Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 11 năm 2020

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 11 năm 2020

Thị xã Long Mỹ (Hậu Giang): Hiện có 314ha bưởi

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) có 314ha bưởi, trong đó 264ha đang cho trái.

Vào những ngày này, nông dân thị xã Long Mỹ đang tích cực chăm sóc bưởi da xanh để kịp thời có những trái đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Theo kinh nghiệm của các nhà vườn, muốn có bưởi da xanh bán đúng dịp tết, nông dân chuẩn bị từ tháng 4 âm lịch và phải chăm sóc cẩn thận, thường xuyên kiểm tra dịch bệnh, các loại sâu, côn trùng đục quả để bưởi không bị sẹo, bán được giá. Đối với các vườn bưởi có trái đẹp và uy tín, thương lái sẽ tìm đến để đặt hàng. Hiện nay, giá bưởi da xanh được mua với giá 35.000-40.000 đồng/kg. Khi bán dịp tết giá sẽ lên đến 50.000-60.000 đồng/kg. Thông thường, khoảng 25 tháng Chạp là thương lái đến tận vườn thu mua bưởi.

HOÀNG NHÂN

Trồng dừa siêu xiêm lùn cho thu nhập 2 triệu đồng/cây/năm

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) hiện có 584ha dừa. Bên cạnh các giống dừa xiêm truyền thống, nông dân trong huyện đang phát triển giống dừa siêu xiêm lùn, cho năng suất và hiệu quả rất cao.

Ông Vũ (phải) là một trong những nông dân đầu tiên phát triển mô hình trồng dừa siêu xiêm lùn ở huyện Phụng Hiệp.

Giống dừa siêu xiêm lùn mau cho thu hoạch, từ khi trồng đến thu hoạch lứa đầu chỉ mất thời gian 18 tháng. Thân cây chỉ cao khoảng 1m, nhưng mỗi năm cho từ 5-6 buồng dừa, mỗi buồng từ 15-20 trái.

Ông Phạm Văn Vũ, ở ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết hiện tại gia đình ông đang phát triển mô hình trồng dừa siêu xiêm lùn trên diện tích 6.000m2, trung bình 1.000m2 có thể trồng được từ 50-60. Năng suất mỗi cây khoảng 80-100 trái/năm, được thương lái thu mua với giá ổn định 3.500 đồng/trái, trừ hết chi phí mỗi cây dừa siêu xiêm lùn cho thu nhập 2 triệu đồng/năm.

Tin, ảnh: HỒNG YẾN - DUY KHÁNH

Lâm Đồng đăng ký mã số vùng trồng cho sầu riêng

Nguồn tin: VOV

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đơn vị đang đăng ký diện tích cấp mã số vùng trồng cho gần 8.300 ha sầu riêng tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 11.000 ha sầu riêng, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm với sản lượng ước đạt trên 67.000 tấn mỗi năm, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Các giống sầu riêng hiện nông dân đang canh tác chủ yếu là Ri6, Mon Thong và Dona có nguồn gốc từ vườn cây đầu dòng đã được công nhận nguồn giống.

Tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 11.000 ha sầu riêng, trong đó tập trung nhiều ở các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm... (Ảnh minh họa: KT).

Theo tiêu chí để được cấp mã số vùng cần có diện tích từ 6 - 10 ha và phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng; phải trồng duy nhất một loại giống cây ăn quả. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để bảo đảm việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ canh tác như: Đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, cấp mã vùng trồng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu, là thủ tục bắt buộc, nhằm truy xuất nguồn gốc trái cây. Lâm Đồng hy vọng làm tốt việc cấp mã số vùng để trái cây của tỉnh có thể bước chân vào những thị trường khó tính.

“Việc cấp mã số vùng trồng theo Luật trồng trọt mới cũng như thực hiện các quy định của pháp luật sẽ giúp cho sản phẩm sầu riêng của Lâm Đồng có chỉ dẫn địa lý cũng như là quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay đang khó khăn trong xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, hy vọng chúng tôi chuẩn bị sẵn cấp mã số vùng trồng này để khi hai nước ký kết, sản phẩm sầu riêng được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thì đã sẵn sàng có mã số vùng trồng theo yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ./.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên

Hiệu quả từ những chiếc bè bằng ống nhựa

Nguồn tin:  Báo Quảng Trị

Những đợt mưa lũ lịch sử vừa qua khiến nhiều khu dân cư chìm trong biển nước. Để chủ động chống chọi với lũ dữ, anh Trần Hữu Vương đã nảy sinh ý tưởng và cùng một số người dân ở thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) chế tạo ra những chiếc bè làm bằng ống nhựa để ứng phó với thiên tai. Đây là một trong những cách làm sáng tạo, chi phí đầu tư thấp, có tính ứng dụng cao của người dân vùng lũ.

Một trong những chiếc bè làm bằng ống nhựa của người dân thôn Huỳnh Xá Hạ - Ảnh: V.K.L

Thôn Huỳnh Xá Hạ nằm bên bờ sông Bến Hải, có 210 hộ dân, mưa lũ vừa qua khiến cả thôn bị cô lập hoàn toàn. Anh Trần Hữu Vương cho biết: “Đợt lũ lụt thứ hai trong tháng 10/2020, nhà tôi bị ngập nước đến hơn 0,5 m. Lo ngại nước có thể dâng cao hơn trong các đợt lũ tiếp theo, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của gia đình nên tôi đã nghĩ cách để ứng phó. Từ những chiếc bè kết bằng thân cây chuối mà người dân hay làm để di chuyển trong mùa lũ, tôi đã nghĩ ra ý tưởng làm một chiếc bè bằng ống nhựa để chắc chắn, an toàn và sử dụng lâu dài hơn. Chính vì vậy mà trong đợt lũ thứ 3 và thứ 4, tôi đã đảm bảo được tính mạng cho gia đình và nhiều người trong thôn bằng loại bè này”.

Bè của anh Trần Hữu Vương được làm bằng ống nhựa PVC, mỗi chiếc bè cần khoảng 8 ống nhựa có đường kính 200 mm, chiều dài khoảng 4 m được bịt kín hai đầu. Những ống nhựa ghép với nhau và được cố định bằng các nẹp sắt chắc chắn. Mỗi chiếc bè được thiết kế như trên chịu được tải trọng khoảng 400 kg, có thể chở được từ 6 - 7 người. Ngoài ra, bè có thể gắn thêm máy “đuôi tôm” để di chuyển nhanh như những chiếc thuyền bình thường. Ưu điểm của chiếc bè này là thiết kế đơn giản, nguyên vật liệu dễ dàng mua ở địa phương, khi di chuyển lại rất khó lật, độ an toàn cao. Vốn là là thợ cơ khí lành nghề nên việc chế tạo chiếc bè như thế này được anh Vương thực hiện nhanh chóng. Sau chiếc bè đầu tiên được chế tạo và phát huy tốt hiệu quả trong mưa lũ, anh Vương đã chia sẻ ý tưởng và nhận được một phần kinh phí ủng hộ của bạn bè, các nhà hảo tâm để cùng với một số người dân trong thôn chế tạo thêm 6 chiếc nữa. Thực tế cho thấy, khi mưa lũ lớn, diễn ra trên diện rộng, phương tiện cứu hộ cứu nạn hạn chế, những chiếc bè này đã đáp ứng tốt việc di chuyển người và tài sản của người dân địa phương.

Chị Nguyễn Thị Oanh ở thôn Huỳnh Xá Hạ chia sẻ: “Gia đình tôi có hai con nhỏ, nước sông dâng nhanh khiến tôi không kịp trở tay vì nhà ngập trong nước đến 1,5 m. Mặc dù tài sản, lương thực không thể di chuyển kịp và hư hỏng hết nhưng tính mạng của gia đình được đảm bảo bởi bè ống nhựa của anh Vương đến ứng cứu rất đúng lúc”. Ông Trần Hữu Bỉnh 81 tuổi, ở cùng thôn nhớ lại: “Gia đình tôi có 4 người con đều đã đi làm xa, tôi và vợ đều đã lớn tuổi. Lúc nước dâng nhanh, tôi chỉ biết cầu cứu hàng xóm. Ngay sau đó, cháu Vương cùng một số thanh niên trong xóm mang bè ống nhựa tới ứng cứu đưa đến nơi an toàn. Nếu không có chiếc bè này chắc vợ chồng tôi khó vượt qua được đợt mưa lũ lịch sử này”.

Trong các đợt mưa lũ vừa qua, anh Vương là một trong những hộ thiệt hại nặng. Anh có 2 hồ nuôi tôm nhưng bị nước lũ làm hư hỏng hoàn toàn, xưởng cơ khí cùng nhiều máy móc bị hư hỏng, tổng thiệt hại ước hơn 100 triệu đồng. Gạt đi nỗi buồn, anh Vương không ngại ngần bỏ công sức, tiền bạc của mình để làm ra những chiếc bè giúp người dân địa phương ứng phó với mưa lũ. “Một số nhà hảo tâm hứa với tôi, thời gian tới sẽ hỗ trợ kinh phí làm thêm nhiều chiếc bè như thế này để cấp phát cho các khu dân cư sẳn sàng cứu hộ cứu nạn khi có thiên tai”, anh Trần Hữu Vương thông tin.

Ông Trần Văn Huỳnh, trưởng thôn Huỳnh Xá Hạ cho biết: “Bè chống lũ bằng ống nhựa của anh Vương là một giải pháp mang lại hiệu quả cao, thiết thực với các địa phương thấp trũng. Trong trường hợp lũ lên nhanh có thể đảm bảo tính mạng của nhiều người. Ngoài ra, còn thuận tiện cho việc đưa cơm, giao hàng cứu trợ trong thời gian các khu dân cư bị lũ cô lập. Đây là sáng kiến hữu ích, đáng trân trọng của người dân để tăng cường năng lực ứng phó với mưa lũ”.

Võ Khánh Linh

Tây Ninh: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt nhiều kết quả tích cực

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh

Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng hoá thị trường; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 25,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi bò thịt.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dần đi vào thực tế. Một số chương trình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tin học, kỹ thuật công nghệ, thiết bị tiên tiến trong trồng trọt được đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như: bẫy đèn bắt côn trùng, bẫy sinh học dẫn dụ ruồi đục trái mãng cầu, ong ký sinh trị rệp sáp trên cây mì….

Ngoài ra, phát triển nông nghiệp sạch cũng ngày càng được chú trọng, hiện Tây Ninh đã hỗ trợ chứng nhận sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho 367,55ha; trên 1.2275 ha diện tích cây ăn trái được cấp chứng nhận VietGAP; 1.986 ha vùng lúa chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP, với 42 tổ liên kết.

Chăn nuôi vịt trên sàn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký mã số vùng trồng đối với nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 95 vùng trồng với diện tích 4.739ha và 21 cơ sở đóng gói trái cây; triển khai cho 90 hộ với diện tích hơn 1.000 ha ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS; hỗ trợ 5 cơ sở được cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc…từ đó đã tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, phát triển khá mạnh theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, chăn nuôi khép kín có bước tăng trưởng vượt bậc. Đến năm 2020, tỷ lệ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm 70% so với tổng đàn.

Chăn nuôi bò sữa tại trang trại bò sữa Vinamilk

Cơ cấu giống vật nuôi ngày càng được cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng góp phần tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 1 trang trại bò sữa Vinamilk đạt chuẩn GlobalGAP với 8.000 con, nằm trong hệ thống trang trại chuẩn GlobalGAP lớn nhất Châu Á của Vinamilk và được ứng dụng công nghệ 4.0 một cách toàn diện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình chăn nuôi có giá trị gia tăng gắn ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng giá trị và thu nhập cho người dân đang được triển khai nhân rộng như: hệ thống làm mát Cooling pad để điều chỉnh nhiệt độ; hệ thống phân phối thức ăn, nước uống tự động; sử dụng robot đẩy thức ăn; dàn vắt sữa tự động; sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại…

Việc chăn nuôi theo mô hình tập trung sẽ giúp người chăn nuôi vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, chủ động được trong công tác tiêm phòng, giảm thiểu bệnh tật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững hơn.

Nhi Trần

Các nhà máy chế biến sẽ tích cực hỗ trợ người dân vùng lũ trồng sắn

Nguồn tin: VOV

Thời gian tới các nhà máy sẽ ký hợp đồng đầu tư giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sắn giúp nông dân miền Trung trồng sắn phục hồi sản xuất sau bão lũ.

Mưa lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau lũ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp khó khôi phục. Thời gian qua, những phần quà hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân chung tay cùng bà con ổn định cuộc sống.

Hai xã Dương Thủy và Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là nơi chịu thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ lịch sử. Người dân nơi đây phát triển kinh tế chủ yếu nhờ trồng lúa, sắn, hoa màu. Lũ quét qua cuốn trôi tài sản, hoa màu, lương thực... hầu hết người dân rơi vào cảnh trắng tay. Đã gần 1 tháng khi lũ dữ qua đi nhưng bà con chưa thể khôi phục sản xuất. Ruộng đồng bị bồi lấp, cây con giống bị cuốn trôi, hư hỏng khiến bà con gặp nhiều khó khăn.

Ông Võ Sỹ Hưng, ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, chưa bao giờ thấy lũ lớn như vậy, toàn bộ thóc lúa vụ Hè Thu của gia đình vừa thu hoạch kê lên tận mái nhà nhưng nước vẫn dâng cao làm ướt hết. Số lúa giống và lúa lương thực ngâm nước dài ngày mọc mầm hư hại. Ngoài lúa bị hư hại, diện tích trồng sắn của người dân chưa kịp thu hoạch bị thối củ, mất trắng.

“Cơn lũ lịch sử hao hại vật chất, của cải rất lớn. Việc khắc phục chỉ 1 phần nào đó, bà con vẫn nhờ các cấp quan tâm hỗ trợ về con giống, cây trồng nông nghiệp”, ông Hưng mong muốn.

Mưa lũ làm nhiều diện tích hoa màu tại tỉnh Quảng Bình bị hư hại.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, vừa qua hiệp hội đã đến vùng lũ, khảo sát vùng trồng sắn bị thiệt hại tại huyện Lệ Thủy để tìm giải hỗ trợ pháp khôi phục sản xuất giúp bà con nơi đây. Theo đó, mưa lũ gây thiệt hại hơn 30 ha trồng sắn địa phương này. Tỉnh Quảng Bình có hơn 4.500ha canh tác sắn có liên kết với 2 nhà máy sản xuất tinh bột sắn.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, để hỗ trợ giúp địa phương vượt qua khó khăn, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã trao 80 suất quà mỗi suất trị giá 2 triệu đồng tặng người dân 2 xã Dương Thủy và Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Thời gian tới các nhà máy sẽ ký hợp đồng đầu tư giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sắn giúp nông dân phục hồi sản xuất.

“Đoàn công tác đã đi qua những cánh đồng nước ngập, tất cả cây trồng bị mất hết khiến bà con rất khó khăn. Hiệp hội Sắn Việt Nam đã phát động mỗi cán bộ công nhân viên quyên góp tiền để mang tình cảm đến với bà con, chia sẻ với bà con để vượt qua thời điểm khó khăn này”, ông Tiến chia sẻ./.

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

Đắk Nông: Nông dân loay hoay với cà phê

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Vụ thu hoạch cà phê năm 2020, người dân phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi như mất mùa, giá thấp, khó tìm nhân công thu hoạch. Chính vì vậy, nhiều gia đình trồng cà phê đã chủ động cắt giảm chi phí đầu tư để tránh thua lỗ.

Gia đình bà Huỳnh Thị Mai, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) có gần 4 ha cà phê. Những năm trước, gia đình bà luôn thu hái cà phê đúng độ chín. Thế nhưng năm nay, cà phê đã chín rục mà bà vẫn chưa tìm được nhân công để hái.

Vườn cà phê 4 ha của gia đình chị Huỳnh Thị Mai, thôn 6 xã Đắk Ha (Đắk Glong), đã chín rục, nhưng chưa thuê được nhân công thu hoạch

Bà Mai cho biết, các năm trước, bà đều thuê lao động từ các tỉnh khác đến hái cà phê, nhưng năm nay tìm nhân công không được. Bà phải đi hỏi khắp nơi mới thuê được 8 người về hái cà phê. Tuy nhiên sau đó, họ lại chê vườn dốc, cà phê kém năng suất, nên đều bỏ đi.

Đến nay, dù vụ mùa đã trễ, nhiều cây cà phê rụng trái, bà Mai vẫn loay hoay để thu hoạch. "Thu hoạch muộn sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi cây, vụ mùa sang năm sẽ giảm năng suất. Biết hậu quả sẽ như vậy, nhưng cũng không biết xoay xở thế nào, vì không thuê được nhân công", bà Mai phàn nàn.

Cũng theo bà Mai, năm nay, năng suất cà phê của gia đình chỉ bằng khoảng 2/3 so với mọi năm 2019, tức chỉ đạt tầm 2 tấn/ha. Nguyên nhân cà phê giảm năng suất là do ảnh hưởng của thời tiết. "Năng suất giảm, giá bán cũng thấp, nên vụ thu hoạch cà phê này thu nhập chẳng được là bao. Gia đình tôi đang tính toán cắt giảm bớt chi phí đầu tư để tránh thua lỗ", bà Mai cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Duy Tuấn, thôn Đức Hòa, xã Thuận An (Đắk Mil), gia đình ông hiện có 3 ha cà phê. Năm nay cà phê mất mùa, sản lượng giảm khoảng 40% so với mọi năm. Nguyên nhân cà phê mất mùa là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán ở đầu vụ.

Năng suất giảm, vào chính vụ giá cà phê vẫn ở mức thấp, khoảng từ 32.000-33.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng cà phê hầu như không có lãi. Do đó, gia đình ông Thuấn đã chủ động giảm bớt chi phí đầu tư bằng cách tự thu hái cà phê, cắt bớt lượng phân bón...

Nhiều người dân cho biết, năm nay khó tìm nhân công thu hoạch cà phê hơn mọi năm. Nguyên nhân của thực trạng này một phần do lũ lụt miền Trung gây ảnh hưởng nặng, kéo dài, nên nhiều lao động phải lo ổn định đời sống, không thể vào Tây Nguyên hái cà phê thuê như mọi năm. Ngoài ra, hiện nay nhiều lao động nông thôn đã đến các thành phố lớn đề tìm việc làm thay vì đi hái cà phê thuê như trước đây.

Năm 2020, người trồng cà phê Đắk Nông lại gặp nhiều khó khăn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sản lượng cà phê toàn cầu vụ mùa 2020 giảm 2,5% so với năm 2019. Nhu cầu sử dụng cà phê năm 2020 cũng giảm 0,9% (tương đương hơn 167 triệu bao) so với 2019.

Đầu tháng 11/2020, giá cà phê thế giới có tăng, nhưng không đáng kể. Trong đó, giá cà phê Robusta có khả năng tăng mạnh hơn so với giá cà phê Arabica do nhu cầu cà phê hòa tan tăng.

Đối với thị trường trong nước, giá cà phê những ngày đầu tháng 11/2020 tăng khoảng 500-600 đồng/kg so với cuối tháng 10/2020. Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng 11/2020, giá cà phê Robusta loại R1 tăng 1,7% so với ngày 30/10/2020, đạt mức 34.900 đồng/ kg. Thế nhưng, đến ngày 20/11/2020, giá cà phê lại giảm từ 100-300 đồng/kg so với ngày 10/11/2020.

Còn trên địa bàn tỉnh, thông tin từ các đại lý thu mua cà phê cho biết, giá cà phê đang dao động quanh mốc 33.000 đồng/kg. Mức giá này hầu như đã duy trì từ nhiều năm nay. Theo nhận định từ các cơ quan chức năng, từ nay đến cuối vụ, giá cà phê hầu như không có thay đổi lớn, chỉ dao động tăng giảm với biên độ rất nhỏ.

Toàn tỉnh đang có trên 131.000 ha cà phê, ước tính năm 2020 tổng sản lượng đạt khoảng 306.172 tấn, tức bằng 96,89% kế hoạch năm. Như vậy, năng suất, sản lượng cà phê năm nay trên toàn tỉnh đã sụt giảm đáng kể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người trồng cà phê lại thêm một năm khó khăn.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Rau màu xuống giá, nông dân thua lỗ

Nguồn tin: Báo Long An

Huyện Cần Đước, tỉnh Long An hiện có gần 800ha rau màu chuyên canh, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên năm 2020, nông dân trồng rau gặp nhiều khó khăn do đầu vụ nắng hạn kéo dài, thiếu nước; thời điểm giữa năm mưa liên tục, đất ngập nước, rau màu bị hư hại. Nhiều diện tích, nông dân phải bỏ vụ, nhất là giá rau xuống thấp, nông dân thua lỗ.

Ông Lê Công Trường (ấp 4, xã Long Khê) cho biết: Cải xanh, cải ngọt là 2 loại rau chủ lực của xã Long Khê, các loại rau màu ngắn ngày này là nguồn thu nhập chính của người trồng rau. Khoảng một tháng trở lại đây, giá rau màu các loại xuống rất thấp, không bù được chi phí sản xuất. Trồng cải xanh chi phí khoảng 7 triệu đồng/0,1ha nhưng bán ra chỉ 5-6 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc suốt gần 1 tháng ròng.

Nông dân Cần Đước gặp khó vì rau màu rớt giá

Rớt giá thê thảm nhất là cải ngọt. Nếu cách đây 1 tháng, giá cải ngọt bán tại vườn dao động từ 12.000-15.000 đồng/kg thì nay, giá bán chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Ông Trường cho biết thêm: Cải ngọt trồng khoảng 18-20 ngày thì bắt đầu thu hoạch, cứ 0,1ha đất trồng cải ngọt có thể thu hoạch từ 2,5-3 tấn. Mọi năm, giá thấp nhất cũng ở mức 5.000-6.000 đồng/kg, nông dân vẫn có lãi; còn năm nay chỉ 2.000 đồng/kg, không bù được chi phí thu hoạch chứ chưa nói đến công chăm sóc và chi phí phân bón.

Một số chủ vườn đã phá bỏ cải ngọt để chuyển sang trồng loại rau màu khác. Bên cạnh đó, rau dền, mồng tơi cũng dao động ở mức 15.000-20.000 đồng/1 chục, còn rau muống thì từ 2.000-3500 đồng/kg. Ông Lê Trung Tín - thương lái thu mua nông sản bỏ mối cho các chợ trong tỉnh, cho biết: Giá rau màu xuống thấp nhưng người tiêu dùng lại rất khắt khe về chất lượng, mẫu mã,... nên lượng rau bị “loại” đi cũng rất nhiều.

Nông dân trồng rau màu sợ nhất khi thu hoạch bị “dội chợ” vì rau màu không thể dự trữ chờ giá. Gần đây, nhiều loại rau màu bị giảm giá sâu, nông dân chưa dám đầu tư cho những vụ tiếp theo. Để tránh tình trạng trên, mong ngành chức năng quy hoạch vùng sản xuất, định hướng cho nông dân về các loại cây trồng, tăng cường hoạt động khuyến nông hỗ trợ nông dân trồng rau sạch, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất./.

Kim Khánh

Lâm Đồng: Giá bò hơi tăng cao, người chăn nuôi phấn khởi

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Giá bò hơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua tăng 10-13% so với cùng kỳ khiến nhiều nông dân nuôi bò phấn khởi.

Giá bò tăng làm nhiều người chăn nuôi bò thịt phấn khởi

Tại các huyện nuôi bò lấy thịt số lượng nhiều như Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà giá bò hơi đang ở mức 75.000 - 86.000 đồng/ kg, tăng 10 - 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc (45 tuổi, ngụ xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), hộ chăn nuôi 300 con bò ngoại giống Pháp, cho hay: hiện các hộ chăn nuôi bò thịt tại Đơn Dương chủ yếu nuôi bò ngoại giống của Australia, Pháp, Mỹ,…do bò thể trạng lớn từ 500 tới 900kg/con; bò tăng trưởng cân nặng nhanh (nếu ăn uống đầy đủ thường một ngày mỗi con có thể tăng 1kg). Ngoài ra, theo ông Lộc giá cả là yếu tố quyết định. Bò cỏ truyền thống thường có giá thấp hơn bò ngoại khoảng từ 10.000 tới 15.000 đồng/kg nhưng tốc độ tăng trưởng cân nặng lại rất chậm.

Hiện thương lái đang mua bò hơi ngoại giống Pháp tại các trang trại trên địa bàn tỉnh với giá 86.000 đồng/kg; bò hơi giống Australia khoảng 81.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi con bò khi bán trừ chi phí thức ăn, thuốc, nhân công, người chăn nuôi lời 13 tới 15 triệu đồng/con tuỳ cân nặng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, tới thời điểm này trên địa bàn toàn tỉnh có trên 99.000 con bò. Trong đó bò sữa có 20.810 con, bò thịt 79.000 con. Địa phương nuôi bò nhiều là huyện Đơn Dương (28.149 con); Đức Trọng (20.399 con); Cát Tiên (8.866 con); Lâm Hà (8.341 con);…

CHÍNH THÀNH

Thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi gà kết hợp trồng trọt

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Với việc lựa chọn mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi đã mang lại cho gia đình anh Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) nguồn thu hơn 500 triệu đồng/năm. Nguồn thu còn tăng trong những năm tiếp theo khi 6 ha cà phê tái canh bước vào kinh doanh.

Năm 2019, gia đình anh Nguyễn Quốc Sáu đầu tư gần 900 triệu đồng để xây dựng trại nuôi gà rộng 1.000 m2 bên cạnh vườn cà phê và mít. Để việc chăn nuôi được thuận lợi cũng như giảm chi phí nhân công, anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mái che kiên cố, lắp đặt hệ thống máng đựng nước uống, thức ăn tự động.

Anh Nguyễn Quốc Sáu (thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đak Đoa) bên vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: Anh Huy

Dẫn chúng tôi tham quan khu vực nuôi gà, anh Sáu cho biết: “Hai ngày nữa tôi nhập khoảng 10.000-12.000 con gà giống nên phải khẩn trương vệ sinh chuồng trại, quây bạt để úm gà con, thay lớp vỏ trấu mới để rải nền chuồng cho kịp tiến độ”.

Hơn 1 năm qua, gia đình anh nhận nuôi gia công cho Công ty TNHH một thành viên Chăn nuôi Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) và được hướng dẫn kỹ thuật tận tình nên từ đó đến nay, đàn gà của gia đình anh luôn sinh trưởng tốt, mang lại nguồn lợi nhuận ổn định. Mỗi năm, gia đình anh nuôi 3 lứa với khoảng 10.000-12.000 con/lứa, trong thời gian 80 ngày; sau khi xuất chuồng, anh dành 20 ngày để vệ sinh, khử trùng chuồng trại, máng đựng thức ăn, nước uống, thay lớp trấu mới trước khi nhập lứa gà giống tiếp theo.

Lý giải cho việc lựa chọn mô hình nuôi gà gia công, anh Sáu cho hay: “Nuôi gia công, mình chỉ cần bỏ vốn ban đầu để xây chuồng trại, còn lại công ty đầu tư con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra. Hơn nữa, với tình trạng giá cả nông sản bấp bênh như hiện nay, việc nuôi gia công an toàn hơn, người chăn nuôi không bị lỗ vốn”.

Minh chứng điều này, anh Sáu tính toán: Bình quân mỗi con gà trong thời gian nuôi ăn hết khoảng 4 kg cám (12.000 đồng/kg) chưa kể tiền vắc xin, thuốc kháng sinh, công chăm sóc... trong khi giá bán gà thịt nuôi nhốt theo kiểu công nghiệp chỉ dao động 25-35 ngàn đồng/kg. Với giá thành đó, người chăn nuôi nếu tự làm sẽ bị thua lỗ nhưng nếu nuôi gia công cho công ty thì không bị ảnh hưởng vì nuôi số lượng lớn, được bao tiêu sản phẩm.

Không chỉ thu về gần 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà, gia đình anh Sáu còn tiết kiệm được số tiền không nhỏ nhờ nguồn phân gà để bón cho cây trồng. “Trước đây, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua các loại phân bón cho diện tích cây trồng nhưng năm nay, tôi mới chỉ mua 20 triệu đồng phân lân. Mặt khác, so với phân hóa học, tôi thấy bón phân gà cây khỏe và phát triển xanh tốt hơn”-anh Sáu chia sẻ.

Anh Sáu kiểm tra các máng thức ăn cho gà. Ảnh: Anh Huy

Bà Nguyễn Thị Tặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Trang: “Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hội viên trong xã đã mạnh dạn lựa chọn, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Trong đó, hội viên Nguyễn Quốc Sáu nhờ nắm vững quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và nắm bắt nhu cầu thị trường nên mô hình kinh tế của gia đình anh đã mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và là địa chỉ để nhiều hội viên, nông dân trong xã học tập, làm theo”.

Ngoài chăn nuôi gà, gia đình anh còn đang trồng và chăm sóc hơn 1.000 trụ hồ tiêu, 1 ha chanh dây, 6 ha cà phê, 500 cây ăn quả (bơ, mít, sầu riêng). Diện tích đất sản xuất này được gia đình anh mua từ năm 1999, khi cả hai vợ chồng còn làm công nhân cao su của Nông trường Hòa Bình (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang). Diện tích này trước đây một phần gia đình anh trồng cây cao su. Khi cây cao su bắt đầu cho khai thác thì giá mủ giảm sâu, tiền bán mủ chỉ đủ trả tiền công khai thác nên anh lại quyết định chuyển sang trồng cà phê và hồ tiêu.

Anh Sáu cho hay: “Năm 2015 có lẽ là năm mà gia đình tôi thu cao nhất: 3.000 trụ hồ tiêu cho thu khoảng 10 tấn hạt tiêu khô (giá bán 220 ngàn đồng/kg), cà phê lúc đó cũng thu 10-12 tấn nhân (giá 38 ngàn đồng/kg)”. Sau đó, diện tích hồ tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh chết dần, hiện chỉ còn hơn 1.000 trụ, dự kiến cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Trên diện tích hồ tiêu đã chết, anh chuyển sang trồng chanh dây và mỗi năm trừ các khoản chi phí cũng thu về hơn 100 triệu đồng.

Riêng diện tích cà phê, dù trồng chưa lâu song vì muốn chuyển sang giống năng suất, chất lượng cao hơn nên anh đã quyết định tái canh hoàn toàn 6 ha trong năm 2019 và năm 2020. Với diện tích cây trồng và vật nuôi lớn nên hàng ngày, gia đình anh luôn có 6-8 lao động làm việc.

Làm công cho gia đình anh Sáu gần 3 năm qua, chị Loa (làng Groi 1, xã Glar) bộc bạch: “Mình rủ thêm 4 chị em trong làng đến đây cùng làm. Sáng mọi người chuẩn bị cơm mang theo để trưa ăn và nghỉ tại chỗ đến chiều làm tiếp. Công việc đều, tiền công trả vào cuối ngày nên mình và mọi người có thêm thu nhập lo chi phí trong nhà”.

ANH HUY

Nuôi gà trên đệm lót sinh học cho thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Chuồng gà giai đoạn 60 ngày tuổi của gia đình chị Biết. Ảnh: CTV

Chị Nguyễn Thị Biết ở khu phố Phước Lương, phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa, tỉnh tỉnh Phú Yên), nuôi gà trên đệm lót sinh học, mỗi lứa 1.000 con gà. Sau 3 tháng, chị thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng.

Với diện tích chuồng khoảng 1.000m2, chị Biết chia thành 6 khu vực nuôi với 4 lứa gà gối đầu. Chị nuôi theo phương thức nhận đầu tư giống, cám của đại lý và được đại lý bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra. Mỗi lứa 1.000 con gà, sau 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân 2kg, chị xuất bán, thanh toán cho đại lý khoảng 60 triệu đồng tiền giống, cám, còn lại chị thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng (tùy theo giá cả từng thời điểm). Riêng các đợt lễ, Tết, giá gà cao hơn nên thu nhập từ 30-50 triệu đồng/lứa.

Chị Biết tâm sự: Trước đây vợ chồng tôi cũng lăn lộn, làm đủ nghề từ việc sắm cộ bò chở thuê, rồi cày ruộng, làm dịch vụ máy ủi, máy xúc… nhưng chẳng nghề nào thành công. Đến khi nuôi gà thì kinh tế gia đình mới bắt đầu ổn định.

Theo chị Biết, công việc nuôi gà của gia đình chỉ cần một công lao động của chị; chồng, con phụ giúp khi có công việc đột xuất. Tuy phải chăm sóc 4.000 con gà hàng ngày nhưng công việc thảnh thơi do chuồng nuôi sử dụng đệm lót sinh học có dùng men Balasa nên ít tốn công quét dọn. Hàng ngày, chị chăm gà 3 lần.

Sáng mất khoảng một giờ để thay nước, cho ăn; trưa mất một giờ thay nước; chiều mất khoảng một giờ để đổ cám cho gà. Với lứa 1.000 con gà, khoảng 70m2 chuồng nuôi chị đổ 20 bao trấu, rải 1 gói men Balasa lên trên. Kết thúc lứa nuôi chị thu lại 60 bao trấu độn chuồng làm phân bón và bán với giá 9.000 đồng/bao.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng bệnh cho gà, chị Biết nói: Người nuôi cần phải siêng năng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thường xuyên quan sát đàn gà để theo dõi sức khỏe của gà từ đó cho ăn, uống và bổ sung dinh dưỡng, thuốc, vitamin… cho phù hợp. Kết thúc lứa nuôi cần hốt hết chất độn, dọn sạch chuồng nuôi, rửa thật sạch các máng ăn, bình nước uống, ngâm với nước xà phòng, sau đó phun nước vôi pha loãng khắp khu vực để sát trùng chuồng nuôi, khu vực sân chơi của gà cũng cần phải thay cát sau mỗi lứa nuôi để hạn chế mầm bệnh.

Cứ cách 2 ngày thì vệ sinh chuồng, quét phân, lông gà, rửa, sát trùng các dụng cụ khay ăn, máng uống của gà. Khi sử dụng đệm lót sinh học để nuôi gà thì tuyệt đối không để nước đổ trên nền chuồng vì sẽ sinh ra dòi bọ, ruồi… Ngay tại vị trí khay uống của gà, nếu chuồng nuôi chật có thể treo thêm thau dưới khay uống để hứng nước rơi vãi, giữ cho chuồng luôn khô ráo.

Theo ông Huỳnh Thúc Khoa, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông TX Đông Hòa, nhờ nuôi gà mà gia đình chị Biết có thu nhập khá. Hơn 2 năm, vợ chồng chị tích lũy vốn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp để gặt lúa khi vào vụ…

MINH NHẬT - TRÂM TRÂN

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop