Tin nông nghiêp ngày 11 tháng 12 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 11 tháng 12 năm 2019

Mùa vú sữa

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Những ngày đầu tháng 12, vùng trồng vú sữa tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) vào mùa thu hoạch rộ. Năm nay, vú sữa không trúng mùa bằng năm trước nhưng giá ở mức cao, đầu ra đảm bảo nên thu nhập của nông dân vẫn ổn định.

Những ngày này, về xã Trường Long, huyện Phong Điền, cảnh mua bán vú sữa rất nhộn nhịp. Nhà vườn thì tranh thủ hái, cánh thương lái thì lựa rồi bao lại để cho vào thùng đưa đi tiêu thụ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Bắc.

Để có những vụ vú sữa thắng lợi, người dân Phong Điền tập trung chăm sóc vú sữa đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để đảm bảo đủ chuẩn xuất khẩu.

Trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết sản xuất là ưu tiên hàng đầu. Bà con bao trái để không phải sử dụng phân hóa học.

Nhờ được chăm sóc kỹ cùng việc bao trái mà trái vú sữa tại Phong Điền đẹp, bắt mắt, đủ chất lượng để xuất khẩu.

Sau khi thu hoạch, vú sữa được bao lại và đóng thùng cẩn thận để phần lớn đưa đi tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phía Bắc và xuất khẩu.

Chị Đặng Thị Thật, thương lái tại Phong Điền cho biết hiện mua tại vườn đối với vú sữa lò rèn 28.000 đồng/kg, bơ hồng 23.000 – 24.000 đồng/kg, tím bắc thảo 25.000 đồng/kg, mức giá này cao hơn cùng kỳ năm trước.

Riêng vú sữa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thì có giá khoảng 40.000 đồng/kg.

Bình Nguyên

Nhiều lợi ích khi trồng hoa mười giờ dưới tán thanh long

Nguồn tin: Báo Long An

Những thảm hoa mười giờ phủ kín và bám chặt vào mặt ruộng giúp giữ ẩm, tránh đất bị xói lở nên người dân không cần phải đánh rãnh thoát nước hay bồi gốc thanh long mỗi năm 1 lần như trước đây.

Trước đây, giữa các trụ thanh long vốn để đất trống, cỏ mọc um tùm. Còn giờ đây, nó được bao phủ bởi hoa mười giờ nhiều màu sắc khác nhau. Được biết, trước đây, mô hình trồng hoa hạn chế dịch bệnh, thu hút thiên địch có lợi được ứng dụng nhiều trong trồng lúa. Còn đối với trồng thanh long thì mới áp dụng được khoảng 3 năm nay.Tuy nhiên, kết quả mang lại rất bất ngờ.

Bí thư Chi bộ ấp Chợ Ông Bái, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Đoàn Văn Lành cho biết: “Mô hình Trồng hoa mười giờ dưới tán thanh long có rất nhiều lợi ích như xây dựng cảnh quan đẹp; hạn chế sâu, bệnh, xói mòn đất và cỏ dại mọc. Quan trọng hơn, thảm hoa mười giờ sẽ tạo mùn cho đất và điều tiết nhiệt độ, giúp vườn thanh long dịu mát kể cả trong mùa khô hay những lúc nắng gắt.Nhờ vậy, lượng chồi non đậu trái nhiều hơn và thời gian ra chồi non cũng kéo dài hơn. Với những lợi ích trên giúp nông dân tăng thu nhập”.

Bà Trần Thị Be trồng hoa mười giờ dưới tán thanh long

Tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, trong khi những ruộng thanh long xung quanh cỏ dại mọc đầy, người dân phải tốn chi phí phun xịt thuốc còn ruộng thanh long của ông Đoàn Công Rái thì không có cỏ, khắp mặt ruộng toàn hoa mười giờ. Với 3.000m2 đất trồng thanh long, trước đây, mỗi năm ông Rái phải tốn khoảng 12 triệu đồng để xử lý cỏ dại. Riêng 2 năm nay, ông không mất đồng nào cho công việc này.Quan trọng hơn, nó còn giúp hạn chế ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, giúp trái thanh long sạch, có thể áp dụng vào mô hình trồng thanh long VietGAP tại địa phương.Thêm vào đó, nhờ trồng hoa mười giờ nên sâu gây hại cũng giảm đi nhiều.Cây sinh trưởng tốt và phát triển nhanh. Ông Rái cho biết: “Lúc trước chưa trồng hoa mười giờ, xung quanh ruộng thanh long toàn là cỏ nên rất nhiều sâu. Điều này tạo điều kiện cho sâu phá hoại tược non, ảnh hưởng đến năng suất. Còn giờ đây, vườn thanh long tôi rất ít sâu, bệnh”.

Những thảm hoa mười giờ phủ kín và bám chặt vào mặt ruộng giúp giữ ẩm, tránh đất bị xói lở nên người dân không cần phải đánh rãnh thoát nước hay bồi gốc thanh long mỗi năm 1 lần như trước đây. Ngoài lợi ích kinh tế, trồng hoa trong vườn thanh long còn tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp, giúp người dân cảm thấy thư giãn sau những giờ lao động vất vả.

Bà Trần Thị Be, ngụ ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Ai cũng vậy, hễ thấy hoa đẹp là thích. Những lúc làm đồng vất vả nhìn thấy hoa đẹp là mọi mệt nhọc tan biến. Ngoài ra, trồng hoa mười giờ khi bước xuống ruộng không bị dính sình, việc vận chuyển thanh long cũng dễ dàng hơn”.

Nhận thấy lợi ích từ việc trồng hoa mười giờ dưới tán thanh long, mô hình nhanh chóng được nhân rộng tại nhiều địa phương có diện tích thanh long trong tỉnh như Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Tân An./.

Minh Thư

Mùa cà phê kém vui

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Thời điểm này, người trồng cà phê tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông… đang bước vào mùa thu hoạch. Nhưng dù được mùa, các nhà vườn vẫn kém vui vì giá cà phê xuống thấp, không đủ chi trả tiền đầu tư, công chăm sóc và nguy cơ thiếu hụt vốn để tái sản xuất mùa vụ sang năm.

Cà phê tại huyện Bù Đăng vào vụ thu hoạch

Được mùa, mất giá

Tỉnh Bình Phước có 16.000ha cà phê, tập trung tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và Đồng Phú. Khác với các tỉnh Tây Nguyên, cà phê ở Bình Phước không được trồng tập trung mà phân tán trên nhiều khu vực. Ghi nhận tại các nhà vườn, thời điểm này hầu hết các vườn cà phê đang bước vào giai đoạn chín rộ, có năng suất cao hơn năm trước. Tuy nhiên, giá cà phê tươi chỉ còn 6.000 đồng/kg, cà phê nhân dao động 30.000 - 32.000 đồng/kg, được coi là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Ông Lê Văn Tấn (ngụ xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) có thâm niên 13 năm trồng cà phê, cho biết, gia đình ông có hơn 1,7ha cà phê và năm trước thu hơn 5 tấn cà phê nhân, bán trên 37.000 đồng/kg. Ông tự tin năm nay năng suất sẽ vượt trên 7 tấn nhưng do giá còn 32.000 đồng/kg cà phê nhân nên gia đình lo lắng. “Hơn chục năm trồng cà phê, chưa năm nào giá thấp như năm nay. Năm thấp nhất cũng đạt ngưỡng 35.000 đồng/kg cà phê nhân. Nếu giá không tăng, người nông dân trồng cà phê sẽ không có lời, không đủ bù công chăm sóc. Do đó, gia đình tôi chưa vội bán mà trữ lại để chờ được giá”, ông Lê Văn Tấn nói.

Tiểu khu 23, xã Đắc Nhau (huyện Bù Đăng) giáp ranh tỉnh Đắc Nông là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nên bà con trồng cà phê thường bị thương lái ép giá khoảng 31.000 đồng/kg cà phê nhân. Trước tình trạng giá cà phê xuống thấp, anh Nông Văn Phương (ngụ tiểu khu 23) có gần 10 năm gắn bó với cây cà phê, cho biết, gia đình anh có 1,5ha cà phê trồng xen điều, mọi năm dù mất mùa, mất giá nhưng cây cà phê giá tương đối nên bù lại chi phí bỏ ra. Năm nay năng suất cà phê cao hơn chút ít nhưng giá lại quá thấp. “Nếu giá cứ giữ ở mức này, thời gian tới vợ chồng tôi phải tiếp tục làm thuê trang trải cuộc sống”, anh Phương buồn rầu nói.

Nỗi lo vụ sau

Với rất nhiều nông hộ Bình Phước, cà phê là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình nên việc giá cả xuống thấp khiến người nông dân ngao ngán. Thu vụ mùa không đủ bù vốn thì việc tái đầu tư cho cây trồng sang năm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Huyện Đồng Phú hiện có hơn 877 ha cà phê, tập trung ở các xã Tân Hưng, Tân Phước, Thuận Phú, Đồng Tiến, Đồng Tâm với năng suất bình quân 2 - 3 tấn/ha. Thời điểm này, nhiều hộ phải tranh thủ thu hoạch cà phê cả non lẫn già mà không quan tâm đến chất lượng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, dù rớt giá nhưng cây cà phê vẫn có đầu ra ổn định và xuất khẩu đi nhiều nước. Để gắn bó và làm giàu từ cà phê, nông dân cần chuyển đổi hình thức canh tác, tập trung vào liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ để giảm chi phí đầu tư và ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, bà con cần mạnh dạn chuyển đổi những vườn cà phê già cỗi năng suất kém sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chị Phạm Thị Lan (ngụ xã Tân Phước) đang hối hả thu hoạch những chùm cà phê đang trong quá trình chuyển màu chín đỏ, trong đó vẫn còn xen lẫn nhiều quả xanh non. Chị Lan cho hay, mọi năm phải chờ chín nhiều rồi mới thuê người phụ thu hoạch một lần, nhưng năm nay giá cả thấp quá, nếu thuê nhân công thì lỗ nặng, nên hai vợ chồng tranh thủ tự thu hoạch dần. “Dẫu biết là chưa chín đều và còn nhiều trái non dẫn đến mất năng suất và chất lượng kém, nhưng biết làm sao được”, chị Lan nói.

Là hộ trồng chuyên canh 2ha cà phê hơn 10 năm nay, anh Hoàng Văn Pảo (ngụ xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) có kinh tế khá giả trong vùng, nhưng giờ thì gia đình anh đang lo lắng.

“Mùa vụ năm ngoái, tôi thu được hơn 10 tấn nhân nên đủ tiền để tái đầu tư nâng cao năng suất vụ này. Năm nay, ước tính năng suất sẽ cao hơn năm trước vài tấn nhưng với giá thấp như hiện nay, việc tái đầu tư sẽ khó khăn. Nếu tình trạng được mùa mất giá cứ tiếp diễn, tôi buộc phải giảm bớt chi phí đầu tư”, anh Pảo nói.

Gần nhà anh Pảo, với 2ha cà phê trồng xen điều, ông Điểu Rên thuê người hái với giá 1.000 đồng/kg cà phê tươi. Với giá bán 6.000 đồng/kg cà phê tươi, sau khi trừ công hái, chỉ còn 5.000 đồng/kg. Mùa vụ năm nay, gia đình ông không dám thuê mà chỉ đổi công phụ nhau thu hoạch cà phê.

Ông cho rằng, việc tái đầu tư cho vườn cây chỉ nên cầm chừng chứ không còn mạnh dạn như trước. “Không có tiền thì phải bón phân, tưới tiêu, phun thuốc ít lại. Hiện gia đình chưa dám bán, chờ giá tăng để vớt vát lại công đầu tư và chăm sóc”.

HOÀNG BẮC

Khi cà phê có VnSAT

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Dự án VnSAT (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững) Lâm Đồng kết thúc giai đoạn năm 2016 - 2019 đã tập huấn, chuyển đổi kỹ thuật canh tác mới cho hơn 15.000 lượt nông hộ trồng cà phê ở Lâm Đồng. Qua đó, tăng thu nhập hơn 9,3% so với biện pháp thông thường, nhất là góp phần tích cực bảo vệ bền vững môi trường.

Vườn ươm Lâm Huê ở Lâm Hà mỗi năm xuất vườn 300.000 cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng VnSAT. Ảnh: Văn Việt

Mỗi năm sản xuất 3,2 triệu cây giống

Phóng viên đã đến Vườn ươm Lâm Huê ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, một trong những vườn ươm cây cà phê hội đủ các điều kiện tham gia Dự án VnSAT Lâm Đồng. Sau một buổi tiếp cận trực tiếp vườn ươm và vườn sản xuất, phóng viên ghi nhận kết quả chuyển đổi quy trình sản xuất hiệu quả trong tất cả giai đoạn từ ươm giống, chăm sóc cây giống, xuất vườn đến xuống giống, canh tác và thu hoạch. Theo đó, ở khâu gieo hạt giống, Vườn ươm Lâm Huê tập trung kỹ lưỡng khâu xử lý lên luống đất cao hơn 20 cm, phối trộn phân hữu cơ và cải tạo đất bề mặt tơi xốp, khoảng cách ở giữa 2 luống đào đắp rãnh mương để thoát nước...Và khâu chăm sóc thì chú trọng cắt cành, tỉa tán, bón phân hữu cơ cân đối, sử dụng nguồn nước sạch để tưới...Kết quả mỗi năm Vườn ươm Lâm Huê xuất vườn 300.000 cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn, chất lượng VnSAT, gồm khoảng 50% giống cà phê chè và 50% giống cà phê vối. Trong đó, chiếm khoảng 60% lượng cây giống được nông dân xã Gia Lâm chọn mua về trồng và đạt năng suất trung bình 4 tấn cà phê chè và 7 tấn cà phê vối/ha/năm.

Tính chung giai đoạn năm 2016 - 2019, Vườn ươm Lâm Huê ở xã Gia Lâm, Lâm Hà là một trong 11 vườn ươm giống cây cà phê toàn tỉnh Lâm Đồng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chứng nhận đạt tiêu chuẩn tham gia Dự án VnSAT. Quy mô 11 vườn ươm này có tổng diện tích hơn 57.300 m2, năng lực sản xuất 3,2 triệu cây/năm, ước tính cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn theo quy định đạt trên 95%. Hiện tại, trong vùng dự án có thêm 1 vườn ươm tư nhân tiếp tục phê duyệt hỗ trợ nâng cấp, dự kiến ký kết hợp đồng chọn nhà thầu triển khai vào đầu năm 2020. Ngoài ra, Dự án VnSAT còn hỗ trợ tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng nâng cấp vườn ươm nhà nước với quy mô diện tích 4.000 m2 thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên). Trong tháng 11/2019 vừa qua, vườn ươm này đã hoàn thành xây dựng, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng, năng lực sản xuất mỗi năm 200.000 cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn VnSAT, góp phần đáp ứng nhu cầu tái canh niên vụ 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn Lâm Đồng.

Đến 92% diện tích cà phê sản xuất, tái canh bền vững

Đáng kể trong năm 2019 với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, Ban Quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng đã hợp đồng với nhiều đơn vị tổ chức xây dựng mô hình, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê cho nông dân. Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện 40 mô hình sản xuất cà phê bền vững với diện tích gần 28,8 ha; hơn 60 lớp tập huấn cho nông dân trên 7 huyện, thành gồm: Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương và Đà Lạt.

Tương tự, ngoài việc xây dựng 24 mô hình tái canh cà phê bền vững với diện tích hơn 15,5 ha, mở 16 lớp tập huấn cho nông dân vùng dự án Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng còn triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chuyên ngành cho 15 tổ chức nông dân gồm: phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng, giám sát và quản lý bệnh hại cà phê. Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp Lâm Đồng thực hiện 27 mô hình sản xuất, tái canh cà phê bền vững với diện tích 19 ha; mở 21 lớp tập huấn cho nông dân ở Bảo Lộc, Lâm Hà, Đức Trọng… Các Trung tâm Khảo nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Tây Nguyên; Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng thực hiện các hoạt động “giám sát chất lượng nhân giống cây cà phê”; “giám sát và đánh giá sự đa dạng với cà phê”; khuyến cáo nông dân đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê…

Lũy kế từ đầu Dự án VnSAT đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho hơn 15.000 lượt nông dân về sản xuất, tái canh cà phê bền vững với diện tích gần 13.000 ha. Thực hiện hơn 170 mô hình trình diễn với diện tích hơn 120 ha. Kết quả diện tích cà phê áp dụng biện pháp sản xuất, tái canh bền vững đạt từ 75,3% đến 92%.

“Dự kiến kế hoạch năm 2020, VnSAT Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ nông dân lắp đặt công nghệ tưới tiết kiệm trên 200 ha cà phê; trang bị 2 máy sấy và 3 máy sơ chế cà phê; tiếp tục tập huấn về sản xuất, tái canh bền vững cho hơn 3.300 lượt nông dân trong vùng dự án; thực hiện 70 mô hình trình diễn sản xuất, tái canh cà phê bền vững…”, Ban Quản lý Dự án VnSAT Lâm Đồng cho biết.

VĂN VIỆT

Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Theo Trung tâm Khuyến nông TPHCM, hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt chiếm khoảng 14%, chăn nuôi 6,5%, thủy sản khoảng 1,3% tôm và 18% cá cảnh nuôi hồ, so với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố.

Để có quy trình kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, canh tác, công nghệ sau thu hoạch, tiến bộ kỹ thuật chuyển giao cho nông dân, Trung tâm Khuyến nông TPHCM đang phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao nhằm kiểm tra tính chính xác, khẳng định khả năng phù hợp với điều kiện sản xuất.

Tuy nhiên, mô hình công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ chủ yếu từ nước ngoài; việc triển khai thực hiện xây dựng nhà sơ chế… trên đất nông nghiệp còn khó khăn; nông dân thành phố có điều kiện sản xuất với quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư, khả năng tiếp nhận ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế.

THANH HẢI

Đà Lạt: Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 560 ha trong năm 2019

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Thống kê ngành chức năng Đà Lạt cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đã tăng thêm 560 ha trong năm 2019.

Cụ thể, toàn Đà Lạt đến cuối năm 2019 này đã có 6.530 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 62,2% trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tăng 560 ha so với cuối năm 2018, trong đó tổng diện tích nhà kính 2.554 ha.

Trong 6.530 ha đất sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên, có 3.110 ha trồng rau; 1.844 ha trồng hoa; dâu tây 100 ha, atisô 70 ha; cùng đó có 1.196 ha cà phê, chè 210 ha. Đến nay có khoảng 980 ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP.

Theo ngành chức năng Đà Lạt, giá trị thu hoạch bình quân 1 ha đất của thành phố đến nay đã đạt 380 triệu đồng/ha, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2018, trong đó rau cao cấp trong nhà kính đạt mức 780 triệu đồng/ha; hoa đạt mức 950 triệu đồng/ ha còn chè cành cũng đạt mức 350 triệu đồng/ha.

VIẾT TRỌNG

Quảng Nam thận trọng khi tái đàn heo

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 7-12, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Nam cho biết, đơn vị vẫn chưa khuyến khích tái đàn heo vì hiện tại dịch tả heo châu Phi vẫn còn xuất hiện ở một số địa phương, đồng thời tái phát lại ở vài khu vực đã xuất hiện trước đó.

Hiện nay giá heo tăng cao do nhu cầu thực phẩm cung cấp ngày tết khiến một số nơi người dân bắt đầu tái đàn

Theo ông Nam, thông thường thời điểm tái đàn sau dịch là 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo hoặc sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

“Bước đầu chỉ tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau 30 ngày, cần lấy mẫu xét nghiệm đàn heo này, nếu tất cả mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi mới có thể nuôi số lượng lớn hơn. Ngoài ra, phải đảm bảo các quy trình an toàn sinh học như tiêu độc khử trùng chuồng trại, kiểm soát quản lý, quy trình kỹ thuật của cơ quan chức năng”, ông Nam khuyến cáo.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tái đàn vì mầm bệnh vẫn còn

Ông Nam cho rằng, hiện nay giá heo tăng cao do nhu cầu thực phẩm cung cấp ngày tết khiến một số nơi người dân bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, mầm bệnh vẫn còn nên người dân cần thận trọng khi tái đàn. Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Nam sẽ tổ chức tuyên truyền các hộ giữ vệ sinh chuồng trại, thực hiện tốt quy trình tiêu độc khử trùng theo quy định.

Thống kê cho thấy, đến thời điểm hiện tại tổng số heo tiêu hủy trên toàn tỉnh Quảng Nam là hơn 148 ngàn con, tổng trọng lượng hơn 8,75 tấn. Hiện 151 xã, phường, thị trấn ở 16 huyện, thị xã, thành phố đều đã có dịch tả heo châu Phi.

NGỌC PHÚC

Sa Pa (Lào Cai): Khuyến cáo người dân phòng, chống rét cho gia súc

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Những ngày qua, không khí lạnh tăng cường đã khiến nhiệt độ ở các địa phương trong tỉnh xuống thấp; đặc biệt, nhiệt độ tại huyện Sa Pa (Lào Cai) đã xuống dưới 10 độ C.

Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, tính đến sáng ngày 8/12, chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò bị chết rét; đối với hoa và các loại rau, cơ bản không bị thiệt hại.

Người dân xã Hầu Thào chăm sóc trâu những ngày trời rét.

Hiện nay, huyện Sa Pa có 4.700 hộ gia đình chăn nuôi gia súc lớn với tổng đàn 14.000 con gia súc các loại. Người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn cũng như thực hiện các biện pháp giữ ấm cho trâu, bò.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tuyệt đối không chăn thả gia súc những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C; dự trữ đủ thức ăn xanh, thức ăn tinh và thức ăn khô; quây kín chuồng nuôi, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò; di chuyển vật nuôi xuống những địa phương có thời tiết ấm áp hơn để tránh rét…

THÚY PHƯỢNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop