Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 03 tháng 02 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 03 tháng 02 năm 2023

 

TP.HCM: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nguồn tin:  Khoa học Phổ thông

 

 

Mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau thủy canh và tưới tự động tại Việt Nam. Ảnh: Nông Nghiệp.

Trong năm 2023, đinh hướng của ngành nông nghiệp TP.HCM sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các giống cây trồng, nâng cao năng suất cũng như chất lượng các cây giống.

Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết nền sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay đã được phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ sau những năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo đó, GRDP nông lâm thủy sản năm 2022 ước đạt 8.390 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2022 đạt 19.035,6 tỷ đồng, tăng 3,78% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng xuất hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả kinh tế cao do ứng dụng công nghệ cao so với sản xuất thông thường, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chủ lực.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM, ngành nông nghiệp TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, tăng giá trị sản xuất từ 640-660 triệu đồng/ha.

Đồng thời, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao, đưa TP.HCM trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực.

PV

 

EU công bố một số quy định kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EU) đã thông báo về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU trong 6 tháng đầu năm 2023.

 

 

Chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng cải thiện, có khả năng cạnh tranh tại EU - Ảnh minh họa

Cụ thể, ngày 27/1 vừa qua, EU đã đăng công báo Quy định số (EU) 2023/174, ban hành ngày 26/1/2023, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Theo đó, đối với Việt Nam, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% tại lần thông báo trước như rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát. Hiện tại chỉ còn ớt nằm trong danh mục kiếm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm chất lượng là 50%.

Tuy nhiên, đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.

Thanh long và mỳ tôm vẫn nằm trong phụ lục II với yêu cầu chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam và tần suất kiểm tra tại cửa khẩu EU là 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo.

Trước đó, vào ngày 23/1, EU cũng đăng công báo quy định implementation regulation (EU) 2023/147 ngày 20/1/2023 về sửa đổi phụ lục II, III và V của quy định 396/2005 về ngưỡng dư lượng cyromazine, topramezone và triflumizole trong hoặc trên một số sản phẩm.

Theo đó, ngưỡng của các chất trừ sâu, diệt cỏ, diệt nấm này được quy định cụ thể với các loại rau, quả, trà, động vật, nội tạng động vật. Quy định này có hiệu lực sau 20 ngày đăng công báo và sẽ được áp dụng sau 6 tháng Quy định có hiệu lực.

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm, các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật cần sớm cập nhật để thực hiện đúng quy định mới tại thị trường này.

Tiềm năng thị trường, nhu cầu tiêu dùng rau quả nhiệt đới mới lạ tại EU tăng cao, trong đó sản phẩm rau quả tươi tăng từ 15-20%/năm; sản phẩm chế biến tăng trên 30%. Quy định thủ tục đối với sản phẩm thực vật của EU theo hướng hậu kiểm, khác với quy định một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bộ NN&PTNT đánh giá, thị trường EU ngày càng có nhu cầu cao đối với các loại rau quả nhiệt đới của Việt Nam. Chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng cải thiện, có khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường. Nhiều dòng rau quả nếu như trước đây chịu mức thuế suất 10-20% thì nay về 0%, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với các nước chưa có FTA như Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Mỹ Latinh.

Đỗ Hương

 

Giúp mãng cầu gai vươn xa trên thị trường

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” đã khẳng định chất lượng, giúp mãng cầu gai tự tin vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.

 

 

Dự án đã tiếp nhận và chuyển giao 3 quy trình công nghệ sản xuất trà mãng cầu cho nông hộ tham gia dự án.

Mãng cầu gai (hay còn gọi là mãng cầu xiêm) được xác định là một trong bốn loại nông sản đặc trưng, tiềm năng gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Tại Hậu Giang, mãng cầu gai đã được trồng phổ biến ở nhiều địa phương với tổng diện tích khoảng 685ha. Trong đó, huyện Phụng Hiệp có diện tích lớn nhất tỉnh với khoảng 275ha, tập trung nhiều tại xã Hòa Mỹ. Những năm qua, việc trồng và mua, bán mãng cầu gai đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nơi đây. Các sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu gai, mà tiêu biểu là trà mãng cầu đã trở thành một loại đặc sản của Phụng Hiệp nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Xác định được tiềm năng của mãng cầu gai, những năm qua, huyện Phụng Hiệp đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nhằm cải thiện, nâng cao năng suất, chất lượng cho loại trái cây này. Tiêu biểu là năm 2020, từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ, huyện đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, do TS. Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh là tổ chức chủ trì.

Triển khai dự án, ban chủ nhiệm đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ dân cách trồng và chăm sóc mãng cầu gai. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sâu bệnh cho cây và cập nhật nhật ký sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc ghi chép nhật ký sản xuất của nông hộ tham gia dự án. Đến nay, sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng mãng cầu gai được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho xã viên của Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, với quy mô 23,7ha, năng suất trung bình 30 tấn/ha.

Ông Lê Hoàng Ba, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Trong giai đoạn đầu áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, bà con xã viên cũng có những sự bỡ ngỡ, nhưng dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của dự án, các xã viên đã tiếp cận được với khoa học và công nghệ, với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận. Đây là một điều rất đáng mừng với bà con xã viên của hợp tác xã và địa phương. Dự kiến, năm 2023, xã Hòa Mỹ sẽ xây dựng sản phẩm OCOP từ trái mãng cầu của Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ. Do đó, hợp tác xã và bà con xã viên cần duy trì sản xuất theo chuỗi này để giữ vững chất lượng sản phẩm đã đạt được”.

Để mở đường cho việc xây dựng sản phẩm OCOP tại địa phương, dự án cũng đã tiếp nhận 3 quy trình công nghệ sản xuất trà mãng cầu (trà túi lọc, trà hòa tan, trà sợi) từ Trường Đại học Cần Thơ. Tiến hành chuyển giao quy trình, xây dựng mô hình liên kết tổ sản xuất, chế biến trà mãng cầu gai chất lượng cao theo tiêu chuẩn trà của Việt Nam cho hợp tác xã và các xã viên tham gia dự án. Qua đó, giúp địa phương hình thành thương hiệu trà mãng cầu đủ điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, dự án còn thử nghiệm tem điện tử QR code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm mãng cầu gai. Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường cho sản phẩm “Mãng cầu Hậu Giang’’, nhằm giúp sản phẩm dễ dàng tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước với giá cả cao hơn, ổn định hơn. Ông Phùng Văn Rở, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, cho biết: “Sắp tới, hợp tác xã sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo ra lợi nhuận để hợp tác xã tiếp tục đăng ký tái công nhận tiêu chuẩn GlobalGAP và duy trì áp dụng chuẩn trong những năm tiếp theo”.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang” triển khai thành công không chỉ mang lại hiệu quả cho riêng Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, mà đó còn là mô hình mẫu để nhân rộng cho trái mãng cầu xiêm và nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh, giúp các sản phẩm này tự tin vươn xa.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

 

Hiệu quả mô hình trồng dưa hấu trong nhà lưới

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Mạnh dạn thay đổi canh tác theo truyền thống, các hộ dân đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn trồng dưa hấu trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Dưa hấu trồng trong nhà lưới của ông Hồ Ngọc Bình thu hoạch bán được lợi nhuận gần 30 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, viên chức Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, Tổ trưởng Tổ thực hiện mô hình trồng rau màu trong nhà lưới an toàn vệ sinh thực phẩm, cho rằng: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang được xã hội quan tâm. Cho nên việc xây dựng những mô hình theo hướng an toàn, bảo vệ sức khỏe cho người dân, tiêu dùng và bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Trong năm 2022, trung tâm đã xây dựng mô hình trồng rau màu trong nhà lưới an toàn vệ sinh thực phẩm và đã triển khai ra hộ dân thực hiện.

Như mô hình trồng dưa hấu an toàn trong nhà lưới của hộ ông Hồ Ngọc Bình, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, mang lại hiệu quả khá cao. Ông Bình cho biết: “Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sản xuất an toàn thực phẩm là việc gia đình tôi luôn quan tâm thực hiện. Được sự hỗ trợ của Nhà nước về chi phí làm nhà lưới, tôi đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới trên diện tích 500m2 để trồng dưa hấu. Trồng dưa trong nhà lưới mặc dù tốn chi phí đầu tư ban đầu, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng theo truyền thống trước đây, ít tốn phân thuốc, ít sâu hại hơn”. Sau 65 ngày trồng gia đình ông Bình thu hoạch được 5,5 tấn dưa hấu, bán với giá từ 7.000-10.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí ông thu lợi nhuận được gần 30 triệu đồng. Đạt được lợi nhuận hấp dẫn này giúp kinh tế gia đình ông khá hơn.

Hiện tại, mô hình trồng rau màu trong nhà lưới an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tại 4 hộ dân ở địa bàn thị xã Long Mỹ và 1 hộ ở thành phố Vị Thanh. Mỗi hộ trồng với diện tích 500m2, chi phí thiết bị cố định nhà lưới, thiết bị là 50,5 triệu đồng. Dự kiến năng suất trồng dưa hấu trong nhà lưới là 60 tấn/ha, cao hơn so với trồng dưa hấu ngoài trời là 10 tấn/ha. Cả mô hình đều giống nhau về giống, phương thức trồng, chăm sóc, bón phân. Chỉ khác nhau về điều kiện khí hậu trong và ngoài nhà lưới, cách tưới nước, phun thuốc và công lao động.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cho biết: Việc triển khai mô hình đã giúp nông dân thay đổi dần thói quen canh tác, tạo ra những sản phẩm rau màu an toàn, chất lượng. Mô hình này so với trồng lúa thì rất hiệu quả. Tuy chi phí ban đầu do đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới cao, nhưng khi tính khấu hao nhiều vụ cho thấy mô hình đã giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích. Từ đó, giúp nông dân có nguồn lợi nhuận từ 19,7 triệu đồng/500m2 sau một vụ dưa hấu, cao gần 5 triệu đồng so với trồng dưa hấu ngoài trời. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Long Mỹ có khoảng 25 nhà lưới trồng rau màu các loại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả trồng rau màu trong nhà lưới an toàn trên các địa bàn khác trên toàn tỉnh.

Bài, ảnh: T.XOÀN

 

Đắk Lắk: Trồng ổi - hướng phát triển kinh tế mới ở M’Drắk

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Thời gian qua, nhiều nông dân tại thị trấn M’Drắk, các xã Cư Króa, Ea Lai, Ea Pil (huyện M'Drắk, Đắk Lắk) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ổi và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, thu nhập của gia đình chị Tiêu Thị Cậy (ở tổ dân phố 4, thị trấn M’Drắk) chủ yếu từ trồng hoa màu, nhưng vài năm gần đây do khí hậu thất thường nên hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2020, qua tìm hiểu, gia đình chị Cậy quyết định chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ổi. Bước đầu gia đình chị đầu tư trồng thử nghiệm 70 cây ổi lê Đài Loan.

Nhận thấy ổi dễ trồng, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, có thể thu hoạch nhiều lần, quả to, giòn, ngọt nên gia đình chị Cậy tiếp tục đầu tư nhân rộng quy mô.

Đến nay, gia đình chị đã có trên 510 cây ổi; trong đó có 270 cây trong thời kỳ thu hoạch, bình quân mỗi ngày gia đình chị cắt được 50 - 60 kg ổi, với giá bán sỉ từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, mỗi năm mang lại cho gia đình chị nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng.

 

 

Vườn ổi của gia đình chị Phan Thị Dịu, tổ dân phố 4, thị trấn M'Drắk.

Trên địa bàn tổ dân phố 4 (thị trấn M’Drắk), ngoài gia đình chị Cậy còn có gần 10 hộ cũng chuyển đổi sang trồng cây ổi với diện tích trên 2 ha.

Chị Phan Thị Dịu, tổ trưởng tổ dân phố 4 cho biết trước đây gia đình chị ngoài trồng lúa còn trồng cây cà tím, nhưng cây cà tím mất nhiều công chăm sóc, hiệu quả lại không cao nên chị quyết định chuyển đổi sang trồng 100 cây ổi Thái, một năm thu hoạch khoảng 5 tấn.

Theo chị Dịu, công và chi phí trồng ổi không đáng kể, chủ yếu là tiền phân bón, bọc xốp và công tỉa cành, thu nhập từ cây ổi tương đối cao so với các loại cây khác.

Nhiều nông hộ tại các xã Cư Króa, Ea Lai, Ea Pil cũng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thử nghiệm nhiều giống ổi như Nữ hoàng, ổi lê, ổi Thái; sản phẩm thu hoạch được người tiêu dùng ưa chuộng do ổi có vị giòn ngọt và lòng tin với nông nghiệp sạch tại địa phương.

Chị Phan Thị Ngọc (ở thôn 6, xã Ea Lai) đã quyết định chuyển đổi gần 1 ha tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm sang trồng 200 cây ổi lê, trồng xen canh cây mắc ca, cây dổi; hằng năm gia đình chị thu về gần 4 tấn ổi, chủ yếu là bán cho người tiêu dùng địa phương, thu về trên 40 triệu đồng/năm.

Bà H’Zen Niê, Chủ tịch Hội Nông dân huyện M’Drắk cho biết, ổi là loại cây dễ trồng, với nhiều lợi thế là ít tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, đây cũng là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình trồng ổi hiệu quả, đồng thời kết nối, liên kết giúp bà con tiêu thụ sản phẩm..

Thúy Diệp

 

Trồng rau màu trong mùa khô cho hiệu quả kinh tế cao hơn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Nông dân xã Phước Hậu (huyện Long Hồ) xuống giống màu trong mùa khô.

Vào mùa khô, tuy nguồn nước tưới khó khăn, nhưng theo ngành nông nghiệp, trong mùa này thường có diện tích trồng rau màu ở trong tỉnh Vĩnh Long nhiều hơn trong mùa mưa, bởi mùa khô rau màu phát triển tốt hơn, không bị ngập lụt, chất lượng rau, mẫu mã tốt hơn và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hai năm gần đây, tuy có biến động về diện tích, giá cả vật tư và đầu ra, nhưng diện tích trồng rau màu trong tỉnh (trừ cây khoai lang) vẫn còn khá nhiều. Trong đó, vụ Đông Xuân có từ 18.000 - 23.000ha, sản lượng khoảng 500.000 tấn; vụ Hè Thu từ 17.000 - 18.000ha, sản lượng khoảng 400.000 tấn.

Nhờ tăng cường thực hiện các giải pháp công nghệ và thị trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là đảm bảo cơ bản các điều kiện vệ sinh nên nhiều mặt hàng rau cải dần có mặt tại các siêu thị, chợ an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng.

Vụ màu Đông Xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 22.800ha. Đến giữa tháng 1, đã có 13.208ha được gieo trồng, đạt 57,8% kế hoạch; trong đó, màu xuống ruộng 3.975ha, chiếm 30% diện tích xuống giống.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, trong vụ này, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật tiếp tục được ngành nông nghiệp chuyển giao đến nông dân, giúp họ ứng dụng trong thực tế sản xuất. Người trồng rau tập trung đầu tư chăm sóc, sử dụng giống mới, đa dạng hóa giống rau màu, áp dụng các phương pháp canh tác tiến bộ như dùng màng phủ nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ,… nên sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Hiện toàn tỉnh có 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống rau màu, có 6 cơ sở sản xuất rau màu được chứng nhận tiêu chuẩn GAP và tương đương, 35ha rau màu của tổ hợp tác, HTX đạt chứng nhận VietGAP. Trong năm qua, ngành chuyên môn đã tư vấn, hỗ trợ chứng nhận 60ha sản xuất rau màu đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng 4 mã vùng trồng và ký kết 4 bản thỏa thuận hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, trong tình hình hạn, mặn, thiếu nước tưới, nhiều nơi nông dân đã chuyển đổi tích cực để thích ứng điều kiện sản xuất khó khăn bằng cách áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước và mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà kính. Toàn tỉnh có trên 1.000ha rau màu áp dụng tưới tiết kiệm nước, 2,75ha trồng trong nhà lưới, nhà màng trồng dưa lưới, dưa leo, các loại rau thủy canh với chế độ nước, dinh dưỡng hồi lưu.

So với cách tưới truyền thống; tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giúp tiết kiệm nước từ 30 - 50%, giúp giảm chi phí đầu tư, công lao động từ 20 - 50%, giảm lượng phân bón 10 - 25%, tăng năng suất cây trồng 10 - 20%, tránh rửa trôi bề mặt đất, tránh thoái hóa đất canh tác và giảm thiểu ô nhiễm môi trường bảo vệ tài nguyên đất - nước.

Đặc biệt, trước xu thế của biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn bất thường, thiếu nước tưới ngày càng gia tăng nên công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là một giải pháp hữu hiệu, cấp thiết cho vùng bị khô hạn, bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập và cải thiện đời sống người dân, đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng NTM. Các biện pháp thâm canh IPM, trồng rau theo ngưỡng an toàn… cũng được nông dân các vùng có truyền thống trồng rau màu áp dụng một cách phổ biến.

Theo tổng kết của ngành nông nghiệp từ việc trồng rau màu trong mùa khô ở các năm gần đây cho thấy, mặc dù bỏ ra nhiều công và sản phẩm phụ thuộc nhiều vào thời điểm thu hoạch, thị trường tiêu thụ, nếu đầu tư đúng mức thì người trồng rau màu thu được hiệu quả cao hơn hẳn trồng lúa. Bình quân, mỗi hecta màu thu lợi từ 20 - 150 triệu đồng, cao gấp 1,5 - 7 lần so với lúa. Trong đó, nhóm cho hiệu quả kinh tế cao nhất là nhóm rau ăn lá, còn nhóm rau ăn quả, ớt, dưa hấu cũng khá cao.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

 

Tiếp tục đánh giá các giống mì kháng bệnh khảm lá

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Với sự đồng hành của CIAT và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã tìm được 6 giống mì kháng bệnh khảm lá…

 

 

Khoai mì được thu hoạch và đánh giá chữ bột.

Sáng 28.1, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh phối hợp Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT); Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc tiến hành thu hoạch và đánh giá chữ bột bộ giống kháng bệnh khảm lá khảo nghiệm tại ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu.

Ông Hà Thanh Tùng– Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết, từ đầu năm 2022, Trung tâm phối hợp với CIAT và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc tiến hành trồng khảo nghiệm 536 dòng khoai mì mới nhằm tiếp tục tìm thêm nhiều giống kháng bệnh khảm lá trên tổng diện tích 3 ha tại ấp 7, xã Suối Dây. Đến nay, diện tích mì đã đến thời kỳ thu hoạch để đánh giá chất lượng chữ bột, làm cơ sở cho việc lựa chọn và tiếp tục khảo nghiệm vòng sau.

Ông Nguyễn Đình Xuân– Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tây Ninh là một trong những tỉnh có diện tích và năng suất khoai mì đứng đầu cả nước. Những năm qua, khoai mì là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nông dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Tuy nhiên, dịch khảm lá mì bùng phát tại Tây Ninh từ năm 2017 khiến hàng ngàn héc-ta cây khoai mì trên địa bàn tỉnh nhiễm bệnh, làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến chất lượng tinh bột.

 

 

Cân đánh giá chữ bột khoai mì ngay khi vừa thu hoạch.

Với sự đồng hành của CIAT và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã tìm được 6 giống mì kháng bệnh khảm lá, đang được nhân giống để chuyển giao cho nông dân trồng thay thế các giống mì truyền thống bị nhiễm bệnh khảm lá.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, hiện nay, cây mì là loại cây trồng đóng góp khoảng 10% giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh. Tổng diện tích khoai mì của tỉnh hằng năm vào khoảng 60.000 ha.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh hy vọng, sau đợt thu hoạch và đánh giá chất lượng tinh bột lần này, các nhà khoa học sẽ tiếp tục tìm ra nhiều giống mì mới không những có thể kháng bệnh khảm lá mà còn kháng được nhiều loại bệnh khác, giúp nâng cao năng suất khoai mì, đáp ứng chất lượng xuất khẩu.

Minh Dương

 

Hồ tiêu chín sớm, giá bán ở mức thấp

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2023, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi giá bán đang ở mức thấp, trong khi đó tình trạng thiếu nhân công, giá thuê cao vẫn diễn ra khiến cho việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn.

 

 

Tiêu chín sớm, giá thấp trong khi nhân công khan hiếm khiến người trồng tiêu đang phải chạy đua với thời gian để thu hoạch. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu tại xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc).

Giá tiêu giảm thấp

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức bước vào cao điểm vụ thu hoạch. Tuy nhiên năm nay, sản lượng và giá thành đều không mấy khả quan. Hiện nay, giá tiêu rớt xuống mức thấp, chỉ từ 58-59 ngàn đồng/kg, trong khi đó nguồn nhân công thuê để thu hoạch khan hiếm nên giá thuê từ 280-300 ngàn đồng/người/ngày, khiến cho nguồn thu không đủ chi phí thuê nhân công.

Bà Lê Thị Hoàn (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) đang canh tác 1,3ha hồ tiêu cho biết, từ mùng 7 Tết, gia đình bà đã phải huy động hết bà con họ hàng để kịp thu hoạch do hồ tiêu chín rộ. “Ngoài chín sớm, năm nay hồ tiêu mất mùa, sản lượng chỉ đạt hơn 1 tấn; giá bán cũng đang ở mức thấp, chỉ 58-59 ngàn đồng/kg, vụ này lỗ hơn 10 triệu đồng/ha”, bà Hoàn cho hay.

Cũng trong tình cảnh tương tự, vườn hồ tiêu 1,1ha của ông Lê Xuân Liên (ngụ ấp 2, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) chín đỏ rực và rụng đầy gốc. Để tránh thất thoát, ông phải bỏ tiền mua lưới về rải khắp vườn để hứng trái hồ tiêu rụng xuống khi không kịp thu hoạch. Mặc dù năm nay sản lượng ổn định hơn năm ngoái, song với giá bán giảm, cộng với chi phí đầu tư tăng cao nên lợi nhuận mang lại không như mong đợi.

Khó thuê nhân công

Dạo quanh các vườn hồ tiêu trên địa bàn tỉnh cho thấy, mặc dù đang bước vào chính vụ thu hoạch, hồ tiêu chín đỏ nhưng không còn cảnh nhộn nhịp nhân công thu hoạch như những năm trước. Thông tin từ các hộ trồng hồ tiêu cho biết, tìm khắp nơi nhưng vẫn không kiếm được nhân công để thuê thu hoạch dù giá thuê tăng cao từ 280-300 ngàn/người/ngày.

Ông Lê Xuân Liên (xã Hòa Bình) cho biết thêm: “Để kịp thu hoạch vườn tiêu đã chín đỏ, nhiều ngày qua, tôi đã phải chạy đôn chạy đáo ngược xuôi để tìm kiếm nhân công hái tiêu từ các tỉnh lận cận. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn đang vụ thu hoạch mủ cao su, nên đa số lao động đã được thuê cạo mủ từ trước Tết. Với 4 công hái tiêu này, chắc khoảng 1 tháng rưỡi nữa gia đình tôi mới thu hoạch xong”.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN-PTNT), trên địa bàn tỉnh đang canh tác gần 10.700ha hồ tiêu, giảm hơn 800ha so với đầu năm 2022. Trước thực trạng giá hồ tiêu lên xuống thất thường nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng trong việc trồng mới mà chú trọng chăm sóc, phục dưỡng những diện tích tiêu đang cho năng suất ổn định, nhằm phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Đối với những diện tích tiêu già cỗi, năng suất thấp, bà con nông dân nên nghiên cứu để chuyển đổi cây trồng phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 

Vĩnh Long: Ra đồng đầu năm: kỳ vọng vụ mùa bội thu

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

 

 

Nông dân tích cực ra đồng chăm sóc hoa màu, ruộng lúa.

Sau những ngày vui Xuân, đón Tết, nhiều nông dân đã tất bật ra đồng bắt tay vào lao động, sản xuất, với kỳ vọng vào một mùa vụ suôn sẻ, gặt hái được nhiều thắng lợi.

Tích cực chăm sóc đồng ruộng sau Tết

Sau mấy ngày nghỉ Tết, nông dân đã quay lại việc đồng áng với mong ước một năm mưa thuận, gió hòa và có một mùa vụ bội thu. Nhiều nông dân cho hay, những ngày ra đồng đầu năm có nhiều việc phải làm hơn, như bón phân, làm cỏ, tháo nước, tranh thủ kiểm tra ruộng xem có phát sinh về sâu bệnh để xử lý kịp thời, giúp lúa phát triển, không ảnh hưởng đến năng suất.

Có 4 công lúa đang giai đoạn trổ, anh Lê Trọng Tín (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít, Vĩnh Long) cho biết: Trong vụ Đông Xuân này, lúa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, chưa bị sâu bệnh hại, hy vọng đến cuối vụ sẽ thu hoạch được năng suất cao. Năm mới, cầu mong thời tiết thuận lợi, để nông dân bớt vất vả, tăng thêm nhu nhập.

Đang đi thăm đồng, chú Nguyễn Văn Lâm (xã Trung Thành Đông, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Trước Tết tôi nghe thông tin mặn có thể xâm nhập sớm và sâu nên dù vui xuân nhưng tôi vẫn theo dõi tình hình lúa, nhất là vấn đề hạn mặn. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại lúa đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, chưa bị sâu bệnh hại và hạn mặn cũng chưa cao, hy vọng đến cuối vụ sẽ bội thu”.

Ông Dương Ái Đạo - Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, cho biết: Vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023, toàn huyện xuống giống khoảng 8.700ha. Từ trước Tết đến nay, ngành chức năng, địa phương cùng người dân cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp để ổn định, phát triển sản xuất.

Trong đó, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến hạn mặn, cập nhật độ mặn hàng ngày ở cống Nàng Âm, cống Cái Tôm,… khi độ mặn vượt quá ngưỡng cho phép thì thực hiện đóng cống để trữ ngọt, bảo vệ sản xuất.

Đến nay độ mặn đã giảm, ở mức an toàn cho cây trồng, triều cường cũng giảm nên đã thực hiện mở cống, tháo nước để chuẩn bị thu hoạch lúa Đông Xuân sắp tới. Cụ thể, diện tích thu hoạch lúa từ 14 - 25 tháng Giêng là khoảng 6.000ha.

Vụ mùa năm mới, nhiều nông dân cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ đầu ra, ổn định giá vật tư nông nghiệp, con giống để góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất. Bên cạnh đó, có phương án, chính sách để tạo đầu ra chắc chắn cho các mặt hàng nông sản. Từ đó, giúp nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chú ý phòng trừ sâu bệnh

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, lúa Đông Xuân 2022 - 2023 đã xuống giống dứt điểm với diện tích 39.980,2ha, đạt 88,8% kế hoạch (45.000ha); giảm 13,9% hay 6.434,9ha so với cùng kỳ năm trước. Lúa Đông Xuân đã thu hoạch gần 1.400ha, ước sản lượng trà lúa đã thu hoạch đạt gần 7.900 tấn với năng suất bình quân ước đạt 5,73 tấn/ha.

Ước diện tích xuống giống màu vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đến nay trên 16.100ha, đạt 70,6% kế hoạch, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích màu xuống ruộng chiếm 28,6% diện tích xuống giống. Riêng diện tích khoai lang xuống giống được trên 106ha, giảm 67,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trên cây lúa các đối tượng gây bệnh xuất hiện chủ yếu như: bệnh rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh sâu cuốn lá, chuột, bệnh vàng lá chín sớm… Trên cây màu, các đối tượng chủ yếu như: sâu ăn tạp, sâu tơ, sâu xanh, bọ trĩ, bọ nhảy, bệnh đốm phấn…

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho hay: Điều kiện thời tiết như hiện nay kết hợp giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Do đó, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả.

Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trổ lác đác khoảng 5% và sau khi lúa đã trổ đều, tiến hành phun ngừa một trong những loại thuốc đặc trị, không nên phun phân bón lá khi ruộng đang bệnh, nên giữ nước trong ruộng, đặc biệt là ở giai đoạn lúa trổ - chắc xanh.

Khi bệnh chớm xuất hiện sử dụng thuốc đặc trị phun xịt theo “4 đúng”. Khuyến cáo bà con tránh lạm dụng phân đạm, phân bón lá khi thấy có dấu hiệu của vết bệnh, bổ sung canxi, silic, đặc biệt lưu ý trên những chân ruộng thiếu nước, sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm có thể bị hại nặng.

Để sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn, thiên tai xảy ra, thông báo kịp thời cho địa phương và các ngành chức năng; theo dõi tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2022 - 2023, thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất, phòng chống hạn và xâm nhập mặn, đảm bảo thu hoạch an toàn.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh hại trên các loại cây trồng; theo dõi tình hình sản xuất, tăng cường thăm đồng, dự tính, dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh...

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi lúc giao mùa

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

 

Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra những đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ xuống thấp tới 7-8 độ C, khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi bị suy giảm. Theo dự báo, trong đầu tháng 2, cùng với rét đậm sẽ xuất hiện nồm ẩm kèm mưa phùn, là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh nguy hiểm (như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh...) dễ phát sinh và lây lan. Vì vậy, ngành chức năng và bà con nông dân đang tích cực triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

 

 

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra việc vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh.

Sau Tết Nguyên đán, gia đình chị Đoàn Thị Nguyệt, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ) có khoảng hơn 1.000 con gà thịt bắt đầu đến giai đoạn xuất chuồng. Chị Nguyệt chia sẻ: Thời tiết rét đậm sẽ khiến đàn gà rất dễ mắc bệnh cúm. Vì thế, tôi đã tiến hành che chắn chuồng trại để giữ ấm, hạn chế gió lùa vào chuồng gà và thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực và dụng cụ chăn nuôi 2 lần/tuần. Cùng với tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho vật nuôi, gia đình cũng hạn chế cho người lạ vào khu vực chăn nuôi và đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng để đàn gà tăng sức đề kháng.

Không riêng gia đình chị Nguyệt, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp. Theo đó, việc tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và tăng cường công tác khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại là biện pháp được nhiều hộ áp dụng. Ngoài ra, bà con cũng hạn chế chăn thả gia súc trong thời tiết giá rét; trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp để dự trữ, ủ chua làm thức ăn, bổ sung khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi với mục tiêu không để gia súc, gia cầm bị đói, rét, dịch bệnh.

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, dịp đầu năm, nguy cơ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi… là rất cao. Bởi hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật dịp lễ hội tăng mạnh. Ngoài ra, tổng đàn vật nuôi của tỉnh khá lớn với khoảng 90.000 con trâu, bò; đàn lợn 610.000 con và đàn gia cầm 15,8 triệu con. Trong đó, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 60% nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản đã phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật đến tận các xóm, hộ chăn nuôi. Tại khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao, Chi cục sẽ giám sát, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện, không để lây lan diện rộng.

Theo ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Thủy sản: Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường và các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y vào địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại chuồng trại và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn các véc-tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài truyền bệnh như muỗi, ve, bọ chét, ruồi…

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng được khuyến cáo cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, như: tiêm phòng vắc-xin đầy đủ; tuyệt đối không bán chạy vật nuôi mắc bệnh, không vứt xác động vật ra môi trường...

"Việc làm tốt tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngay từ những tháng đầu năm 2023 sẽ góp phần duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường và giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng." - Ông Lê Đắc Vinh cho biết thêm.

Khánh Thiện

 

Gỡ rào cản để ngành chăn nuôi phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn gặp nhiều trở ngại.

 

 

Hệ thống điều khiển tự động trong chăn nuôi gà chuồng lạnh khép kín của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức).

Chi phí đầu tư lớn

Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cho biết, việc đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi gà chuồng lạnh khép kín mang lại nhiều lợi ích. Đó là bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm thức ăn, giảm sức lao động chân tay, cung cấp nhiều sản phẩm trứng chất lượng cao cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn, khoảng 2,3 tỷ đồng/trại (1.600m2), nên công ty vẫn nuôi theo hình thức gia công.

Bên cạnh đó, tuy không lo về đầu ra, nhưng lợi nhuận của hình thức nuôi này không cao nếu so với chi phí đầu tư. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi còn gặp nhiều vướng mắc, đó là cần nguồn vốn lớn, quỹ đất rộng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, việc đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư gấp 4-5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều khó khăn nên người chăn nuôi vẫn e dè, chưa mặn mà đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi. Đây cũng là rào cản lớn nhất trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa có năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến cũng là trở ngại trong tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đồng thời, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chưa đa dạng khiến cho ngành chăn nuôi thiếu tính bền vững trong quá trình phát triển.

Tiếp tục gỡ khó

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, để chăn nuôi công nghệ cao có thể bứt phá, cần tháo gỡ rào cản về tiếp cận nguồn vốn, đất đai và tạo ra môi trường sản xuất ổn định, bền vững. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành chăn nuôi, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với bối cảnh mới.

Cụ thể, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, chế biến sâu để nâng cao giá trị. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút trang trại chăn nuôi có ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống cung cấp cho thị trường để giảm chi phí đầu vào cũng sẽ được chú trọng.

Toàn tỉnh hiện có 132 trang trại hoạt động chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 514,8ha (tổng đàn 114 ngàn con heo thịt, 39.287 heo nái, hơn 2,53 triệu con gà thịt, 90 ngàn con gà giống, 54 ngàn con vịt giống). Ước tính tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao năm 2022 đạt 2.445 tỷ đồng. Các công nghệ sử dụng gồm: trang bị hệ thống tự động điều khiển nhiệt độ, độ thông gió, hệ thống làm mát; điều khiển ánh sáng, hệ thống phun sương, hệ thống nhà lạnh trong chăn nuôi heo, gà; trang bị hệ thống dây chuyền giết mổ gia cầm bán tự động..., sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP).

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

 

Bạn trẻ nuôi gà thu nhập tiền tỷ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Gắn bó với nông nghiệp, từ chính những sản phẩm của nông thôn, nhiều bạn trẻ Lâm Đồng đã thành công, làm giàu nơi quê hương. Trong số đó, một chủ trang trại có tuổi đời còn rất trẻ đã có thu nhập tiền tỷ từ chăn nuôi, cung ứng trứng gà chất lượng cao cho thị trường.

 

 

Vũ Xuân Quý bên trang trại gà của gia đình

Sinh năm 1998, Vũ Xuân Quý vừa bước qua tuổi 25 và đang làm chủ một trong những trang trại nuôi gà đẻ trứng lớn của huyện Lâm Hà. Tại Thôn 2, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Quý đang điều hành một trại chuyên nuôi gà siêu trứng với 42 ngàn con. Vốn là sinh viên một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, cách đây 3 năm, sau khi tốt nghiệp, Quý đã quyết tâm quay về quê, mở rộng quy mô cũng như cung cách chăn nuôi trại gà đẻ của gia đình. Và thành công của người bạn trẻ có được từ nền tảng gia đình, kinh nghiệm của cha mẹ trong chăn nuôi và sự mạnh dạn thay đổi của tuổi trẻ.

Đưa khách hàng đi thăm trại gà đẻ, Vũ Xuân Quý chia sẻ, trước đây, trại gà của gia đình khá nhỏ, nuôi kiểu kín. Còn hiện tại, trang trại xây chuồng dạng hở, đảm bảo rộng, thoáng, phù hợp với mật độ đông đúc của gà đẻ. Quý cho biết, gà được chọn là giống gà đỏ siêu trứng, phù hợp với khí hậu của đất Gia Lâm. Tuy nhiên, gà cũng dễ bị sốc nhiệt, nhất là khi nhiệt độ cao nên chuồng làm rất thoáng mát, nhiều cửa rộng. Chuồng có hệ thống thông gió, trên mái có hệ thống phun nước làm mát, đảm bảo hạ nhiệt nhanh chóng khi trời nắng nóng. Còn khi trời lạnh, hệ thống cửa sẽ được kéo lại, đảm bảo độ ấm cho chuồng.

Người chủ trang trại trẻ cho biết, gà giống siêu trứng mua trực tiếp từ công ty, đảm bảo chất lượng. Gà 1 ngày tuổi được mua về, thả nuôi tại khu nuôi gà hậu bị. Sau 15 tuần chăm sóc, gà sẽ được đưa sang chế độ nuôi đẻ. Gà hậu bị nuôi trên sàn nhà có trải trấu, chăm sóc như gà bình thường, đến tuổi đẻ, gà được nhốt trong các lồng, đặt trên các giàn sắt để đảm bảo được chăm sóc đúng chuẩn. Quý chia sẻ, gà siêu trứng tơ có tỷ lệ đẻ lên tới 90 - 95%, gà già giảm tỷ lệ đẻ xuống còn 80 - 85%. Gà đẻ trứng, trứng theo máng lăn, chỉ cần đẩy xe đi thu nhặt trứng hàng ngày. Nuôi gà có quy mô lớn, với hệ thống chuồng xếp lớp hợp lý, trứng rất sạch, không dính cám thừa cũng như chất thải.

Theo đánh giá của Vũ Xuân Quý, nuôi gà đẻ cần chú ý nhất tới vấn đề chăm sóc sức khỏe ngay từ khi nuôi gà hậu bị. Chăm sóc gà cần có chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ, vệ sinh hàng ngày và tiêm vắc xin đầy đủ, theo đúng quy định của ngành Nông nghiệp cũng như hướng dẫn của công ty cung cấp giống. Chi phí cho 1 con gà giống từ 1 ngày tuổi tới 15 tuần là 105 ngàn đồng, với cám, thuốc bổ và vắc xin các loại. Người chủ trang trại trẻ chia sẻ: “Gà siêu trứng sẽ đẻ từ khi được 25 tuần và đẻ liên tục từ 12 - 15 tháng. Vì vậy, lượng thức ăn và thuốc bổ là không thể thiếu, phải bổ sung dồi dào. Gà đẻ phải đạt 2 kg trở lên mới đẻ trứng đều, vì vậy trang trại áp dụng cho ăn 2 lần/ngày và cung cấp nước bằng hệ thống tự động, đảm bảo gà không thiếu thức ăn cũng như không bị nước thừa, gây ẩm ướt dễ bị bệnh. Nuôi gà đẻ phải đảm bảo vệ sinh hàng ngày, giữ vệ sinh rất tốt để tránh bệnh dịch”.

Với 42 ngàn con gà đẻ, mỗi ngày, trang trại thu được từ 38 - 40 ngàn trứng, tương đương khoảng 2 tấn trứng các kích cỡ. Trứng được phân loại, đóng vào các sọt với trọng lượng 23 kg/sọt rồi chuyển tới thương lái thu mua. Trứng gà được thu mua với giá trung bình 35 ngàn đồng/kg. Đồng thời, sau khi gà hết tuổi đẻ có thể bán thịt với giá 50 ngàn đồng/kg. Trung bình, mỗi tháng trang trại cho thu nhập 300 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí.

Anh Đinh Văn Sang, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm đánh giá, trang trại gà siêu trứng của bạn trẻ Vũ Xuân Quý là trang trại có quy mô lớn trong vùng, áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi rất tiến bộ. Đặc biệt, dù gà là vật nuôi gây mùi hôi, nhưng do công tác quản lý trang trại tốt, cách li tốt nên mùi hôi giảm tối đa, không làm mùi bay ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Trang trại của Vũ Xuân Quý thực sự cho thấy sự cải tiến hiệu quả trong chăn nuôi, mang lại thu nhập cao cho nông dân, đồng thời vẫn bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

DIỆP QUỲNH

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop