Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 15 tháng 10 năm 2019

Trồng chanh không hạt thu tiền triệu mỗi tháng

Nguồn tin: Báo An Giang

Thử nghiệm trồng chanh không hạt với mục đích cải tạo đất vườn tạp kém hiệu quả, sau 2 năm, ông Nguyễn Văn Lệ (xã Phú Bình, Phú Tân, tỉnh An Giang) đang có thu nhập đều đặn từ vườn chanh năng suất mà không phải bỏ nhiều công chăm sóc...

Ông Lệ cho biết, trồng chanh chỉ nghề phụ của mình, bởi không muốn bỏ phí đất vườn. Tìm hiểu trên mạng, ông chọn trồng chanh không hạt vì ưu điểm không có gai, ít sâu bệnh, ra trái quanh năm.

Vườn chanh cho trái trĩu quả khiến ai vào tham quan cũng trầm trồ, tưởng chừng chăm sóc rất công phu, nhưng theo ông Lệ, hầu như cây phát triển tự nhiên, chỉ xuất hiện ít bệnh thông thường và khắc phục rất dễ.

Đến việc tưới tiêu cũng được ông Lệ đầu tư hệ thống tự động toàn bộ.

Sau 18-20 tháng, 2 công chanh bắt đầu cho thu hoạch, cứ 10 ngày hái 1 đợt được bình quân 70kg, ông Lệ thu về 600.000 – 700.000 đồng.

Theo ông Lệ, chanh đạt “chuẩn” để bán cho thương lái là loại trái vừa lòng bàn tay. Trái to quá hoặc nhỏ hơn sẽ vào hàng... “chanh dạt”, bởi bảo quản được ít ngày.

Hiện, ông Lệ đang mở rộng diện tích trồng thêm 13 công đất, để trồng chanh kết hợp xen canh một số cây ăn trái lâu năm.

“Ở vùng này, người ta trồng bưởi, mãng cầu na, xoài… chỉ mỗi mình tui trồng chanh không hạt, nên thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không phải lo đầu ra. Giá chanh dao động từ 10.000 – 27.000 đồng/kg, nhưng với giá chỉ chừng 10.000 đồng/kg là tui sống khỏe, bởi “bỏ túi” trọn số tiền kiếm được”, ông Lệ chia sẻ.

MỸ HẠNH

Vườn rau rừng cổ thụ cho thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Trong vườn hiện có hơn 300 gốc rau rừng từ 50 tuổi trở lên cùng với trên 4.000 gốc rau rừng khác.

Những cây rau rừng có tuổi đời hàng chục năm trong vườn rau của anh Thanh.

Đó là vườn rau rừng của anh Võ Hoài Thanh, sinh năm 1985, tại ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh). Trong vườn hiện có hơn 300 gốc rau rừng từ 50 tuổi trở lên cùng với hơn 4.000 gốc rau rừng khác được trồng trên diện tích khoảng 2 ha, được coi là vườn rau rừng lớn nhất tỉnh.

Theo anh Thanh, vườn có nhiều loai rau rừng được ưa chuộng hiện nay như Lộc Vừng, Chòi Mòi, Mặt Trăng, Trâm Ổi… mỗi ngày anh Thanh cung cấp ra thị trường khoảng hơn 100kg rau rừng các loại cho khách hàng quen thuộc. Với giá rau rừng được bán trên thị trường hiện nay, vườn rau này cho thu nhập khoảng 4- 5 triệu đồng/ngày.

Vườn rau rừng của anh Võ Hoài Thanh.

Anh Thanh cho biết, những gốc rau rừng “cao tuổi” do anh mày mò tìm mua về trồng trong thời gian dài. Vườn rau rừng này hiện chủ yếu được bán cho các khách hàng quen thuộc với số lượng khách đặt sẵn mỗi ngày, nên anh Thanh cũng không lo ngại việc tìm đầu ra cho rau rừng.

Trong hơn 300 gốc rau rừng cổ có những gốc tuổi đời hơn 100 năm, mà giá bán trên thị trường hiện nay là hơn 100 triệu đồng/gốc nhưng cũng không dễ mua được.

Nghĩa Nhân

Làm giàu nhờ trồng bưởi và dừa Xiêm Mã Lai

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Ông Nguyễn Văn Hộ (ấp Long Hòa A, xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) sau thời gian trồng vú sữa không mang lại hiệu quả kinh tế, đã chuyển sang trồng bưởi và dừa Xiêm Mã Lai. Nhờ hiệu quả từ hai loại cây trồng này mà cuộc sống gia đình ông đã ổn định, vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Hộ đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Trước đây, ông Hộ chỉ trồng vú sữa, nhưng vú sữa có giá rất bấp bênh, dễ bị sâu, rầy đục trái dẫn đến thu nhập thấp nên ông quyết định chuyển 1,2 ha đất sang trồng bưởi da xanh, bưởi long Cổ cò và dừa Xiêm Mã Lai. Hiện tại, ông trồng được 400 gốc bưởi, được khoảng 3 năm tuổi, theo ông Hộ chia sẻ thì bưởi long Cổ cò có vị chua, ngọt còn bưởi da xanh thì chỉ có vị ngọt. Bưởi cho trái quanh năm, đầu ra ổn định, hiện bưởi da xanh có giá khoảng 30 ngàn đồng/ký, còn bưởi long Cổ cò có giá khoảng 18 ngàn đồng/ký, mang về thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Dự kiến thu nhập từ vườn bưởi sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Ông Hộ chia sẻ: "Để có kiến thức chăm sóc vườn bưởi, tôi thường tham gia các cuộc hội thảo và học hỏi kinh nghiệm trồng trọt từ các anh, em trồng trước. Qua đó học được các cách phòng, trị bệnh cũng như tưới phân, nước sao cho đúng liều lượng. Muốn bưởi phát triển và cho trái tốt thì không nên làm cỏ quá sạch, vì cỏ có khả năng giữ độ ẩm, giữ phân không bị trôi, định kỳ 1 tháng cắt cỏ vườn 1 lần, cỏ sau khi cắt có thể tận dụng để làm phân hữu cơ. Ngoài ra cần bón thêm phân hữu cơ cho bưởi, người trồng cũng đặc biệt lưu ý một số bệnh thường gặp phải ở bưởi đó là bệnh đốm hồng, khi bị bệnh này bưởi sẽ bị thối trái, thiệt hại rất nghiêm trọng".

Trên 6 công vườn trồng bưởi, ông Hộ còn mạnh dạn trồng xen 120 gốc sầu riêng, bởi theo ông trồng xen sầu riêng với bưởi sẽ có nhiều lợi ích hơn vì sầu riêng sẽ phủ gốc bưởi, giúp bưởi phát triển tốt hơn. Sau 4 - 5 năm cho trái thì bưởi sẽ tàn, khi đó cũng là lúc sầu riêng phát triển và cho trái. Như vậy sẽ tận dụng hiệu quả diện tích đất vườn.

Ngoài việc trồng bưởi, ông Hộ còn trồng thêm 6 công dừa Xiêm Mã Lai, dừa cho hiệu quả kinh tế thấp hơn bưởi, nhưng trồng dừa ít vốn và cũng ít tốn công chăm sóc. Mỗi năm ông chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng chi phí phân, thuốc cho 6 công dừa Xiêm Mã Lai nhưng cho thu hoạch khoảng 200 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại từ làm vườn, mỗi năm gia đình ông Hộ thu nhập gần 400 triệu đồng.

Nhận xét về ông Hộ, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàn Long cho biết, ông Hộ là nông dân sản xuất giỏi, không chỉ có thu nhập cao từ làm vườn giúp gia đình vươn lên làm giàu mà ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con nông dân tại địa phương thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào của Hội Nông dân, nhiệt tình đóng góp tiền của xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng trong xã. Ông Nguyễn Văn Hộ đã được nhận Bằng khen nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Lý Oanh

Rau nhà kính có an toàn?

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Thời gian qua, diện tích rau trồng trong nhà kính (nhà phủ màng ni lông) tại Đà Lạt - Lâm Đồng tăng mạnh, nhưng không phải vườn nhà kính nào cũng sản xuất theo hướng công nghệ cao mà vẫn áp dụng phương thức truyền thống, vẫn phun xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như trồng ngoài trời. Vậy loại rau này có được coi là rau “sạch”?

Phun thuốc BVTV nhưng rau vẫn an toàn

Từng nhiều năm trồng rau ngoài trời, rồi đầu tư được 2 sào (2.000m2) nhà kính trồng rau bó xôi và bắp sú, anh Lâm (phường 9, TP Đà Lạt) thở dài: “Nếu như trồng ngoài trời mỗi vụ phun thuốc đều đều cũng phải 10 lần, vào nhà kính thì giảm bớt số lần nhưng cũng 5-6 lần/vụ. Số lần phun có giảm nhưng do nhà phủ ni lông kín nên có khi phun ngày hôm trước, hôm sau bước vào vẫn cảm thấy khó chịu. Riêng chi phí đầu tư 1 sào bắp sú mỗi vụ khoảng 9 triệu đồng, trong đó tiền thuốc BVTV đã hết 1,5 triệu đồng do đất cũ, đất thoái hóa, mầm bệnh nhiều nên phải phun thuốc và bón phân liều lượng, số lần cao hơn”.

Ghi nhận thực tế khi đi qua nhiều nhà kính, mỗi khi trời nắng luồng khí hầm hập, kèm với đó là một thứ mùi vừa cay, vừa hắc xộc thẳng vào mũi. “Nếu ai không quen chỉ cần đứng trước cửa nhà kính là thấy khó chịu, còn người dân chúng tôi đã quen do tiếp xúc quá nhiều”, chị Thủy (phường 12, TP Đà Lạt) cho biết.

Đi sâu vào khu vực sản xuất nông nghiệp ven suối Cam Ly, trong khi nhiều nhà vườn đang thu hoạch rau cải thì kế bên khu vườn trồng hoa cúc vẫn thản nhiên phun thuốc BVTV. “Vườn của người ta, người ta phun cứ phun mình không thể cấm được, còn rau thì vẫn phải thu hoạch cho kịp đơn hàng”, anh Lâm chia sẻ.

Mặc dù diện tích rau trồng trong nhà kính mọc lên san sát ở Đà Lạt (ảnh lớn) nhưng một số nông dân vẫn phun thuốc bảo vệ thực vật (ảnh nhỏ)

Gia đình chị Thủy, anh Lâm giống như rất nhiều nông dân trồng rau, hoa trong nhà kính theo lối cũ, “có bệnh thì phun”, trong những dãy nhà kính chủ yếu chỉ để “che mưa”. Do mức đầu tư lớn (từ 1,8 tỷ đồng đến hơn 2 tỷ đồng/ha) nên chỉ có khoảng 20% nhà kính tại Đà Lạt được làm bài bản.

Dạo quanh các khu vực dân cư đan xen nhà kính như Vạn Kiếp, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyên Tử Lực, Cách Mạng Tháng Tám, Lữ Gia, Mê Linh, Thái Phiên, Vạn Thành, Trạng Trình… chúng tôi cảm nhận rõ mùi không khí đậm đặc hóa chất từ các nhà kính, điều này càng dễ nhận thấy hơn vào cuối chiều.

Anh Nguyễn Thanh Tân (phường 8, TP Đà Lạt) chia sẻ: “Khoảng từ 5 - 6 giờ chiều, khi những khu vườn xung quanh phun thuốc cho cây trồng thì người sinh sống gần đó sẽ ngửi mùi hóa chất nồng nặc. Các nhà vườn có che chắn nhưng từng đó không đủ để cản mùi thuốc bay ra ngoài”.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong 9 tháng năm 2019, đơn vị đã lấy mẫu phân tích định tính đối với 920 mẫu trên 1.688 tấn rau các loại. Kết quả, 913/920 mẫu an toàn (chiếm 99,24%); còn lại 3 mẫu hành lá, 2 cần tây, 1 hành poireau và 1 ớt ngọt có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép (chiếm 0,76%).

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã kiểm tra, giám sát khâu trồng trọt 76/80 cơ sở, chuỗi liên kết sản xuất rau, quả, điểm du lịch canh nông tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, phần lớn đều đáp ứng được các quy định an toàn.

“Theo quy định, hiện nay có các loại thuốc sinh học người dân có thể phun từ 1 - 3 ngày là có thể thu hoạch, các loại thuốc hóa học thường phun cách ly 3 - 7 ngày rồi mới được thu hoạch. Tuy nhiên, do giá thành của thuốc hóa học rẻ hơn nên phần lớn người dân vẫn lựa chọn loại này để giảm chi phí đầu tư. Còn các tổ liên kết, hợp tác xã, đơn vị nào cùng cấp theo chuỗi sản phẩm an toàn thường lựa chọn thuốc sinh học nhiều hơn. Nông sản nếu muốn được tiêu thụ theo các kênh, chuỗi siêu thị đều được lựa chọn ngẫu nhiên khoảng 5% số lượng lô hàng để phân tích an toàn thực phẩm, khi xảy ra các vấn đề về chất lượng người ta có thể xét nghiệm mẫu tới 50%, thậm chí 100% lô hàng”, ông Hưng cho biết.

Cần tổ chức sản xuất đồng bộ

Ở một trạng thái khác, khi chúng tôi tiếp cận những khu vườn làm nhà kính đầu tư đồng bộ, hiện đại từ mái vòm, khung sắt, hệ thống quạt thông gió và được “lập trình” hoạt động sản xuất từ đầu, vận hành bởi những nông dân có thể đo đếm, cân chỉnh được các thông số từng loại cây trồng… không khí trong các nhà kính bớt gay gắt hẳn.

“Mái vòm chúng tôi dựng cao hơn 5m, thông thoáng; từng khâu châm phân, bón thuốc đều được máy tính can thiệp điều chỉnh trong ngưỡng an toàn, vừa hạn chế sâu bệnh vừa đảm bảo rau, quả an toàn trong mức cho phép”, anh Nguyễn Đức Huy (35 tuổi, phường 9, TP Đà Lạt) cho biết.

Tương tự, khi ghé thăm vườn dâu tây thủy canh rộng 7.000m2 tại xã Tà Nung, TP Đà Lạt, anh Bùi Xuân Hải (chủ khu vườn) chia sẻ: “Một trong những cách giảm thiểu sâu gây hại đó là sử dụng thiên địch. Chúng tôi nhập thiên địch về thả vào vườn để cân bằng hệ sinh thái, hạn chế sâu bọ, từ đó giảm thiểu phun thuốc BVTV”.

Theo TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhiều doanh nghiệp, nông dân thu nhập hàng tỷ đồng nhờ thông qua ứng dụng công nghệ nhà kính có sự tương hỗ các công nghệ. Khi ứng dụng nhà kính, chi phí lao động sẽ giảm nhiều do kiểm soát được cỏ dại, giảm công chăm sóc làm cỏ và ứng dụng các thiết bị cảm biến tưới tự động, kiểm soát quá trình sinh trưởng và phát triển cây trồng góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, thời gian tới cần tổ chức sản xuất đồng bộ, chỉ nên phát triển nhà kính đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tăng cường liên kết sản xuất để doanh nghiệp làm hạt nhân tổ chức sản xuất quy chuẩn đồng bộ; doanh nghiệp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho nông dân làm nhà kính đủ chuẩn, nông dân sản xuất cung cấp sản phẩm lại cho doanh nghiệp theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, vì nông dân hạn chế nguồn lực tài chính nên đầu tư nhà kính không đủ chuẩn.

“Vấn đề này các quốc gia châu Âu hay thực hiện để giúp cho nông dân không phải lo làm nhà kính riêng lẻ mà do chính các doanh nghiệp đầu tư trước cho nông dân”, ông Phạm S nhấn mạnh.

Vừa là nhà quản lý nhưng cũng là nhà khoa học, TS Phạm S cho rằng tùy theo loại cây trồng, các cây không mẫn cảm với thời tiết nhiều thì không nhất thiết đều đưa vào trồng trong nhà kính. Khuyến khích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao song không trồng trong nhà kính như: atiso, rau gia vị, súp lơ, cải thảo, cà rốt, khoai tây, đậu cove, hành tây, cây cảnh, cây dược liệu quý, cây ăn quả, cherry Australia, phúc bồn tử, chanh dây Colado...

Về lâu dài, Đà Lạt cần xây dựng đề án giảm dần và tiến đến không còn nhà kính theo từng khu vực phường trung tâm theo hướng: tiến hành rà soát sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nghiên cứu trồng cây không trong nhà kính song vẫn cho giá trị thu nhập cao, trồng các cây mới lạ phục vụ du khách trải nghiệm, theo nguyên tắc giảm dần nhà kính theo thời gian, để khu trung tâm thành phố như các phường 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 không còn nhà kính để trả lại mảng xanh, tạo cảnh quan đô thị Đà Lạt.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 4.500ha nhà kính, 1.222ha nhà lưới, riêng TP Đà Lạt có khoảng 2.800ha nhà kính (chiếm hơn 60% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh, bao gồm 1.244ha rau các loại; 1.590ha hoa các loại).

ĐOÀN KIÊN

Hơn 20 quốc gia tham gia Triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Ngày 11-10, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông, lâm, ngư nghiệp năm 2019 (Growtech Vietnam). Dự kiến, triển lãm diễn ra từ ngày 31-10 đến 2-11 tại Trung tâm Triển lãm ICE, 91 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm).

Triển lãm năm nay có 250 gian hàng của các doanh nghiệp với hơn 5.000 sản phẩm thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đến từ hơn 20 quốc gia, như: Hà Lan, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, Bồ Đào Nha, Việt Nam...

Triển lãm Growtech Vietnam 2019 nhằm giới thiệu công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, kết nối, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm đại lý thương mại...

NGỌC QUỲNH

Nuôi gà đồi đón Tết: Ổn định tổng đàn, bảo đảm chất lượng giống

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Đáp ứng nhu cầu gà thịt dịp Tết Nguyên đán 2020, thời điểm này, các hộ chăn nuôi ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã chủ động vào đàn và tích cực chăm sóc gà. Ngoài tăng tỷ trọng gà ri lai, các hộ còn nuôi nhiều giống gà khác, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đa dạng giống gà

Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát khiến hàng triệu con lợn trong nước bị chết, gây thiếu hụt lượng lớn thực phẩm cho thị trường. Tại Bắc Giang, bệnh DTLCP làm hơn 270 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy. Hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn tại Bắc Giang đã chuyển đổi sang các vật nuôi khác như gà, vịt... Dự báo, tổng đàn gia cầm sẽ tăng mạnh, đặc biệt trong dịp Tết tới.

Dịp này, mỗi ngày cơ sở ấp nở gà lai Hồ của ông Nguyễn Tiến Mạnh (bên phải), Giám đốc HTX Giống gia cầm Mạnh Ngân xuất bán ra thị trường hơn 3 nghìn con giống.

Hiện người dân trong tỉnh, nhất là ở Yên Thế việc chăn nuôi và tiêu thụ gà khá thuận lợi, giá bán dao động từ 55 - 75 nghìn đồng/kg (tùy từng loại gà và độ tuổi). Mỗi lứa khi xuất bán, người nuôi thu lãi từ 15 triệu đồng trở lên/1 nghìn con. Thời tiết năm nay ít mưa, ngành chuyên môn dự báo sẽ không có dịch bệnh lớn trên đàn gà. Tuy vậy, các hộ giàu kinh nghiệm chăn nuôi vẫn khá thận trọng khi vào đàn gà đón Tết.

Hộ ông Nguyễn Hồng Hải, thôn Tân Kỳ, xã Đồng Tâm nuôi gà từ năm 1985, mỗi năm, gia đình ông xuất bán hơn một vạn con gà thương phẩm. Mỗi tháng, ông vào đàn 1 nghìn gà giống và xuất bán với số lượng tương tự. Ông Hải chia sẻ, với cách làm này, tháng nào gia đình cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống và đầu tư chăn nuôi, tránh được rủi ro nếu giá gà xuống thấp.

Cách đây hơn một tháng, ông vào đàn 2 nghìn gà con để bán trước Tết. Ông Hải phân tích: “Năm nay nhiều hộ nuôi lợn bị dịch bệnh đã chuyển sang nuôi gà, vì thế tôi xác định sẽ xuất chuồng trước và sau Tết Nguyên đán để tiêu thụ được thuận lợi”.

Hộ các ông Hoàng Văn Thạch, Ngô Thu Bồn, Nguyễn Văn Cường cùng hơn 50 hộ nuôi gà đồi trong thôn Tân Kỳ đều vào đàn "dải đều", tránh xuất chuồng dồn dập vào đúng dịp cận Tết Nguyên đán để tránh rủi ro về giá.

Là chủ trại chăn nuôi quy mô lớn với hơn 3 vạn con gà/năm nên Tết Nguyên đán thường là dịp để hộ anh Hoàng Đăng Khoa, thôn Đền Quan, xã Tam Hiệp tăng sản lượng gà. Thay vì nuôi các giống gà truyền thống, nhiều năm qua, gia đình anh chọn nuôi gà lai Hồ, gà chíp, gà ta Lò.

Theo anh Khoa, cơ cấu đàn như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Tết này, gia đình anh dự kiến xuất chuồng 3 nghìn con gà lai Hồ. Ngoài Tết, bán 1 nghìn con gà chíp để phục vụ nhu cầu cúng Rằm tháng Giêng.

Ngoài các giống gà chủ lực là ri lai và mía lai, tại Yên Thế, nhiều hộ nuôi một số giống gà đặc sản phục vụ các nhà hàng.

Sản xuất an toàn, liên kết tiêu thụ

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, ngoài hỗ trợ người dân kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, năm 2019 là năm thứ 2 Yên Thế tập trung chỉ đạo, định hướng, khuyến khích người chăn nuôi tăng tỷ trọng gà ri lai.

Bởi đây là giống gà cho chất lượng thịt thơm ngon, giá cao hơn gà mía từ 7 -10 nghìn đồng/kg. Phấn đấu năm nay gà ri lai đạt khoảng 50% tổng đàn gà, duy trì ổn định tổng đàn 4 triệu con.

Thời điểm hiện tại, tổng đàn gà của Yên Thế đạt hơn 4 triệu con. Dự kiến sản lượng gà xuất chuồng năm 2019 ước đạt hơn 1,5 nghìn tấn (tương ứng hơn 12 triệu con) và hơn 9,5 triệu quả trứng; giá trị ước đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng. Dự kiến lượng gà bán ra dịp Tết tới khoảng 2,5 triệu con, chủ yếu là gà từ 4-5 tháng tuổi. Trong đó, tỷ lệ gà ri lai chiếm khoảng 45%.

Để bảo đảm chất lượng gà, Yên Thế đã tích cực chỉ đạo các cơ sở chuẩn hóa quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ông Lương Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết, năm nay, 100% các hộ nuôi gà trên địa bàn huyện nhập con giống từ các cơ sở sản xuất theo quy trình sạch bệnh và thụ tinh nhân tạo.

Bởi gà được sản xuất theo quy trình này có ưu điểm đồng đều, sức đề kháng cao, tăng trưởng nhanh. “Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm chất lượng từ gà giống tới thương phẩm”, ông Hiến nói.

Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh; tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc. Bảo đảm chặt chẽ các khâu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, quản lý quá trình vận chuyển vật nuôi ra, vào địa bàn, đặc biệt là công tác phòng ngừa dịch cúm gia cầm (cúm A H5N1).

Năm nay, Yên Thế đã thành lập thêm một số HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất, ấp nở và tiêu thụ gà đồi như HTX Giống gia cầm Mạnh Ngân, xã Tam Tiến; Tổ hợp tác Chăn nuôi gà đồi thôn Tân Kỳ… Huyện cũng chỉ đạo, khuyến khích HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, Công ty cổ phần Giang Sơn tăng cường liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế cho hay, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ với số lượng hơn 40 nghìn con (tăng 10 nghìn con so năm trước), đồng thời mở thêm 7 đại lý tiêu thụ gà ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, nâng tổng số đại lý lên 15.

Có sự chỉ đạo tích cực từ chính quyền, ngành chức năng cùng kinh nghiệm tích lũy, vụ gà Tết sắp tới, người chăn nuôi ở Yên Thế hy vọng có thu nhập cao.

Thế Đại

Thu nhập khá từ nuôi dê nhốt chuồng

Nguồn tin: Báo Bình Định

Chỉ một thời gian ngắn thực hiện mô hình nuôi dê thịt, đời sống kinh tế của gia đình chị Đặng Thị Thu Phương, 44 tuổi, ở thôn Tân An, xã Hoài Châu (Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã dễ chịu hẳn. Gặp tôi, chị vui vẻ trải lòng: “Đọc báo, xem truyền hình nói mô hình nuôi dê nhốt chuồng lấy thịt, tôi thấy mình có một số điều kiện phù hợp, vậy là tôi nung nấu ý tưởng thực hiện mô hình nuôi dê thịt, từng bước một tôi chuẩn bị dần cho mô hình…”.

Chị Phương đang chăm sóc đàn dê.

Quả thật, việc “chuẩn bị dần cho mô hình” là ý tưởng rất phù hợp bởi gia đình chị Phương thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn. Biết ý định của chị, người thân cho gia đình chị mượn tiền làm chuồng trại. Được Hội Phụ nữ xã động viên, hỗ trợ kiến thức, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, chị Phương mua 7 dê cái, 3 dê đực về nuôi.

Để có kiến thức chăm sóc đàn dê, ngoài kiến thức từ các lớp tập huấn, chị Phương chịu khó tìm tài liệu từ sách báo, đọc các hướng dẫn chăm sóc đàn dê trên các trang mạng. Nhờ chu đáo, cẩn thận, đàn dê của chị luôn khỏe mạnh và tăng trưởng nhanh. Riêng với dê đực, chỉ sau khoảng 7 tháng nuôi đã đạt trọng lượng 30 kg, bán bình quân 3 triệu đồng/con, dê cái nuôi 9 tháng giá bán bình quân 5 triệu đồng/con.

Hiện nay đàn dê của chị Phương đã lên tới 40 con trong đó có 30 dê cái đang sinh sản, hàng năm đàn dê tạo ra một lượng lớn phân hữu cơ để trồng cỏ. Nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi chị đã tiếp tục mở rộng đàn, mở rộng chuồng nuôi. Đến nay gia đình chị đã ra khỏi diện hộ cận nghèo, kinh tế gia đình từng bước ổn định và khá lên, con cái học hành đến nơi đến chốn, có việc làm thu nhập ổn định.

THÁI NGÂN

Nuôi thỏ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Nhờ sự cần cù, chịu khó, chị Màn Thị Hồng Hạnh, phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi thỏ Newzealand cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có dịp ghé thăm mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Hạnh, chúng tôi khá ấn tượng với quy mô và cách thức tổ chức chăn nuôi, chuồng trại được thiết kế khoa học, thỏ được uống nước từ hệ thống nước tự động, có quạt làm mát mùa nóng và hệ thống sưởi ấm mùa lạnh.

Giới thiệu về mô hình, chị Hạnh cho biết: Tình cờ xem một số chương trình truyền hình chị biết về hiệu quả các mô hình nuôi thỏ New Zealand có liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Nippon Zoki của Nhật. Nhận thấy điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu có nhiều thuận lợi cho phát triển chăn nuôi thỏ thương phẩm, cùng đầu ra ổn định, năm 2017 chị Hạnh đã mạnh dạn xây dựng 400 m2 chuồng trại, lồng nuôi, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh và đầu tư nuôi 150 con thỏ giống Newzealand (trong đó 130 cái, 20 đực). Nhờ có sự liên kết với Công ty Nippon Zoki, chị được cung ứng giống đảm bảo chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật và ký kết tiêu thụ sản phẩm theo giá cố định.

Theo chị Hạnh, thỏ New Zealand là vật nuôi mắn đẻ, thỏ giống sau 5-6 tháng thì bắt đầu sinh sản, bình quân mỗi năm sinh từ 6-7 lứa, mỗi lứa trung bình từ 7-8 con; thỏ con sinh trưởng nhanh, nuôi khoảng 3-3,5 tháng có thể xuất bán với trọng lượng bình quân 2,3 kg.

Tuy là loài mắn đẻ nhưng kỹ thuật nuôi thỏ khó và vất vả hơn nhiều so với các con nuôi truyền thống. Nếu thức ăn không đảm bảo, chuồng trại không sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông thì con nuôi này dễ bị mắc một số bệnh, đặc biệt là bệnh đường ruột.

Do vậy, trong chăn nuôi thỏ, chị luôn thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi sạch, xây dựng chuồng trại đúng quy chuẩn có hệ thống quạt thông gió, thoát nước, hệ thống làm mát trên mái và trong chuồng. Thức ăn do Công ty cung cấp đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống nước uống tự động và sạch sẽ. Thỏ được bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất và tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh: bại huyết, ghẻ, cầu trùng... Khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, định kỳ chị thực hiện tiêu độc khử trùng bằng hóa chất và vôi bột.

Ngoài thức ăn do Công ty cung cấp, chị Hạnh còn trồng hơn 1 ha cỏ voi để đảm bảo thỏ có nguồn thức ăn thô xanh. Với cách làm đó, tỷ lệ sống của thỏ luôn đạt 80%-85%. Hiện mô hình nuôi thỏ của chị Hạnh đã phát triển lên 250 con thỏ giống và khoảng 2.000 con thỏ thương phẩm.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế, chị Hạnh cho biết: Sau khi trừ các chi phí, thu nhập năm đầu tiên ước đạt 150 triệu đồng, năm thứ hai đạt trên 200 triệu đồng. Nuôi thỏ tuy lợi nhuận không quá cao nhưng ổn định do có mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người dân chỉ cần chịu khó, nắm chắc các quy trình kỹ thuật sản xuất đều có thể xây dựng thành công mô hình.

Theo đại diện Hội Nông dân phường Nam Sơn, với sự cần cù, chịu khó và cách làm sáng tạo trong liên kết sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ, chị Hạnh đã thành công với mô hình nuôi thỏ xuất khẩu có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhận thấy đây là một mô hình có hiệu quả, năm 2018 Hội Nông dân phường đã tham mưu cho Khối dân vận Đảng ủy tiếp tục tuyên truyền, tổ chức các buổi tham quan, giới thiệu mô hình và phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân trên địa bàn phường tiếp cận và nhân rộng.

Hồng Giang

Giá gà công nghiệp giảm sâu sau nhiều năm: Giải ‘bài toán’ chăn nuôi tự phát

Nguồn tin: Hà Nội Mớ

Những ngày này, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước tiếp tục như “ngồi trên đống lửa”. Cả chục năm qua, chưa bao giờ giá gà (chủ yếu là gà công nghiệp) lại giảm sâu đến thế. Một trong những căn nguyên dẫn đến tình trạng này là các hộ dân chăn nuôi tự phát, khiến cung vượt cầu. Vậy, giải pháp nào để không còn nỗi lo mất giá, người chăn nuôi thua lỗ…?

Áp dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ giúp người chăn nuôi gà khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, thường xuyên mất giá khi cung vượt cầu. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi gà trang trại cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Bá Hoạt

Tăng nguồn cung đột biến - giá gà công nghiệp giảm sâu

Từ cách đây khoảng 2 tháng, các hộ chăn nuôi gia cầm như thể đã “đứng ngồi không yên” vì giá gà giảm sâu. Bà Quách Thị Nga ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho biết: Trang trại của gia đình nuôi 8.000 con gà công nghiệp, cách đây khoảng 2 tháng, giá gà loại này chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg, đến nay tuy tăng lên 19.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp dưới mức giá thành sản xuất (là 24.000-25.000 đồng/kg) khá xa. Đây là mức giá giảm sâu nhất trong 10 năm qua. Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm, chủ một trại gà với quy mô 6.000 con ở huyện Quốc Oai: Giá gà giảm mạnh từng ngày, thương lái còn lợi dụng xu hướng này để ép giá, khiến người chăn nuôi càng gặp nhiều khó khăn...

Nhận định về tình trạng giá gà công nghiệp giảm mạnh thời gian qua là do cung vượt cầu, theo ông Hoàng Kim Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết thêm: Tổng đàn gà của thành phố hiện vào khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, giá gà công nghiệp giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến các hộ chăn nuôi. Tính sơ bộ nếu mỗi trang trại nuôi 10.000 con, với giá bán 12.000-14.000 đồng/kg thì người nuôi sẽ lỗ khoảng 200-250 triệu đồng khi xuất chuồng...

Cũng về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nguyên nhân lớn nhất là do nguồn cung tăng đột biến. Trước tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gà công nghiệp vì thời gian nuôi chỉ mất 35-42 ngày. Do vậy, trong một thời gian ngắn, tổng đàn gia cầm cả nước đã tăng 462 triệu con, trong đó riêng gà là 358 triệu con, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Chẳng hạn như tỉnh Tiền Giang tăng 11,8% (với tổng đàn gia cầm 14,8 triệu con); Sóc Trăng tăng 12,61% (với tổng đàn gia cầm 7,7 triệu con)… Chính việc tăng đàn ồ ạt ở một số địa phương trong cùng một thời điểm đã dẫn đến cung vượt cầu, do đó giá tiêu thụ bị giảm sâu.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, việc gia tăng nhập khẩu thịt gà cũng đã tác động tới giá gà công nghiệp giảm mạnh. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Trong 8 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thịt gà, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và giá gà nhập khẩu chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, cạnh tranh với thịt gà nội địa.

Sản lượng gà công nghiệp tăng nhằm bù đắp lượng thịt lợn bị giảm do bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong khi người tiêu dùng vẫn quen sử dụng thịt lợn nên có tình trạng dư thừa gà. Tuy nhiên, có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến giá gà công nghiệp giảm sâu là do chăn nuôi tự phát, thiếu kiểm soát nên cung vượt cầu. Vậy, đâu là giải pháp căn cơ để phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững?

Lượng thịt gà nhập khẩu tăng cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp giảm.

Phát triển theo quy hoạch, mở rộng xuất khẩu

Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT) đưa ra dự báo: Giá gà công nghiệp chỉ giảm mạnh cục bộ trong thời gian ngắn, đến nay đã tăng 18.000 đồng đến 19.000 đồng/kg, thời gian tới sẽ tăng 23.000 đồng đến 25.000 đồng/kg và tiếp tục tăng trong vài tháng tới do nhu cầu tiêu dùng tăng. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết: Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố thống kê đàn gia cầm, sản lượng thịt, thực tế tái đàn, kết hợp với lượng thịt nhập khẩu để có nhận định về nguồn cung vào những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán... “Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng các loại thịt nhập khẩu để bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không, thịt gà trong nước sẽ bị cạnh tranh không lành mạnh” - ông Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh.

Với địa bàn Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Thành phố sẽ tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, tập trung vào sản xuất con giống, nhất là những giống gà bản địa như: Gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà mía Sơn Tây... Thành phố khuyến khích các hộ chăn nuôi gà công nghiệp nhưng theo hướng gia công cho các công ty nước ngoài để bảo đảm đầu ra thuận lợi và tránh những tác động tiêu cực khi giá xuống thấp. Đồng thời, Hà Nội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào khâu sơ chế, giết mổ gia cầm theo hướng hiện đại và thu mua sản phẩm cho người dân.

Xuất khẩu cũng là một hướng mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus - doanh nghiệp đang xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản cho rằng: Để đẩy mạnh xuất khẩu thịt gà, các địa phương phải xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines...

Về định hướng phát triển chăn nuôi, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Các địa phương phải khuyến cáo người dân phát triển chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng theo quy hoạch. Liên quan đến khâu tiêu thụ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, đối với thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phát triển những sản phẩm thịt gà chế biến, để có thể thâm nhập vào các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Còn với thị trường trong nước, Bộ NN&PTNT định hướng gia tăng tỷ trọng thịt gà từ 20% đến 21% như hiện nay lên trên mức 25% và giảm tỷ trọng thịt lợn, theo xu hướng thế giới đồng thời tránh phụ thuộc vào thịt lợn, đặc biệt trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá bán giảm, người chăn nuôi thua lỗ. Để giải “bài toán” này, các địa phương cần khuyến cáo người dân chăn nuôi theo quy hoạch; đồng thời tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gà sạch theo chuỗi giá trị, vừa cung cấp cho thị trường nội địa vừa tham gia xuất khẩu...

NGỌC QUỲNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop