, thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 10 năm. Đây cũng là loại cây trồng không cần nhiều công sức cũng như chi phí đầu tư chăm sóc.

Để phúc bồn tử đen sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình ông Vũ Nhuần đã trồng trong nhà kính theo các luống và được kết hợp tưới nước bằng hệ thống phun sương tự động. Gia đình ông Nhuần cũng đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa các loại sâu bệnh có thể gây hại cây phúc bồn tử đen, như: bọ xít, phấn trắng, nhện đỏ… được bón các loại phân chủ yếu là phân vi sinh và thuốc làm từ các loại thảo dược. Hiện ông đã trồng thử nghiệm thành công 3 loại phúc bồn tử hồng, đỏ, xanh và đang chuẩn bị 3 sào diện tích để trồng loại cây này.

Phúc bồn tử đen trái to và cho thu hoạch quanh năm

Ông Hoàng Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 8 cho biết, đánh giá cao mô hình trồng cây phúc bồn tử đen của gia đình ông Nhuần, cùng địa phương tuyên truyền cho bà con nông dân học tập và nhân rộng mô hình này để phát triển kinh tế gia đình cũng như địa phương.

VĂN BÁU

Bến Tre: Thạnh Phú hướng tới nhãn hiệu chứng nhận ‘Xoài tứ quý Thạnh Phú’

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Hiện nay, cây xoài tứ quý ở huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) không ngừng tăng về diện tích. Hiện huyện có gần 300ha đất trồng xoài, tập trung ở các xã: Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh.

Người dân chăm sóc vườn xoài tứ quý.

Người nông dân từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và giá trị cây xoài như sử dụng mô hình tưới tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây xoài, giúp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trái xoài đang tiếp cận thị trường TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước... thông qua Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Hợp tác xã đang tiếp tục vận động thành viên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn sạch, để đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ trái xoài, mở rộng ký kết đầu ra với thành viên.

Từ năm 2017 đến nay, huyện đã tổ chức 12 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng xoài, với hơn 500 lượt nông dân tham dự. Huyện đang làm thủ tục công bố nhãn hiệu chứng nhận “Xoài tứ quý Thạnh Phú”, để tiếp tục giúp chuỗi xoài phát triển toàn diện hơn.

Tin, ảnh: Minh Mừng

Long An tìm đầu ra cho trái thanh long

Nguồn tin: Báo Long An

Chiều 08/10, Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Trần Văn Cần chủ trì cuộc họp tìm biện pháp trong sản xuất và tiêu thụ thanh long. Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh, đại diện Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Hiệp hội Thanh long Long An, lãnh đạo huyện Châu Thành và Tân Trụ tham dự cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Trần Văn Cần chủ trì cuộc họp tìm biện pháp trong sản xuất và tiêu thụ thanh long

Thời gian qua, diện tích thanh long phát triển nhanh trên địa bàn tỉnh. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 11.000ha thanh long, trong đó, huyện Châu Thành là 9.100ha, huyện Tân Trụ có 1.000ha,... Trung bình mỗi hecta thanh long ruột đỏ, sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận từ 400 - 700 triệu đồng/ha/năm.

Phần lớn sản lượng thanh long của Long An đều xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Vấn đề “được mùa mất giá” diễn ra liên tục khiến người dân chưa an tâm sản xuất.

Tại cuộc họp, các sở, ngành tỉnh, lãnh đạo 2 huyện Châu Thành và Tân Trụ nêu lên những khó khăn và đề xuất những giải pháp để sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu và tìm thị trường xuất khẩu thanh long ổn định lâu dài.

Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần chỉ đạo, trước hết, cần củng cố Hiệp hội Thanh long Long An nhằm thu hút các hợp tác xã, xã viên để hoạt động của Hiệp hội ngày càng lớn mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi người sản xuất. Sở Công Thương cần hỗ trợ Hiệp hội trong việc xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, từng bước tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm.

Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Liên minh Hợp tác xã phối hợp các địa phương có trồng thanh long củng cố lại hình thức sản xuất, đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng sạch, hữu cơ; xây dựng thương hiệu; tiếp tục liên kết với một số doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ thanh long; từng bước đa dạng hóa sản phẩm;…

Hiệp hội Thanh long cần thường xuyên trao đổi thông tin với các doanh nghiệp Trung Quốc. UBND tỉnh sẽ tạo điều kiện về thủ tục, từng bước cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch để ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc,…/.

Minh Trực

Lợi kép trên cánh đồng xả lũ

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Sau nhiều năm thực hiện sản xuất khép kín tại các khu đê bao, năm nay, tỉnh Đồng Tháp chủ trương xả lũ tổng diện tích 90.000ha. Chủ trương này được đa số người dân đồng tình.

Có diện tích sản xuất lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, năm nay đê bao 3.200ha của 3 xã: Long Thuận, Phú Thuận A và Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự được mở cống đón lũ sau 3 năm sản xuất khép kín. Việc xả lũ lấy phù sa được đa số người dân thống nhất, vì vài vụ sản xuất gần đây, năng suất lúa bắt đầu sụt giảm, dịch bệnh gia tăng nhiều khiến chi phí sản xuất tăng lên, nông dân có lãi thấp. Ông Phạm Văn Thỏng ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Làm 3 vụ tốn nhiều chi phí. Còn xả lũ vừa nhẹ chi phí sản xuất, vừa tiêu diệt được mầm bệnh vì phù sa đóng lên ruộng 1 lớp dày”.

Năm nay, huyện Hồng Ngự chủ trương xả lũ ở hầu hết các đê bao khép kín trong huyện với diện tích 9.000ha (trừ đê bao 2.600ha ở thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2). Chủ trương này sẽ giúp các địa phương điều chỉnh lịch thời vụ, đồng thời hướng đến sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, con nước tràn đồng cũng giúp cho người dân vùng đầu nguồn có thêm sinh kế mùa nước nổi từ việc đánh bắt thủy sản, cải thiện thu nhập gia đình. Ông Trần Văn Quắn ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Mùa nước giúp nông dân kiếm thêm thu nhập hàng ngày như đánh lưới, đặt dớn, vớt trứng nước, bắt ốc được khoảng 100 - 200 ngàn đồng/ngày. Có nước vô đồng, cuộc sống người dân cũng đỡ”.

Để đảm bảo việc xả lũ diễn ra an toàn, hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng đến vườn cây, ao cá trong các đê bao khép kín, huyện Hồng Ngự tiến hành cho nước lũ vào đồng ruộng có kiểm soát. Đồng thời, địa phương tăng cường kiểm tra, tu sửa các điểm đê xung yếu, các công trình cống, trạm bơm điện để chủ động phương án cho vụ sản xuất đông xuân đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Khơi - Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: “Chủ trương của huyện là từ 3 - 5 năm xả lũ lấy phù sa 1 lần đối với các khu đê bao chống lũ triệt để. Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại của các xã: Thường Lạc, Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B sẽ tổ chức xả lũ triệt để, thực hiện chương trình sinh kế mùa lũ, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội. Đồng thời xây dựng kế hoạch xuống giống đồng loạt đúng theo lịch thời vụ cho từng khu vực sản xuất trên địa bàn huyện”.

Có thể khẳng định, việc xả lũ đã góp phần cải tạo đất, lưu giữ lượng phù sa, dinh dưỡng trong đất giúp nông dân sản xuất lúa giảm giá thành, địa phương quản lý tốt chủ trương, kế hoạch sản xuất. Theo kế hoạch, thời gian xả lũ sẽ kết thúc khoảng giữa tháng 10/2019. Với thời gian này sẽ giúp tỉnh chủ động triển khai lịch thời vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2019 - 2020 theo kế hoạch đề ra.

Minh Thi

Khánh Hòa: Vận động các hộ nuôi thủy sản trên đầm Thủy Triều di dời lồng bè

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa), hiện nay, khu vực đầm Thủy Triều có 92 hộ ở địa phương nuôi thủy sản lồng bè. Đa số các hộ nuôi cá, ghẹ lột, hàu, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Cam Hải Đông, Cam Hải Tây, Cam Đức và 2 hộ nuôi sò mía bằng lồng bè di dời từ vịnh Cam Ranh đến.

Qua vận động, đã có 13 hộ cam kết đến cuối năm 2019 sẽ tháo dỡ hoặc di dời ra khỏi khu vực đầm Thủy Triều; số hộ còn lại đang được các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động. Việc vận động người dân di dời, tháo dỡ lồng bè nhằm thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt. Theo đó, từ nay đến năm 2025, khu vực đầm Thủy Triều chỉ nuôi hàu và trồng rong, diện tích sẽ giảm dần từng năm. Sau năm 2025, khu vực này sẽ không thả nuôi mà chú trọng việc tái tạo nguồn lợi thủy sản.

B.L

Krông Pa (Gia Lai): Nuôi hươu sao mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Qua gần 2 năm triển khai, dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi hươu sao phát triển kinh tế hộ gia đình” trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai bước đầu đã mang lại hiệu quả. Những gia đình tham gia mô hình đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc bán nhung hươu và hươu con.

Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung được Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa triển khai từ năm 2017 cho 5 hộ dân ở xã Chư Ngọc, Phú Cần và thị trấn Phú Túc. Với 10 cặp hươu giống cấp ban đầu (10 con đực và 10 con cái), những gia đình tham gia mô hình đã có nguồn thu nhập ổn định gần 20 triệu đồng/năm từ việc bán nhung hươu và hươu con.

Ông Nguyễn Trung Lành (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần), một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, cuối năm 2017, gia đình ông được cấp 2 cặp hươu giống (dự án hỗ trợ 50% kinh phí). Đến cuối năm 2018, cặp hươu đực giống đã cho nhung, 2 con hươu cái đẻ được 2 hươu con. Hiện nay, đàn hươu của gia đình ông đã phát triển thành 6 con.

“Nuôi hươu sao ít tốn công chăm sóc, phần thức ăn của 6 con hươu này chỉ bằng 1 con bò. Sau hơn 1 năm nuôi, hươu đực giống (khoảng 30-35 kg/con) sẽ trưởng thành và bắt đầu cho nhung. Ngoài 200 gram nhung hươu thu lứa đầu tiên, giữa năm 2019, gia đình tôi cắt nhung lần thứ 2 được 700 gram. Với giá 2 triệu đồng/100 gram, gia đình tôi thu được 14 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng chuồng trại và gắn bó lâu dài với nghề này”-ông Lành chia sẻ.

Các hộ tham gia mô hình nuôi hươu sao lấy nhung trên địa bàn huyện Krông Pa có thu nhập ổn định mỗi năm hơn 20 triệu đồng. Ảnh: N.N

Theo ông Lành, trước đây, gia đình ông từng nuôi bò, heo, dê nhưng vật nuôi hay bị bệnh, giá cả bấp bênh nên lời lãi chẳng đáng là bao. Ông Lành nhận định, nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả gấp nhiều lần so với vật nuôi khác. Hơn nữa, hươu ít bị dịch bệnh, thức ăn hàng ngày chỉ là lá cây, cỏ voi và bắp.

Tương tự, ông Hà Văn Vinh (thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) khẳng định, nuôi hươu rất nhàn, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 15 phút cắt cỏ cho ăn. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ giống cỏ voi nên gia đình ông trồng xung quanh nhà cũng đỡ tốn công đi kiếm lá, cỏ cho hươu. “Trừ những lúc hươu đực bắt đầu mọc nhung cần chế độ chăm sóc đặc biệt để nhung đạt trọng lượng, chất lượng thì mới cho chúng ăn thêm bắp. Còn sau khi cắt nhung, hươu chỉ cần ăn cây cỏ bình thường”-ông Vinh chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Vinh cho biết, cặp hươu đực giống của gia đình ông đã thu hoạch lứa nhung đầu tiên được 400 gram, lứa thứ 2 dự kiến được khoảng 500 gram. Ngoài ra, giá hươu con hiện nay khoảng 10 triệu đồng/con. Nếu bán 2 con hươu vừa đẻ cách đây tròn tháng, gia đình ông có thêm khoản thu nhập 20 triệu đồng. Cũng theo ông Vinh, nhung hươu là dược liệu quý, được người tiêu dùng ưa chuộng nên không đủ đáp ứng. Từ hiệu quả này, ông và các gia đình tham gia mô hình dự kiến sẽ mở rộng quy mô đàn hươu của mình.

Theo ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa: “Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đã mang lại hiệu quả bước đầu. Hươu cái giống đã sinh sản lứa 2 và hươu đực giống cho nhung lần 2 (chưa tính con đẻ năm đầu chuẩn bị cho nhung). Với trọng lượng 400-500 gram/cặp nhung (giá thị trường 20 triệu đồng/kg); hươu con có giá 10 triệu đồng/con, mỗi gia đình tham gia mô hình sẽ có thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng/năm. Từ đây, chúng tôi sẽ tuyên truyền, tổ chức cho người dân tham quan mô hình để bà con học tập, lựa chọn hướng chăn nuôi mới. Đồng thời, chúng tôi sẽ định hướng cho nhiều hộ gia đình tham gia nuôi và có thể phát triển thành phong trào trên địa bàn huyện”.

Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Krông Pa khẳng định, dự án nuôi hươu phù hợp với điều kiện địa phương, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. “Do vậy, về lâu dài, huyện khuyến khích các hộ gia đình mở rộng, nhân đàn để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đồng thời đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện tạo điều kiện về kinh phí để dự án được nhân rộng trong những năm tiếp theo”-ông Vân cho hay.

NGUYỄN NGỌC

Chuyện làm giàu của anh Trương Hoàng Cương

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Về xã Thạch Bình (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), hỏi thăm nhà anh Trương Hoàng Cương bà con trong làng, ngoài xóm ai ai cũng biết. Đơn giản, bởi ở vùng đất cằn này, những thanh niên dám nghĩ, dám làm và thành công với mô hình chăn nuôi lợn mang lại thu nhập từ 700 triệu- 1 tỷ đồng mỗi năm thì không có nhiều.

Anh Trương Hoàng Cương chăm sóc đàn lợn.

Đứng trước trang trại với 700 con lợn siêu nạc đang chuẩn bị xuất chuồng, anh Cương không giấu được niềm vui. Từ năm 2017 đến nay, người chăn nuôi lợn trải qua nhiều sóng gió, hết lợn giá rẻ lại đến dịch tả lợn châu Phi. Trang trại lợn của anh Cương cũng không là ngoại lệ.

“Hiện nay, những khó khăn trong chăn nuôi tạm thời qua đi. Giá lợn đang trên đà tăng, mỗi con lợn xuất chuồng, tôi thu được 1 triệu đồng sau khi trừ chi phí chăn nuôi. Mỗi tháng, tôi xuất chuồng khoảng 100 con. Lợn nuôi bổ sung liên tục, nên thời điểm nào tôi cũng có lợn để bán ra thị trường với số lượng lớn.

Trước đó, tôi thiệt hại từ chăn nuôi do những rủi ro khách quan ước tính cũng lên đến cả tỷ đồng. Cũng may mắn là những năm trước đó, việc chăn nuôi thuận lợi. Có năm, tôi thu lãi cả tỷ đồng. Có nguồn vốn nên tôi có thể duy trì đàn để vượt qua giai đoạn khó khăn.”- anh Trương Hoàng Cương chia sẻ.

Có lẽ, sự bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn đã được anh Cương luyện rèn qua nhiều lần nếm trải thất bại kể từ khi khởi nghiệp. Sinh năm 1985, là con trai út trong một gia đình nghèo ở xã Thạch Bình, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn sau khi tốt nghiệp THPT, anh Cương đã nỗ lực thi vào Trường Cao đẳng thú y để có thể vừa học, vừa làm. Sau hơn 3 năm học, với những kiến thức học được trong nhà trường, Cương rời quê vào miền Nam để làm quản lý cho một trang trại nuôi lợn lớn.

Những ngày làm việc tại trại lợn là những trải nghiệm vô cùng quan trọng cho công việc của Cương sau này. Hơn chục năm gắn bó với trang trại nuôi lợn, vốn liếng thu được không chỉ là hàng trăm triệu đồng tích cóp được, mà quan trọng hơn cả đó là những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để Hoàng Cương tự tin lên tàu về quê lập nghiệp.

Tận dụng diện tích đất rộng của gia đình, anh Cương vay mượn hơn 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại và mua giống lợn cỏ để nuôi. Anh Cương cho biết, khi mới lập nghiệp, tôi gặp nhiều khó khăn về giống, vốn... Tin tưởng vào hướng đi của tôi, gia đình, họ hàng, làng xóm đặc biệt là Đoàn thanh niên xã động viên, hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi, tạo điều kiện để tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi…

Vậy là anh đã bắt tay vào công việc chăn nuôi. Thế nhưng, lứa lợn cỏ đầu thu hoạch, anh Cương bị lỗ tới 300 triệu đồng. Không nản, anh Cương quyết tâm bám trụ lại quê hương để lập thân, lập nghiệp. Anh Cương bình tĩnh để tìm hiểu kỹ nguyên nhân thất bại. Sở dĩ nuôi lợn cỏ bị lỗ bởi đây là loại lợn có sức đề kháng kém, dễ bị dịch bệnh. Mặt khác, thức ăn cho loại lợn cỏ này cũng khá tốn kém, trong khi thị trường đầu ra thì chưa ổn định, anh dừng nuôi lợn cỏ để tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ về các loại lợn khác.

Cuối cùng, Cương quyết định chuyển hướng sang nuôi lợn siêu nạc. Ban đầu, anh mua hơn 100 con lợn nái siêu nạc và đăng ký tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi giống lợn này. Qua các buổi tập huấn, anh được hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho lợn. “Nhờ áp dụng tốt các kiến thức về khoa học kỹ thuật, đồng thời vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong hơn chục năm vừa học, vừa làm nên đàn lợn của gia đình tôi chưa bao giờ bị dịch bệnh”- anh Cương cho biết.

Ban đầu, anh Cương nuôi lợn sinh sản, dần dần mở rộng chăn nuôi theo phương pháp luân chuyển để đảm bảo duy trì thường xuyên số lượng trong đàn. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi với quy mô lớn, được xây dựng kiên cố, sạch sẽ, hệ thống máng ăn tự động hiện đại, giảm sức lao động. Lợn được phòng chống dịch bệnh cẩn thận nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Cương đạt doanh thu từ 600-700 triệu đồng, có năm đạt 1 tỷ đồng từ mô hình chăn nuôi lợn. Làm không xuể việc, Cương còn thuê thêm 2 lao động địa phương với mức lương từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tại, anh Cương xây dựng thêm trang trại để nuôi lợn nái. “Tôi hướng tới mô hình chăn nuôi khép kín. Nghĩa là tự mình chủ động về con giống, sau khi lợn sinh sản sẽ úm và chuyển sang khu nuôi lợn thịt. Ngoài ra, tôi tận dụng đất vườn để trồng thêm hơn 2.000 hốc chuối tiêu hồng. Chuối tiêu hồng cũng hứa hẹn là loại sản phẩm dễ tiêu thụ, với mức giá ổn định”- anh Cương phấn khởi cho biết. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, Trương Hoàng Cương còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn cho những thanh niên có chí làm giàu ở địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Xử lý nghiêm vi phạm chất lượng thức ăn chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất xử lý vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; mua bán thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; vi phạm quy định về sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh; về sử dụng chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, phạt cảnh cáo đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa dưới 5% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa hoặc mỗi chỉ tiêu an toàn vượt quá dưới 5% so với quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 15% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi sau đây: Có hàm lượng định lượng mỗi chỉ tiêu chất lượng không phải chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 15% đến dưới 30% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa; có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 5% đến dưới 10% so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa. Phạt tiền từ 25 – 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng mỗi chất chính thấp hơn mức tối thiểu hoặc cao hơn mức tối đa từ 30% trở lên so với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn hàng hóa. Phạt tiền từ 30 – 35 triệu đồng đối với hành vi sản xuất thức ăn chăn nuôi trong thời gian bị đình chỉ sản xuất thức ăn chăn nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, hành vi mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng ghi trên nhãn hoặc bao bì sản phẩm thức ăn chăn nuôi sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa vi phạm.

Đồng thời, phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi không ghi hoặc ghi không đúng ngày sản xuất trên nhãn hoặc bao bì sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng mỗi loại nguyên liệu hoặc mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi đã hết hạn sử dụng.

Siết quản lý kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi

Theo dự thảo, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo; sản xuất, mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có hàm lượng kháng sinh khác với hàm lượng theo quy định hoặc trên nhãn hàng hóa từ 5% trở lên.

Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; sản xuất, mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh không theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y; sử dụng kháng sinh trong sản xuất mỗi loại thức ăn chăn nuôi, trừ thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ; sử dụng kháng sinh trong sản xuất, mua bán mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhằm phòng bệnh cho vật nuôi, trừ vật nuôi ở giai đoạn con non theo quy định.

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất phạt tiền đối với hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi như sau: Phạt tiền từ 60 – 90 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 50 triệu đồng; phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Mức phạt trên được đề xuất đối với cá nhân có hành vi vi phạm, tổ chức vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tuệ Văn

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop