Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 09 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 19 tháng 09 năm 2020

Sử dụng thuốc diệt cỏ đúng cách giúp nhà nông được lợi nhiều mặt

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Nhiều nông dân cho biết, việc hạn chế, sử dụng đúng cách thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt và lâu dài.

Bảo vệ sức khỏe, môi trường

Anh Chảo Phu Nhân, thôn 4, xã Đắk Ha (Glong, tỉnh Đắk Nông) có 3 sào lúa, sản xuất vào vụ đông xuân và hè thu. Trước đây, anh từng sử dụng thuốc diệt cỏ trong canh tác lúa, với tần suất khoảng 4 lần trong vụ. Nhưng 5 năm nay, anh đã giảm xuống, chỉ xịt thuốc cỏ 1 lần/vụ.

 

 

Anh Chảo Phu Nhân, thôn 4, Đắk Ha (Đắk Glong) đã hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ trong trồng lúa

Lý giải điều này, anh Nhân cho rằng, mỗi lần xịt thuốc diệt cỏ cho lúa, anh cảm thấy người mệt mỏi, cổ họng nóng rát tới mấy ngày sau. Nhận thấy thuốc diệt cỏ không tốt cho sức khỏe, nên anh bỏ dần đi. Để hạn chế cỏ cho cây trồng, anh làm đất kỹ càng hơn, dọn sạch cỏ bằng thủ công. "Ít sử dụng thuốc diệt cỏ, mình thấy sức khỏe tốt hơn”, anh Nhân cho biết.

Từ nhiều năm nay, gia đình bà Hồ Thị Công, thôn Đức Hòa, xã Thuận An (Đắk Mil), cũng không sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất 3 ha cà phê. Theo bà Công, thực tế mùa nắng hạn cỏ mọc chậm thì việc cắt, cuốc cỏ khá dễ dàng, nhưng mùa mưa công cắt cỏ khá nhiều.

Thường mỗi mùa mưa phải cắt cỏ 3 lần cho cà phê, trong khi đó để làm sạch vườn chỉ cần một lần xịt thuốc, nhưng bà vẫn chọn cách cắt cỏ. Bởi vì xịt thuốc cỏ xuống vườn, được vài năm cây cối sẽ kém phát triển, chai đất và người lao động cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, lạm dụng thuốc cỏ dễ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, không an toàn cho người tiêu dùng. "Thà mình bỏ công ra nhiều hơn để đổi lấy cái lợi lâu dài cho sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng”, bà Công cho biết.

Gia đình bà Hồ Thị Công, xã Thuận An (Đắk Mil) không sử dụng thuốc cỏ trong canh tác 3 ha cà phê mà chỉ cuốc cỏ

Bên cạnh những người như anh Nhân, bà Công, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp lạm dụng thuốc trừ cỏ. Trên các cánh đồng, người ta thường thấy các loại chai lọ thuốc diệt cỏ được bỏ lại sau khi sử dụng, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do đó, để hạn chế tình trạng này, ngoài việc cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thì chính người dân cũng cần tự nâng cao ý thức, tìm hiểu, nắm bắt kỹ thuật sản xuất nông nghiệp an toàn, không lạm dụng, hoặc sử dụng thuộc diệt cỏ tùy tiện.

Ngày 20/9/2019, Bộ Nông nghiệp- PTNT đã ban hành Thông tư số 10 về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, thuốc trừ cỏ được phép sử dụng gồm 235 hoạt chất, với 659 tên thương phẩm, cấm sử dụng 1 hoạt chất thuốc trừ cỏ có tên chung: 2.4.5 T; các tên thương phẩm: Brochtox,dacamine,Veon (dạng bình xịt và dạng khác).

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, những năm gần đây, các hộ dân, chủ trang trại, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đã dần hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ. Đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về canh tác an toàn với môi trường, nông sản qua việc xây dựng các mô hình, các lớp tập huấn kỹ thuật.

Chai thuốc trừ cỏ vứt lại trên nhiều đồng ruộng (ảnh chụp tại xã Đắk Ha-Đắk Glong tháng 2/2020)

Về phía người dân, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc trừ cỏ nói riêng, cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp). Người dân chỉ nên sử dụng thuốc diệt cỏ khi thật sự cần thiết, lựa chọn những loại có tính chọn lọc, độ độc thấp, có nguồn gốc, có hạn sử dụng và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Bà con có thể lựa chọn cách thức thay thế các sản phẩm có gốc hóa học bằng các chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, ngoài vai trò của ngành chức năng thì chính quyền, các ngành, đoàn thể cơ sở cũng cần có sự chung tay giám sát trong cộng đồng dân cư về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ. Cơ quan chức năng cũng cần phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng, gây hại cho môi trường để tạo tính răn đe, giáo dục cho xã hội. Ngoài ra, các mô hình hay, hiệu quả về sản xuất an toàn, bảo vệ môi trường trong nông nghiệp cũng cần được nhân rộng để người dân trong tỉnh học tập, làm theo.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Phú Yên: Diện tích sắn giảm, dịch bệnh đeo bám

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Nông dân xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) trồng sắn. Ảnh: LÊ TRÂM

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, niên vụ sắn 2020-2021, nông dân trồng hơn 27.550ha, đang ở giai đoạn phát triển thân lá, tích lũy tinh bột. Diện tích này giảm 631ha so với vụ trước, tuy nhiên so với quy hoạch thì tăng hơn 6.050ha (diện tích quy hoạch 21.500ha). Thời gian qua, bệnh khảm lá, nhện đỏ, rệp sáp bột hồng đang đeo bám, dẫn đến nguy cơ năng suất giảm.

Sắn lấn mía, nhường keo

Diện tích gò đồi, từ xã Xuân Lãnh đến xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), trước đây phần lớn nông dân trồng mía, nay đã chuyển sang trồng sắn. Bà Phan Thị Hiền ở xã Đa Lộc cho hay: Vùng này nông dân bỏ mía chuyển sang trồng sắn vì mía giảm giá. Hơn nữa trồng sắn đến mùa thu hoạch, nông dân chỉ cần nhổ từng chòm chở bằng xe lôi đến trạm cân bán cho thương lái mua gom, còn mía phải thuê công chặt đủ chuyến xe 15-20 tấn mới chạy đến nhà máy.

Dọc hai bên quốc lộ 19C, vùng gò đồi giáp ranh giữa thôn Suối Mây, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), những năm trước mía đứng đám vươn lá xanh, giờ thì khó tìm ra đám mía. Ông Ma Lâm ở thôn Hòa Ngãi, chia sẻ: Động gò sau hè nhà tôi trước đây nông dân trồng mía rồi chuyển sang trồng sắn, sau đó trồng keo. Khi cây keo còn nhỏ, họ trồng xen sắn, đến khi keo lớn thì để đất tập trung nuôi keo.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, niên vụ sắn 2019-2020, nông dân trồng 4.474ha, đến niên vụ 2020-2021 thì trồng 4.200ha, với các giống sắn KM419, KM94, KM444, giảm 274ha so với niên vụ trước.

Ông Bùi Văn Tiến ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cho hay, năm qua nhà ông trồng 1ha sắn, nhưng sắn bị nắng hạn thiếu nước lại bệnh khảm lá nên ông cày phá gốc lấy đất trồng keo, trong đó có 0,5ha trồng sắn xen keo. “Đất gần đường thuộc diện đất đẹp (đất bằng phẳng), mấy năm qua tôi chuyên trồng mía giờ bỏ mía trồng sắn xen keo. Không chỉ nhà tôi mà nhiều người ở đây cũng thế”, ông Tiến nói.

Theo ông Alê Y Bớ, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, niên vụ này diện tích sắn trồng toàn huyện là 6.060ha, giảm 240ha so với niên vụ trước (niên vụ trước toàn huyện trồng 8.460ha).

Thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2020-2021, toàn tỉnh trồng hơn 27.550ha, giảm 631ha so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi diện tích quy hoạch chỉ 21.500ha. Đối với cây mía, niên vụ 2020-2021, nông dân trong tỉnh trồng 21.820ha cả trồng mới và lưu gốc, trong khi đó quy hoạch trồng trên diện tích 23.000ha.

Năng suất giảm

Đầu tháng 9 vừa qua, trên vùng trồng sắn của tỉnh, bệnh khảm lá gây hại 13.450ha, nhện đỏ gây hại 30ha (huyện Sông Hinh), rệp sáp bột hồng gây hại 15ha (huyện Đồng Xuân).

Tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá virus gây hại lây lan với diện tích 7.300ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 1.300ha, giai đoạn cây con phát triển thân lá, tập trung tại các xã Sông Hinh, Đức Bình Đông, Ea Ly, Ea Lâm, Ea Bá, Ea Bia, Ea Bar, Ea Trol và thị trấn Hai Riêng. Còn tại huyện Đồng Xuân, bệnh này gây hại với diện tích 3.000ha, diện tích nhiễm nặng 550ha, tập trung tại các vùng trồng sắn trong huyện.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, rệp sáp bột hồng là loại sâu hại nguy hiểm không có thuốc đặc trị, chỉ khi trời mưa chúng mới tự chết, còn trời nắng thì lây lan nhanh. Diện tích sắn khi bị rệp sáp bột hồng, bệnh khảm lá, nhện đỏ gây hại thì không cho hoặc giảm năng suất, thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Đặng Ngọc Tân, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Thời gian qua, do nắng hạn, dịch bệnh đã làm giảm năng suất một số cây trồng chính như lúa, mía, sắn. Đối với cây sắn niên vụ 2019-2020, nông dân thu hoạch 4.474ha, năng suất đạt 20 tấn/ha, giảm 2 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước. Còn theo Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa Alê Y Bớ, năng suất sắn niên vụ 2019-2020 nông dân thu hoạch chỉ đạt 16 tấn/ha, giảm 4 tấn/ha so với kế hoạch đề ra.

Cũng do dịch bệnh đeo bám nên niên vụ sắn 2019-2020, nông dân toàn tỉnh thu hoạch 28.181ha, năng suất bình quân chỉ đạt 16,8 tấn/ha, trong khi đó theo kế hoạch ngành Nông nghiệp đề ra năng suất sắn đạt 22 tấn/ha. Riêng niên vụ 2020-2021, nông dân trồng hơn 27.550ha, sắn đang giai đoạn phát triển thân lá, bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ tiếp tục đeo bám thì đến cuối vụ nguy cơ giảm năng suất.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Phòng NN-PTNT và các địa phương tăng cường điều tra rà soát diện tích bị bệnh khảm lá virus hại sắn và rệp sáp bột hồng tại các vùng trồng sắn. Cung cấp thông tin và hướng dẫn nông dân cách phát hiện, phòng trừ bệnh khảm lá sắn, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bọ phấn trắng qua các phương tiện truyền thông. Đồng thời ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển giống sắn từ vùng có bệnh sang vùng không bệnh.

Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Để phòng trừ dịch bệnh đeo bám cây sắn, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân không sử dụng giống sắn đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước, giống từ vùng bị nhiễm bệnh để trồng mới; tiến hành tiêu hủy những cây sắn có biểu hiện bệnh khảm lá. Đồng thời vận động nông dân tiêu hủy những cây sắn bị rệp sáp bột hồng, nhện đỏ gây hại.

MẠNH LÊ TRÂM

Sản xuất mè trên đất lúa lãi ròng gần 18 triệu đồng/ha

Nguồn tin: Báo Bình Định

Vụ Hè Thu năm nay, Viện Khoa học kỹ thuật Duyên hải Nam Trung bộ (thuộc Bộ NN&PTNT) đã thực hiện mô hình sản xuất mè trên diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới tại xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), với quy mô 5 ha, để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân địa phương. Kết quả cho thấy, năng suất mè đạt 10,3 tạ/ha; sản phẩm được bán với giá 40.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập 41,2 triệu đồng/ha, lãi ròng gần 18 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí (cao hơn 13,7 triệu đồng so với sản xuất lúa trên cùng một diện tích). Hiệu quả kinh tế của mô hình là cơ sở để chính quyền và nông dân địa phương lựa chọn, nhân rộng.

TIẾN SỸ

Nhà nông Hậu Giang ‘thích ứng’ với nông nghiệp công nghệ số

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Công nghệ số đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Hậu Giang. Qua đó, nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân bằng công nghệ 4.0.

Nông dân sử dụng công nghệ số điều khiển từ xa bằng điện thoại để tưới nước cho vườn khóm.

Những năm gần đây hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau" bắt đầu xa dần mà thay vào đó là những cánh đồng công nghệ cao. Ở đó, người nông dân thay đổi và biết áp dụng thành tựu công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng như điều khiển từ xa để tưới nước, phun thuốc hay chụp ảnh theo dõi.

Điển hình như mô hình trồng dưa lưới hơn 6.500m2 trong nhà kính của anh Nguyễn Thanh Tâm, ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành - Hậu Giang, bước đầu thành công cho thu nhập cao và trên đà phát triển nhân rộng. Anh Tâm cho biết: Chịu khó đi nhiều nơi và tham quan nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, anh nhận thấy tiềm năng của cây dưa lưới là rất lớn. Tận dụng diện tích vườn tạp không hiệu quả anh đầu tư 920m2 nhà lưới, trồng thử nghiệm 2.400 dây dưa lưới. Sau 72 ngày vườn dưa lưới cho thu hoạch hơn 3 tấn trái, bán với giá 35.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng/vụ, trừ đi các chi phí lợi nhuận thu được hơn 40 triệu đồng/vụ.

Nhận thấy tiềm năng cây dưa lưới là rất lớn, hiện tại anh đã đầu tư thêm 4 nhà kính nữa với tổng diện tích 2.800m2. Hiện nay anh chuẩn bị cho xuống giống thêm 5 nhà với tổng diện tích 6.500m2, ước tính sẽ thu về lợi nhuận trên 260 triệu đồng/vụ...

Thời gian gần đây nông dân Hậu Giang trồng mãng cầu với diện tích lớn nhất ở ĐBSCL, vì đây là cây chịu được mặn, phèn nên phát triển kinh tế nông hộ khá nhanh. Nhất là vùng Long Mỹ, Phụng Hiệp, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy.

Bà Phạm Thị Lượng, ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, cho biết: Từ khi mãng cầu Hậu Giang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kết nạp HTX là thành viên sử dụng nhãn hiệu thì người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ngày càng tin tưởng, tiêu dùng trà mãng cầu nhiều hơn. Mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 50kg trà mãng cầu. Các thành viên HTX rất phấn khởi vì được tỉnh tin tưởng chọn là đại diện quảng bá mặt hàng nông sản chủ lực mang thương hiệu Hậu Giang.

Ông Trần Phú Quốc, Giám đốc HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa, cho biết: Hiện nay cây mãng cầu đang phát triển mạnh, để mãng cầu vươn xa hơn nữa thì cần đầu tư các thiết bị máy móc thông minh. Mới đây HTX được ngành Nông nghiệp tỉnh giới thiệu một doanh nghiệp đến hỗ trợ gắn máy cảm biến để theo dõi nhiệt độ, lượng mưa và chụp các hình ảnh sinh trưởng của cây… Từ đó đưa ra dự báo thông qua điện thoại để người trồng biết phòng ngừa sâu bệnh cho vườn mãng cầu. Cuối vụ xuất bán mãng cầu cho khách hàng cũng yên tâm hơn vì truy xuất được nguồn gốc và giá bán luôn cao hơn so với sản phẩm ngoài HTX.

HTX đã có gần 40ha trồng mãng cầu xiêm đang cho trái. Đặc biệt vùng đất phèn và bị ảnh hưởng mặn rất thích hợp loại mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát giúp cây phát triển rất mạnh nhờ vào tính chịu phèn mặn của gốc ghép, có thể chịu được độ mặn 6-10‰. Đây là loại cây tốt nhất trong nhóm cây ăn trái. Kỹ thuật trồng cây cách cây 6m, mật độ trung bình từ 70-80 gốc/công. Thông thường, mãng cầu xiêm trồng hơn 2 năm cho trái và cho trái 2 vụ/năm. Vụ thuận vào mùa nắng và vụ nghịch vào mùa mưa.

Tuy nhiên, nếu để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít. Do vậy, qua thời gian nghiên cứu, học hỏi, nông dân đã tìm ra bí quyết để thụ phấn nhân tạo cho mãng cầu ra trái nhiều và có trái quanh năm. Bình quân mỗi công mãng cầu cho năng suất từ 4,5-5 tấn/công, hiện giá bán từ 14.000-16.000 đồng/kg. Sau khi nông dân trừ hết chi phí còn lãi từ 40-42 triệu đồng/công/năm. Bên cạnh đó nông dân còn làm trà mãng cầu bán giá từ 450.000-500.000 đồng/kg, còn lá tươi mãng cầu bán giá 15.000 đồng/kg.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, cho biết: Trong bối cảnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn hiện nay. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua Hậu Giang đã và đang xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư và thực hiện nhiều đề tài, dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao với những kết quả đạt được như sau: Dự án đầu tư tại Khu thực nghiệm trình diễn Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với quy mô 2ha, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 31,7 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ cao thực nghiệm trình diễn dưa lưới, nấm, rau ăn lá kết hợp điện mặt trời. Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên các mái nhà khu phụ trợ của dự án với tổng diện tích 1ha, mô hình bảo quản và chế biến rau ăn lá, nấm chất lượng cao (đóng gói, bảo quản sau thu hoạch) để kéo dài thời gian bảo quản và chất lượng sản phẩm.

Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cũng đã thực hiện sản xuất chuối giống bằng hình thức nuôi cấy mô từ năm 2016 đến nay, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 cây giống. Hiện tại, Trung tâm cũng đang thực hiện sản xuất giống cây hoa cúc với hình thức nuôi cấy mô đang cung ứng sản phẩm cây giống ra thị trường.

Bài, ảnh: LÊ VŨ

Xuất khẩu lô hàng trái cây sang châu Âu

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Ngày 17-9-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng trái cây sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tại trụ sở Công ty Vina T&T Group tại huyện Châu Thành. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cùng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc bộ và các sở ban ngành tỉnh tham dự.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập tại lễ công bố xuất khẩu lô hàng trái cây sang châu Âu. Ảnh: C.Trúc

Công ty Vina T&T Group là một trong những DN dẫn đầu cả nước về xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Canada và EU… Đây cũng là đơn vị tiên phong trong đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU như đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn Global GAP, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây áp dụng tiêu chuẩn như ISO, HACCP.

Tại lễ công bố, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng cho biết, từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng từ các nước châu Âu. Hôm nay, công ty xuất khẩu 20 ngàn trái dừa vào thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh sang Đức và 3 tấn thanh long sang Hà Lan.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho rằng: Đây là “cơ hội vàng” cho xuất khẩu nông lâm thủy sản. Với Bến Tre, tiềm năng, cơ hội xuất khẩu trái cây nhiệt đới sang EU là rất lớn, trong đó chủ lực là dừa và cây ăn trái. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin chân thành cảm ơn sự nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Công ty Vina T&T Group, các đơn vị liên quan đã giúp cho sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của Bến Tre xuất khẩu sang EU theo Hiệp định EVFTA.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao sự nỗ lực của Công ty Vina T&T Group; đồng thời đề nghị các địa phương có thế mạnh về nông sản, đặc biệt là Bến Tre cần tiếp tục tìm hiểu đầy đủ nội dung cam kết giữa Việt Nam và EU, các yêu cầu của EU về chất lượng nông sản để có kế hoạch sản xuất phù hợp và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.

Cẩm Trúc

Bình Tân (Vĩnh Long): Mận mùa nghịch giá cao, nhà vườn phấn khởi

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Hiện nay, nhà vườn trồng mận ở huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) đang thu hoạch mùa nghịch bán với giá cao, gấp nhiều lần so với mùa thuận.

Cụ thể, mận An Phước được thương lái thu mua với giá trên 40.000 đ/kg và mận Hồng Đào đá trên 20.000 đ/kg. Theo nhà vườn cho biết, tuy năng suất chỉ bằng 1/3 so với mùa thuận nhưng với mức giá như hiện nay, nhà vườn phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.

Hiện đa số nhà vườn trồng mận trên địa bàn huyện Bình Tân đều áp dụng quy trình trùm lưới và bao trái nên trái mận ít bị sâu bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí đầu tư cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nên được thị trường ưu chuộng và ngày càng tạo thương hiệu cho mận Bình Tân.

Có thể thấy, trong vài năm gần đây, cây mận được xem là một trong các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với nhà vườn ở huyện Bình Tân nên diện tích loại cây ăn trái này đang phát triển mạnh trở lại tại nhiều địa phương như: Tân An Thạnh, Tân Lược, Tân Hưng, Tân Bình.

TRUNG THÀNH

Đắk Nông: Bơ booth rớt giá thê thảm

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và một số yếu tố khác, nên đầu vụ thu hoạch, giá bơ booth xuống thấp kỷ lục, khiến cho người trồng bơ rất thất vọng.

Rớt giá vì Covid-19

Vụ thu hoạch bơ booth hàng năm thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11. Với những ưu điểm như thời gian chín kéo dài, vỏ dày, cơm dày, ruột béo, nên bơ booth là một loại bơ có giá bán cao, đem lại nguồn thu lớn cho người trồng nhiều năm trở lại đây. Thế nhưng năm nay, người trồng bơ booth lại buồn rầu vì giá xuống thấp nhất trong vòng khoảng 10 năm qua.

Anh Phạm Vĩnh San, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) tìm cách neo quả chờ giá bơ lên

Gia đình anh Hoàng Văn Đông, thôn 2, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông), có gần 1 ha bơ booth trồng xen trong cà phê. Những năm trước, đến mùa thu hoạch bơ booth, anh luôn có được một khoản thu nhập khá để trang trải cuộc sống. Nhưng năm nay, giá bơ xuống thấp, khiến anh rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Anh Đông so sánh, năm 2019, giá bơ booth (loại khoảng 3 quả 1 kg) vào khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay bơ chỉ có giá 10.000 đồng/kg.

Không chỉ các nhà vườn, các trang trại bơ có chứng nhận VietGAP cũng không vui, vì giá bơ đầu mùa xuống thấp. Theo anh Phạm Vĩnh San, chủ trang trại 10 ha bơ booth tại thôn Hòa Phong, xã Đắk Sắk (Đắk Mil), vườn bơ VietGAP của gia đình anh năm nay tiếp tục được mùa, sản lượng khoảng 40 tấn. Nếu với giá khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg như năm 2019, gia đình anh sẽ thu về khoảng 1,2 tỷ đồng. Thế nhưng, năm nay giá bơ vào vụ tại địa bàn chỉ dao động 10.000-12.000 đồng/kg (chỉ bằng khoảng 1/3 so với năm ngoái), nên anh cố gắng neo trái trên cây thêm một thời gian để chờ giá lên.

Bơ booth có giá khoảng 10.000 đồng/kg, rẻ nhất trong vòng chục năm qua

Theo chị Mai Thị Thúy, người chuyên kinh doanh bơ tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), mùa bơ booth năm nay giá xuống mức thấp nhất trong vòng chục năm qua. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là trong hai tháng gần đây. Những năm trước vào vụ bơ booth, mỗi ngày chị gửi từ 1-2 tấn quả cho bạn hàng khắp cả nước, có ngày không đủ hàng. Nhưng hiện nay chị chỉ tiêu thụ được khoảng 3-5 tạ/ngày, bạn hàng chủ yếu là ở miền Đông Nam Bộ, miền Tây.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Thanh, tư thương buôn bán trái cây tại chợ Gia Nghĩa cho rằng, bơ booth rớt giá là do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Bơ booth có thời gian chín khá dài (khoảng 5-7 ngày), nên luôn có nhiều khách hàng chọn mua làm quà biếu. Nhưng năm nay, khi bơ vào vụ lại xảy ra dịch bệnh, người dân ít đi lại, nhiều cửa khẩu cũng đóng cửa, nên sản lượng bơ tiêu thụ đã giảm đi gần một nửa so với năm trước. Do đó, nguồn cung đã lớn hơn cầu và dẫn đến bơ rớt giá mạnh.

Nhiều tư thương ở chợ Gia Nghĩa có lượng bơ bán ra bằng 1/2 so với mọi năm

Sản xuất còn thiếu bền vững

Cùng với ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người cho rằng, việc giá bơ năm nay xuống thấp còn do cung vượt cầu. Những năm gần đây, diện tích các loại bơ, trong đó có bơ booth, của Đắk Nông đã tăng mạnh và sản lượng bơ hàng năm cũng tăng lên một cách đột biến, dẫn đến tiêu thụ không xuể.

Cụ thể, theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, năm 2018, diện tích bơ của tỉnh là 1.537 ha. Đến cuối năm 2019, ước diện tích bơ của tỉnh gần 3.800 ha, đạt hơn 134% so với kế hoạch năm. Sản lượng bơ năm 2019 của tỉnh đạt trên 15.000 tấn.

Một nguyên nhân khác cũng khiến cho bơ rớt giá là do sản xuất còn thiếu tính liên kết theo chuỗi, nên chịu nhiều ảnh hưởng của thị trường. Hiện nay, quả bơ của tỉnh vẫn chủ yếu bán tươi, khâu sơ chế, chế biến chưa được quan tâm, chưa có sự đầu tư để nâng cao giá trị sản phẩm.

Những năm qua, tỉnh cũng đã tổ chức, tham gia các chương trình, hội nghị xúc tiến thương mại về tiêu thụ bơ. Cụ thể như tổ chức chương trình "Đắk Nông mùa bơ chín” năm 2018, xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ... Mặc dù vậy, đối với sản phẩm bơ, việc tiêu thụ vẫn chưa có bước tiến thật sự.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Bộ NN&PTNT: cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật tại TP.HCM

Nguồn tin: Khuyến nông TPHCM

Trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa, hoạt động thử nghiệm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đánh giá sự phù hợp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng, để áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết ngăn chặn nguy cơ gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Bên cạnh đó, hoạt động thử nghiệm góp phần hỗ trợ cho hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Để phát huy vai trò của hoạt động thử nghiệm trong công tác phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa,… Ngày 31/82020 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm: Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)

Địa chỉ: Số 128 Trần Quý, Phường 6, Quận 11, TP.HCM

Điện thoại: 028.39555623

Email: cdxn@chicuccntyhcm.gov.vn

Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã đăng ký hoạt động thử nghiệm đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong lĩnh vực thử nghiệm Hóa học, sinh học đối với sản phẩm: thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, xét nghiệm bệnh, thuốc thú y.

Theo đó, với Danh mục các sản phẩm, hàng hóa về lĩnh vực thử nghiệm Hóa học có 23 lĩnh vực, sản phẩm sẽ được thử nghiệm với tất cả 43 tên phép thử khác nhau. Đối với Danh mục các sản phẩm, hàng hóa về lĩnh vực thử nghiệm sinh học có 30 lĩnh vực, sản phẩm sẽ được thử nghiệm với tất cả 35 tên phép thử khác nhau.

Theo quy định, đối với các sản phẩm, hàng hóa, chỉ tiêu/phép thử phục vụ quản lý nhà nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định trước khi thực hiện.

M.H

Nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Với việc thực hiện tốt các khâu kiểm soát dịch bệnh, cung cấp sản phẩm thịt vịt sạch…, nhiều hộ dân ở xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã thành công trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt theo hướng an toàn sinh học (ATSH).

Ông Trần Văn Doãn, thôn Tả Phan, xã Duy Ninh cho biết, sau khi được UBND xã Duy Ninh giới thiệu về mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt theo hướng ATSH, ông đã tìm hiểu về nội dung, phương thức thực hiện mô hình và quyết định đăng ký tham gia. Sau khi Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh (Sở Nông nghiệp-PTNT) thẩm định và lựa chọn, ông đã được hỗ trợ 800 con vịt giống (giống vịt siêu thịt Star53) về nuôi.

Vịt Star53 là giống vịt thuộc bộ giống vịt siêu thịt của Pháp. Vịt có tỷ lệ thịt ức và cơ ức thuộc hàng cao nhất thế giới hiện nay. Giống vịt này được nhập nuôi thích nghi tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương.

Trước khi nhận vịt giống về nuôi, ông Doãn đã được cán bộ kỹ thuật tập huấn về khâu chuẩn bị chuồng trại, cách làm đệm lót sinh học, quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng vịt thịt, biện pháp phòng và trị một số bệnh trên vịt… Thực hiện mô hình, ông Doãn còn được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ thức ăn cho vịt, vắc xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng...

Mô hình triển khai trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao 38-400C, cộng với việc mưa dông đột ngột, gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của đàn vịt. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hướng dẫn sát sao của cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh và sự tích cực của ông Doãn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, sau hai tháng, đàn vịt đã đạt được kết quả tốt; tỷ lệ nuôi sống 94,8%, trọng lượng bình quân lúc xuất chuồng đạt hơn 3,4kg/con, vượt chỉ tiêu yêu cầu mô hình.

Ông Doãn chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nuôi vịt thả đồng nên việc kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc đàn vịt có nhiều khó khăn, bất cập. Thực hiện mô hình nuôi vịt siêu thịt theo hướng ATSH, vấn đề kiểm soát dịch bệnh, chăm sóc đàn vịt thuận lợi hơn rất nhiều, giống vịt siêu thịt Star53 lại phát triển nhanh, cho chất lượng thịt tốt”.

Tham gia mô hình nuôi vịt siêu thịt theo hướng ATSH còn có 3 hộ chăn nuôi khác tại thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh. Các hộ này nuôi quy mô từ 700-800 con vịt/hộ. Nhờ công tác chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh đúng quy trình kỹ thuật, nên đàn vịt sinh trưởng, phát triển tốt, với tỷ lệ vịt sống đạt trung bình 93,7%; cân nặng 3,3kg/con.

Tuy nhiên, do mô hình thực hiện trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số tỉnh lân cận thực hiện giãn cách xã hội, các nhà hàng, chợ là đầu mối lớn tiêu thụ vịt không nhập hàng dẫn đến giá vịt xuống thấp.

Trong khi đó, giống vịt thực hiện mô hình là giống mới, giá thành con giống cao, chất lượng thịt tốt nhưng giá bán bằng với vịt bình thường nên dù đàn vịt phát triển tốt, trọng lượng vượt so với yêu cầu mô hình, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao (lãi khoảng 19.000 đồng/con).

Giống vịt siêu thịt Star53 phát triển nhanh, chất lượng thịt tốt.

Đánh giá về mô hình, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh cho biết, chăn nuôi vịt siêu thịt theo hướng ATSH có nhiều quy định nghiêm ngặt khác so với chăn nuôi vịt truyền thống, đại trà. Cách chọn giống, cách chăm sóc, tiêm phòng qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển phải được tuân thủ, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi.

Chính vì thế, trong quá trình chăn nuôi, các hộ luôn tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm vắc xin theo định kỳ cho đàn vịt, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu chăn nuôi, thực hiện vệ sinh phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ 1 tuần/1 lần. Chuồng nuôi đều có hố sát trùng trước cửa chuồng, thường xuyên có vôi bột và các chất sát trùng phù hợp. Máng ăn, máng uống và các dụng cụ vật tư khác đáp ứng tốt nhu cầu chăn nuôi và phù hợp với lứa tuổi phát triển của đàn vịt…

Theo ông Hải, mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt theo hướng ATSH triển khai bảo đảm được mục tiêu yêu cầu và đạt được kết quả tốt. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý, ngăn ngừa dịch bệnh, mô hình đã hạn chế một số bệnh thường xảy ra trên đàn vịt. Giống vịt Star53 tuy là giống vịt mới nhưng đã thích nghi với điều kiện nuôi và khí hậu tại tỉnh Quảng Bình. Việc đàn vịt của các hộ tham gia mô hình sinh trưởng và phát triển tốt đã góp phần cung cấp sản phẩm thịt vịt sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầucủa người tiêu dùng.

Lê Mai

Triển khai dự án cải tạo đàn dê, cừu tại TP. Cam Ranh

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Nội) phối hợp với đơn vị triển khai dự án “Xây dựng mô hình cải tạo đàn dê, cừu bằng biện pháp luân chuyển đực giống chất lượng tốt và áp dụng các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đạt năng suất cao, chất lượng cao phù hợp với biến đổi khí hậu” tại TP. Cam Ranh.

Dự án xây dựng 2 điểm trình diễn tại xã Cam Thành Nam (mô hình dê với 48 con) và xã Cam Phước Đông (mô hình cừu với 44 con) cho 4 hộ nuôi dê và 4 hộ nuôi cừu. Các giống dê, cừu được chọn cải tạo là dê Boer và lai Boer, cừu Dorper và cừu lai.

Được biết, dự án triển khai trong 18 tháng. Chương trình cung cấp giống và hỗ trợ thức ăn cho đàn dê, cừu từ nguồn kinh phí khuyến nông quốc gia. Năm 2019, dự án cũng đã triển khai tại huyện Cam Lâm.

V.L

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop