Tin nông nghiêp ngày 13 tháng 12 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiêp ngày 13 tháng 12 năm 2019

Bắc Giang: Thu nhập ổn định từ loại cây trồng ra quả quanh năm

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Những năm gần đây, người dân thôn Hòa Minh, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng lúa sang trồng ổi lê Đài loan và đã có nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ loại cây trồng này.

Tay thoăn thoắt bọc xốp vào những quả ổi non, bà Trần Thị Nghị cho biết, nhà bà mới bắt đầu trồng ổi cách đây 2 năm, hiện gia đình có hơn 3 sào ổi lê với gần 400 cây cây ổi đang cho thu hoạch. Với giá bán bình quân từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, trừ hết chi phí đi cũng thu về khoảng 15-18 triệu/sào/năm.

Theo bà Nghị, ổi Đài Loan có thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu quả cao và cho thu hoạch quanh năm, cây cứng, khỏe mạnh, khả năng kháng sâu bệnh tốt, với đặc tính dễ trồng, chăm sóc dễ nên bà không tốn công chăm sóc, chỉ chú ý tưới tắm, bón phân đúng thời điểm, cắt tỉa cành, bấm đọt giúp tạo nhiều cành cho trái, khi quả to bằng ngón tay cái thì phải dùng túi bọc chuyên dụng để bọc quả giúp cho quả đẹp, tránh bị ruồi vàng tấn công.

Cùng thôn Hòa Minh, bà Đàm Thị Ngát cũng trồng gần 3 sào ổi lê. Bà Ngát chia sẻ, nhận thấy nhiều hộ xung quanh đã thành công với cây ổi lê Đài Loan này, cùng với đó, nhà con trai bà ở thôn Lân Thịnh - xã Phúc Hòa cũng làm giàu từ cây ổi lê nên bà bắt tay vào trồng ổi. Vợ chồng bà xuống tận Việt Yên, Bắc Giang mua cây giống đảm bảo chất lượng về để trồng. Ngoài ra, bà cũng tham gia nhiều lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp huyện Tân Yên, cán bộ khuyến nông các cấp tổ chức để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về áp dụng tại gia đình mình nên vụ vừa rồi cây ổi nhà bà cho quả to, có quả đạt trọng lượng 450 – 500 gram/quả.

Điều đáng mừng đối với bà con trồng ổi nơi đây là ổi thu hoạch đến đâu, thương lái tới tận ruộng thu mua tới đấy nên bà con trồng ổi ở Hòa Minh không phải mang ra chợ bán. Chị Nguyễn Thị Lệ - Cán bộ khuyến nông cơ sở xã Hợp Đức cho biết, hiện toàn xã hơn 25 ha giống ổi Đài Loan, ngoài thôn Hòa Minh còn có thôn Trung, Lò Nồi, Hòa An..., trừ hết chi phí đi, bà con thu về được khoảng từ 15 - 20 triệu đồng/sào/năm.

Những năm trở lại đây, việc khuyến khích dồn điển đổi thửa đang được quan tâm nên diện tích ổi lê Đài Loan đang được mở rộng, chất lượng cũng như sản lượng tăng cao, đầu ra cũng rất ổn định nên bà con trong xã rất phấn khởi, yên tâm canh tác, làm giàu từ loại cây trồng ra quả quanh năm này.

Nguyễn Khương - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

An Giang: Nhà vườn chuẩn bị trái cây cho vụ Tết

Nguồn tin: Báo An Giang

Thời gian qua, các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu sang trồng cây ăn trái đã mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp tỉnh An Giang. Thời điểm này, bà con nông dân ở các địa phương rất tất bật chăm sóc vườn cây ăn trái: xoài, bưởi, quýt, thanh long, nhãn... nhằm chuẩn bị cho vụ Tết với mong muốn “trúng mùa, được giá”.

Gia đình anh Võ Văn Trực (thị trấn Chi Lăng, Tịnh Biên) có 5 công đất, anh trồng các loại cây như: mít, ổi, xoài. Tuy nhiên, các loại cây trồng này cho trái rất ít, mỗi năm thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng. Sau khi tham quan và tìm hiểu mô hình trồng quýt đường (ở xã An Hảo, Tịnh Biên) của người em và được chỉ dẫn kỹ thuật chăm sóc cây quýt đường, năm 2016 anh Trực mạnh dạn đưa cây quýt đường vào trồng trên toàn bộ diện tích đất của vườn của anh. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, cây quýt đã cho đợt trái đầu tiên, thương lái đến tận vườn thu mua, giá 25.000 đồng/kg, thu về 120 triệu đồng.

Ở thị trấn Chi Lăng, vấn đề nước tưới cho cây trồng là rất khó khăn, nếu cây quýt thiếu nguồn nước tưới sẽ dẫn đến thất mùa. Vì vậy, anh Trực đầu tư xây dựng hồ chứa nước để chủ động nguồn nước tưới. Năm nay là vụ mùa thứ 2 quýt đường cho trái, anh Trực cho biết, từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 9 tháng, giai đoạn ra trái được xem là thời điểm quan trọng nhất. Tham quan vườn quýt hiện nay, trái đã được 4 tháng, xanh bóng, đều cành, xem như đã thành công, cứ 3-5 ngày thu hoạch 1 lần, từ 20-30kg, giá bán 30.000 đồng/kg. Do lo sợ quýt của mình sẽ bị “dội chợ”, anh Trực đã chăm sóc quýt để bán thành 2 đợt: dịp Tết Nguyên đán và tháng 2 (âm lịch) nhằm bán ra thị trường với giá tốt nhất. Riêng đợt Tết dự kiến thu hoạch bán hơn 1 tấn, sau Tết sản lượng có thể gấp 2 hoặc 3 lần.

Bà con nông dân trồng bưởi hy vọng một mùa bưởi Tết “trúng mùa, được giá”

Cùng với trồng quýt đường, nhưng anh Phan Thanh Mạnh (Thoại Sơn) mong đợt quýt sẽ thu hoạch ngay dịp Tết để bán được giá hơn. Đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng quýt đường nhưng theo anh Mạnh, ngoài kỹ thuật của người trồng thì tình hình thời tiết ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng ra hoa, đậu trái của cây quýt đường. Theo anh Mạnh, để kịp đón vụ trái Tết, tháng 4 (âm lịch) đã tiến hành kỹ thuật ép cây, kích thích cho quýt ra hoa và đậu trái. “Thời điểm đó mưa nhiều, nắng cũng hét, làm tuột bông hết. Phải đợi đến đúng tháng sau mới làm lại nên giờ mình chỉ biết chăm sóc thúc lên, mong cho kịp Tết” - anh Mạnh thông tin.

Bưởi da xanh là trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng được dùng để chưng, cúng, biếu tặng, nhất là vào các dịp lễ, Tết hàng năm. Bắt nhịp nhanh với nhu cầu của thị trường, nhiều nông dân ở các địa phương như: Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, TX. Tân Châu... đã “bén duyên” với cây bưởi da xanh để phát triển kinh tế gia đình. Với hơn 1ha trồng cây bưởi da xanh, ông Tăng Tấn Hưng (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu) đang rất tất bật chuẩn bị cho một vụ bưởi bán cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Theo ông Hưng, do nắm được kỹ thuật canh tác nên vườn bưởi của ông cho trái rải vụ, chia làm nhiều đợt trong năm, nhưng tập trung nhiều vào dịp Tết. Vì thời gian sinh trưởng kéo dài nên để có bưởi bán Tết, những ngày đầu tháng 5 (âm lịch), ông Hưng tiến hành kích thích ra hoa, đến Tết là bưởi vừa thu hoạch. “Năm nay, thời tiết không thuận lợi lắm, mưa nắng thất thường nên bưởi dễ bị bệnh vàng lá. Mà khi bưởi bị bệnh này rồi sẽ ảnh hưởng đến năng suất trái, vì để dưỡng cây phải lặt hết trái để cây có sức hồi phục” - ông Hưng chia sẻ.

Bưởi bán Tết có yêu cầu đặc biệt là trái phải tròn đều, da xanh đẹp nên đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc của nhà vườn phải cao. Trong lúc cây ra hoa, kết trái, nông dân phải tiến hành lựa chọn loại bỏ trái móp, méo, chùm nhiều trái thì phải bỏ bớt, chỉ giữ lại trái đẹp. Năm trước, vườn bưởi mới cho “trái chiến”, đến vụ Tết ông Hưng thu hoạch 2-3 tấn trái, bán với giá 55.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Năm nay, cây bưởi cho trái đều, đẹp hơn, tin rằng năng suất trái sẽ tăng lên. Giờ thì mình vừa chăm sóc vừa đợi giá, nếu có giá thì năm nay sẽ đón một cái Tết xôm tụ hơn” - ông Hưng vui vẻ cho biết.

Hiện nay, nhiều nhà nông trồng các loại cây ăn trái như: xoài, mãng cầu, thanh long... đang cầu mong thời tiết “mưa thuận, gió hòa” để có một vụ mùa Tết bội thu. Sau 1 năm làm lụng vất vả, người nông dân nào cũng mong vườn cây ăn trái của mình “trúng mùa, được giá” để đón một cái Tết vui tươi, trọn vẹn.

ÁNH NGUYÊN

Khởi nghiệp từ bắp nữ hoàng đỏ

Nguồn tin: Báo An Giang

Tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng năm 2017, nhưng Phạm Văn Duy Phương (sinh năm 1994, ngụ xã Bình Long, Châu Phú, tỉnh An Giang) không gắn bó với nghề mình đã học, trở về quê thực hiện ước mơ cháy bỏng là làm nông nghiệp sạch. Để biến sở thích của bản thân thành hiện thực, Duy Phương đã tự mình tìm hiểu kỹ thuật và bắt tay vào canh tác giống bắp nữ hoàng đỏ, một giống bắp khá mới lạ tại địa phương.

Bắp nữ hoàng đỏ có thời gian trồng ngắn hơn so các loại bắp khác, khoảng 58 ngày là thu hoạch. Sở dĩ bắp nữ hoàng đỏ thu hút người tiêu dùng vì trái bắp có màu đỏ thẩm từ hạt đến lõi, rất khác so các loại bắp thông thường, thịt bắp rất dẻo, ngọt và thơm, đặc biệt loại bắp này có thể ăn ngay khi còn sống, không cần phải nấu chín. Đây được xem là giống bắp khá đặc biệt, tuy nhiên vẫn chưa được trồng phổ biến tại địa phươn, nên Duy Phương quyết định chọn bắp nữ hoàng đỏ để khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp của bản thân.

Duy Phương cho biết: “Đến nay, tôi đã trồng và thu hoạch được 2 vụ bắp với năng suất khá cao. Quy trình canh tác cây bắp nữ hoàng đỏ đơn giản, quan trọng là phải làm tốt khâu cải tạo đất như: bón phân, dùng rơm che mát cho đất để tạo độ tơi xốp và hạn chế cỏ phát triển. Không nên trồng bắp trên đất úng, có nguy cơ ngập nước trong mùa mưa, cần phân lô, rạch hàng, làm mương tưới hoặc tiêu nước để thoát úng. Khâu quan trọng tiếp theo là đắp đất vào gốc để giữ cho cây vững, bám đất, không đổ ngã. Nếu thực hiện tốt các bước ban đầu này thì cây bắp sẽ phát triển tốt”.

Bắt tay vào trồng bắp nữ hoàng đỏ, Duy Phương đặt mục tiêu phải tạo ra sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, trong suốt quá trình canh tác cây bắp từ khâu cải tạo đất cho đến quá trình chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, Duy Phương đều dùng chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Ngoài ra, để ngăn thuốc bảo vệ thực vật từ các ruộng lúa lân cận lây lan, Duy Phương còn trồng giàn khổ qua hoặc những cây cà… xung quanh mảnh đất trồng bắp để che chắn, nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn ngay cả khi dùng để ăn sống.

Duy Phương cho biết: “Nếu các loại bắp thông thường có giá từ 3.000-5.000 đồng/trái thì bắp nữ hoàng đỏ có giá cao gấp 3-4 lần. Chính vì có giá thành cao nên khi thu mua, bạn hàng cũng phân loại rất kỹ càng. Thông thường, bắp nữ hoàng đỏ khi bán được chia thành 2 loại: loại 1 từ 270-350gr, có giá bán sỉ 12.000 đồng/trái, bán lẻ 20.000 đồng/trái; loại 2 từ 230-270gr, bán sỉ 9.000 đồng/trái, bán lẻ 15.000 đồng/trái. 2 vụ thu hoạch vừa qua, mỗi vụ sau khi trừ chi phí: hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công... lợi nhuận tôi thu được hơn 10 triệu đồng/1.000m2”.

Trái bắp nữ hoàng đỏ có màu đỏ thẩm, hạt bóng mẩy

Hôm chúng tôi ghé thăm, ruộng bắp của Duy Phương đã được xuống giống vụ mới để chuẩn bị thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Duy Phương cho biết: “Bắp thu hoạch vào dịp Tết không chỉ cung cấp cho bạn hàng, mà còn dùng để gói thành giỏ quà chưng Tết. Mùa Tết năm vừa rồi, tôi dùng bắp nữ hoàng đỏ gói thành giỏ quà bán với giá từ 120.000-350.000 đồng/giỏ, tùy vào số lượng bắp trong giỏ nhiều hay ít”. Mặc dù bắp nữ hoàng đỏ mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng Duy Phương vẫn đang cân nhắc đối với việc mở rộng diện tích. “Nếu muốn mở rộng diện tích trồng bắp phải kết nối được với doanh nghiệp phân phối để tạo đầu ra cho sản phẩm, có như vậy việc canh tác bắp nữ hoàng đỏ mới thành công. Do đó, thời gian tới, tôi sẽ tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm các đầu ra cho sản phẩm, khi đó mở rộng diện tích mới đảm bảo sản xuất bền vững” - Duy Phương cho biết.

Sắc tố đỏ thẩm của bắp nữ hoàng đỏ là hợp chất hữu cơ có hoạt tính chống ô-xy hóa và kháng khuẩn, có tác dụng tốt đối với cơ thể. Do đó, để màu đỏ không bị phai, giảm dưỡng chất, người dùng không nên chế biến bắp nữ hoàng đỏ bằng cách luộc, chỉ nên hấp cách thủy, nướng hoặc ăn tươi, làm salad, sinh tố, súp…

MỸ LINH

Hiệu quả từ việc sản xuất lúa giống ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Long An

Chuyển từ trồng lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống đang là hướng đi tạo ra nhiều kết quả tích cực, giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác.

Nông dân chuyển từ canh tác lúa thương phẩm sang sản xuất lúa giống

Thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh xảy ra thường xuyên, bị thương lái ép giá khi đến mùa thu hoạch,… là những khó khăn mà nông dân huyện Tân Thạnh nói riêng, Long An nói chung đang trăn trở. Trước tình hình trên, nhiều nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh rẽ hướng sang canh tác lúa giống cho Công ty Giống cây trồng miền Nam thay cho canh tác lúa thương phẩm.

Chị Đỗ Thị Hiền là một trong những nông dân tiên phong sản xuất lúa giống tại địa phương. Theo chị Hiền, sản xuất lúa giống không khó hơn so với lúa thương phẩm nhưng đòi hỏi phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng các chương trình: “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trong khâu chăm sóc,… Đặc biệt, những ruộng lúa bước đầu chuyển đổi sang làm lúa giống tốn rất nhiều công, chi phí khử lẫn khiến giá thành sản xuất cao hơn bình thường nên nhiều người còn e ngại chưa tham gia. Tuy nhiên, đó chỉ là những vụ đầu, từ vụ thứ 3 trở đi không còn phải khử lẫn, việc sản xuất lúa giống trở nên dễ dàng hơn.

Chuyển sang trồng lúa giống, nông dân xã Kiến Bình còn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, nông dân áp dụng mô hình cấy bằng máy và sử dụng mạ giống ươm trong khay, từ đó cây lúa khỏe, ít đổ ngã, hạn chế sâu, bệnh, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.Và quan trọng hơn là giúp nông dân thoát khỏi điệp khúc “được mùa, mất giá” như trước đây.

Cán bộ Khuyến nông xã Kiến Bình - Nguyễn Thị Trúc Kiều cho biết: “Trồng lúa giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao có nhiều lợi ích. Cụ thể, khi gieo sạ trúng mưa, bão thì cây lúa không bị chết; giảm công xịt thuốc cỏ lần 2 và đánh đường nước; không bị thương lái ép giá; chủ động được đầu ra”.

Sản xuất lúa giống

Lợi ích của việc trồng lúa giống mang lại góp phần giúp nông dân mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hiện đại.Trước đây, khâu cấy mạ và ươm giống đều phải thuê mướn từ tỉnh khác đến.Còn hiện nay, người dân đã đầu tư mua máy cấy và trang thiết bị chủ động sản xuất mạ giống tại chỗ. Những ngày qua, nông dân trên địa bàn xã đang khẩn trương gieo, cấy lúa Đông Xuân 2019-2020 để kịp thời vụ, nhưng tại những điểm ươm mạ giống, công việc đã tất bật từ cả tháng trước đó.

Bà Trương Thị Ánh Hồng, ngụ xã Kiến Bình, thông tin: “Từ lúc gieo đến lúc cấy là 19 ngày, vì vậy ai muốn mua thì phải đặt trước 20 ngày. Hiện nay, nông dân trồng lúa giống chủ yếu là mua mạ về cấy, năng suất và chất lượng bảo đảm hơn”.

Các hộ dân sản xuất lúa giống vừa được hỗ trợ đầu vào, vừa được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg, góp phần nâng cao lợi nhuận từ 20-30% so với canh tác lúa thương phẩm. Nhờ đó, từ một vài hộ dân ban đầu, nay xã Kiến Bình có 50 hộ dân tham gia liên kết sản xuất lúa giống với diện tích 560ha/năm. Đây được xem là hướng đi hiệu quả để nông dân phát triển kinh tế hộ, giúp họ an tâm về đầu ra trước những khó khăn của thị trường lúa, gạo như hiện nay./.

Lê Ngọc

Từ câu chuyện ‘Xấu dây - Tốt củ’ đến ‘Biến đất nở hoa’

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Lại một vụ mùa khoai mì KM140 thắng lớn ngay trên vùng đất cằn cỗi ở huyện miền núi Tịnh Biên, tỉnh An Giang khi năng suất đạt cao nhất 46 tấn/ha và thấp nhất là 35 tấn/ha. Cao hơn vụ thí điểm năm 2018 trung bình là 5 tấn/ha và cao gần gấp đôi so với loại mì địa phương. “Trước sau như một” - Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai Group) giữ cam kết bao tiêu mì tươi theo thời giá khiến nông dân vô cùng phấn khởi và tin tưởng.

Kết quả ngoài mong đợi

Lãnh đạo Sở NN&PTNT An Giang cùng với lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai phấn khởi trước vụ mì 2019 tại huyện Tịnh Biên.

Câu chuyện khởi nghiệp trồng khảo nghiệm khoai mì KM140 do Sao Mai Group phát động vào đầu năm 2018 thông qua việc tài trợ Đề án “Chuyển đổi cây trồng vật nuôi”, trong đó rót vốn và bao tiêu sản phẩm khoai mì là mục đích của toàn bộ chương trình. Ở giai đoạn 1, Sao Mai đã tài trợ gần 500 triệu đồng không hoàn lại cho 9 hộ người dân tộc tham gia trồng ứng dụng trên 17ha. Sau 9 tháng canh tác, cánh đồng mẫu lớn KM140 đã cho thương vụ “đậm quả” với năng suất thu hoạch đạt gần 40 tấn/ha, lợi nhuận 25 triệu đồng/ha. Hiệu quả bước đầu này là tiền đề rất quan trọng để nhiều nông dân người Khmer 2 xã An Cư và Văn Giáo nhiệt tình tham gia.

Thừa thắng xông lên, niên vụ khoai mì KM140 năm 2019 đã thu hút hơn 60 hộ tham gia liên kết trồng mì cho Sao Mai với diện tích gần 82ha. Hiện nay, nông dân đang bước vào thu hoạch với năng suất cao ngất ngưởng và được Tập đoàn Sao Mai hỗ trợ “trọn gói” nên lợi nhuận mang về từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Dự kiến, toàn bộ diện tích khoai mì sẽ thu hoạch xong trước Tết Nguyên đán. Và mỗi hec-ta nông dân kiếm lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng.

“Từ kết quả thành công của mô hình mì khảo nghiệm và vụ mì đại trà năm nay đã cho thấy việc ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, thay đổi giống mì mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng là lời giải cho bài toán chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Sao Mai đã rất chuyên nghiệp trong việc đầu tư ở các lĩnh vực bất động sản, thủy sản, năng lượng tái tạo, kinh doanh du lịch, xuất khẩu lao động và hiện nay là nông sản. Chính nhờ vào “Tâm - Thế” của Tập đoàn này sẽ là cứu cánh cho nông dân Khmer có cuộc sống tốt hơn” - ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang chia sẻ.

Lãnh đạo Sao Mai chia sẻ thêm: “Vừa tài trợ vốn - vừa bao tiêu là cách làm của Sao Mai. Đầu vào - đầu ra kết nối chặt chẽ, đồng điệu là một thành công lớn. Sao Mai bảo lãnh thị trường, nông dân cứ yên tâm sản xuất cho giỏi để khoai mì đạt năng suất cao nhất”.

Theo kế hoạch, diện tích trồng khoai mì sẽ được Sao Mai nhân rộng lên hơn 300ha trong năm 2020, trải dài qua 9 xã, thị trấn: An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi, An Phú, thị trấn Nhà Bàng, Thới Sơn, An Hảo, An Nông và thị trấn Tịnh Biên. Trong 2 năm tiếp theo, Sao Mai sẽ phát triển nhanh diện tích trồng mì sang cả Tri Tôn để tổng diện tích đạt đến 5.000ha. Nếu tính bình quân 2ha/hộ, thì với số diện tích trên sẽ có khoảng 2.500 hộ đổi đời và thu hút hàng ngàn lao động khác có việc làm từ mô hình liên kết trồng khoai mì.

Thành công bước đầu cho thấy chiến lược hình thành vùng nguyên liệu trù phú cho Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (Sao Mai Super Feed có thị trường tiêu thụ rất tốt) đang có những bước tiến vững vàng. Tập đoàn Sao Mai đang kiến nghị huyện Tịnh Biên nên thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác ở các xã, thị trấn nơi có diện tích trồng cây khoai mì để thuận lợi cho việc tập trung đầu mối quản lý, thu gom và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Tạo “cú hích” ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp

Cây khoai mì vốn không xa lạ với nông dân huyện Tịnh Biên khi hơn 10 năm trước đây được địa phương phát động trồng đại trà để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột mì Lương An Trà - huyện Tri Tôn hoạt động. Thế nhưng sản phẩm của nhà máy này không có thị trường tiêu thụ, khiến cho nông dân mất phương hướng canh tác, không có niềm tin vào cây khoai mì. Và câu chuyện chuyển đổi cuộc sống dường như xa vời hơn của huyện miền núi.

Và hiện nay, cũng vẫn là cây khoai mì được gieo trồng trên những thửa đất khô cằn ấy ở huyện Tịnh Biên lại có những đổi thay đến lạ kỳ khi Sao Mai “nhúng tay” vào.

Vùng nuôi liên kết rộng lớn giúp IDI chủ động nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu cá tra.

Những cách đồng mì chạy dài tít tắp đang vào giai đoạn thu hoạch nước rút, khiến nhiều người chợt nhớ lại câu chuyện của Sao Mai khởi xướng hình thành vùng nuôi liên kết cá tra thương phẩm. Cách nay hơn 1 thập niên, khi nhiều hộ nuôi ĐBSCL lao đao vì cung - cầu bấp bênh. Mối liên kết hợp tác giữa người nuôi cá và doanh nghiệp dường như chưa hề có tiếng nói chung. Vào cuộc ngay thời điểm khó khăn nhất, cách nghĩ - cách làm của Tập đoàn Sao Mai như chiếc phao cứu sinh của nghề nuôi cá tra ở khu vực.

12 năm đã trôi qua, cho dù có những lúc thị trường xuất khẩu cá tra không hề suôn sẻ nhưng mô hình hộ nuôi liên kết của Sao Mai vẫn được duy trì và phát triển theo thời gian. Hiện nay có gần 100 hộ tham gia nuôi liên kết với tổng diện tích gần 300ha, cung cấp hơn 80% sản lượng cá tra nguyên liệu cho 3 Nhà máy của Công ty IDI (thành viên của Sao Mai Group) hoạt động liên tục. Chủ động được nguồn nguyên liệu và cũng đồng nghĩa với việc IDI có lợi thế lớn trên thị trường xuất khẩu về giá cả và chất lượng.

Như vậy, sau cá, khoai mì sắp tới sẽ là lúa gạo cũng với cách làm khoa học, bài bản và chuyên nghiệp. Tập đoàn đang thực hiện chiến lược tạo vùng nguyên liệu cho những sản phẩm chủ lực của quốc gia. Đầu tư cho vùng đất khó có những dự án hợp lòng dân, từ thủy sản đến nông sản - lương thực, tất cả đều được bao tiêu theo thời giá. Thậm chí dưới cánh đồng điện mặt trời rộng hàng trăm hec-ta ở chân Núi Cấm, Sao Mai cũng tận dụng để canh tác nông nghiệp sạch.

Sao Mai đang tạo ra những cú hích “Biến đất nở hoa” làm giàu cho cộng đồng dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi nói riêng và nông dân của ĐBSCL nói chung qua những mô hình liên kết cung cấp nguyên liệu.

Bài, ảnh: PHƯỚC LẬP

Đơn Dương (Lâm Đồng): Toàn bộ gia đình nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngành chức năng Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, tổng cộng đàn bò sữa hiện nay trên địa bàn là 13.810 con, trong đó 40% đang cho khai thác sữa với năng suất bình quân 6 tấn/con/chu kỳ.

Hiện bên cạnh các đơn vị chăn nuôi lớn trên địa bàn, toàn huyện có 610 gia đình chăn nuôi bò sữa, khoảng 30% trong số này nuôi từ 11-15 con, nhiều gia đình có qui mô đàn bò sữa từ 50 con trở lên.

Đến nay theo ngành chức năng, toàn bộ các gia đình chăn nuôi bò sữa đã có hệ thống chuồng trại đảm bảo yêu cầu và đều sử dụng máy vắt sữa.

Hiện có 4 công ty thu mua sữa hoạt động trên địa bàn Đơn Dương, gồm Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VinaMilk), Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalat Milk), Công ty Friesland Capina Việt Nam (Dutch Lady), Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VB Milk) với 10 trạm thu mua sữa, sản lượng mua mỗi ngày đạt 130 tấn.

V.TRỌNG

Không để tái đàn thành… tái dịch!

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Giá thịt lợn tiếp tục tăng cao khiến nhiều hộ, trang trại đều muốn tái đàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt hoàn toàn, các địa phương cần phải rà soát, siết chặt việc tái đàn ở các hộ, trang trại chăn nuôi, kiên quyết không để tái đàn thành… tái dịch.

Thời gian gần đây, có một số hộ chăn nuôi đã tái đàn lợn, nhưng do chất lượng con giống chưa bảo đảm và không báo cáo với chính quyền địa phương nên lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy. Ông Đặng Văn Chiến ở xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Do bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên gia đình tạm ngừng nuôi, nhưng đến tháng 10-2019, khi thấy dịch bệnh giảm, tôi đã nhập 60 con lợn giống về nuôi để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, do lúc mua chưa tìm hiểu rõ về chất lượng con giống nên chỉ vài ngày sau, lợn bị mắc bệnh nên đã phải tiêu hủy...”.

Trong khi nhiều hộ dân chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết để chăn nuôi trở lại thì nhiều trang trại nuôi lợn an toàn sinh học đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), hiện nay trang trại có 400 con lợn thương phẩm nuôi theo hướng an toàn sinh học, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 0,5 tấn thịt lợn nhãn hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”. Chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, Hợp tác xã nâng tổng đàn lên 500 con để có thêm sản phẩm cho người tiêu dùng.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại hơn 30% tổng đàn của thành phố (khoảng 550.000 con), nên giá thịt lợn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Do vậy, các trang trại, hộ chăn nuôi đều nóng lòng muốn tái đàn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thực tế kiểm tra việc tái đàn ở các địa phương đã chứng minh, những hộ chăn nuôi chưa bảo đảm về chuồng trại, mua con giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất dễ bị dịch bệnh trở lại. Còn những trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm các điều kiện về chuồng trại, con giống, thức ăn thì đàn lợn vẫn phát triển ổn định.

“Toàn thành phố có khoảng 3.500 hộ chăn nuôi lợn đã tái đàn với 290.000 con. Các cơ quan chức năng phát hiện 196 hộ tái đàn nhưng không báo cáo với chính quyền địa phương (khoảng 7.500 con) và đã xử phạt với số tiền gần 30 triệu đồng” - ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội thông tin.

Từ thực tiễn ở địa phương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc khẳng định, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là biện pháp đem lại hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống dịch bệnh, do vậy, huyện sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, nếu bảo đảm an toàn dịch bệnh mới cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh động vật, để cho các hộ phát triển tổng đàn. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường thì phải tái đàn nhưng cần có sự kiểm soát chặt về nguồn gốc, cùng như phải đảm bảo được các yêu cầu an toàn dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc tái đàn; kịp thời phát hiện các hộ nhập đàn, tái đàn không báo cáo hoặc điều kiện tái đàn không bảo đảm theo quy định của Bộ NN&PTNT để xử lý nghiêm, kiên quyết không để tình trạng tái đàn thành... tái dịch, cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Mặt khác, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc khuyến khích người dân chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm (gà thả vườn, vịt), gia súc (ăn cỏ)... để thay thế thịt lợn; đồng thời phối hợp với các tỉnh để đưa lợn sạch có kiểm soát về bán trên địa bàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

QUỲNH DUNG

Biến phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn cho bò

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Lâu nay nhiều người vẫn thường vứt bỏ các phế phẩm nông nghiệp như: lá, thân đọt cây sắn, ngô, đậu… hoặc chỉ tận dụng thân cây sắn làm hom trồng cho vụ sau. Tuy nhiên, đối với anh Nguyễn Minh Cương (ở thôn 8, Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) thì phần phế phẩm này lại là nguyên liệu chính dùng để chế biến thức ăn cho bò sinh sản và bò vỗ béo của gia đình.

Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò được anh Cương học hỏi từ cán bộ, giảng viên ngành chăn nuôi, thú y Trường Đại học Tây Nguyên. Theo đó, anh lấy phần phế phẩm của sắn, ngô, đậu mà người dân bỏ đi mang về đưa vào máy băm nhỏ rồi tiến hành ủ chua làm thức ăn cho đàn bò 17 con nuôi để vỗ béo và sinh sản.

Thông thường cứ 1 tấn thân đọt cây sắn hoặc ngô băm nhỏ được anh trộn đều với 20 kg cám gạo và 5 kg muối, sau đó cho vào bao tải lớn có lớp nilông ở bên trong cột thật chặt miệng bao theo dạng yếm khí; sau khoảng 21 ngày thì có thể dùng làm thức ăn cho trâu, bò. Sau khi ủ thành phẩm, 1 kg phế thải có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với 3 kg cỏ lại thơm ngon nên trâu, bò đều ưa thích. Thời gian sử dụng có thể từ 1 – 2 năm.

Nguồn phế phẩm nông nghiệp được anh Cương tận dụng để làm thức ăn cho bò.

Anh Cương đã áp dụng phương pháp này trong nuôi bò đã được 6 tháng và đàn bò của gia đình phát triển hơn so với trước đây. Theo anh Cương, cách làm này vừa tận dụng được công lao động vừa tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thiết nghĩ, cách làm của gia đình anh Cương rất cần được nhân rộng không chỉ ở Hòa Sơn mà cả các địa phương khác trong tỉnh. Bởi với diện tích lớn trồng lúa nước, ngô lai, sắn và các loại cây họ đậu… trên địa bàn tỉnh, nếu tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò như mô hình của gia đình anh Cương thì sẽ là triển vọng rất lớn cho việc phát triển chăn nuôi ở địa phương.

Mộng Linh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop