Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 9 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 9 năm 2024

 

Khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất nông nghiệp

 

Nguồn tin:  Báo Thái Nguyên

Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hiện nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đều xảy ra hiện tượng ngập úng, nhất là tại các khu vực nằm ven sông Cầu. Thống kê sơ bộ về thiệt hại (sẽ cao hơn sau khi hoàn tất công tác kiểm đếm), toàn tỉnh có trên 470ha lúa, 7,6ha cây ăn quả bị đổ; trên 300 con gia súc, gia cầm bị chết, 3 chuồng trại bị hỏng…

 

 

Đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau bão tại TP. Sông Công

Cùng với việc vận động nhân dân chuẩn bị các điều kiện để tiến hành vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa sau lũ, các cấp, ngành chức năng đã hướng dẫn bà con tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 38,1 nghìn héc-ta lúa mùa, trong đó có 85ha đến kỳ thu hoạch. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại, các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân thu hoạch được gần 10ha. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhiều hộ dân ở khu vực Phú Cốc, phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) đã khẩn trương thu hoạch sớm một số diện tích lúa, ngô… Tại huyện Phú Bình, ngành chức năng cùng các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ bà con nông dân khẩn trương thu hoạch cây trồng bị ngập úng.

Đặc biệt, để phục hồi sản xuất nông nghiệp, ngay sau khi nước rút, các đơn vị chức năng trong tỉnh hướng dẫn nông dân kịp thời khoanh vùng, tiêu úng nhanh, bảo đảm không để lúa, rau màu bị ngập sâu trong thời gian dài; đồng thời phổ biến các biện pháp kỹ thuật chăm sóc những diện tích lúa, rau màu bị ngập. Đối với diện tích lúa bị ngập úng, chết, không thể gieo cấy bổ sung, nông dân được khuyến cáo chuyển sang trồng rau ăn lá, cây ngắn ngày… Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo: Các địa phương và bà con nông dân cần khẩn trương tiêu úng, khơi thông các dòng chảy, sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh; phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời; chú ý tiêu nước đệm trên hệ thống kênh mương, hồ đập và giữ nông mặt ruộng để đề phòng mưa lớn tiếp diễn trong thời gian tới…

Trong những ngày tới, mưa lũ sẽ qua đi, nước rút, nhưng nhiều diện tích lúa có thể bị nhiễm sâu bệnh hại. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo các địa phương, đơn vị và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến, tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Đặc biệt, phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở xác định, phân loại trà lúa (theo thời gian trổ bông), điều tra, dự báo chính xác thời điểm, mức độ phát sinh và gây hại của các đối tượng sâu bệnh để xây dựng hướng dẫn hoặc phương án phòng trừ. Cùng với đó, phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, giúp nông dân xác định rõ từng đối tượng sâu bệnh và biện pháp phòng trừ hiệu quả ngay từ khi còn ở diện hẹp, không để sâu bệnh lây lan thành dịch bệnh.

Đối với chăn nuôi, hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 95.000 con trâu bò; 600.000 con lợn và 16 triệu con gia cầm. Khi lũ rút đi, lực lượng chức năng khuyến cao người dân khẩn trương sửa chữa, gia cố để chuồng trại chắc chăn hơn; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; chú ý chăm sóc và tiêm phòng đầy các loại vắc xin cho đàn vật…

Dự báo thời gian tới, miền Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng có khả năng đón những đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Bởi vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cao các địa phương và người dân nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với những diễn biến xấu do thời tiết gây ra, bảo đảm năng suất các loại cây trồng cũng như an toàn cho đàn vật nuôi…

Tùng Lâm

 

Hoà Bình: Quýt Ôn Châu vào vụ

 

Nguồn tin: Báo Hoà Bình

Từ hơn 10 ngày trước, nông dân tại các vùng trồng quýt Ôn Châu trên địa bàn huyện Cao Phong (Hoà Bình) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Hàng năm, vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9, quýt Ôn Châu là loại quả mở đầu cho mùa thu hoạch cây ăn quả có múi của huyện Cao Phong nói riêng, vùng cây ăn quả có múi của tỉnh nói chung.

 

 

Nông dân xã Tây Phong (Cao Phong) thu hoạch quýt Ôn Châu.

Ngay sau khi bão số 3 đi qua, tranh thủ trời quang mây tạnh, tại nhà vườn Ngọc Anh, khu 2, thị trấn Cao Phong, nông dân tất bật ra vườn cắt quýt để trả đơn cho khách. Theo chủ nhà vườn, năm nay quýt Ôn Châu được mùa, chất lượng tốt nên tư thương tới vườn để thu mua từ khoảng ngày 25/8. Cũng vì thu hoạch sớm nên khi bão tới, vườn quýt gần như không bị ảnh hưởng. Hiện nhà vườn bán giá 20.000 đồng/kg quýt xô, từ 25.000 đồng/kg quýt chọn. Nông dân phải tranh thủ ra cắt quýt từ sáng sớm để đủ số lượng cho khách, vì đã gần đến rằm Trung thu nên nhu cầu tăng lên. Ngoài bán lẻ, nhà vườn còn đổ cho các mối ở Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng... Trong thời đại công nghệ 4.0, việc đặt hàng không còn quá khó khăn. Với những khách hàng ở xa không thể đến mua trực tiếp, có thể liên hệ để đặt hàng qua các trang mạng xã hội facebook, zalo… và giao dịch bằng hình thức chuyển khoản trước. Nhà vườn sẽ gửi hàng theo xe khách để đảm bảo đến tay người tiêu dùng.

Hợp tác xã (HTX) 3T nông sản Cao Phong (3T Farm), thị trấn Cao Phong cũng gấp rút kiểm tra các vườn quýt Ôn Châu sau khi bão tan. Theo ghi nhận, không có vườn quýt nào của HTX bị thiệt hại. Những chùm quả vỏ xanh nặng trĩu, lúc lỉu đã đảm bảo độ ngọt bắt đầu được thu hoạch dần kể từ cuối tháng 8. Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm cho biết: Những năm qua, HTX kiên trì chăm sóc cây trồng theo quy trình VietGAP, do đó không thể tránh khỏi có những quả quýt bị ruồi vàng châm. Để bảo vệ thương hiệu, HTX chặt chẽ hơn trong khâu chọn lọc quả khi thu hoạch, giá bán cũng cao hơn so với mặt bằng chung tại các chợ trên địa bàn huyện. So với niên vụ trước, giá bán lẻ quýt Ôn Châu của HTX cao hơn 5.000 đồng/kg; giá sỉ cũng cao hơn so với mặt bằng chung của các nhà vườn trong huyện. Trước khi đến tay người tiêu dùng, toàn bộ sản phẩm trải qua các khâu chọn lọc, sơ chế, dán tem mác và đóng gói. Dự kiến trong khoảng 2 tuần tới, HTX sẽ thu hoạch xong và kết thúc mùa quýt Ôn Châu năm 2024.

Tại những quầy hàng hoa quả ở các chợ trên địa bàn huyện Cao Phong, quýt Ôn Châu được bày bán từ tuần cuối của tháng 8. So với niên vụ 2023 - 2024, chất lượng quýt vẫn đảm bảo, giá cả không thay đổi nhiều. Những năm gần đây, nông dân Cao Phong bước vào giai đoạn tái canh cây cam, do đó diện tích quýt Ôn Châu giảm, tuy nhiên quýt vẫn tiêu thụ nhanh do được ưa chuộng, nhu cầu của người tiêu dùng lớn. Thời gian thu hoạch và tiêu thụ khá ngắn (trong khoảng 2 tháng). Hiện giá bán loại quả này trên địa bàn huyện giao động từ 16.000 - 30.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ, loại hàng.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Qua rà soát, các diện tích quýt Ôn Châu trên địa bàn huyện hầu như không bị ảnh hưởng do cơn bão số 3. Những năm gần đây, nông dân trồng cây ăn quả có múi nói chung và quýt Ôn Châu nói riêng tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc nên chất lượng quả ngày càng cao. Năm nay, với nhiều nông dân, quýt Ôn Châu được đánh giá là được mùa, chất lượng và giá bán tương đối ổn định. Diện tích trồng trên toàn huyện không lớn nhưng đến mùa thu hoạch, quýt Ôn Châu hết hàng rất nhanh. Dự kiến đến rằm Trung thu, nông dân trồng quýt sẽ kết thúc thu hoạch.

Thu Hằng

 

Giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong canh tác cây ăn trái trên vùng đất nhiễm phèn

 

Nguồn tin: Báo Long An

Ngày 10/9, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An, Hội Làm vườn tỉnh Long An phối hợp Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa và UBND xã Tân Hiệp tổ chức Hội thảo "Giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong canh tác cây ăn trái trên vùng đất nhiễm phèn".

Dự hội thảo có hơn 100 nông dân trên địa bàn huyện Thạnh Hóa.

Hiện nay, nông dân tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đang có xu hướng chuyển đổi từ cây lúa sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Theo đó, huyện Thạnh Hóa thuộc vùng Đồng Tháp Mười, thời gian gần đây, ngoài cây lúa, nông dân tại địa phương đã chuyển đổi trồng một số loại cây ăn trái khác như mít, chanh, sầu riêng, bưởi,… tập trung chủ yếu ở một số xã như Thuận Bình, Tân Hiệp, Thạnh Phước.

Mặc dù hiệu quả kinh tế từ cây ăn trái mang lại cho nông dân cao hơn cây lúa nhưng về kỹ thuật, nông dân vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình canh tác do điều kiện đất phèn và xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất.

Tham gia hội thảo, nông dân được nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ - GS.TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Bảo Vệ truyền đạt giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong canh tác cây ăn trái trên vùng đất nhiễm phèn.

Cũng tại buổi hội thảo, nông dân cùng các chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc về dịch bệnh trên cây trồng và kỹ thuật trồng cây trên vùng đất nhiễm phèn hiệu quả.

 

 

Các chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc tại hội thảo

Thông qua hội thảo nhằm cung cấp kiến thức và kỹ thuật trồng cây ăn trái trên vùng đất phèn cho nông dân, góp phần cho canh tác cây ăn trái phát triển bền vững và đạt năng suất cao./.

Cao Tâm

 

Doanh thu sầu riêng Khánh Hòa đạt hơn 1.200 tỷ đồng

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, diện tích, năng suất cây trồng trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Cụ thể, nông dân gieo trồng hơn 54.000ha cây hàng năm. Trong đó, có tổng cộng gần 38.000ha lúa vụ đông xuân và hè thu. Hiện nông dân thu hoạch được hơn 4.000ha lúa hè thu, năng suất ước đạt 58 tạ/ha.

 

 

Sầu riêng mang về doanh thu cho nông dân hơn 1.200 tỷ đồng.

Đối với cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm, người dân đang tập trung theo dõi, chăm sóc để cây phát triển tốt. Trong số hơn 17.500ha cây ăn quả, có hơn 8.200ha xoài, 1.311ha bưởi, 2.734ha sầu riêng, 3.000ha chuối… Đối với sầu riêng, đến nay toàn tỉnh có 1.700ha cho thu hoạch. Vụ sầu riêng năm nay cho năng suất bình quân 10 tấn/ha, với giá bán từ 65.000 đồng - 80.000 đồng/kg, mang lại doanh thu cho người trồng 1.232 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, nhờ tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, từng bước áp dụng sản xuất hiện đại, an toàn, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển các mô hình liên kết, vùng sản xuất tập trung, quy mô, mang lại thu nhập cho nông dân, nhất là ở các vùng cây ăn quả như sầu riêng, xoài, bưởi.

H.Đ

 

Mô hình làm giàu từ cây dừa sáp

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Cách đây 20 năm, ông Thạch Chanh (ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã chuyển từ trồng lúa sang trồng dừa sáp trên diện tích 4 công (4.000m2). Ðến nay, diện tích này tăng lên 70 công đất chuyên canh dừa sáp. Ðược vậy, không chỉ nhờ vào sự chăm chỉ trong canh tác mà còn do trái dừa sáp mang lại giá trị kinh tế cao…

 

 

Ông Thạch Cộng lúc nào cũng cười tươi bởi thu nhập từ vườn dừa mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng.

Một trái dừa sáp bằng chục dừa khô

Huyện Cầu Kè được xem là thủ phủ của cây dừa sáp, với diện tích 1.145ha, sản lượng trung bình hằng năm của huyện trên 3 triệu trái. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 70%.

Ông Thạch Chanh (ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè) là một trong nhiều lão nông vươn lên khá giàu nhờ vào cây dừa sáp, cho biết: Trước đây, với 4 công đất trồng lúa nhưng làm mãi vẫn thiếu cái ăn, cái mặc, có lúc chạy sang hàng xóm mượn gạo để ăn. Tuy nhiên, sau 3 năm chuyển từ đất lúa sang trồng dừa sáp, đợt trái đầu tiên bán được giá 35.000-45.000 đồng/trái, thu về trên 100 triệu đồng.

Ông Thạch Chanh chia sẻ và nói trong vui sướng “thấy vậy nên tôi bắt đầu sang nhượng thêm 1 công đất để mở rộng diện tích. Nhờ giá trị kinh tế cao từ trái dừa sáp nên vài năm tôi lại sang thêm vài công đất. Ðến nay cũng trên 70 công đất chuyên canh dừa sáp”.

Thấy anh trai Thạch Chanh canh tác hiệu quả, ông Thạch Cộng cũng chuyển sang trồng dừa sáp, hiện diện tích đất canh tác của ông cũng đã tăng đến 7ha diện tích. Tuy thành công như hôm nay ông cũng không ít lần băn khoăn trong những ngày đầu xuống giống dừa sáp nguyên bản, bởi “nhận không ít lời bàn tán ra vào về sự dại dột của mình, vì chưa có nhiều người trồng loại dừa này.

Có người khuyên ông nên chặt dừa sáp để trồng dừa thường vì thương lái ít thu mua, nhưng ông kiên quyết giữ vườn dừa sáp”. Theo thời gian, ông đã chứng minh cho mọi người thấy được rằng “Một trái dừa sáp bằng chục trái dừa khô. Khi giá trị trái dừa sáp vừa được biết rộng rãi, giá bán đã vọt lên gấp 10 lần dừa thường. Nhờ vậy năm nào tôi cũng thu lãi lớn”, ông Cộng cho hay và chỉ cho chúng tôi căn nhà khang trang, cho đến những vật dụng trong nhà cũng đều nhờ vào vườn dừa sáp.

Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dừa sáp Hòa Tân (huyện Cầu Kè) Phó Thục Hân hay trêu rằng: “Tuy chú Thạch Cộng đã 67 tuổi, nhưng thoạt nhìn trẻ hơn 10 tuổi. Bởi lúc nào cũng cười thật tươi, tháng nào thu nhập cũng trên 20 triệu đồng từ vườn dừa sáp”.

Theo bà Hân, trái dừa sáp có giá trị đặc biệt cao và ổn định. Nếu giá dừa thường có lúc xuống còn 3.000 đồng mỗi trái và rất khó bán, nhưng giá dừa sáp loại 1 luôn dao động ở mức 100.000 đồng/trái và hút hàng. Hiện HTX thực hiện thu mua dừa sáp của người dân trên địa bàn, qua đó giúp nông dân tiêu thụ trên 2 triệu trái dừa sáp mỗi năm, giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên khá giàu, bà Hân cho hay.

Bà Hân thông tin thêm: “Trong khi năm 2005 diện tích chỉ 43ha diện tích toàn tỉnh thì nay tăng lên đáng kể 1.277ha diện tích toàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất tại huyện Cầu Kè, còn lại rải rác ở các huyện Trà Cú, Càng Long, Tiểu Cần, TP Trà Vinh”.

Mở rộng vùng trồng, nâng cao chuỗi giá trị

Theo bà Hân, cách đây 100 năm, cây dừa sáp đầu tiên được hoà thượng Thạch Sô mang từ Campuchia về trồng trên vùng đất Cầu Kè. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù của địa phương nên cây dừa cho trái sáp và đã trở thành một đặc sản chỉ có riêng ở Cầu Kè và các huyện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Về hình thức, không khác gì trái dừa bình thường nhưng bên trong lớp cơm dừa sáp dày, mềm, dẻo chiếm gần hết trái với một ít nước dừa đặc.

Tuy nhiên, để dừa sáp và các sản phẩm chế biến từ dừa sáp được nâng cao giá trị, có thị trường tiêu thụ bền vững trong nước và quốc tế, Phó Giám đốc Vicosap (tỉnh Trà Vinh) Lâm Ngọc Tú đề nghị cần có thêm các chính sách thiết thực hơn trong thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tạo liên kết để phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa và dừa sáp; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành dừa; đặc biệt là phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng cho biết, chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550ha dừa sáp đặc sản. Tỉnh đề ra những định hướng để xây dựng thương hiệu dừa sáp Trà Vinh, trong đó áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt là mở rộng diện tích trồng dừa sáp để tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú, đủ sức cung cấp cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, quy hoạch, đầu tư hạ tầng vùng trồng, mở rộng canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, cũng như hỗ trợ xây dựng các cơ sở thu mua và chế biến tại địa phương để giảm chi phí vận chuyển và nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tháng 8-2012, dừa sáp Cầu Kè chính thức được đưa vào danh sách 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam). Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, sản phẩm dừa sáp Trà Vinh. Từ dừa sáp, tỉnh có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 7 sản phẩm đạt OCOP 4 sao; 3 sản phẩm đạt OCOP tiềm năng 5 sao gồm: kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp lá dứa, kẹo dừa sáp ca cao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao là dừa sáp sợi.

Bài, ảnh: ÐẠI DƯƠNG

 

Hậu Giang: Giá mía bán chục giảm mạnh do ảnh hưởng mưa bão

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Do ảnh hưởng mưa bão liên tục trong thời gian qua nên nhu cầu tiêu thụ mía dùng làm nước giải khát không nhiều, khiến giá mía bán chục sụt giảm mạnh so với đầu vụ.

 

 

Do ảnh hưởng mưa bão, nhu cầu mía làm nước giải khát giảm nên giá bán mía chục cũng giảm theo.

Ở đầu vụ, nông dân bán mía chục giống ROC 16 có giá từ 1.900-2.200 đồng/kg; các giống Suphen có giá từ 1.500-1.800 đồng/kg, tùy mía xấu, đẹp. Sau khi trừ đi chi phí bà con có thu nhập từ hơn 100 triệu đồng đến gần 145 triệu đồng/ha đối với giống ROC 16 và từ hơn 68 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/ha đối với các giống Suphen. Tuy nhiên, hiện tại do ảnh hưởng mưa bão thương lái thu mua mía chục giống ROC 16 chỉ từ 1.200-1.300 đồng/kg; các giống Suphen 900-1.000 đồng/kg. Với giá này, thu nhập của nông dân giảm chỉ còn khoảng 3 triệu đồng đến hơn 46 triệu đồng/ha.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), bên cạnh giá mía bán chục sụt giảm, những ngày qua do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kèm theo gió giật mạnh cũng làm một số diện tích mía gần đến ngày thu hoạch bị đổ ngã.

Vụ mía 2023-2024, tỉnh Hậu Giang xuống giống được hơn 3.200ha mía, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch bán mía chục được gần 1.000ha.

T.TRÚC

 

Trồng sen lấy gương - Mô hình triển vọng

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trên địa bàn xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), đang phát triển mô hình trồng sen lấy gương, mang lại hiệu quả kinh tế, có triển vọng nhân rộng.

 

 

Mô hình trồng sen lấy gương đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.

Xã Trường Long Tây có lúa là cây trồng chủ lực. Ngoài ra, còn có một số loại cây ăn trái như sầu riêng, chanh không hạt, mít siêu sớm, nhãn Ido,… Từ cuối năm 2022, mô hình trồng sen lấy gương được một số hộ dân ở ấp Trường Phước A thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó nhân rộng trên địa bàn xã.

Sen giống được người dân lấy từ tỉnh Đồng Tháp và trồng trên nền đất lúa. Khoảng 2 tháng 20 ngày sau khi xuống giống, cây sen bắt đầu cho những chiếc gương đầu tiên. Cứ khoảng 3 ngày thì thu hoạch 1 lần, kéo dài trong 2 tháng thì hết gương. Lúc này, người dân tiếp tục chăm sóc đến khi sen cho gương thêm một đợt nữa. Từ ngày trồng đến khi thu hoạch xong 2 đợt mất từ 6 đến 7 tháng.

Sau gần 2 năm, cây sen dần thích nghi và phát triển tốt tại xã Trường Long Tây. Từ một vài hộ dân ban đầu, đến nay, trên địa bàn xã đã có 27 hộ trồng sen, với tổng diện tích 36,7ha, tập trung chủ yếu ở các ấp Trường Phước A, Trường Thọ, Trường Thọ A,… Qua đó, góp phần giúp địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.

Nếu canh tác thuận lợi, 1ha đất trồng sen có thể đạt năng suất từ 7-8 tấn gương. Sau thu hoạch, gương sen được thương lái đến tận nơi thu mua. Với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg, trung bình mỗi héc-ta đất trồng sen, người dân thu lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, mỗi héc-ta đất trồng lúa chỉ cho lợi nhuận khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tùy nhu cầu thị trường, người dân còn có thể lấy lá hoặc củ sen để bán thêm.

Bước lên từ ruộng sen gần 1,3ha của mình, ông Trần Văn Lâm, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, gỡ giỏ xách đầy ắp gương sen trên vai xuống. Đây là vụ sen đầu tiên mà ông trồng. Qua 5 tháng, đã thu hoạch được hơn 4 tấn, với thu nhập khoảng 50 triệu đồng. “Trồng sen này nếu nắm được kỹ thuật, cây giống lên tốt thì cho thu nhập cao hơn lúa. Do đó, tôi cũng cố gắng trau dồi kỹ thuật để đến mùa khô thì tiếp tục trồng sen lại”, ông Lâm chia sẻ.

Theo bà Bùi Thị Kim Tiền, Khuyến nông viên xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A: “Tuy có giá trị kinh tế cao nhưng cây sen vẫn còn bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh thối thân, thối ngó. Do đó, chúng tôi tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên trồng luân canh giữa sen với lúa để tránh mầm bệnh phát sinh làm ảnh hưởng năng suất. Ngoài ra, địa phương cũng đang có hướng thành lập hợp tác xã trồng sen kết hợp thu mua sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho người dân”.

Ông Đỗ Văn Hải, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Châu Thành A, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu về tình hình dịch bệnh và thị trường của sen lấy gương để có định hướng phù hợp đối với loại cây này trên địa bàn. Kỳ vọng trong thời gian tới, mô hình trồng sen lấy gương sẽ phát triển bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao và góp phần tô điểm cho bức tranh du lịch nông thôn, du lịch sinh thái tại địa phương”.

ĐANG THƯ

 

Hiệu quả kinh tế từ trồng bắp

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, đất bờ bao vuông tôm, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) ra sức cải tạo để trồng bắp. Nhờ phù hợp với điều kiện tự nhiên, được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây bắp phát triển tốt, cho trái to, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Tính đến nay, chị Võ Thị Vân, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, có hơn 10 năm trồng bắp. Trên diện tích hơn 4.000 m2 đất, chị Vân trồng chủ yếu loại bắp nếp. Theo chị, bắp nếp dẻo, thơm, ngọt nên bà con trên địa bàn và thị trường rất ưa chuộng. Loại cây này dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo hạt đến thu hoạch chỉ khoảng 70 ngày. Nếu chăm sóc khéo, đúng kỹ thuật, mỗi năm có thể trồng được 4 vụ bắp, đem lại nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên cho gia đình.

 

 

Thay vì trồng hết diện tích, nhiều nông dân chia nhỏ ra, trồng cách vụ từ 5-7 ngày để thu hoạch tiếp nối, cung cấp bắp đều đặn cho thị trường.

Theo kinh nghiệm của chị Vân, cây bắp có bộ rễ phát triển mạnh, hấp thu dinh dưỡng trong đất tốt. Ðể có vụ mùa bội thu thì cần phải cải tạo, chăm bồi dinh dưỡng, bón phân cho đất thường xuyên. Mỗi cây bắp sẽ ra từ 3-4 trái, nhưng chỉ tuyển chọn lại 1 trái để đảm bảo trái to, đạt chất lượng. Chị Vân cho biết: “Thay vì trồng một đợt trên tất cả diện tích đất thì tôi trồng giãn ra, mỗi liếp cách nhau 5-7 ngày để thu hoạch tiếp nối, cung cấp đều đặn cho thị trường. Mỗi vụ bắp, gia đình tôi thu nhập từ 16-18 triệu đồng. Trồng bắp lấy công làm lời, cũng nhờ đó mà nhà tôi có thu nhập đều, ổn định”.

Thấy chị Vân trồng bắp hiệu quả, 2 năm nay, chị Võ Thị Minh Hải ở gần nhà cũng chuyển đổi 3.500 m2 đất trồng các loại rau ăn lá sang trồng bắp. Theo chị Hải, vào mùa mưa như hiện nay, cây bắp phát triển nhanh và xanh tốt hơn mùa hạn; tuy nhiên, cần phải làm hàng rào theo luống để giữ cây đứng vững, không bị dông gió làm đổ ngã.

Theo quan sát của chị Hải, cây bắp thích nghi tốt, phù hợp với vùng đất mặn, cho trái to, hạt đều. Ngoài bắp trái, hiện thị trường cũng ưa chuộng loại bắp non để làm thực phẩm. Mỗi ký bắp non có giá 40 ngàn đồng, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Quá trình trồng, chị Hải hạn chế sử dụng phân, thuốc hoá học, chủ yếu dùng phân bón hữu cơ, ủ cỏ, thân cây bắp để vun gốc cho cây, tạo ra sản phẩm sạch, giúp người tiêu dùng an tâm, tiêu thụ mạnh. Thương lái thường đến tận nơi thu mua nên không lo về đầu ra.

Năm nay giá bắp tăng cao hơn những năm trước, nông dân rất phấn khởi. Hiện 1 chục bắp (14 trái) được thương lái thu mua tại chỗ với giá 55-60 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí, nhiều hộ trồng bắp có thu nhập 50-60 triệu đồng/năm.

Chị Hứa Minh Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Ân, thông tin: “Những năm trước, Hội đã hỗ trợ nông dân đăng tải lên mạng xã hội, kết nối với các tiểu thương, điểm chợ trên địa bàn để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Năm nay, Hội nhận được tín hiệu vui từ nông dân là không cần phải hỗ trợ đầu ra bởi có thương lái đến tận nơi thu mua. So với các loại hoa màu khác, cây bắp dễ trồng, giá cả, đầu ra ổn định, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn và vươn lên ấm no nhờ cây bắp”./.

Trúc Linh

 

Phòng trừ sâu bệnh lúc chuyển mùa

 

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Lúc chuyển mùa là thời điểm thường tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh, gây hại trên các loại cây trồng. Đến ngày (9/9), trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 1.500ha cây cao su, cây ăn quả, sắn... các loại bị sâu bệnh gây hại.

 

 

Xử lý bệnh loét sọc miệng cạo

Ông Nguyễn Ha ở xã Hương Phú (Nam Đông) bảo, cứ đến thời điểm giao mùa là cây cao su lại xuất hiện một số bệnh gây hại. Các hộ trồng loại cây này đã triển khai nhiều biện pháp phun thuốc phòng trừ nhưng không triệt để, bệnh cứ tái phát. Diện tích hơn 3ha cao su của ông Ha cũng đang bị bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo và rụng lá gây hại.

Theo ông Ha, các loại bệnh loét sọc miệng cạo, xì mủ, rụng lá Corynespore… thường xảy ra quanh năm trên cây cao su. Nhưng các loại bệnh này thường gây hại nặng, phát tán trên diện rộng vào thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp. Được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, địa phương, ông Ha đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, phun thuốc phòng trừ bệnh để bảo vệ cây trồng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông, ông Nguyễn Hữu Ánh thông tin, tính đến ngày 9/9, trên địa bàn huyện Nam Đông có nhiều diện tích bị các loại bệnh với tỷ lệ phổ biến 5-10%. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 600ha cao su bị nhiễm các loại bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo, bệnh rụng lá Corynespore. Các diện tích bị sâu bệnh tập trung tại các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và TX. Hương Trà. Riêng tại Hương Trà có khoảng 50ha cao su bị bệnh rụng lá Corynespore. Nhiều diện tích đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại cục bộ với tỷ lệ thấp, như đốm lá, nấm hồng, thán thư…

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, không riêng cao su mà nhiều loại cây trồng, cây ăn quả như bưởi, thanh trà, cam… cũng đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại. Trong đó, phổ biến là bệnh chảy gôm với diện tích gần 200ha, tỷ lệ bệnh 5-10%, có một số nơi cao đến 20-30%. Nhiều loại sâu bệnh khác như câu cấu, đục thân, muội đen, vàng lá greening… gây hại cục bộ, tỷ lệ thấp. Số diện tích cây ăn quả bị sâu bệnh tập trung ở các xã Phong Thu (Phong Điền), Hương Vân, Hương Bình (TX. Hương Trà), Thủy Biều (TP. Huế).

Diện tích cây sắn bị bệnh khảm lá gần 600ha, tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng nguy cơ có thể lây lan trong thời gian đến do ảnh hưởng của thời tiết thất thường. Tỷ lệ bệnh khảm lá sắn dao động từ 10-30%, với diện tích 335ha, 30-50% gần 200ha, diện tích còn lại bị nhiễm với tỷ lệ cao đến 70%. Diện tích sắn bị sâu bệnh chủ yếu tập trung ở các thôn, xã: Tây Xuân, Văn Xá Tây… (TX. Hương Trà), Đông Sơn, Đại Thành (Phú Lộc), Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Hiền... (Phong Điền).

Dự báo thời gian đến, các đối tượng sinh vật gây hại tiếp tục phát sinh trên cây sắn như rệp sáp, bọ phấn... Trên cao su, các loại bệnh tiếp tục gây hại và có khả năng lây lan như xì mủ, loét sọc miệng cạo. Các loại bệnh đục cành, sâu đục thân, rệp sáp, vẽ bùa, bệnh chảy gôm… trên cây cao su và cây ăn quả tiếp tục phát sinh gây hại.

Theo ông Hồ Đính, để hạn chế và xử lý sâu bệnh một cách hiệu quả, người dân cần tiếp tục theo dõi sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, nguy cơ lây lan diện rộng thì báo với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Trên cao su, cần chú ý kiểm tra và xử lý bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo và các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ, không để lây lan trên diện rộng.

Đối với cây ăn quả, người dân cần tăng cường chăm sóc, bón phân cân đối, nên sử dụng phân chuồng hoai mục để bón nhằm giúp cây sinh trưởng và phát triển mạnh, có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu bệnh, đặc biệt lưu ý phòng trừ bệnh chảy gôm. Trên cây sắn, bà con chú ý bệnh khảm lá sắn, bọ phấn trắng là loài trung gian truyền bệnh khảm lá sắn nhằm có biện pháp phòng trừ kịp thời, hạn chế lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, người dân tranh thủ thu hoạch các diện tích đến kỳ thu hoạch và có biện pháp bảo vệ an toàn cho cây trồng trong mùa bão, lũ.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

 

Kiếm tiền từ cỏ dại

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Tại một số vùng đất lúa hay đất nuôi tôm sản xuất không hiệu quả ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng bồn bồn, mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ còn thoát nghèo nhờ mô hình này.

 

 

Cây bồn bồn từ loài cỏ dại trở thành món ăn đặc sản giúp nhiều nông dân ở huyện Mỹ Tú có thu nhập ổn định.

Cỏ dại thành đặc sản

Từng được xem là loại cỏ dại, nhưng nhiều năm trở lại đây cây bồn bồn bỗng trở thành loại cây đem lại nguồn sinh kế ổn định cho người dân xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Loại cây trồng này cũng trở thành đặc sản làm nên thương hiệu dưa chua bồn bồn nổi tiếng.

Nếu như bồn bồn ngoài tự nhiên chỉ cho thu hoạch 1 vụ/năm thì nay với việc trồng chuyên canh mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6 tháng. Ngoài ra bồn bồn là loại cây có sức sống mãnh liệt, ít sâu bệnh nên trong quá trình canh tác hầu như không sử dụng phân thuốc nên được xem là loại rau sạch, giúp cho môi trường sống tự nhiên của các loài cá được đảm bảo phát triển tốt, góp phần làm tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Chuyển sang trồng bồn bồn hơn chục năm nay đã mang về nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình, bà Huỳnh Thị Ngọc Hạnh (55 tuổi, ngụ xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú) cho biết, gia đình vốn có truyền thống trồng lúa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây cây lúa cho năng suất thấp, làm không có lãi, thậm chí thâm hụt tiền vốn. Từ đó gia đình quyết tâm chuyển đổi sang loại cây trồng mới.

Sau khi tìm hiểu, nhận thấy mô hình trồng bồn bồn vừa nhẹ công chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên bà mạnh dạn mua giống về trồng. Hiện bà Hạnh trồng bồn bồn trên diện tích 5.000m2, mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 700-800kg, đem lại nguồn thu nhập khoảng 7 triệu đồng, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (40 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) cũng có cuộc sống khấm khá nhờ cây bồn bồn. Trước đây, anh làm công nhân, nhưng thu nhập “ba cọc ba đồng”. Nhờ tích góp được một số vốn, anh quyết định nghỉ việc để về quê thuê 6.000m2 đất trồng bồn bồn. Hiện mỗi tháng gia đình thu hoạch từ 700kg đến 1,2 tấn bồn bồn, với giá bán dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 10-15 triệu đồng mỗi tháng.

Thay vì thu hoạch bồn bồn bán cho thương lái thì bà Ðặng Thị Xứng (60 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) chọn bán cho khách qua đường. Mỗi ngày, bà thu hoạch khoảng 20-25kg rồi mang ra phía trước nhà để bán với giá khoảng 30.000-35.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi tháng bà còn làm vài chục ký dưa chua bồn bồn để bán lẻ, giao cho các đám tiệc với giá 40.000 đồng/kg. Nhờ đó kiếm được thu nhập khá.

Thu nhập khá nhờ nghề nhổ bồn bồn

Bồn bồn vào vụ còn giúp cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm nghề nhổ bồn bồn thuê. Bình quân một lao động có thể nhổ được từ 20-30kg, thu nhập từ 140.000-280.000 đồng/ngày.

Bà Thạch Hên (50 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) cho biết, bà sống nhờ nghề làm thuê, làm mướn nên thu nhập bấp bênh. Những năm gần đây, khi bồn bồn được trồng nhiều ở địa phương và trở thành đặc sản, bà kiếm được thu nhập trên dưới 200.000 đồng/ngày nhờ nghề nhổ bồn bồn thuê.

Theo bà Hên, bồn bồn ngập sâu trong nước nên muốn thu hoạch người dân phải trầm mình nhiều giờ để nhổ. Bồn bồn vừa nhổ lên mang chặt bỏ phần lá, giữ lại phần gốc, sau đó tách bỏ bẹ lá bên ngoài để lấy phần lõi non bên trong.

Ðang nhổ bồn bồn cách bà Hên không xa, ông Trần Văn Hai (63 tuổi, ngụ huyện Mỹ Tú) cho biết, với những người có tuổi, việc tham gia nhổ bồn bồn cũng đem lại nguồn thu nhập giúp trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, nghề này cần có sức khỏe, dẻo dai, tương đối vất vả bởi phải dầm mưa dãi nắng và trầm mình cả ngày dưới nước.

“Mỗi ngày tôi đi nhổ bồn bồn thuê từ lúc 3 giờ hoặc 5 giờ sáng. Nhổ đến tận 9-10 giờ sáng thì lên bờ nghỉ ngơi, ăn uống rồi lại tiếp tục công việc vào lúc giữa trưa. Ðến khi lái lại cân thì xong công việc”, ông Hai nói.

Theo ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú, trên địa bàn hiện có khoảng 80ha đất chuyên canh bồn bồn, chủ yếu được chuyển đổi từ đất trồng lúa hay nuôi tôm kém hiệu quả. Ðịa phương cũng đã thành lập Tổ hợp tác bồn bồn ở xã Mỹ Tú và đưa bồn bồn trở thành sản phẩm tiềm năng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Nông dân bền chí trong phát triển kinh tế gia đình

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Ông Ngô Văn Tùng (tên thường gọi là Hai Tùng), 64 tuổi, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 2, ấp Thới Đức, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) từ công việc sản xuất mía đường đã chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp và gắn chặt với nghề chăn nuôi để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.

 

 

Ông Ngô Văn Tùng đang chăm sóc đàn dê của gia đình.

Ông Hai Tùng cho biết: “Từ những năm 1990 đến hơn 2000, giai đoạn hoàng kim của gia đình khi gắn bó với công việc sản xuất đường mía. Khi ấy, lò đường của tôi nức tiếng ở địa phương, với 9 chảo to thường trực, đỏ lửa mang về thu nhập rất cao cho gia đình. Rồi do biến động của thị trường tiêu thụ, công việc làm ăn của gia đình rơi vào khó khăn”.

Năm 2009, ông Hai Tùng được người em ruột bán chịu 2 con heo nái (khoảng 50kg/con) để khởi nghiệp. Đến năm 2015, hộ ông đã vươn lên và xây dựng thành công trang trại chăn nuôi heo Ngô Văn Tùng. Hiện tại, trang trại được xây dựng kiên cố và vững chắc trên diện tích 4.000m2 đất của gia đình. Ông đang nuôi 15 con heo nái và 150 con heo thịt. Trung bình, ông xuất chuồng 2 lứa heo thịt/năm. Nếu giá heo hơi hơn 60 ngàn đồng/kg thì có lợi nhuận từ 1 - 1,5 triệu đồng/con, chưa tính tiền công lao động.

Bên cạnh đó, ông Hai Tùng còn được người em vợ tặng 2 con dê sinh sản để nuôi. Đến nay, ông Hai Tùng nuôi 25 con dê cái để sinh sản ra dê con bán giống, mang về lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/năm.

Hơn 2 năm, ông Hai Tùng thuê 1.500m2 đất hoang của người dân địa phương (giá 1 triệu đồng/1.000m2/năm) và tận dụng 2.000m2 đất nhà để trồng cỏ nuôi dê. Bên cạnh đó, ông còn thu hoạch thêm lượng cỏ hoang ở địa phương làm thức ăn cho dê. Sau 3 tháng đẻ, dê con được cai sữa và xuất chuồng bán cho người nuôi vỗ béo. Mỗi con dê đực giống dưới 15kg, giá quân bình từ 100 ngàn đồng/kg trở lên. Dê cái giống cân bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu, giá bán hơn 60 ngàn đồng/kg. Sau 5 tháng mang thai, dê cái sẽ sinh sản và mỗi con đẻ từ 1 - 2 dê con/lứa.

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, ông Hai Tùng còn làm Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi dê ấp Thới Đức (tổ có 9 tổ viên, với gần 100 con dê sinh sản và vỗ béo); làm Chi hội phó Chi hội Nông dân và Chi hội Người cao tuổi ấp Thới Đức. Ông có thâm niên hơn 20 năm tham gia công tác hội của đoàn thể và phong trào hay hoạt động do địa phương tổ chức.

“Trong phát triển kinh tế gia đình, tôi chú trọng việc “Lấy vật nuôi ngắn ngày chăm lo cho vật nuôi dài ngày mới có thu nhập. Nay tôi cũng đã lớn tuổi nên bám chặt công việc chăn nuôi, góp phần tăng nguồn vốn xoay trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho gia đình”, ông Hai Tùng tâm sự.

Ngoài ra, ông Hai Tùng còn nuôi thêm vịt xiêm Pháp. Hiện tại, ông đang nuôi 70 con nhỏ và lớn. Hơn 3 tháng chăn nuôi, vịt xiêm Pháp được bán ra thị trường. Ông còn nuôi 5 con thỏ Newzealand trắng sinh sản kết hợp xây dựng chuồng trại để phát triển số lượng cũng như chất lượng vật nuôi, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình bằng việc bán thỏ giống và thương phẩm.

Với sự đóng góp cho xã hội, địa phương, ông Ngô Văn Tùng được UBND tỉnh tặng bằng khen vì tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương năm 2014; UBND huyện và Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Nam tặng giấy khen vì thực hiện tốt các phong trào tại địa phương năm 2018; trong công tác hội và phong trào nông dân năm 2017; UBND và đoàn thể xã Thành Thới A tặng nhiều giấy khen và biểu dương trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” - nâng chất ấp văn hóa; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác hội và phong trào nông dân, “Tuổi cao - Gương sáng”.

“Ông Ngô Văn Tùng luôn nhiệt huyết vận động hội viên, tổ viên tham gia công tác hội và phong trào do địa phương tổ chức. Gương mẫu và đi đầu trong việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Phát huy được tinh thần đoàn kết, vận động người dân địa phương tích cực trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Duy trì và đồng lòng trong việc phát triển kinh tế tập thể cũng như hộ gia đình, cần được nhân rộng trong cộng đồng xã hội”. (Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Thới A Nguyễn Thanh Tuấn)

Bài, ảnh: Lê Đệ

 

Những nông dân hiện đại chung sức xây dựng quê hương

 

Nguồn tin:  Báo Long An

Mạnh dạn thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhiều nông dân không chỉ làm giàu mà còn tích cực chung tay xây dựng quê hương.

1. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi gà lấy trứng, hơn ai hết, ông Hồ Thanh Minh (xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) hiểu rất rõ nỗi khổ của người chăn nuôi khi gặp tình trạng dịch bệnh, giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao, trong khi giá trứng giảm mạnh.

Băn khoăn về nghề nuôi gà, ông Minh quyết định đầu tư máy trộn thức ăn; đồng thời, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để mua các phụ phẩm về tự chế biến thức ăn thay vì mua qua đại lý.

 

 

Ông Hồ Thanh Minh (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) đang nuôi hơn 90.000 con gà lấy trứng

Nhờ vậy, ông giảm chi phí thức ăn trong chăn nuôi gần 1,5 triệu đồng/ngày. Chia sẻ với người nuôi, ông còn cung cấp thức ăn cho khoảng 10 hộ nuôi gà lấy trứng với giá bán thấp hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg thức ăn.

Bên cạnh đó, ông còn thu mua trứng gà, sau đó đem bán tại các đại lý ở TP.HCM thay vì người nuôi phải bán cho các thương lái ở địa phương. Trung bình mỗi ngày, ông thu mua khoảng 120.000 trứng gà, hạn chế việc buôn bán nhỏ, lẻ, tránh tình trạng thương lái ép giá.

Ông Minh cho biết: “Ngoài hỗ trợ đầu ra, tôi còn hướng dẫn các hộ mới nuôi gà về kỹ thuật phòng bệnh, xây dựng chuồng trại. Giúp được gì thì tôi giúp, nhất là đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn”.

Thông tin từ UBND xã Tân Lân, ông Minh là một trong những hộ nuôi gà lấy trứng đầu tiên trên địa bàn xã chủ động di dời trang trại ra khỏi khu dân cư, áp dụng hiệu quả quy trình nuôi gà theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học.

Trại gà của ông được thiết kế cao ráo, thoáng mát, đầu tư hệ thống nước uống, phun sương tự động,... Hiện trại của ông nuôi hơn 90.000 con gà, trung bình hàng ngày thu hoạch hơn 72.000 trứng.

2. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 18 tuổi, ông Nguyễn Văn Sành (xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Theo ông Sành, sau khi đất nước thống nhất, đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ giữa đời thường, ông tiên phong đưa con tôm về "bén duyên" với xã Phước Vĩnh Tây. Lợi nhuận từ nuôi tôm sú đã mang đến cho gia đình ông một cuộc sống sung túc, khá giả như ngày hôm nay.

Ông Sành cho biết: “Khi biết được mô hình nuôi tôm của tôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân cũng muốn học hỏi, làm theo. Tôi rất vui vì điều này và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người dân”.

Năm 2017, biết được thông tin nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận hơn, ông Sành bắt đầu đi học tập kinh nghiệm, sau đó chuyển từ nuôi tôm sú truyền thống sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao.

Hiện gia đình ông nuôi 1,6ha tôm ứng dụng công nghệ cao. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, ông Sành có lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng.

Không chỉ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Sành còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động dù tuổi đã cao, nhất là phong trào hiến đất làm đường. Mỗi khi được vận động, gia đình ông sẵn sàng hiến đất. Tính đến nay, gia đình ông Sành hiến hơn 1.300m2 đất.

Xuất thân trong gia đình nghèo, đi lên bằng hai bàn tay trắng nên ông hiểu được cái khó của người có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên, giúp được gì thì ông giúp.

Bà Hồ Thị Lụa (xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) trải lòng: “Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của xã, nhà ở gần chú Sành. Hiểu được hoàn cảnh gia đình, chú Sành thường qua giúp đỡ, cái nào giúp được là chú giúp ngay. Nhờ vậy, gia đình tôi cũng bớt khó khăn”.

Với những thành tích trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, công tác an sinh xã hội, ông Minh, ông Sành nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Song có lẽ niềm vui, hạnh phúc nhất đối với những nông dân hiện đại này là cuộc sống người dân quê mình bớt khó khăn, chất lượng ngày càng nâng lên./.

Minh Tuệ

 

Bến Tre: Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Chánh liên kết phát triển chuỗi con bò

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Chánh, xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri (Bến Tre) đã phát huy tốt vai trò kinh tế tập thể trong cung ứng con giống và kết nối thu mua sản phẩm đầu ra cho thành viên, khẳng định thương hiệu “Bò Ba Tri”, đồng thời mở rộng liên kết, hình thành chuỗi nông sản chủ lực lớn trên địa bàn huyện.

 

 

Hỗ trợ bò cho hộ nông dân là hộ nghèo và cận nghèo xã Mỹ Chánh. Ảnh: Thanh Hoa

Thương hiệu “Bò Ba Tri”

Xã Mỹ Chánh là một trong những xã có số lượng đàn bò lớn nhất của huyện. Hiện toàn xã có hơn 1 ngàn hộ chăn nuôi bò, chiếm 60% tổng dân số của xã, với tổng đàn bò lên tới 5.100 con. Hàng năm, xã cung cấp một lượng lớn bê ra thị trường (bao gồm bê cái giống và bê đực nuôi lấy thịt).

HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh được thành lập vào ngày 30-8-2017, số lượng thành viên thực tế của HTX là 50 người với vốn góp điều lệ 10 tỷ đồng. Hiện HTX có 11 lao động làm việc. Hội đồng quản trị HTX đã vận động bà con tham gia tổ hợp tác (THT), HTX sẽ ưu tiên mua bò của thành viên với giá cao hơn so với khi mua bên ngoài từ 3 - 5%. Thuốc thú y, tinh bò bán ra cho thành viên HTX giảm 5 - 10%; thức ăn, cám dừa giảm 3 - 5%. Hiện tại, các hộ liên kết với nhau thành lập THT, các tổ viên chăn nuôi nhiều giống bò như bò sind, Brahman, Red Angus, Limousin, Charolais, Droughtmaster, 3B...

Theo ông Trà Tấn Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, con bò dễ chăn nuôi, không đòi hỏi đầu tư chăm sóc về kỹ thuật nhiều. Hầu như mỗi gia đình trên địa bàn xã Mỹ Chánh đều chăn nuôi bò với số lượng dao động từ 2 - 8 con. Với số lượng đàn bò lớn hàng năm tăng đàn từ 3 - 4 ngàn con bê đáp ứng nhu cầu con bò giống và bê thịt trên thị trường.

HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh được đánh giá cao bởi khả năng liên kết ngang, mở rộng và tạo chuỗi có quy mô. Ông Trà Tấn Thanh cho biết thêm: Đến nay, HTX đã liên kết được 3 THT của 3 xã (An Hiệp, An Đức, Bảo Thạnh) huyện Ba Tri, với số lượng bò cái giống từ 500 - 700 con. Vào cuối năm 2018, HTX có tổ chức hội thảo liên kết thu mua cùng với 100 hộ dân của 3 xã triển khai và ký kết hợp đồng thu mua, cung cấp các dịch vụ thú y, thức ăn, cám dừa cho các thành viên tổ liên kết. Vào tháng 3-2021, HTX thành lập được 6 THT trên địa bàn xã Mỹ Chánh với 78 thành viên, số lượng hơn 383 con bò. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 4 THT ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, với 92 thành viên, số lượng hơn 160 con bò…

Hỗ trợ thoát nghèo bền vững

Vào tháng 6-2024, HTX phối hợp với Quỹ Thiện Tâm xây dựng mô hình liên kết giữa “Hợp tác xã - Nhóm nông hộ phát triển sản xuất nuôi bò cái giống, bò vỗ béo liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP”. Đây là hoạt động hợp tác liên kết với tổng kinh phí 1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ nông hộ trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững của HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh.

Mục tiêu của mô hình này là hỗ trợ 25 hộ nông dân, với 50 con bò lai sind, trị giá 20 triệu đồng/con, trọng lượng từ 200 - 250kg/con, nhằm thoát nghèo bền vững từ nuôi bò cái giống, bò vỗ béo theo chuỗi giá trị. Đây cũng được xem là mô hình điển hình về phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và có thể nhân rộng toàn huyện trong thời gian tới. Theo mô hình này, giai đoạn 2024 - 2029, HTX sẽ thực hiện mô hình chăn nuôi tập trung nuôi bò vỗ béo, bò cái giống với quy mô 50 - 200 con bò, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 25 hộ nông dân lao động trực tiếp tại trang trại của HTX. Hình thành 1 chuỗi liên kết các sản phẩm nhằm thống nhất các quy trình từ chăn nuôi khép kín đến chế biến sau và bán sản phẩm.

Theo ông Trà Tấn Thanh, thông qua liên kết dự án sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân từ 2 lần so với thu nhập hiện tại của gia đình. Dự kiến số hộ thoát nghèo sau khi tham gia dự án đạt 15,3% tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã. Bên cạnh đó, HTX sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật tiêm phòng, chăm sóc, ủ cỏ, ủ phân cho 25 hộ nông dân tham gia liên kết. Việc thực hiện dự án từ nguồn Quỹ Thiện Tâm nhằm để hỗ trợ nông hộ tại HTX, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động có thu nhập, nâng cao cuộc sống, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên HTX.

Chuỗi con bò là một trong 8 chuỗi nông sản chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5-8-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. HTX Nông nghiệp Mỹ Chánh đã xây dựng và phát triển chuỗi giá trị con bò theo đúng định hướng và mục tiêu của Tỉnh ủy. Qua đó đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu “Bò Ba Tri” theo hướng ổn định, bền vững.

Thanh Hoa - Cẩm Trúc

 

Nguyên nhân chính khiến bò sữa tiêu chảy và chết hàng loạt tại Lâm Đồng là do vắc xin

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngày 10/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy khiến bò sữa chết hàng loạt tại Lâm Đồng. Tính đến ngày 6/9, đã có 6.331 con bò bị bệnh, 470 con bò bị chết, gây thiệt hại nặng cho các hộ nuôi bò sữa tại địa phương.

• NGUYÊN NHÂN DO VẮC XIN

Theo các văn bản của Cục Thú y về việc nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, kết luận: “Nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vắc xin Navet-LpVac của Công ty Navetco; trong vắc xin Navet-LpVac của Công ty Navetco có BVDV type 2; kết quả giải trình tự gen của BVDV type 2 có trong mẫu bệnh phẩm và mẫu vắc xin Navet-LpVac có độ tương đồng 100% về nucleotide”.

Đến nay, Lâm Đồng đã huy động nguồn nhân lực phục vụ phòng, chống bệnh với trên 600 người, từ Trung trương (Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng V, VI, Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi bò sữa); lực lượng cán bộ của các sở, ngành thuộc tỉnh; thú y các huyện, thành phố; thú y cấp xã, lực lượng hỗ trợ tại chỗ của các xã; thú y của Công ty Navetco, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh đã đến từng hộ chăn nuôi hỗ trợ điều trị bò bệnh. Tiếp nhận hóa chất, vật tư, thuốc thú y của Bộ NN&PTNT, Công ty Navetco, Công ty sữa Dalatmilk, Vinamilk, Cô gái Hà Lan, VPmilk đảm bảo cung cấp đủ cho các hộ chăn nuôi điều trị bò bị bệnh hằng ngày.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp cách ly điều trị; vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, hộ chăn nuôi và khu vực xung quanh có bò bị bệnh, chết, buộc tiêu hủy. Thực hiện tiêu hủy bò bị chết đảm bảo vệ sinh môi trường. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch, giết mổ; không để xảy ra tình trạng giết mổ, vận chuyển bò bị bệnh ra khỏi địa bàn (xã, huyện, tỉnh). Thông báo, vận động, tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi, công ty chăn nuôi bò sữa trên địa bàn áp dụng các biện pháp phòng, điều trị theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh trên đàn bò; duy trì huy động lực lượng làm công tác thú y trực tiếp hỗ trợ người dân điều trị bò bị bệnh, theo dõi tình trạng đàn bò, tăng cường chăm sóc bò phục hồi; không để phát sinh thêm và lây lan bệnh. Huy động, hỗ trợ vật tư, thuốc thú y để điều trị bò bị bệnh, đảm bảo không để thiếu vật tư, thuốc trong quá trình điều trị bệnh.

Phối hợp với Công ty Navetco hoàn tất việc thu thập, thống kê, xác nhận danh sách, thông tin các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại để làm cơ sở xây dựng Phương án bồi thường thiệt hại và tổ chức họp, thỏa thuận Phương án với toàn bộ cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại tại địa phương.

 

 

Người dân tích cực chữa trị cho đàn bò bị bệnh

• XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN BỒI THƯỜNG

Ngay sau khi có kết luận của Cục Thú y, song song với việc tổ chức cứu chữa đàn bò, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco đã tổ chức các buổi làm việc để xác định trách nhiệm trong cung ứng vắc xin viêm da nổi cục Navet- LpVac của Công ty Navetco gây ảnh hưởng đến việc đàn bò phát bệnh tiêu chảy tại tỉnh Lâm Đồng (lần 1, ngày 15/8/2024 tại UBND huyện Đơn Dương; lần 2, ngày 19/8/2024 tại Sở NN&PTNT).

Lãnh đạo công ty Navetco đã xác nhận sự cố bò phát bệnh tiêu chảy, bò chết trên địa bàn Lâm Đồng là do tiêm vắc xin Navet-LpVac của Công ty Navetco cung cấp; Công ty Navetco cam kết thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người chăn nuôi.

Về tiến độ xây dựng dự thảo Phương án bồi thường thiệt hại: Ngày 15/8/2024, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện và Công ty Navetco để xây dựng dự thảo Phương án bồi thường thiệt hại trên đàn bò phát bệnh do tiêm vắc xin viêm da nổi cục Navet - LpVac tại tỉnh Lâm Đồng lần 1.

Ngày 30/8/2024, Sở NN&PTNT đã có văn bản số 2130/SNN-CNTYTS báo cáo đề xuất UBND tỉnh yêu cầu Công ty Navetco: phối hợp với các địa phương hoàn tất việc thu thập, thống kê, xác nhận danh sách, thông tin các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại, hoàn thành trước ngày 10/9/2024; tổ chức họp, thỏa thuận Phương án với toàn bộ cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại tại các địa phương, hoàn thành trước ngày 20/9/2024; sau khi hoàn thiện Phương án, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức chi trả bồi thường cho các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại ngay sau ngày 20/9/2024.

Tới ngày 04/9/2024, Vụ Tài chính - Bộ NN&PTNT đã ch

Chăn nuôi vịt biển thương phẩm: Đa dạng đối tượng nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Từ năm 2017 - 2018, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã triển khai 4 điểm mô hình nuôi vịt biển tại các xã Cát Chánh (Phù Cát), Hoài Mỹ (Hoài Nhơn), Phước Sơn (Tuy Phước) và phường Nhơn Bình (Quy Nhơn). Kết quả cho thấy, giống vịt biển 15 - Đại Xuyên thích nghi tốt với nhiều kiểu môi trường (nước ngọt, nước mặn, nước lợ) nên cho phép chọn nhiều vùng nuôi và phương thức chăn nuôi khác nhau. Nhằm hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tiếp tục khẳng định ưu thế của mô hình, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai mô hình “Chăn nuôi vịt biển thương phẩm gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 3.000 con vịt biển, tại hộ chăn nuôi Đoàn Ngọc Thống, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.

 

 

Do có khả năng thích ứng cao, đặc biệt tại các vùng nước lợ, nước mặn, vùng đầm, ven biển trước đây ta chưa khai thác nhiều, vịt biển là đối tượng nuôi giàu tiềm năng phát triển. Ảnh: THÀNH NGUYÊN

Anh Đoàn Ngọc Thống cho biết: Vịt biển phù hợp với nhiều cách nuôi khác nhau như nuôi trên cạn không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt... Vịt biển sinh trưởng và phát triển tốt khi thả ngoài đồng có thể tự kiếm ăn từ tự nhiên như ốc bươu vàng, cá nhỏ…, qua đó giúp tiết kiệm chi phí thức ăn đáng kể. So với giống vịt tại địa phương thì giống vịt biển tăng trọng nhanh và kháng bệnh cao hơn.

Kỹ sư Lê Cẩm Tiên, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: Điểm mới của mô hình lần này là hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ trong liên kết tiêu thụ, tạo đầu ra cho sản phẩm. Vịt biển có khả năng tự bắt mồi rất tốt trong điều kiện nuôi thả ngoài đồng, giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn đáng kể. Đặc biệt do có khả năng thích ứng cao, phát triển tốt tại các vùng nước lợ, nước mặn, vùng đầm, ven biển trước đây ta chưa khai thác nhiều, vịt biển là đối tượng nuôi giàu tiềm năng phát triển.

“Sau khi đánh giá kết quả triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông sẽ tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp tục thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để nhân rộng mô hình đến người dân trong tỉnh, giúp bà con chăn nuôi đa dạng hóa được đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định”, ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết.

THÀNH NGUYÊN

ủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Cục Thú y, Cục chăn nuôi, Cục An ninh kinh tế (Bộ công an) và Công ty Navetco họp bàn về xây dựng phương án bồi thường cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do tiêm do tiêm vắc xin Navet-LpVac tại tỉnh Lâm Đồng. Kết luận cuộc họp, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Công ty Navetco xây dựng phương án bồi thường thiệt hại phải dựa trên cơ sở pháp lý và khi tiến hành thực hiện phải đúng trình tự do luật định.

Hiện nay Công ty Navetco đang trình Phương án bồi thường để lãnh đạo Bộ NNN&PTNT xem xét, quyết định.

DIỄM THƯƠNG

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop