Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 20 tháng 3 năm 2019

Trồng cỏ chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Công Thương

Sáng ngày 15/3, tại Sơn La, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt và Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bắc Giang đã chính thức tổ chức lễ khởi công dự án trồng cỏ chất lượng cao Mulato II - giai đoạn 1.

Sau khi đi vào khai thác, dự án sẽ cung ứng ra thị trường 100.000 - 125.000 tấn thức ăn thô xanh/năm, đáp ứng nhu cầu về thức ăn chất lượng cao dành cho gia súc đang thiếu hụt tại thị trường trong nước.

Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Theo thống kê, tính đến tháng 10/2018, đàn bò Việt Nam có khoảng 5,8 triệu con và đàn trâu có 2,4 triệu con. Tuy nhiên, nguồn cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp không còn đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi tại hầu hết các địa phương. Tại Sơn La, các hộ gia đình phải nhập khẩu cỏ khô từ Mỹ về để bổ sung nguồn thức ăn thô cho bò sữa, đảm bảo bò tăng trưởng ổn định cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Với thực trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm chăn nuôi, việc phát triển lĩnh vực trồng cỏ và các loại cây cho thức ăn gia súc được khuyến khích đầu tư nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời, trồng cỏ cũng là một giải pháp nhằm chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả, chủ động được nguồn thức ăn thường xuyên và có chất lượng hơn.

Nắm bắt được nhu cầu này, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt hợp tác cùng Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bắc Giang đầu tư phát triển dự án trồng và chế biến cỏ chất lượng cao Mulato II dành cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi đại gia súc… đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mulato II được các nhà khoa học đánh giá là loại cỏ tươi hàng đầu trong chăn nuôi. Sau trồng khoảng 60 - 70 ngày, cỏ Mulato II có thể thu hoạch lứa đầu tiên nếu gieo bằng hạt và 45 - 50 ngày nếu trồng bằng hom. Đồng thời, cỏ Mulato II cho sản lượng 200 - 250 tấn/ha/năm, hàm lượng chất khô từ 19 - 22% và protein là 14 - 16%, cao hơn nhiều so với các loại cỏ như VA06, cỏ voi… rất thích hợp để làm nguồn thức ăn cho bò sữa, đặc biệt là bò đang giai đoạn vắt sữa.

Giống cỏ Mulato II được trồng tại dự án được nhập khẩu từ nước ngoài, chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ, vi sinh, hệ thống tưới bằng nước sạch, hiện đại, đạt tiêu chuẩn GlobalGap và tiến tới sản xuất cỏ chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ. Việc thu hoạch, chế biến cỏ được thực hiện bằng hệ thống máy thu hoạch liên hợp của Hà Lan, giúp cho việc thu hoạch và ủ men được thực hiện ngay trên cánh đồng; việc sản xuất cỏ khô được xử lý bằng năng lượng mặt trời (phơi) và sấy nhiệt bằng hệ thống sấy do chuyên gia sản xuất riêng theo đơn đặt hàng của công ty.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt cho biết, “Việc hợp tác giữa hai bên sẽ thực hiện theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 500ha tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Trong giai đoạn 2, chúng tôi tiếp tục phát triển đồng cỏ lên quy mô 5.000ha hoặc lớn hơn nữa trên cơ sở quỹ đất của huyện Vân Hồ. Đồng thời, việc hợp tác sẽ có thêm sự tham gia của Hiệp hội bò sữa, Hiệp hội chăn nuôi Hàn Quốc để cùng xây dựng phát triển thị trường xuất khẩu bền vững. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiến tới đầu tư tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp TMR, nhà máy sữa mang thương hiệu TRIVIE MILK nhằm mở rộng lĩnh vực và địa bàn hoạt động đầu tư tại khu vực phía Bắc”.

Bên cạnh dự án trồng cỏ Mulato II tại Sơn La, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt hiện đã triển khai cánh đồng cỏ 50ha tại Bắc Bình Thuận, 500ha tại Nam Bình Thuận và sẽ tiếp tục hợp tác triển khai tiếp khoảng 3.000ha tại khu vực Bắc Bình Thuận trong tháng 4/2019.

Với đội ngũ chuyên gia chế biến thức ăn chăn nuôi, chuyên gia công nghệ và đối tác hiện có, Công ty Trí Việt cũng đã có các sản phẩm chế biến từ cỏ chất lượng cao – Mulato II mang thương hiệu TRIVIE gồm: cỏ tươi, cỏ khô, cỏ ủ chua, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò sinh sản, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò thịt vỗ béo, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò sữa.

Theo đại diên phát triển dự án trồng cỏ Mulato II, hiện tại, Hiệp hội bò sữa – Hiệp hội chăn nuôi – Hiệp hội nông dân Hàn quốc cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc mua sản phẩm cỏ ủ chua, cỏ khô của công ty với số lượng lớn, vì vậy, việc chúng tôi đầu tư phát triển đồng cỏ chăn nuôi chất lượng cao - Mulato II có tính khả thi cao, và thị trường quốc tế rất đón nhận.

Trong thời gian tới, ngoài việc cung cấp các chế phẩm từ cỏ Mulato II cho thị trường trong nước, công ty cũng sẽ tiến tới mở rộng thị trường sang Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Trung Đông, châu u…

Nguyễn Hạnh

Bình Thuận: Ký hợp tác đầu tư phát triển cây thanh long với Công ty Cổ phần Nafoods Group

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Chiều 14/3, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức lễ ký Bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần Nafoods Group về phát triển vùng nguyên liệu thanh long đỏ và trắng an toàn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu quả tươi và chế biến. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai chủ trì, cùng sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong và đại diện một số sở, ban ngành, đoàn thể liên quan. Về phía Công ty Cổ phần Nafoods Group, có ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT làm trưởng đoàn.

Một số hình ảnh trong lễ ký kết

Theo nội dung hợp tác đầu tư, 2 bên thống nhất hợp tác để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây thanh long an toàn, hữu cơ tại tỉnh Bình Thuận theo chuỗi giá trị, với quy mô diện tích tối thiểu 10.000 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng, trong thời gian từ năm 2019 đến 2023.

Cụ thể, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thanh long với các tổ hợp tác xã sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 10.000 ha. Là cầu nối giữa nhà đầu tư và nông dân địa phương trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu cây thanh long…

Về phía doanh nghiệp, có trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật; có giải pháp giống, kỹ thuật canh tác phù hợp, tạo ra nông sản năng suất chất lượng và cạnh tranh. Sau khi phát triển và ổn định vùng nguyên liệu thanh long, doanh nghiệp sẽ đầu tư và xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long trên địa bàn tỉnh…

Sau lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự ủng hộ và hứa sẽ đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khi hợp tác đầu tư tại Bình Thuận. Mặt khác, lưu ý Hiệp hội thanh long phải xem đây là điều kiện gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Sở Nông nghiệp và PTNT cần đồng hành với công ty để xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông dân; hướng đến trồng thanh long công nghệ cao…

Kiều Hằng

Vì sao nên ghi chép nhật ký sản xuất?

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng

Việc ghi chép lại quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp (nhật ký sản xuất) là việc làm vẫn còn mới mẻ với nhiều bà con nông dân, thế nhưng đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để truy xuất nguồn gốc đối với các loại sản phẩm xuất khẩu, góp phần tăng giá trị sản phẩm.

Lợi ích thiết thực

Tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tín Phát, xã Kế Thành (Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng), bà con xã viên và ngành chức năng nơi đây đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất theo quy chuẩn an toàn nên đã thực hiện rất tốt trong việc ghi chép nhật ký sản xuất. Ông Nguyễn Văn Đậm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát cho biết: “Năm 2016, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST) được triển khai thực hiện tại địa phương, từ đó bà con nông dân chúng tôi được tập huấn hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất lúa theo chuẩn an toàn”.

Ông Huỳnh Văn Đậu là thành viên của HTX Nông nghiệp Tín Phát cho biết: “Trước giờ, bà con nông dân có khi nào ghi lại hoạt động sản xuất trên ruộng của mình đâu, nhưng bây giờ thực hiện quen rồi thì tôi thấy được lợi ích. Thông tin đều được ghi chép lại nên bà con có thể tự tính toán được hiệu quả kinh tế và đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho vụ sau để mình làm tốt hơn”.

Ông Bùi Công Minh cũng là thành viên của HTX Nông nghiệp Tín Phát góp lời: “Mỗi vụ lúa tôi đều ghi chép vào sổ nhật ký sản xuất đầy đủ vì rất có lợi cho mình. Chẳng hạn như mỗi vụ lúa thì điều kiện thời tiết cũng như dịch bệnh xuất hiện trên lúa ở từng vụ ra sao. Khi đó, mình biết vụ nào xảy ra dịch hại gì và ra thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý…”.

Ghi chép nhật ký đồng ruộng là yêu cầu bắt buộc khi áp dụng sản xuất lúa an toàn.

Hình thành thói quen

Huyện Châu Thành cũng là một trong những địa phương tích cực triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, trong đó có lúa. Theo đó, nông dân được đánh giá là có trình độ sản xuất, nhanh nhạy trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng việc ghi chép nhật ký sản xuất cũng chưa được quan tâm. Ông Ngô Văn Tài Em - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước An, xã Phú Tân cho biết: “Việc ghi chép nhật ký sản xuất đã được hướng dẫn từ khi địa phương được hỗ trợ thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, tuy nhiên đến nay chỉ có một số bà con trong xã viên tham gia sản xuất lúa theo VietGAP mới ghi chép”.

Ông Huỳnh An Khương - cán bộ phụ trách hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất cho biết: “Để thay đổi một thói quen sản xuất của nông dân không phải là chuyện đơn giản, ban đầu có hộ thực hiện ghi chép nhưng không chính xác, có hộ thì để cả tuần mới viết, có hộ thì khi nào có kiểm tra mới viết… Phải mất một thời gian dài phân tích lợi ích của việc ghi chép cùng với nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên, các hộ mới thực hiện nề nếp”.

Duy trì lâu dài

“Nhật ký sản xuất” là yêu cầu cơ bản để các cơ quan chức năng có thể tiến hành xác nhận và tái xác nhận sản phẩm bảo đảm an toàn; còn là điều kiện tiên quyết trong việc đánh giá trình độ áp dụng kỹ thuật công nghệ của nông dân vùng dự án trong hoạt động xét duyệt TCND/HTX vùng dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Đồng thời cũng để sản phẩm đạt được 4 yêu cầu cơ bản gồm: an toàn cho người sử dụng, an toàn cho người sản xuất, thân thiện với môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Nhưng trên thực tế, khi đánh giá về một hoạt động sản xuất nông nghiệp, người ta thường chỉ tập trung đánh giá trình độ canh tác hay việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mà hầu như không chú ý đến hoạt động ghi chép nhật ký sản xuất. Điều này cũng cho thấy vì sao từ trước đến giờ, việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa được quan tâm thực hiện.

Để khắc phục hạn chế trên, Ban Quản lý Dự án (BQLDA) VnSAT-ST thực hiện trong mỗi lớp tập huấn kỹ thuật có lồng ghép hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký sản xuất. Đồng thời, mỗi tổ thực hiện dự án xã bố trí 2 cán bộ hỗ trợ nông dân ghi chép nhật ký sản xuất trong suốt mùa vụ của năm. Theo kế hoạch năm 2019, BQLDA VnSAT-ST sẽ tiến hành cấp phát 20.000 cuốn sổ ghi chép nhật ký sản xuất cho nông dân vùng dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sau khi kết thúc dự án vẫn tiếp tục duy trì thói quen ghi chép nhật ký sản xuất.

Tuyết Xuân

Hơn 50 cá thể Sếu về lại đồng cỏ bàng Phú Mỹ

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Theo ghi nhận từ Ban Quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang (thường gọi là Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ), sáng 14-3, Sếu đầu đỏ đã bắt đầu quay trở lại, có hơn 50 cá thể Sếu đầu đỏ di trú về Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ.

Sếu đầu đỏ di trú về Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ

Sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ nghiêm ngặt, sinh sống chủ yếu ở vùng đất ngập nước, vùng ao hồ hoặc các cửa sông thuộc khu vực thuộc Tiểu lục địa Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Australia.

Sếu đầu đỏ ăn cả rễ, củ cây, côn trùng..., nhưng thức ăn mà chúng ưa thích nhất vẫn là củ năng kim mọc nhiều trên các đồng cỏ bàng. Ở đồng bằng sông Cửu Long vào đầu mùa khô, nước rút sẽ để lộ ra những bãi đất lớn với những đám năng kim, thu hút đàn Sếu về ăn, thành tập tính có lẽ đã có từ lâu. Theo dõi đàn Sếu trở về, năm nay Sếu về sớm hơn các năm trước.

Năm 2016, tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ với diện tích vùng lõi khoảng 940ha và vùng đệm hơn 1.700ha (nơi có hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở ĐBSCL) để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống, nguồn thức ăn và giữ chân đàn Sếu đầu đỏ quý hiếm.

Sếu đầu đỏ được coi là loài chim cao nhất trong số những loài chim biết bay (cao tới 1.6m khi đứng), với bộ lông màu xám, phần đầu màu đỏ đậm, chân đỏ, sải cánh rộng với những điệu múa đôi tuyệt đẹp. Trong tự nhiên, sếu đầu đỏ thường sinh sống thành từng cặp như vợ chồng, duy trì mối quan hệ ghép đôi này rất thủy chung. Theo các nhà nghiên cứu, nếu một trong hai cá thể trong một cặp sếu đầu đỏ vì một nguyên nhân nào đó mà chết đi, cá thể còn lại sẽ sống một mình, không bao giờ ghép đôi với một cá thể khác, thậm chí sẽ nhịn ăn cho tới chết.

Minh Phong

Quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, trong đó quy định quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm.

Ảnh minh họa

Theo đó, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I khi đáp ứng các tiêu chí sau:

1- Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.

2- Số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 5 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 5 năm tiếp theo.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm II khi đáp ứng các tiêu chí sau: Đáp ứng tiêu chí được quy định tại (1) nêu trên; số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 20% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá; hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 20% trong 05 năm tiếp theo.

Chế độ quản lý và bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm

Nghị định cũng quy định cụ thể chế độ quản lý và bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Theo đó, loài thuộc Nhóm I được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế.

Loài thuộc Nhóm II được khai thác vì một trong các mục đích như: Bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế hoặc đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này.

Tổ chức, cá nhân khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế phải được Tổng cục Thủy sản chấp thuận bằng văn bản và báo cáo Tổng cục Thủy sản về kết quả thực hiện.

Hằng năm, tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo giống ban đầu, sản xuất giống các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất vào vùng nước tự nhiên.

Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu hoặc vật chứng vụ án bị tịch thu theo quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự được xử lý như sau:

- Trường hợp cá thể còn sống khỏe mạnh phải thả về môi trường tự nhiên; cá thể bị thương phải được bàn giao cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản để nuôi dưỡng, cứu, chữa trước khi thả về môi trường tự nhiên;

- Trường hợp tang vật là bộ phận hoặc cá thể đã chết phải được bàn giao cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam hoặc cơ quan nghiên cứu khoa học để làm tiêu bản, trưng bày, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Trường hợp tang vật được xác nhận bị bệnh, có khả năng gây dịch bệnh nguy hiểm phải tiêu huỷ ngay. Việc tiêu huỷ được tiến hành theo quy định hiện hành của pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Về quy trình cứu hộ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thực hiện như sau: Tổ chức, cá nhân khi phát hiện loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương hoặc bị mắc cạn thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản; trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh tiếp nhận thông tin hoặc nhận bàn giao từ tổ chức, cá nhân phải thông báo cho cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản, thực hiện sơ cứu, nuôi dưỡng trong thời gian chờ bàn giao; cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản tiếp nhận bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm từ cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân khai thác. Biên bản bàn giao loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện theo mẫu kèm theo Nghị định này.

Chí Kiên

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop