Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 09 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 18 tháng 09 năm 2020

DOVECO xuất khẩu lô chanh dây đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Chiều 16-9, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức lễ xuất khẩu lô hàng chanh dây đi châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) thực hiện. Tham dự buổi lễ có các ông: Lê Quốc Doanh-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; đại diện một số đại sứ quán các nước thành viên EU tại Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương…

Lễ cắt băng công bố xuất khẩu lô hàng chanh dây đầu tiên sang Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Vũ Thảo

Những năm vừa qua, DOVECO là đơn vị tiên phong có mối liên kết gắn bó với người nông dân từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đến chế biến và kinh doanh xuất khẩu rau quả, nông sản. Hiện nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là thị trường châu Âu. Các sản phẩm thế mạnh của DOVECO được châu Âu ưa thích phải kể đến như: dứa đông lạnh IQF, dứa hộp, dứa cô đặc, nước dứa NFC. Đặc biệt, các sản phẩm từ quả chanh dây đang được sản xuất chủ yếu tại nhà máy DOVECO Gia Lai như: nước chanh dây cô đặc, nước chanh dây NFC và ruột chanh dây đông lạnh,… hiện là sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của Công ty.

Dây chuyền sản xuất chanh dây của DOVECO. Ảnh: Vũ Thảo

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Theo thống kê sơ bộ, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Hiện đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam bằng việc xoá bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh dây của Việt Nam đã tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh dây lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador...

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các doanh nghiệp, trong đó có DOVECO cần tận dụng thời cơ, lợi thế mà EVFTA mang lại để tiếp tục cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đảm đảm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, giữ uy tín với thị trường EU nhằm xuất khẩu mang lại giá trị cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Gia Lai tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến rau quả (chanh dây) đầu tư mở rộng nhà máy chế biến sâu, tham gia liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và có chính sách để người dân sản xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm, các sản phẩm được chứng nhận theo yêu cầu của EU...

Ngay trong buổi lễ, DOVECO đã xuất 100 tấn chanh dây sang Hà Lan.

VŨ THẢO

Giàu lên nhờ cây ổi

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Những trái ổi lê Đài Loan từ vườn nhà ông Hoàng Văn Hà (ở xóm 9, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có vị ngon, ngọt, giòn, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng rất ưa thích. Mỗi năm gia đình ông bán được hàng chục tấn ổi, thu về hơn 100 triệu đồng.

Thu hoạch ổi tại gia đình ông Hoàng Văn Hà, xã Khánh Thành. Ảnh: Anh Tuấn

Chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Văn Hà, vừa đặt chân đến đầu ngõ, đã bắt gặp hình ảnh vườn ổi trĩu quả. Ông Hà khệ nệ bê chậu đủ loại cua, cá, ốc, lươn, trạch…, còn vợ ông đang lúi húi cắt ổi để bán cho thương lái. Vừa gặp, vợ chồng ông tay bắt, mặt mừng khoe ngay: "Trong vườn ổi phải có ao điều hòa sinh thái. Lá cây, cỏ dại vứt xuống ao cho cá ăn, sau một thời gian biến thành bùn, bùn này lại vét lên đắp vào gốc ổi. Đạm, lân, kali, trung lượng, vi lượng… ở cả trong bùn chứ đâu, đây chính là bí quyết để có những trái ổi ngon, giòn, ngọt. Ngoài ra, con ếch, con nhái dưới ao còn mò lên vườn bắt con sâu, con bọ cho cây, coi như tự cân bằng, nên ổi tôi trồng không phải phun thuốc BVTV bao giờ".

Ông Hà kể, như bao gia đình thuần nông ở đồng chiêm trũng, trước đây, ông cũng trồng lúa, ngô, rau màu… nhưng giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, cuộc sống chẳng khá lên. Sau khi xã có chủ trương cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu năm 2016, ông Hà đã mạnh dạn xin chuyển đổi 6 sào đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng ổi. Ông được Sở Nông nghiệp&PTNT hỗ trợ tìm được nguồn giống ổi lê Đài Loan chất lượng, cộng thêm yếu tố thổ nhưỡng phù hợp và được chăm sóc bài bản nên vườn ổi của gia đình phát triển nhanh. Hiện nay, sau 4 năm trồng, trung bình cứ cách một ngày ông thu hái được từ 50-100 kg quả. Theo tính toán của vợ chồng ông Hà, trung bình một cây ổi sẽ cho thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/năm tùy vào giá cả thị trường. Như năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá bán có kém hơn, chứ năm ngoái, 1 cây bán được 1,5 triệu đồng. Tính ra, 6 sào ổi tương đương 130 gốc ổi cho gia đình khoản thu nhập 130- 180 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể khoản thu từ ao cá và các loại rau màu khác quanh vườn.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng ổi lê Đài Loan, ông Hà cho biết, để quả ổi cho chất lượng tốt, phải thăm vườn thường xuyên, bón phân đều đặn và cắt tỉa cành, tạo tán, hạn chế sâu bệnh. Lúc quả ổi còn non bằng ngón chân thì dùng bao nilon và bao xốp để bọc trái ổi lại. Làm việc này giúp cho quả ổi đẹp, tránh bị ruồi vàng tấn công. Chi phí bỏ ra mua túi bọc ổi tuy tốn kém nhưng chất lượng và mẫu mã của quả ổi được đảm bảo. ổi của gia đình ông Hà quả to, đẹp, ăn giòn, ngọt nên không lo ế mà chỉ lo không có để bán, hái được bao nhiêu là thương lái đánh xe về tận vườn mua hết.

Nguyễn Lựu

Phát triển hơn 200 ha chuối Laba

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Chuối xuất sang Nhật Bản được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng. Ảnh: Việt Quỳnh

Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Hợp tác xã Đạ K’Nàng, Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cho biết; đến thời điểm này, hợp tác xã đã vận động được 30 hộ dân tham gia liên kết trồng 200 ha chuối Laba để xuất bán quả sang thị trường Nhật Bản. Bình quân mỗi tháng hợp tác xã sơ chế, đóng gói sản phẩm xuất sang thị trường Nhật Bản khoảng 8 đến 12 container quả chuối, mỗi container 12 tấn, với giá bán dao động từ 8 đến 9 ngàn đồng/kg, mỗi ha chuối cho thu hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí đầu tư. Ngoài việc phát triển diện tích cây chuối Hợp tác xã còn tạo việc làm từ 20 đến 30 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số với mức lương dao động từ 5 đến 7 triệu đồng.

VĂN TÂM

Lâm Đồng: Toàn tỉnh có 145 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Theo tổng hợp của ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác đang được chú trọng đẩy mạnh phát triển và chiếm ưu thế trong ngành nông nghiệp của tỉnh ta.

Vườn dưa lê Hàn Quốc của Trang trại Hoa Thắng Thịnh (Đà Lạt). Ảnh: Văn Báu

Tính đến tháng 8/2020, toàn tỉnh có 3 liên kết hợp tác xã (HTX), 324 tổ hợp tác (THT), 953 trang trại. Các trang trại tập trung chủ yếu lĩnh vực sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi; cụ thể, có 373 trang trại trồng trọt, 534 trang trại chăn nuôi; 2 trang trại thủy sản và 42 trang trại tổng hợp.

Đồng thời, toàn tỉnh hiện có 145 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, với sự tham gia liên kết của 87 doanh nghiệp, 54 HTX, 36 THT và 15.800 hộ nông dân.

Đặc biệt, một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp hình thành loại hình du lịch nông nghiệp đã và đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước ưa thích lựa chọn…

T.D.HỒNG

Vật tư nông nghiệp, thủy sản: Kiểm tra là ra... vi phạm

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu được xem là thị trường tiêu thụ lớn để các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp, thủy sản cung cấp đầu vào. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Bảo vệ thực vật, chỉ tính riêng nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phục vụ cho cây lúa cũng chiếm hơn 1.000 tấn/năm. Vì vậy, chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản luôn là nỗi lo của người nông dân, vì nó không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi nhuận, mà còn là sự phát triển bền vững của môi trường sản xuất.

Nông dân huyện Hồng Dân sử dụng thuốc BVTV chăm sóc lúa. Ảnh: L.D

NHIỀU CƠ SỞ KINH DOANH VI PHẠM

So với các địa phương khác, Bạc Liêu tập trung đông các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 910 cơ sở sản xuất - kinh doanh các mặt hàng này. Trong đó, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV 240 cơ sở; kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản 297 cơ sở và 374 cơ sở sản xuất - kinh doanh giống thủy sản và nuôi trồng thủy sản…

Điều đáng quan tâm là gần như ngành quản lý tiến hành kiểm tra đến đâu là phát hiện vi phạm đến đó; mỗi năm số vụ vi phạm không giảm mà còn tăng cao so với cùng kỳ. Cụ thể năm 2019, Thanh tra Sở NN&PTNT và các chi cục có chức năng đã tổ chức thực hiện 74 đoàn thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất - kinh doanh và chủ yếu tập trung nhiều ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Qua đó, ban hành 252 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền phạt trên 2,8 tỷ đồng.

Có một thực trạng đáng cảnh cáo là qua kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và thủy sản, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm với các hình thức, thủ đoạn khác nhau. Cụ thể về chất lượng, qua kiểm tra 48 mẫu phân bón có đến 10 mẫu không đạt chất lượng, đặc biệt đối với vật tư phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, qua kiểm tra 51 mẫu thức ăn chăn nuôi có đến 24 mẫu không đạt chất lượng và thanh tra ngành Nông nghiệp đã xử phạt hơn 502 triệu đồng…

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp còn phát hiện hàng loạt sai phạm về chất lượng, cùng các thủ đoạn lừa gạt người nông dân. Đó là buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; tự ý sang chia mỗi loại thuốc thú y mà không được phép của cơ quan quản lý; mua bán sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y thủy sản, BVTV hết hạn sử dụng và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hay kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó và chủ yếu là “nổ” về chất lượng, nhất là các mặt hàng thú y thủy sản với cái mác là sản phẩm sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường núp dưới cái tên “vi sinh”, nhưng khi kiểm tra chất lượng thì có đến 50% vi phạm…

Ngoài ra, còn có các trường hợp vi phạm về buôn bán thuốc BVTV nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc và bán thuốc BVTV với các sản phẩm khác không được phép kinh doanh…

Thanh tra Bộ NN&PTNT kiểm tra nhãn mác thuốc thú y thủy sản trên địa bàn TP. Bạc Liêu.

BIẾN ĐỒNG ĐẤT THÀNH PHÒNG THÍ NGHIỆM?!

Tồn tại những bất cập trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do thiếu tiền và cả ý thức tự cảnh giác của người nông dân. Trên thực tế, người nông dân đã trở thành nạn nhân và buộc phải sử dụng vật tư nông nghiệp, thủy sản kém chất lượng, bởi họ không có vốn đầu tư nên bị lệ thuộc hoàn toàn vào các đại lý kinh doanh các mặt hàng này. Đó là việc các đại lý này bán hàng cho nông dân theo kiểu triệt buộc “đưa gì thì phải sử dụng đó”, vì nông dân phải mua trước trả sau nên không có lựa chọn nào khác?!

Còn một nguyên nhân khác là ý thức cảnh giác của nông dân chưa cao. Đó là trường hợp các công ty tổ chức bán “lưu động” và cho nông dân sử dụng thử sản phẩm nhưng bản thân người nông dân lại không biết sản phẩm đó đã qua kiểm tra chất lượng, hoặc đã được ngành quản lý cho phép lưu hành trên thị trường hay chưa. Thực tế cho thấy, thời gian qua Thanh tra ngành Nông nghiệp, Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều trường hợp sản phẩm chưa cho phép hay nằm trong danh mục được lưu hành nhưng lại được giới thiệu, bày bán trên thị trường và kết quả là chỉ có nông dân lãnh đủ. Hệ lụy kéo theo là biến đồng đất của nông dân trở thành “phòng thí nghiệm”, nếu làm trúng mùa thì các doanh nghiệp này tổ chức đăng bài, quay video tải lên mạng xã hội, còn thất bại thì họ trốn mất và nông dân cũng không biết phải kiện ai?!

Thêm vào đó, một số nông dân khi sử dụng phải sản phẩm kém chất lượng bị thiệt hại nhưng lại rất dễ thỏa hiệp với các doanh nghiệp vi phạm và chưa thể hiện được tính cộng đồng. Nghĩa là sau khi thông tin cho ngành quản lý, các phương tiện thông tin đại chúng về sản phẩm của công ty nào đó kém chất lượng gây thiệt hại, nhưng sau đó chính bản thân nông dân lại là người xin rút đơn và không chịu trách nhiệm về những thông tin mà mình đã cung cấp (do công ty bán hàng kém chất lượng ấy đã bồi thường rất cao). Vậy là ngành quản lý lại gặp khó trong việc xử lý, vì không có người chịu tố giác!

Nông dân huyện Đông Hải sử dụng sản phẩm sinh học cải tạo môi trường nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Một bất cập khác dẫn đến việc chưa giải quyết đứt điểm được bài toán vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản chính là nông dân chưa xây dựng được các liên kết bền chặt theo mô hình “chuỗi khép kín”. Tham gia mô hình này, doanh nghiệp sẽ cung ứng tất cả vật tư đầu vào cho nông dân và bao tiêu sản phẩm đầu ra, cùng với nông dân chia sẻ lợi nhuận và cả rủi ro (vì lúc này lợi ích của doanh nghiệp và nông dân là một). Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp cho nông dân vật tư chất lượng nhất, nhằm tạo ra sản phẩm cạnh tranh và chất lượng cao cung cấp cho thị trường tiêu tụ. Điển hình như Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu đã kết hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư cho nhiều nông dân ở xã phát triển mô hình lúa - tôm của TX. Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi theo hình thức công ty cung cấp tôm giống, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mô hình sản xuất tôm sạch này bước đầu đã phát huy hiệu quả, hình thành nên những liên kết giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và hơn cả là được cung cấp vật tư chất lượng phục vụ cho phát triển sản xuất. Không chỉ thế, công ty này còn kết hợp với Trường đại học Bạc Liêu hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho các sinh viên tham gia học chuyên ngành BVTV và nhận vào làm sau khi tốt nghiệp, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với nông dân.

Để giải quyết những khó khăn như hiện nay, cùng với việc tăng cường công tác thanh - kiểm tra, ngành Nông nghiệp và các địa phương cần đẩy mạnh các mô hình liên kết hợp tác doanh nghiệp với nông dân và xem đây là giải pháp quan trọng trong việc chủ động ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng, hướng đến sản xuất bền vững.

LƯ TRUNG

Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Người tiêu dùng nên chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm

Để chủ động ngăn ngừa vật tư nông nghiệp, thủy sản kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường và đẩy mạnh công tác phòng chống gian lận thương mại, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng quản lý về điều kiện sản xuất - kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về tác hại của việc sản xuất - kinh doanh, tiếp tay, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… Trong đó, vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thủy sản là hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Song song đó, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền và phối - kết hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng (Cục Quản lý thị trường, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh…) tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thủy sản giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, sản phẩm chưa được phép lưu hành tại Việt Nam… Đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng đối với những sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu hoặc nghi ngờ là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đối với người tiêu dùng, cần thận trọng khi mua sản phẩm hàng hóa, chỉ chọn những cửa hàng có uy tín, sản phẩm có nhãn mác, thương hiệu, công bố chất lượng và có thông tin tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; không nên mua những sản phẩm không có nhãn, không rõ nguồn gốc và những địa điểm không có đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, người tiêu dùng nên chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm, hoặc các dấu hiệu sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc với cơ quan chức năng (Công an, Quản lý thị trường), hay chính quyền địa phương để kịp thời phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Hà Văn Buôl, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT: Cần ưu tiên đầu tư thiết bị kỹ thuật kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản

Sở NN&PTNT là ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng do chỉ tiêu biên chế công chức được giao ít nên cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Mặt khác, do Luật Thanh tra 2010 giao chức năng thanh tra chuyên ngành đến cấp chi cục nên lực lượng thanh tra chia mỏng ra, không tập trung. Trong khi đó, thanh tra chuyên ngành Chi cục thường thực hiện nhiệm vụ “2 trong 1” là vừa cấp phép, vừa thanh - kiểm tra. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành và triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thực tế qua thanh - kiểm tra cho thấy, các vụ việc vi phạm chỉ có biểu hiện tạm lắng xuống trong đợt cao điểm triển khai các đoàn kiểm tra. Khi kết thúc đợt cao điểm kiểm tra thì một số đối tượng tiếp tục vi phạm nên gây khó khăn trong việc ngăn chặn dứt điểm; một số đối tượng sau khi bị xử lý về hành vi vi phạm, đối tượng tiếp tục vi phạm trở lại, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh, việc chấp hành phát luật trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp còn chưa tốt.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành đang chuyển hướng từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra theo hình thức đột xuất. Do vậy, việc bố trí kinh phí cho các cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất gặp khó khăn. Ngoài ra, khó khăn về kinh phí thu giữ, bảo quản tang vật, hàng hóa, kinh phí xử lý hàng hóa, phân tích chất lượng mẫu ngày càng tăng cao. Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, tổ chức còn hạn chế, thường xuyên lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm.

Để khắc phục những khó khăn này, ngành quản lý và các địa phương cần tổ chức tuyên truyền cho người dân nhằm mục đích hỗ trợ, trang bị kiến thức pháp luật cho người kinh doanh, người sử dụng và chủ động các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, ưu tiên phân bổ kinh phí để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản lưu thông và sử dụng trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý vi phạm về vật tư nông nghiệp, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác ở địa phương.

Song song đó, kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Thanh tra, Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012. Nên tập trung các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về Thanh tra Sở NN&PTNT để công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, đồng thời khách quan hơn trong công tác quản lý nhà nước.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất - kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản; giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm pháp luật về sản xuất - kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp giữa các đơn vị có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh; cấp phương tiện phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra Sở NN&PTNT đảm bảo hoạt động.

Kim Trung (thực hiện)

Đồng Tháp: Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng khoai hướng đến sự phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Thời gian qua, sản phẩm khoai lang, khoai môn mang lại thu nhập ổn định cho nông dân tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi diện tích khoai tăng mạnh, người dân lại đối diện với thực trạng “được mùa mất giá”. Để giải quyết bài toán này, việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng khoai, xây dựng các mô hình sản xuất thông minh, an toàn, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao hơn giá trị cho ngành hàng tiềm năng này là điều cần thiết...

Nông dân Châu Thành thu hoạch khoai môn

Thực trạng sản xuất ngành hàng khoai

Theo khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ, khoai lang là cây lương thực đứng thứ 3 sau lúa, bắp. Thời gian qua, khoai lang được trồng nhiều tại tỉnh Vĩnh Long với hơn 10.500ha. Gần đây, khoai lang được nhiều nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp canh tác với tổng diện tích canh tác hàng năm khoảng 3.000ha, tập trung nhiều ở các xã: Tân Phú, Phú Long và Hòa Tân. Trong vụ khoai lang đông xuân 2019 - 2020, nông dân huyện Châu Thành xuống giống hơn 73ha giống khoai lang tím Nhật, năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng đạt 18.250 tấn.

Bên cạnh khoai lang, khoai môn cũng được phát triển ở Đồng Tháp. Trong vụ hè thu 2019, toàn tỉnh có gần 500ha diện tích trồng khoai môn, với năng suất bình quân 20-30 tấn/ha, tập trung ở các huyện: Lấp Vò, Thanh Bình và Tam Nông. Đặc biệt, khoai môn ở huyện Lấp Vò được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa năm 2019.

Mặc dù sản phẩm mang lại giá trị kinh tế ổn định nhưng thị trường tiêu thụ mặt hàng khoai chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và Campuchia. Trong khi đó, khoai lang, khoai môn vẫn đủ khả năng tiếp cận các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... Tuy nhiên, để mặt hàng này xuất khẩu sang các thị trường khó tính, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo các chuyên gia, đến nay, vẫn chưa có các nghiên cứu hệ thống về vấn đề bảo quản khoai tươi. Hiện nay, khoai lang, khoai môn được nông dân bảo quản theo kiểu truyền thống nên nông sản chỉ lưu giữ được một thời gian ngắn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, phương pháp bao gói bằng bao bì PE, PP dễ làm tổn thương cơ học, gây thối rữa.

Ông Hà Văn Dồ - thành viên Hợp tác xã Khoai lang Hòa Tân, huyện Châu Thành chia sẻ: “Thời gian qua, bà con sản xuất khoai lang chỉ sử dụng nhiều phương pháp thủ công. Đồng thời không chủ động được đầu ra cho nông sản, phải phụ thuộc rất nhiều vào thương lái ”.

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, khoai lang là một trong những ngành hàng được huyện đưa vào thực hiện tái cơ cấu ngành hàng nông nghiệp. Để nâng cao giá trị ngành hàng này, huyện hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện nhiều mô hình trồng khoai giảm giá thành gắn với tiêu thụ. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng khoai lang của địa phương vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” khi công tác bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn thấp...”.

Giải pháp nâng cao giá trị

Theo đánh giá của các chuyên gia, khoai lang, khoai môn có giá trị dinh dưỡng cao, tiềm năng thị trường đối với các sản phẩm chế biến là rất lớn. Do đó, việc áp dụng công nghệ xử lý và bảo quản khoai sạch là cần thiết. Qua đó, giúp bảo quản khoai lâu hơn để chờ giá, vận chuyển đến các thị trường xa.

Chia sẻ vấn đề này, PGS.TS Nhan Minh Trí - Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị cho khoai, thời gian tới địa phương cần hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu chọn giống đến kỹ thuật canh tác, thu hoạch, xử lý và tồn trữ, chế biến đa dạng và maketing sản phẩm từ khoai. Bên cạnh đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ các chính sách, kết nối các nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp. Từ đó, tiếp tục đầu tư và phát triển theo hướng chỉ dẫn địa lý tương tự sản phẩm dừa Bến Tre. Điều này còn góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho tỉnh Đồng Tháp.

Theo ThS.Nguyễn Vĩnh Phúc - Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, để khai thác tối đa tiềm năng ngành hàng khoai, tỉnh cần nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ khoai như: bột dinh dưỡng từ khoai, khoai sấy, khoai chế biến chân không, sữa khoai, rượu khoai, miến khoai... Điều này góp phần tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, tạo sức cạnh tranh nông sản tỉnh nhà. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nghiên cứu đầu tư thiết bị và công nghệ sau thu hoạch; hoàn thiện quy trình sơ chế, xử lý và bảo quản khoai; đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất khoai...

Để phát triển khoai lang theo hướng bền vững, ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: “Huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trồng khoai đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời nghiên cứu, vận dụng, triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh giúp ngành hàng khoai lang phát triển. Phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa (TP.Hồ Chí Minh) ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác, đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất; tuyển chọn giống khoai lang chất lượng cao, kháng sâu bệnh vào sản xuất. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trồng khoai; phát triển đa dạng các sản phẩm từ khoai lang gắn với Chương trình OCOP của địa phương”.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp sẽ cử cán bộ chuyên môn đến từng vùng trồng khoai để hướng dẫn nông dân sản xuất tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời phối hợp với các địa phương, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống khoai lang; xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm khoai...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, để nâng cao hơn nữa giá trị cho sản phẩm khoai, ngành nông nghiệp, địa phương cần phối hợp với các chuyên gia, viện trường thống nhất quy trình sản xuất khoai tối ưu hóa từ khâu đầu vào đến sản phẩm đầu ra nhằm tiết kiệm chi phí thấp nhất để nâng cao giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng về việc sản xuất khoai theo hướng an toàn, hữu cơ cho nông dân. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ khoai lang...

Khánh Phan

Đắk Lắk: Nông dân Ea Súp lao đao vì ngô mất mùa, mất giá

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Nông dân huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đang vào mùa thu hoạch ngô chính vụ. Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất, chất lượng ngô không cao, giá ngô lại liên tục xuống thấp khiến người dân lao đao.

Vụ hè thu năm nay, huyện Ea Súp gieo trồng khoảng 3.760 ha ngô lai, tập chung chủ yếu tại thị trấn Ea Súp 565 ha, xã Cư M’lan 597 ha, Ea Rốk 575 ha, Ia R’vê 480 ha, Cư Kbang 475ha… với các giống ngô lai PAC 333, PAC 999, NK66, NK67, NK54, DDK888…

Ngay từ đầu vụ, thời tiết đã không thuận lợi, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích ngô bị ảnh hưởng. Vào thời điểm ngô phơi màu, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng tới quá trình thụ phấn khiến trái không to, hạt ngô không đều.

Ở nhiều vườn ngô xuất hiện tình trạng cây ngô thấp, quả nhỏ, hạt ít, thậm chí nhiều diện tích gần như mất trắng. Đến thời kỳ ngô chuẩn bị thu hoạch thì lại xuất hiện nhiều trận mưa to khiến ngô bị nấm mốc và mọc mầm khiến năng suất ngô chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với năm trước, cụ thể năng suất trung bình đạt từ 2,4 - 3 tấn/ha, giảm từ 1 - 1,5 tấn/ha so với mọi năm.

Người dân thị trấn Ea Súp thu hoạch ngô.

Cùng với đó, giá ngô lại sụt giảm liên tục, từ 3.600 đồng/kg ngô tươi xuống 2.800 - 3.000 đồng/kg khiến nông dân đứng ngồi không yên. Theo nhiều người dân, giá ngô thấp như hiện nay là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc giao thương mua bán của người dân gặp khó khăn; trong khi đó hệ thống đường giao thông vào một số xã cũng xuống cấp dẫn đến việc các thương lái hạ giá mua để bù vào chi phí thuê xe vận chuyển. Còn ông Vũ Đức Ninh, một thương lái thu mua nông sản giải thích: Giá ngô ở mức thấp là do đang vào thời điểm giữa vụ, ngô đang thu hoạch đại trà, nguồn cung cao hơn cầu. Hơn nữa, dịch tả heo châu Phi khiến ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề kéo theo nhu cầu thu mua ngô làm thức ăn gia súc cũng giảm theo.

Ngô mất mùa lại mất giá nên nhiều hộ nông dân thất thu. Như gia đình anh Nguyễn Văn Bình (thị trấn Ea Súp), thu hoạch từ 2 ha ngô lai chỉ bán được 15 triệu đồng, trừ chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu…, gia đình chỉ còn lại 2 triệu đồng trong khi chưa tính công gieo trồng, chăm sóc. Hay như gia đình anh Lý Văn Tráng (xã Cư Kbang), dù thu hoạch xong 3 ha ngô nhưng vẫn chưa quyết định bán hay để lại bởi giá ngô hiện tại quá thấp, không bù đắp được chi phí. Anh Tráng than thở: “Nếu giờ mình để ngô lại thì không có vốn đầu tư, vì phải làm gối vụ. Ngô lại khó bảo quản được vì không có máy sấy, trong khi trời mưa nhiều không phơi được”.

Trang Vũ

Khoảng 700 tấn tỏi khô chưa tiêu thụ ở đảo Lý Sơn

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Ngày 16-9, ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên khoảng 700 tấn tỏi khô trên đảo chưa tiêu thụ được.

Theo ông Thành, vụ Đông - Xuân 2019-2020, huyện đảo Lý Sơn xuống giống 326ha tỏi, năng suất đạt 93 tạ/ha, tổng sản lượng tỏi khô là 1.800 tấn. Từ lúc thu hoạch đến tháng 8-2020, người dân vẫn buôn bán tỏi khô bình thường. Sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch hạn chế nên việc tiêu thụ diễn ra cầm chừng, lượng tỏi chưa tiêu thụ ở mức 500-700 tấn.

Do ảnh hưởng dịch, giá tỏi ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái nên người dân chưa bán ra, vì không đủ chi phí sản xuất vụ tới. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Thành cho biết thêm: “Giá tỏi hiện ở mức 45.000-60.000 đồng/kg, so với bình quân hằng năm thì giá tỏi quá thấp, nên người dân chưa ưng ý bán ra trên thị trường. Đỉnh điểm tháng 10, 11, 12 các năm giá tỏi ở mức cao nhất từ 140.000-150.000 đồng/kg, năm nay ảnh hưởng dịch nên việc tiêu thụ tỏi diễn ra chậm, ảnh hưởng giá cả chung”.

Người dân trên huyện đảo Lý Sơn khi thu hoạch vụ tỏi đều sẽ giữ một lượng tỏi để làm giống cho vụ sau, trung bình 1ha thì cần 1 tấn giống tỏi, nên người dân sẽ bán ra một phần để đảm bảo chi phí sản xuất cho vụ năm 2021 tới.

NGUYỄN TRANG

Chuyện một tỷ phú nông dân

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ông Nguyễn Ngọc Sang (49 tuổi, ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đang làm chủ trang trại chăn nuôi heo, bò, gà, vịt quy mô lớn và 3 ha cây điều; thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Năm 2000, ông Sang mua được 3 ha đất ở thôn Tùng Chánh, định trồng cây điều. “Trồng điều nhưng đất trống không nuôi con gì cũng phí. Lúc này, tôi nghĩ đến chuyện nuôi gà. Nhưng ngặt nỗi, lúc mình máu làm ăn nhất thì không có nhiều tiền”, ông Sang chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Sang chăm sóc đàn gà tại trang trại.

May mắn đến với ông Sang khi Hội Nông dân xã Cát Hiệp hướng dẫn để ông được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng NN&PTNT huyện Phù Cát. Tiền vay được, ông đầu tư mua 500 con gà giống và trồng điều. Khi cây điều còn nhỏ, ông trồng các loại cây khác nhằm lấy ngắn nuôi dài, như trồng đậu phụng xen mì.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do Hội Nông dân huyện, tỉnh tập huấn và sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, sản lượng nông sản thu hoạch hằng năm của gia đình ông Sang luôn vượt trội so với các hộ khác trong vùng. Sau nhiều năm chăn nuôi và trồng điều thành công, năm 2014 vợ chồng ông Sang quyết đầu tư lớn vào trang trại với số tiền gần 4 tỷ đồng, nuôi thêm heo và bò. “Nhưng chưa kịp đứng vững thì trang trại bất ngờ thua lỗ đến 3 tỷ đồng khi hàng trăm con heo thịt phải bán tháo vì giá heo tụt dốc”, ông Sang nhớ lại.

Nhưng ông Sang không bỏ cuộc dễ dàng như vậy. Vợ chồng ông quyết định vực dậy trang trại. Họ thế chấp nhà đất cho ngân hàng và vay mượn thêm của người thân được hơn 1 tỷ đồng, dùng tiền đó mua heo giống, heo con, gà, vịt và cả bò về nuôi.

Qua quá trình trồng trọt, chăn nuôi, ông Sang tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong bố trí thời vụ, chăm sóc cây điều, chăn nuôi với số lượng phù hợp. Đàn gà được ông duy trì ở số lượng 3.000 con theo hình thức nuôi nhốt và nuôi thả, cho ăn thức ăn công nghiệp, mỗi lứa xuất chuồng khoảng 3.000 con (3 lứa/năm). Đối với heo thịt, ông giữ ổn định số lượng từ 1.000 - 1.200 con/lứa và 120 con heo nái để lấy heo giống nuôi thành heo thịt.

Từ đó đến nay, ông Sang duy trì, phát triển ổn định trang trại chăn nuôi heo, bò, gà, vịt và 3 ha điều, lợi nhuận đạt hơn 3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với tiền công từ 6,5 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng 7 lao động khác.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Sang còn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi đến bà con xung quanh và giúp cho những hộ nghèo, khó khăn hơn gia đình mình vươn lên làm giàu; thậm chí còn cho người dân mượn vốn để đầu tư mô hình như gia đình mình. Ngoài ra, ông còn ủng hộ tiền cho quỹ đền ơn đáp nghĩa và quỹ hỗ trợ nông dân thực hiện các chương trình an sinh xã hội ở địa phương.

Với những thành công đó, từ năm 2012 - 2019, ông Nguyễn Ngọc Sang được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Năm 2017, ông được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2012 - 2016). Đặc biệt, năm 2019, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đã có thành tích trong lao động sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc và là người duy nhất đại diện cho nông dân của Bình Định được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.

TRỌNG LỢI

Bắc Ninh tập trung tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

Nguồn tin: Nhân Dân

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ tháng 3-2019 đã gây ra nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Sau khi dịch bệnh được khống chế, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh, trong đó chú trọng vào các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học...

Nỗ lực tái đàn

Gia đình ông Nguyễn Văn Huệ, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là một trong số những hộ chăn nuôi có quy mô lớn, luôn duy trì từ 250 đến 300 con lợn thịt. Giữa năm 2019, DTLCP xuất hiện khiến phần lớn số lợn nuôi của gia đình ông mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy, thiệt hại lên tới gần 400 triệu đồng. Cuối năm 2019, sau khi DTLCP được khống chế, gia đình ông Huệ đã thực hiện việc tái đàn. Ông Huệ chia sẻ: “Ban đầu, với bốn con lợn thịt còn sót lại, tôi duy trì số lượng sẵn có vừa nuôi vừa thăm dò tình hình chứ chưa tăng đàn ngay, đề phòng dịch bệnh quay trở lại. Tôi thực hiện khử trùng chuồng trại mỗi ngày một lần và thực hiện nhiều biện pháp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Sau một tháng, lợn tăng trưởng tốt, khỏe mạnh. Trên địa bàn huyện dịch bệnh đã được kiểm soát, lúc này tôi mới mạnh dạn mua thêm hơn 70 con giống để mở rộng sản xuất. Lứa đầu sau tái đàn gia đình tôi thu về hơn bảy tấn lợn, trừ chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, tổng đàn lợn của tôi duy trì khoảng từ 260 đến 270 con, đạt gần 100% so với thời điểm trước khi có dịch”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bắc Ninh, năm 2019, DTLCP đã làm hơn 130 nghìn con lợn của địa phương mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 9.000 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh còn xuất hiện rải rác tại một số địa phương nhưng tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả cho nên đã giảm được thiệt hại. Sau khi kiểm soát được dịch, một số trang trại, hộ chăn nuôi đã bắt tay vào tái đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường. Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đã khôi phục được 100% đàn lợn so với trước khi có dịch. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ chăn nuôi sau dịch đạt khoảng 50%. Tốc độ tái đàn sau dịch của Bắc Ninh khá nhanh, tính đến đầu tháng 7 đạt 272.500 con, tăng 25,3%, sản lượng thịt xuất chuồng hơn 30 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ về kinh nghiệm tái đàn sau DTLCP, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi có chủ trương tái đàn lợn, chi cục đã hướng dẫn người dân các biện pháp tái đàn. Trong đó, chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, thực hiện việc tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Chi cục cũng khuyến cáo các địa phương không tái đàn ồ ạt, khi nhập lợn giống về người chăn nuôi cần biết nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh; đồng thời phải được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, các hộ và chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với bệnh DTLCP thì mới tiếp tục được tái đàn. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn, tỉnh Bắc Ninh có các chính sách hỗ trợ các hộ nuôi có quy mô từ 30 con trở lên (không quá ba tỷ đồng) và chính sách hỗ trợ tinh lợn cho chăn nuôi nông hộ. Nhờ chính sách này, nhiều hộ có điều kiện để tái sản xuất.

Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học

Để tăng đàn và tái đàn, quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp nguồn giống sạch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp then chốt. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Trình cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, bảo đảm cho đàn vật nuôi hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó sử dụng các chế phẩm vi sinh là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong bối cảnh DTLCP vẫn có nguy cơ tái phát. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình trang trại, gia trại thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, tính toán cân đối mật độ nuôi, kết hợp các biện pháp phòng dịch như phun thuốc sát trùng khử khuẩn, rắc vôi bột, bổ sung dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi… thì vẫn ngăn chặn được dịch bệnh.

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai quyết liệt nhiều biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tái đàn ở Bắc Ninh còn gặp phải một số khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát. Đáng lo ngại là vi-rút này hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, chính vì điều này người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn và chỉ tái đàn với số lượng hạn chế. Bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi cao còn phổ biến và chiếm tỷ trọng từ 60 đến 70%. Nhiều nông hộ gặp khó khăn do không chủ động được nguồn vốn, con giống và điều kiện cơ sở vật chất cho chăn nuôi… Để việc tái đàn đạt hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tại những nơi có ổ dịch cũ và nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng và có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra dịch. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ về quỹ đất, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn; hoàn thiện thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại bởi DTLCP trong thời gian qua để họ có điều kiện tái sản xuất…

PHAN THÁI SƠN

Khánh Hòa: Tăng cường kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Để đảm bảo việc quản lý động vật hoang dã, nhất là đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã tại các cơ sở theo Chỉ thị 29 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa tháng 9 này, hạt kiểm lâm các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.

Đã thoái trào

Phong trào gây nuôi động vật hoang dã đã từng rộ lên tại nhiều địa phương trong tỉnh, thậm chí các cơ sở nuôi nhím, heo rừng, rắn… từng được đánh giá là mô hình thoát nghèo bền vững cho các hộ. Tuy nhiên, phong trào này chỉ rộ lên trong một thời gian ngắn, hiện nay đã thoái trào. Đơn cử như tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, trước năm 2015, có hàng chục cơ sở nuôi thương phẩm động vật rừng thông thường thì đến nay chỉ còn duy nhất Công viên du lịch Yang Bay nuôi cá sấu và một số loài động vật rừng khác phục vụ du lịch. Hay tại địa bàn thị xã Ninh Hòa, trước đây cũng có rất nhiều cơ sở nuôi thương phẩm động vật hoang dã nhưng đến đến nay chỉ còn 12 cơ sở với tổng đàn gần 15.000 con, trong số này riêng cá sấu nước ngọt của Công ty Kinh doanh đà điểu, cá sấu Khatoco đã hơn 14.730 con.

Đầu ra khó khăn đã khiến cho nhiều người nuôi không còn mặn mà với động vật hoang dã. Ảnh: BKH

Ông Lê Trí - Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm Diên Khánh cho biết: “Do đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh nên các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện đã thu hẹp quy mô, nhiều cơ sở đóng cửa. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn 9 cơ sở nuôi động vật hoang dã, với 134 cá thể (92 cá thể động vật rừng thông thường và 42 cá thể động vật hoang dã quý hiếm nhóm IB và IIB). Thời gian qua, hạt kiểm lâm địa phương đã kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm quy định về quản lý động vật hoang dã. Qua kiểm tra, các cơ sở đều đảm bảo quy định về nguồn gốc động vật nuôi, điều kiện nuôi nhốt…”.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có 46 cơ sở nuôi động vật rừng với tổng đàn 20.533 con, chủ yếu là cá sấu, nhím, heo rừng, cầy vòi hương, chim trĩ, các loại rắn, hươu, nai…; số lượng cơ sở giảm hơn 60% so với năm 2015; đa phần các cơ sở nuôi hiện nay phục vụ hoạt động du lịch. Qua kiểm tra hàng năm của cơ quan chức năng, các cơ sở nuôi đều đảm bảo quy định về nuôi động vật hoang dã, nhất là về nguồn gốc động vật nuôi.

Tăng cường Kiểm tra các cơ sở nuôi

Một thực tế đặt ra hiện nay, ở một số địa phương trong nước đã xuất hiện tình trạng nhập lậu động vật hoang dã từ tự nhiên, sau đó hợp thức hóa hồ sơ, thủ tục tại các cơ sở gây nuôi và đưa đi tiêu thụ. Trong khi đó, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) ghi nhận hàng chục tấn động vật hoang dã được gắn mác hợp pháp để đưa đi tiêu thụ; việc tiêu thụ lậu các loài động vật hoang dã từ tự nhiên chưa qua kiểm dịch nhiều khả năng sẽ mang mầm bệnh vào các cơ sở nuôi; việc vận chuyển động vật hoang dã đến các địa điểm khác nhau trên cả nước khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật hoang dã sẽ tăng cao.

Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Để thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Thực hiện Chỉ thị này, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm địa phương: Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm có kế hoạch kiểm tra giám sát, quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn”.

Lãnh đạo hạt kiểm lâm các địa phương trong tỉnh cho biết, việc kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã được các đơn vị thực hiện thường kỳ, các cơ sở nuôi đều thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến nuôi động vật hoang dã. Tuy nhiên, để đảm bảo nghiêm các quy định theo Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ, từ giữa tháng 9, hạt kiểm lâm các địa phương sẽ bắt đầu kiểm tra các cơ sở nuôi. Theo đó, tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký hoặc mã số cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã; kiểm tra sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật rừng, các hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc động vật hoang dã nuôi có đúng với thực tế hay không; kiểm tra điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, điều kiện vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, khả năng sinh sản, sinh trưởng của vật nuôi. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở nuôi ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

HẢI LĂNG

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop