Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 12 tháng 4 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 12 tháng 4 năm 2024

 

Phong Điền (Cần Thơ) chủ động các giải pháp thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Thời điểm này, nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Phong Điền (Cần Thơ) đã bắt đầu bước vào thu hoạch chính vụ năm 2024. Ðể tạo thuận lợi trong giai đoạn thu hoạch, tìm đầu ra cho trái sầu riêng, huyện Phong Điền đã chủ động vào cuộc, đồng hành cùng nông dân trong mùa vụ này…

 

 

Các vườn sầu riêng trên địa bàn huyện Phong Điền đang bước vào mùa thu hoạch. Trong ảnh: Nông dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền thăm vườn sầu riêng.

Phong Ðiền là huyện có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất tại TP Cần Thơ, với gần 9.000ha cây ăn trái các loại, sản lượng hơn 100.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích trồng sầu riêng hơn 3.284ha. Sầu riêng trồng tại Phong Ðiền chủ yếu là sầu riêng hạt lép Ri6 và Mỏn Thon, tập trung phần lớn ở các xã Tân Thới, Nhơn Ái, Trường Long. Thời gian qua, sầu riêng trồng tại Phong Ðiền được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao và có mẫu mã, chất lượng tốt.

Ðể đảm bảo và nâng cao chất lượng trái sầu riêng, ông Phan Thanh Trung, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phong Điền, cho biết: Huyện đã quan tâm tăng cường các hoạt động tập huấn về chăm sóc sầu riêng, những lưu ý trong giai đoạn cây ra hoa đậu trái và nuôi trái; sử dụng phân hữu cơ vi sinh an toàn; phòng trị các loại sâu, dịch bệnh… Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ hoạt động tưới tiêu, nhất là vào mùa khô vẫn đảm bảo đủ nước tưới cho sầu riêng. Bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, huyện tăng cường thông tin, tuyên truyền để nông dân thu hoạch đúng ngày như Ri6 từ 87 ngày trở lên, Mỏn Thon từ 105 ngày trở lên, đảm bảo chất lượng sầu riêng khi cung cấp ra thị trường…

Huyện Phong Điền cũng khuyến khích nông dân tăng cường liên kết, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và vùng chuyên canh trồng sầu riêng để thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp bao tiêu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ðặc biệt, là áp dụng sản xuất theo VietGAP và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để sản phẩm an toàn, đạt các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, huyện xây dựng vùng trồng sầu riêng Tân Thới với diện tích hơn 1.500ha; hỗ trợ nhà vườn xây dựng 26 mã số vùng trồng sầu riêng để phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường. Sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền là một trong những sản phẩm OCOP đạt 4 sao của thành phố...

Dù thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi nhưng đa phần nông dân trồng sầu riêng đều trúng mùa nhờ nắm rành các kỹ thuật chăm sóc để giúp cây sầu riêng phát triển bền vững, cho trái đạt chất lượng tốt, ăn thơm ngon và an toàn. Từ cuối tháng 3-2024, một số nông dân trên địa bàn huyện Phong Điền đã bắt đầu thu hoạch sầu riêng. Những ngày qua, đã có nhiều thương lái, công ty tìm đến chủ vườn, địa phương ký kết hợp đồng thu mua sầu riêng. Do vậy, nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Sầu riêng ở Phong Điền được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp thu mua và đem tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước và phục vụ xuất khẩu. Thời điểm đầu mùa, sầu riêng thu mua tại vườn có giá khá cao, trên dưới 100.000 đồng/kg.

Năm nay, vườn sầu riêng vừa trúng mùa vừa được giá, chú Nguyễn Văn Mười ở ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, không giấu niềm phấn khởi, chia sẻ: Gia đình có hơn 4.000m2 đất trồng sầu riêng Ri6, cây trồng được 7 năm tuổi và đây là vụ thu hoạch thứ 3. Nhờ cây đã trồng lâu năm và được chăm sóc tốt, vụ này năng suất đạt khá cao, dự kiến thu hoạch khoảng 6-7 tấn, trong khi năm rồi chỉ thu hoạch gần 2 tấn. Vừa qua, có thương lái tìm đến tận vườn ký kết hợp đồng tiêu thụ rõ ràng với giá 119.000 đồng/kg cắt cả vườn. Những ngày qua đã thu hoạch khoảng 50%, khoảng 3 tấn. Phần còn lại hiện đang được chăm sóc, khi đạt chất lượng thương lái sẽ tiếp tục đến thu hoạch. Mấy năm nay nhờ vườn sầu riêng cho hiệu quả kinh tế nên đời sống gia đình cũng thoải mái hơn. Để nâng cao chất lượng trái sầu riêng, tôi chuẩn bị các bước để đăng ký thực hiện trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP”…

Mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ trên địa bàn huyện thường rộ trong tháng 5 và tháng 6; giá thu mua sầu riêng tại vườn dự kiến giảm khi thu hoạch rộ. Ðể tạo thuận lợi về đầu ra cho trái sầu riêng, huyện Phong Điền quan tâm đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm và kết nối giữa nông dân với các nhà tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã chủ động thực hiện rà soát, thống kê và thông tin sản lượng sầu riêng trên địa bàn, sản lượng dự kiến thu hoạch theo từng thời điểm, tiêu chuẩn chất lượng, nhu cầu kết nối tiêu thụ. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, giới thiệu doanh nghiệp, thương lái thu mua sầu riêng; trong quá trình hợp tác tiêu thụ cần có hợp đồng cụ thể, rõ ràng, tránh những rủi ro. Đối với các vùng trồng sầu riêng được cấp mã số và ký kết hợp đồng bao tiêu, huyện yêu cầu các đại diện theo dõi thời gian, chủ động liên hệ đơn vị bao tiêu thu mua theo đúng thời gian. Huyện cũng tập trung xúc tiến thương mại cho tiêu thụ, chào bán sản phẩm sầu riêng trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín, tránh thu hoạch trái non, ảnh hưởng đến phẩm chất sản phẩm và uy tín sầu riêng Việt Nam nói chung...

Bài, ảnh: T. TRINH

 

Mã số vùng trồng: 'Chìa khóa' mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu

 

Nguồn tin:  Báo Long An

Với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, việc truy xuất nguồn gốc nông sản là cần thiết đối với mỗi sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Do đó, để nông sản vươn xa, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An đẩy mạnh xây dựng và cấp mã số vùng trồng (MSVT).

 

 

Ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát mã số vùng trồng sầu riêng tại huyện Tân Thạnh

Nhiều tín hiệu tích cực

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền rộng rãi về vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng MSVT trong sản xuất nông nghiệp, các quy định về cấp và quản lý MSVT. Từ đó, nông dân hiểu và chủ động tham gia xây dựng MSVT.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 292 lượt MSVT với tổng diện tích 13.568,98ha được xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Nga, Anh, Trung Quốc. Trong đó, thanh long có 228 mã số, chanh có 40 mã số, dưa hấu có 13 mã số, sầu riêng có 5 mã số, xoài có 2 mã số, chuối có 2 mã số, khoai lang có 1 mã số, mít có 1 mã số. Ngoài ra, toàn tỉnh có 164 cơ sở được cấp mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nông sản.

Nhờ được cấp MSVT, những năm gần đây, giá sầu riêng tăng lên rất cao, bình quân khoảng 120.000 đồng/kg, có thời điểm hơn 200.000 đồng/kg. Qua đó, góp phần tăng thêm thu nhập và giá trị trên đơn vị diện tích sản xuất.

Với 1,5ha sầu riêng được cấp MSVT, anh Trần Đăng Khoa (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) bán sầu riêng thuận lợi và giá cao hơn. Bên cạnh đó, việc liên kết thành công với các công ty thu mua cũng góp phần giúp gia đình anh hạn chế được tình trạng “thừa hàng, dội chợ” và bị thương lái ép giá mỗi khi thu hoạch.

“Theo tôi, để xây dựng và giữ vững được MSVT, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... Cùng với đó, nông dân cần từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vườn sầu riêng của mình nhằm giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm” - anh Khoa chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh - Trần Minh Nghĩa, hiện nay, bên cạnh chất lượng, người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Xây dựng MSVT là cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của sầu riêng, qua đó, xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín trên thị trường.

Toàn huyện Thạnh Hóa hiện có hơn 600ha chanh, tập trung ở xã Thuận Bình, Tân Hiệp. Trong đó, có hơn 103ha chanh ứng dụng công nghệ cao và 165ha chanh được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu. Thời gian qua, nông dân trên địa bàn huyện tích cực xây dựng MSVT cho cây chanh nhằm ổn định đầu ra.

Ông Trương Văn Tư (xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa) cho biết, ông hiện là thành viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Hoàng Thành. Từ khi tham gia HTX, ông được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, VietGAP và GlobalGAP; đồng thời, được kết nối với HTX Nông nghiệp Xanh (tỉnh Tiền Giang) để tiêu thụ nông sản.

Ông Tư nói: “Khi sản xuất theo quy trình VietGAP, nông sản bảo đảm chất lượng và có đầu ra ổn định, giá tiêu thụ cũng cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg. Khi ứng dụng quy trình sản xuất này, nông dân chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, các chế phẩm sinh học, giúp bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, HTX tích cực phối hợp ngành Nông nghiệp huyện để xây dựng MSVT cho cây chanh”.

Để nông dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng

Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp MSVT, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nông sản được mở rộng thị trường tiêu thụ, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp các địa phương tuyên truyền cho nông dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia cấp MSVT để nông dân tự nguyện đăng ký.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người sản xuất để thực hiện đúng quy trình sản xuất và các quy định khác của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương vận động người sản xuất tham gia các tổ hợp tác, HTX để thuận lợi cho việc cấp MSVT cũng như trao đổi, mua bán sản phẩm sau thu hoạch. Ngoài ra, tăng cường công tác mời gọi doanh nghiệp tham gia cùng người sản xuất thực hiện cấp MSVT và thu mua sản phẩm sau khi vùng trồng được cấp mã số. Qua đó, tạo điều kiện cho nông dân an tâm sản xuất và mạnh dạn đăng ký tham gia.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, việc xây dựng và cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng đối với xuất khẩu nông sản. Đây là yêu cầu bắt buộc nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với nông sản. MSVT chính là “giấy thông hành” và là “chìa khóa” để mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu chính ngạch vào các nước.

“Không riêng nông sản xuất khẩu mới cần truy xuất nguồn gốc mà nông sản tiêu thụ nội địa cũng cần bảo đảm vấn đề này. Do đó, việc xây dựng và cấp MSVT rất quan trọng. Các địa phương phải quan tâm, hỗ trợ các chủ thể, nông dân.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường quản lý MSVT, mã số cơ sở đóng gói, bảo đảm các MSVT, mã số cơ sở đóng gói đã cấp và sẽ cấp đáp ứng tốt yêu cầu của các nước nhập khẩu” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết./.

Bùi Tùng - Hoàng Tuân

 

Hòa Bình: Tái canh cây cam tại thủ phủ cam Cao Phong

 

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Nhằm phát triển bền vững vùng cây có múi, chính quyền huyện Cao Phong (Hòa Bình) phối hợp các đơn vị liên quan triển khai "Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025” với diện tích năm 2024 dự tính khoảng 42 ha, từ đó xây dựng cánh đồng mẫu để nhân rộng.

 

 

Hộ dân nhận khoán tại đội Bắc Phong (Cao Phong) trồng chuối nhằm cải tạo đất, tạo thu nhập khá.

Cao Phong là thủ phủ vùng cam của tỉnh, giai đoạn 2010 - 2016, cây cam đã giúp người dân Cao Phong đổi đời, thu nhập cả tỷ đồng/ha, nhiều hộ là tỷ phủ từ trồng cam. Tuy nhiên những năm gần đây, do sự phát triển nóng của diện tích cam, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, đặc biệt đến chu kỳ cần phải cải tạo để tạo sự phát triển ổn định mới. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Cao Phong đã xây dựng Kế hoạch số 65/KH-UBND về việc triển khai thực hiện "Đề án Tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, tập trung tái canh cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500 ha, trồng mới 670/1.500 ha với giống cây đầu dòng và quy trình chăm sóc cam đúng kỹ thuật từ khâu xử lý đất. Trên cơ sở đề xuất của huyện Cao Phong và các địa phương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết mức hỗ trợ thực hiện Đề án tái canh cây có múi giai đoạn 2021-2025. HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ cây giống cho diện tích trồng tái canh cây cam tại huyện Cao Phong đến năm 2025, mức hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống sạch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia.

Đồng chí Bùi Văn Hưng, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 237/2023/NQ-HĐND, ngày 7/4/2023 của HĐND tỉnh về Quy định chính sách hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong, giai đoạn 2023 - 2025 và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 237/2023/NQ-HĐND, UBND huyện đã rà soát tổng hợp diện tích tái canh cây cam trên địa bàn huyện năm 2024. Đến nay trên địa bàn có một đơn vị là Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình đăng ký diện tích trồng tái canh năm 2024.

Trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Cao Phong, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra tại thực địa diện tích các hộ đăng ký hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong năm 2024. Tổng số hộ đăng ký hỗ trợ giống là 115 hộ. Tổng diện tích đăng ký hỗ trợ cây giống là 42,306 ha, gồm: đội Bắc Phong, đội Tây Phong thuộc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình. Về chủng loại giống, đội Bắc Phong diện tích đăng ký 24,558 ha, đề nghị hỗ trợ giống cam lòng vàng (cam CS1): đội Tây Phong đăng ký 17,748 ha, đề nghị hỗ trợ giống quýt đường Canh (cam Canh). Qua kiểm tra, diện tích đăng ký của các hộ tập trung thành khu liền kề, chủng loại giống đồng bộ 1 loại/khu, đáp ứng yêu cầu của đề án và chính sách hỗ trợ cây giống của tỉnh. Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Cao Phong chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các bước theo hướng dẫn tại Văn bản số 1238/UBND-KTN, ngày 31/7/2023 của UBND tỉnh về hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 237/2023/NQ-HĐND, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai Đề án tái canh cây cam, huyện Cao Phong khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình chăm sóc và chế biến cam; kiên định sản xuất theo hướng xanh, sạch, dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh; tăng cường liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Hà Ngọc Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình cho biết: Thực tế nhận thức của người trồng cam đã có nhiều chuyển biến. Nhiều hộ chú trọng cải tạo đất, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Khi cam hết tuổi khai thác, bước vào chu kỳ thoái hóa, nhiều hộ chủ động chuyển đổi diện tích sang trồng chuối, sau một thời gian lại bắt đầu chuyển diện tích này sang trồng cây cam để thực hiện quy trình cải tạo đất. Trồng cam đòi hỏi sự đầu tư cả về nguồn lực, làm chủ các quy trình từ chọn giống, cải tạo đất đến các công trình chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn mới có hiệu quả cao và bền vững. Việc tái canh cây cam là hết sức cần thiết, bởi theo chu kỳ cây cam đến thời điểm thoái hóa, năng suất, chất lượng không đạt yêu cầu. Diện tích công ty quản lý khoảng hơn 600 ha, trong đó diện tích cam cũ hơn 200 ha, cam thời kỳ kinh doanh hơn 200 ha, còn lại diện tích khác chủ yếu là chuối để cải tạo đất và có thu nhập thêm. Thực hiện Đề án tái canh cây có múi, công ty rà soát diện tích, tính toán nhu cầu tái canh, đã lựa chọn 13 ha tại đội Bắc Phong làm đất để chuẩn bị trồng.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao Phong Hòa Bình cho biết thêm: Ở vùng đất Cao Phong, cho đến nay chưa có cây trồng thay thế được cây cam và mang lại hiệu quả như cây cam. Trong quá trình tái canh, cần phối hợp đồng bộ, triển khai nhanh, kịp thời để chính sách sớm đi vào phát huy hiệu quả.

Lê Chung

 

Tây Ninh: Tỉnh có 59 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh, trong quý I.2024 Tây Ninh thực hiện kiểm tra và cấp 19 mã số vùng trồng (MSVT) xuất khẩu trên cây sầu riêng, xoài và nhãn với tổng diện tích 226 ha, xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Australia, EU, New Zealand, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Các mã này đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt.

 

 

Chuối là một trong những loại cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu.

Luỹ kế đến ngày 5.4.2024, tỉnh đã cấp 59 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu với tổng diện tích 1.427,69 ha.

Trong đó, 19/59 mã số đã được nước nhập khẩu phê duyệt để xuất khẩu gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, New Zealand với 556 ha trên các loại trái cây như: chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh không hạt.

Có 40 mã số vùng trồng đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt với tổng diện tích 871,68 ha trên các loại cây chuối, nhãn, sầu riêng, xoài (xuất khẩu các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ).

Luỹ kế, đến 5.4.2024, tỉnh có 5 cơ sở được cấp mã số xuất khẩu, trong đó có 4 mã số đã được nước nhập khẩu (Trung Quốc); 1 mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang chờ phê duyệt.

Riêng lĩnh vực trồng trọt, tính đến ngày 5.4.2024, tỉnh cấp 18 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích trên 156 ha cho các loại cây trồng như: dưa leo, lúa, rau ăn lá, mì, chanh, đậu phộng.

Việc xây dựng MSVT cho vườn cây ăn trái, rau màu không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định, đáp ứng yêu cầu thị trường. Qua đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong ghi nhật ký sản xuất, theo dõi chặt quá trình sản xuất và có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất.

Nhi Trần

 

Tân Hưng (Long An): Nông dân trồng mè có lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha

 

Nguồn tin: Báo Báo Long An

Hiện số diện tích mè vụ Xuân Hè 2024 gieo sạ sớm, nông dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An bắt đầu cho thu hoạch, năng suất, giá bán ổn định, nông dân có lợi nhuận.

 

 

Nông dân huyện Tân Hưng thu hoạch mè vụ Xuân Hè 2024

Vụ Xuân Hè 2024, nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng xuống giống được 65ha (chủ yếu mè đen), tập trung chủ yếu ở 2 xã Hưng Điền và Hưng Điền B.

Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng nhờ nông dân tích cực chăm sóc, tưới nước thường xuyên nên mè sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu, bệnh.

Hiện tại có hơn 10ha mè ở xã Hưng Điền đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt từ 900 kg đến hơn 1 tấn/ha, giá bán 45.000 đồng/kg, trừ chi phí nông dân trồng mè thu lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ha.

Được biết, số diện tích mè còn lại đang trong giai đoạn ra hoa, cho trái, nông dân tích cực chăm sóc. Kỳ vọng giá mè tiếp tục duy trì ở mức cao, nông dân sản xuất có lợi nhuận./.

Văn Đát

 

Những kinh nghiệm chăm sóc cà phê sau thu hoạch

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Mùa thu hoạch cà phê tại huyện M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) thường bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến hết tháng 12 dương lịch.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào khu vực canh tác và giống cà phê mà có nơi chậm hơn, bắt đầu từ tháng 11 năm nay kéo dài đến hết tháng 2 năm sau. Kết thúc vụ thu hoạch, cây thường mất sức do sinh trưởng khá nhiều và cũng là thời kỳ cây phân hóa mầm hoa nên cần tăng cường dinh dưỡng. Chính vì thế, thời gian này, nông dân trồng cà phê huyện M'Drắk tập trung chăm sóc để phục hồi lại vườn cây.

 

 

Nông dân xã Ea H'mlay cắt tỉa cành cà phê sau thu hoạch.

Là hộ có nhiều năm canh tác cà phê, anh Trần Trọng Lê (ở thôn 2, xã Ea H’mlay) cho biết, vườn cây sau khi thu hoạch xong thì thân cành xơ xác bởi sau một năm mang quả đã làm cây bị suy kiệt. Để thuận lợi cho chăm sóc, trong giai đoạn cuối vụ, gia đình anh vừa hái, vừa cắt cành để đẩy nhanh thời vụ. Anh Lê nhấn mạnh, việc thực hiện các phương pháp cắt tỉa cây cà phê sau thu hoạch là không thể bỏ qua. Cắt tỉa cành sẽ giúp cây được phục hồi nhanh chóng. Bên cạnh đó, những cành thứ cấp sẽ có cơ hội được phát triển và phân hóa ra các mầm hoa. Khi cắt tỉa cành cà phê, nên chọn cắt những cành cây bị chết, già, bị khô hay bị sâu bệnh; cành mọc bị ngược, các cành chồi vượt, những chồi nằm sâu trong tán lá…

Gia đình chị Ngô Thị Thảo (ở thôn 3, xã Ea H'mlay) có hơn 3 ha cà phê ở giai đoạn kinh doanh. Những năm qua, nhờ áp dụng các kỹ thuật chăm sóc tốt cà phê, đặc biệt giai đoạn sau thu hoạch nên vườn cà phê của gia đình chị Thảo luôn cho năng suất cao (14 - 15 tạ/ha). Theo chị Thảo, một trong những cách chăm sóc cà phê sau thời kỳ thu hoạch là cần chú ý rửa vườn cây. Việc này nhằm mục đích để vườn cà phê được thông thoáng hơn. Để rửa vườn, nông dân thường sử dụng các dung dịch đồng đỏ, giúp phòng ngừa được rong rêu, tảo đỏ và nấm hồng…

Bên cạnh đó, cần tuân thủ thời gian tưới nước cho cà phê thời kỳ ra hoa. Phải để cây cà phê có khoảng thời gian héo lá vừa đủ, nhằm khi tưới nước thì sẽ đồng loạt phân hóa mầm hoa, đậu quả. Tưới lần đầu tiên, sau thu hoạch và sau khi cắt tỉa cành xong. Lần tưới thứ hai sau lần thứ nhất khoảng từ 25 - 30 ngày và cần tưới đẫm để đảm bảo được độ ẩm trong đất cao, giúp cây dưỡng được trái non. Cùng với đó, tập trung bón các loại phân lân bảo đảm cho việc phân hóa mầm hoa, tăng số hoa và số quả; bón kali giúp tăng tỷ lệ hoa đậu quả cao trong điều kiện thời tiết nhiều thay đổi.

Chị Thảo cũng chia sẻ, thông thường, nông dân sẽ bón trực tiếp phân vào gốc cây. Tuy nhiên, với đặc điểm cà phê thường có khả năng hấp thụ dinh dưỡng qua lá nhanh hơn qua đường rễ. Do đó, những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã áp dụng phương pháp phun qua lá những sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp như HLC 16 để giúp cây cà phê hồi phục được dinh dưỡng đa trung vi lượng nhanh chóng nhất, giúp khỏe cành, dày lá, xanh lá và mỡ lá…

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện M’Drắk, niên vụ cà phê 2024 - 2025, huyện M’Drắk có trên 1.900 ha cà phê, trong đó có 1.744 ha cà phê đang kinh doanh; năng suất phấn đấu đạt 14 tạ/ha. Hiện tại, thời tiết đang bước vào mùa khô năm 2024, ngoài việc tập trung trăm sóc cây cà phê sau thu hoạch thì ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo nông dân chủ động thực hiện các biện pháp chống hạn cho cây cà phê để bảo đảm năng suất, chất lượng.

Mỹ Sự

 

Mô hình trồng nấm linh chi tạo ra các sản phẩm chất lượng dùng trong chăm sóc sức khỏe

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Với mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thời gian qua, trên địa bàn huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) đã có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình trồng nấm linh chi của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (gọi tắt là Công ty Thiên Ân).

 

 

Công ty Thiên Ân tọa lạc tại xã Vĩnh Hựu đã duy trì và phát triển mô hình trồng nấm linh chi tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng dùng trong chế biến thực phẩm chăm sóc sức khỏe. Hiện tại, quy mô nhà trồng nấm linh chi tại Công ty Thiên Ân rộng gần 1.000m2, mỗi năm sinh trưởng cho thu hoạch trên 2.000 kg nấm linh chi dùng trong chế biến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Nấm linh chi là loại thảo dược đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao về loại dược liệu này, Công ty Thiên Ân đã áp dụng thực hiện và bước đầu đạt hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Loại sản phẩm này khá dễ trồng, nguyên liệu sản xuất dồi dào, chủ yếu cấy mô, nuôi dưỡng trong phòng lạnh, sau đó cho ra môi trường tự nhiên. Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, mỗi lứa nấm trồng có thể cho thu hoạch sau 3 - 6 tháng nuôi trồng và mỗi bịch giá thể có thể cho thu hoạch 2 - 3 lần. Giá thể nấm sau khi thu hoạch được tận dụng làm chất đốt hoặc ủ làm phân bón cho cây trồng. Điểm khác biệt của kỹ thuật này là nguồn dinh dưỡng cho nấm hoàn toàn từ tự nhiên, không bổ sung bất kỳ phụ gia, nên sản phẩm nấm linh chi được đánh giá có chất lượng cao, dược tính tương đương nấm mọc trong tự nhiên. Với giá bán từ 600.000 - 800.000 đồng/kg khô, trừ chi phí, mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm 02 vụ sản xuất nấm, tạo việc làm thường xuyên cho lao động, mức thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Dù sản xuất chưa lâu, nhưng mô hình trồng nấm linh chi tại huyện Gò Công Tây đã cho hiệu quả kinh tế khá cao, mở ra một hướng đi mới về lĩnh vực trồng cây dược liệu, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm linh chi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để xây dựng thương hiệu sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đặc thù cho địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Việc chuyển dịch cơ cấu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nhằm mục tiêu nâng giá trị sản xuất trên diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao sức cạnh tranh cho các loại sản phẩm trong điều kiện kinh tế hội nhập, tạo ra môi trường sản xuất - kinh doanh thân thiện với con người.

Có thể nói, cùng với xu hướng phát triển chung xây dựng Chương trình OCOP, ngành Nông nghiệp huyện Gò Công Tây đã và đang có bước chuyển mình nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập trong giai đoạn hiện nay. Cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đầu tư phát triển nông thôn theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đời sống người dân đã ngày càng được cải thiện. Điều này cho thấy việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một lựa chọn hợp lý và xu thế tất yếu trong tiến trình đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó mô hình trồng nấm linh chi là hướng đi mang lại hiệu quả cao.

Kim Lan

 

Sản xuất rau, củ, quả nói không với thuốc trừ sâu

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, nhiều trang trại, nông dân trong tỉnh Lâm Đồng đã thay đổi thói quen canh tác; trong đó, nhiều nông dân đã và đang nói không với việc dùng thuốc trừ sâu bằng việc khai thác thiên địch để phòng, chống sâu hại hiệu quả.

 

 

Ngày càng có nhiều nông dân tại Đơn Dương lựa chọn sử dụng thiên địch trong canh tác nông nghiệp và nói không với việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn được xem là yếu tố hàng đầu trong việc kiểm soát và phòng ngừa sâu bệnh hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng phương pháp không những không đem lại hiệu quả phòng trừ mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động, người sử dụng nông sản và môi trường sống.

Vài năm trở lại đây, tại huyện Đơn Dương - vựa rau trọng điểm của tỉnh, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều nông dân, chủ trang trại và công ty đã mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu.

Ghi nhận tại Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Cao Nguyên, đơn vị đóng chân trên địa bàn huyện Đơn Dương. Hiện công ty đang có 6 ha nhà kính, canh tác các loại rau, quả theo hình thức công nghệ cao; trong đó có 3 ha chuyên canh các loại ớt chuông, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân - phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Cao Nguyên chia sẻ, từ 3 năm nay, đơn vị đã sử dụng các sản phẩm thiên địch trong phòng trừ sâu bệnh gây hại và đạt hiệu quả rất cao. Điều này giúp công ty không những tiết kiệm rất lớn nguồn chi phí mua các loại thuốc bảo vệ thực vật mà còn giảm chi phí cho nguồn nhân công thực hiện việc phun thuốc. Đặc biệt, chất lượng môi trường làm việc cho công nhân của đơn vị được cải thiện đáng kể; đồng thời, chất lượng sản phẩm không ngừng tăng lên.

Theo chị Vân, trước đây, riêng với cây ớt chuông, mỗi khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ các loại sâu gây hại, đơn vị phải tiến hành cách ly từ 10 - 15 ngày theo khuyến cáo trên bao bì mới tiến hành thu hoạch đợt tiếp theo. Điều này khiến doanh nghiệp nhiều lúc không chủ động nguồn hàng; nhiều diện tích ớt chín đồng loạt dẫn đến sản phẩm bị dồn ứ do thực hiện cách ly. Còn giờ đây, với phương pháp canh tác mới, lượng rau, củ, quả do công ty sản xuất được thu hoạch đều đặn, rất thuận lợi để thực hiện việc điều tiết nguồn hàng cung ứng cho khách hàng.

Hiện tại, với việc ứng dụng các chế phẩm sinh học Bio Pro do Công ty Dalat Hasfarm chuyển giao, các diện tích canh tác của công ty đang nuôi 11 loại thiên địch đó là nhện, bọ xít, bọ rùa thiên địch, ong ký sinh, kiến, chuồn chuồn, muồm muỗm, bọ đuôi kìm, bọ ngựa, bọ cánh cứng ba khoan, thiên địch kiến ba khoan. Các loại thiên địch này sẽ có chức năng tìm và tiêu diệt các loại sâu, ấu trùng gây hại trên rau, quả một cách tự nhiên mà không cần tới tác động của con người - chị Vân cho hay.

Tương tự, anh Trương Công Trọng, 51 tuổi - một nông dân tại thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn cũng cho hay, hiện gia đình anh đang canh tác 1,5 sào ớt chuông trong nhà kính theo phương pháp sử dụng các loại thiên địch, tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. Anh Trọng cho biết, thiên địch sau khi thả từ 5 - 7 ngày sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Thời điểm này, các loại thiên địch sẽ tiến hành bắt mồi.

Việc sử dụng thiên địch trong sản xuất nông nghiệp giúp vườn ớt của anh kiểm soát tốt bọ trĩ, bọ phấn, nhện; đồng thời, không còn phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu như trước đây. Theo anh Trọng, lợi ích lớn nhất mà phương pháp này mang lại đó là việc cải thiện môi trường làm việc trong vườn, do đó sức khỏe lâu dài của người nông dân được đảm bảo hơn.

Theo anh Trọng, trong quá trình sản xuất, nhiều nông dân còn có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun cho vườn rau, quả khi có sâu bệnh. Việc sử dụng thuốc này không phải ai cũng làm đúng cách, vì vậy không diệt trừ được sâu bệnh mà còn để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả tác động tiêu cực đến sức khỏe người dùng cũng như môi trường và côn trùng tự nhiên có lợi cho cây trồng. Anh Trọng cho rằng, hướng tới sản xuất rau an toàn bền vững, bà con nông dân nên áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, đặc biệt cần đề cao biện pháp sử dụng thiên địch, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu như trước đây.

Chị Nguyễn Thị Liên - Trưởng bộ phận Bio Pro by Dalat Hasfarm chia sẻ, vai trò của thiên địch trong canh tác nông nghiệp hiện nay rất quan trọng, là biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh hại rất hiệu quả. Nói cách khác, đây là giải pháp lợi dụng thiên địch để tiêu diệt sâu hại trên đồng ruộng. Vì vậy, thiên địch của sâu hại rau, quả như ong ký sinh trứng, kiến, nhện… ăn sâu, nấm hại rau cần được bảo vệ bằng cách không nên sử dụng thuốc hóa học.

Bên cạnh đó, để sử dụng thiên địch có hiệu quả, người nông dân cũng cần phải xác định được côn trùng gây hại, nghiên cứu và hiểu thật kỹ đặc tính sinh học, thói quen gây hại của chúng… Đó là những thông tin quan trọng trong quản lý côn trùng gây hại và dùng thiên địch, góp phần giảm thiệt hại cho nông dân.

HOÀNG SA

 

Mùa hạn, mặn: Thu nhập ổn định nhờ cây lác

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Cây lác được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Trung Thành Đông với hơn 220ha.

Với đặc tính chịu hạn, mặn tốt, sống khỏe trên nền đất thấp, ít tốn công chăm sóc, cây lác đã giúp nông dân ở huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) có thu nhập ổn định, nhất là trong điều kiện hạn mặn diễn biến bất thường như hiện nay.

Nghề trồng và làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lác là một trong những nét đặc trưng của huyện Vũng Liêm- địa phương thường xuyên hứng chịu ảnh hưởng của hạn, mặn.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích sản xuất, từ năm 2000, một số địa phương của huyện bắt đầu chuyển đổi từ cây lúa sang trồng lác. Bởi, đây là loại cây trồng có khả năng chống chịu hạn, mặn tốt cùng nhiều ưu điểm nổi trội so với cây lúa.

Nhận thấy sự chuyển đổi này mang lại hiệu quả cao, ngành chuyên môn cũng như chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây lác. Và cho đến nay, lác là một trong những loại cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế khá cao ở huyện Vũng Liêm.

Theo nhiều nông dân, cây lác là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và là loại cây trồng lưu gốc nên sau một lần cấy nông dân có thể sản xuất đến hơn 6 năm, những nơi điều kiện thích hợp có thể thu hoạch trên 10 năm. Canh tác một vụ lác kéo dài từ 6-7 tháng nhưng đổi lại năng suất đạt khá cao với sản lượng dao động từ 1-1,3 tấn/công.

Lác sau khi thu hoạch được chẻ nhỏ, phơi khô ngay trên đồng, sau đó phân loại theo kích thước chiều dài rồi cung ứng cho các làng nghề dệt chiếu, thủ công mỹ nghệ. Cùng với cây lác, tại huyện Vũng Liêm còn hình thành các làng nghề: xe lõi, dệt chiếu, dệt thảm… tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động nông nhàn.

Tại Vũng Liêm, cây lác được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Trung Thành Đông với hơn 220ha. Bắt đầu từ tháng 2 âl, nhiều cánh đồng lác ở địa phương đã bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân- vụ mùa mà theo người trồng lác có năng suất chất lượng cao nhất trong năm.

Thời điểm này đang là mùa thu hoạch rộ nên đi dọc ĐT907 qua các xã Trung Thành Đông, Trung Thành Tây,… đâu đâu cũng thấy hình ảnh nông dân tất bật trên đồng lác. Đây là khâu vất vả nhất vì có nhiều công đoạn và hầu hết đều thực hiện bằng thủ công. Tuy vậy, các chủ ruộng lác thường “mần vần công” cho nhau để tiết kiệm chi phí và thuê thêm một số lao động nông nhàn ở địa phương. Cứ thế, thu hoạch hết ruộng lác này lại đến ruộng lác khác.

Có 3 công trồng lác, tranh thủ trời nắng gắt, anh Nguyễn Minh Dương (ấp Đại Hòa, xã Trung Thành Đông) mang số lác vừa thu hoạch ra phơi. Theo anh, nghề trồng lác tuy vất vả vì phải “canh” đủ thứ từ nắng, mưa cho đến hạn, mặn nhưng so với những nghề nông khác thì có nhiều lợi thế hơn.

Lợi thế lớn nhất chính là rất lâu nông dân mới phải phá bỏ diện tích lác cũ để trồng đợt lác mới. Điều này giúp nông dân tiết kiệm một khoản lớn chi phí cho cây giống và nhân công lao động. Ngoài ra, lác không chỉ dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc mà còn đem lại nguồn thu nhập khá.

Song, nhiều nông dân cho hay, vụ Đông Xuân này do ảnh hưởng của hạn, mặn kéo dài, đóng cống nhiều ngày nên nước vào ruộng lác ít, phải bơm thêm nước vào ruộng. Do đó, lác có phần giảm năng suất hơn so với năm trước, giá cũng giảm hơn năm trước 5.000- 10.000 đ/kg so với cùng kỳ.

“Vụ này do ảnh hưởng của hạn mặn, thiếu nước vào ruộng nên cây lác có chậm phát triển hơn so với vụ trước, nhưng chất lượng lác cũng đẹp, năng suất đạt khá, với mức giá 13.000-15.000 đ/kg (lác loại 1) thì người trồng vẫn có lời khá”- anh Dương chia sẻ thêm.

Theo ông Châu Minh Tuấn- Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông, năm nay tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp khi thời gian xâm nhập kéo dài và độ mặn lên xuống thất thường. Tuy nhiên, cây lác có khả năng chịu hạn, mặn rất tốt.

Trong các đợt mặn xâm nhập từ đầu năm, một số diện tích cây ăn trái, rau màu của người dân bị ảnh hưởng nhưng cây lác vẫn sống khỏe. Thông thường, ở độ mặn 1-3‰ lác vẫn có thể phát triển tốt, nếu độ mặn lên đến 4‰ cây lác vẫn chịu được. Đặc biệt, lác là cây kinh tế chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động của xã và những địa phương lân cận.

“Cây lác giờ đây đã có đầu ra ổn định, không chỉ giúp nhiều nông hộ ở địa phương có nguồn thu nhập ổn định còn tạo công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi từ nghề dệt chiếu, xe lõi lác đến làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện để phát triển các ngành nghề có liên quan, nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của cây lác”- ông Châu Minh Tuấn cho biết thêm.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, thời gian qua đã vận động nông dân phát triển cây lác trên các vùng quy hoạch, bị ảnh hưởng mặn để giữ vững diện tích cây lác nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề xe lõi lác. Trong quý I/2024, Vũng Liêm có 0,8ha lác trồng mới, nâng tổng số diện tích lác toàn huyện lên 331,6ha (tăng 7,3ha so với cùng kỳ). Hiện các HTX, tổ hợp tác sản xuất và chế biến sản phẩm từ lác hoạt động ổn định.

Bài, ảnh: PHI LONG

 

Đa lợi ích từ nông nghiệp tuần hoàn

 

Nguồn tin:  Báo Thái Nguyên

Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững. Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) và người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn áp dụng mô hình này vào sản xuất nông nghiệp và đạt được những kết quả nhất định.

Mô hình NNTH là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc xử lý các chất thải, phụ phẩm thành nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản... Việc áp dụng mô hình này vào sản xuất góp phần giảm lãng phí nguồn chất thải, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập và giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất đến môi trường.

 

 

HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (Phú Bình) hiện có khoảng 600m2 nuôi giun quế, đáp ứng việc xử lý lượng phân bò thải ra hàng ngày của các gia đình thành viên HTX.

Trang trại tổng hợp của gia đình ông Hoàng Ngọc Sơn, ở xóm Na Chặng, xã Bàn Đạt (Phú Bình) có quy mô nuôi 40 con lợn thịt, 1.500 con gà, 3 con bò BBB và 2 sào ao chăn thả cá. Trước đây chất thải từ các chuồng nuôi được ông Sơn xả trực tiếp xuống ao, lâu dần đã dẫn đến tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, không thể nuôi được cá; mùi hôi thối bốc lên cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình và các hộ xung quanh.

Cách đây hơn 2 năm, ông Sơn mạnh dạn áp dụng mô hình NNTH vào sản xuất của gia đình. Ông cho biết: Tôi đã đầu tư xây bể biogas và các bể chứa phân, nước thải. Hằng ngày chất thải được thu gom về các bể và xử lý bằng chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ bón cho hơn 1 mẫu cỏ và ngô. Sau đó cỏ, ngô được ủ chua để làm thức ăn cho bò, cá. Việc áp dụng mô hình NNTH đã giúp gia đình khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, ngoài ra mỗi năm còn tiết kiệm được khoảng trên 20 triệu đồng tiền mua thức ăn cho bò, cá và phân bón cây trồng.

HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, xã Nga My (Phú Bình) hiện có 35 thành viên với tổng đàn bò gần 400 con. Từ đầu năm 2023 đến nay, HTX mạnh dạn chuyển đổi từ chăn nuôi theo hướng truyền thống sang mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Theo đó, lượng chất thải hằng ngày sẽ được HTX dùng để chăn nuôi giun quế, sau đó chất thải của giun quế được dùng để bón cho 6ha cỏ. Ông Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Với việc áp dụng mô hình NNTH vào chăn nuôi bò đã giúp chúng tôi tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư mua phân bón, thức ăn cho bò. Ngoài ra trong năm 2023 vừa qua, HTX còn có thêm thu nhập gần 200 triệu đồng từ việc bán phân hữu cơ thừa không dùng hết.

Tương tự, cách đây hơn 3 năm, HTX nông sản Phú Lương, ở xã Ôn Lương (Phú Lương) cũng đã áp dụng mô hình NNTH vào trong sản xuất. Tận dụng các loại phế, phụ phẩm trong quá trình sản xuất (như rơm, rạ, tro, trấu, phân gia súc, gia cầm…), HTX đã xử lý thành phân hữu cơ bón cho 6ha chè và 100ha lúa. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất được trên 1.000 tấn phấn hữu cơ. Anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX, cho biết: Mô hình NNTH giúp chúng tôi tạo ra một lượng phân hữu cơ lớn để bón cho diện tích chè, lúa của các thành viên và cung cấp cho gần 100 hộ dân liên kết. Nhờ đó, với mỗi sào chè HTX đã tiết kiệm được trên 3 triệu đồng mỗi năm tiền mua phân hóa học; chất lượng chè cũng nâng lên đáng kể khi sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ.

Từ hiệu quả mà mô hình NNTH đem lại, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng như các doanh nghiệp, HTX mạnh dạn áp dụng mô hình này vào trong sản xuất. Qua đó, hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng an toàn, bền vững. Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, chia sẻ: Mô hình NNTH đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi, hợp tác xã để nhân rộng mô hình; có cơ chế nhằm khuyến khích các HTX chăn nuôi liên kết với các HTX trồng trọt để phát triển NNTH...

Vũ Công

 

Nông sản tăng giá - mừng và lo

 

Nguồn tin:  Báo Kon Tum

Thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng nông sản tăng cao, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, mang lại niềm vui cho người sản xuất. Nhưng chính điều này cũng đặt ra không ít nỗi lo về việc mở rộng diện tích sản xuất một số loại cây trồng một cách tự phát, thiếu bền vững và xảy ra hiện tượng tranh mua- tranh bán, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân.

Sau nhiều năm duy trì ở mức thấp, từ năm 2023 đến nay, giá cà phê không ngừng tăng. Từ đầu niên vụ tới nay, giá cà phê tăng khoảng 40.000 đồng/kg cà phê nhân, hiện tại đang ở ngưỡng khoảng 98.000 đồng/kg. Đây có thể nói là mức giá “trong mơ” đối với người trồng cà phê.

Mặc dù thời điểm này, hầu hết người trồng cà phê đã bán hết hàng, nhưng việc giá cả lên cao tạo động lực cho người nông dân gắn bó, đầu tư chăm sóc loại cây trồng này để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, mở ra những hy vọng về tương lai tươi sáng của mặt hàng nông sản này.

Cùng với giá cà phê, giá sầu riêng cũng tăng cao, giúp nhiều gia đình có thêm nguồn thu nhập, thậm chí có những hợp tác xã, hộ nông dân đổi đời nhờ loại cây này.

 

 

Giá sầu riêng tăng cao mang lại nhiều niềm vui cho người trồng, nhưng cần thận trọng khi mở rộng diện tích. Ảnh: T.H

Bên cạnh những loại cây dài ngày, thời gian gần đây, một số mặt hàng nông sản ngắn ngày như lúa gạo, chanh dây, mì cũng có giá bán tăng hơn những năm trước. Nhờ đó, người nông dân đạt được lợi nhuận cao hơn và yên tâm đầu tư sản xuất thâm canh.

Lẽ tất nhiên, giá cả hàng hóa nông sản tăng mang lại nhiều niềm vui cho người sản xuất, song sự tăng “nóng” này cũng kéo theo nhiều nỗi lo.

Đó là việc người dân chạy theo thị trường, đổ xô đi trồng các loại cây đang có giá trị kinh tế cao, dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để rồi khi cung vượt quá cầu, giá cả xuống thấp lại rơi vào vào vòng luẩn quẩn “trồng- chặt”, “chặt- trồng”.

Thực tế này đã từng diễn ra với một số loại cây trồng như bơ, mít Thái... Có một thời gian, giá các loại trái cây này tăng cao, một số gia đình đã phá cà phê để chuyển sang trồng bơ, mít. Nhưng sau đó, giá cả của những loại cây trồng này lại tụt xuống thấp khiến người trồng chán nản. Vài năm trở lại đây, giá sầu riêng lên cao, nhiều người lại phá bỏ cây bơ, mít Thái để trồng sầu riêng.

Ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng đang tỏ ra lo lắng trước việc người dân đổ xô trồng sầu riêng dẫn đến việc diện tích bị mở rộng một cách thiếu kiểm soát và trong tương lai sản lượng sầu riêng sẽ tăng cao, dễ dẫn đến “cung vượt cầu”. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến sản phẩm sầu riêng, mà hầu hết sản phẩm là do thương lái thu mua tươi. Thế nên, nếu người dân tự phát mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng sẽ dẫn đến nguy cơ gặp rủi ro về thị trường đầu ra cho sản phẩm sầu riêng.

Và, khi nông dân luôn tổ chức sản xuất các loại cây trồng theo kiểu “phong trào”, chạy theo biến động của giá cả thị trường, mà chưa có sự tìm hiểu một cách toàn diện, kỹ lưỡng, trước khi chuyển đổi sản xuất từ loại cây trồng này, sang loại cây trồng khác, thì câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” luôn tiếp diễn, khó có hồi kết.

Bên cạnh đó, một số hộ nông dân còn tổ chức đầu tư sản xuất, chăm sóc cây trồng một cách tùy tiện với “tư duy ăn xổi”. Khi thấy hàng hóa nông sản được giá thì họ lại sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách “vô tội vạ”, không tuân thủ theo hướng dẫn của ngành chức năng, nhằm mục đích gia tăng năng suất, sản lượng, nhưng không hề quan tâm đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng tranh thủ thời cơ giá cao thu hái quả xanh, không đảm bảo tiêu chuẩn để bán ra nằm thu lợi nhiều hơn. Mặt khác, thời gian qua, hiện tượng tranh mua, tranh bán, phá vỡ hợp đồng cũng diễn ra phổ biến khi các mặt hàng nông sản có giá cao. Những điều này vô hình trung làm ảnh hưởng uy tín, thương hiệu nông sản, làm mất lòng tin của đối tác, người tiêu dùng.

Nông sản nói chung, đặc biệt là cà phê, sầu riêng là những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị. Việc giá cả các mặt hàng nông sản này lên cao là tín hiệu tốt cho người sản xuất và sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân cần hết sức tỉnh táo trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích một số loại cây trồng nhằm tránh việc “chạy theo” giá thị trường, phá vỡ quy hoạch. Bởi, điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.

Do đó, thay vì thi nhau mở rộng diện tích một số loại cây trồng khi giá cả thị trường tăng cao, người dân nên chú trọng đầu tư canh tác theo hướng an toàn, hữu cơ để tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, cho lợi nhuận cao hơn. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nhằm đảm bảo sự ổn định, giảm thiểu rủi ro khi có biến động về giá cả.

Thiên Hương

 

Bảo vệ vật nuôi thời điểm nắng nóng

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Năm nay, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao ảnh hưởng đến sức đề kháng và khả năng phát triển của đàn vật nuôi. Trước tình hình này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi.

 

 

Chăm sóc heo trong chuồng lạnh tại trang trại heo Trang Linh (huyện Xuyên Mộc).

Thay đổi chế độ ăn hàng ngày

Ông Đinh Thế Lương (ấp Nghi Lộc, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) cho biết, trong những ngày nắng nóng, ông đã phải thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi. Hàng ngày, ông tắm cho heo và dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho ăn nhiều vào buổi sáng sớm, chiều tối và giảm cho ăn vào buổi trưa.

Theo ông Lương, thời tiết nắng nóng cũng làm đàn heo nuôi chậm ăn, mất sức và dễ phát sinh nhiều loại bệnh, khiến cho heo chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chi phí tăng. Vì vậy, gia đình ông tăng cường vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch... Đồng thời, theo dõi, phát hiện sớm vật nuôi bị bệnh để cách ly, điều trị xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.

Trang trại nuôi heo tại ấp Sơn Tân (xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) cũng đang được tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi. Theo quản lý trại heo, mặc dù đàn heo được nuôi trên sàn, có hệ thống làm mát, nhưng thời điểm này nắng nóng kéo dài nên trong khu vực trại được tăng cường phun khử trùng, sát khuẩn thường xuyên, theo dõi nhiệt độ khu vực chuồng. Tùy giai đoạn phát triển của đàn heo, trang trại điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung thêm men tiêu hóa vào thức ăn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa nhanh hơn, cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Song song đó, bổ sung tăng lượng nước sạch, thêm chất khoáng và chất điện giải để tránh tình trạng mất khoáng và kiềm huyết do hô hấp.

 

 

Nông dân huyện Đất Đỏ thay đệm lót sinh học cho đàn bò.

Theo dõi thời tiết để áp dụng biện pháp quản lý thích hợp

Theo dự báo, nhiệt độ hàng ngày trên địa bàn tỉnh ở mức từ 34-360C, cao điểm từ 12 giờ đến 15 giờ 30 phút.

Thời tiết nắng, nóng kéo dài làm giảm sức đề kháng, Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan như: tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cảm nóng, tụ huyết trùng trên trâu, bò... Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ trọng cao nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao.

Để bảo vệ đàn vật nuôi trước thời điểm nắng nóng như hiện nay, bên cạnh những giải pháp về quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, chống bệnh, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết để áp dụng biện pháp quản lý thích hợp như: thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da; nhốt tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát, bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi.

Đối với những trang trại có quy mô lớn, địa phương khuyến cáo người nuôi giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi. Đối với chuồng kín, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ chuồng nuôi, đầu tư máy phát điện tránh trường hợp mất điện, cải tạo chuồng nuôi thông thoáng hoặc sử dụng quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Tăng cường dự trữ thức ăn thô xanh; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi như vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa...

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm ốm hoặc bị bệnh để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định. Đồng thời, xây dựng phương án dự phòng trong trường hợp phải dùng máy phát điện. Trên thực tế, không ít những sự cố về điện xảy ra trong thời điểm nắng nóng không được xử lý kịp thời đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

“Hàng ngày, bà con cần quan sát, theo dõi trạng thái, sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm. Nếu phát hiện thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện không bình thường (do cảm nắng, cảm nóng, do vận chuyển có mật độ nhốt cao) cần áp dụng ngay các biện pháp làm mát để hạn chế rủi ro. Khi có gia súc, gia cầm ốm hoặc chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Thịnh Đức Minh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 

Không nên vội tăng đàn khi heo tăng giá

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Người chăn nuôi heo phấn khởi khi heo tăng giá liên tục. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Giá heo hơi liên tục tăng kể từ đầu năm và đang ở mức cao nhất từ cuối năm ngoái đến nay nên người nuôi heo rất phấn khởi. Tuy nhiên, khả năng mức giá này sẽ không giữ được lâu, vì vậy người chăn nuôi không nên vội tăng đàn.

Giá heo tăng, giá thức ăn giảm

Từ sau tết đến nay, giá heo hơi liên tục tăng, mặc dù mức tăng mỗi lần không nhiều nhưng đã tăng đều trong hơn 2 tháng qua. Hiện giá heo hơi được thu mua từ 60.000-62.000 đồng/kg, đem lại lợi nhuận khá cho người nuôi.

Bà Nguyễn Thị Loan ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: Trại heo gia đình tôi vừa sản xuất heo giống, vừa nuôi heo thịt, tiết kiệm được tiền mua giống nên chi phí đầu tư cũng giảm, heo xuất chuồng có giá thành khoảng 50.000 đồng/kg hơi. Với mức giá 62.000 đồng/kg như hiện nay, bình quân mỗi con heo xuất chuồng có thể cho lợi nhuận khoảng 1 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận hấp dẫn với người chăn nuôi.

Trong khi đó, đối với những gia trại chăn nuôi heo nhỏ lẻ, hộ gia đình không chủ động con giống… thì chi phí chăn nuôi sẽ cao hơn, vào khoảng 53.000-54.000 đồng/kg hơi. “Nếu heo hơi duy trì được mức giá từ 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi sẽ có được lợi nhuận ổn định, an tâm phát triển sản xuất. Gia đình tôi đang theo dõi thị trường hằng ngày để tính toán đến việc tăng thêm đàn nuôi”, ông Nguyễn Quốc Trung ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) cho biết.

Ngoài việc heo hơi tăng giá, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang giảm. Theo số liệu báo cáo từ Bộ NN&PTNT, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi trong quý I/2024 giảm từ 12-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như bắp hạt hiện có giá 6.827 đồng/kg (giảm 20,3%), khô dầu đậu tương 14.162 đồng/kg (giảm 4,4%), cám mì 6.026 đồng/kg (giảm 15,1%), cám gạo 5.971 đồng/kg (giảm 11,7%)… Trong quý I, giá thức ăn hỗn hợp giảm từ 10-15% tùy loại. Cũng theo bộ này, khả năng trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục giảm.

Chi phí thức ăn chiếm khoảng 70% trong giá thành chăn nuôi heo, vì vậy, giá thức ăn giảm sẽ kéo chi phí chăn nuôi giảm theo rất nhiều. Đây là tín hiệu vui đối với những người nuôi heo. Theo bà Lê Thị Hòa ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), để giảm chi phí trong nuôi heo, mấy năm nay gia đình bà không sử dụng thức ăn hỗn hợp mà tự pha trộn thức ăn. Nhà bà mua luôn máy xay trộn thức ăn, sau đó tự mua bắp hạt, cám gạo, đậu tương, bột cá… theo tỉ lệ riêng để xay trộn thức ăn. Hiện nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm nên chi phí nuôi giảm rõ rệt.

Không vội tăng đàn

Trong lúc giá heo hơi tăng, giá thức ăn chăn nuôi giảm đã kéo biên độ lợi nhuận chăn nuôi heo càng nới rộng, vì vậy, không ít người nuôi heo tính chuyện tăng đàn. Theo bà Nguyễn Thị Thuận ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), thấy heo hơi liên tục tăng giá nên gia đình bà đã mua thêm 20 con giống, nâng đàn heo của trại lên gần 40 con.

Còn ông Sáu Sĩ ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa) cho hay: Gia đình tính tăng thêm đàn nuôi nên mấy ngày nay tôi lo dọn dẹp, vệ sinh lại ô chuồng bỏ trống lâu nay. Khả năng tôi chỉ thả thêm 5 con giống nữa chứ hiện heo giống giá khá cao, khoảng 1,3 triệu đồng/con.

Mặc dù người chăn nuôi lạc quan nhưng với những thông tin từ tình hình chăn nuôi trong nước và sức tiêu thụ của thị trường hiện nay, đà tăng giá này có thể sẽ không giữ được lâu.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho hay: Theo số liệu thống kê từ Cục Chăn nuôi, hiện nay, tổng đàn heo của cả nước có khoảng 24 triệu con, riêng quý I/2024 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy đàn heo không hề giảm mà còn tăng, nguồn cung sẽ không bị thiếu hụt.

Sự thiếu hụt nguồn cung trong một vài thời điểm hiện nay phần lớn là do trước tết khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi bán non để tránh dịch dù heo chưa đủ trọng lượng xuất chuồng, cộng với sức tiêu thụ của thị trường tăng mạnh trong dịp tết vừa qua. Thời gian tới, khi lứa heo gối vụ đạt trọng lượng xuất chuồng, nguồn cung tăng trong khi nhu cầu vẫn còn thấp nên khả năng heo hơi sẽ không giữ được mức giá cao.

Để hạn chế rủi ro, tránh gặp phải tình trạng cung vượt cầu, đẩy giá giảm như lâu nay, người chăn nuôi phải hết sức cẩn trọng khi tính đến chuyện tăng đàn. Để nâng cao hiệu quả, bà con nên tập trung đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát được các rủi ro trong chăn nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi để tăng nguồn thu…

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục - Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Thời gian tới, khi lứa heo gối vụ đạt trọng lượng xuất chuồng, nguồn cung tăng trong khi nhu cầu vẫn còn thấp nên khả năng heo hơi sẽ không giữ được mức giá cao.

THỦY TIÊN

 

Mùa gom mật ngọt

 

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Mùa xuân, khi nắng ấm gọi cây cối thức giấc đơm hoa, kết trái; những vườn nhãn, vườn bưởi nở hoa rộ cũng là thời điểm các hộ nuôi ong tất bật thu hoạch mật ong, đón niềm vui của mùa mật ngọt. Mặc dù nghề nuôi ong quy mô ở huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) không có nhiều, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ nhưng nhiều hộ đã có nguồn thu ổn định từ nuôi ong lấy mật.

 

 

Vườn nuôi ong của anh Đỗ Trung Kiên.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong, anh Đỗ Trung Kiên, thôn Hương, xã Xuân Hòa cho biết: Tháng ba, tháng tư hàng năm được coi là mùa con ong đi lấy mật, bởi đây là thời điểm tiết trời ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở tạo ra nguồn phấn dồi dào cho ong làm mật. Dù thời gian thu hoạch mật kéo dài quanh năm song dịp này vẫn là thời điểm thu hoạch mật được nhiều và ngon nhất.

Ong được anh Kiên nuôi trong 70 thùng gỗ đặt dưới các gốc cây trong vườn; một thùng ong được gọi là một đàn hay một tổ. Theo anh Kiên, các thùng ong dù đặt cạnh nhau nhưng chúng chưa bao giờ về nhầm tổ vì ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao, nếu không đúng tổ chúng sẽ không bay vào. Mỗi thùng có 6 - 10 cầu ong tùy kích thước. Mỗi tổ chỉ có duy nhất một con ong chúa là con cái có quyền đẻ trứng trong đàn. Con ong đực có kích thước lớn hơn ong chúa nhưng bụng ngắn hơn, cơ thể màu đen, có nhiều lông dài và không có ngòi đốt. Ong thợ có số lượng đông nhất đàn, có thể lên đến hàng nghìn con, chúng là những con cái vô sinh, vòng đời khoảng 45 ngày. Một con ong thợ thường phải bay xa tổ hơn 1km để tìm mật, khi phát hiện được nguồn hoa, ong thợ sẽ bay về tổ và báo hiệu cho cả đàn ong thợ để cùng nhau đi lấy phấn hoa về gây mật.

Mở nắp thùng lấy ra một cầu ong với vô số những con ong bám dày đặc trên cầu sáp, rồi chỉ với một động tác nhẹ nhàng, khéo léo, anh Kiên gạt cả mảng ong bám trên cầu tụt hết vào thùng để lộ khối mật vàng ngọt lịm căng tròn trong các ngăn chứa. Nói về chất lượng mật ong, anh Kiên giải thích: Mật ong chất lượng là mật ong khi được khai thác thì trong những cầu ong đã được bít nắp, bởi lúc đó trong mật đã đủ các thành phần dinh dưỡng tốt nhất. Tuy nhiên, mật ong cũng tùy loài hoa, có loại sáng màu có loại tối màu, có loại đặc hoặc loãng, cũng có loại kết tinh, đóng đường nhưng có loại lại không. Hoa nhãn cho mật màu vàng óng, dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác.

Năm nay nhãn, vải ra hoa ít nên sản lượng mật giảm hơn mọi năm. Thông thường nếu thời tiết thuận lợi với 70 thùng ong, mỗi năm gia đình anh Kiên thu hoạch được hơn 1 tấn mật, tương đương hơn 700 lít mật, thu về gần 200 triệu đồng từ nghề nuôi ong.

Ông Nguyễn Ngọc Khiếu, thôn Bắc Hưng, xã Phúc Thành hiện nuôi 25 đàn ong. Ông chia sẻ: Tùy theo từng thời điểm mà thời gian khai thác mật ong sẽ thay đổi, ong khỏe chăm hút mật thì khoảng 8 ngày là có thể thu hoạch, nhưng cũng có đàn mất tới 15 - 17 ngày. Từ tháng 3 đến tháng 6, ong cho quay mật liên tục. Cách khoảng 10 - 15 ngày lại cho thu hoạch một lần hoặc cũng tùy vào nguồn hoa. Bình quân mỗi năm ông thu về khoảng 100kg mật sáp, bán với giá 200.000 đồng/kg mật sáp, 250.000 đồng/lít mật đã quay.

Huyện Vũ Thư hiện có khoảng 100 hộ nuôi ong, quy mô từ 5 - 70 đàn, tập trung ở các xã duyên giang nơi có nguồn cung cấp phấn hoa dồi dào từ nhiều cây trồng đa dạng. Không chỉ cho mật ngọt, những con ong chăm chỉ hút mật còn giúp cây trồng thụ phấn, đơm hoa, kết trái thuận lợi, tăng năng suất.

Hương sắc mùa xuân đang vào độ “chín”, trên khắp các triền đê, vườn cây, những đàn ong chăm chỉ cũng đang cần mẫn đi tìm mật ngọt. Những cầu mật nặng trĩu chứa những giọt mật vàng được người nuôi ong trân trọng, nâng niu bởi đó là thức quà mà những con ong cần mẫn “gánh” về giữa mùa xuân.

Tiên Dung (Đài TTTH Vũ Thư)

 

Chăm sóc, phòng bệnh đàn vật nuôi mùa nắng nóng

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) phát triển tương đối ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn hơn 3,5 triệu con, trong đó gia súc 245.059 con, gia cầm hơn 3,3 triệu con. Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến đàn vật nuôi, vì vậy, các nông hộ đã chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm tránh những thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Chống nóng cho vật nuôi

Những ngày nắng nóng gay gắt, gia đình bà Phạm Thị Thu Sương, hộ chăn nuôi quy mô hơn 100 con heo thịt và heo nái ở ấp 5, xã Đồng Tâm đã bật hệ thống phun sương và quạt mát cho đàn heo. Bà Sương cho biết, nắng nóng làm vật nuôi giảm sức ăn, mệt mỏi, nhất là heo nái. Do đó, ngoài việc thường xuyên tắm cho heo, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, gia đình đã đầu tư hệ thống tưới phun sương ở chuồng heo thịt và hệ thống quạt mát ở chuồng heo nái, đồng thời điều chỉnh phần ăn, hạn chế cho ăn vào buổi trưa.

 

 

Các hộ nuôi dê thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát để phòng tránh các bệnh dễ mắc trong mùa nắng nóng

Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi heo, bà Sương chia sẻ: “Trong mùa hè, đặc biệt những ngày nắng nóng đỉnh điểm, thực hiện phun sương làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi và làm mát đàn heo là rất cần thiết. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: vệ sinh, tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc để tăng khả năng miễn dịch. Đồng thời, theo dõi, phát hiện sớm vật nuôi bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan”.

Nhờ các ưu điểm như ăn tạp, dễ nuôi, thời gian sinh sản nhanh, sức đề kháng cao, vốn đầu tư ban đầu ít, đầu ra ổn định nên chăn nuôi dê đang ngày càng được nhiều hộ lựa chọn. Chị Nguyễn Thị Tâm ở xã Thuận Phú, người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi dê cho hay: “Dê có 2 nguồn thức ăn chính là thức ăn thô và tinh. Thức ăn thô gồm cỏ xanh và cỏ khô; thức ăn tinh gồm bột đậu, cám gạo và bột ngô. Mùa nóng cho dê ăn 2 bữa chính vào sáng và chiều khi trời mát, dê ăn khỏe; hạn chế cho ăn vào buổi trưa khi thời tiết nắng nóng, dê ăn kém. Khi nhiệt độ lên tới 38OC nên bổ sung cho dê chất điện giải tăng khả năng đề kháng để chống chịu nhiệt độ cao”.

Chị Tâm chia sẻ thêm, hằng ngày phải vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh, đảm bảo nền chuồng sạch sẽ, khô ráo, có gió lùa vào để làm mát. “Tôi làm chuồng nuôi dê dưới tán cây to để tận dụng bóng mát. Đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh thường xảy ra vào mùa hè cho đàn dê” - chị Tâm cho biết.

Những ngày qua, gia đình anh Điểu Thành ở xã Thuận Lợi đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nắng nóng cho đàn bò. Theo anh Thành, bò chịu nắng, nóng kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng kéo dài trâu, bò sẽ phát sinh nhiều bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp. Vì vậy, anh đã chủ động tăng lượng thức ăn xanh, chất đạm và bổ sung vitamin C, khoáng chất trong khẩu phần ăn; cho ăn vào sáng sớm hoặc chiều mát; cung cấp thêm nước uống, khi trời mát thì chăn dắt bò đi ăn cỏ tươi.

Chủ động bảo vệ, chăm sóc

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đồng Phú đã chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng thú y cơ sở phối hợp với ban ấp tăng cường giám sát lâm sàng đàn gia súc, gia cầm. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn trâu, bò, heo; tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, an toàn chăn nuôi. Thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn huyện đợt 1 năm 2024, tiêu độc, khử trùng cho hơn 5.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thời tiết nắng, nóng kéo dài sẽ làm giảm sức đề kháng và là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh, lây lan như: tiêu chảy, lở mồm long móng, tai xanh, cảm nóng… Vì vậy, các địa phương cần thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không thả rông đàn gia súc vào thời gian nắng nóng trong ngày; thường xuyên tắm mát để giảm nhiệt độ cho cơ thể vật nuôi và phòng, chống các bệnh ngoài da; nhốt gia súc tại chuồng hoặc khu vực có cây xanh, bóng mát; bảo đảm chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng vật nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi phun nước lên mái hoặc phun sương trong chuồng nuôi. Đối với những trang trại có quy mô lớn, khuyến cáo giảm mật độ chăn nuôi, giãn thời gian các lứa nuôi.

Bên cạnh đó, các hộ cần tăng cường vệ sinh chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; phun thuốc sát trùng theo định kỳ. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện gia súc, gia cầm bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý, nhất là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh truyền nhiễm.

Cẩm Nhung

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop