Bắc Hà mở rộng diện tích mận Tả van chín sớm lên khoảng 200 ha
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Hiện toàn huyện Bắc Hà có gần 20 ha mận Tả van chín sớm, trong đó 3 ha đã cho thu hoạch.
Mận Tả van chín sớm cho thu hoạch trước mận Tam hoa gần 1 tháng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà, sau gần 4 năm đưa vào trồng, giống mận Tả van chín sớm khẳng định phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và bổ sung vào cơ cấu giống cây ăn quả ôn đới của tỉnh.
Mùa thu hoạch mận Tả van chín sớm vào khoảng đầu tháng 5, sớm hơn khoảng gần 1 tháng so với mận Tam hoa. Mặc dù, quả mận Tả van chín sớm nhỏ hơn quả mận Tam hoa, nhưng ăn giòn có vị chua ngọt, quả chín ngọt lịm.
Huyện Bắc Hà đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích trồng cây mận Tả van chín sớm đến hết năm 2025 lên khoảng 200 ha, tập trung tại các xã: Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, Thải Giàng Phố.
Với việc mở rộng diện tích trồng mận Tả van chín sớm vừa thực hiện rải vụ thu hoạch và kéo dài mùa mận ở Bắc Hà, cũng như tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm mận của nông dân, cung cấp thêm dịch vụ trải nghiệm du lịch nông nghiệp cho khách du lịch.
Đinh Viết Vinh
Để sản xuất, xuất khẩu sầu riêng bền vững
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, thị trường xuất khẩu nông sản hiện nay, sầu riêng là trái cây hàng đầu mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân tại Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thì tiềm ẩn nhiều vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.
Nông dân thu hoạch sầu riêng trên địa bàn xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Để ngành sản xuất và xuất khẩu sầu riêng được phát triển bền vững, tạo uy tín nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới thì các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng cần chung tay liên kết các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu, chủ động ứng phó, thực hiện giải pháp, định hướng các phát sinh biến động bằng nhiều biện pháp.
Cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu
Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái khoảng 23.637 ha, với nhiều chủng loại cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao như: mãng cầu (5.600 ha), sầu riêng (3.260 ha), xoài (2.467 ha), chuối (1.805 ha), mít (1.454 ha), bưởi da xanh (1.245 ha)... Xu hướng đang tăng mạnh diện tích sản xuất với nhiều giống cây trồng khác nhau nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Riêng với cây sầu riêng đang được phát triển mạnh tại Tây Ninh trong những năm trở lại đây với diện tích sản xuất tính đến tháng 7 năm 2024 là 3.260 ha, sản lượng đạt 28.688 tấn.
Sầu riêng được trồng chủ yếu tại các huyện Gò Dầu với diện tích khoảng 1.379,5 ha, chủ lực là xã Bàu Đồn có diện tích trên 950 ha), thị xã Trảng Bàng (491,8 ha), Dương Minh Châu (462,3 ha), Tân Châu (427,9 ha), Tân Biên (190,4) ha. Các giống sầu riêng được trồng phổ biến là RI 6, Monthong, Musang King . Diện tích đạt chứng nhận VietGAP là 39,5 ha.
Thời gian thu hoạch sầu riêng thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6. Về chất lượng, sầu riêng của tỉnh được đánh giá là ngon, luôn cho trái có vị ngọt đậm đà, cơm vàng tươi bắt mắt, mùi thơm nồng nhất là khi trồng tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, nông sản cần phải có mã số vùng trồng trước khi xuất khẩu. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định trong sản xuất nông nghiệp tốt để bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và đăng ký cấp mã số vùng trồng.
Đến nay, tỉnh đã cấp 38 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng, trong đó có 7 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích là 226,8 ha đã được nước nhập khẩu phê duyệt, còn lại là 31 mã số với tổng diện tích là 794,5 ha đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt.
HTX cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) đề xuất các cấp chính quyền địa phương cần vận động các hộ nông dân có mã số vùng trồng cũng như chưa có mã số vùng trồng tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, nâng cao và chuẩn hóa kiến thức canh tác, cũng như tuân thủ tuyệt đối về sử dụng phân bón, thuốc phòng ngừa dịch hại.
Tuân thủ các giải pháp, hướng đến xuất khẩu
Dự kiến diện tích trồng sầu riêng trên địa bản tỉnh đến năm 2025 là 3.900 ha, sản lượng khoảng 36.750 tấn. Với nhịp độ tăng trưởng nóng về diện tích và sản lượng sầu riêng hiện nay cho thấy, bên cạnh việc cây sầu riêng đang mang về thu nhập cao cho nông dân thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp thị trường tiêu thụ, xuất khẩu phát sinh biến động.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực tế hiện nay, ngành hàng sầu riêng cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng đang gặp nhiều vấn đề từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu như: quá trình canh tác chịu ảnh hưởng của hạn hán, biến đổi khí hậu; chưa có nhiều nghiên cứu về giống phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tình hình sinh vật gây hại diễn biến phức tạp; liên kết sản xuất chưa bền vững, chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; chưa bảo đảm độ chín của trái khi thu hoạch; còn tình trạng tranh mua tranh bán, hủy cọc, bẻ kèo; một số lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, vi phạm về an toàn thực phẩm…
Để ngành hàng sầu riêng được phát triển bền vững sau nhiều nỗ lực mở cửa thị trường xuất khẩu, tạo uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới; bên cạnh việc tích cực triển khai thực hiện giải pháp, định hướng của các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của chính quyền địa phương, của các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu thì các vùng trồng và cơ sở đóng gói trên cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng cần chung tay, chủ động, tích cực kiểm soát chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; khi thu hoạch trái phải bảo đảm đủ độ chín sinh lý, tuyệt đối không thu hái trái non; thực hiện nghiêm việc ghi chép nhật ký sản xuất, đóng gói và theo quy định của Nghị định thư để phục vụ yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Chủ động tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại vùng trồng và người lao động tại cơ sở đóng gói nắm được các quy định, yêu cầu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của nước nhập khẩu. Liên kết các vùng trồng với cơ sở đóng gói; hình thành vùng nguyên liệu gắn với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sầu riêng; tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm đầu ra của sản phẩm và quyền lợi các bên tham gia.
Nhi Trần
Huyện Krông Búk (Đắk Lắk): Sản lượng sầu riêng năm 2024 ước đạt 40.000 tấn
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Sáng 8/8, UBND huyện Krông Búk (Đắk Lắk) tổ chức Hội nghị triển khai niên vụ sầu riêng năm 2024.
Tham dự hội nghị có bà Ninh Thị Hoa, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Năm 2024, huyện Krông Búk có 4.545 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 2.700 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng niên vụ này ước đạt 40.000 tấn.
Đến nay, huyện đã thu hoạch được gần 4.000 tấn với giá thu mua từ 65.000 - 75.000 đồng/kg.
Huyện Krông Búk đã được Hải quan Trung Quốc cấp 17 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (283,93 ha) và 3 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trên địa bàn có 6 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP (khoảng 214,4 ha), sản lượng đạt gần 3.000 tấn/năm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề bảo đảm chất lượng trái sầu riêng xuất khẩu từ các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản; quy trình, giải pháp đồng bộ để sầu riêng phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay, như: liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc đơn vị xuất khẩu với người dân chưa công khai, minh bạch; người trồng sầu riêng chạy theo sản lượng, mẫu mã, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định, ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng; các kho bãi thu mua sầu riêng vi phạm quy định về trật tự xây dựng…
Phát biểu tại hội nghị bà Ninh Thị Hoa, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đánh giá, huyện Krông Búk là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Song, địa phương cần phổ biến rộng rãi, đầy đủ yêu cầu chất lượng sầu riêng của các nước nhập khẩu; hướng dẫn người dân thực hiện quy trình sản xuất sầu riêng theo hướng VietGap, thích ứng với biến đổi khí hậu; phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk trong giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu…
Công nhân đang làm sạch quả sầu riêng tại một đơn vị thu mua, xuất khẩu sầu riêng ở huyện Krông Búk.
Kết luận hội nghị, ông Hoàng Kiên Cường Chủ tịch UBND huyện Krông Búk yêu cầu các phòng, ban chuyên môn của huyện cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sầu riêng.
Trong đó, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý tốt mã số vùng trồng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; kiểm tra pháp lý thương nhân để ngành sầu riêng đi vào hoạt động ổn định, thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Hoàng Ân
Bình Định: Chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây dừa xiêm đạt tiêu chuẩn hữu cơ
Nguồn tin: Báo Bình Định
Sáng 7.8, tại phường Hoài Xuân (TX Hoài Nhơn, Bình Định), Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây dừa xiêm đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 40 hộ nông dân trồng dừa trên địa bàn phường.
Tại đây, các hộ nông dân được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây dừa tuân thủ các nguyên tắc của TCVN 11041 - 1:2017 về nông nghiệp hữu cơ, với kỹ thuật chọn giống, mật độ trồng, chăm sóc, bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại. Qua đó, giúp cho bà con nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm dừa, đáp ứng yêu cầu của thị trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
THÀNH NGUYÊN
Có 15 mẫu cà phê đặc sản Việt Nam 2024 tham gia đấu giá
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, phiên đấu giá lô hàng cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam lần thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày 17/8 tại Hà Nội.
Sự kiện do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) đăng cai tổ chức nhằm nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế và hỗ trợ nông dân trong sản xuất và phát triển bền vững.
Chương trình gồm 4 hoạt động chính: tham quan triển lãm cà phê đặc sản; cập nhật thông tin thị trường cà phê; thử nếm Cà phê đặc sản Việt Nam 2024 - Vietnam Amazing Cup 2024; đấu giá các mẫu cà phê đặc biệt từ Vietnam Amazing Cup 2024, gồm 9 mẫu robusta và 6 mẫu arabica của 13 cá nhân và đơn vị sản xuất cà phê.
Các nhà rang xay, chế biến trải nghiệm mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản tại Lễ trao giải Cà phê đặc sản Việt Nam 2024.
Khách tham dự sẽ được thử nếm và khám phá những loại cà phê đặc sản từ khắp các vùng miền cả nước; tìm hiểu về quy trình sản xuất và câu chuyện đằng sau mỗi hạt cà phê. Đồng thời, sự kiện cũng mang đến thông điệp riêng từ nông trại, từ việc nâng cao giá trị cà phê robusta Việt Nam và lan tỏa những ly cà phê ngon nhất đến người tiêu dùng…
Dự kiến, chương trình sẽ thu hút được hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tham gia (gồm các nhà rang, pha chế và người tiêu dùng…). Đặc biệt, sự kiện lần này đã nhận được sự quan tâm của các thương hiệu rang xay đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc, những thị trường có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ nhanh nhất thế giới và đang rất quan tâm đến Fine Robusta Việt Nam. Phiên đấu giá sẽ là dịp để các nhà rang cà phê đặc sản sở hữu được lô cà phê ngon nhất Việt Nam năm 2024.
Được biết, đây là sự kiện chính nằm trong chuỗi hoạt động quảng bá, kết nối và nâng cao giá trị cà phê đặc sản Việt Nam của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra từ ngày 15 đến 17/8/2024 tại Trung tâm triển lãm (Bộ NN-PTNT, số 489 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội).
Minh Thuận
Vĩnh Long: Hơn 1.100ha lúa Thu Đông bị chết giống
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) Vĩnh Long, mưa kéo dài nhiều ngày qua khiến việc gieo sạ, chăm sóc lúa Thu Đông của nông dân gặp khó khăn.
Theo đó, trong tuần trước, do thời tiết mưa lớn kéo dài trùng vào thời điểm xuống giống, khiến 438ha lúa bị chết giống (418ha thiệt hại 10-30% và 20ha thiệt hại 30-70%).
Tính từ đầu vụ Thu Đông đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.100ha lúa Thu Đông bị chết giống do mưa kéo dài. Trong đó, có hơn 1.000ha lúa thiệt hại từ 10-30%, gần 100ha thiệt hại từ 30-70%.
Các diện tích thiệt hại nằm rải rác ở các xã của huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm, gieo sạ chủ yếu xung quanh con nước mùng 10/6 âl. Mưa kéo dài cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch hại gây hại lúa Thu Đông, đặc biệt là ốc bươu vàng trên lúa giai đoạn mạ do làm giảm hiệu lực của thuốc diệt ốc.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống khoảng 29.700ha lúa Thu Đông, đang giai đoạn mạ đến làm đòng. Ngành nông nghiệp khuyến cáo, nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh nông dân cần ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá.
Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.
NGUYÊN KHANG
Trại sản xuất phôi gắn bó với nông dân trồng nấm
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Trên địa bàn phố núi Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) có một xóm chuyên sản xuất nấm mèo tại xã Đam B'ri. Và, một điều đặc biệt, đây cũng là xóm trồng nấm gắn bó với với một trại phôi chuyên sản xuất nấm trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thiên Thuỷ bên những bịch phôi chuẩn bị xuất cho nông dân
Vợ chồng chị Nguyễn Thiên Thủy - anh Nguyễn Ngọc Long, thôn Thanh Hương 2, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc là chủ của trại sản xuất phôi nấm mèo Long Thủy. Đây là một trại giống khá đặc biệt khi hầu hết lượng phôi sản xuất ra cung ứng cho xóm trồng nấm Thôn 4, xã Đam B'ri. Chị Nguyễn Thiên Thủy cho biết, trại nấm Long Thủy của gia đình anh chị đã có gần 20 năm hoạt động. Phôi sản xuất chủ yếu là phôi nấm mèo, một loại nấm phù hợp với khí hậu vùng đất Bảo Lộc.
Chị Nguyễn Thiên Thủy chia sẻ, trại sản xuất phôi nấm mèo của gia đình chị đảm bảo quy trình từ gốc cho tới ngọn. Thay vì nhập mùn cưa về xử lý như một số trại giống khác, trại phôi nấm mèo Long Thủy chọn cách tự mua gỗ, nghiền ra mùn cưa, bắt đầu từ khâu đầu tiên cho tới khâu cuối cùng. Chị Thủy cho biết: “Làm phôi nấm mèo, quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng cho bà con. Nhập gỗ về tự nghiền ra mùn cưa, trại của chúng tôi đảm bảo được phôi sạch từ nguồn gốc, không có các bệnh lây nhiễm từ trong bột gỗ”.
Làm giống nấm mèo, anh chị thường chọn tai nấm đẹp, phân lập giống trong môi trường thạch, sau đó cấy ra lúa, cấy ra cây mì rồi mới đủ thành phẩm để cấy ra bịch. Gỗ được mua về, nghiền thành mùn cưa, bổ sung dinh dưỡng, giữ ẩm rồi qua quá trình hấp tiệt trùng, được cấy meo. Bịch meo cấy xong được treo lên giá, giữ môi trường ổn định trong 45 ngày, khi meo lan trắng bịch là đủ điều kiện để xuất cho bà con nông dân. Chị Thủy đánh giá, với sản xuất nấm mèo, quan trọng nhất là giữ được vệ sinh và đảm bảo môi trường ổn định. Vì vậy, trại giống của anh chị được xây dựng thoáng khí, mát, quy trình cấy được đảm bảo trong điều kiện vô trùng tốt nhất. Chị Thủy thông tin: “Gia đình tôi chuyên làm phôi để cung cấp cho bà con khu Đam B'ri. Mối liên kết này đã có từ rất nhiều năm nay, trại giống luôn luôn đảm bảo chất lượng phôi cho bà con không bị bệnh, không bị dịch. Một bịch phôi thu một lần, đảm bảo năng suất từ 25 tới 30 g nấm khô. Làm lâu dài với bà con, mình phải đảm bảo chất lượng để bà con có lời, mối làm ăn mới được lâu dài”. Nhiều người khuyên chị nên sản xuất nấm mèo thương phẩm từ bịch phôi của gia đình nhưng chị không làm do chăm nấm thương phẩm khác với làm phôi, nếu trồng lẫn dễ xảy ra bệnh lây vào phôi nấm, không đảm bảo chất lượng cho bà con. Vì vậy, trại Long Thuỷ chuyên làm phôi để đảm bảo chất lượng giống ổn định.
Ông Vũ Thành Long, nông dân Thôn 4, xã Đam Bri, TP Bảo Lộc cho biết, gia đình ông là chuyên nhập phôi giống từ trại giống Long Thủy. Nông dân Thôn 4 trồng nấm mèo rất nhiều. Hầu hết bà con đều lấy từ trại giống Long Thủy. “Trại giống Long Thủy cung ứng phôi nấm mèo cho bà con rất tốt, chất lượng ổn định. Không chỉ cung cấp phôi, trại còn hướng dẫn kĩ thuật, cung cấp các loại thuốc sinh học đúng quy định của ngành Nông nghiệp để bà con canh tác nấm hiệu quả. Cả 20 năm nay, chúng tôi ở đây trồng nấm mèo đều lấy từ trại Long Thủy, vừa yên tâm, vừa bảo đảm”, ông Long nhận xét. Bản thân ông Long, ban đầu không hề biết nghề trồng nấm mèo, được trại giống Long Thuỷ hướng dẫn tận tình từ kỹ thuật làm trại cho tới kỹ thuật tưới nước, ép nước… để cây nấm phát triển tốt. Không chỉ ông Vũ Thành Long, hàng chục nông hộ trồng nấm Thôn 4 đều gắn bó với trại giống Long Thuỷ bởi uy tín, chất lượng và sự hỗ trợ nhiệt tình của trại với bà con trồng nấm mèo thương phẩm. Mối quan hệ mật thiết giữa trại giống Long Thuỷ với người trồng nấm Đam Bri đã tạo nên kết quả tốt, hình thành một vùng nấm mèo thành công.
Bà Vũ Thị Yến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc đánh giá, trại giống Long Thủy của gia đình anh chị Nguyễn Thiên Thủy - Nguyễn Ngọc Long là trại sản xuất phôi nấm mèo hiệu quả. Anh chị đã xây dựng được uy tín, xây dựng được một liên kết chặt chẽ giữa cơ sở giống, nông dân sản xuất, mang lại hiệu quả cho vùng sản xuất nấm Đam B'ri; đồng thời đây cũng là gia đình nông dân nhiệt tình, gắn bó với cộng đồng, luôn đồng hành cùng thôn Thanh Hương 2, xã Lộc Thanh trên con đường xây dựng nông thôn mới.
DIỆP QUỲNH
Trồng cau cho thu nhập trăm triệu mỗi năm
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Sở hữu vườn cau trên 1.000 cây, nông dân Nguyễn Ngọc Tần (61 tuổi, ngụ xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) thu lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm nhờ bán cau trái và cây giống.
Ông Tần sở hữu vườn cau đẹp như trong truyện cổ tích.
Vườn cau của ông Tần được trồng ngay hàng, thẳng lối đẹp mắt thu hút du khách đến chiêm ngưỡng, bởi khung cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Thành quả này là do ông Tần mạnh dạn phá bỏ vườn thanh long canh tác hàng chục năm để chuyển hoàn toàn sang trồng cây cau.
Được biết đến là người trồng cau chuyên canh đầu tiên ở miền Tây. Tuy nhiên thời điểm đầu cũng gặp không ít thử thách khó nhằn. Ông Tần kể, ông trồng thanh long từ năm 1997, tuy nhiên, diện tích thanh long không ngừng phát triển mà giá cả đầu ra bấp bênh. Năm 2016, ông quyết định chuyển đổi 6.000m2 đất vườn trồng thanh long để chuyển sang trồng chuyên canh cây cau. “Trồng thanh long tốn công chăm sóc, khó thuê nhân công, trong khi giá cả bấp bênh, thua lỗ kéo dài. Tình cờ biết thị trường tiêu thụ cau khá ổn định, cau ít tốn công chăm sóc và vốn đầu tư thấp nên tôi lên tận TP Hồ Chí Minh mua giống cau vú bò Bà Điểm về trồng”, ông Tần kể.
Tuy nhiên, do giống cau này càng ngày càng hiếm. May mắn tìm gom được 300 trái, ông Tần đem về ươm trồng. Sau đó, tiếp tục tìm mua giống để trồng phủ khắp 6 công đất vườn. Đến nay, vườn cau có trên 1.000 cây đang cho trái. Theo ông Tần, cây cau kháng bệnh rất mạnh, ít tốn phân thuốc, công chăm sóc, trồng khoảng 4 năm bắt đầu cho trái. Cây cau ưa nắng, nên phải trồng hàng cách hàng 4-5m, cây cách cây từ 1,3 - 1,5m để vườn cây đón nhận đủ ánh nắng, phát triển tốt. Mỗi liếp đất trồng 2 hàng cau, 2 liếp ngăn cách nhau bởi một mương nước.
Để trồng cau đạt hiệu quả, ông đã lắp hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nên ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, để đất tơi xốp ông còn trồng cây họ đậu phủ khắp vườn. Sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn cau. Hiện ngoài trồng giống cau vú bò Bà Điểm, ông Tần còn trồng thêm 2 loại cây cau trái tròn và trái dài. Hai loại cây cho trái năng suất cao gấp 2-3 lần so với cau truyền thống. Mỗi cây cau cho thu hoạch khoảng 50 kg trái/năm. Cách khoảng 10 ngày, ông tiến hành thu hoạch 1 lần. Phần lớn trái cau của ông Tần được thương lái mua phục vụ xuất khẩu; một phần bán lẻ phục vụ làm cau cúng, cau lễ, cau ăn trầu trong nước… Giá bán dao động từ 23.000-45.000 đồng/kg (tùy thời điểm), sản xuất cây giống bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/cây. Nhờ đó, ông thu lãi trên 300 triệu đồng/năm. “Vườn cau mới cho thu hoạch khoảng 2 năm gần đây. Cau càng trồng lâu năm cho trái càng nhiều. Năm trước thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ vườn cau. Năm 2024 này năng suất cau sẽ tăng vì trái nhiều hơn năm ngoái, dự kiến thu lãi từ 800-900 triệu đồng. Năm tới nếu giá cau như năm nay thì thu nhập sẽ cầm chắc hơn tỉ đồng”, ông Tần phấn khởi.
Ông Lê Hoàng Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tịnh An, cho biết, mô hình trồng cau của ông Tần rất hiệu quả, đáng học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, do mô hình mới nên chưa khuyến khích bà con mở rộng diện tích canh tác.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH
Bình Phước: Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Hiện nay, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang được xem là hướng đi tất yếu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, làm nông nghiệp công nghệ cao còn giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu.
Tiết kiệm chi phí, nhân công
Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Hứa Minh Chúc ở thôn 4, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng (Bình Phước) là một trong những minh chứng làm nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Với diện tích 6 sào nhà màng, gia đình anh Chúc trồng 5 loại rau cải và xà lách. Mỗi ngày, hộ anh thu hơn 30kg rau sạch cung cấp cho người dân trong xã. Anh Chúc chia sẻ, trồng rau thủy canh không tốn nhiều công chăm sóc như trồng rau trong đất, có thể làm liên tục, không phải cải tạo lại đất. Sau mỗi lần thu hoạch chỉ cần vệ sinh các máng nước sạch sẽ là có thể trồng mới đợt khác, không làm gián đoạn quá trình sản xuất.
Mỗi loại rau sẽ có chu kỳ phát triển và thời gian thu hoạch khác nhau, nhưng điểm chung của các loại rau trồng trong nhà màng là ít bị sâu bệnh hại. Rau cải từ lúc lên khay đến khi thu hoạch khoảng từ 30-35 ngày, còn rau xà lách có thời gian lâu hơn là 50 ngày. Theo anh Chúc, rau ươm khoảng 15 ngày là có thể tách cho lên giàn để chăm sóc theo quy trình. Hiện gia đình anh tự ươm rau đạt tỷ lệ hơn 90%.
Mỗi ngày, gia đình anh Chúc có hơn 30kg rau thủy canh các loại cung cấp cho người dân địa phương
Để cây rau phát triển ổn định thì phải kiểm tra dinh dưỡng mỗi ngày bằng bút kiểm tra. Nếu dinh dưỡng trong nước thấp hoặc không đủ, nhà vườn sẽ chủ động nguồn nước dinh dưỡng cung cấp qua ống thủy canh để nuôi cây. Anh Chúc cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu hơi cao nhưng về lâu dài thì rất hiệu quả. Rau thủy canh có thể làm quanh năm. Mùa mưa rau trồng trong đất thường bị giập, úng nhưng rau thủy canh vẫn phát triển tốt trong nhà màng, giá bán cao hơn”.
Mô hình trồng rau thủy canh sử dụng hệ thống bơm dung dịch thủy canh tự động cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách tuần hoàn. Khi áp dụng mô hình này, chất dinh dưỡng sẽ được ống thủy canh luân chuyển đến từng cây, tạo điều kiện để cây sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Thời gian qua, mô hình này được nhiều gia đình, hộ kinh doanh nông nghiệp trong tỉnh áp dụng để cung cấp nguồn rau sạch cho người dân.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đoàn Kết Đinh Thị Mỹ Duyên chia sẻ: Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình anh Chúc được chọn là mô hình nông nghiệp công nghệ cao điểm tại địa phương để giới thiệu và nhân rộng cho hội viên phụ nữ trong xã tham quan, học tập kinh nghiệm. Với cách trồng này, cây rau không trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng giá trị bền vững
Năm nay, vườn sầu riêng rộng gần 3 ha của gia đình ông Hứa Văn Công ở thôn 4, xã Đoàn Kết bắt đầu cho thu hoạch và đạt gần 10 tấn. Với giá bán tại vườn từ 80-82 ngàn đồng/kg, gia đình ông Công đã có lời.
Đầu tư 100 triệu đồng làm hệ thống năng lượng mặt trời, gia đình ông Công tiết kiệm được chi phí tiền điện trong quá trình tưới tiêu cho vườn sầu riêng. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư hệ thống nước tưới tự động. Theo đó, mỗi cây sầu riêng sẽ có ít nhất 2 béc tưới. Ngoài cung cấp nước tưới, hệ thống này còn được sử dụng để bón phân định kỳ cho cây. Nói về những lợi ích của KHCN trong sản xuất nông nghiệp, ông Công cho biết: Làm nông nghiệp truyền thống cần 2-3 nhân công để tưới nước, chăm sóc vườn sầu riêng nhưng áp dụng KHCN, lắp đặt hệ thống nước tưới tự động thì chủ vườn chỉ cần một thao tác là cả vườn sầu riêng được tưới mát.
So với canh tác truyền thống, ông Công nhận thấy sử dụng KHCN có nhiều ưu điểm vượt trội. Chỉ cần có kết nối internet thì chủ vườn có thể chăm sóc vườn bằng cách điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh mà không cần có mặt tại vườn. Sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống tưới tự động giúp gia đình ông Công tiết kiệm tối đa công chăm sóc. Ông Công chia sẻ: Trước đây, gia đình phải mua dầu đổ máy nổ tốn vài triệu đồng/tháng, nhưng có năng lượng mặt trời thì nguồn điện phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt thoải mái. Đầu tư một lần có thể sử dụng 10-20 năm.
Từ thực tiễn cho thấy, ứng dụng KHCN vào sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngọc Quế
Đăng ký mã số vùng trồng - Điều kiện để nông sản ‘bay cao’
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cùng các ngành chức năng hỗ trợ cho người nông dân đăng ký mã số vùng trồng cho trái sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mã số vùng trồng (MSVT) tương tự như địa chỉ sản xuất để chứng minh sản phẩm trồng ở địa chỉ nào, người trồng...
Nói cách khác, MSVT của người nông dân cũng giống như địa chỉ công ty sản xuất sản phẩm. Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, MSVT là điều kiện không thể thiếu nếu muốn xuất khẩu hàng hoá sang một số nước. Hiện nay, Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam phải có MSVT.
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác hỗ trợ cấp mới, tăng cường kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng (MSVT) và cơ sở đóng gói nông sản đã được cấp mã số phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và bảo đảm điều kiện xuất khẩu.
6 tháng đầu năm, ngành chức năng đã kiểm tra và cấp 27 MSVT xuất khẩu trên cây sầu riêng, xoài và nhãn với diện tích là 465 ha xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Liên minh châu Âu (EU), New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ. Trong đó, 5 MSVT đã được nước nhập khẩu cấp mã số (1 MSVT nhãn, 4 MSVT xoài), các mã số còn lại đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt (22 MSVT).
Luỹ kế từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 59 MSVT cây ăn trái xuất khẩu (với diện tích là 1.427,69 ha), trong đó có 26 mã số đã được nước nhập khẩu phê duyệt để xuất khẩu gồm: Trung Quốc (16), Hoa kỳ (1), EU (3), New Zealand (3), Hàn Quốc (1), Australia (2) với 633,1 ha trên các loại trái cây như chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh không hạt; 33 mã số trên các loại trái cây nhãn, sầu riêng, xoái (với diện tích 794,59 ha) đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt (tại thị trường Trung Quốc, Mỹ).
Đối với MSVT phục vụ nhu cầu nội địa, cấp 1 MSVT trên cây dưa lưới với diện tích 4,9 ha. Luỹ kế đến nay đã thực hiện cấp 19 MSVT với tổng diện tích 161,314 ha cho các loại cây trồng như: dưa leo (1,5 ha), lúa (4,26 ha), rau ăn lá (0,1 ha), mãng cầu (118,02 ha), bưởi (13,15 ha), mít (4 ha), mì (5 ha), sầu riêng (7,65 ha), chanh (1,7 ha), đậu phộng (1,03 ha), dưa lưới (4,9 ha).
Ngoài ra, đến nay ngành chức năng cấp 5 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được nước nhập khẩu (Trung Quốc) phê duyệt 4 mã số cơ sở đóng gói chuối và 1 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.
Thế Nhân
Mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đang có 393 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của 13 địa phương. Với mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững, hiệu quả thương hiệu OCOP Quảng Ninh, việc mở rộng đầu ra cho các sản phẩm là một trong nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành chú trọng triển khai.
Chế biến hàu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Vân Đồn.
Có mặt trên thị trường hơn 10 năm nay và là một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của Quảng Ninh, sản phẩm ruốc hàu Bavabi của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thuỷ sản Vân Đồn, đến nay đã tạo được niềm tin và trở thành lựa chọn của nhiều người tiêu dùng. Đồng thời, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, những sản phẩm ruốc hàu Bavabi cũng đã đi xa hơn, có mặt tại nhiều tỉnh thành và tạo dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường nội địa. Mới đây, sản phẩm này cũng đã có mặt trong gian hàng Quảng Ninh tham gia Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 8 và Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh, Trung Quốc lần thứ 28, tại TP Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Vân Đồn cho biết: Đây là một cơ hội hết sức quý báu. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ tài liệu quảng bá đến từng sản phẩm mang đi hội chợ. Chúng tôi đã nhận được tín hiệu rất tốt từ thị trường tỉnh Vân Nam. Đã có hàng ngàn lượt khách đến tham quan, dùng thử sản phẩm và đặt vấn đề ký kết phân phối. Sau chương trình trở về Quảng Ninh, chúng tôi đang nhanh chóng thực hiện các thủ tục để có thể xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc trong thời gian sắp tới.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 393 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao. Trong đó, có 296 sản phẩm đạt 3 sao; 93 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao, toàn tỉnh có 218 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao.
Tỉnh cũng thường xuyên đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh, trong đó đã tổ chức thành công nhiều hội chợ, mới đây nhất là Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2024 và Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024. Các hội chợ thu hút trên 120.000 lượt người đến tham quan mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt trên 25 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Công thương và các địa phương cũng đã phối hợp tổ chức 12 hội chợ, tuần lễ sản phẩm cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị sản xuất, chế biến tìm kiếm, gặp gỡ bạn hàng, các đơn vị phân phối trong và ngoài tỉnh. Một trong những kết quả rõ nét nhất từ các phiên hội chợ này là đến nay đã có trên 80 sản phẩm OCOP Quảng Ninh được tham gia vào các hệ thống phân phối lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại như Go! Winmart, Coop Mart...
Hiện, 100% các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên cũng đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử như sàn Voso, Postmart, Shopee, Lazada... giúp mở rộng thị trường tiêu thụ tốt hơn tới các tỉnh ngoài.
Chị Nguyễn Hiền Lương (TP Hạ Long), chia sẻ: Tôi rất ưa chuộng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, nên khi thấy có thể dễ dàng mua sắm các sản phẩm này trong các siêu thị tôi cũng yên tâm hơn. Tôi mong muốn tới đây sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP nữa vào các chuỗi siêu thị hoặc các kênh phân phối online để người dân có thể mua sắm một cách dễ dàng.
Đặc biệt, với mục tiêu đẩy mạnh thương mại xuyên biên giới, đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đến với các thị trường quốc tế, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức các gian hàng tại 4 chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, bao gồm Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (VIETNAM EXPO 2024); Lễ hội Du lịch biên giới Trung Việt 2024 và Hội chợ giao dịch hàng hoá xuất, nhập khẩu Trung Quốc - ASEAN; Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 8 và Hội chợ hàng hóa xuất nhập khẩu Côn Minh, Trung Quốc lần thứ 28 tại thành phố Côn Minh - Trung Quốc; Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Lào 2024. Những chương trình này đều đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, giúp doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh tìm kiếm được những hướng đi mới trong xuất khẩu.
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương, Sở Công thương Quảng Ninh, cho biết: Trong thời gian tới, ngành Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm OCOP mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Trước mắt, sẽ tập trung tổ chức hiệu quả Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024; Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2024; Tổ chức Đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia các Hội chợ trọng điểm năm 2024 tại các địa phương trọng điểm kinh tế Vùng của cả nước như: Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Đối với thị trường quốc tế, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; tham gia các Hội chợ Asean - Trung Quốc; Hội chợ hàng Việt Nam tại Campuchia 2024; Tham gia Hội chợ thương mại và du lịch biên giới Trung - Việt 2024 tại Đông Hưng (Trung Quốc).
Nguyễn Trang
Nuôi heo rừng lai theo liên kết chuỗi cung ứng: Hướng đi mới mang lại nhiều lợi ích cho nông dân
Nguồn tin: Báo Bình Định
Từ đầu năm 2024, Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định triển khai thí điểm mô hình nuôi heo rừng lai theo hướng liên kết chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đến nay, đã có 52 hộ trong tỉnh đăng ký tham gia mô hình. Thực tế cho thấy, nuôi heo rừng lai theo hướng liên kết chuỗi cung ứng là hướng đi mới, giúp nông dân cải thiện nguồn thu nhập, không phải lo khâu tiêu thụ.
Ông Võ Tuấn Kiệt, Trưởng kinh doanh Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định, cho biết: Phương châm công ty đề ra khi thực hiện mô hình là “Người nuôi có lời- Người ăn có lợi”. Theo đó, hộ đăng ký tham gia mô hình sẽ được công ty hướng dẫn kỹ thuật (cách xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, nuôi dưỡng và khẩu phần ăn), hỗ trợ tiêu thụ...
Sau 3 tháng thả nuôi, heo rừng nái của anh Phan Trọng Đường đã sinh sản. Ảnh: A.N
Là 1 trong 5 hộ đầu tiên ở thôn Cảnh An, xã Cát Tài (huyện Phù Cát) tham gia mô hình nuôi heo rừng lai theo chuỗi cung cứng của Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định, anh Phan Trọng Đường cho biết: “Để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, đầu năm 2024, tôi quyết định tham gia mô hình này. Sau khi được công ty hướng dẫn kỹ thuật nuôi, gia đình tiến hành xây chuồng và được công ty cấp 4 con heo rừng lai, trong đó có 3 heo mẹ và 1 heo đực giống. Sau 3 tháng thả nuôi, 3 con heo mẹ đã sinh sản lứa heo con đầu tiên”.
Toàn bộ sản phẩm heo rừng nuôi tại nông hộ được Công ty CP Nông nghiệp xanh Bình Định mua theo giá thỏa thuận, đưa bán trực tiếp đến nhà hàng, quán ăn và các cơ sở kinh doanh, ăn uống có nhượng quyền của công ty. Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng mô hình điểm bán thịt heo rừng nuôi ở TP Quy Nhơn, nhằm cung cấp các sản phẩm heo rừng sạch đến người tiêu dùng.
Đáng chú ý, các hộ đăng ký nuôi heo rừng lai theo mô hình liên kết chuỗi cung ứng phải tuân thủ và áp dụng quy trình an toàn sinh học đúng với công ty hướng dẫn. Cụ thể, sát trùng 1 lần/tuần (chuồng trại, dụng cụ, máng ăn…); không cho khách tham quan chuồng trại; không cho heo ăn thức ăn không rõ nguồn gốc; sử dụng nước giếng, nước ao hoặc nước máy… đảm bảo an toàn, không sử dụng nước sông trong quá trình cho heo tắm rửa, ăn, uống; trước cổng ra vào trại phải có máng sát trùng; chuồng nuôi 100% phải mắc mùng chống ruồi, muỗi; cống rãnh phải có lưới ngăn chuột; tuyệt đối không được chế biến thịt heo trong gia đình cùng chỗ chăn nuôi…
“Công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm, do đó, việc nuôi heo phải tuân thủ theo định hướng của công ty. Có như vậy mới tạo ra nguồn thực phẩm sạch để cung ứng đến khách hàng. Hy vọng, mô hình sẽ được nhiều người biết đến và tham gia hơn, góp phần xây dựng phát triển lớn mạnh mô hình ý nghĩa này”, ông Võ Tuấn Kiệt nhấn mạnh.
AN NHIÊN
Thoát nghèo từ nuôi dê
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tập quán canh tác lạc hậu nên nhiều năm nay, lãnh đạo TP. Cam Ranh luôn đau đáu câu chuyện thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Raglai ở xã Cam Thịnh Tây. Vậy mà mấy năm nay, nhờ nuôi dê, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Nhân đàn dê, nâng cao thu nhập
Chúng tôi ghé nhà ông Mang Cương và vợ là bà Thị Khanh ở thôn Thịnh Sơn (xã Cam Thịnh Tây) lúc nhá nhem tối. Sở dĩ chúng tôi chọn thời điểm này bởi đây là lúc vợ chồng ông Cương mới có ở nhà sau khi lùa đàn dê từ trên núi về chuồng. Theo lời kể của ông Cương, trước kia, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế khó khăn do không có việc làm ổn định, con gái ông suýt phải bỏ học. Năm 2019, gia đình ông được UBND TP. Cam Ranh chọn để hỗ trợ 3 con dê giống (trị giá khoảng 10 triệu đồng). Từ ngày nhận dê, cứ sáng ra, ông Cương lùa dê lên rẫy ăn cỏ, chiều lùa về chuồng. Thấm thoát đến nay đã 5 năm, gia đình ông đã nhân đàn và bán được 2 lần. “Tôi không nhớ chính xác thời điểm nhưng có một lần tôi bán 8 con được gần 50 triệu đồng, giữa năm nay tôi lại mới bán 7 con được hơn 40 triệu đồng. Hiện nay, đàn dê của gia đình còn 7 con. Ngoài ra, gia đình còn có 3 con bò được mua từ tiền bán dê. Mỗi lần bán dê, tôi lại mua thêm bò hoặc gửi tiết kiệm. Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần ổn định, trả hết nợ nần và lo cho 2 con ăn học. Năm ngoái, tôi mạnh dạn dỡ bỏ căn nhà cũ nát rồi vay thêm ngân hàng để xây căn nhà mới khang trang. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước mà gia đình tôi mạnh dạn phát triển kinh tế, dần thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”, ông Cương cho hay.
Nhờ nuôi dê đã giúp gia đình ông Mang Cương thoát nghèo.
Rời nhà ông Cương, ông Mang Lộc - công chức Lao động - Thương binh và Xã hội xã Cam Thịnh Tây đưa chúng tôi đến rẫy nhà bà Thị Yên (82 tuổi) ở cùng thôn Thịnh Sơn. Hiện nay, bà Yên đang ở cùng con gái Thị Mí và một cháu gái mới học xong lớp 12. Cũng như gia đình ông Cương, năm 2019, gia đình bà Yên được thành phố chọn hỗ trợ 3 con dê giống. Sau khi dê sinh sản, nuôi lớn là bà Yên lại bán dê đực lấy tiền mua thêm dê cái về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình bà Yên đã nhân lên gần 20 con, trị giá cả trăm triệu đồng.
Ông Mang Lộc cho biết, đời sống của người dân xã Cam Thịnh Tây nhiều năm nay gặp khó khăn do đất rộng nhưng chủ yếu là đồi núi, cằn cỗi, thiếu nước tưới, sản xuất phụ thuộc vào nước mưa. Xuất phát từ đặc điểm này, UBND xã Cam Thịnh Tây xác định, lựa chọn mô hình “nuôi dê sinh sản” để tỉnh hỗ trợ; đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về kỹ thuật nuôi. Nhờ mô hình triển khai hiệu quả đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân Raglai, giúp nhiều gia đình thoát nghèo.
Mô hình phù hợp với đồng bào
Theo báo cáo của UBND xã Cam Thịnh Tây, thời điểm năm 2019, xã cấp phát 345 con dê với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng cho 115 hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh. Sau khi cấp dê cho các gia đình, UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện mô hình “nuôi dê sinh sản”; đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong tổ kiểm tra thường xuyên đến nhà người dân để kiểm tra, hỗ trợ các hộ gia đình về kiến thức, kỹ năng nuôi dê.
Ông Mang Duyên - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây cho biết, trong số hộ nghèo, cận nghèo tham gia thực hiện mô hình, đến nay, có 105 hộ đã thoát nghèo và 5 hộ đã thoát cận nghèo. Tính đến nay, đàn dê của các hộ từ 345 con dê giống, đã nhân lên được 715 con. Các hộ đã bán 2.014 con dê đực và dê già để phục vụ cuộc sống gia đình. Hiện nay mô hình “nuôi dê sinh sản” trên địa bàn xã rất hiệu quả, mỗi con dê sinh sản từ 4 đến 6 con/năm. Mô hình phát triển đã từng bước góp phần cho các hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Ông Duyên cho biết, mô hình “nuôi dê sinh sản” trên địa bàn xã Cam Thịnh Tây được người dân rất đồng tình. Sau khi được hỗ trợ dê giống, người dân đã chủ động xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, chủ động đầu tư chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Cơ quan chuyên môn thành phố và của địa phương cũng tích cực theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc trong chăn nuôi, tiêm chủng phòng bệnh nên các hộ đã chăn nuôi dê đúng phương pháp, nhân đàn mở rộng quy mô chăn nuôi… Thông qua mô hình này, nhận thức của đồng bào dân tộc Raglai đã thay đổi tích cực, chịu khó sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Cam Thịnh Tây là xã vùng ĐBDTTS nằm ở phía tây nam của TP. Cam Ranh, cách trung tâm thành phố 15km. Toàn xã có 1.526 hộ với 6.036 khẩu. Trong đó, hộ ĐBDTTS là 1.508 hộ với 5.972 nhân khẩu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai), chiếm tỷ lệ 98,51% dân số toàn xã. Với đặc thù là xã có đông đồng bào Raglai sinh sống, thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới không đạt kết quả như mong đợi. Nhiều năm nay, TP. Cam Ranh luôn tìm các giải pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ triển khai hiệu quả mô hình “nuôi dê sinh sản”, đến nay toàn xã chỉ còn 53 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,03%) và 20 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,31%).
Với những kết quả đã đạt được từ mô hình “nuôi dê sinh sản” trong giai đoạn 2019 - 2024, trong giai đoạn 2024 - 2029, địa phương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất, thực hiện chính sách an sinh xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Từ kết quả của mô hình “nuôi dê sinh sản”, UBND xã Cam Thịnh Tây sẽ xác định, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với năng lực, nhận thức của đồng bào và thế mạnh của địa phương, tiến tới hình thành các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất chuỗi, đặc biệt hỗ trợ giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, nhờ có sự định hướng ngay từ đầu của lãnh đạo các cấp và các cơ quan chuyên môn, đến nay, có thể khẳng định mô hình “nuôi dê sinh sản” tại xã Cam Thịnh Tây là mô hình thích hợp nhất đối với vùng ĐBDTTS. Mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo nên đòn bẩy giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho các hộ nghèo đồng bào Raglai. “Mục tiêu của TP. Cam Ranh là đến năm 2029, thu nhập bình quân của ĐBDTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm xuống dưới 5%; có 80% số hộ nông dân ĐBDTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa… Vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đồng thời thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với ĐBDTTS để giúp người dân đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế" - ông Hiền cho biết.
VĂN KỲ
Hiếu Giang tổng hợp