Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 09 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 09 năm 2020

Mong muốn đưa trái thanh long ‘sạch’ đến tay người tiêu dùng

Nguồn tin: Báo Long An

Sau thời gian dài gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, ông Lê Văn Chín - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh long Quê Mỹ Thạnh (xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), quay lại canh tác thanh long theo hướng thuận tự nhiên với mong muốn đưa trái thanh long sạch đến tay người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất thanh long thuận tự nhiên của Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Quê Mỹ Thạnh - Lê Văn Chín

Nhiều năm qua, cây thanh long ruột đỏ mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nhà vườn. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hécta, người dân đạt lợi nhuận từ 400-700 triệu đồng/năm. Tuy vậy, phần lớn đầu ra của loại nông sản này phụ thuộc vào thị trường một số nước. Một khi thị trường nước ngoài biến động, người dân không kịp trở tay sẽ dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng hóa. Điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ làm khó nông dân. Thời gian gần đây, tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho tình hình xuất khẩu thanh long bấp bênh, cánh cửa xuất khẩu dần thu hẹp.

Sau nhiều năm gắn bó với cây thanh long ruột đỏ, chứng kiến không ít hộ dân vươn lên thoát nghèo từ cây trồng này nhưng trong lòng ông Chín vừa mừng cũng vừa lo: Không biết đến bao giờ người dân mới thôi lệ thuộc vào thị trường nước ngoài; có cách nào để nâng cao giá trị trái thanh long; làm sao để người tiêu dùng yên tâm dùng trái thanh long ngọt lành mà đảm bảo an toàn cho sức khỏe… Chỉ có cách làm chủ được thị trường nội địa mới là phương án tốt nhất để bảo đảm đầu ra hiệu quả cho nông sản. Phải làm ngay từ bây giờ. Ông Chín nghĩ như vậy và bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng thanh long “sạch”.

Hiện nay, hầu hết nhà vườn tại huyện Châu Thành, Tân Trụ áp dụng quy trình trồng và chăm sóc thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, theo ông Chín, để nâng cao hơn nữa giá trị và chất lượng “sạch” cho trái thanh long, người dân nên áp dụng phương pháp trồng truyền thống. Ông Chín cho biết: “Cách trồng thanh long thuận tự nhiên vô cùng dễ dàng. Toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây thanh long thuận tự nhiên chỉ yêu cầu cung cấp đủ nước cho cây. Phương pháp này tuyệt đối không vuốt ngoe kích thích cho tai cứng xanh, trái bóng đẹp,... việc này cắt giảm gần như tuyệt đối thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Chỉ cần bón phân vi sinh tự nhiên và dùng một lượng rất ít phân bón hóa học vào duy nhất một lần lúc cây mới bắt đầu ra nụ hoa. Cách này vừa đỡ tốn công chăm sóc, vừa tiết kiệm phần nào chi phí phân, thuốc như bình thường”.

Chính vì tuân thủ quy trình sản xuất thanh long sạch mà trái thanh long thuận tự nhiên sẽ tồn tại một vài hạn chế như kém bắt mắt về bề ngoài như vỏ sần sùi, không bóng bẩy. Quá trình thu hoạch thanh long thuận tự nhiên cũng được bảo đảm nghiêm ngặt, thực hiện cách ly 1 tháng không bón phân. Do vậy, đầu ra của trái thanh long này sẽ khó khăn hơn khi đưa vào hệ thống các siêu thị hay xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,…

Tuy bên ngoài vỏ trái thanh long khá “xấu xí” nhưng chất lượng bên trong trái vẫn hoàn toàn bảo đảm. Vỏ trái thanh long thuận tự nhiên rất mỏng, gần như sát với phần thịt. Màu trái đỏ thẫm tự nhiên, đặc biệt rất giòn ngọt, không hề bị bở hay tơi xốp. Thông thường, hình dạng trái thanh long thuận tự nhiên khá mập mạp và tròn trịa, tai mềm có màu hồng cùng màu vỏ trái. Trái thanh long này tuy có hình dáng khá nhỏ nhưng cầm khá chắc tay, trọng lượng trái trung bình khoảng 600-700gr. Bước đầu ông Chín áp dụng mô hình sản xuất thanh long thuận tự nhiên trên toàn bộ 3ha đất của mình, mới thu hoạch 1 vụ đầu tiên.

Mặc dù biết rằng trước mắt thanh long thuận tự nhiên rất nhọc nhằn trong việc vươn ra thị trường xuất khẩu nhưng ông Chín vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng mô hình này để chinh phục thị trường nội địa. Không đánh đổi giá trị lâu dài để lấy các giá trị trước mắt, ông Chín chấp nhận mọi trường hợp rủi ro và để bắt đầu lại từ đầu với tâm nguyện mang đến cho người dân nước mình những thứ quả sạch, ngọt lành, bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Ông Chín bày tỏ: “Bản thân tôi khao khát được dùng trái cây sạch, nhất là loại trái do chính mình trồng ra. Tôi mong muốn gia đình, những người thân và người tiêu dùng trong nước cũng được thưởng thức những loại trái cây sạch”.

Ông Chín tâm huyết rằng, khi bản thân và các thành viên HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh phát triển thành công mô hình Thanh long thuận tự nhiên và trở thành một vùng nguyên liệu lớn, ông sẽ tự mình rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước. Bằng mọi cách, ông phải đưa được trái thanh long “sạch” đến tay người dân mình./.

Song Hồng

Nông dân làm phân vi sinh từ chất thải nông nghiệp

Nguồn tin:  Báo Phú Yên

Người dân huyện Tuy An dùng phân bò và rơm rạ để ủ phân hữu cơ vi sinh. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Xuất phát từ mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải nông nghiệp do Phòng NN-PTNT huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) triển khai, đến nay nhiều hộ dân ở địa phương này đã học tập làm theo, tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh giá rẻ phục vụ sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đơn giản, ai cũng có thể tự làm

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, địa phương là nơi có nghề chăn nuôi phát triển với đàn gia súc, gia cầm khá lớn nên lượng chất thải chăn nuôi thải ra mỗi ngày rất nhiều. Tuy nhiên lâu nay, người dân địa phương rất ít tận dụng nguồn phân chuồng này trong sản xuất cây trồng mà chủ yếu thu gom bán ra tỉnh ngoài. Trong khi bà con canh tác cây trồng lại phụ thuộc lớn vào phân bón hóa học. Điều này khiến đất bị nén chặt, mất cấu trúc, giảm độ ẩm, gia tăng vi sinh vật có hại, ảnh hưởng đến quá trình khoáng hóa hữu cơ và đạm làm cho đất ngày càng bạc màu.

Trước thực trạng này, cuối năm 2019, địa phương đã triển khai mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ chất thải nông nghiệp để tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh giá rẻ, tại chỗ, phục vụ cho trồng trọt, góp phần thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất của bà con.

Ban đầu, mô hình này được triển khai tại các xã An Hòa (nay là An Hòa Hải), An Hiệp với 12 hộ dân tham gia. Người dân được hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm sinh học Trichoderma, phân super lân, phân ure, bạt nhựa, dụng cụ ủ và được hướng dẫn quy trình làm phân bón hữu cơ vi sinh. Nguồn nguyên liệu để ủ phân gồm các loại phân gia súc, gia cầm, rơm rạ, thân bắp, đậu... là những chất thải trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Hòa ở xã An Hiệp cho hay: Lâu nay, lượng chất thải từ nuôi bò, tôi chủ yếu phơi khô bán kiếm ít tiền để mua thêm cám cho bò. Từ khi được Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn cách ủ phân vi sinh, gia đình tôi không bán nữa mà sử dụng để ủ phân, phục vụ cho sản xuất hoa màu.

Còn theo ông Trần Văn Hoang ở xã An Hòa Hải, cách ủ phân vi sinh khá đơn giản, ai cũng có thể tự làm. Cụ thể, để tạo khung ủ 1 tấn phân, ông Hoang sử dụng bạt nhựa lót đáy, mỗi lớp phân dày 20cm bao gồm các loại phân, thân cây và rơm rạ được tưới ẩm, phía trên tưới đều một lớp hỗn hợp gồm nấm Trichoderma và phân lân (tỉ lệ 4kg nấm Trichoderma + 30kg phân lân); bên trên tưới thêm 1 lớp dung dịch nước ure (tỉ lệ 2kg ure + 100 lít nước). Cứ như vậy các lớp phân ủ sẽ được thực hiện tương tự đến khi đống ủ cao 1-1,5m, bên trên được tủ bạt kín và ủ trong vòng 40-50 ngày, trong thời gian ủ sẽ thực hiện đảo phân thường xuyên. “Sau khi ủ theo cách này, vừa rồi gia đình tôi đã tự làm ra được 1 tấn phân vi sinh”, ông Hoang cho hay.

Hiệu quả rõ rệt

Ông Lê Quang Trung ở xã An Hiệp tính toán: “Để sản xuất 1 tấn phân vi sinh, gia đình tôi dùng 1 tấn phân bò có giá thành 1 triệu đồng, 4kg nấm Trichoderma giá 220.000 đồng, 30kg phân lân hết 150.000 đồng, 2kg ure 26.000 đồng, cộng với chi phí tưới nước, mua bạt tủ... tổng chi phí khoảng 2 triệu đồng. Tính ra 1kg phân vi sinh có giá thành khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi nếu mua ngoài thị trường khoảng 5.500 đồng/kg.

Còn theo ông Ba Sang cũng ở địa phương này, từ ngày tự ủ được phân vi sinh, gia đình ông giảm hẳn sử dụng phân hóa học, chủ yếu dùng loại phân hữu cơ này. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm đáng kể. Lúc trước, mỗi vụ lúa, gia đình ông phải sử dụng khoảng 32kg phân hóa học/sào với giá bình quân 15.000 đồng/kg, tương đương mỗi sào lúa chi hết 480.000 đồng tiền phân/vụ. Với hơn 1 mẫu ruộng, mỗi mùa nhà ông chi khoảng 5 triệu đồng tiền phân bón. “Từ khi chuyển sang tự ủ và dùng phân vi sinh, gia đình tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí phân bón. Trong khi đó đất lại được cải tạo, sâu bệnh cũng giảm bớt”, ông Sang nói.

Với những hiệu ứng tích cực mô hình đã mang lại, Phòng NN-PTNT huyện Tuy An đang tiếp tục triển khai thêm tại các xã An Hòa Hải, An Dân và An Hiệp để nhân rộng mô hình ra thực tế.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An Nguyễn Trọng Hùng: Từ những hiệu quả tích cực của mô hình mang lại, nhiều nông dân ở huyện Tuy An đang học tập, tận dụng chất thải nông nghiệp để ủ phân hữu cơ vi sinh, phục vụ sản xuất. Nhờ vậy, người dân giảm phụ thuộc, bớt lạm dụng phân bón hóa học trong sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ đất và góp phần bảo vệ môi trường.

THỦY TIÊN

Lâm Đồng: Khai trương điểm kinh doanh máy bay phun thuốc không người lái

Nguồn tin:  Báo Lâm Đồng

Sau khi thử nghiệm thành công tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), ngày 19/9, tại xã Liên Hà (huyện Lâm Hà), Công ty TNHH TM-DV-SX-XNK Công nghệ Đình Nguyên (gọi tắt là Công ty Đình Nguyên, tỉnh Đồng Tháp) tổ chức lễ khai trương địa điểm kinh doanh và trình diễn máy bay không người lái P-Globalcheck gieo hạt, phun thuốc, bón phân chăm sóc các loại cây trồng.

Trình diễn máy bay không người lái P-Globalcheck trên địa hình đồi núi và thung lũng canh tác cà phê ở xã Liên Hà

Hơn 100 đại diện hộ nông dân các xã, thị trấn trong huyện Lâm Hà, huyện Đam Rông tham dự khai trương và tham quan quy trình phun thuốc của máy bay không người lái P-Globalcheck.

Máy bay không người lái P-Globalcheck là giải pháp công nghệ mới ứng dụng nông nghiệp thông minh trên thế giới, thời gian bơm phun 10 phút/1-2 ha, dung tích bình chứa tối đa đến 100 lít, bán kính phun đến 12 m…

Công ty cổ phần Đại Thành (Bắc Ninh) được độc quyền phân phối máy bay không người lái P-Globalcheck trong khu vực Đông Nam Á. Công ty Đình Nguyên được Công ty cổ phần Đại Thành liên kết làm đối tác phân phối P-Globalcheck độc quyền 4 tỉnh Tây Nguyên.

Tại lễ khai trương đã tiến hành ký kết sử dụng dịch vụ máy bay không người lái P-Globalcheck bón phân, phun thuốc… trên diện tích hàng trăm hecta cây ăn trái loại giữa Công ty Đình Nguyên với HTX Trái cây Tây Nguyên (xã Rô Men) và HTX La ba Banana (xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông).

Anh Nguyễn Đình Quý - Giám đốc Công ty Đình Nguyên cho biết, trong 3 tháng cuối năm, tại địa điểm xã Liên Hà, Lâm Hà, Công ty sẽ bán ra trực tiếp khoảng 40 chiếc máy bay P-Globalcheck theo đặt hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trong tỉnh Lâm Đồng.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành (Bắc Ninh) Nguyễn Đức Trường giới thiệu công nghệ máy bay không người lái P-Globalcheck

Ký hợp đồng sử dụng dịch vụ máy bay không người lái P-Globalcheck

VĂN VIỆT

Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc): Phấn đấu nâng diện tích thanh long ruột đỏ lên 300 ha

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Nhằm phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) phấn đấu trồng mới 200 ha, nâng tổng diện tích lên 300 ha vào cuối tháng 9/2020.

Để mở rộng quy mô thanh long ruột đỏ ở huyện Lập Thạch, ngân sách tỉnh đã thực hiện hỗ trợ địa phương gần 100 tỷ đồng để lập quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, xây dựng đường giao thông nội vùng, đường điện hạ thế, hỗ trợ trụ bám, giống, phân bón và cải tạo, hỗ trợ máy làm đất…giúp nông dân có điều kiện thuận lợi đầu tư, phát triển cây kinh tế tiềm năng.

Vùng sản xuất thanh long của huyện Lập Thạch tập trung ở các xã Xuân Hòa, Vân Trục, Ngọc Mỹ, Quang Sơn và Hợp Lý.

Hà Trần

Bưởi Phúc Trạch vào mùa thu hoạch

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Bưởi Phúc Trạch là giống bưởi đặc sản của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Trái cây này hình cầu tròn, bề ngang và chiều cao gần bằng nhau, đế quả hơi lõm, màu vỏ vàng xanh. Bưởi có mùi thơm nhẹ, tự nhiên; tép bưởi màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, mọng nước và giòn; vị vừa ngọt vừa hơi thanh chua. Bưởi Phúc Trạch có trọng lượng mỗi quả từ 1kg đến 1,7kg.

Vào tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi những trái bưởi tròn căng, vàng ươm là lúc cho thu hoạch. Mỗi cây cho khoảng 100 đến 300 quả/1 mùa. Mỗi cây bưởi có vòng đời khoảng từ 12 đến 19 năm. Hiện nay, bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung ở 4 xã gồm: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, với tổng diện tích khoảng 1.500ha. Trong đó, xã Hương Trạch là "thủ phủ" của bưởi Phúc Trạch với khoảng 360ha trồng bưởi.

Năm 1938, bưởi Phúc Trạch được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương. Năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận đây là một trong bảy loại cây ăn quả quý hiếm của Việt Nam, nghiêm cấm không được xuất khẩu giống. Đến năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Phúc Trạch. Sản phẩm được bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng trái cây cả nước.

TUYỀN LÂM

Cà phê nông lâm kết hợp, nâng cao chất lượng rừng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Phát triển cà phê bền vững là mục tiêu chung mà chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê ở Lạc Dương đang hướng đến thông qua Dự án Café – Redd.

Nhiều bà con nông dân ở Lạc Dương đã ý thức được việc chăm sóc vườn cà phê đúng cách và thu hái quả chín để tăng giá bán

Thay đổi bền vững

Café – Redd là dự án cà phê nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng rừng. Dự án do SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2019, kéo dài đến hết tháng 10/2021. Dự án diễn ra tại huyện Lạc Dương nhằm phát triển cà phê bền vững, nâng cao giá trị cà phê và nâng cao chất lượng rừng. Mục tiêu của dự án hướng tới giải quyết nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng, góp phần bảo tồn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang nói riêng và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung.

Ông Phạm Thành Nam – Quản lý Dự án cho biết: Năm 2019, SNV đã hoàn thành việc triển khai các hoạt động nhằm tăng cường sự hợp tác trong chuỗi giá trị cà phê và bảo vệ rừng tại các thôn mục tiêu của Dự án Café – Redd; nghiên cứu mô hình cà phê - nông lâm kết hợp bền vững; tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ; hợp tác với các công ty chuyên về sản xuất, mua bán cà phê trên địa bàn để xây dựng các chuỗi liên kết và thu mua cà phê cho nông dân trong vùng cảnh quan dự án. Bên cạnh đó, SNV cũng đã hợp tác với Công ty Traceverified để hỗ trợ nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Năm 2019, với sự kết nối từ SNV, Công ty The Married Bean đã làm việc với 7 hộ tham gia chuỗi liên kết ở xã Đạ Sar để thu mua cà phê của các hộ với giá cao hơn giá thị trường và hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân sơ chế cà phê để tăng thêm thu nhập.

Những hoạt động trong năm 2019 như là bước chuẩn bị quan trọng mà SNV với vai trò kết nối và chuẩn bị những kiến thức cần thiết để nông dân bắt tay trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành cà phê vào năm 2020.

Bà con nông dân ở xã Lát tìm hiểu các lỗi thường gặp trong thu hoạch cà phê từ Công ty Tám Trình

Hợp tác cùng phát triển

Ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Lát (huyện Lạc Dương), cho biết: Sau khi được trang bị kiến thức, dưới sự hỗ trợ từ SNV, tháng 7/2020 các nông dân tham gia dự án đã được thành lập thành 3 tổ hợp tác: Chong Mui, Chăng Đông, Cil Cà phê với 34 hộ, quy mô 50 ha cà phê; trong đó, có 40 ha đang cho thu hoạch cơ bản. Sau quá trình tập huấn của SNV và sự nỗ lực của địa phương, bà con tham gia tổ hợp tác nhận thức rõ việc tuân thủ các quy trình sản xuất để liên kết, tiêu thụ bền vững, tránh tình trạng vì cái lợi trước mắt mà để rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” và chịu sự kiểm soát của thương lái.

Cà phê của bà con thuộc ba tổ hợp tác trên do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình thu mua bắt đầu từ vụ mùa 2020 – 2021. Đại diện Công ty Tám Trình cho biết: Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng giá trị cho cây cà phê và tăng thu nhập cho các hộ nông dân, bên cạnh việc áp dụng đúng Bộ nguyên tắc UTZ Certified (thực hành nông nghiệp tốt), Công ty đã áp dụng tiêu chuẩn cộng thưởng để khuyến khích bà con sản xuất và thu hái cà phê chất lượng. Nếu bà còn thu hái cà phê có tỉ lệ quả chín đạt từ 99 – 100% sẽ được cộng thêm 4 ngàn đồng/kg. Mức thưởng này sẽ giảm dần và sẽ không cộng thưởng đối với cà phê có tỉ lệ chín chỉ đạt từ 80-84%, không thu mua nếu tỉ lệ cà phê chín dưới 80%. Đặc biệt, đối với những vùng cà phê khác như Cầu Đất, Công ty sẽ không thu mua quả tươi có tỷ lệ chín dưới 89%.

Hình thức thưởng cũng được áp dụng trong thu mua nhân cà phê Arabiaca vỏ lụa, tách quả xanh thông qua việc cộng thưởng dựa trên số lỗi. Số lỗi càng ít cộng thưởng càng cao. Trên 15 lỗi cà phê sẽ không được thu mua. Ngoài ra, Công ty còn cộng thưởng theo tỷ lệ trên sàng. Tỷ lệ hạt trên sàng càng cao thì tiền cộng thưởng càng cao và không thu mua nếu trên 50% tỷ lệ hạt cà phê lọt sàng.

Công ty Tám Trình cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường khi nông dân tuân thủ quy trình sản xuất và thu hái chất lượng. Hiện, các tổ hợp tác tại xã Lát xác định có thể đáp ứng được yêu cầu từ phía Công ty Tám Trình, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Phía Công ty Tám Trình cũng khuyến khích bà con giữ rừng, giữ cây che tán tạo bóng mát và chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật, thu hái quả chín để cho ra hạt cà phê Arabica chất lượng nhất. Điều này vừa giữ được cảnh quan, môi trường sống, vừa nâng cao giá bán cà phê và phía Công ty sẽ có được nguồn cà phê chất lượng để sản xuất cà phê cao cấp xuất khẩu.

Còn với The Married Bean, sau Đạ Sar, Công ty này đã tiếp tục thực hiện với 50 hộ ở 6 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững ở xã Đạ Nhim. Công ty và những người nông dân đã cam kết không lấn rừng để mở rộng diện tích, thay vào đó nâng cao năng suất trên diện tích cà phê đã có. Trong các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê có việc trồng cây che bóng. Để hiện thực hóa điều này, SNV đã cung cấp hơn 600 ngàn cây giống mắc ca ghép, hồng ghép và cà phê giống Catimor cho hơn 1.000 nông hộ tại huyện Lạc Dương và cung cấp 212 tấn phân bón hữu cơ vi sinh cho các tổ hợp tác giúp bà con nâng cao chất lượng cà phê và tăng thêm thu nhập. Một khi chất lượng cà phê của người dân được đảm bảo theo yêu cầu đề ra thì phía Công ty cũng sẵn sàng mua với giá cao hơn và ổn định bắt đầu từ vụ mùa sắp tới.

Dự án Café – Redd do Tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (ICI), Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMU) tài trợ với nguồn kinh phí không hoàn lại, triển khai trong giai đoạn 2018 – 2021. Dự án tập trung vào khu vực ưu tiên bảo tồn thuộc cao nguyên Lang Biang và vùng đệm sinh thái quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.

HOÀNG MY

Anh Trần Thanh Quý: Khởi nghiệp thành công từ cây sâm

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Nhờ đam mê và chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây sâm, anh Trần Thanh Quý (xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng kỹ thuật vào trồng sâm. Đến nay, mô hình "Trồng các loại sâm" của anh Quý đã thành công ngoài mong đợi.

Anh Trần Thanh Quý bên vườn cây nhân sâm của mình.

Năm 2008, anh Quý được một người bạn tặng 2 chậu hoa lạ nhưng rất đẹp. Tuy anh làm ngành xây dựng nhưng lại rất yêu thích hoa kiểng, sau 1 năm chăm sóc, anh nhận thấy chậu bị ép đất và phình to củ ra bên ngoài, quan sát củ hoa nhìn rất giống nhân sâm của Hàn Quốc. Anh Quý bắt đầu tra cứu thông tin trên mạng Internet, thì biết được đó là Sâm Bố Chính (Phú Yên) có giá trị kinh tế rất cao. Anh đã cất công ra tận vườn nhân sâm tại Quảng Bình, tìm hiểu và mua 4 kg hạt giống nhân sâm (có giá 40 triệu đồng/kg) mang về trồng thử nghiệm. Do chưa có kinh nghiệm, nên 1,5kg hạt giống được anh trồng lần đầu đã không nảy mầm. Quyết không nản chí, anh tiếp tục đến vườn sâm ở Quảng Bình lần thứ hai để tìm hiểu từ việc thử độ ẩm, nhiệt độ, đất, phân..., cuối cùng anh đã tìm ra được cách ươm hạt nảy mầm và đạt năng suất trên 98% độ nảy mầm.

Đang làm công việc xây dựng, thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng nhưng anh Quý quyết định dành một nửa thời gian để tập trung thực hiện việc trồng nhân sâm. Anh đầu tư trồng thử nghiệm trên 1.000m2 đất tại nhà, sau khoảng 1 năm, thì sâm cho củ. Anh đem củ sâm đến Viện Cây ăn quả Miền Nam để kiểm tra, kết quả cho thấy hàm lượng sâm đạt yêu cầu về chất lượng.

Nhận thấy kết quả bước đầu khả quan, anh Quý tiếp tục tìm đất phù hợp cho loại sâm này, qua nghiên cứu anh chọn tỉnh Bến Tre để thực hiện kế hoạch của mình. Anh thuê 10.000m2 đất, để đầu tư về cơ sở vật chất và tất cả các chi phí (không tính phí giống cây) khoảng 700 triệu đồng để trồng và chăm sóc sâm. Sau hơn 1 năm trồng, anh tiếp tục mang củ sâm đi kiểm tra hàm lượng, kết quả sâm đảm bảo đủ hàm lượng. Vừa phấn khởi với thành quả đạt được, anh Quý lại càng vui mừng hơn khi sản phẩm sâm tìm được đầu ra trên thị trường. Anh tiếp tục đầu tư thêm 60.000m2 đất cũng tại tỉnh Bến Tre để tiếp tục trồng nhân sâm.

Với ý định lấy ngắn nuôi dài, anh Quý còn nghiên cứu và tìm hiểu thêm một số loại sâm khác như: Xuyên khung nam, Xạ đen, Đinh lăng..., những loại sâm này trồng ngắn ngày nhưng cũng có giá trị cao về sức khỏe và cả về kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, anh đã bán hơn 10 tỷ đồng từ cây giống nhân sâm các loại cho khách hàng. Ngoài ra, anh còn trồng thêm hơn 100 gốc cây Kim Ngân Hoa dây leo, có công dụng chữa bệnh, điều hòa huyết áp, giá thành cao, khi hoa phơi khô có giá từ 4 - 5 triệu đồng/kg và tiếp tục nhân rộng giống cây này để phục vụ cho khách hàng.

Nhận thấy mô hình đã đạt hiệu quả, cũng như các cách thức trồng, chăm sóc sâm của mình đã đạt chuẩn, anh Quý đã nhân rộng mô hình nhằm giúp đỡ cho bà con, đặt biệt là thanh niên mong muốn phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương mình. Anh mở thêm vườn ươm cây dược liệu tại nhà, để phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, tại khu vực nhà kính vườn nhà của anh Quý có hơn 10.000 chậu sâm các loại (trong đó có hơn 1.700 gốc sâm Bố Chính, loại sâm quý và giá bán ra thị trường rất cao). Sau thời gian trồng và chăm sóc khoảng 18 tháng sẽ thu hoạch được củ sâm có trọng lượng từ 1 - 1,5 kg và được anh chế biến thành phẩm, giá sản phẩm khoảng 1 - 1,2 triệu đồng/kg.

Anh Quý cho biết, sâm trồng khoảng dưới 12 tháng thì củ sâm nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế đã cao. Nếu trồng và để lâu củ sâm hơn nữa thì giá trị còn cao hơn. Hiện anh cần nhân giống các loại sâm này rộng hơn nữa, để có đủ nguồn cung ra thị trường, nếu các bạn đoàn viên thanh niên cần tư vấn, hỗ trợ và học tập kinh nghiệm từ mô hình để đầu tư phát triển kinh tế, anh sẽ tư vấn và chịu trách nhiệm cung cấp giống, kỹ thuật bao tiêu sản phẩm.

Thành công của anh Trần Thanh Quý không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình, mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần xóa khó, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Lý Oanh

Bình Định: Làng nuôi bò vỗ béo An Ðôn

Nguồn tin: Báo Bình Định

Làng có 110 hộ, thì hết 107 hộ làm chung một nghề: Nuôi bò vỗ béo. Cuộc sống của người dân An Ðôn (tỉnh Bình Định) đã ổn định và ngày càng thịnh vượng nhờ nghề này.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến thôn An Đôn, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, là khung cảnh đồng quê yên bình, nên thơ, đường bê tông sạch đẹp, đồng cỏ bạt ngàn, hệ thống kênh mương thủy lợi hoàn chỉnh.

Trăm nhà cùng nghề

Đồng An Đôn trước được trồng lúa, nhưng vì hiệu quả không cao, hơn nữa do người dân tập trung vào chăn nuôi nên được chuyển dần sang trồng cỏ, và đến nay đồng lúa gần như đã thành đồng cỏ.

Trưởng thôn An Đôn, ông Lê Thanh Bình, không giấu niềm tự hào khi đưa tôi đi thăm ngôi làng sung túc, đẹp đẽ của mình: “Khi thực hiện dự án hồ chứa nước An Đôn, thôn An Đôn được bố trí định cư rất bài bản. Đường làng ngõ xóm được quy hoạch theo lối bàn cờ, mỗi hộ đều có diện tích đất đủ lớn để xây nhà, làm chuồng trại chăn nuôi và một mảnh vườn nhỏ. Nhiều nhà còn có cả gara ô tô”. Chiều xuống, những chiếc xe xình xình chở đầy cỏ tươi về từng nhà.

Người dân An Đôn tổ chức chăn nuôi bò rất bài bản, khoa học, tính toán chi tiết hiệu quả kinh tế và chuyên nghiệp.

Chỉ tay vào con bò lai giống BBB (thường gọi là giống 3B) được mua về từ 6 tháng trước, ông Lê Văn Quang, một người dân thôn An Đôn, nói: “Con đó, lúc mua là 26 triệu, sau 6 tháng chăm sóc, vỗ béo, giá của nó bây giờ là 45 triệu đồng, nhưng mà tôi chưa bán, chỉ vài tháng nữa thôi, giá sẽ cao hơn rất nhiều”.

Khắp thôn, người người, nhà nhà đều chăm bò, vỗ béo bò. Vợ chồng ông Phạm Tấn Sinh và bà Trần Thị Thanh Hương đang vỗ béo 8 con bò trong chuồng (2 bò cái, 6 bò đực). Vừa đi rẫy về, ông Sinh ra phía sau chuồng bò, ôm ngay vào chuồng 2 ôm cỏ rõ to để bổ sung thức ăn cho bò. Ông Sinh vui vẻ: “Trụ cột kinh tế của người dân ở đây là con bò. Trước thì nhiều người nuôi heo. Sau khi heo bị dịch bệnh và kinh tế giảm, người dân chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Cứ vỗ béo bò như vậy, có kém mỗi năm một nhà cũng thu được vài chục triệu”.

Trưởng thôn Lê Thanh Bình nói như khoe: “Nuôi bò vỗ béo hiện đang là nghề chính của người dân An Đôn. Toàn thôn có 110 hộ thì có 107 hộ nuôi bò vỗ béo. Bình quân, mỗi hộ dân thường xuyên nuôi vỗ béo từ 6 - 10 con bò. Nếu tính hiệu quả kinh tế thì lãi ròng khoảng 10 triệu đồng/con, thị trường thuận lợi thì lợi nhuận còn cao hơn”.

“Làng nghề” điển hình

Nghề chăn nuôi bò, kể cả nuôi vỗ béo bò không phải mới, ngay tại huyện Hoài Ân cũng đã phát triển từ rất lâu. Nhưng bài bản, khoa học, tính toán chi tiết hiệu quả kinh tế và chuyên nghiệp như An Đôn thì chỉ mới gần đây. Không tập trung nhiều về yếu tố số lượng đàn bò, người dân An Đôn tính toán rất chi tiết số lượng phù hợp, đỉnh giá và cả điểm rơi của giá để đầu tư và đạt mức lợi nhuận cao nhất có thể. Đó chính là điều trước đây chưa từng có!

Từ lâu lắm rồi, ở An Đôn, chính quyền và ngành chức năng không còn phải hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò cho các hộ dân. Vốn giỏi nghề chăn nuôi nên khi tính toán “chiến thuật chăn nuôi” kiểu mới, với người dân An Đôn đó chỉ là một bước chuyển đơn giản. Ông Phạm Tấn Sinh kể: “Cái hay là chúng tôi truyền nghề cho nhau, chia sẻ với nhau tất cả những gì hay tốt, cộng đồng trách nhiệm với nhau trong chăn nuôi, phòng dịch, cho nên cả thôn cùng thạo nghề”.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân Nguyễn Thanh Vương cho biết: Năm 2017, Nhà nước hỗ trợ nông dân Hoài Ân thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo chất lượng cao. Từ đó đến nay chúng tôi tập trung vào giống bò BBB và Red Angus. Riêng năm 2020, huyện được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng 2 mô hình chăn nuôi bò lai. Mỗi mô hình được hỗ trợ 10 con bò giống chất lượng cao và hỗ trợ 25 triệu đồng để bổ sung thức ăn, trồng cỏ. Tổng đàn bò của huyện Hoài Ân hiện có hơn 2.300 con, trong đó trên 80% tổng đàn là bò lai chất lượng cao. Nhu cầu về chăn nuôi bò hiện nay cũng đang phát triển mạnh. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư tiền tỷ để nuôi bò, một số hộ nuôi bò cái để phối tinh bò lai, con giống xuất chuồng cho người nuôi vỗ béo bò thịt, lợi nhuận cao hơn 5 - 7 lần so với nuôi giống bò thường.

Một điểm cộng khác của nghề chăn nuôi bò so với các loại vật nuôi khác là mang lại lợi lớn về mặt môi trường. Toàn bộ chất thải chăn nuôi đều được thu hồi làm phân bón, người nuôi không phải tốn chi phí xây dựng hệ thống xử lý, môi trường được đảm bảo.

PHẠM KHA

Phú Thọ: Hiệu quả mô hình nuôi dê sinh sản hướng thịt cho người dân miền núi

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Từ năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã triển khai mô hình “Nuôi dê sinh sản hướng thịt” với quy mô hơn 400 con tại các xã Thượng Long, Phúc Khánh, Ngọc Lập thuộc huyện Yên Lập; xã Tất Thắng, Hương Cần, Cự Thắng, Cự Đồng của huyện Thanh Sơn. Sau hơn 2 năm triển khai cho thấy, đàn dê thích nghi với điều kiện sống tại các địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt.

Mục đích của mô hình là chuyển giao kỹ thuật tiến bộ mới chăn nuôi đến bà con nông dân, thực hiện những biện pháp tác động nhằm nâng cao chất lượng con giống, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi dê; xây dựng các mô hình điển hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi dê, để có cơ sở tuyên truyền, khuyến cáo, là địa chỉ cho nông dân trong vùng có nhu cầu đến học tập nhân rộng sản xuất. Chương trình lựa chọn giống dê nội, thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương, có sức chống chịu bệnh tật cao để thực hiện mô hình...

Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 8 con và đối ứng 2 con. Các hộ đều được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị các loại bệnh trên dê, điển hình như các bệnh đậu, tiêu chảy, ghẻ… Cùng với đó, Trung tâm cũng đã phối hợp với cán bộ thú y trên địa bàn tham gia tư vấn và hướng dẫn các hộ làm mô hình về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho đàn dê trong cả một năm đầu làm mô hình. Do phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, có bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn sẵn có dồi dào và được chăm sóc cẩn thận, vì vậy, đàn dê tại các hộ đều sinh trưởng, phát triển tốt, giá bán dê thịt cao. Đến nay, tổng đàn dê của mô hình tại 2 huyện Thanh Sơn và Yên Lập đã có gần 400 con dê cái sinh sản, số dê con được sinh ra hơn 700 con. Với giá bán trung bình 130 – 150 nghìn đồng/kg cân hơi, trọng lượng trung bình khi xuất bán đạt trên 20 kg/con. Sau khi trừ chi phí cho thu lợi nhuận trên 700.000 đồng/con.

Đàn dê mô hình chăn nuôi dê sinh sản hướng thịt của hộ ông Đinh Xuân Nam, xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn

Mô hình đã khai thác được thế mạnh của địa phương như nguồn lao động, đất đai rộng lớn, thức ăn là lá cây, cỏ tự nhiên sẵn có. Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều hộ trong và ngoài xã đã đến học tập, nhân rộng đàn dê, cá biệt có hộ đàn dê tăng trưởng lên 40 - 50 con. Nguồn thu từ mô hình đã góp phần tạo cơ hội giúp người dân miền núi có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, dần hình thành vùng chăn nuôi hàng hoá có giá trị “đặc sản”, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Nguyễn Đình Trung - Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ

Ổn định kinh tế từ nuôi gà thả vườn

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Những năm gần đây, Hội Nông dân xã Nha Bích, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã tích cực hỗ trợ vốn vay, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho hội viên nuôi gà thả vườn. Đến nay, cách làm này đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Nuôi gà thả vườn dưới tán cây cao su của gia đình anh Nguyễn Hữu Cường ở ấp 3, xã Nha Bích

Trên 1 ha cao su đang cho thu hoạch, gia đình anh Nguyễn Hữu Cường ở ấp 3, xã Nha Bích đã đầu tư nuôi gà thả vườn. Năm 2019, hộ anh được Hội Nông dân xã tập huấn về kỹ thuật nuôi gà và tạo điều kiện vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với 70 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, số lượng 3.000 con/lứa. Anh Cường chọn nuôi giống gà lai chọi được nhập từ Công ty Dabaco. Giống gà này nuôi đến khi xuất bán khoảng 120 ngày, trọng lượng từ 2-2,5kg/con, với giá 50-55 ngàn đồng/kg. Trung bình 1 năm, hộ anh Cường xuất ra thị trường 10.000 con gà, thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Tương tự, gia đình ông Phạm Trường Sinh ở xã Nha Bích cũng nuôi gà thả vườn dưới tán cây cao su. Giống gà ông Sinh chọn nuôi là gà ta đặc chủng do gia đình mua máy ấp trứng sản xuất giống để đảm bảo ổn định trong chăn nuôi. Hiện hộ ông nuôi khoảng 300 con gà mái đẻ, 50 con trống và khoảng 10.000 con gà thịt. Thông thường, gà ta nuôi khoảng 5-6 tháng có thể bán, đạt trung bình 2kg/con. Hiện ông Sinh bán gà xuất chuồng với giá khoảng 80-90 ngàn đồng/kg, những lúc cao điểm tăng cao hơn 100 ngàn đồng/kg. Trung bình 1 năm, gia đình ông xuất bán khoảng 20 ngàn con gà ta, trọng lượng từ 30-35 tấn gà. Ngoài bán gà thịt, gia đình ông còn cung cấp gà giống ra thị trường, với hơn 20 ngàn con giống/năm. Với chăn nuôi và bán con giống, thu nhập của gia đình ông Sinh trong 2 năm gần đây luôn ổn định, thu lợi nhuận 400-500 triệu đồng/năm.

Năm 2020, Hội Nông dân xã Nha Bích phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức mở lớp đào tạo nghề kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà. Đồng thời, hội đã triển khai Quỹ Hỗ trợ nông dân xã được 190 triệu đồng, giải ngân cho 17 hộ đầu tư vào mô hình tùy theo quy mô nuôi gà thả vườn của từng hội viên.

Đỗ Trình

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop