Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 07 năm 2017

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 07 năm 2017

Lại "vỡ mộng" vì… chanh dây!

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Khoảng 6 năm về trước, khi trái chanh dây được thương lái thu mua giá cao (khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg), người dân trong tỉnh Đắk Lắk đổ xô trồng loại cây này để mong làm giàu.

Rồi sau đó, đâu đâu cũng thấy người dân thu hoạch chanh dây, dẫn đến việc nguồn cung lớn hơn cầu, giá giảm mạnh chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí ở nhiều vùng, người trồng chanh không bán được đành phá bỏ. Câu chuyện đó lại đang tái diễn trong những tháng gần đây khiến không ít người điêu đứng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung ở thôn Ea Chăm, xã Ea Tân (huyện Krông Năng) có 2 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, tuy nhiên trước mức giá hấp dẫn của chanh dây (thời điểm cuối năm 2016 khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg), bà quyết định phá bỏ 1 ha cà phê, vay vốn ngân hàng được 80 triệu đồng để đầu tư mua cây giống, dây thép và thuê nhân công trồng chanh dây. Các nhà vườn bán cây giống trong xã đều “cháy hàng” chanh dây do nhiều người đổ xô trồng nên bà Dung phải sang một số vườn ươm của xã khác để gom đủ số lượng 500 cây giống với giá 40.000 đồng/gốc về trồng. Thế nhưng, khi vườn cây cứ xanh mượt lá mà chẳng thấy ra hoa, đậu quả, bà mới tá hỏa nhận ra mình mua nhầm giống “đểu”. Bà Dung buồn rầu cho hay, chanh dây trồng đã hơn 7 tháng mà khắp vườn chỉ có khoảng 10 cây ra quả, cây nhiều nhất được trên dưới 20 quả. Tính đến thời điểm này gia đình bà đã mất trắng khoảng trên 100 triệu đồng vì chanh dây, chưa kể công chăm sóc.

Bà Phan Thị Thùy Linh ở thôn Xuân Lộc, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng đang chăm sóc vườn chanh dây.

Còn với hộ ông Vũ Văn Thanh ở thôn Ea Tuk, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) những ngày này cũng đang như “ngồi trên đống lửa” bởi có bao nhiêu vốn liếng trong nhà từ đầu năm đến nay đã “dốc” hết vào 1,2 ha chanh dây. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, vườn chanh dây bắt đầu bước vào vụ cho thu hoạch thì cũng là thời điểm dịch bệnh hoành hành và giá trên thị trường rớt thảm. Ông Thanh tính toán, ngoài 100 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu thì mỗi tháng gia đình cũng phải mua thêm thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sâu bệnh 5 - 6 lần, cộng với tiền phân bón, thuê người chăm sóc… khoảng trên 10 triệu đồng.

Mặc dù hiện nay vườn cây cho năng suất khá cao, ước khoảng 12 tấn quả nhưng giá chanh dây trên thị trường chỉ còn 7.000 đồng/kg, trong khi tư thương lại ép đủ đường, kén chọn những quả to, chín mọng còn những quả nhỏ và bị đốm vỏ là không mua. “Nếu giá chanh dây giữ ổn định như trước khoảng 50.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lứa này gia đình tôi thu khoảng 450 triệu đồng, còn với giá cả như hiện nay thì lỗ khoảng 30 - 50 triệu đồng”- ông Thanh than thở.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay toàn tỉnh cũng có khoảng 500 ha chanh dây, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Năng, Krông Ana, Buôn Đôn, Krông Pắc… với năng suất bình quân đạt từ 8-9 tấn/ha. Trước thực trạng trên, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách để người dân hiểu hết những nguy hại của việc trồng cây theo phong trào, tránh tình trạng người nông dân lại sa vào cảnh “trồng chặt, chặt trồng”…

Lê Thành

Bưởi đỏ Hương Hồ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Gần một tháng nữa mới đến mùa thu hoạch, nhưng những vườn bưởi đỏ ở Hương Hồ (Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã được nhiều thương lái đặt mua.

Ngược dòng sông Hương, băng qua vùng đất Kim Long là bắt gặp những vườn bưởi đỏ xanh tốt, cây trái sum suê của phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà).

Ông Huân và vườn bưởi của mình

Ông Nguyễn Văn Huân, một trong những hộ có diện tích trồng bưởi đỏ khá lớn hồ hởi cho hay: “Cây bưởi chưa năm nào sai quả như năm nay, nặng trĩu cả cành, chất lượng trái cũng tốt nên bà con thương lái rất ưa chuộng. Chắc chắn năm nay trúng lớn”.

Cây bưởi đỏ cho thu nhập khá cao, căn nhà khang trang gia đình ông mới xây xong cũng phần lớn nhờ vào nguồn thu từ việc trồng bưởi. Năm ngoái, ông Huân thu lãi từ bưởi không dưới 50 triệu đồng.

Bưởi đỏ lúc xưa gọi là bưởi bành. Sở dĩ có tên gọi là bưởi đỏ vì giống bưởi này có ruột hồng, vị chua nhưng vẫn có thể cảm nhận độ ngọt thanh khi dùng thử. Bưởi đỏ càng để chín thì vị chua càng nhiều.

Người dân cho biết, giống bưởi này có từ thời xa xưa, do cha ông truyền lại và được trồng nhiều ở Hương Hồ. Đặc điểm thổ nhưỡng ở đây là đất bãi bồi, được sông Hương bồi đắp hàng năm khiến giống bưởi đỏ có hương vị rất đặc biệt.

Ngoài ông Huân, còn rất nhiều hộ khác đang trồng bưởi đỏ với diện tích lớn như hộ ông Nguyễn Văn Đãi, bà Phạm Thi Thanh Loan; lớn nhất phải kể đến vườn bưởi của ông Bùi Văn Mau với khoảng 100 gốc bưởi, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.

Bưởi đỏ là giống cây dài ngày, phải trồng từ 4-5 năm mới bắt đầu ra trái. Cây bắt đầu ra hoa vào tháng giêng cho đến khoảng từ tháng bảy, tháng tám Âm lịch thì thu hoạch.

Bình quân mỗi cây cho khoảng 250 trái, năng suất đạt từ 2-3 tạ. Hiện nay trên toàn địa bàn phường có hơn 100ha trồng bưởi của gần 800 hộ dân nằm rải rác, nhưng tập trung ở hai thôn Long Hồ Thượng và Xước Dũ.

Với giá bán từ 10-15 nghìn đồng/trái, được thương lái từ nhiều nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh… săn đón, cây bưởi đỏ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều hộ dân có thu nhập từ năm mươi đến vài trăm triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Sâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hương Hồ 1 cho biết, tuy đạt hiệu quả kinh tế khá tốt nhưng giống cây này cũng có một thời thăng trầm do thiên tai, dịch bệnh, vườn cây già cỗi nên không còn đạt hiệu quả. Kể từ khi HTX chọn cây bưởi là cây chủ lực trong phát triển kinh tế, chú trọng vào tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ thành viên cải tạo vườn thì giống bưởi đỏ Hương Hồ mới dần khởi sắc.

Theo kế hoạch, trong những năm tới, HTX sẽ vận động người dân mở rộng diện tích trồng theo mô hình chuyển đổi đất hoa màu sang trồng bưởi đỏ. Hiện nay HTX cũng đang xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Hương Hồ’’ để hỗ trợ người dân, dự kiến khoảng rằm tháng 7 âm lịch sẽ tiến hành dán nhãn sản phẩm.

Minh Nguyên

Rau an toàn VietGAP Đắc Lộc: Cung đang chờ, cầu chưa tới

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang là mô hình được triển khai theo Đề án “Đổi mới, phát triển hình thức tổ chức các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020”. Tuy sản phẩm rau an toàn của HTX đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng đầu ra còn gặp không ít khó khăn vì chưa tạo được mối liên kết giữa cung và cầu.

Khó tìm được đầu ra ổn định

Ông Phạm Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tại Phiên chợ nông sản 2017 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức mới đây, gian hàng sản phẩm rau an toàn của HTX Đắc Lộc nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Chỉ trong ngày khai mạc, gần 100kg rau thương phẩm đã được tiêu thụ hết.

Vườn đu đủ VietGAP năng suất 50kg/cây

Để có được những sản phẩm mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, quy trình sản xuất rau an toàn của các thành viên HTX được giám sát rất chặt chẽ. Người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm bón, thu hoạch đảm bảo cho rau không có chất kích thích tăng trưởng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất độc hại, không sử dụng giống biến đổi gien. Hiện tại, HTX có khoảng 10ha diện tích trồng rau, trong đó có 2ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, với các loại rau: mùng tơi, muống, dền, rau ngót, các loại cải xanh, rau gia vị và một số rau ăn quả khác.

Tuy nhiên, HTX đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tìm đầu ra ổn định cho rau an toàn. Ông Nguyễn Thanh Chí - Giám đốc điều hành HTX cho biết, việc sản xuất rau an toàn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nên giá sản phẩm đầu ra không rẻ. Trong khi đó, các siêu thị mặc cả giá mua thấp như các loại rau thông thường nên việc tiếp cận với kênh phân phối này đang gặp khó khăn. Ngoài giá bán cao hơn, hình thức không được bắt mắt, nhanh “xuống màu” so với rau thông thường cũng là một rào cản của rau an toàn. Thực tế, gian hàng VietGAP của các siêu thị trên địa bàn TP. Nha Trang đều trưng bày thương hiệu rau Đà Lạt, hoàn toàn vắng bóng rau an toàn bản địa VietGAP Đắc Lộc.

Cánh đồng rau VietGAP được chăm sóc bằng hệ thống phun sương điều khiển từ xa

Nỗ lực quảng bá

Qua trao đổi, các thành viên trong Hội đồng quản trị HTX thừa nhận, công tác marketing hiện nay chưa được tốt nên HTX đã và đang cố gắng quảng bá thương hiệu thông qua trang web rauvietgapdacloc.com. Bên cạnh nâng số lượng các điểm cung cấp rau an toàn trên địa bàn, HTX đang khuyến khích phát triển mạng lưới tiếp thị trực tiếp cho từng gia đình. Chiến lược đầu ra cho rau VietGAP Đắc Lộc là bước đầu hướng đến khách hàng có điều kiện và có ý thức sử dụng rau an toàn. Theo tính toán của Hội đồng quản trị HTX, nếu đầu ra ổn định, mỗi hộ thành viên chỉ cần bán được 100 kg rau/ngày thì họ đã có thu nhập ít nhất 800.000 đồng/ngày.

Ước mong của nông dân HTX rau Đắc Lộc là có được thu nhập tương xứng với công sức họ bỏ ra khi sản xuất rau an toàn. Bởi vậy, việc thay đổi tư duy của người tiêu dùng là yếu tố đầu tiên để ủng hộ đầu ra cho thương hiệu rau VietGAP Đắc Lộc.

Hiện nay, HTX có 3 cửa hàng cung cấp sản phẩm rau an toàn: số 4E đường B3, Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung; số 63 đường Trường Sa và số 68 Lê Thanh Nghị (TP. Nha Trang) và một mạng lưới các cá nhân bán lẻ trực tiếp cho người sử dụng khắp thành phố.

V.X.Q

ADC kiên trì cùng nông dân làm lúa chuẩn Global G.A.P

Nguồn tin: Sài Gòn gải phóng

Công ty TNHH ADC và HTX Mỹ Thành Nam (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang), vừa tiếp tục được tái cấp Chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global G.A.P) năm 2017, trên gần 100 ha vùng nguyên liệu lúa tại xã Mỹ Thành Nam.

Chứng nhận Global G.A.P đợt này do Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC – đơn vị duy nhất tại Việt Nam là thành viên của tổ chức Global G.A.P quốc tế tiến hành đánh giá và cấp giấy chứng nhận.

Theo đó, không chỉ người nông dân biết cách thực hành sản xuất nông nghiệp chuẩn quốc tế, thân thiện với môi trường mà toàn bộ lúa thu hoạch từ vùng nguyên liệu chuẩn Global G.A.P Mỹ Thành Nam không còn tồn dư thuốc BVTV, truy xuất được nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe người dùng; đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu.

Công ty TNHH ADC và các thành viên HTX Mỹ Thành Nam vui mừng đón nhận Giấy chứng nhận Global G.A.P.

Ruộng sản xuất theo Global G.A.P quản lý dịch hại tốt hơn, lúa phát triển tốt, khỏe hơn rõ rệt; chi phí sản xuất giảm hơn nhiều so với ruộng thông thường; năng suất và chất lượng lúa tăng nên bán được giá cao hơn so với lúa thông thường. Theo đó, người nông dân trồng lúa Global G.A.P có lợi nhuận tăng 20%/năm.

Trước đó, xã Mỹ Thành Nam và Công ty TNHH ADC đã là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp Chứng nhận Global G.A.P cũng tại vùng nguyên liệu lúa Mỹ Thành Nam, vào ngày 12-2-2009.

Nông dân xã Mỹ Thành Nam thu hoạch lúa tiêu chuẩn Global G.A.P.

Việc làm lúa theo chuẩn Global G.A.P và duy trì việc tái cấp Chứng nhận Global G.A.P đòi hỏi rất nhiều công sức và chi phí nhưng Công ty TNHH ADC vẫn kiên trì phối hợp cùng nông dân Mỹ Thành Nam thực hiện cho đến nay.

“Chúng tôi muốn nâng cao ý thức trồng lúa thân thiện với môi trường, với sức khỏe cho nông dân; muốn nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, để gạo Việt dễ dàng xuất khẩu ra thế giới; đồng thời thu nhập nông dân được tăng lên và đời sống nông dân cũng được cải thiện hơn”, ông Nguyễn Quốc Chương, Phó Giám đốc ngành nông nghiêp, Công ty TNHH ADC chia sẻ.

HTX Nông nghiệp Mỹ Thành Nam (ấp 5, Mỹ Thành Nam, Cai Lậy, Tiền Giang) được đánh giá là HTX kiểu mẫu với sự hợp tác của 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh (doanh nghiệp); đồng thời được tổ chức quốc tế chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, cụ thể là trên cây lúa.

Tất cả các thành viên của HTX đều tham gia trồng lúa theo tiêu chuẩn Global G.A.P và đều đạt được chứng nhận này. Thành viên của HTX hoàn toàn yên tâm về đầu ra vì đã có phía doanh nghiệp, cụ thể là Công ty TNHH ADC, thu mua với mức giá cao hơn lúa thị trường.

Hà Anh

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Sâu hại tấn công cây tràm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trong thời gian gần đây, nhiều hộ trồng tràm ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, vô cùng lo lắng bởi diện tích tràm bị một loại sâu lạ tấn công, làm cho cây kém phát triển.

Sâu lạ ăn lá tràm non làm cho cây không phát triển.

Xã Phương Phú có diện tích tự nhiên là 2.869ha. Trong đó, diện tích trồng rừng phân tán của người dân là 289ha/267 hộ, chủ yếu là cây tràm Úc. Trong những năm gần đây, cây tràm cho thu nhập chính và khá ổn định của khoảng 150 hộ dân của xã. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết thay đổi thất thường đã xuất hiện một số loại sâu hại, đặc biệt là sâu ăn lá - đây là loài sâu lạ, mới xuất hiện, với mật số cao và phá hại tràm với mức độ cực nhanh. Loài sâu này có thân hình bằng đầu đũa, mình trơn, không có lông, thân màu xanh và có sọc đen trên lưng, không gây ngứa… Thức ăn của chúng chủ yếu là lá và đọt non của cây tràm Úc. Theo ghi nhận đối tượng tràm Úc bị sâu hại là cây từ 1-3 năm tuổi, thiệt hại nặng nhất là diện tích tràm 1 năm tuổi, với diện tích khoảng 200ha.

Ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cho biết, hiện chưa xác định được chính xác tên khoa học của loài sâu lạ trên. Theo quan sát và ghi nhận thì thời gian phá hại chủ yếu của sâu là khoảng từ 18 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau. Hiện nay, ngành đã gửi mẫu về Trường Đại học Cần Thơ để xác định chính xác là loài sâu gì để có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Loài sâu này xuất hiện theo chu kỳ khoảng 2 tuần/lần.

Thanh Duy

Nông dân trồng sen cho thu nhập cao

Nguồn tin: Tiền Giang

Với ưu điểm dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư thấp, thích nghi tốt với những vùng đất trũng thấp, đặc biệt là những vùng đất ngập lũ, từ nhiều năm qua, cây sen đã được nhiều nông dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang lựa chọn làm cây phát triển kinh tế gia đình.

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Liễu, ấp Hòa Xuân đang phân loại ngó sen để giao cho thương lái.

Ông Huỳnh Văn Liễu, ấp Hòa Xuân, là một trong những nông dân tiên phong trong việc xen canh 1 vụ lúa 2 vụ sen cho thu nhập cao. Hiện nay, mỗi ngày cha con ông Liễu đều ra đồng sớm để hái ngó sen giao cho thương lái. Ông Liễu chia sẻ, khi bước vào mùa mưa cũng là thời điểm cây sen bắt đầu cho thu hoạch rộ. Với 1,2 ha sen, mỗi ngày ông thu hoạch được gần 60 kg ngó. Cây sen rất phù hợp với vùng đất này, ít bị nhiễm bệnh, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch ngó chỉ khoảng 2 tháng, chi phí đầu tư cho mỗi ha khoảng 3 triệu đồng.

Thường vào khoảng tháng 2 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa Đông xuân, ông Liễu tiến hành cày xới, bừa trục cho đất tơi xốp, bằng phẳng để trồng sen, đến khoảng giữa tháng 4 thì bắt đầu thu hoạch ngó. Để sen cho năng suất ổn định, khi sen phát triển kín ruộng phải cày trục chừa rãnh khoảng 2m để tạo khoảng trống cho sen đâm ngó. Vào mùa lũ, sen vượt theo nước, cho ngó nhiều, năng suất tăng gấp đôi. Hiện ngó sen được thương lái thu mua với giá 17.000 đồng/kg loại ngó ngòi viết và 11.000 đồng/kg loại ngó sen tẻ. Trung bình mỗi ngày gia đình ông Liễu thu nhập gần 900.000 đồng. Có những thời điểm giá ngó lên đến 30.000 - 33.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận rất cao cho gia đình.

Theo ông Liễu, trồng sen lấy ngó phải thu hoạch mỗi ngày, chỉ qua 1 đêm ngó ngòi viết sẽ phát triển thành ngó sen tẻ (cựa gà), bán mất giá. Do vậy, người trồng sen lấy ngó phải chịu cực, nhưng bù lại nông dân có thu nhập khá ổn định. Ngoài thu hoạch ngó, gia đình ông Liễu còn thu hoạch bông và lá sen để cung cấp cho thị trường. Mỗi ngày, gia đình ông hái khoảng 400 lá sen, với giá bán 500 đồng/lá, mỗi tháng gia đình có thêm thu nhập hơn 5 triệu đồng từ việc bán lá và bông sen.

Thạnh Hòa là xã đầu nguồn của huyện Tân Phước, có diện tích đất nông nghiệp hơn 900 ha, trong đó có khoảng 800 ha đất trồng lúa, do nằm trong vùng bị ngập lũ nên hàng năm có ít nhất 3 tháng nông dân phải bỏ đất hoang, không thể sản xuất được. Bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa cho biết: Để nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất, chính quyền xã khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập. Đến nay, xã có hơn 20 ha sen, tuy nhiên hàng năm, diện tích sen thường tăng lên hơn 100 ha vào mùa lũ.

Thanh Luông - Thanh Nhàng

Ra mắt tổ nghề nghiệp trồng lúa sạch Phước Hội

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 22-7, Hội Nông dân xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ra mắt Tổ nghề nghiệp trồng lúa sạch với 20 thành viên là nông dân trồng lúa trên địa bàn xã.

Tại hội nghị, các thành viên trong tổ đã cùng Công ty CP Sản xuất dịch vụ thương mại Ngô Đức (đơn vị phối hợp với nông dân sản suất và bao tiêu lúa sạch) đã thảo luận và đề ra các giải pháp để hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư cũng như giá thu mua nông sản cho tổ. Theo đó, Công ty CP Sản xuất dịch vụ Ngô Đức sẽ hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ đầu vụ đến cuối vụ cho nông dân, đồng thời bao tiêu nông sản. Nếu thực hiện đúng quy trình, giá lúa sẽ được mua cao hơn từ 10-15% so với giá thị trường và ngược lại sẽ giảm 10-15%. Khi xảy ra thiên tai, Công ty sẽ cùng chia sẻ khó khăn với nông dân bằng việc không tính chi phí đầu tư.

Viên Hương

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop