Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 14 tháng 10 năm 2019

Xây dựng cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật

Nguồn tin:  Nhân Dân

Hiện nay, tình trạng vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng bị vứt bừa bãi ngay tại các cánh đồng đã là thói quen của nhiều nông dân, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân.

Trước thực trạng nêu trên, từ đầu năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV”. Đến nay, mô hình đã có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ môi trường nông thôn và bước đầu được triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Hội Nông dân xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh đã cùng chính quyền địa phương triển khai mô hình thu gom vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng. Từ nguồn vốn vận động, xã hội hóa và kinh phí hỗ trợ của Tỉnh hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gần 500 thùng đựng vỏ bao thuốc BVTV đã được đặt ở tất cả 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh. Các điểm này đều được đặt ở vị trí thuận tiện đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân, không ảnh hưởng tới môi trường chung quanh. Có thể thấy, việc xây dựng bể thu gom bao bì, chai, lọ thuốc BVTV tại huyện Yên Khánh bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường. Còn trên phạm vi toàn tỉnh, ước tính đã thu gom được hàng tấn bao bì thuốc BVTV gồm chai nhựa, thủy tinh, túi ni-lông… đã qua sử dụng. Toàn bộ lượng bao bì này được các địa phương vận chuyển về nơi tập kết, xử lý chôn lấp hoặc đốt cùng rác thải sinh hoạt. Từ khi triển khai việc xây dựng bể chứa rác thải thuốc BVTV, tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, không còn tình trạng người dân vứt bừa bãi các loại vỏ thuốc BVTV ngoài đồng ruộng.

Từ những kết quả đạt được trong việc triển khai mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc BVTV” tại tỉnh Ninh Bình, thiết nghĩ, các địa phương cần sớm học tập và nhân rộng hiệu quả. Khi có cả một chương trình hành động thống nhất thì chắc chắn những người nông dân sẽ đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình nhằm giữ gìn môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, góp phần hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

LAN HẠ

Khuyến nông Thành phố: Hỗ trợ nông dân trồng thử nghiệm hiệu quả giống củ cải đỏ mini Diago - của Công ty Giống Nhiệt đới

Nguồn tin: Khuyến Nông TPHCM

Với mục đích đa dạng hóa các giống cây trồng mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM); Giúp nông dân ổn định nghề nghiệp, nâng cao thu nhập; Đồng thời, góp phần phong phú thị trường sản phẩm rau, củ quả cho người tiêu dùng Thành phố (TP),… Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã phối hợp với Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Nhiệt Đới (gọi tắt là Công ty cung cấp giống Nhiệt đới - Khu Công nghệ cao, huyện Củ Chi, TP.HCM) hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình thử nghiệm trồng củ cải đỏ mini giống lai F1 Diago.

Đây là giống củ cải đỏ mini thuần ôn đới được trồng nhiều ở Đà Lạt, nhưng qua kết quả thử nghiệm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, cho thấy khả năng giống mới này thích ứng tốt, dễ trồng, nhanh thu hoạch, năng suất cao, dễ chế biến, giàu dinh dưỡng và đặc biệt thích hợp với những hộ dân có diện tích đất không nhiều cũng có thể trồng được, phù hợp với nông nghiệp đô thị tại TP.HCM. Do đó, Khuyến nông TP.HCM và Công ty giống Nhiệt đới mong muốn giới thiệu đến nông dân TP triển khai mô hình thử nghiệm, phát triển giống mới tại TP.HCM.

Theo đó, mô hình được thử nghiệm tại hộ ông Lương Văn Quý – thành viên Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hải Nông - tỉnh lộ 2, ấp 3, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Và hộ ông Trần Ngọc Yên thuộc HTX rau Ngã Ba Giồng - Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Mỗi mô hình được nhận 01 lon hạt giống với số lượng 10.000 hạt và thực hiện gieo trồng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Khuyến nông và Công ty cung cấp giống. Sau thời gian trồng 30 ngày và tiến hành thu hoạch với kết quả ghi nhận: Tỷ lệ nảy mầm đạt trên 95%, cây sống tốt, phát triển xanh tươi; Màu sắc và chất lượng củ cải đẹp có màu đỏ tươi; Củ có độ giòn, năng suất trung bình đạt 02 kg/01 m2 (sản phẩm đã qua sơ chế sạch sẽ). Trong đó, hộ Trần Ngọc Yên đạt 85 củ/m2 (01 kg có 40 củ) và hộ Lương Văn Quý đạt 100 củ/m2 (01 kg có 48 củ). Tuy nhiên, do đặc điểm thử nghiệm trên 02 địa bàn khác nhau, nên khi gần đến thời gian thu hoạch trên địa bàn huyện Củ Chi có nhiều cơn mưa lớn, đã làm sản phẩm thu hoạch có một ít củ bị nứt.

Sản phẩm sau khi thu hoạch, được Trung tâm Khuyến nông phối hợp với đơn vị cung cấp giống, cũng như các HTX rau trên địa bàn (HTX rau an toàn Hải Nông, HTX rau ngã Ba Giồng và HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Mai Hoa) hỗ trợ nông dân thu mua và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, thông qua các phiên chợ nông sản an toàn do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức (vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần).

Bước đầu, sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá tích cực, vì có giá thành hợp lý, rẻ hơn nhiều so với sản phẩm từ nơi khác mang về, màu sắc bắt mắt, chất lượng tươi ngon, có độ giòn ngọt, ngon, dễ sử dụng.

Theo ghi nhận của nông hộ thực hiện mô hình, cũng như người tiêu dùng cho thấy giống củ cải đỏ mini lai F1 Diago do Khuyến nông TP phối hợp với Công ty cung cấp giống Nhiệt Đới hỗ trợ nông dân thử nghiệm đạt hiệu quả và bước đầu cho thấy thích nghi tốt khi trồng tại TP.HCM và được thị trường ưa chuộng.

Phát huy hiệu quả đạt được, thời gian tới Khuyến nông Thành phố sẽ triển khai mô hình với diện rộng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, thực hiện hỗ trợ, tư vấn chứng nhận sản phẩm VietGAP cho các hộ tham gia mô hình. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nhân rộng mô hình trồng giống củ cải đỏ; Góp phần đa dạng giống mới và sản phẩm rau củ quả cho thị trường TP ngày càng phong phú, giúp người tiêu dùng TP có thể sử dụng sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo và an toàn.

M. Hiếu

Quế ‘sạch’ ở Phong Dụ Thượng

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Phong Dụ Thượng là một trong 8 xã trọng điểm trồng quế của huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Hiện nay, người dân ở đây không chỉ sản xuất quế một cách đơn thuần mà đã thực hiện quy trình sản xuất quế sạch.

Người dân xã Phong Dụ Thượng chăm sóc quế.

Những đồi quế trên 10 năm tuổi rộng hàng chục héc-ta của gia đình ông Bàn Thừa Châu ở thôn Khe Mạng trong quá trình trồng, chăm sóc đã được áp dụng phương pháp canh tác đặc biệt: không phun thuốc trừ cỏ mà tiến hành phát cỏ, không bón phân hóa học khi cây quế từ 7 năm tuổi trở lên, đặc biệt là không tỉa cành lá để đảm bảo lượng tinh dầu trong vỏ quế không bị giảm sút. Toàn bộ quế vỏ bóc từ những nương đồi nhà ông Châu được đại lý của Công ty cổ phần Visimex thu mua với giá cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg và luôn luôn ổn định.

Ông Bàn Thừa Châu tâm sự: "Chúng tôi trồng quế rất nhiều đời nay nhưng vỏ quế chỉ biết bán cho thương lái, giá cả bấp bênh, nhiều khi còn bị ép giá, có những vụ còn không bán được. Từ khi tham gia sản xuất quế sạch và khai thác sản phẩm quế an toàn nên quế bóc ra bán được hết, giá cả lại cao hơn, ổn định hơn”.

Gia đình anh Lò Văn Đường ở thôn Làng Than bắt đầu từ năm 2018 đã đăng ký tham gia sản xuất quế hữu cơ (quế sạch an toàn). Ngoài việc tuân thủ quy trình chăm sóc sạch, việc khai thác cũng được gia đình anh thực hiện nghiêm túc, đó là bảo đảm kích thước theo tiêu chuẩn và quan trọng hơn là trong quá trình phơi khô, bảo quản phải bảo đảm sạch sẽ mới đáp ứng được yêu cầu để xuất khẩu.

Anh Đường cho biết: "Cây quế không chỉ của gia đình tôi mà của hầu hết người dân trong xã vốn đã sạch bởi một năm chúng tôi chỉ đi phát cỏ hai lần vào tháng Ba và tháng Tám chứ không phun thuốc cỏ hay thuốc trừ sâu. Việc sản xuất quế sạch an toàn giống hoàn toàn với cách chăm sóc truyền thống của chúng tôi, chỉ là trong quá trình khai thác phải phơi trên dàn cao hoặc sân sạch, không gần những khu vực có phân hóa học, thuốc hóa học, thuốc trừ sâu. Làm quế sạch thì vỏ bán cũng ổn định mà giá cả cũng cao hơn, 1 tấn quế sạch cũng hơn sản xuất quế thường 1 triệu đồng”.

Xã Phong Dụ Thượng hiện có hơn 1.100 hộ dân trồng quế với diện tích trên 2.850 ha, chiếm 94% số hộ tham gia trồng quế. Cùng với 8 xã vùng trọng điểm quế của huyện Văn Yên, cây quế xã Phong Dụ Thượng đã khẳng định được vị thế với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế và là cây trồng chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu nhập vững chắc.

Người dân xã Phong Dụ Thượng đã hướng đến sản xuất sản phẩm quế sạch an toàn nhằm nâng cao giá trị của cây quế, ổn định đầu ra, giá thu mua quế vỏ. Từ năm 2018, địa phương đã phối hợp với một số doanh nghiệp tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chuyển từ trồng quế tự nhiên sang trồng quế tuân thủ quy trình sản xuất sạch, quế hữu cơ.

Ông Ngô Văn Long - Phó Chủ tịch xã Phong Dụ Thượng cho biết: "Đến nay, toàn xã có 300 hộ dân trồng quế đăng ký tham gia sản xuất quế sạch an toàn với diện tích trên 1.000 ha, toàn bộ sản phẩm quế hữu cơ được Công ty Cổ phần Visimex thu mua để xuất khẩu sang châu Âu với thị trường tiêu thụ ổn định và giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường mỗi tấn khoảng trên 1 triệu đồng. Giá trị của cây quế ở Phong Dụ Thượng được nâng lên đã giúp cho nhiều hộ dân ở đây vì thế mà bớt nghèo, bớt khổ, nhiều nhà có thu nhập hàng trăm triệu, thậm chí đến hàng tỷ đồng từ quế”.

Hướng đến sản xuất sạch, an toàn và thân thiện với môi trường là hướng đi mới đang được nhiều người dân xã Phong Dụ Thượng thực hiện để sản xuất ra những sản phẩm sạch từ cây quế tự nhiên. Đây cũng là cách, là cơ hội, là động lực giúp người dân xã Phong Dụ Thượng không chỉ nâng cao vị thế cây quế địa phương mà còn cùng với người dân toàn huyện tạo dựng và nâng tầm cho thương hiệu quế Văn Yên có chỗ đứng vững chắc và vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thu Nhài - Mỹ Vân

Bài toán khó trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Sau một thời gian phát triển ồ ạt, bất chấp cảnh báo, khuyến cáo của cơ quan chức năng..., đến nay, những vùng được mệnh danh là “thủ phủ của cây tiêu” ở Bình Phước đang dần bị biến mất bởi dịch bệnh tàn phá. Tuy nhiên, việc tìm cây trồng phù hợp thay thế những diện tích hồ tiêu bị chết, ổn định đầu ra, đang là bài toán nan giải tại nhiều địa bàn. Tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, nhiều hộ nông dân có diện tích tiêu chết đã chuyển đổi sang trồng cây lương thực ngắn ngày và cây ăn trái.

Là người dân tộc Tày nhưng sinh ra và lớn lên tại xã Lộc Khánh nên anh Trương Văn Kiên, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh đã gắn bó với cây tiêu, điều từ nhỏ. Vậy mà 2 năm nay, gần 2.000 nọc tiêu của gia đình anh trở nên èo uột, vàng lá, rụng đốt và chết. Bao nhiêu vốn, tài sản anh tích cóp lần lượt “đội nón” ra đi để cứu cây tiêu.

Anh Kiên cho biết, hồ tiêu hiện chỉ bán được 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăm sóc, công thu hái lại cao khiến người trồng tiêu không có lãi. Thêm vào đó, hậu quả của biến đổi khí hậu kéo dài đã làm cây tiêu kém phát triển, sâu bệnh phát tán, trong khi người dân không có tiền để tái đầu tư chăm sóc. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vườn tiêu bị chết hàng loạt. Với anh Kiên, tiêu chết, nguồn thu chính không còn, buộc anh phải trồng thêm các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp để trang trải cuộc sống gia đình trước mắt, đồng thời vay ngân hàng 200 triệu đồng chuyển đổi trồng sầu riêng và mít Thái.

Anh Đinh Văn Hường ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) trồng bưởi, bơ thay thế diện tích hồ tiêu chết

Trồng được 2.300 nọc tiêu nhưng năm 2017, vườn tiêu của gia đình anh Đinh Văn Hường ở ấp Đồi Đá đột nhiên vàng lá rồi chết dần. Mặc dù anh Hường đã cố cứu bằng cách mua thuốc bảo vệ thực vật về xử lý nhưng tiêu vẫn chết, giờ chỉ còn lại trụ. Vụ tiêu năm 2019, gia đình anh Hường không thu được ký tiêu nào. Hằng ngày, anh Hường cứ ra vào nhìn tiêu rụi tàn chết lan rộng, ngán ngẩm không biết chuyển đổi loại cây trồng gì cho phù hợp để trang trải cuộc sống. Trong khi đó, gia đình anh đã vay ngân hàng 230 triệu đồng để đầu tư vào cây tiêu. Hết vốn, mất nguồn thu, nợ nần chồng chất trong khi đất vườn đang bỏ trống nên anh phải vay người thân 50 triệu đồng để mua giống bưởi, bơ và sầu riêng về trồng thay thế diện tích tiêu đã chết. Điều anh Hường băn khoăn là trong thời gian cây bưởi, bơ và sầu riêng chưa cho thu hoạch thì gia đình không biết lấy gì để chi tiêu trong khi nợ ngân hàng chưa trả được.

Lộc Khánh là xã có diện tích cây tiêu tương đối lớn ở huyện Lộc Ninh. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây giá hạt tiêu sụt giảm, người trồng không có điều kiện chăm sóc. Đặc biệt, trong xã còn nhiều hộ dân tộc thiểu số đời sống khó khăn, số tiền thu từ cây tiêu chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm hằng ngày nên việc tái đầu tư vườn cây hầu như bị bỏ mặc. Thêm vào đó, tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm bùng phát mạnh làm cho nhiều diện tích tiêu bị chết hàng loạt. Hiện đã có 53 ha tiêu của các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở Lộc Khánh bị chết, nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Song, việc không ít hộ chuyển sang trồng các loại cây ăn trái cũng đang là nỗi lo của chính quyền cơ sở, bởi lâu nay tình trạng cung vượt cầu, được mùa, rớt giá vẫn thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, người dân chỉ quen canh tác cây tiêu, cây điều, còn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái thì chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả sẽ không cao.

Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: Để giúp các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn, thời gian qua, huyện Lộc Ninh đã xem xét hỗ trợ giống bắp và phân bón cho 22 hộ trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi thiên tai để chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong hàng trăm hộ trồng tiêu của xã đang gặp khó khăn. Bởi đa số nông dân phải vay nợ, họ mong muốn được các ngân hàng giãn nợ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, tại diện tích tiêu bị bệnh chết, người dân không nên trồng lại tiêu mà thay thế bằng những cây trồng khác. Tuy nhiên, khi chuyển đổi cần chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, đất đai, khí hậu của địa phương. Phải áp dụng đồng bộ khoa học, kỹ thuật, canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, không trồng ồ ạt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Gia Nghi

Nhân rộng cách trồng mãng cầu gai ghép

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Thời gian gần đây, nhiều nông dân TP Cà Mau trồng mãng cầu gai ghép gốc cây bình bát hiệu quả, vừa cho trái sai, vừa giúp cây chống chọi được tình trạng xâm mặn và khô hạn.

Người tiên phong trong phong trào trồng mãng cầu gai ghép trên gốc bình bát tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau là vợ chồng ông Phan Văn Ba và bà Nguyễn Thị Phụng, ấp Chánh.

Ông Ba cho biết, ông làm rất nhiều nghề như trồng dưa hấu, trồng màu, làm ruộng, nhưng có lẽ mô hình trồng cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn cả. Có năm thu hoạch mãng cầu gần 50 triệu đồng.

Vườn mãng cầu gai ghép bình bát 5 năm tuổi đang cho trái sai của anh Trần Văn Tuấn.

Năm 2011, sau khi được người quen hướng dẫn cách trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát, vợ chồng ông trồng hơn 200 cây bình bát dọc theo bờ ruộng, bờ ao, với khoảng cách từ 2-2,5 m. Một năm sau, cây bình bát cho trái, ông xin nhánh mãng cầu gai để ghép vào gốc cây bình bát.

Bà Phụng chia sẻ, thời gian ghép mãng cầu vào gốc bình bát thích hợp là tháng 6 âm lịch. Kỹ thuật ghép không quá khó, người trồng cần chọn những tược có nhiều mắt hoặc nhánh mãng cầu gai đã hoá gỗ, đường kính vừa bằng gốc cây bình bát và khúc cành dùng để ghép không có lá. Cắt một lát xiên từ trên xuống chân cành ghép, vừa khớp với vết cắt trên gốc bình bát rồi buộc áp khít vào gốc ghép chừng 15 ngày là tháo dây.

Sau vài tháng khi nhánh ghép phát triển tốt thì cắt bỏ tất cả nhánh bình bát, chỉ chừa lại nhánh ghép của mãng cầu. Từ lúc ghép đến khi thu hoạch trái mãng cầu là 2 năm. Năm đầu tiên, mãng cầu ra trái thì chỉ chừa lại khoảng 50% số trái trên cây.

Những năm qua, đầu ra trái mãng cầu gai khá rộng và ổn định. Thương lái vào thu mua tận vườn. Trái mãng cầu gai có nhiều lợi ích, được nhiều người biết đến, vì thế giá luôn được đẩy lên, với những trái tốt thương lái mua 30 ngàn đồng/kg, trái loại 2 cũng được mua với giá 20 ngàn đồng/kg.

Từ hiệu quả kinh tế, nhiều nhà vườn tại xã Lý Văn Lâm mạnh dạn phá các vườn tạp, đất sản xuất không hiệu quả để chuyển sang trồng cây mãng cầu gai ghép gốc bình bát.

Những năm trước, anh Trần Văn Tuấn, ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm chỉ trồng dưa hấu, rau màu và làm ruộng. Tuy nhiên, gần 5 năm nay, anh quyết tâm trồng và nhân rộng mô hình mãng cầu gai ghép gốc bình bát. Theo anh, nhánh mãng cầu ghép vào gốc bình bát giúp cây sống lâu, chịu được phèn mặn, không sợ ngập nước và chống được nắng hạn. Cách vài tháng anh bón phân NPK cho cây một lần hoặc vun đất vào gốc.

Hiện vườn mãng cầu hơn 70 gốc của anh Tuấn đang vào độ thu hoạch. Những cây mãng cầu có tuổi đời 5 năm đang cho trái rất sai và hầu như thu hoạch quanh năm.

Anh Tuấn cho biết, mãng cầu xiêm được xem là cây ít sâu bệnh nhưng cần phòng ngừa bệnh thán thư gây hại hoa và trái ở cả giai đoạn trái non và trái lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Ngoài ra, rệp sáp và sâu đục trái cũng khá phổ biến trên mãng cầu.Tuy nhiên, để đảm bảo sức khoẻ cho người ăn, anh chỉ sử dụng thuốc dẫn dụ ruồi để treo trên thân cây.

Do không sử dụng thuốc hoá học nên nhiều người vào tận vườn nhà anh Tuấn để mua mãng cầu. Mỗi năm anh Tuấn bán mãng cầu khoảng 30 triệu đồng.

Không tốn chi phí, trồng một lần thu hoạch vài chục năm, chỉ tận dụng đất bờ bao, không ảnh hưởng cây trồng khác, với hiệu quả như thế nên anh Tuấn chuẩn bị mở rộng mô hình trồng ghép thêm mãng cầu gai vào gốc cây bình bát sát bờ bao.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, toàn xã có 22 hộ trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát với diện tích hơn 7 ha; Trong đó có 7 hộ trồng quy mô từ 100 gốc trở lên.

"Mãng cầu gai ghép gốc cây bình bát thích nghi vùng đất phèn, mặn như Cà Mau. Do đó, trong quy hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Lý Văn Lâm nói riêng và TP Cà Mau nói chung luôn ưu tiên phát triển mô hình trồng mãng cầu. Riêng tại xã Lý Văn Lâm sắp tới sẽ tiến tới thành lập tổ hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật, mở rộng đầu ra sản phẩm", Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm Mạc Ngọc Truyền cho biết./.

Bích Lệ

Vĩnh Phúc: Lợi ích kép từ lớp học IPM trên cây bưởi

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Nhằm giúp người nông dân hiểu, nắm được những kiến thức cơ bản, quan trọng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất ra sản phẩm an toàn, năm 2019, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh đã chọn xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để tổ chức Lớp FFS (thực hành trên trên đồng ruộng) về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây ăn quả (cây bưởi). Chương trình đã mang lại những tác động tích cực trong việc nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Ông Vũ Thiên Lý, thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường) cùng các học viên của lớp học được thực hành ngay trên vườn bưởi của gia đình

Lớp học được tổ chức cho 35 học viên là những cán bộ nông nghiệp các xã có tham gia trồng bưởi, và những nông dân tiêu biểu trong Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường. Thời gian diễn ra từ ngày 13/3 – 25/11/2019.

Ông Vũ Thiên Lý, thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Tường), một học viên của lớp học chia sẻ: “Với các nguyên tắc: Trồng cây khỏe, thăm đồng thường xuyên, bảo vệ ký sinh thiên địch, nông dân trở thành chuyên gia. Lớp học đã trang bị cho các học viên các kiến thức về điều tra, phân tích hệ sinh thái (HST); kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi; các biện pháp quản lý dịch hại; hạch toán kinh tế...

Các kiến thức được áp dụng vào thực tế vườn bưởi của gia đình đã giúp hạn chế ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc BVTV đối với người chăm sóc; chất nâng cao lượng, mẫu mã sản phẩm; màu vàng của bưởi Diễn giữ được tươi lâu hơn”.

Theo số liệu thống kê của Phòng NN & PTNT huyện Vĩnh Tường, diện tích trồng bưởi toàn huyện hiện nay vào khoảng 100 ha (riêng diện tích bưởi Diễn chiếm gần 50 ha). Trong đó tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Ninh (với diện tích 12ha), còn lại rải rác ở các xã như Phú Đa, Phú Thịnh, Vĩnh Thịnh, Cao Đại, Tuân Chính, Ngũ Kiên... Quy mô 0,5 ha/hộ trở lên có 18 hộ.

Mặc dù vậy, việc tiêu thụ sản phẩm bưởi quả ở Vĩnh Tường hiện nay chủ yếu vẫn theo hình thức nhỏ lẻ, thông qua thương lái. Sản phẩm làm ra còn mang tính chất tự cung tự cấp, chưa hình thành được vùng hàng hóa.

Ông Giang Văn Hùng, Trạm trưởng trạm TT & BVTV huyện Vĩnh Tường chia sẻ: “Vĩnh Tường có diện tích đất bãi lớn. Phát huy lợi thế đó những năm gần đây huyện khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng các giống cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây bưởi, và đặc biệt là giống bưởi Diễn.

Chính vì vậy, việc triển khai lớp học IPM trên cây bưởi nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản, những khó khăn gặp phải trong quá trình trồng và chăm sóc cây bưởi diễn. Với mong muốn ngày càng mở rộng diện tích trồng bưởi, tiến tới xây dựng vùng cây ăn quả có thương hiệu của huyện Vĩnh Tường nói riêng và của tỉnh nói chung.

Trên thực tế, việc áp dụng các kiến thức đã học sẽ góp phần tăng hiệu quả và hạn chế việc sử dụng hóa chất nông nghiệp trên đồng ruộng (phân bón, thuốc BVTV, các hóa chất khác,…); giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, nâng cao dân trí cho người trồng bưởi. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân trồng bưởi, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân nông thôn”.

Lớp học IPM trên cây bưởi được triển khai trong thời gian vừa qua sẽ góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của người dân về chăm sóc cây bưởi theo hướng an toàn. Cùng với sự quan tâm của các nhà quản lý, hy vọng trong thời gian tới, vùng trồng bưởi hàng hóa có thương hiệu của huyện Vĩnh Tường sẽ dần hình thành.

Bài, ảnh Khánh Linh

Bảo đảm 100% sản lượng sữa bò đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 7 công ty chế biến, thu mua sữa bò với khoảng 42 trạm thu gom. Trong đó, Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) có 14 trạm, thu mua 36 tấn sữa bò/ngày. Công ty cổ phần Sữa Ba Vì có 6 trạm, thu mua 14 tấn sữa bò/ngày.

Sữa được vận chuyển từ các điểm thu mua về nhà máy tại huyện Ba Vì bằng xe chuyên dụng.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có 5 trạm, thu mua 14,4 tấn sữa bò/ngày. Công ty Sữa Xuân Mai (XuanMaimilk) có 2 trạm, thu mua 2,1 tấn sữa bò/ngày. Công ty Sữa Hanoimilk có 1 trạm thu mua 0,8 tấn sữa bò/ngày... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có 13 cơ sở, hộ thu gom, chế biến, kinh doanh sữa tươi và các sản phẩm chế biến từ sữa, như: Bánh sữa, sữa chua hoạt động trên địa bàn huyện Ba Vì và dọc hai bên tuyến quốc lộ 32, 21, Đại lộ Thăng Long kéo dài...

Để bảo đảm 100% sữa bò đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm sữa...

QUỲNH DUNG

Trà Vinh: Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Sau khi tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi động vật hoang dã do Phòng Kinh tế thành phố Trà Vinh, anh Liêu Thành Thuận ở khóm 8, phường 7, thành phố Trà Vinh quyết định chọn đối tượng nuôi là con chồn hương.

Với diện tích gần 40 m2, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, đến nay, gia đình anh Thuận đã có hơn 50 con chồn; trong đó có 40 con sinh sản. Thấy anh nuôi có hiệu quả, Hội Nông dân thành phố Trà Vinh đã đầu tư cho anh 20 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất.

Anh Thuận cho biết, chồn hương còn gọi là cầy vòi hương. Đây là loài động vật hoang dã và rất quý hiếm. Anh đã được Chi cục kiểm lâm tỉnh cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã theo quy định. Chi phí đầu tư mua con giống và xây dựng chuồng nuôi ban đầu rất cao nhưng chuồng nuôi chiếm ít diện tích. Thức ăn của chồn hương dễ tìm nên khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó. Chồn hương ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp; khi được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ... chồn hương rất mau lớn và sinh sản nhiều.

Chuồng nuôi chồn hương được thiết kế đơn giản: chiều dài 1 mét, chiều ngang 0,6 mét, bao bằng lưới sắt và có cửa mở ra vào chắc chắn... Vì chồn vẫn giữ bản tính hoang dã rất dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau đến chết, nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô. Bên trong chuồng đặt máng ăn và tạo chỗ trú ngụ cho chồn hương.

Mô hình nuôi chồn hương của hộ anh Liêu Thành Thuận

Theo kinh nghiệm của anh Thuận, chồn hương là loài ưa sạch sẽ nên cần phải dọn vệ sinh chuồng hằng ngày, đảm bảo chuồng luôn khô, thoáng và thường xuyên tưới nước làm mát mái chuồng trại vào mùa nắng vì chồn hay đau mắt.

Thức ăn cho chồn có cả động vật và thực vật. Vào ban ngày, anh thường cho ăn trái cây chín như chuối, đu đủ... Ban đêm thì nấu cháo cá, thịt cho chồn ăn. Một con chồn nuôi thuần dưỡng có thể đẻ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2 - 4 con. Chồn con nuôi 3 - 4 tháng là có thể xuất chuồng bán thịt, sau 11 - 12 tháng có thể bán chồn sinh sản.

Anh Thuận nhẩm tính, 1 con chồn hương nuôi trong vòng 5 tháng chi phí khoảng 300.000 đồng tiền thức ăn, đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con, bán cho thương lái đến tận nhà với giá 1,8 triệu đồng/kg. Còn chồn sinh sản đạt trọng lượng 2,5 - 3 kg/con bán với giá 6 triệu đồng/cặp. Bình quân, mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 30 cặp chồn sinh sản thu vào hơn 180 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ bán chồn thịt. Hiện tại, anh đang nuôi hơn 50 con chồn hương bố mẹ, chồn hương trưởng thành và chồn hương giống các loại. Đàn chồn hương nuôi của anh đang được gia đình anh chăm sóc cẩn thận, tăng trưởng tốt, không có dấu hiệu bị bệnh, hứa hẹn sẽ có một nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình

Mô hình nuôi chồn hương của anh Liêu Thành Thuận là mô hình phát triển nông nghiệp đô thị, vừa có nguồn thu nhập cao vừa giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương và là nơi tham quan lý tưởng của nhiều người yêu thích động vật hoang dã. Đây là mô hình đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo.

Nguyễn Tân - Đài Phát thanh Truyền hình Trà Vinh

Nguy cơ dịch tả heo Châu phi bùng phát mạnh trong giai đoạn giao mùa

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tính đến hết ngày 3/10/2019, toàn tỉnh đã có 6.139 hộ chăn nuôi, ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố có heo mắc bệnh. Số heo bệnh và tiêu hủy là 121.146 con (chiếm khoảng 46,61% tổng đàn heo của tỉnh), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 7.904 tấn. Trong đó, tổng dự toán chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại với tổng số tiền trên 233 tỷ đồng.

Trong tuần qua, tình hình bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) trên cả nước tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 3/10/2019, dịch bệnh đã xảy ra tại 8.014 xã, thuộc 654 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 5.417.136 con, tổng khối lượng tiêu hủy là 311.506 tấn (ước thiệt hại khoảng 8,5% sản lượng thịt heo cả nước).

Tại Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tính đến ngày 3/10/2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 10/10 tỉnh, thành phố trong vùng ở 992 địa bàn cấp xã của 99 huyện (tăng 11 xã so với tuần trước). Đã buộc phải tiêu hủy 501.146 con heo (tăng 19.622 con so với tuần trước) và chiếm khoảng 23,86% tổng đàn heo của các tỉnh này), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 32.000 tấn.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp, trong tuần qua, do thời tiết mưa nhiều và nước lũ dâng cao; môi trường chăn nuôi trở nên ẩm thấp, heo dễ bị cảm lạnh và mắc bệnh tăng hơn so với tuần trước. Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy trong tuần là 910 con; 53,9 tấn (tăng 270 con và 12,8 tấn so với tuần trước). Mặc dù vậy, nhưng hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 41/139 xã, phường, thị trấn (tăng 14 xã so với tuần trước) của 10/12 huyện, thị, thành phố đã qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Nhìn chung, tuy dịch bệnh hiện đang có xu hướng giảm, nhưng mức độ giảm chậm và có nguy cơ tăng trở lại nếu điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi như có mưa nhiều và thời tiết lạnh. Trong tuần tới, bước vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão, làm cho môi trường chăn nuôi trở nên ẩm thấp. Đây chính là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Trước thực trạng trên, nếu người chăn nuôi không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học như: sử dụng trực tiếp nguồn nước sông chưa qua xử lý (chlorine hoặc benkocid...) để vệ sinh chuồng trại; không kiểm soát tốt và không thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng con người và phương tiện ra vào trại; không chú ý tăng cường sức đề kháng và chăm sóc cho đàn heo chu đáo thì nguy cơ dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.

Mỹ Lý

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop