Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2020

Đồng Tháp: Vú sữa Hoàng Kim - loại cây đầy tiềm năng ở huyện Cao Lãnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Dù chỉ mới trồng được 16 tháng song vườn vú sữa Hoàng Kim của anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã bắt đầu cho trái chiến được vài tháng nay. Trung bình mỗi ký vú sữa Hoàng Kim được thương lái thu mua tại vườn dao động từ 100.000 - 150.000 đồng.

Đoàn công tác Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và lãnh đạo xã Mỹ Long đến thăm vườn vú sữa Hoàng Kim của anh Hòa

Chia sẻ về việc “bén duyên” với loại cây trồng mới này, anh Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Trước đây gần 10 công vườn của tôi trồng chuyên canh chanh. Sau nhiều năm canh tác, tôi nhận thấy trồng chanh chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Năm 2018, sau khi tìm hiểu về một số giống cây trồng mới và được bạn bè giới thiệu, tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng vú sữa Hoàng Kim. Mặc dù canh tác chưa lâu song tôi nhận thấy vú sữa Hoàng Kim phát triển khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Cao Lãnh. Vì là loại cây ăn trái mới nên giá bán của vú sữa Hoàng Kim hiện nay cũng khá cao, gia đình tôi rất kỳ vọng về triển vọng kinh tế của loại cây trồng mới này”.

Vú sữa Hoàng Kim là loại cây ăn trái có thân gỗ, cao khoảng 3 - 5m, tán rộng, lá nhỏ dài xanh đậm, trái vàng óng ánh. Vị của trái vừa giống vú sữa, pha hương xoài mút, có vị ngọt thanh, thịt dày, hạt ít và nhỏ chỉ bằng đầu ngón tay, đặc biệt không có mủ. Trung bình mỗi cây vú sữa Hoàng Kim gần 1,5 tuổi có thể mang được từ 15 – 20 trái/cây. Một trong những điểm nổi bật của giống vú sữa mới này là có thể cho trái quanh năm, do đó sẽ giảm thiểu được áp lực về mùa vụ và dội hàng. Trồng vú sữa Hoàng Kim ít công chăm sóc, và gần như không có sâu bệnh phá hoại. Để đảm bảo trái đẹp, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, gia đình chủ động áp dụng kỹ thuật chăm sóc theo hướng an toàn bên cạnh hệ thống tưới tự động, sử dụng chế phẩm sinh học đuổi côn trùng, dùng bao ni long bọc trái.

Hiện tại ngoài cung cấp trái cho thị trường, anh Hòa còn nhận cung cấp giống vú sữa Hoàng kim cho bà con nhà vườn trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, anh Hòa còn nhận tư vấn và hướng dẫn miễn phí cho nông dân có ý tưởng trồng vú sữa Hoàng Kim. Hiện anh Hòa đang sản xuất khoảng 1.000 cây giống để cung ứng cho người dân đã đặt hàng.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết, giống vú sữa Hoàng Kim này tuy không phải là mới ở Việt Nam nhưng là giống mới tại huyện Cao Lãnh nói chung và xã Mỹ Long nói riêng. Hiện tại, đơn vị đang nghiên cứu giải pháp đễ tiếp tục hỗ trợ anh Nguyễn Văn Hòa sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian tới, để tăng giá trị đối với loại cây ăn trái hứa hẹn đầy tiềm năng này.

Thành Sơn

Quảng Trị: Bộn bề công việc khôi phục sản xuất sau lũ lụt

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị

Nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng; nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu hụt; ô nhiễm môi trường; hạ tầng thiết yếu trong nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề; hầu hết các hộ gia đình khu vực nông thôn không có thu nhập trong thời gian trước mắt... đó là hậu quả nghiêm trọng sau bốn trận lũ lịch sử vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua thiên tai, nông dân trong tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị bước vào vụ mùa mới với nỗ lực vượt bậc giữa bộn bề khó khăn, thách thức...

Bộ đội giúp dân cải tạo đồng ruộng sau lũ lụt - Ảnh: T.T

Sửa chữa hạ tầng sản xuất

38 km các tuyến đê bị sạt lở, hư hỏng, nhiều kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, cuốn trôi, 23 đập thủy lợi sạt lở, trong đó tuyến tràn xả lũ Nam Thạch Hãn bị ảnh hưởng nặng. 90 trạm bơm bị hư hỏng, bùn đất bồi lấp, hàng chục cây số bờ sông, suối, bờ biển bị sạt lở, cuốn trôi, ăn sâu vào đất thổ cư, đất sản xuất, nguy cơ cao mất an toàn nhà cửa của Nhân dân. hơn 1.623 ha diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp, hơn 686 tấn hạt giống lúa bị hư hỏng... Ngoài ra, có 34 công trình cấp nước bị hỏng khiến 22.000 hộ dân thiếu nước sạch sử dụng. Đó là những con số thống kê sơ bộ thiệt hại về hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc khôi phục sản xuất cũng như đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân sau lũ lụt.

Ông Cao Thạch, ở thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, Triệu Phong, một người đã gắn bó với đồng ruộng hơn 40 năm không giấu được sự e ngại khi nhìn mảnh ruộng của mình bùn, cát lấp dày gần cả mét: “Tôi sống đến ngần này tuổi, từng chứng kiến biết bao trận lụt lớn nhỏ, nhưng chưa năm nào thấy nản lòng như năm nay. Sau lụt, giống lúa trôi theo nước, đồng ruộng tan hoang, nhưng thấy hửng nắng, nông dân cũng vác cuốc ra đồng. Ra đồng mà phân vân không biết phải bắt đầu như thế nào bởi bùn, cát lấp dày, kênh mương phủ bùn không còn dòng chảy”.

Huyện Triệu Phong có 220 ha diện tích trồng lúa, riêng thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang có 31 ha nhưng có đến 23 ha bị đất, cát vùi lấp, có nơi lượng bùn dày hơn 1,2 m. Cải tạo đồng ruộng hiện tại không còn là việc của từng hộ dân mà buộc phải huy động sự giúp sức của cả hệ thống chính trị, đó là chính là giải pháp cấp bách đặt ra không chỉ của riêng Triệu Phong mà đối với các địa phương khác trong tỉnh nhằm tiến hành sản xuất vụ đông năm 2020 và những vụ mùa tiếp theo. Lấy thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang làm thí điểm, ngành nông nghiệp phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên và chính quyền địa phương đã huy động nhân lực hỗ trợ dọn đất cát vùi lấp trên cánh đồng, khơi thông kênh mương dẫn nước tưới tiêu sản xuất.

Ngoài ra, huyện Triệu Phong hỗ trợ kinh phí để thuê phương tiện máy móc, bởi thực tế, dù huy động đông nhân lực trợ giúp nhưng bằng sức người không thể xử lý hết khối lượng bùn đất tràn mặt ruộng. Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải cho biết, đây chỉ là bước đầu để cơ bản “định hình” lại đồng ruộng, đảm bảo cho người dân bắt tay vào sản xuất vụ đông trước mắt. Công cuộc khôi phục hạ tầng sản xuất nông nghiệp ở địa phương cần có thời gian và nguồn lực đầu tư từ các cấp, các ngành mới ổn định lâu dài.

Sửa chữa cơ sở hạ tầng sản xuất sau lũ lụt cần phải bắt đầu từ những việc như các địa phương phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, san ủi cải tạo đồng ruộng bị vùi lấp để tổ chức lại sản xuất kịp thời. Tập trung nạo vét kênh mương, cửa cống, cửa nhận nước bị bồi lấp đảm bảo thông thoáng, sớm hàn gắn những đoạn kênh bị hư hỏng, đảm bảo kín nước. Các đơn vị chức năng như Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi cần phát động phong trào ra quân làm thủy lợi, đồng thời tiến hành tổng kiểm tra rà soát toàn bộ các hệ thống công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, tiến hành khắc phục tạm thời trước mắt để đảm bảo phục vụ sản xuất và đề xuất phương án xử lý lâu dài. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, đê kè, các công trình cấp nước sạch nông thôn bị hư hỏng, phân loại khẩn cấp đồng thời có phương án khắc phục hợp lý; đề xuất thứ tự ưu tiên đối với các công trình hư hỏng lớn để khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Người dân cần giống phù hợp để sản xuất hiệu quả

Giống cây trồng, vật nuôi, phân bón... là những thứ người nông dân cần trong thời điểm này để triển khai sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, việc cấp giống cho người dân cần phải phù hợp với nhu cầu sản xuất, bởi thực tế, nhiều loại giống hoa màu được cấp phát về cho dân không phù hợp. Ông Hồ Sỹ Bình, ở Khu phố 4, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà cho biết: “Sau lũ lụt, hầu hết các hộ trồng rau trên địa bàn đều thiệt hại nặng nề. Quan trọng nhất bây giờ là giống rau để sản xuất. Vừa qua, các hộ trồng rau nhận được giống hỗ trợ của các ngành chức năng. Chúng tôi rất cảm ơn các ngành đã quan tâm hỗ trợ giống để sản xuất, tuy nhiên giống cải xoăn miền Bắc chúng tôi được nhận hỗ trợ vừa qua không phù hợp với chất đất, khí hậu, người tiêu dùng không ưa chuộng nên chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ không như mong muốn. Người dân rất cần các đơn vị chức năng có sự khảo sát nhu cầu thực tế để cấp phát giống phù hợp, như vậy mới phát huy giá trị sản xuất”.

Cũng theo ông Bình, với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết tại địa phương, người trồng rau ở phường Đông Thanh cần nhất thời điểm này là giống cải bẹ xanh, hành lá, dưa leo hai mũi tên, ớt chỉ thiên... để trồng cho vụ đông. Những loại rau màu này cho giá trị kinh tế cao, dễ chăm bón và đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, các hộ trồng rau hiện nay hầu như không đủ tiền mua giống, bởi theo tính toán của ông Bình, một sào rau phải mất ít nhất 900 nghìn đồng tiền giống, chưa kể phân bón, như gia đình ông còn gánh thêm chi phí thuê đất. Ông Nguyễn Đức Vầy, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Thanh cho biết, trong đợt lũ lụt vừa qua, địa phương thiệt hại gần 50 ha rau màu. Từ nguồn hỗ trợ giống của trung ương và địa phương, phường Đông Thanh vừa được cấp 135 kg giống rau màu, trong đó chủ yếu giống cải xoăn miền Bắc để triển khai sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ tỉnh 5 tấn giống ngô nếp, 5 tấn giống rau, tuy nhiên điều kiện tổ chức sản xuất đến thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn. Tổ chức sản xuất cây vụ đông muộn năm 2020 là nhiệm vụ cấp bách mà ngành nông nghiệp đặt ra nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm trước mắt. Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai sản xuất vụ đông muộn, trong đó có hướng dẫn cụ thể người dân như đối với giống ngô phải gieo vào khay bầu trong vườn, khi đất đảm bảo mới đem ra trồng. Khuyến cáo người dân chưa thực hiện gieo trồng hoa màu đối với những vùng có độ ẩm cao để tránh đưa lại hiệu quả thấp.

Trước mắt, hỗ trợ giống lúa, ngô, rau đậu các loại... nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất. Hỗ trợ giống cây ăn quả các loại khôi phục diện tích sản xuất bị ngập úng, gãy đổ, hư hại trên địa bàn như giống chuối, bơ, cam, bưởi, ổi, xoài... Hỗ trợ giống gia súc, gia cầm để người dân sớm tổ chức lại sản xuất, đảm bảo sinh kế trong ngắn hạn, hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đối với nuôi trồng thủy sản, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân các loại giống thủy sản như các loại cá trê, trắm, mè, chép, tôm giống… đảm bảo về số lượng và chất lượng để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Ngành chức năng tăng cường phối hợp các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện những công việc cần thiết để chăm sóc, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi do tác nhân gây bệnh phát tán ra môi trường sau mưa lũ. Triển khai chống đói, củng cố và vệ sinh chuồng trại, thu gom xác vật nuôi chết để xử lý theo quy định, vệ sinh thức ăn, khử khuẩn nước uống cho vật nuôi. Tăng cường phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành phương án khôi phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp, triển khai sản xuất vụ đông 2020 và đông xuân 2020 - 2021 thắng lợi.

Thanh Trúc

Khôi phục thanh trà sau lũ

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Bão lũ liên tiếp làm nhiều vùng thanh trà trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế thiệt hại nặng. Chỉ riêng phường Hương Vân (Hương Trà), Phong Thu (Phong Điền) đã có hơn 200 ha cây thanh trà của người dân chết hoặc ngập úng.

Người trồng thanh trà ở Hương Trà khôi phục vườn cây sau lũ

Dọn dẹp tàn dư

Sau nhiều trận lũ liên tiếp, bãi bồi Lương Quán (phường Thủy Biều, TP. Huế) bị bồi lắng một lượng đất phù sa pha cát lớn, tàn dư cây trồng chết còn vương vãi cùng với rều rác. Ngay sau bão số 13, trời bắt đầu có nắng nhẹ, nước rút dần, cũng là lúc người trồng thanh trà bắt đầu dọn dẹp, chuẩn bị vụ trồng mới.

Với 20 cây thanh tra trồng ở bãi bồi Lương Quán đã cho trái bói đầu tiên, chỉ một trận nước lũ đã bị nhấn chìm. Tiếc bao công sức, những ngày sau lũ, bà Hoàng Thị Ty (TDP 10, phường Thủy Biều) cứ ra vườn trổ mương nước mong cứu cây. Nhưng lũ liên tiếp đã ngâm làm 100% cây thanh trà tại bãi bồi của bà Ty chết.

Những ngày này, tranh thủ có nắng, bà ra dọn dẹp vườn cây, cào rều rác, đắp lại mương thoát nước chuẩn bị đưa giống về trồng mới. Theo bà Ty, điều lo nhất hiện nay là bà con đang thiếu nguồn giống để tái tạo.

Hộ ông Võ Trần Tuấn Kiệt (TDP 10) cũng ra khu vực bãi bồi Lương Quán kiểm tra những cây bị ngập nhẹ, không vàng lá, nấm gốc, trước mắt dùng các biện pháp kỹ thuật phục hồi. Đối với những cây chết thì chặt bỏ, dọn cành, vệ sinh vườn để phòng chống nấm bệnh và gia cố lại mương thoát nước để xuống giống mới. Trận lụt từ tháng 10 đến nay, đã làm vườn thanh trà 4.000m2 (130 cây) của ông Kiệt bị ngâm nước lũ chết.

Quyền Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, ông Võ Đăng Thái thông tin, Thủy Biều là địa phương có diện tích trồng thanh trà nhiều nhất TP. Huế với tổng diện tích khoảng 150 ha, trong đó có 147ha đã cho quả và mang lại giá trị kinh tế cao. Đợt lũ ngày 9/10, do ngâm nước lâu nên trên 10 ha thanh trà dưới 5 tuổi trồng ở khu vực bãi bồi Lương Quán bị ngập, chết. Người dân rất cần nguồn giống tái tạo.

Khôi phục sản xuất

Gần 500 ha bị thiệt hại

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đợt bão lụt diễn ra từ tháng 10 đến nay làm gần 500 ha cây trồng thanh trà bị thiệt hại. Trong đó, diện tích bị chết hoàn toàn khoảng 200 ha, chủ yếu là cây thanh trà đã được trồng từ 2 - 5 tuổi. Sau lũ, cũng xuất hiện nhiều loại bệnh trên cây thanh trà như bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ với diện tích nhiễm khoảng 500 ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 40-50% tập trung ở Phong Thu, Hương Vân, TP. Huế.

Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều thông tin, hiện nay đối với những diện tích cây thanh trà sống sót qua lũ, chính quyền phối hợp với HTX NN Thủy Biều hướng dẫn kỹ thuật trước mắt cho người dân phục hồi vườn cây; đề xuất cấp trên hỗ trợ giống cây, phân bón để giúp người dân tái sản xuất sau lũ.

Tuy nhiên, hiện nay địa phương đang gặp khó khăn nguồn giống bởi hiện tại giống cây thanh trà dùng trồng mới sau lũ đang thiếu do nông dân từ trước đến nay chỉ sử dụng nguồn giống từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Huế, không nhập giống từ ngoại tỉnh.

Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT) cho biết, sau lũ, chi cục đã cử cán bộ kỹ thuật về phối hợp với địa phương, HTX trên địa bàn có những hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con nông dân cứu vườn cây, khôi phục sản xuất sau lũ.

Theo đó, đối với cây ăn quả (cam, bưởi, thanh trà…) cần cắt tỉa cành, cây bị gãy đổ, xử lý vết gãy đổ bằng vaseline để hạn chế nấm bệnh xâm nhiễm. Chống đỡ các cây bị đổ ngã, vun gốc để cây phục hồi phát triển. Khơi thông rãnh thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ trong vườn cây khi mưa lớn, xới xáo nhẹ, phá váng lớp đất bề mặt và tăng cường bón phân chuồng hoai mục khi trời nắng để tăng khả năng phục hồi cho cây sau lũ.

Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, người trồng có thể kiểm tra bệnh chảy gôm, vàng lá, thối rễ để có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan. Đối với diện tích trồng mới, trồng dặm lại cây chết sau lũ lụt người trồng nên chú ý sử dụng nguồn giống có nguồn gốc ràng, đắp mô cao và trồng đúng kỹ thuật để hạn chế bệnh phát sinh gây hại. Sau khi phục hồi, trồng mới vườn cây, người trồng cần tiếp tục theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Giá sầu riêng Tiền Giang tăng cao sau hạn mặn

Nguồn tin: VOV

Hiện nay đã vào vụ nhưng trái sầu riêng rất khan hiếm và giá cao ở mức kỉ lục khiến nhà vườn xót xa khi bị mất mùa.

Sau đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, có gần 70% vườn cây sầu riêng ở Tiền Giang bị thiệt hại; trong đó có khoảng 5.000 ha bị chết trắng, hoặc giảm năng suất trên 60%. Do đó, hiện nay đã vào vụ nhưng trái sầu riêng rất khan hiếm và giá cao ở mức kỉ lục khiến nhà vườn địa phương xót xa khi bị mất mùa.

Tại thời điểm này, trái sầu riêng có mức giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất trong 3 năm qua. Điều đáng nói dù giá cao nhưng trái sầu riêng rất khan hiếm, thương lái phải đi đến từng vườn cây để thu mua nhưng không đủ cung cấp cho đối tác trong và ngoài nước.

Thương lái đến tận vườn sầu riêng để thu mua.

Tại huyện Cai Lậy - vùng chuyên canh cây sầu riêng nhưng đến nay chưa đến 10% diện tích sầu riêng có trái cho thu hoạch. Chỉ duy nhất tại các khu vực không bị ảnh hưởng do hạn mặn của huyện Cái Bè mới có vườn sầu riêng cho trái, nhưng sản lượng không nhiều.

Trước đây, toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 12.000 ha cây sầu riêng thương phẩm; tập trung nhiều ở huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè. Do hạn mặn gây thiệt hại nên diện tích cây này bị giảm nhiều. Hiện nay, nhà vườn địa phương đang khẩn trương khôi phục lại vườn cây đặc sản này, nhưng dự kiến phải mất nhiều năm sau cây mới có trái để cung ứng ra thị trường.

Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, sau hạn mặn, chính quyền địa phương khuyến cáo bà con nếu đất không bị nhiễm mặn vẫn tiếp tục trồng cây sầu riêng.

“Cây sầu riêng đối với xã Tam Bình là một trong những cây chủ lực, thời gian vừa qua người dân giàu có cũng nhờ cây sầu riêng. Hiện nay, có những người trồng lại cây bưởi, chanh, mít, hồng xiêm… nhưng cũng có người vẫn trồng lại cây sầu riêng”, ông Lâm cho biết./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Đồng Nai: Sản xuất hàng Tết vào mùa

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Nông dân đang tập trung vào vụ sản xuất cho thị trường Tết Nguyên đán 2021, thời điểm nhu cầu tiêu thụ lớn nhất trong năm nên nhiều mặt hàng nông sản thường có giá bán tốt

Do dự báo thị trường cuối năm vẫn bị ảnh hưởng nên sẽ khó khăn hơn mọi năm nên cả nông dân và doanh nghiệp đều thận trọng, tính toán kỹ hơn trong đầu tư.

Trang trại gà thảo mộc của bà Cao Thị Ten (huyện Định Quán)

Không rộ phong trào làm đặc sản

Thị trường Tết Nguyên đán người tiêu dùng sẵn sàng bỏ chi phí cao mua các loại đặc sản về sử dụng hoặc làm quà biếu Tết. Theo đó, đây là mùa nông dân đua nhau nuôi, trồng cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm độc, lạ như: bưởi hồ lô, bưởi thỏi vàng, gà Đông Tảo, gà thảo dược…Nhưng năm nay, kinh tế gặp khó khăn khiến nhiều nông dân nuôi, trồng đặc sản càng thận trọng hơn trong đầu tư cho vụ Tết Nguyên đán năm nay vì các mặt hàng đặc sản giá cao sẽ càng kén khách.

Từ đầu năm đến nay, giá bưởi bán ra thị trường thấp hơn nhiều so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nông dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cho vụ thu hoạch cuối năm. Dự đoán vụ bưởi Tết năm nay nhiều vùng sẽ trúng mùa, nông dân trồng bưởi chỉ kỳ vọng giá bưởi Tết giữ ổn định như mọi năm. Năm nay, phong trào làm đặc sản bưởi hồ lô bán giá cao làm quà tặng thường được nông dân làm nhiều trong vụ Tết Nguyên đán cũng không còn rầm rộ như mọi năm. Ông Ngô Văn Sơn nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, mọi năm, thời điểm này rất nhiều nhà vườn đầu tư làm bưởi hồ lô, bưởi thỏi vàng bán Tết vì có giá bán lên đến hàng triệu đồng/cặp. Năm nay chỉ một số nhà vườn có khách đặt hàng trước mới làm vì lo đầu ra gặp khó. “Năm ngoái, tôi làm hơn 700 bưởi hồ lô, thỏi vàng nhưng năn nay chỉ làm khoảng 200 trái vì khách đặt dòng hàng bưởi độc này làm quà biếu Tết không nhiều bằng mọi năm. Đây là tình hình chung của nhiều nhà vườn vì dòng đặc sản giá cao sẽ kén khách do kinh tế gặp khó khăn” – ông Sơn nói.

Cùng quan điểm, ông Vũ Ngọc Tuấn, chủ trại nuôi đặc sản gà Đông Tảo tại xã Đông Hòa (H.Trảng Bom) cho hay, dòng đặc sản gà Đông Tảo có giá bán cao từ vài triệu đến cả chục triệu đồng/cặp này khá kén khách. Theo đó, vụ nuôi cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay, trại của ông Tuấn chỉ nuôi với sản lượng như ngày thường. Giá bán thị trường Tết cũng sẽ không biến động để giữ chân khách hàng.

Ngay cả người nuôi dòng đặc sản giá mềm hơn cũng lo vụ Tết năm nay không bằng mọi năm. Bà Cao Thị Ten (ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) lo lắng, từ khi xuất hiện dịch Covid – 19 đến nay, sức tiêu thụ các sản phẩm trứng, thịt gà thảo mộc giảm hơn 50%, có thời điểm bán không chạy hàng. Theo đó, từ giữa năm, trang trại của bà Ten buộc phải giảm quy mô đàn nuôi. “Vụ Tết Nguyên đán năm ngoái, trang trại cháy hàng vì không đủ nguồn cung ra thị trường. Khó khăn chung về tình hình kinh tế khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hơn nên vụ Tết năm nay, trang trại chỉ nuôi như ngày thường vì lo đầu ra vẫn gặp khó” - bà Ten nói.

Nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc tại xã Phú Ngọc, H. Định Quán chăm sóc xoài cho thị trường Tết Nguyên đán 2021

Nhìn thị trường để đầu tư

Từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm do ảnh hưởng bất lợi của dịch Covid - 19. Theo đó, thị trường liên tục chứng kiến những đợt tồn hàng, rớt giá của cả sản phẩm chăn nuôi đến cây ăn trái, cây công nghiệp. Theo đó, nhiều mặt hàng trái cây thường hút hàng trong mùa Tết Nguyên đán như: bưởi, thanh long, mẵng cầu…nông dân đều thận trọng hơn trong đầu tư vì e ngại thị trường tiêu thụ không thuận lợi bằng mọi năm.

Thời điểm này cùng kỳ năm ngoái, nông dân trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã đua nhau đầu tư làm xoài trái vụ cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán vì đây là mùa tiêu thụ có giá tốt nhất trong năm. Nhưng năm nay, đa số nông dân chỉ đầu tư cầm chừng, thậm chí không làm xoài trái vụ. Bà Nguyễn Thị Ngọc, nông dân trồng xoài ở xã La Ngà (H.Định Quán) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi không làm xoài trái vụ vì vụ xoài vừa qua đã lỗ vốn. Thị trường Tết Nguyên đán 2021 có thể vẫn gặp khó khăn về đầu ra do dịch Covid - 19 vẫn có nguy cơ tái phát. Nhiều hộ nông dân ở địa phương cũng đầu tư cầm chừng hoặc không đầu tư vì lo thị trường vẫn tiếp tục gặp khó khăn”.

Hơn 2 tháng qua, giá gia cầm, nhất là mặt hàng gà ta thả vườn giảm sâu dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Theo đó, vào thời điểm này mọi năm, giá con giống gà, vịt tăng cao vì người nuôi đua nhau tăng đàn vào vụ Tết Nguyên đán thì hiện lại giảm sâu, thậm chí các trại sản xuất giống phải đốt bỏ con giống vì ít người mua. Ông Hồ Ngọc Thành, người nuôi gà ta thả vườn ở xã Bình Sơn (H.Long Thành) chia sẻ: “Do liên tục lỗ vốn vì giá gà giảm sâu nên vụ Tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi giảm đàn nuôi thay vì tăng lên như mọi năm. Đến thời điểm này, nhiều hộ nuôi gà trong vùng vẫn chưa thả lứa Tết, có trại treo chuồng vì đã cạn vốn đầu tư”.

Phan Anh

Kiên Giang: Lúa Thu Đông được mùa, được giá

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang

Sản xuất vụ lúa Thu Đông, nông dân tỉnh Kiên Giang được mùa, được giá, giúp nông dân giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, góp phần cho tỉnh đạt sản lượng lúa năm 2020 hơn 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với kế hoạch.

Làm đất để gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021 ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vụ lúa Thu Đông 2020 diện tích giao sạ 90.132 ha, vượt hơn 25% kế hoạch sản xuất, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp, Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Gò Quao và thành phố Rạch Giá. Đến thời điểm này, tỉnh đã thu hoạch khoảng 85.000 ha, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha. Bà con nông dân rất phấn khởi với giá lúa tăng khá cao so với những vụ mùa trước, thương lái mua tại ruộng lúa thường (tươi) 5.800 - 5.900 đồng/kg và lúa chất lượng cao (tươi) 6.000 - 6.100 đồng/kg, lợi nhuận sản xuất khá cao, từ 30 - 40% sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư sản xuất.

Hiện nay, nông dân trong tỉnh tập trung làm đất sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020 - 2021. Đến nay, tỉnh đã gieo sạ hơn 30.000 ha, bằng 10,5% kế hoạch, tập trung ở các huyện An Biên, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Giang Thành và Gò Quao.

Bên cạnh đó, tỉnh cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ lúa Mùa 2020 - 2021 với tổng diện tích 63.000 ha ở các huyện vùng sản xuất U Minh Thượng, thành phố Hà Tiên và huyện Gò Quao.

Để sản xuất vụ lúa Đông Xuân và lúa Mùa 2020 - 2021 đạt hiệu quả, năng suất, chất lượng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn để thông báo cho các địa phương và nông dân biết chủ động trong sản xuất, đồng thời đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất.

Chi cục Thủy lợi Kiên Giang phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước đầu nguồn và thực tế mực nước trên đồng ruộng để vận hành hệ thống cống thủy lợi trong vùng, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống và ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo an toàn, hiệu quả cho sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô 2020 - 2021.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân ứng dụng quy trình canh tác “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng lớn”, liên doanh liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân./.

Tin và ảnh: Lê Huy Hải

Ninh Bình: Trồng dưa chuột bò đất - cách làm sáng tạo của nông dân Khánh Trung

Nguồn tin: Báo Ninh Bình

Dưa chuột là cây trồng quen thuộc của nhiều nông dân, tuy nhiên ở Khánh Trung (huyện Yên Khánh) bà con có cách làm rất sáng tạo thay vì cho leo giàn như thông thường, họ để dưa bò lan dưới mặt ruộng. Việc này mở ra một hướng sản xuất mới trên đất lúa, tận dụng được quỹ đất trống sau vụ mùa, giảm chi phí và đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.

Bà Trần Thị Vóc kiểm tra chất lượng dưa chuột trước khi thu hái. Ảnh: Hoàng Hiệp

Những ngày này, đến thăm những cánh đồng trồng cây vụ đông ở xã Khánh Trung, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân đang tất bật thu hoạch dưa chuột để kịp cân cho thương lái. Trên thửa ruộng hơn 1 sào, bà Trần Thị Vóc (thôn 3) lựa những quả dưa đã đạt trọng lượng thương phẩm, màu sắc xanh thẫm để thu hái rồi xếp gọn gàng vào bao tải.

Bà Vóc chia sẻ: Tôi trồng dưa chuột cả chục năm nay rồi, trước kia làm giàn nhưng 2 năm nay gia đình chuyển sang hình thức để dưa bò lan dưới mặt ruộng. Cách làm này rất đơn giản và giảm được nhiều chi phí đầu tư. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, chỉ cần cuốc rãnh, làm luống, xuống giống. Khi cây dưa bò lan đến đâu, tôi lót rạ đến đó để tránh quả dưa tiếp xúc với đất ẩm, không bị thối. Sau 30 ngày trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng. Trung bình mỗi sào ruộng trồng 600 gốc dưa, mỗi gốc cho khoảng 3-4 kg quả, tương đương với năng suất 1,8-2,4 tấn/sào. Với giá bán từ 7-10 nghìn đồng/kg, 1 sào dưa chuột vụ đông mang về cho gia đình thu nhập 7-10 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Cũng là một trong những hộ đầu tiên trồng dưa theo hình thức này, chị Nguyễn Thị Thu Thỏa cho biết: Nếu trồng dưa leo giàn, tôi phải đầu tư từ 2 - 3 triệu đồng tiền mua cây dóc mỗi sào. Đó là chưa kể công làm luống, cắm giàn, buộc ngọn. Nếu trồng dưa bò đất tôi chỉ cần cuốc rãnh làm luống. Bên cạnh đó, cây dưa bò đất sẽ ít chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên giữ được bộ lá từ đó cho năng suất, chất lượng dưa tốt hơn. Được biết, đến nay, dù mới bắt đầu vào vụ thu hoạch được gần 1 tuần mà chị Thỏa đã hái được hơn 5 tạ dưa chuột. Đầu mùa chị bán với giá 12 nghìn đồng/kg. "Giá dưa bán được, không phải đi chợ. Hái đến đâu gửi xe đưa đi Hà Nội đến đấy. Tôi thấy trồng dưa theo cách này rất nhàn, chỉ cần chịu khó bắt sâu, ngắt lá, nắng quá thì tưới nước, còn thu nhập thì cao gấp 5-6 lần trồng lúa", chị Thỏa phấn khởi nói.

Theo cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trồng dưa chuột bò đất có nhiều ưu điểm và lợi ích kinh tế. Song, thời tiết những năm gần đây có nhiều biến đổi theo chiều hướng bất lợi cho cây vụ đông sớm, người trồng cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao. Thứ nhất, phải thực hiện tốt khâu làm đất, lên luống, đảm bảo độ cao luống từ 25 - 30 cm, bề rộng tùy theo cách trồng. Thứ hai, cần chú ý việc nương dây, bấm ngọn. Dưa trồng bò đất nếu không được nương dây và chặn đốt thì khả năng hút dinh dưỡng không cao, thân cây chồng chéo lên nhau sẽ dễ nhiễm sâu bệnh, ra hoa, quả ít…

Để hạn chế bệnh chết rũ cho dưa thời kỳ mẫn cảm (giữa vụ), trong khi chăm sóc nông dân không nên để cây thừa đạm. Cần bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali. Tuyệt đối không nên tưới đạm urê riêng lẻ cho cây. Tốt nhất nên bổ sung thêm các loại phân bón trung, vi lượng để nâng cao sức đề kháng và tăng năng suất, phẩm chất cho các cây trồng này. Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung để tăng khả năng đậu quả. Trong suốt thời gian cây sinh trưởng, cần bổ sung các chế phẩm nấm đối kháng hay nấm cộng sinh vào vùng gốc rễ để giảm thiểu bệnh chết rũ và kích thích cây phát triển nhanh hơn. Nên ưu tiên sử dụng các giống dưa lai F1 để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất.

Hà Phương

Bảo đảm vụ Tết của bà con nông dân sau bão lũ

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Sau nhiều đợt bão lũ liên tục, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đang nỗ lực khắc phục thiệt hại và triển khai ngay sản xuất để đảm bảo vụ rau, hoa dịp Tết.

Số chậu cúc bị hư hại sau bão của ông Đỗ Văn Dưỡng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đã được khắc phục và sẵn sàng cho vụ Tết. Ảnh: VGP/Minh Trang

Tại vùng rau phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), 100% rau màu, 50% chậu hoa cúc trên diện tích đất hơn 8.000 m2 của ông Đỗ Văn Dưỡng bị hư hại hoàn toàn sau nhiều đợt bão lũ, nhất là cơn bão số 9 càn quét.

“Ngay sau bão, chúng tôi đã triển khai khắc phục thiệt hại, hơn 500 chậu cúc bị hư hỏng đã được phục hồi, đồng thời xuống giống các loại rau, tầm 10 đến 15 ngày nữa sẽ cho thu hoạch. Đến giữa tháng 11 âm lịch sẽ tiếp tục gieo các loại rau màu như xà lách, cải, rau húng, hành để phục vụ Tết”, ông Dưỡng chia sẻ.

Tại vùng rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), ngay sau bão số 13, nông dân đã tiến hành vệ sinh đồng ruộng, gia cố lại các công cụ, nhà lưới, làm đất, gieo giống các loại rau ăn lá có thời gian canh tác ngắn ngày để nhanh chóng cung cấp ra thị trường.

Sau bão, nông dân HTX rau an toàn La Hường nhanh chóng bắt tay ngay vào sản xuất . Ảnh: VGP/Minh Trang

Bà Đinh Thị Nga (canh tác tại vùng rau La Hường) cho biết: "Nước rút là chúng tôi ra đồng ngay để dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng. Hiện đang mùa mưa bão nên gia đình tôi chỉ canh tác trên diện tích rất nhỏ. Tôi đang gieo các giống rau cải, rau ngắn ngày, khoảng 20-25 ngày là có thể thu hoạch".

Sau vụ rau này, khoảng đầu tháng 10 âm lịch trở đi, người trồng rau sẽ tập trung sản xuất cho vụ rau Tết. Tùy loại rau mà thời gian gieo sẽ khác nhau để bảo đảm thu hoạch đúng mùa. Trước mắt, nông dân gieo các loại rau, củ, quả như su hào, khổ qua… sau đó gieo giống rau xà lách vào khoảng cuối tháng 10 âm lịch.

Tại huyện Hoà Vang, nơi tập trung phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại TP. Đà Nẵng, ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, riêng trên địa bàn huyện, từ tháng 9 đến nay đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 4 cơn bão, 6 đợt lũ, gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Ước tính ngành nông nghiệp của huyện đã thiệt hại 60 tỷ khi 45 ha rau màu, 22 ha hoa với khoảng 40.000 chậu hoa, 54 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; hơn 4.000 ha keo lá tràm bị gãy đổ.

Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cơ sở phục vụ các vùng chuyên canh rau, hoa bị hư hại khá nhiều, các hệ thống nhà màng, nhà lưới bị gãy, nghiêng ngã đổ. Do ảnh hưởng của 6 đợt lũ, hệ thống kênh mương bị sạt lở bồi lấp khá nhiều.

Hiện ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện sớm đánh giá, thống kê thiệt hại trình lên Thành phố để có hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn bà con chăm sóc những phần hoa màu không bị thiệt hại, hạn chế thấp nhất những thiệt hại để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ hoa Tết tới đây.

“Ngành nông nghiệp làm việc với các xã và công ty khai thác thuỷ lợi khắc phục kênh mương, không trông chờ vào kinh phí; hỗ trợ giải phóng đất chuẩn bị cho vụ đông xuân.

Để chuẩn bị cho công tác giống, huyện đã vận động nhân dân thực hiện thu đổi giống, kinh phí đóng góp của người dân hỗ trợ đã tổng hợp được 140 tấn giống, đáp ứng được 70% diện tích sản xuất trên địa bàn huyện”, ông Lê Đình Ca cho hay.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đà Nẵng cho biết, Hội Nông dân Thành phố đã đề nghị Hội Nông dân các quận, huyện nhanh chóng thống kê thiệt hại để trình UBNB Thành phố sớm có chủ trương hỗ trợ nông dân. Ngoài ra hướng dẫn hội viên nông dân chuẩn bị các điều kiện cần thiết như làm đất, chuẩn bị giống để tổ chức sản xuất sau thiên tai.

“Hiện giờ chúng tôi tập trung vào các loại rau màu, chăn nuôi gia cầm kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán, mang lại thu nhập cho người dân trong dịp Tết này. Trong đó, chú trọng vào hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện bất lợi như hiện nay. Với những nỗ lực hiện tại, vụ Tết của bà con nông dân vẫn sẽ được đảm bảo”, ông Vân chia sẻ.

Minh Trang

Hòa Bình: Sản phẩm OCOP 3 sao thịt dê núi Lương Sơn

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn của HTX Nông nghiệp Hòa Bình, thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) vừa được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Được gắn sao OCOP cấp tỉnh đã khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn.

HTX Nông nghiệp Hòa Bình nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng thịt săn chắc, ngon, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng.

Với mong muốn phát triển mô hình chăn nuôi dê núi tại quê nhà, năm 2017, anh Nguyễn Mạnh Linh đã quyết tâm thành lập HTX Nông nghiệp Hòa Bình với 6 thành viên. Tất cả thành viên HTX đều là những gia đình có truyền thống nuôi dê tại địa phương. Tháng 7/2019, sản phẩm dê núi của HTX Nông nghiệp Hòa Bình là sản phẩm dê thịt đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận VietGAP. Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm cùng với cái "Tâm” mong muốn tạo ra những sản phẩm sạch để phục vụ người tiêu dùng các thành viên của HTX Nông nghiệp Hòa Bình đã nghiêm chỉnh thực hiện quy trình chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP. Địa điểm chăn nuôi của HTX được bố trí khoa học, gồm: Khu nuôi dê giống, khu dê con, kho thức ăn, khu nuôi cách ly và khu xử lý nước thải. Hiện, diện tích khu chăn nuôi của HTX là 1.200 m2; diện tích đồi núi, khu vực chăn thả dê rộng tới 120 ha.

Anh Nguyễn Mạnh Linh chia sẻ: Nhằm đảm bảo cho đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt cần quan tâm tới công tác phòng các loại bệnh. Dê thường mắc 5 loại bệnh chính, gồm: Bệnh đậu, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, hoại tử đường ruột, nhiệt thán. Để phòng các loại bệnh trên định kỳ 6 tháng, HTX sẽ tiêm phòng cho đàn dê một lần. 15 ngày phun khử trùng chuồng trại 1 lần. Cùng với đó, chuồng trại được vệ sinh hàng ngày; chuồng phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Với việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên đàn dê của HTX luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Trong quá trình nuôi, HTX không sử dụng thuốc kháng sinh, thức ăn chủ yếu của dê là lá cây tự nhiên trên rừng. Hàng ngày, mỗi con dê đều leo bộ từ 9 - 10 cây số để lên núi ăn cỏ nên thịt dê săn chắc, thơm ngon. Thịt dê núi Lương Sơn có hương vị đậm đà, đảm bảo vệ sinh ATTP; được đăng ký nhãn hiệu, logo, mã số mã vạch, tem truy suất nguồn gốc; mẫu mã, bao bì hấp dẫn nên được người tiêu dùng khắp mọi nơi trên cả nước biết đến. Thị trường tiêu thụ chủ lực của HTX là các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh… Đặc biệt, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Eco Food, HG Hifood… Trung bình HTX cung cấp ra thị trường từ 4 - 4,8 tấn/năm. Giá bán trung bình đối với dê hơi là 170.000 đồng/kg; đối với thịt dê được đóng gói hút chân không, cấp đông lạnh giao động từ 500 - 600.000 đồng/kg. Mặc dù HTX chưa có lò mổ nhưng HTX đã ký kết hợp tác với một lò mổ tại TP Hòa Bình để đảm bảo đúng quy trình giết mổ, đúng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

Đến nay, HTX có 9 thành viên tham gia, tổng đàn dê khoảng 880 con. Với mong muốn phát triển thương hiệu dê núi Lương Sơn, HTX Nông nghiệp Hòa Bình đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thịt dê với nhiều đơn vị và bà con Nhân dân trong huyện. Theo đó, tất cả các đơn vị, hộ dân tham gia phải nghiêm chỉnh thực hiện theo quy định chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: Sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn của HTX Nông nghiệp Hòa Bình được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh góp phần nâng tầm thương hiệu dê núi Lương Sơn. Đây cũng là cơ hội để các hộ nuôi dê trên địa bàn xã liên kết với HTX Nông nghiệp Hòa Bình phát triển chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Sơn sẽ phối hợp với HTX Nông nghiệp Hòa Bình và các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng thịt ngon, ngọt; cải tiến, nâng cấp mẫu mã, bao bì sản phẩm để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn.

Thu Thủy

Giá thịt lợn hơi tăng nhẹ ở các địa phương

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Ngày 24-11, giá thịt lợn hơi đồng loạt tăng nhẹ ở các địa phương trên cả nước.

Cụ thể, tại miền Bắc, thị trường thịt lợn hơi ghi nhận mức điều chỉnh tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với ngày 23-11, dao động trong khoảng 64.000-68.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, giá thịt lợn hơi được các thương lái thu mua 67.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Tại Hưng Yên và Thái Bình..., giá thu mua 67.000-68.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với hôm qua.

Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, thương lái thu mua trong khoảng 65.000-72.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Tại thị trường miền Nam, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 71.000-75.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg.

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá thịt lợn hơi ở các địa phương đều tăng nhẹ, nhưng về cơ bản vẫn giảm mạnh so với các tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân là do các địa phương đẩy mạnh công tác tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, trung bình khoảng 6 con/hộ; tập trung nhiều tại các tỉnh phía Tây Bắc.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố vẫn giữ ở mức ổn định 100.000-160.000 đồng/kg tùy từng loại.

QUỲNH DUNG

Hiệu quả từ mô hình nuôi ‘ruồi lính đen’ kết hợp chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi “ruồi lính đen” kết hợp với chăn nuôi của hộ chị Nguyễn Thị Thu Hương ở thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) là một trong những mô hình chăn nuôi mới được áp dụng đầu tiên tại tỉnh ta.

Nuôi "ruồi lính đen" không cần nhiều kỹ thuật phức tạp và chi phí ban đầu không cao, nên rất phù hợp với nhu cầu của đại đa số người chăn nuôi. Để nuôi "ruồi lính đen", người nuôi chỉ cần mua trứng giống từ những người chăn nuôi có uy tín với giá bán khoảng trên 5,5 triệu/kg và học hỏi một số kỹ thuật nuôi cơ bản. Sau đó, tiến hành làm chuồng nuôi với diện tích mỗi chuồng khoảng 20m2 được bao phủ bằng lưới để ruồi không thoát ra ngoài, sau đó tiến hành ấp trứng để tạo ra ấu trùng, tiền nhộng, nhộng và nở thành ruồi. Với vòng đời kéo dài khoảng 40 ngày, trong toàn bộ quá trình sinh trưởng giai đoạn ấu trùng được xác định là quan trọng để mang lại hiệu quả kinh tế, vì giai đoạn này ấu trùng có thành phần dinh dưỡng cao phù hợp để làm thức ăn cho gà, vịt, heo, tôm, cua, cá, lươn, ếch.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) đang làm vệ sinh chuồng nuôi và thu hoạch trứng ruồi.

Qua trao đổi với chị Nguyễn Thị Thu Hương, được biết: Nuôi "ruồi lính đen" mang lại hiệu quả kinh tế cao và chi phí đầu tư thấp. Thức ăn của ruồi rất đa dạng, có thể tận dụng các loại phế phẩm trong nông nghiệp như xác đậu nành, cám gạo, các loại trái cây hư. Hầu hết các sản phẩm từ "ruồi lính đen" đều có thể tận dụng để phục vụ chăn nuôi. Giai đoạn ấu trùng thì được sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; giai đoạn sau kén được dùng để ủ làm phân bón; giai đoạn sau sinh sản xác ruồi được dùng làm thức ăn cho gà, cá, heo và trứng thì bán cho người nuôi.

Chị Hương cho biết thêm: Năm 2016 và năm 2017 gia đình chăn nuôi heo nhưng do dịch bệnh thua lỗ gần 1 tỷ đồng, đã tính vào TP. Hồ Chí Minh làm việc để trả nợ, nhưng may mắn anh Nguyễn Thanh Phong chồng tôi tình cờ lên mạng thấy được mô hình tìm hiểu làm theo. Với số vốn gần 30 triệu đồng, anh Phong vào miền Tây mua giống và tìm hiểu kỹ thuật nuôi. Thời gian đầu, anh chị chỉ đầu tư 3 lồng nuôi, đến nay mở rộng quy mô với 6 lồng, đồng thời kết hợp nuôi gà cùng đàn heo sinh sản. Sau 3 năm thực hiện mô hình nuôi "ruồi lính đen", gia đình chị đã trả hết nợ và đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi hơn 5.000m2. Hàng tháng, chị cung ứng cho thị trường khoảng 2-3 kg trứng "ruồi lính đen" với giá bán trên 5 triệu đồng/kg, cộng với tiền bán gà, heo thu nhập trên 200 triệu đồng.

Với giá trị kinh tế mang lại từ mô hình nuôi "ruồi lính đen" kết hợp với chăn nuôi, tin rằng mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các gia đình ở khu vực nông thôn.

Thanh Thịnh

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop