Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 22 tháng 3 năm 2019

Cây chanh leo hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị, cây chanh leo được trồng khá nhiều, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng truyền thống khác. Đặc biệt, với sự hợp tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trong việc trồng thử nghiệm 12ha cây chanh leo ở huyện Hướng Hóa, cũng như tiếp tục kí kết hợp tác trong phát triển sản xuất, hỗ trợ cây giống, kĩ thuật, thu mua sản phẩm…, hứa hẹn sẽ mang đến nguồn thu nhập cao, bền vững cho người nông dân.

Cây chanh leo ở huyện Hướng Hóa đang phát triển tốt

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hồng Phương cho biết, để khai thác tối đa lợi thế tự nhiên gắn với từng vùng sinh thái, năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã nghiên cứu, kết nối với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để phát triển cây chanh leo ở Hướng Hóa. Ngày 3/5/2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kí Biên bản ghi nhớ số 09/BBGN-QT&Nafoods về hợp tác trồng và thu mua chanh leo giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Hướng Hóa với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Về nội dung kí kết, hợp tác: Công ty cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán chanh leo; cam kết thu mua 100% sản phẩm quả chanh leo do nông dân triển khai trồng và chăm sóc trên diện tích hai bên thống nhất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật, theo dõi, giám sát mô hình… Trên cơ sở đó, tháng 10/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai xây dựng dự án phát triển cây chanh leo với quy mô 12ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập (Hướng Hóa), với 18 hộ gia đình tham gia. Đến nay, cây chanh leo đã trồng được gần 5 tháng, cây phát triển tốt, cho thu hoạch vào tháng 4- 5/2019. Dự kiến thu trong năm thứ nhất đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, trong đó, phần chi hơn 124 triệu đồng/năm (đã tính khấu hao vật liệu giống, hệ thống tưới trong 3 năm); nếu không có hỗ trợ sẽ lãi hơn 75 triệu đồng/ha/năm; nếu tính phần công ty hỗ trợ, sẽ thu lãi hơn 101 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lê Hoài Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc cho biết, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thuộc Tập đoàn Nafoods đã có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Công ty được thành lập vào tháng 6/2016 với nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu tại Mộc Châu, Sơn La có công suất 120 tấn quả/ngày; xây dựng thương hiệu Nafoods hàng đầu về sản phẩm nước ép trái cây, các sản phẩm thực phẩm bổ dưỡng chăm sóc sức khỏe, có nguồn gốc thiên nhiên... Thực hiện nhiệm vụ đó Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tiếp tục thực hiện sứ mệnh góp phần thay đổi nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Quảng Trị là địa phương mà công ty mong muốn hợp tác, đầu tư phát triển cây chanh leo, thực hiện đúng những cam kết của mình với chính quyền và người dân. Từ đó, công ty đã có những bước đi đầu tiên, nổi bật là thực hiện dự án 12 ha cây chanh leo đầu tiên ở huyện Hướng Hóa.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tiếp tục công tác khảo sát tiềm năng ở các vùng các trên địa bàn Quảng Trị để có kế hoạch mở rộng diện tích cây chanh leo. Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc Lê Hoài Hưng nói thêm, ngoài 12ha mà công ty đang thực hiện ở huyện Hướng Hóa, hiện cũng có nhiều nơi ở vùng Lìa, thị trấn Lao Bảo… tổ chức trồng cây chanh leo với diện tích hơn 10 ha. Ở huyện Vĩnh Linh cũng có nhiều địa phương trồng cây chanh leo, trong đó đạt kết quả cao là ở xã Vĩnh Thủy qua 3 năm trồng thử nghiệm ở một số hộ gia đình và sử dụng đúng giống cây chanh leo mà công ty đang cung cấp trên thị trường. Tuy nhiên, những mô hình này do người nông dân trồng một cách tự phát, không tuân theo kĩ thuật, đầu ra không ổn định…, vì thế, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Nếu có sự hợp tác, hỗ trợ thêm từ phía công ty, chắc chắc những mô hình trồng chanh leo sẽ tăng về năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế mang lại. Qua những đợt khảo sát thực tế và nghiên cứu đánh giá cụ thể, công ty nhận định cây chanh leo sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu tại Quảng Trị, có khả năng cho năng suất, sản lượng cao.

Trên cơ sở kết quả dự án với quy mô ban đầu 12 ha và qua quá trình khảo sát thực tế ở nhiều địa phương khác, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc khảo sát, mở rộng thêm diện tích trồng chanh leo ra địa bàn các vùng ở Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và Vĩnh Linh có điều kiện phù hợp với sự phát triển của cây chanh leo; đồng thời nghiên cứu để sản xuất chanh leo theo hướng hữu cơ, an toàn, đạt các chứng nhận về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP… Ngày 6/3/2019, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện: Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa và Vĩnh Linh kí kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển diện tích trồng cây chanh leo, theo đó, quy mô dự kiến phát triển năm 2019-2020 là 100ha, định hướng đạt 500ha vào năm 2025.

Đến nay, các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Đakrông và Vĩnh Linh đang tích tích đẩy mạnh công tác rà soát lại quỹ đất trên địa bàn huyện và tuyên truyền về hiệu quả trồng cây chanh leo ở một số tỉnh khác đã trồng thành công cho nông dân biết để có thể đăng kí tham gia mô hình này. Đối với huyện Vĩnh Linh, lãnh đạo huyện đăng kí thực hiện mô hình hợp tác với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc với diện tích khoảng 40ha, tiến hành trồng ở các xã: Vĩnh Thủy, Vĩnh Trung, Vĩnh Nam và thị trấn Bến Quan. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Võ Đức Diện cho biết, cây chanh leo được người dân xã Vĩnh Thủy trồng cách đây 3 năm, với diện tích hơn 2 ha. Cây chanh leo dù được trồng tự phát nhưng sinh trưởng khá tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, việc cung ứng sản phẩm chanh leo chỉ bó hẹp trên địa bàn xã, chứ chưa vươn ra thị trường lớn, vì nhiều lí do khác nhau. Xã Vĩnh Thủy đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân đăng kí mô hình trồng cây chanh leo với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Đến nay, có hàng chục dân đăng kí thực hiện mô hình này với hơn diện tích ước trên 10ha.

Với những tín hiệu tích cực từ khi khởi động dự án 12ha trồng chanh leo tại huyện Hướng Hóa và quá trình mở rộng diện tích ra các huyện khác, hứa hẹn về một dự án trồng chanh leo quy mô lớn, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hoài Nhung

 

Đắk Lắk: Nguy cơ mất mùa vải thiều ở Krông Pắc

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Những năm gần đây, vải thiều là cây trồng được nhiều người dân ở huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) lựa chọn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người trồng vải ở đây đang đối diện với nguy cơ mất mùa vải, thiệt hại về kinh tế.

Nhắc đến gia đình ông Nguyễn Duy Tiên ở thôn 12A (xã Ea Kly) không ai không biết bởi ông là người tiên phong trong việc mang giống vải thiều từ quê hương Bắc Giang vào Đắk Lắk trồng. Vườn vải của gia đình ông Tiên rộng 8.000 m2 trồng giống vải u trứng Bình Khê, Quảng Ninh được ghép từ năm 2013, là giống vải cho năng suất cao. Năm ngoái, nhờ thời tiết thuận lợi, gia đình ông Tiên thu được gần 1 tỷ đồng từ vườn vải. Năm nay, do thời tiết nắng nóng, đã gần tới thời điểm thu hoạch nhưng các cây vải chỉ lác đác quả, ông Tiên ước tính thiệt hại khoảng từ 30 - 40% năng suất so với mọi năm.

Gia đình anh Nguyễn Duy Tân ở thôn 12A (xã Ea Kly) có trên 200 cây vải từ 15 - 20 năm tuổi được trồng trên diện tích khoảng 1 ha cũng chịu cảnh tương tự. Năm 2018, vải được mùa, được giá, gia đình anh Tân thu hoạch hơn 15 tấn quả. Với giá thương lái ở Lâm Đồng đặt cọc mua tận vườn là 50.000 đồng/kg, cộng với tiền chiết, ghép cành vải bán cho người dân về trồng (70.000 đồng/cây), gia đình anh Tân thu về một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, vụ vải năm 2019 ước tính năng suất vải chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Duy Tiên, thôn 12A (xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) chăm sóc vườn vải.

Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Ea Kly cho biết, toàn xã có gần 30 ha vải, đa phần đều mất mùa khoảng 30 - 70% so với mọi năm. Nguyên nhân chủ yếu là do biến động về khí hậu, nắng nóng kéo dài, rét đến muộn dẫn đến xáo trộn về sinh trưởng của cây vải thiều. Trong thời kỳ cây vải ra hoa, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 2, thời tiết nắng ấm, không đủ độ rét để cây ủ mầm hoa. Những cây vải ra được hoa thì yếu, thêm vào đó gặp thời tiết nắng nóng, khô hanh của tháng 3 khiến cây vải không ra được quả.

“Vải là loại cây trồng rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, là hướng sản xuất mới cho các hộ gia đình làm nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc. So với các cây trồng khác thì cây vải dễ trồng, dễ thu hoạch, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vải thiều nhiều hộ khó khăn trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”- Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc.

Không chỉ xã Ea Kly, tại xã Ea Kuăng nhiều hộ dân cũng “đứng ngồi không yên” vì vải mất mùa. Bà Khổng Thị Loan ở thôn Nghĩa Lập hiện có 1.500 m2 vải thiều từ 10 - 30 năm tuổi. Hằng năm, vườn vải thiều cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Trồng vải ít tốn công chăm sóc và vốn đầu tư như các cây trồng khác nên bà Loan quyết định mở rộng thêm 5.000 m2 trồng vải. Thế nhưng trước diễn biến phức tạp của thời tiết, năm nay vườn vải của bà Loan chỉ đạt khoảng 40% năng suất so với mọi năm. “Hay tin vải thiều mất mùa, nhiều thương lái chủ động đến đặt mua trọn vườn vì sợ thiếu nguồn hàng cung cấp, nhưng hiện người dân quanh vùng vẫn chưa thỏa thuận bán vì có thể giá vải sẽ tăng mạnh so với mọi năm, tránh gây thiệt hại kinh tế cho người trồng vải” – bà Loan chia sẻ.

Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, cây vải thiều được một số nông dân trên địa bàn mang từ Bắc Giang, Hải Dương vào trồng cách đây khoảng 30 năm. Toàn huyện hiện có gần 50 ha vải được trồng chủ yếu tại các xã Ea Kly, Ea Kuăng và thị trấn Phước An. Những năm gần đây, vải là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đang được nông dân tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do đặc điểm thời tiết vùng Tây Nguyên diễn biến thất thường nên Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo người dân không mở rộng ồ ạt diện tích trồng vải trên địa bàn huyện, đồng thời tham mưu cho UBND huyện có hướng hỗ trợ về vốn, giống, kỹ thuật cho người trồng vải để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Hồng Chuyên

Cam ‘vàng’ ở Khe Bút làm giàu cho bà con nông dân

Nguồn tin: VOV

Đồi cam của gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút (xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái) được rất nhiều hộ dân học tập và làm theo để làm giàu.

Là một trong những gia đình trồng cam sớm nhất và thành công nhất, những vụ gần đây, bình quân mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thu hoạch 50 - 70 tấn cam, thu về 500 - 600 triệu đồng. Đồi cam của gia đình chị Chung được rất nhiều hộ ở Khe Bút học tập và làm theo để làm giàu.

Đồi cam của gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút (xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái) được rất nhiều hộ dân học tập và làm theo để làm giàu.

Cách đây hàng chục năm, gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Khe Bút, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã đưa cây cam vào trồng thử nghiệm trên gần 1ha đất đồi. Ban đầu chỉ là những giống cam địa phương như cam sành, cam sen.

Nhờ chịu khó chăm sóc tốt nên vườn cam cho thu nhập ổn định hơn những cây trồng khác. Dần dần gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích và học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc các giống cam mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Hiện nay, gia đình chị Chung sở hữu trên 4ha cam các loại, trong đó có 2ha cam sành, 1ha cam đường canh, còn lại là cam sen và cam chanh. Bình quân mỗi năm gia đình chị thu hoạch khoảng 70 tấn quả, chưa trừ chi phí thu về 500 – 600 triệu đồng.

“Cây cam cho thu nhập rất là tốt, hai nữa là công chăm sóc thì nhàn hơn cây chè, vì vậy gia đình tôi đầu tư thêm. Một số hộ gia đình hội viên cũng đã chuyển đổi từ cây chè hoặc từ những diện tích trước đây chỉ có trồng cây ngô, cây khoai sang trồng cam”, chị Chung cho biết.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Nguyễn Thị Chung còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cam cho các hộ lân cận. Chị không ngần ngại đến từng nhà để xem xét địa hình, chất đất để giúp xác định xem có phù hợp cho cây cam sinh trưởng và phát triển hay không rồi hướng dẫn cách đào hố, bón phân và chăm sóc như thế nào cho cây cam khỏe, ít sâu bệnh. Từ sự hướng dẫn của chị, cả thôn Khe Bút có 105 hộ thì có tới hơn 70 hộ trồng cam.

Ông Phùng Sinh Khoa, Trưởng thôn Khe Bút cho biết, một số hộ gia đình cũng có đất nhưng về kĩ thuật trồng thì cũng chưa có, gia đình nhà anh chị Chung thì cũng có rất nhiều những đóng góp với thôn vận động bà con, chỉ cho bà con những kĩ thuật trồng và chăm sóc cây cam rất tốt ở trong thôn.

Với sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và sự tin yêu của chị em phụ nữ trong xã, sau một thời gian làm công tác phụ nữ ở thôn, chị Chung đã vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã Minh An.

Những lần xuống cơ sở, chị Chung đã khuyến khích hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế từ cây cam, nhất là áp dụng các phương pháp mới để cho ra các sản phẩm cam sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chị Hà Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Khe Bút nói: “Cũng học tập được nhiều từ chỗ cô Chung, kinh tế từ cây cam có hiệu quả, thoát nghèo cho các chị em trong chi hội. Tôi cũng đưa ra với chị em là đất của mình rất ưa với cây cam nên cố gắng chăm sóc cho cây cam nó phát triển để kinh tế đạt hiệu quả, từ đấy chị em cũng xin vào sinh hoạt hội nhiều để học hỏi”.

Theo ông Phùng Sinh Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Minh An, hiện số gia đình hội viên phụ nữ của xã có thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm từ trồng cam lên đến gần 20 hộ.

“Gia đình đồng chí Chung là hộ gia đình điển hình trong xã, cũng là mô hình để cho chị em tham quan học hỏi. Xã chúng tôi cũng nhân rộng, để cho các tổ chức khác xem xét đưa hội viên mình đi đi vào học hỏi”, ông Phúc cho hay.

Từ những vườn cam nhỏ lẻ, xã Minh An hiện đã có tới 233 ha cam, mỗi vụ thu hoạch trên 1.500 tấn quả, thu về không dưới 20 tỷ đồng. Trong thành công đó có những đóng góp rất lớn của chị Nguyễn Thị Chung./.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

BRVT: Hiệu quả từ mô hình trồng xen cây hoài sơn trong vườn tiêu

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Khi giá tiêu ở mức thấp, thu không đủ bù chi khiến nhiều người trồng tiêu ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói chung và huyện Xuyên Mộc nói riêng không mặn mà đầu tư giữ vườn tiêu. Anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì lại có suy nghĩ hoàn toàn ngược lại.

Chúng tôi đến tham quan vườn tiêu 10 ha trồng xen với cây hoài sơn (củ mài) đang thời kỳ thu hoạch, ấn tượng với chúng tôi không chỉ là những trụ tiêu nặng trĩu quả đang độ chín trên cao, mà ở dưới lòng đất cũng đang lộ ra những củ hoài sơn đang chờ thu hoạch.

Chỉ tay vào những củ hoài sơn, anh Nhâm nói: “Cách đây 3 năm (2015) khi giá hồ tiêu xuống thấp, công ty đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây cộng sinh trong vườn tiêu và thành công với cây hoài sơn”. Cây hoài sơn là cây mọc hoang dại tự nhiên dưới các tán lá cây trong rừng và có nhiều loài (khoảng 20 loài). Cây hoài sơn trồng tại vườn của công ty được lấy từ vùng núi Mây Tàu thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh BRVT. Là loại cây thân leo, nhưng khi đưa vào trồng trong vườn tiêu, cây hoài sơn được điều khiển phát triển bò trên phần diện tích đất trống. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây hoài sơn giữ độ ẩm cho đất, làm cho đất tơi xốp, vườn tiêu không phải làm cỏ. Thân rễ phình to thành củ ăn sâu xuống đất, có nhiều rễ con làm cho mặt đất nứt tạo độ thông thoáng và lưu dẫn nguồn nước thoát cho cây tiêu, chống xói mòn. Lá cây hoài sơn phát triển tốt, là thức ăn của sâu nhưng vẫn không ảnh hưởng đến năng suất củ. Vì thế mà trên cây tiêu cũng giảm được các loài sâu và côn trùng, từ đó mà giảm được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc. Với chiều cao cây tiêu 5 - 6 mét là môi trường lý tưởng cho cây hoài sơn phát triển. Sự sinh trưởng cộng sinh này không cạnh tranh về ánh sáng. Bón phân cho cho cây tiêu cũng là bón phân cây hoài sơn, tiết kiệm chi phí, tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Anh Nhâm chia sẻ về mô hình trồng tiêu xen cây hoài sơn

Anh Nhâm cho biết thêm: Cây hoài sơn thường trồng vào đầu mùa mưa, một hàng tiêu trồng xen một hàng hoài sơn, cây cách cây 20 cm. Với diện tích 1 ha, trước khi trồng cần bón lót 15 tấn phân chuồng ủ hoai, 250kg phân NPK loại 16-16-8. Sau một tháng bón thúc tăng lượng phân NPK lên khoảng 500-700 kg/ha. Mỗi ha đất trồng tiêu, trồng xen khoảng 20.000 gốc cây hoài sơn. Trong vòng 6 tháng là cây có thể cho thu hoạch củ. Mỗi cây cho một củ có trọng lượng khoảng từ 0,5 - 3kg. Mỗi ha trồng tiêu khi trồng xen cây hoài sơn nếu chọn được giống tốt, rõ nguồn gốc, bón phân cân đối, áp dụng kỹ thuật canh tác thì năng suất có thể cho từ 30-40 tấn củ.

Củ của Hoài Sơn có giá trị kinh tế cao (khoảng 120-150 nghìn đồng/kg). Ngoài việc dùng để ăn còn làm dược liệu điều chế thuốc quý chữa các bệnh như ăn uống khó tiêu, mồ hôi trộm, tiểu đường, giúp phụ nữ sau sinh ăn ngon miệng và hấp thu tốt. Chính những đặc tính ưu việt đó mà sắp tới Công ty sẽ chế biến củ hoài sơn thành sản phẩm “Sữa Hoài Sơn”, đưa ra tiêu thụ thị trường trong nước và quốc tế.

Cây hoài sơn dễ trồng, khi trồng xen trong vườn tiêu là “lấy ngắn nuôi dài”, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng thu lợi nhuận kép. Nhờ những lợi thế này mà đây được xem là mô hình trồng xen cây cộng sinh điển hình, tạo điều kiện thuận lợi để canh tác vườn tiêu bền vững cần được khuyến khích nhân rộng trong bối cảnh cây tiêu không được thuận lợi như mong muốn của người dân./.

Trọng Hoàng

Ớt đầu mùa tăng giá lên 30.000 đồng một kg

Nguồn tin: VnExpress

Ớt được thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc tăng giá mạnh so với năm ngoái giúp nông dân Quảng Ngãi, Bình Định lãi tiền triệu sau vài đợt hái.

Những ngày qua, ông Đoàn Lý ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi luôn có mặt ngoài ruộng để hái ớt. Từ sau Tết đến nay, giá ớt tăng liên tục từ 20.000 lên 30.000 đồng một kg. "Tôi đã hái đến lứa thứ tư, hiện còn 100 kg vừa hái chưa bán", ông nói.

Nông dân Quảng Ngãi thu hoạch ớt đầu mùa. Ảnh: Phạm Linh

Còn ông Phạm Phụng, từng chặt bỏ 3 sào ớt vào giữa mùa năm ngoái do giá rớt còn 5.000 đồng một kg thì năm nay chỉ trồng một sào. "Rút kinh nghiệm nên tôi giảm diện tích. Tôi vừa hái hai đợt, thu 1,2 tạ ớt, lãi vài triệu đồng", ông nói.

Một thương lái thu mua ớt ven sông Trà Khúc cho biết, năm ngoái, giá ớt chỉ 25.000 đồng mỗi kg, nhưng năm nay tăng lên 30.000 đồng một kg tại ruộng. Anh cho hay sản lượng thu mua ớt giảm rõ rệt so với năm ngoái. "Năm trước tôi mua của một chủ vựa mỗi ngày 70 tấn, năm nay chỉ 20 tấn", thương lái này nói.

Thương lái thu mua ớt với giá 30.000 tại ruộng. Ảnh: Phạm Linh.

Dù sản lượng thu mua không cao, các thương lái chỉ thu mua ớt đạt chất lượng, không bị sứt mẻ, đen cuống... Giá ớt tươi thành phẩm sau khi đóng vào khay lên 35.000 đồng một kg. Với ớt bị loại bỏ, nông dân phơi để bán trong nước.

Tại huyện Bình Sơn, vựa ớt lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, các hộ trồng ớt cũng đang hăng hái thu hoạch vì ớt được giá cao. Do giá ớt không ổn định, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi không khuyến khích, và nông dân cũng chủ động giảm diện tích trồng cây này. Theo Phòng Nông nghiệp huyện, diện tích ớt hiện chỉ còn 520 ha, giảm 150 ha so với năm ngoái.

Ớt không đạt chuẩn xuất khẩu được phơi khô để bán trong nước. Ảnh: Phạm Linh

Tại huyện Phù Mỹ, "thủ phủ" ớt của Bình Định, giá ớt chỉ thiên tăng lên 30.000 - 32.000 đồng mỗi kg, ớt chỉ địa lên đến 25.000 đồng mỗi kg. Ông Ngô Văn Tứ ở xã Mỹ Quang, có kinh nghiệm trồng ớt hàng chục năm cho biết, mức giá này đã duy trì một tuần. "Nếu giá ớt tiếp tục duy trì như thế này thì nông dân trúng", ông nói.

Tương tự Quảng Ngãi, cây ớt ở Bình Định nhiều năm nay có đầu ra chủ yếu là thị trường Trung Quốc, song giá cả không ổn định giữa các năm, và đầu mùa so với cuối mùa. Cuối tháng 5/2017, giá ớt chỉ còn 2.000 đồng một kg.

Ông Trần Minh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ cho biết diện tích ớt toàn huyện còn 890 ha, giảm 200 ha so với năm ngoái.

Phạm Linh

Đồng Nai: Nông dân trồng mì: Khó vì dịch, khổ vì giá

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Thời gian qua, dịch khảm lá mì lan rộng tại nhiều địa phương khiến nông dân trồng mì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp không ít khó khăn. Chưa kịp hết lo vì dịch bệnh thì cây trồng này lại rơi vào cảnh rớt giá khiến người trồng càng khốn khó.

Nông dân tại thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) thu hoạch mì giống cho vụ trồng mới. Ảnh: B.Nguyên

Theo nông dân, dù giá thấp nhưng cũng không dễ tìm được nơi tiêu thụ vì nhiều doanh nghiệp lớn hiện tạm ngưng thu mua mặt hàng này. Thị trường của mặt hàng mì lát vẫn còn nhiều rủi ro do chủ yếu chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc.

* Hàng trăm hécta mì nhiễm bệnh

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2018 toàn tỉnh trồng trên 13,8 ngàn hécta cây mì. Riêng vụ đông - xuân 2018-2019, toàn tỉnh trồng 1.152 hécta, trong đó gần 32% diện tích trồng giống HL-S11, giống nhiễm bệnh khảm lá mì. Từ giữa năm 2018, Đồng Nai bắt đầu xuất hiện bệnh khảm lá mì và nhanh chóng lan thành dịch với diện tích gần 380 hécta bị nhiễm bệnh. Trong đó, trên 46 hécta cây mì nhiễm bệnh nặng bị tiêu hủy.

Các địa phương tại Đồng Nai đã triển khai các mô hình quản lý giống mì sạch bệnh với diện tích 92 hécta. Mục tiêu để có nguồn giống mì sạch bệnh cung cấp cho nông dân. Mì trước thu hoạch tại các mô hình này được lấy mẫu kiểm tra để xác định sạch bệnh. Đồng Nai tiếp tục duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá mì cấp huyện, xã để thống nhất công tác chỉ đạo trong triển khai thực hiện. Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất giống mì sạch bệnh; tăng cường công tác điều tra nhằm phát hiện sớm diện tích mì nhiễm bệnh và hướng dẫn nông dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Huyện Vĩnh Cửu đứng đầu về diện tích mì bị nhiễm bệnh. Ông Dương Quang Vinh, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Diện tích mì tại địa phương bị bệnh nhiều do nông dân sử dụng đại trà giống mì mới bị nhiễm bệnh. Loại bệnh này hiện chưa có thuốc chữa. Đến nay, dịch khảm lá mì cơ bản đã được khống chế, chúng tôi cũng đã khoanh vùng bị dịch, khuyến cáo nông dân không sử dụng giống mì nhiễm bệnh để tái sản xuất”.

Dịch khảm lá mì đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng củ mì thu hoạch năm nay. Ông Trần Quốc Sang, nông dân trồng hàng chục hécta mì tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) nhận xét, nhiều nông dân có rẫy mì bị nhiễm bệnh giảm gần một nửa năng suất, tỷ lệ chữ bột cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng khó khăn lớn nhất của nông dân trồng mì vẫn là giá bán củ mì tươi năm nay giảm cả ngàn đồng/kg. Ông Sang so sánh: “Tôi phải thuê đất với giá cả chục triệu đồng/hécta/năm để trồng mì. Năm nay, giá mì bán ra chỉ được 2 ngàn đồng/kg, giảm 1 ngàn đồng/kg so với vụ thu hoạch trước nên hầu như không còn lợi nhuận. Tôi phải bán mì non ngay sau Tết Nguyên đán 2019 chứ không để đến giờ mới thu hoạch vì càng để giá càng giảm”.

* Khổ vì rớt giá

Cũng theo ông Sang, khó khăn lớn nhất cho nông dân trồng mì là giá rẻ vẫn không dễ bán. Vì khoảng 2 tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp lớn trong ngành chế biến mì tạm ngưng thu mua bởi còn tồn hàng nhiều. Nông dân phải bán cho các lò sấy nhỏ giá vừa thấp, vừa chậm được trả tiền.

Cùng nỗi lo về giá, ông Hoàng Ngọc Tân, nông dân đang vào vụ thu hoạch mì tại xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) lo lắng: “Hiện giá mì rớt xuống chỉ còn 1.700-1.800 đồng/kg. Nhưng khó hơn là nhiều doanh nghiệp kinh doanh lớn trong ngành này thua lỗ đóng cửa hoặc tạm ngưng mua hàng. Vì trồng với diện tích lớn, tôi buộc phải chở mì sang bán cho các doanh nghiệp tại tỉnh Tây Ninh nên càng khó khăn, vất vả”.

Thị trường cho loại nông sản này ngày càng bấp bênh cũng vì đầu ra hiện hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc. Những năm trước, đầu ra cho cây mì khá ổn định vì Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, kinh doanh mặt hàng này. Hiện nay, những doanh nghiệp chế biến mì lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, họ cũng không mở rộng đầu tư vì ngành hàng này quá rủi ro.

Ông Lê Duy Hoạch, chủ vựa chuyên thu mua mì lát tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, thị trường mì năm nay kém sôi động hơn mọi năm vì vụ trước có giá tốt, nông dân đua nhau trồng, doanh nghiệp cũng trữ hàng nhiều nhưng đầu ra gặp khó nên vụ này bị tồn hàng. Hiện ông chỉ cung cấp những đơn hàng nhỏ cho các cơ sở chế biến bột mì bán ngay trong tỉnh. “Giá mì khô hiện không giảm nhiều so với cùng kỳ nhưng giá mì tươi giảm mạnh chủ yếu vì công lao động hiện quá cao và nhiều chi phí khác đội lên. Mặt khác, giá mì tươi bị kéo xuống còn do chất lượng củ, nhất là chữ bột thấp khiến chi phí chế biến cao lên” - ông Hoạch nói.

Bình Nguyên

Lão nông sáng chế máy tưới rau màu

Nguồn tin:  Báo Long An

Ông Lê Văn Út, ngụ ấp 5, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đã sáng chế thành công thiết bị tưới rau màu rất tiện dụng. Thiết bị này được ông sử dụng để tưới ruộng rau 2.500m2 chỉ mất 40 phút với lượng xăng tiêu hao khoảng 0,5 lít, nếu tưới thủ công thì phải mất thời gian gần một ngày.

Sản phẩm máy tưới rau tự động của ông Lê Văn Út

Đầu tiên, ông sử dụng máy cắt cỏ để “chế” lại thành máy bơm nước. Tuy nhiên, để vận hành được thiết bị này, ông sử dụng máy xăng làm nguồn bơm tưới, vấn đề đặt ra là phải thiết kế phao để cố định và giúp máy di chuyển trên mặt nước sao cho tiện dụng. Sau khi dùng thau rồi thùng nhớt làm phao không đạt yêu cầu, cuối cùng, chiếc phao được thiết kế bằng cách ghép các ống nhựa lại đã giúp ông thực hiện thành công ý tưởng của mình. Máy được lắp 1 lúpê đặt theo phương thẳng đứng để tiện việc hút nước trực tiếp từ ruộng rau (trong lúc vừa tưới, vừa di chuyển). Đầu ra của máy được thiết kế 2 ống nhựa để phun nước. 2 ống nhựa dùng làm vòi tưới được ông Út thiết kế rời để tiện việc tháo lắp. Thiết bị này có thể tự vận hành khi tưới.

Với sản phẩm của mình, cuối năm 2018 vừa qua, ông Lê Văn Út vinh dự được nhận giải khuyến khích cấp tỉnh cuộc thi Sáng kiến nhà nông. Ông Út cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời thêm các sản phẩm thiết thực, góp phần làm giảm thời gian, sức lao động cho nông dân./.

Việt Hằng

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop