Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 3 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 3 năm 2019

Bình Phước: Nhà nông thị trấn Chơn Thành mở rộng trồng mít

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Những năm gần đây, cây mít Thái được nông dân huyện Chơn Thành (Bình Phước) mở rộng diện tích bởi dễ trồng, dễ chăm sóc, khoảng 2 năm là cho thu hoạch. Năm 2018, nắm bắt nhu cầu của hội viên, Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành đã thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng mít với 33 thành viên. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hoạch. Hiện giá mít trên thị trường ổn định nên những vườn mít của các thành viên đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành ngày nào cũng tất bật chăm sóc, thu hoạch mít. Gia đình ông trồng 1 ha mít Thái, khoảng 250 cây đã được 4 năm tuổi. Ông rất vui khi tham gia Chi hội nghề nghiệp trồng mít của thị trấn nên không bỏ bất cứ buổi tập huấn hay hội thảo nào. Ông vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm của các thành viên và được học tập, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc cây. Vì vậy, năng suất, sản lượng mít của gia đình tương đối tốt. Ông Hùng cho biết: “Mít Thái dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, lại cho thu hoạch quanh năm. Năm 2018 và đầu năm 2019, giá mít tăng cao, hiện ở mức 15 ngàn đồng/kg mít múi và 9.000 đồng/kg mít trái. Năm nay, gia đình tôi ước thu từ 1 ha mít khoảng 40 tấn trái, thu lãi 300 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành trong vườn mít ra trái quanh năm, cho hiệu quả kinh tế cao

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Bé ở ấp 2, thị trấn Chơn Thành cũng trồng 1,5 ha mít Thái được 7 năm tuổi. Ông sử dụng lưới bọc để chống ruồi vàng đục trái từ nhỏ, mít sinh trưởng và phát triển rất tốt. Ông Bé chia sẻ: “Các thành viên trong chi hội nghề nghiệp cùng nhau mua phân bón với số lượng lớn nên giảm được chi phí. Hiện đầu ra của trái mít rất ổn định, thương lái đến tận vườn mua nên không thể ép giá. Ngoài ra còn có nhiều công ty tại thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương mở chi nhánh tại huyện Chơn Thành thu mua trái với giá ổn định. Do vậy, người trồng mít thu lãi cao hơn nhiều so với các loại cây khác”. Năm nay, ước tính gia đình ông Bé thu về gần 500 triệu đồng từ vườn mít Thái.

Ông Lương Phát, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng mít cho biết: “Các thành viên chi hội tích cực sinh hoạt định kỳ, cùng trao đổi kinh nghiệm về việc trồng, chăm sóc cây mít. Giá mít năm nay cao hơn mấy năm trước nên các thành viên rất phấn khởi bởi thu nhập cao, ổn định”.

Trên địa bàn thị trấn Chơn Thành hiện có khoảng hơn 60 ha mít Thái đang cho thu hoạch. Theo các thành viên trong chi hội, mít Thái có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, đậu trái quanh năm, phù hợp với vùng đất Chơn Thành. Mấy năm gần đây, giá mít ổn định nên người dân mở rộng diện tích. Bà Nguyễn Kim Ngân, Phó chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chơn Thành cho biết: “Thời gian tới, hội tiếp tục nhân rộng hoạt động của Chi hội nghề nghiệp trồng mít để thành lập các chi hội cây trồng khác. Hội sẽ vận động, tiến tới thành lập Hợp tác xã trồng mít thị trấn Chơn Thành, nhằm cung ứng giống và sản phẩm mít đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đem lại lợi ích thiết thực nhất cho hội viên trên địa bàn thị trấn”.

Giá mít Thái ổn định như hiện nay là tín hiệu vui cho người trồng. Qua đó, có thể thấy, liên kết sản xuất nông nghiệp đang mở ra hướng đi cho người trồng mít ở thị trấn Chơn Thành vừa cho năng suất, sản lượng cao, lại có đầu ra ổn định, tránh bị tư thương ép giá.

Đỗ Trình

Bến Tre: Mít giống hút hàng, giá tăng cao

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Sản xuất mít giống tại Chợ Lách.

Hiện nay, giá cây mít giống tăng cao gấp 2 lần so với tháng 2-2019. Thương lái các nơi tìm đến huyện Chợ Lách để gom hàng, tạo tình trạng “sốt” hàng, mặc dù còn khoảng 1 tháng nữa mới vào vụ trồng (đầu mùa mưa).

Bà Lê Thị Út, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho biết, trước Tết Nguyên đán 2019, giá cây mít giống xuống thấp, cây gốc ghép loại lớn khoảng 12 - 13 ngàn đồng/cây, loại nhỏ từ 6 - 8 ngàn đồng/cây, nhưng khoảng tháng nay, các thương lái đến tìm mua cây mít giống rất nhiều, do đó giá cây mít giống tăng rất nhanh. “3 ngày trước, tôi bán hơn 1.500 cây mít giống với giá 20 ngàn đồng/cây nhưng hiện nay có người đến hỏi mua với giá 25 ngàn đồng/cây tại vườn. Chủ yếu thương lái đến mua giống mít Thái, mít siêu sớm”, bà Út cho hay.

Do giá cây mít giống tăng cao nên giá cây mít con để làm gốc ghép tăng theo. Hiện giá cây mít con có giá từ 12 - 20 ngàn đồng/cây, tùy kích cỡ. Chị Nguyễn Thị Vui, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho biết, nhận thấy trồng cây giống làm cây ghép mang lại hiệu quả nên 2 năm trước chị mạnh dạn đốn bỏ hơn 3.000m2 đất trồng các loại cây tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây mít con (làm gốc ghép). Năm 2018, chị Vui thu lợi từ bán cây con hơn 400 triệu đồng.

Theo các thương lái, do giá mít thương phẩm đang tăng kéo theo người dân đang ồ ạt trồng mít. Bên cạnh đó, do đang chuẩn bị vào mùa mưa nên các thương lái gom cây giống dự trữ vì cho rằng vào vụ giá cây giống sẽ tiếp tục tăng cao. Anh Nguyễn Văn Tâm ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết: Tháng trước, anh đến tận Chợ Lách để tìm mua giống mít Thái siêu sớm giá chỉ 15 ngàn đồng/cây loại gốc ghép lớn, nhưng hiện nay anh vừa đến hỏi mua thêm cùng loại cây lúc trước nhưng giá tăng lên 35 ngàn đồng/cây.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Mỗi năm, huyện Chợ Lách sản xuất từ 35 - 40 triệu cây giống, trong đó chủ yếu là các loại cây như: sầu riêng, mít, cây có múi, chôm chôm… Trong 2 năm trở lại đây, nhà vườn sản xuất nhiều nhất là cây mít giống, chiếm hơn 50% số lượng. Do giá trái mít tăng cao nên nhiều người dân trồng loại cây này.

Tin, ảnh: Phúc Nhân

An Giang: Liên kết trồng dưa lưới, hiệu quả bền vững

Nguồn tin: Báo An Giang

Chỉ cần diện tích 1.000-2.000m2, mỗi nhà màng trồng dưa lưới có thể thu hoạch được 4 vụ/năm, doanh thu cả trăm triệu đồng/công/vụ. Nếu có hợp đồng liên kết đầu ra ổn định, canh tác dưa lưới sẽ nhanh thu hồi vốn, mang lại lợi nhuận lâu dài cho nông dân.

Từ thành công của chàng kỹ sư trẻ…

Ở huyện đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang), nhắc đến Nguyễn Văn Đệ (xã Vĩnh Lộc), những nông dân lớn tuổi còn phải nể phục bởi anh được xem là người đầu tiên thành công với dưa lưới, một loại cây trồng vốn mới mẻ với vùng đất đã “quen” với lúa, rau màu.

Là một kỹ sư nông học (tốt nghiệp năm 2006), anh Đệ đã bắt đầu với những công việc trái ngành trước khi “kết duyên” với cây dưa lưới từ năm 2014. Để khởi nghiệp tại quê nhà, anh đã đến nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. “Lần đầu trồng, thấy dưa bị nứt tôi cũng hơi lo lắng. Sau khi tìm hiểu, biết đây là giai đoạn nứt trái để tạo lưới nên mới yên tâm. Tôi cố gắng vừa canh tác, vừa rút kinh nghiệm để tìm ra quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng” - anh Đệ chia sẻ.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang kiểm tra chất lượng trái dưa lưới do anh Thảo trồng

Nhờ sản phẩm được tiêu thụ nhanh với giá cao, chỉ sau 2 năm canh tác, anh Đệ đã trả hết nợ ngân hàng (vay đầu tư nhà lưới) và bắt đầu có lời. Nhận thấy tiềm năng loại cây trồng này còn lớn nên anh nâng diện tích nhà lưới lên 2.500m2, trồng đa dạng các giống dưa xuất xứ từ Đài Loan và Thái Lan. Anh còn liên kết với nông dân cùng thực hiện quy trình canh tác an toàn và làm đầu mối thu gom sản phẩm của họ. Chàng kỹ sư trẻ đã xây dựng nhãn hiệu dưa “Mr.Đệ”, được ngành chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Đệ cho biết, với giá thu mua lại từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lời ít nhất 35 triệu đồng/vụ/1.000m2. Nếu mỗi năm canh tác được 4 vụ thì sau khoảng hơn 2 năm, nông dân đã lấy lại được vốn đầu tư nhà màng. “Sau khi liên kết ổn định với 6 nông dân ở An Giang và Cà Mau, phát triển 10.000m2 dưa lưới, tôi đang mở rộng liên kết sang Vĩnh Long, Kiên Giang, TP. Cần Thơ để dần nâng diện tích lên gấp đôi. Bên cạnh dưa lưới, tôi đang thử nghiệm quy trình trồng dưa hấu, cà chua tí hon, dưa lê theo hướng an toàn để chuyển giao cho nông dân, nhằm đa dạng sản phẩm, tăng hiệu quả canh tác” - anh Đệ nhấn mạnh.

…đến thắng lợi của những nông dân chịu thay đổi

Một trong những nông dân đang liên kết thành công với kỹ sư Nguyễn Văn Đệ là anh Dương Hiếu Thảo (ấp Mỹ Phó 3, xã Tân Hòa, Phú Tân). Được anh Đệ tận tình hướng dẫn quy trình canh tác an toàn, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá 28.000 đồng/kg, anh Thảo cùng bạn của mình đã mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng xây dựng nhà màng 1.000m2, thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hữu cơ tự động. Vụ đầu tiên, anh trồng 2.600 gốc dưa lưới trong những chậu nhựa, được nối hệ thống tưới nhỏ giọt vào tận gốc. “Khi dưa lưới được 7 ngày tuổi, cao từ 10-15cm thì tiến hành quấn đọt lên dây. Công việc này cần 2 người quấn liên tục trong 40 ngày. Khi cây được 2,5m thì ngắt đọt. Trồng trong nhà màng nên ít bị sâu bệnh, nhất là không có bọ trĩ, bọ phấn trắng. Trong chiếc bồn chứa 2.000 lít, mình hòa sẵn phân hữu cơ. Mỗi ngày, bật hệ thống tưới tự động trong 1-2 giờ là được” - anh Thảo chia sẻ.

Ngay vụ dưa đầu tiên, mỗi gốc đều cho ít nhất 1 trái, trọng lượng bình quân trên 2kg, đạt yêu cầu về độ đường, tiêu chuẩn thu mua. Với 2.600 gốc dưa, sau 85 ngày canh tác, anh Thảo thu hoạch được hơn 5 tấn trái, giao hết cho anh Đệ giá 28.000 đồng/kg. Tính ra, doanh thu khoảng 140 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí giống, dinh dưỡng hữu cơ, nhân công khoảng 50 triệu đồng, nhóm anh Thảo thu lời 90 triệu đồng. Nếu tiếp tục đà thắng lợi này, chỉ sau 1 năm với 4 vụ dưa, nhóm anh Thảo đã có thể lấy lại vốn đầu tư nhà màng và bắt đầu thu lợi nhuận không dưới 200 triệu đồng/công từ năm thứ 2.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đệ cho biết, với hệ thống nhà màng được lắp ráp bằng khung thép vững chắc thì 5 năm sau mới phải bảo trì. Trong thời gian này, người sản xuất đã thu được lợi nhuận khá nên hoàn toàn có thể tái đầu tư mở rộng, tăng diện tích liên kết.

“Dưa lưới là loại cây trồng cho năng suất cao, kỹ thuật sản xuất không khó, thời gian canh tác ngắn, giá trị thương phẩm tốt. Điều quan trọng là khi canh tác, cần có hợp đồng liên kết thu mua nhằm ổn định đầu ra, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư lưu ý

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Hiện có khoảng 70ha đu đủ ruột vàng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Do diện tích trồng đu đủ ruột vàng ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) tăng mạnh và hiện là thời điểm xuống giống nên giá cây giống tăng hơn so với mọi năm.

Diện tích trồng đu đủ ruột vàng tăng khiến giá cây giống cũng tăng mạnh.

Chị Nguyễn Thị Tư, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết vài năm trở lại đây đu đủ ruột vàng cho thu nhập cao nên nhiều nông hộ đã chủ động phát triển mạnh loại cây trồng này khiến cho lượng cây giống rất hút hàng, giá bán cũng tăng mạnh. Đối với đu đủ giống loại cây có chiều cao từ 15-20cm hiện có giá từ 800-1.000 đồng/cây, tăng bình quân 200 đồng/cây so với cùng kỳ năm trước. Vụ này, gia đình chị ươm gần 20.000 cây nhưng không đủ để bán.

Theo ngành chức năng, thời điểm hiện tại, toàn huyện Phụng Hiệp có khoảng 70ha đu đủ ruột vàng, tăng 20ha so với năm rồi. Đu đủ ruột vàng có thời gian sinh trưởng khoảng 8 tháng, những diện tích xuống giống thời điểm này sẽ cho thu hoạch vào khoảng cuối tháng 10. Bình quân giá đu đủ ruột vàng năm qua luôn ở mức khoảng 5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, mỗi công đu đủ cho thu nhập trên 15 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng mía. Vì vậy, nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp thời gian qua đã chủ động bỏ mía chuyển sang trồng đu đủ.

Tin, ảnh: QUỐC HƯNG

Nắng nóng, chanh tăng giá mạnh

Nguồn tin: Báo Long An

Bước vào giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các loại trái cây giải nhiệt tăng cao, đặc biệt là chanh. Vì vậy, giá chanh bắt đầu tăng đáng kể.

Giá chanh đang tăng mạnh

Theo ghi nhận tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, chanh có hạt và không hạt thời điểm hiện tại được thương lái thu mua tại vườn có giá 19.000 – 21.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 – 9.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Các tiểu thương cũng cho biết, do nhu cầu người mua tăng cao nên giá chanh lẻ cũng nhích theo, giá bán 3.000 - 4.000 đồng/trái.

Dù giá chanh đang tăng, song, do ảnh hưởng những đợt nắng nóng kéo dài nên năm nay, năng suất giảm so với cùng kỳ những năm trước.

Với nông dân trồng chanh, chanh ra trái vụ nghịch (mùa nắng) cho lợi nhuận cao gấp đôi so với thu hoạch chính vụ và chanh cũng dễ tiêu thụ hơn. Tuy nhiên, so với vụ thuận thì với chanh vụ nghịch, nông dân phải tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc hơn. Trung bình với diện tích trồng 1.000m2, nhà vườn phải tốn từ 5 – 7 triệu đồng đầu tư, cao hơn khoảng 40% so với vụ thuận./.

Việt Hằng

Nhà vườn trăn trở khi giá cam giảm mạnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Hiện tại, nhiều nhà vườn trồng cam trên địa bàn huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) khá lo lắng khi giá nông sản này giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư khá cao.

Nhà vườn đang gặp khó khăn khi giá cam giảm

Theo nhiều nhà vườn, hiện cam xoàn có giá từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, cam sành 14.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với các năm trước. Khi giá cam giảm đột ngột, nhiều nhà vườn cảm thấy bất an vì cam đang bước vào vụ thu hoạch rộ, ảnh hưởng đến thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Hùng ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Chưa có năm nào giá cam lại giảm mạnh như hiện tại. Theo quan sát qua các năm, vào chính vụ, giá cam thường dao động khoảng từ 20.000 - 25.000 đồng/kg (cân xô). Hiện tại, nhà vườn không chỉ trăn trở vì giá cam giảm mà còn lo lắng về tình hình dịch bệnh hoành hành”.

Theo một số thương lái thu mua cam, cam rớt giá là do những năm gần đây, nông dân trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh việc mở rộng diện tích canh tác loại cây trồng này. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm cam được thu hoạch đồng loạt ở các tỉnh, dẫn đến cung vượt cầu.

Trang Huỳnh

‘Ổi Ngọc’ Đắk Glong

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Giữa tuần, tôi nhận được điện thoại của một người quen ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhờ mua ổi Đắk Nông. Người đó còn dặn kỹ phải mua bằng được “ổi Ngọc” Đắk Glong, được bán tại một sạp trái cây uy tín ở trung tâm thị xã Gia Nghĩa. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ sạp trái cây này, chủ tiệm cho biết đang “cháy hàng” và vài ngày nữa mới có.

Lỡ nhận lời mua giúp và khá tò mò về “ổi Ngọc”, tôi quyết định tìm đến tận vườn ổi có tiếng vang xa như vậy. Từ thị xã Gia Nghĩa dọc theo quốc lộ 28 theo hướng về Lâm Đồng, đi qua xã Quảng Khê (trung tâm huyện Đắk Glong) chừng 5 km rồi rẽ trái theo hướng về trung tâm xã Đắk P'lao, chúng tôi tìm đến được vườn ổi Ngọc.

Giữa đồi núi trùng điệp ở thôn 8, xã Quảng Khê, một vườn ổi xanh mơn mởn chạy dài vun vút trước mắt. Cây nào cây nấy đều sai trĩu quả. Các trái có kích cỡ khác nhau nhưng điểm chung là các trái lớn đều được bao xốp bên trong, bọc ni lông bên ngoài và cột thun đen ở đầu cuống một cách cẩn thận.

Vườn ổi của Bà Ừng Thị Ngọc, ở thôn 8, xã Quảng Khê nổi tiếng thơm ngon là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC của huyện Đắk Glong

Bà Ừng Thị Ngọc, chủ vườn ổi xuất hiện trước mắt chúng tôi trong một bộ trang phục khá diện. Thấy chúng tôi thắc mắc, bà Ngọc cười nói “Nông dân thời công nghệ mà chú!” rồi mời chúng tôi đi tham quan vườn. Vườn ổi của bà Ngọc bắt đầu trồng từ năm 2011 và toàn bộ là giống ổi Trân Châu Đài Loan. Hiện vườn ổi có diện tích 1,5 ha với 750 cây.

Nhanh tay chọn hái vài trái chín trên cây mời khách, bà Ngọc khẳng định toàn bộ ổi trong vườn đều rất “sạch”. Bà Ngọc chia sẻ: Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi áp dụng quy trình chăm sóc cây một cách chặt chẽ theo sự phát triển của trái, bảo đảm cách ly với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Sau khi trái to bằng ngón chân cái là tiến hành bọc trái cẩn thận để trái không tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu bệnh. Hơn nữa, trái cũng không bị các loại côn trùng tiếp xúc và làm hại nên đều và đẹp hơn. Đặc tính của loại ổi này là ra trái quanh năm, trái tròn đẹp và có vị ngọt dịu rất đặc biệt nên “ăn là sẽ nhớ”.

Ổi “sạch” tại vườn của bà Ừng Thị Ngọc được bọc cẩn thận

Tiếng lành đồn xa, vườn ổi của bà Ngọc được rất nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến tận vườn đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, vườn ổi của bà Ngọc cho thu khoảng 1 - 2 tạ/ngày và giá bán trung bình 15.000 - 20.000 đồng/kg. Điều đặc biệt là toàn bộ ổi đều được đặt hàng và thương lái đến tận vườn để thu mua. Ngoài ổi, bà Ngọc còn trồng dâu nuôi tằm trên diện tích 3,5 ha và trồng 2,6 ha cà phê, tiêu. Tất cả những loại cây trồng này đều đã cho thu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Cũng như gia đình bà Ngọc, nhiều hộ dân ở Đắk Glong cũng đã mạnh dạn đưa các giống ổi về trồng thuần, trồng đa cây trong vườn. Nhờ dày công chăm sóc, nhiều vườn ổi ở Đắk Glong đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân, giúp họ vươn lên làm giàu. Xa hơn nữa, những cây ổi đang giúp cho tên tuổi của một vùng đất nghèo như Đắk Glong được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.

Bài, ảnh: Lê Phước

Hậu Giang: Chanh không hạt tăng giá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Mùa nắng nóng nên giá chanh không hạt cũng nhích lên.

Hiện nay, giá chanh không hạt bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố Vị Thanh là 30.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Trong khi đó, giá thu mua của thương lái tại một số vườn ở huyện Châu Thành hiện nay từ 18.000-21.000 đồng/kg, tùy loại. Theo một số tiểu thương bán mặt hàng này, việc tăng giá là do thị trường tiêu thụ chanh tăng mạnh trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, một loại trái cây có nhu cầu sử dụng tăng vào mùa này là cam sành cũng có giá cao hơn sau thời gian sụt giảm. Giá cam sành hiện ở mức 15.000-20.000 đồng/kg, cam xoàn 35.000-40.000 đồng/kg và có thể tiếp tục tăng. Hiện nay vào thời điểm nghịch vụ, năng suất giảm so với chính vụ nên lượng cam về chợ không nhiều.

Tin, ảnh: T.TRANG

Giá sắn xuất khẩu tăng mạnh hơn 23% so với cùng kỳ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm, nên chào giá xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam tăng lên, trong khoảng 440 - 450 USD/tấn FOB cảng TP. Hồ Chí Minh.

Bộ Công thương cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 3/2019, giá sắn nguyên liệu trong nước giảm nhẹ do nhu cầu yếu.

Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.700 – 2.850 đồng/kg, giảm 150 đồng/ kg so với cuối tháng 02/2019. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.300 – 2.550 đồng/ kg, giảm 50 đồng/kg so với cuối tháng 02/2019.

Hiện tại, các đơn vị kinh doanh sắn lát chủ yếu nhập hàng dự trữ với hy vọng vụ sắn 2018 - 2019 sẽ khả quan hơn so với vụ 2017 - 2018.

Do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm, nên chào giá xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam tăng lên, trong khoảng 440 - 450 USD/tấn FOB cảng TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam vẫn trong trạng thái ảm đạm do nhu cầu mua từ phía Trung Quốc chưa có nhiều.

Theo Tổng cục Hải quan trong tháng 02/2019 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 136,86 nghìn tấn, trị giá 52,79 triệu USD, giảm 50,1% về lượng và giảm 47% về trị giá so với tháng 01/2019; giảm 20,4% về lượng, nhưng tăng 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2018, lên 385,8 USD/tấn.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 409,25 nghìn tấn, trị giá 151,82 triệu USD, giảm 28,5% về lượng và giảm 13,3% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 370,9 USD/tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2018.

NGUYỄN MINH - T.A

ĐBSCL phát triển hơn 170.000 ha cánh đồng lớn

Nguồn tin: VOV

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được duy trì và phát triển ở ĐBSCL như: cánh đồng lớn hơn 170.000 ha; mô hình sản xuất lúa hữu cơ…

Sáng nay (21/3), tại tỉnh Trà Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị Sơ kết trồng trọt vụ đông xuân 2018-2019 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông, vụ mùa 2019 các tỉnh Nam bộ.

Hội nghị sơ kết trồng trọt vụ đông xuân khu vực Nam bộ 2018-2019. Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2018-2019, tổng diện tích xuống toàn vùng là hơn 1.600.000 ha, tăng hơn 30.000 ha; năng suất bình quân ước đạt 6,8 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha so cùng kỳ năm trước.

Trong vụ đông xuân vừa qua, nông dân quan tâm hơn đến việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận và tương đương đạt tỷ lệ 77%; chương trình phát động giảm khối lượng giống gieo sạ đang có bước chuyển tích cực. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được duy trì và phát triển như: cánh đồng lớn hơn 170.000 ha; mô hình sản xuất lúa hữu cơ; sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm"...

Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu này, ĐBSCL sẽ gieo sạ 1,6 triệu ha. Theo đó, Cục trồng trọt đề ra lịch thời vụ, cơ cấu giống cụ thể cho từng vùng; tiếp tục thực hiện việc xuống giống đồng loạt, tập trung từng cánh đồng theo dự báo nguồn nước và dự báo rầy nâu di trú, rầy nâu tại chỗ; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng "1 phải, 5 giảm", cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương bố trí lịch thời vụ, tuân thủ lịch xuống giống sát với thực tế, có dự tính, dự báo những diễn biến bất thường của thời tiết như mưa lũ để chủ động phòng tránh; giảm thiếu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra do dịch hại trong sản xuất trồng trọt./.

Sa Oanh/VOV-ĐBSCL

Giá cà phê, hồ tiêu tăng nhẹ

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Sau nhiều tháng liền nằm ở mức “chạm đáy”, những ngày gần đây, giá cà phê và hồ tiêu có dấu hiệu tăng nhẹ.

Đến chiều 21-3, giá cà phê nhân xô tại Đắk Lắk ở mức 33.000 đồng/kg, Lâm Đồng là 32.000 đồng/kg, Gia Lai là 32.800 đồng/kg và Đắk Nông là 32.700/kg; tăng khoảng 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước. Thị trường hồ tiêu ở mức 46.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng so với tuần trước.

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNN huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, giá cà phê thời điểm hiện nay đang dao động nhẹ, có chiều hướng tăng, người nông dân sản xuất cà phê trừ hết chi phí thì có lãi nhưng không đáng kể.

ĐÔNG NGUYÊN

Cà phê Sơn La ra mắt thị trường

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Ngày 22/3, Phúc Sinh Group cho ra mắt sản phẩm Blue Son La, được lựa chọn từ những hạt cà phê Arabica ngon nhất của vùng cà phê đặc sản Sơn La. Và cũng công bố chất lượng dòng sản phẩm đạt chuẩn Specialty Coffee của Blue Son La trên thị trường thế giới.

Cà phê Arabica từ trước đến nay luôn có giá trị nhất trong các loại cà phê và được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Thế nhưng, ở Việt Nam loại cà phê này chưa được trồng phổ biến. Những nơi trồng nhiều cà phê Arabica phải kể đến Đà Lạt, Điện Biên, Quảng Trị và Sơn La. Trong đó, Sơn La hiện là tỉnh có sản lượng cà phê Arabica đứng thứ 2 Việt Nam. Tuy nhiên, người nông dân trồng cà phê ở Sơn La từng gặp nhiều khó khăn vì giống cây này khá “khó tính” và tại Sơn La lúc này chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư.

Ông Phan Minh Thông giới thiệu quy trình sản xuất và chất lượng Blue Sơn La với báo chí

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, đánh giá cao chất lượng cà phê tại Sơn La. Năm 2017, Phúc Sinh Group đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng nhà máy chế biến cà phê quy mô lớn tại Sơn La, có hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm. Phúc Sinh cũng hỗ trợ các nông hộ trồng cà phê thông tin, nâng cao kỹ thuật trồng cà phê, tạo điều kiện tốt nhất như cam kết giá mua luôn cao hơn thị trường cho nông dân Sơn La yên tâm sản xuất.

Lần đầu đưa sản phẩm Blue Son La ra thị trường quốc tế với chất lượng Specialty Coffee, nhiều khách hàng tại triển lãm nông sản Amsterdam không tin. Tuy nhiên, sau khi kiểm định chất lượng, Phúc Sinh đã nhận được đơn đặt hàng 95% sản phẩm đang có (điểm đạt chất lượng specialty năm đầu tiên của Blue Son La là 84/100). Đức là thị trường lớn nhất của Blue Son La và tiếp theo là Canada… Đặc biệt, các sản phẩm Blue Son La được xuất đi với bao bì mang thương hiệu Blue Son La của Phúc Sinh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, Phúc Sinh Group cũng chú trọng đến thị trường nội địa bằng các sản phẩm cà phê nguyên chất 100% đúng tiêu chí "From Farm to Cup". Từ ngày 25/3, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua Blue Son La và các sản phẩm của Phúc Sinh Group thông qua hệ thống coffee shop, siêu thị, website (www.kphucsinh.vn) – fanpage Facebook KCoffee (facebook.com/KcoffeePhucSinh) và website bán hàng trực tuyến Tiki. Với việc ra mắt sản phẩm Blue Son La, người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức dòng cà phê đặc biệt (Specialty Coffee) Arabica. Đây cũng là lần đầu tiên người Việt Nam được mua cà phê Arabica với chất lượng hàng đầu thế giới, mà không phải là qua nhập khẩu.

PHƯƠNG CHI

Ðịnh hướng phòng trừ virus gây bệnh xoăn lá cà chua Lâm Ðồng

Nguồn tin: Báo Lâm Ðồng

Trong phóng sự “Chua chát cà chua” đã được đăng tải trước đây, Báo Lâm Ðồng phản ánh về hiện tượng cây cà chua bị bệnh xoăn lá trên diện rộng và trong thời gian dài đã gây thiệt hại kinh tế không nhỏ đối với nông dân cũng như các lĩnh vực liên quan. Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là khẩn trương tìm giải pháp khắc phục, Trường Ðại học Ðà Lạt (ÐHÐL) đã nghiên cứu đề tài này trên cơ sở đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Ðồng.

Hội thảo giữa 4 nhà: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Ảnh: M.Đạo

Thiệt hại kinh tế không nhỏ

PGS. TS Sinh học Nguyễn Văn Kết - Hiệu phó Trường ĐHĐL cho rằng, đây là đề tài khó, nhưng nếu kết quả nghiên cứu thành công sẽ đưa lại hiệu quả lớn, rất có ý nghĩa xã hội đối với ngành nông nghiệp. Được biết, năm 2017, riêng 2 địa phương huyện Đức Trọng và Đơn Dương (địa bàn tập trung canh tác cà chua lớn nhất tỉnh) có tổng diện tích 951 ha cây họ cà bị nhiễm bệnh xoăn lá virus; trong đó, 450 ha nhiễm nặng và 64 ha phải nhổ bỏ tiêu hủy. So với những năm trước, thành phần loài virus trên cây họ cà hiện nay rất đa dạng, làm cây còi cọc, phát triển kém, không đậu trái hoặc trái bị sượng, dẫn đến năng suất thấp, sản lượng giảm nghiêm trọng. Cùng đó, tình hình diễn biến bệnh vẫn lặp lại những năm sau. Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) thuộc Sở NN&PTNT Lâm Đồng và Khoa Sinh học Trường ĐHĐL đã triển khai đề tài nhằm nghiên cứu và định hướng phòng trừ. Bước đầu nhóm tác giả đã công bố một số thông tin và giải pháp trước sự thảo luận của đại diện Hội Nông dân tỉnh và huyện, doanh nghiệp và nông dân.

Số liệu từ Cục Thống kê Lâm Đồng, năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng 12.150 ha rau họ cà; trong đó, cà chua 6.623 ha. Về diễn biến nhiễm virus gây hại cà chua, Phó Chi cục TT&BVTV Đào Văn Toàn cho biết: bệnh gia tăng mạnh từ giữa tháng 7/2016, diện tích nhiễm 936 ha, trong đó 366 ha nhiễm nặng và 150 ha phải nhổ bỏ tiêu hủy. Năm 2017 như đã nêu số liệu ở trên; năm 2018 có 850 ha nhiễm, tỷ lệ thiệt hại từ 20-70%; năm 2019, hiện đang có 74 ha nhiễm virus, tỷ lệ thiệt hại từ 17-40%. Về nguyên nhân, kết quả nghiên cứu được công bố từ các đơn vị, tổ chức khoa học Việt Nam và khu vực cho thấy: 65,3% mẫu thu thập tại vườn ươm sản xuất cà chua ghép nhiễm virus ToMV; 80,7% nhiễm CMV. Trên vườn sản xuất có 25,6 mẫu nhiễm virus TNRV và 7,6% nhiễm virus TSWV. Vector truyền bệnh bao gồm rệp, bọ trĩ, bọ phấn. Theo ông Toàn, khó khăn và tồn tại hiện nay là chưa sản xuất, kiểm soát được nguồn cây giống sạch bệnh từ các cơ sở cung cấp cây giống. Chính thực tế này, đại diện Hội Nông dân huyện Đơn Dương, ông K’Điệp mong nhóm nghiên cứu làm cầu nối giữa nông dân với cơ sở sản xuất giống, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng. Một tồn tại khác là hiện biện pháp quản lý tại vườn trồng cũng chưa đồng bộ; trong lúc đó, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh cây giống ở huyện hầu hết chưa chủ động thực hiện.

Bệnh xoăn lá trên cây cà chua ở huyện Đơn Dương (ảnh chụp năm 2018). Ảnh: M.Đ

Cần nhiều giải pháp đồng bộ từ 4 nhà

Qua điều tra, thu thập tại hiện trường các vườn ươm Thiên Sinh, Thuần Hiền ở huyện Đơn Dương; Tiến Trâm, Phong Thúy, Trang Thời-K’Nai ở huyện Đức Trọng, cùng 32 vườn trồng ở 2 huyện này, nhóm nghiên cứu bước đầu đưa ra một số kết quả để nhận diện. Thay mặt nhóm, ông Lê Ngọc Triệu (ĐHĐL) có một số nhận xét sau: Tần suất các mẫu nhiễm virus tập trung nhiều hơn ở các vườn trồng không được che chắn, do đó vấn đề lây nhiễm virus gây xoăn lá cà chua qua các loại côn trùng là vector trung gian truyền bệnh. Bên cạnh đó, sự có mặt của virus ToMV trong hạt giống gốc ghép, cho thấy nguy cơ lây nhiễm qua hạt giống. Các virus ToMV, CMV, ToRSV và PVY có khả năng gây xoăn lá cà chua cũng được tìm thấy trên mẫu các ký chủ chung. Do vậy, nguy cơ duy trì và phát tán nguồn bệnh từ các cây trồng là hiện hữu. Trong các loại virus xuất hiện ở địa bàn Đơn Dương và Đức Trọng, phổ biến nhất là ToMV và Topovirus chưa xác định được loài.

Đại diện Vườn ươm Tiến Trâm ở Đức Trọng mong các nhà khoa học cung cấp thông tin hiện tượng xoăn lá cụ thể về thời gian, mức độ... để người nông dân và doanh nghiệp chủ động hơn trong phòng ngừa. Theo cảm quan của đại diện doanh nghiệp này, vùng nào có mật độ trồng càng dày thì mức độ nhiễm virus càng lớn. Ông Nguyễn Khoa Trưởng (ĐHĐL), thành viên nhóm nghiên cứu đề tài đưa ra một số giải pháp cụ thể. Đối với vườn ươm, phải có khu ủ giá thể riêng, tách biệt các khu vực thao tác đóng vỉ, gieo, nuôi cây chưa ghép, ghép cây ủ tối... Mặt khác, thường xuyên vệ sinh các khu vực sản xuất và phát quang, làm cỏ khu vực xung quanh định kỳ. Vườn ươm cần có khu vực nuôi cây từ hạt, nuôi cây ghép trong mát và nuôi cây chuẩn bị xuất vườn trong màng với mái, chân nylon kết hợp với lưới chắn côn trùng > 50mesh trở lên. Cùng đó, các yếu tố cần và đủ của nhà ươm còn là: cao ráo, thông gió, có gian trung gian cùng với quạt thổi gió ngược và bể chứa dung dịch vệ sinh trước khi vào các khu vực nuôi, ủ cây. Hạt giống phải đảm bảo không bị nhiễm virus; giá thể ươm cây cần được xử lý mầm bệnh kỹ lưỡng...

Đối với vườn trồng, việc phun thuốc BVTV đúng liều lượng và phương pháp là hết sức quan trọng. Khâu này không chỉ phòng trừ sâu bệnh cho cà chua mà còn đối với cỏ dại hoặc cây trồng khác có mặt trên diện tích trồng lân cận. Một thực tế cần được khắc phục nghiêm đó là thu gom tàn dư thực vật phải vừa thường xuyên vừa đảm bảo tiệt sạch được trùng bệnh bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp sâu ở nơi xa vùng canh tác cà chua. Việc thường xuyên phát quang, làm cỏ để xử lý dứt điểm côn trùng truyền bệnh cũng là một giải pháp hữu hiệu. Để kiểm soát, ngăn chặn và tiêu diệt các nhóm côn trùng, người trồng còn cần đặt bẫy côn trùng, làm nhà màng, nhà lưới đúng quy cách (lưới > 50mesh), cửa ra vào có khu vực cách ly và sử dụng thuốc BVTV đúng quy chuẩn...

Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất bệnh xoăn lá cây cà chua ở Lâm Ðồng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Chỉ có khi đạt được tính kịp thời, sự đồng bộ và nhất quán từ nhận thức đến hành động giữa 4 nhà thì mới đạt được hiệu quả như mong đợi.

MINH ÐẠO

Quả điều tươi được thu mua 2-3 ngàn đồng/kg

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Khoảng 2 tuần trở lại đây, có thông tin thương lái thu mua quả điều tươi sau khi đã lấy hạt với giá từ 2.000-3.000 đồng/kg nên nhiều người dân trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã đổ xô vào rẫy thu gom quả điều để bán. Dù không biết thương lái thu mua để làm gì, nhưng đa phần họ vui vì có thêm thu nhập từ loại quả mà lâu nay vẫn bỏ đi.

Trong vai người dân muốn cung cấp quả điều sau thu hoạch, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với chị Oanh, một thương lái chuyên thu mua quả điều tại thị trấn Tân Phú. Chị Oanh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi mua loại quả này. Sau khi gom đủ số lượng đặt hàng, sẽ cho xe tải đến chở về thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Nghe nói họ mua loại quả này để chế tạo cồn”.

Những quả điều tươi phải vừa chín, còn nguyên vẹn và được bảo quản cẩn thận thương lái mới thu mua (ảnh trái). Một tấm bảng thu mua quả điều kèm theo số điện thoại được thương lái treo tại địa bàn thị trấn Tân Phú

Theo chị Oanh, hiện giá quả điều tươi do người dân chở về bán tại chợ Đồng Phú là 3.000 đồng/kg; nếu mua tại rẫy thì chỉ 1.500 đồng/kg. Những quả điều thu mua yêu cầu còn nguyên vẹn, vừa chín, được cho vào thùng và không bị giập nát khi vận chuyển. Ngày 2 chuyến, trưa và chiều xe sẽ về tận nơi để thu gom chuyển về thành phố Hồ Chí Minh. Anh Trần Hà ở xã Tân Tiến cho biết: “Tôi mới biết thông tin có thương lái thu mua quả điều tươi nên cả nhà tranh thủ vào rẫy thu hoạch điều, vừa gom được gần 4 tạ quả. Với giá bán 2.500 đồng/kg, gia đình tôi thu về cả triệu đồng”. Anh L.V.Đ có rẫy tại xã Tân Hòa nói: “Từ trước đến nay, quả điều chỉ lấy hạt, còn vứt bỏ quả. Năm nay có thương lái thu mua, dù số lượng chưa nhiều nhưng người trồng điều rất phấn khởi. Không biết họ gom quả điều tươi để làm gì”.

Việc thương lái thu mua quả điều với giá khá cao khiến nhiều người dân đổ xô vào các rẫy điều để gom phần quả. Điều này khiến nhiều hộ dân có rẫy điều lo lắng. Anh N.T.T ở thị trấn Tân Phú cho biết: “Nhà tôi có 2 ha điều tại xã Tân Lợi. Từ nhà vào rẫy khoảng 8km, năm nay điều mất mùa nên khoảng 1 tuần gia đình mới vào rẫy thu hoạch 1 lần. Gần đây, nhiều người đổ xô đi gom quả nên chúng tôi phải vào thăm rẫy thường xuyên đề phòng mất trộm”.

Trước sự việc người dân gom quả điều bán cho thương lái, phóng viên đã trao đổi với đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú được biết, trung tâm đã nắm tình hình. Tuy nhiên, lượng thu mua còn nhỏ lẻ, chủ yếu trên địa bàn thị trấn Tân Phú và một số xã lân cận. Còn việc thu mua quả để làm gì và bán cho đơn vị nào thì không rõ vì không thuộc chức năng, nhiệm vụ của trung tâm.

X.T

Thừa Thiên Huế: Hàng trăm ha lúa đang thiếu nước

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Thời tiết nắng nóng khiến hàng năm ha lúa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang bị hạn. Thời gian đến, nếu không có mưa nhiều diện tích lúa sẽ bị hạn nặng.

Lúa chết cháy bạc cánh đồng

Lúa chết cháy

Thời điểm này, tình hình hạn hán đang ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa ở các địa phương như huyện A Lưới, Nam Đông, thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang).

Tại thị trấn Phú Đa, dọc theo những cánh đồng lúa ở tổ dân phố Viễn Trình, Lương Viện, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt. Hằng năm, số diện tích này chỉ đưa vào gieo trồng vụ đông xuân. Nhiều đồng ruộng lúa đang rơi vào tình trạng chết cháy, bạc cánh đồng. Ông Phan Văn Thương (tổ dân phố Lương Viện, thị trấn Phú Đa) cho biết, vụ này đưa vào gieo cấy 2 mẫu ruộng, do thời thiết bất lợi, số diện tích lúa của ông đã bị cháy hơn một mẫu. “Chưa năm mô hạn nặng như năm nay. Từ cuối tháng 12 đến nay, hầu như trời không mưa, không có một giọt nước. Ruộng ở đây chỉ trồng được một vụ đông xuân, tình hình lúa chết như ri thì coi như mất trắng”, ông Thương than.

Được biết, tại khu vực này vụ đông xuân đưa vào gieo trồng khoảng 150 ha và hiện nay không chỉ ông Thương, hơn 15 ha của nhiều hộ dân khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, lúa cháy sém, mất trắng.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phú Vang, vụ đông xuân năm nay toàn huyện đưa vào gieo trồng khoảng 6.500 ha lúa. “Diện tích lúa tại tổ dân phố Viễn Trình, Lương Viện từ trước đến nay không thể đưa nước vào. Nông dân chủ yếu dựa vào nguồn nước tự nhiên, thế nhưng từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng nên cạn kiệt nguồn nước. Sắp tới, nếu trời có mưa, nông dân có thể vớt vát lại một ít diện tích bị hạn. Để khắc phục tình trạng thiếu nước tại đây, UBND tỉnh cũng đang triển khai hệ thống thủy lợi, đấu nối đưa nước vào đồng ruộng”, ông Mạnh nói.

Không chỉ Phú Vang (địa phương có khoảng 50ha lúa thiếu nước), hiện trên toàn tỉnh có hơn 160 ha lúa đang thiếu nước, chủ yếu tập trung ở hai huyện vùng cao là A Lưới và Nam Đông, nơi hệ thống thủy lợi, tưới tiêu vẫn còn yếu kém. Theo đó, huyện A Lưới có hơn 80 ha bị hạn tập trung ở xã Hồng Quảng, A Ngo, Phú Vinh; huyện Nam Đông có 30 ha lúa bị hạn tập trung ở các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Hữu, Hương Hòa.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện A Lưới thông tin, thời tiết bất lợi, các con suối khô nước khiến cho gần trăm ha lúa tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Một số diện tích lúa chết cháy. Thời gian đến, lượng nước ở của các suối tiếp tục bị thiếu hụt thì diện tích trên sẽ bị hạn nặng.

Ông Phan Văn Thương buồn rầu trước diện tích lúa bị mất trắng

Chuyển đổi cây trồng phù hợp

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, hiện tượng El Nino hoạt động mạnh nên lượng mưa và dòng chảy bị thiếu hụt, dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đang ở mức thấp. Với nguồn nước trữ hiện tại, khoảng 700 ha lúa đông xuân có khả năng bị hạn vào cuối vụ, tập trung ở các vùng cuối kênh tưới, các diện tích nằm ở các hồ, đập thủy lợi có dung tích nhỏ ở vùng gò đồi, vùng cát ven biển thuộc huyện Nam Đông khoảng 50 ha; huyện A Lưới khoảng 200 ha; huyện Phong Điền khoảng 100 ha ở các xã Phong Sơn, Phong An và xã Phong Hòa; huyện Quảng Điền khoảng 50 ha ở xã Quảng Công, Quảng Ngạn; thị xã Hương Trà khoảng 100 ha ở xã Hương Thọ, xã Bình Thành và xã Hải Dương; huyện Phú Vang khoảng 100 ha ở xã Phú Diên, Phú Xuân, Vinh An, Vinh Thanh, huyện Phú Lộc khoảng 100 ở xã Lộc Tiến, Vinh Hưng, Vinh Giang và Vinh Hải .

“Đối với vụ hè thu, nếu thời tiết diễn biến như dự báo, khoảng 3.000 ha lúa có khả năng bị hạn, tập trung các vùng không có công trình thủy lợi hoặc không chủ động được nguồn nước như vùng cát ven biển, vùng gò đồi, vùng cuối kênh thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thi xã Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới. Hiện nay, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang phối hợp với địa phương lắp đặt các máy bơm dầu, bơm điện để bơm chuyền dến các diện tích thiếu nguồn nước”, ông Hùng Thông tin.

Nông dân sửa chữa hệ thống bơm nước vào đồng ruộng

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh đưa vào gieo trồng 28.687 ha lúa. Ngoài số diện tích ở vùng gò đồi, vùng đất cao không chủ động được nguồn nước đang bị hạn hán, còn lại lúa sinh trưởng, phát triển tốt và đang trong thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ. “Với diễn biến thời tiết như thế này, năm nay nông dân có thể thu hoạch sớm hơn từ 7-10 ngày”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh nói.

Hiện nay, nông dân cũng đang lo lắng về tình trạng sâu bệnh đang phát triển mạnh. Theo đó, toàn tỉnh có 1.500 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn (tăng 455 ha so với cùng kỳ năm trước); 100 ha bị nhiêm bệnh đạo ôn cổ lá đòng; 200 ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ… “Nông dân cần theo dõi diễn biến sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hợp lý. Trước mắt cần chủ động phòng ngừa bệnh đạo ôn và lem lép hạt bởi lúa đang giai đoạn trổ”, ông Thọ khuyến cáo.

Theo ông Thọ, tại nhiều diện tích lúa đang bị nhiễm mặn, thiếu nước do hạn, nông dân cần chủ động những biện pháp như tưới tiết kiệm, tu bổ, nạo vét kênh mương để tạo ra nguồn nước tưới tiêu phù hợp.

Trước dự báo hạn hán có thể tiếp tục xảy ra, ông Hồ Đắc Thọ cho biết: “Với tình hình như hiện nay, vụ hè thu trong năm nay nông dân cần chủ động kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp, đặc biệt tại những đồng ruộng không chủ động nguồn nước”.

Bài, ảnh: L. Thọ

Xã Cao Quảng (Tuyên Hóa, Quảng Bình): Hướng làm giàu từ cây sả

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Tận dụng lợi thế đất gò đồi, những năm qua, cấp ủy chính quyền xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thử nghiệm các giống cây mới đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình trong số đó là mô hình trồng sả lấy tinh dầu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quang, thôn Cao Cảnh.

Cao Quảng là xã miền núi đặc biệt khó khăn với địa hình phức tạp, các lèn núi đá bao vây, chia cắt xã với các địa phương khác trong huyện Tuyên Hóa. Đặc thù địa hình khiến việc đi lại và giao thương của người dân địa phương với bên ngoài rất gian nan.

Trước đây, đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng, tuy nhiên, những năm gần đây, xã vùng núi này được các cấp chính quyền ưu tiên nguồn lực để phát triển kinh tế, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Đặc biệt, nhận thức của người dân về việc khai thác, tận dụng nguồn lực sẵn có, cũng như việc áp dụng, chuyển đổi khoa học kỹ thuật trong sản xuất vẫn chưa cao. Bởi vậy, khi đến thăm mô hình trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Quang, thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi quy mô và sự đa dạng các loại cây trồng trên diện tích 14 ha đất đồi. Trong đó, phải kể đến 5 ha cây sả dầu đã đến kỳ thu hoạch.

Mô hình trồng sả lấy tinh dầu mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông Nguyễn Văn Quang, thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa.

Ông Quang cho biết, năm 2010, khi phong trào trồng cây cao su phát triển mạnh, ông quyết định vay mượn tiền mua lại hơn 10 ha diện tích đất đồi ở Cao Quảng để trồng cao su, tuy nhiên, do giá mủ biến động cùng với những cơn bão liên tiếp xảy ra khiến phần lớn diện tích cây cao su bị gãy đổ. Kinh tế gia đình đi vào ngõ cụt, có nguy cơ phải bán đất trả nợ. Không cam chịu trước số phận, ông mày mò tìm kiếm một hướng đi mới.

Cuối năm 2014, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông tình cờ biết đến cây sả Java có xuất xứ từ Inđonesia là cây dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết định thu thập giống sả này về nhân giống. Cây sả dầu dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển nhanh với khoảng trên 10.000 ngàn gốc như hiện nay.

Ông Quang chia sẻ: "Kỹ thuật trồng cây sả dầu này tương đối đơn giản, vì cây sả sống khỏe, ít sâu bệnh, có khả năng thích ứng tốt. Nếu tích cực chăm sóc, làm cỏ, bón phân theo đúng quy trình, cây sả sẽ phát triển tốt. Thị trường tiêu thụ ổn định, do đó, lợi nhuận từ cây sả cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác".

Sau khi nhân giống thành công, ông Quang tiếp tục mày mò tìm hiểu quy trình kỹ thuật chiết xuất tinh dầu và tự thực hiện các bước khép kín ngay tại trang trại.Hiện nay, tinh dầu sả là một mặt hàng rất được ưa chuộng do có nhiều công dụng cho sức khỏe, đầu ra của thị trường khá lớn. Tinh dầu sau khi chiết xuất sẽ được gia đình ông nhập cho các đầu mối lớn trong và ngoài tỉnh.

Do mỗi lứa sả chỉ thu hoạch cách nhau từ 45-60 ngày, nên tinh dầu sả được ông xuất bán hầu như quanh năm, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch 5 lứa sả nguyên liệu, mỗi lứa chiết xuất hơn 60 lít tinh dầu. Mỗi lít tinh dầu sả được bán với giá từ 1,6 đến 2 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu lãi gần 400 triệu đồng từ trồng sả.

"Hiện tại, cây sả là nguồn thu nhập chính của gia đình, từ nguồn thu nhập này, gia đình tôi có điều kiện để trang trải cuộc sống, đồng thời, có vốn đầu tư trở lại cho các cây trồng khác trong trang trại", ông Quang cho hay.

Thành công từ mô hình trồng sả, ông Nguyễn Văn Quang còn nghiên cứu trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: cam xã Đoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mít, ổi…Đến nay, ngoài 5 ha diện tích trồng sả, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Quang còn có 6 ha diện tích cao su, 3 ha diện tích trồng cam, bưởi và các loại cây ăn quả khác, 1ha diện tích ao cá, trên 20 đàn ong lấy mật…

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Quảng cho biết: "Từ mô hình của ông Quang, Hội Nông dân xã sẽ nghiên cứu nhân rộng trên địa bàn, đồng thời, chủ động tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm tinh dầu sả để góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hội viên trong toàn xã".

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, hiện nay, nhiều hộ dân khác ở xã Cao Quảng cũng đang tích cực đưa vào trồng thử nghiệm các giống cây trồng mới, bước đầu cho hiệu quả kinh tế ổn định. Mô hình trồng sả lấy tinh dầu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quang đang được xã Cao Quảng nghiên cứu nhân rộng, mở ra hướng đi mới, hiệu quả đối với người nông dân trên địa bàn.

X.Phú-T.Anh

Khởi nghiệp với nấm rơm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Một nhóm thanh niên ở xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nấm sạch. Bước đầu, mô hình này đã mang lại những tín hiệu tích cực.

Từ ý tưởng giải quyết việc làm cho một số thanh niên nhàn rỗi tại địa phương, anh Ngô Xuân Đức - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương đã đứng lên kêu gọi một nhóm thành lập tổ hợp tác nấm sạch. Anh Đức cho biết, trước đây ở địa phương, sau mỗi vụ thu hoạch, nông dân có diện tích canh tác ở những chân ruộng cao thường làm nấm rơm bên ngoài trời. Tuy nhiên, việc này tự phát và nhỏ lẻ, làm theo kinh nghiệm nên manh mún và không phát triển, được một thời gian thì không ai còn làm nữa. Trong khi đó, vùng đất Vạn Lương là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu rơm sạch cho rất nhiều vùng trồng nấm tại Nha Trang và các tỉnh lân cận như: Bình Định, Phú Yên. Nhận thấy những lợi thế đó, anh Đức đã kêu gọi một số thanh niên trong xã cùng làm.

Anh Đức bên mô hình trồng nấm rơm sạch.

“Ban đầu, chỉ có tôi và một người bạn, sau này có thêm 6 thanh niên cùng chung tay, góp vốn để thành lập tổ hợp tác nấm sạch. Tổ mới thành lập từ tháng 11-2018 và sau Tết Nguyên đán mới bắt đầu hoạt động. Chúng tôi gom được 200 triệu đồng, xin thuê khu sân kho của Hợp tác xã Vạn Lương 1 với giá ưu đãi, chỉ 3 triệu đồng/năm, trong 5 năm. Sau đó, anh em tranh thủ ban đêm tập trung để làm trại nuôi nấm trong nhà. Do kinh phí hạn hẹp nên lán trại mọi thứ đều do thành viên trong tổ hợp tác tự làm. Giống nấm được chúng tôi mua từ một cơ sở uy tín tại thị xã Ninh Hòa”, anh Đức cho biết.

Nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm rơm, anh Trần Trọng Hoan chia sẻ, do mới bắt đầu triển khai mô hình nên gặp khá nhiều khó khăn, các thành viên chủ yếu học trên mạng và tham khảo một số kinh nghiệm của các cơ sở khác. Khó nhất là khâu ủ rơm phải đúng phương pháp, dùng nhiệt độ thanh trùng xử lý rơm nguyên liệu hoàn toàn sạch mầm bệnh (không còn mọt rơm). Sau khi ủ được cấy giống, nuôi ủ, trộn với chất bổ sung và xếp lên giàn kệ chăm sóc cho nấm phát triển. “Tiêu chí sạch được đưa lên hàng đầu của tổ hợp tác, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, không bón phân vô cơ. Nấm đạt yêu cầu phải có hình dạng nấm khô ráo, gốc nấm trắng, màu sắc sáng tự nhiên. Do mới trồng nên tỷ lệ chưa thực sự cao, anh em dự tính sẽ đi học tập kinh nghiệm và mời thêm một kỹ sư chuyên trồng nấm tại Nha Trang hướng dẫn kỹ thuật. Hiện tổ cung cấp hai loại, loại 1: nấm búp cứng giòn có giá 100.000 đồng/kg và loại 2 nấm chưa nở nhọn đầu hoặc vừa nứt đầu vỏ với giá 80.000 đồng/kg”, anh Hoan nói.

Sau khi đi vào hoạt động, từ sau Tết đến nay, tổ hợp tác trồng nấm sạch trong nhà tại Vạn Lương đã có những kết quả ban đầu. Tổ đã thu được hơn 2 tạ nấm sạch trên diện tích gần 180m2. Nói về hướng đi trong thời gian tới, các thành viên cho hay đang làm thủ tục vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất, làm thêm 3 nhà nấm. Đồng thời, tổ cũng đã làm việc với các trường mầm non trên địa bàn và nhiều nơi đã đồng ý hợp tác, cung cấp nấm sạch cho các cháu. Không chỉ vậy, tổ cũng làm các kiot đưa ra các khu vực đông dân cư giới thiệu và bán sản phẩm.

Khởi nghiệp từ mô hình trồng nấm rơm sạch không phải mới nhưng cũng là một hướng phát triển kinh tế với kỳ vọng lớn từ nhóm thanh niên này. Mục tiêu của họ hướng đến sản xuất theo quy trình VietGAP, cung cấp cho người dân sản phẩm chất lượng tốt nhất.

MẠNH HÙNG

Những nông dân ‘đón đầu’ hội nhập

Nguồn tin:  Báo Đắk Nông

Bằng sự năng động, sáng tạo, nhiều nông dân Đắk Nông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường.

Trang trại heo "hạng sao"

Trang trại nuôi heo của Hợp tác xã Đồng Tiến, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) nhiều năm nay được cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn đánh giá có quy mô lớn, công nghệ hiện đại bậc nhất so với cả nước ở tầm "hạng sao".

Mỗi năm HTX Đồng Tiến xuất bán hơn 5.000 heo giống, heo thịt ra thị trường. Ảnh Thùy Dung

Với tổng diện tích hơn 2.000 m2, trang trại đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi kiên cố, hiện đại với các hạng mục hoàn chỉnh về nhà nuôi, thoát nước, vệ sinh, phòng dịch bệnh. Hiện nay, mỗi năm, trang trại cung ứng ra thị trường trên 10.000 con heo con và heo thịt chất lượng cao. Trong đó, heo giống chủ yếu bán cho các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Tiến thì trước khi nuôi heo, như nhiều người dân khác, gia đình ông canh tác cây công nghiệp. Năm 2006, ông bắt đầu nuôi heo nái, những năm sau đó đều có lãi. Năm 2013, ông vận động thành lập hợp tác xã, huy động vốn xã viên, vốn vay ngân hàng khoảng 22 tỷ đồng bắt đầu chăn nuôi heo theo hướng khép kín, an toàn dịch bệnh. Xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, trong đó có 2 khu vực riêng gồm: Một khu chuyên sản xuất giống và khu còn lại chuyên nuôi heo hậu bị, heo đực và heo thương phẩm. Đầu tư 2,3 tỷ đồng trang bị máy tự động điều hòa hơi nước để điều hóa gió và nhiệt độ thích hợp tạo môi trường sống cho heo phát triển tốt.

Vấn đề quan trọng khác là HTX chủ động liên kết với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cung cấp thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm. Luôn duy trì khoảng 20 lao động, kỹ thuật hàng ngày thực hiện chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, việc cho ăn, uống được đầu tư hệ thống tự động, bán tự động. Ông Hưởng cho biết thêm: Áp dụng quy trình chăn nuôi hiện đại, khép kín bảo đảm an toàn thực phẩm là cả một vấn đề, đòi hỏi sự kiên trì và cần có nguồn vốn lớn.

Cùng với máy móc, công nghệ thì còn phải đồng bộ với các yếu tố kỹ thuật khác trong chăm sóc, phòng bệnh thì mới mang lại hiệu quả. Ví dụ như trong thời điểm dịch tả châu Phi đang bùng phát như hiện nay thì vấn đề tiêu độc, khử trùng, cách ly phải bảo đảm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, quy trình sản xuất này giúp hợp tác xã giảm được đáng kể chi phí sản xuất, nên trong nhiều năm qua, kể cả những khi thị trường không thuận lợi, nhiều nơi phải giải cứu thịt heo, thì HTX vẫn luôn phát triển một cách ổn định. Được biết, hiện nay, đơn vị đang nuôi 1.207 heo nái, 5.489 heo con, 33 con heo thịt và heo đực giống. Năm 2018, doanh thu HTX đạt gần 30 tỷ đồng.

Ông Hưởng chia sẻ: “Nông dân thời nay ngoài sự cần cù, chịu khó còn cần phải dám nghĩ, dám làm, coi khoa học công nghệ là đòn bẩy. Trong lĩnh vực chăn nuôi thì công tác bảo đảm môi trường và dịch bệnh phải luôn được đặt lên hàng đầu”.

Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, Đắk Nông hiện có khoảng 80 trang trại nuôi heo với quy mô từ hàng trăm đến hàng ngàn con. Hầu hết các trang trại này đều có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định.

Trang trại Gia Trung đầu tư hệ thống tưới phân bón thuốc bảo vệ thực vật đồng bộ

"Vua" sầu riêng nghịch mùa

Sở hữu 62 ha sầu riêng, nhưng ông Nguyễn Ngọc Trung, Chủ trang trại Gia Trung, bon Srê Ú, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) lại không sản xuất quả đúng vụ, vào khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm mà áp dụng những kỹ thuật riêng để tạo trái nghịch mùa. Theo đó, ông bán sản phẩm vào khoảng tháng 3 và tháng 4 với giá cao hơn. Hàng năm, vườn cây cho sản lượng khoảng 500 tấn, với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, trang trại có doanh thu khoảng 15 tỷ. Giữa tháng 3/2019, trang trại Gia Trung bắt đầu xuất bán sản phẩm. Năm nay, sầu riêng được mùa, được giá nên ông Trung càng vui vì những nỗ lực của mình đang được đền đáp xứng đáng.

Ông Nguyễn Ngọc Trung giới thiệu cho người dân về kỹ thuật xử lý ra hoa sầu riêng trái vụ

Để trồng sầu riêng thành công như ngày hôm nay ông cũng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thử thách. Vốn biết sầu riêng là cây khó tính bậc nhất trong các loại cây ăn quả nên ông đã đi khắp nơi để “tầm sư học đạo”. Tuy nhiên, lứa trồng đầu tiên với 4.000 cây cũng chỉ sống được trên 100 cây. Nguyên nhân là do ông đào hố cạn, đất nóng, mùa khô thiếu nước, không được che chắn cẩn thận. Những năm sau, khi cây phát triển được, đúng mùa thì giá không cao nên ông đã mày mò, học tập kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa trái vụ.

Theo đó, để ra hoa nghịch vụ thì phải dùng kỹ thuật cho cây rụng hết lá cũ, thay lá mới. Ông Trung dùng urê với nồng độ cao phun đều lên lá. Để phun được trên cây cao, tiết kiệm chi phí, trang trại đầu tư hệ thống máy tưới, bón phân đồng bộ. Khi cành ra được 7 đến 8 lá mới cũng là thời điểm cây trổ hoa theo, sau thu hoạch bón phân có hàm lượng lân cao, đạm ít. Từ năm 2012 đến nay, gia đình ông trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cung không đủ cầu.

HTX Công bằng Thuận An, Đắk Mil tái canh giống cà phê dây theo chuẩn quốc tế cho thu hoạch sau 3 năm

Thực tế sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, người nông dân được lợi rất nhiều. Bên cạnh những vấn đề trước mắt về kinh tế, thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả cạnh tranh thì lâu dài hơn đó là về sức khỏe cho bản thân, gia đình, người lao động, người tiêu dùng sản phẩm.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop