Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 01 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 01 năm 2023

 

Trồng cam canh kết hợp quất cảnh cho giá trị kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

 

“Trên cùng một diện tích đất, nhưng hiệu quả từ trồng cam canh và quất cảnh sẽ cho thu nhập cao hơn từ 3-5 lần so với trồng lúa hoặc các loại hoa màu truyền thống khác”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Duy Thanh ở thôn Yên Nhuế (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) sau nhiều năm mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng lúa sang cây ăn quả và cây cảnh.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2023 này, gia đình anh Nguyễn Duy Thanh bận bịu hơn với việc chăm bón vườn quất cảnh và cam canh để kịp phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh ngày Tết của người dân. Anh Thanh cho biết: “Vườn cam chủ yếu phục vụ Tết Nguyên đán nên từ đầu năm, gia đình thu hoạch rất ít quả. Năm nay thời tiết khá thuận lợi nên vườn cam canh sai quả, mã đẹp, mọng nước và ngọt. Các loại cây quất cảnh mi ni cũng được người tiêu dùng ưa thích mỗi dịp xuân về nên ngày nào cũng có tiểu thương và người dân đến tận nơi chọn mua”.

Trước đây gia đình anh Nguyễn Duy Thanh thu nhập chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô và những công việc phụ lúc nông nhàn. Năm 2015, sau một thời gian đi làm thêm ở Văn Giang (Hưng Yên), anh nhận thấy nhiều mô hình trồng cam đường canh, quất cảnh mi ni phát triển. Qua tìm hiểu thấy loại cây này hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên anh quyết định đầu tư vào hai loại cây chủ lực này. Năm 2016, anh thuê 4 ha đất nông nghiệp của bà con trong thôn, đầu tư trồng cam canh, quất cảnh chủ yếu phục vụ thị trường dịp Tết. Để tích lũy thêm kinh nghiệm, anh tìm về nhiều nơi có truyền thống trồng cam, quất cảnh như Tứ Liên (Hà Nội), Bắc Giang, Hưng Yên... học hỏi kỹ thuật của các nhà vườn. Nhờ sự nhạy bén, cần cù cũng như tuân thủ các biện pháp chăm sóc, các lứa cây trồng đều phát triển tốt, nhiều cây có thế đẹp, được khách hàng ưa chuộng. Đến nay vườn nhà anh trồng 1.000 cây quất phục vụ tết với giá trung bình 400.000 đến 800.000 đồng/cây; vườn cam canh cho thu từ 25-40kg/ gốc, giá bán từ 12 -15 nghìn đồng/kg.

 

 

Anh Nguyễn Duy Thanh hoàn thành công đoạn cuối cùng để chuẩn bị đưa quất cảnh lên chậu phục vụ thị trường Tết

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển vườn cam canh và trồng quất cảnh, anh Thanh cho biết: Nghề trồng cây quất cảnh đòi hỏi công chăm sóc tỉ mỉ, kéo dài suốt từ đầu năm đến cuối năm mới cho thu hoạch. Qua mỗi lần làm là một lần rút ra kinh nghiệm. Khi cây bị sâu bệnh, phát triển kém thì phải chăm riêng, rồi cách bón phân, phun thuốc, tưới nước cũng phải khoa học. Ngoài ra trong quá trình trồng quất tết, nên chú ý khi quất bắt đầu cho quả cỡ bằng đầu ngón tay thì phun thuốc phòng ngừa nấm để hạn chế quất bị nhiễm nấm gây bệnh, rụng trái. Khi trồng phải uốn nắn các cành cây từ khi còn non để làm sao tạo ra được những cây có thế lạ, dáng đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Việc chăm sóc cam đường canh cũng đòi hỏi kỹ thuật riêng. Để cam đạt hiệu quả cao, người, trồng cần chủ động nguồn nước tưới cho cam cũng như tiêu úng vào mùa mưa. Vườn cam phải được làm luống, đào rãnh chống úng, khoảng cách giữa các luống cần đảm bảo 2x2m. Nên sử dụng các loại phân hữu cơ (phân chuồng, phân gà) hoặc phân vi sinh để bón cho cây. Chu kỳ bón thường là 25-30 ngày bón một lần. Thời kỳ ra hoa và thời điểm sau đậu trái của cam cần phải được chăm sóc và bón phân nhiều hơn. Đặc biệt, vào mùa mưa, sâu bệnh xuất hiện nhiều nên phải biết cách phòng tránh, việc dọn cỏ cũng được làm thủ công chứ không phun hóa chất.

Hai năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường về các loại cây cảnh, cây ăn quả dịp tết Nguyên Đán, anh Thanh tiếp tục trồng thêm một số loại cây, hoa như bưởi diễn, ổi, hoa cúc và mộc hương. Nhờ chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, gia đình anh đã chủ động chăm bón, tìm cách để hoa quả cho thu hoạch bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán sẽ được giá hơn. Hiện nay, thu nhập bình quân từ cam canh, quất cảnh và các loại hoa quả khác, gia đình anh thu lãi từ 200- 300 triệu đồng/ năm.

Hàng năm vào dịp giáp Tết âm lịch, nhiều gia đình và thương lái ở nhiều nơi như Hà Nội, Lạng Sơn đến tận vườn thu mua. Vì thế mà sản phẩm của gia đình anh Nguyễn Huy Thanh không khó khăn trong việc tìm đầu ra. Để duy trì và mở rộng diện tích, anh Thanh mong muốn nhận được sự hỗ trợ của địa phương và các cấp, ngành trong sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời có đẩy mạnh liên kết với nhiều hộ gia đình trong thôn, xã thành lập các hợp tác xã trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGap, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

N. Hải

 

Bình Thuận: Huyện Hàm Thuận Nam dẫn đầu trong sản xuất thanh long VietGAP

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận

 

 

Hiện nay, huyện Hàm Thuận Nam có khoảng 13.699 ha thanh long, chiếm hơn 50% diện tích thanh long của cả tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian qua, huyện Hàm Thuận Nam luôn xác định cây thanh long là cây trồng lợi thế, chủ lực của địa phương, do đó UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian qua, chính cây thanh long đã làm thay đổi đời sống của các hộ dân, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, UBND huyện Hàm Thuận Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể và phát động cán bộ Đảng viên, Hội viên của các tổ chức đoàn thể gương mẫu đi đầu trong thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân trong quá trình sản xuất thanh long sạch.

Theo đó, chỉ trong 2 năm (2020 – 2022) huyện Hàm Thuận Nam đã cấp Giấy chứng nhận cho 1.360,5 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; cụ thể, năm 2020 cấp mới cho 254 ha thanh long VietGAP, năm 2021 cấp mới 773,2 ha, năm 2022 cấp mới 333,3 ha thanh long VietGAP. Lũy kế đến nay toàn huyện có khoảng 7.609 ha/5.600 hộ/235 tổ, nhóm, trang trại tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 55,5% diện tích thanh long hiện có trên địa bàn huyện.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, trong thời gian tới UBND huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực hưởng ứng và tham gia chương trình sản xuất thanh long VietGAP; chỉ đạo đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây thanh long. Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tăng cường khâu xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có năng lực tham gia vào chuỗi liên kết; mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm kiếm đối tác, quảng bá, tìm kiếm thêm nhà đầu tư để thực hiện liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong quá trình sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Nguyễn Phương

 

Bưởi da xanh VietGAP Hòa Lộc

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

 

Xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) có quốc lộ 60 đi qua thuận lợi cho việc vận chuyển hàng nông sản của người dân đi các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có bưởi da xanh (BDX). Mỗi khi đến dịp Tết cổ truyền của dân tộc, trái bưởi có nhiều cơ hội xuất đi ngoài tỉnh, trong đó có BDX VietGAP Hòa Lộc.

 

 

Anh Lê Văn Nhũ (bìa trái) ở ấp Hòa Hưng đang thu hoạch bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Xã Hòa Lộc là xã nông thôn mới, với 8/8 ấp. Người dân sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng trọt, trong đó có trồng BDX. Người trồng BDX ở xã Hòa Lộc tham gia hợp tác xã (HTX) từ năm 2018 theo Luật HTX năm 2012. HTX Hòa Lộc ban đầu có 100 xã viên, vốn điều lệ 100 triệu đồng. Năm 2019, HTX bắt đầu chăm sóc BDX theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, Hòa Lộc có 16,5ha BDX được chứng nhận sản phẩm sản xuất tại vườn phù hợp Quy trình thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam (TCVN 11892-1:2017) theo Quyết định số 2802/QĐ-BKHCN về việc Công bố tiêu chuẩn Quốc gia ngày 17-10-2017. Tổng sản lượng khoảng 200 tấn/năm. Ông Đinh Văn Ẩn - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Lộc cho biết: “Chúng tôi rất mừng là BDX của Hòa Lộc theo tiêu chuẩn VietGAP đã được chứng nhận. Niềm vui tiếp theo là được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cấp mã số vùng trồng (MSVT) xuất khẩu sang thị trường EU. Trong tháng cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, HTX Hòa Lộc đã bán khoảng 7 tấn trái”.

Ngày 9-6-2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông báo số 679/TB-TTBVTV về việc cấp MSVT BDX đối với HTX Hòa Lộc, với nội dung: Vùng trồng BDX của HTX Hòa Lộc đã đáp ứng quy định của tiêu chuẩn cơ sở về thiết lập và giám sát vùng trồng (TCCS 774:2020/BVTV) và được Cục BVTV cấp MSVT xuất khẩu sang thị trường EU. Đề nghị HTX Hòa Lộc có biện pháp quản lý tốt MSVT đã được cấp và tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV thực hiện việc duy trì giám sát vùng trồng trước mỗi vụ thu hoạch hàng năm. Đặc biệt, quản lý ruồi đục quả và giám sát dư lượng thuốc BVTV để đáp ứng quy định của EU.

8/8 ấp của xã Hòa Lộc đều có trồng BDX theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Lê Văn Nhũ, ở ấp Hòa Hưng cho hay: “Gia đình tôi chỉ có 5 công vườn dừa. Năm 2014, tôi chuyển sang trồng 250 cây BDX. Tôi chỉ bón phân chuồng hoai mục, chiếm 70% và 30% là phân vi sinh, không sử dụng phân, thuốc hóa học để cây bưởi sống lâu. Từ năm 2019, tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên tuyệt đối không sử dụng phân hóa học. Năng suất đạt ít nhất 2 tấn/công. Khi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trái bưởi được dán tem nhãn, giá bán cao hơn từ 5 - 7 ngàn đồng/kg. Bưởi đạt chuẩn VietGAP tạo niềm tin cho khách hàng. BDX VietGAP của tôi đa phần đạt loại 1, loại 2 vì tôi chọn lựa lúc trái còn nhỏ, đẹp thì để, xấu là bỏ ngay. Năm 2022, tôi thu về ít nhất 400 triệu đồng”.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lộc Nguyễn Văn Thắng phấn khởi: “Từ khi HTX Hòa Lộc đi vào hoạt động, chúng tôi rất quan tâm về chất lượng, nhất là nâng cao mức sống cho xã viên. Năm 2019, khi HTX vận động xã viên trồng BDX theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi rất mừng vì đây là cơ hội để BXD VietGAP Hòa Lộc xuất đi nước ngoài. Giờ này đã đạt yêu cầu xuất đi thị trường EU. Mô hình BDX VietGAP Hòa Lộc góp phần giữ vững thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay đạt 55 triệu đồng/năm”.

“Nhiều nông dân trồng BDX ở Hòa Lộc đã đi đúng hướng, nhất là tham gia tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, duy trì an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Ngày 17-10-2022, cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau ký kết chương trình xuất khẩu bưởi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Tôi tin rằng trong tương lai không xa, BDX VietGAP Hòa Lộc thường xuyên xuất sang Hoa Kỳ. Mô hình BDX VietGAP Hòa Lộc cần sớm được nhân rộng toàn huyện”. (Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền)

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

 

Lâm Đồng: Người dân Đạ Tẻh trồng hơn gần 200 hecta dưa hấu bán tết

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

 

Cũng như những năm trước, để cung ứng nguồn hàng cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người dân huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) đã xuống giống gần 200 hecta dưa hấu.

 

 

Người dân huyện Đạ Tẻh đang trồng gần 200 hecta dưa hấu để bán tết

Theo ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh: Vụ dưa hấu năm nay chủ yếu được trồng tại thị trấn Đạ Tẻh và các xã An Nhơn, Quốc Oai, Đạ Kho. Riêng thị trấn Đạ Tẻh có diện tích dưa hấu lớn nhất huyện với hơn 100 hecta.

Qua khảo sát cho thấy, ngoài các giống dưa hấu thuần chủng thế mạnh như giống dưa tròn to, dưa hấu Hắc mĩ nhân thì nhiều người dân Đạ Tẻh còn đầu tư trồng giống dưa hấu ruột đỏ không hạt để bán tết. Đến hiện tại, hầu hết các diện tích dưa hấu trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đều phát triển tốt. Người dân địa phương đã tập trung lựa chọn những trái dưa hấu đảm bảo về kích thước, chất lượng để chăm sóc kịp thu hoạch bán tết.

Trung bình, mỗi sào dưa hấu trồng bán tết được người dân đầu tư từ 3,5 – 4 triệu đồng và sản lượng thu hoạt đạt từ 4 – 4,5 tấn.

Được biết, trong vụ dưa hấu Tết Nhâm Dần 2022, dưa hấu được thương lái thu mua tại chân ruộng với giá từ 8 – 10 ngàn đồng/kg.

KHÁNH PHÚC

 

Giá xuất khẩu hạt tiêu năm 2022 tăng gần 19%

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Theo ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 226.000 tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 4.257 USD/tấn, tăng 18,5% so với năm 2021.

 

 

Xuất khẩu hạt tiêu tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021 - Ảnh minh họa

Năm 2022, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu toàn cầu giảm do lạm phát tăng cao và chính sách "Zezo COVID" của Trung Quốc. Mặc dù vậy, giá hạt tiêu năm 2022 cao hơn so với năm 2021 dẫn đến trị giá nhập khẩu từ nhiều thị trường tăng.

Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, các thị trường Đức, Anh, Pháp nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam tăng lần lượt 19,8%, 59,5% và 31,5%, đạt trên 53 triệu USD, 32,68 triệu USD và 23,34 triệu USD. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của các thị trường Đức, Anh, Pháp ở mức cao, lần lượt là 45,52%, 54,14% và 40,39% trong 10 tháng năm 2022.

Dự báo trong ngắn hạn, nhập khẩu hạt tiêu của các thị trường Đức, Anh, Pháp sẽ duy trì ở mức thấp. Châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng khiến lạm phát tăng cao, kinh tế suy giảm. Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại châu Âu sẽ tăng trở lại khi các vấn đề về năng lượng, lạm phát được giải quyết, điều này sẽ tác động tích cực lên ngành hạt tiêu Việt Nam. Các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA); Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ giúp ngành tiêu Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước chưa có hiệp định. Để khai thác tốt thị trường tiềm năng lớn này, ngành tiêu Việt Nam cần xây dựng và phát triển các vùng sản xuất, tuân thủ các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hạt tiêu, nhằm tạo ra sản phẩm hạt tiêu đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu.

Riêng về thị trường Trung Quốc, theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 10 tháng năm 2022, trị giá nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 11,6 triệu USD, giảm 20,2%. Mặc dù vậy, thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 32,11% trong tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022, cao hơn so với thị phần 31,76% cùng kỳ năm 2021.

Dự báo năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp. Nhu cầu hạt tiêu sẽ giảm mạnh vào quý I/2023 với mùa Đông rất khó khăn ở khu vực EU, do cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc chưa thể bứt phá mạnh, mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách "Zero Covid". Dự kiến phải đến đầu quý II/2023, sức mua của thị trường Trung Quốc mới có thể tăng trở lại.

Đỗ Hương

 

Canh tác lúa thân thiện với môi trường

Nguồn tin: Báo Long An

 

Đây là mục tiêu mà Hội Nông dân (HND) Việt Nam tỉnh Long An đang hướng đến, giúp ND thay đổi tập quán sản xuất, vừa tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác, vừa góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

 

Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường được nhiều nông dân hưởng ứng

Trước đây, ông Ngô Văn Thiện (ấp 2, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa) nghĩ việc sản xuất lúa theo hướng sạch, thân thiện với môi trường rất khó áp dụng. Sau khi tham gia Dự án Tuyên truyền, vận động ND áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam (Dự án) được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Mỹ An, ông nhận thấy việc canh tác lúa thân thiện với môi trường rất dễ làm, chi phí sản xuất thấp, năng suất và lợi nhuận tăng trên cùng một diện tích. Khi được HND Việt Nam tỉnh chọn làm điểm 5.000m2 thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường, qua so sánh với mô hình đối chứng, chi phí sản xuất giảm gần 1,5 triệu đồng từ việc giảm phân, thuốc, giống, nhân công lao động,...

Ông Thiện cho biết: “Không riêng tôi mà những ND tham gia Dự án đều thấy mô hình rất dễ làm. Vì vậy, tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiệp của gia đình sang canh tác lúa thân thiện với môi trường".

Hiện nay, Dự án được thực hiện ở 4 địa phương trong tỉnh, gồm: Xã Mỹ Phú, Mỹ An (huyện Thủ Thừa); xã Thuận Nghĩa Hòa, Thủy Đông, (huyện Thạnh Hóa). Thời gian thực hiện từ tháng 7/2021 đến 6/2023, nguồn kinh phí từ Ban Quản lý dự án Trung ương. Khi tham gia Dự án, nông dân được kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn về các kỹ thuật như xử lý đất; tưới khô xen kẽ; xử lý rơm, rạ; quy trình bón phân; đồng thời, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - kỹ thuật;...

Ông Nguyễn Thanh Tùng (kỹ sư nông nghiệp, chuyên gia của Dự án) chia sẻ: “Nhiều ND vẫn còn quan niệm sản xuất lúa phải đạt năng suất thật cao mà không chú trọng đến chất lượng. Điều này làm cho nông sản sau khi thu hoạch tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều. Ngoài ra, ND còn canh tác lúa dựa vào kinh nghiệm mà không thay đổi tập quán sản xuất như cứ thấy sâu, rầy là phun thuốc, chưa biết cách dùng thiên địch phòng trừ côn trùng gây hại,... Do đó, việc triển khai, thực hiện Dự án là giải pháp hiệu quả để thay đổi quan niệm sản xuất của ND”.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, ND phải thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Phó Chủ tịch HND Việt Nam tỉnh - Trần Quốc Quân cho biết: “Sản xuất sạch, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tin rằng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, Dự án sẽ ngày càng được lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của ND”./.

Lê Ngọc

 

Nấm mối đen - nhiều tiềm năng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Mô hình trồng nấm mối đen mang lại thu nhập khá cao.

Được trồng trong môi trường hoàn toàn khép kín, sử dụng hệ thống làm mát tự động, mô hình trồng nấm mối đen ở xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã mang lại hiệu quả kinh tế, nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Là loại nấm có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, tại TX Bình Minh, mô hình trồng nấm mối đen đầu tiên mang lại hiệu quả tích cực.

Ông Nguyễn Văn Phương - chủ trại nấm mối đen Bình Minh (ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa) chia sẻ: “Trước đây tôi trồng nấm rơm nhưng thu nhập không cao. Nhờ được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nên tôi mạnh dạn đầu tư vào nhà nấm trồng nấm mối đen”.

Theo ông Phương, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nấm mối đen trên thị trường rất lớn, vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, ông đã chọn sản xuất theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm nấm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nấm mối đen hoàn toàn sạch, không sử dụng phân, thuốc hóa học, lại có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe như: canxi, photpho, sắt, protein, các loại vitamin và khoáng chất khác,... nên giá bán khá cao và luôn giữ ổn định từ 200.000 - 350.000 đ/kg.

“Khó nhất là khâu canh nấm để thu hoạch vì chỉ cần trễ một lúc thôi là nấm bung dù, giảm giá trị. Do đó, phải canh thu hoạch đúng thời điểm để nấm đạt chất lượng tốt nhất, bán được giá nhất. Trung bình mỗi ngày 1.000 phôi nấm cho sản lượng từ 2 - 2,3kg nấm.

Với 10.000 phôi nấm tôi cũng rải ra, thu hoạch từ từ để không bị động khi thu hoạch và dễ tiêu thụ hơn” - ông Phương chia sẻ.

Là 1 trong 5 bạn trẻ lên ý tưởng trồng nấm mối đen, Nguyễn Tuấn Anh - hỗ trợ kỹ thuật cho trại nấm mối đen Bình Minh, chia sẻ: Cả nhóm dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm tòi trên mạng internet về kỹ thuật nuôi phôi, trồng nấm mối đen và đi tham quan một số mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao và nhận thấy điều kiện khí hậu ở Vĩnh Long thích hợp trồng nấm, nên ấp ủ ý tưởng và bàn bạc với nhau để cùng nhau thực hiện.

Theo Tuấn Anh, nấm mối đen được trồng bằng cách ươm tạo sợi hoặc phôi, hình thành từ các nguyên liệu hữu cơ như gạo, mùn cưa, rơm rạ, cám bắp...

Tuy là nấm trồng, nhưng do áp dụng công nghệ hiện đại kết hợp với nguyên liệu hữu cơ nên nấm mối đen vẫn giữ được vị ngon đặc trưng và giá trị dinh dưỡng tương đương nấm mối tự nhiên.

Nấm mối đen khi trưởng thành sẽ đạt kích thước khá lớn, cao khoảng 10 - 15cm và đường kính thân khoảng 1 - 3cm. Mũ nấm không xòe rộng như những loại nấm khác và nhỏ hơn. Loại nấm mối này có lớp ngoài màu đen nhưng thịt trắng và ăn rất ngọt thơm.

Tuy nhiên, nấm mối đen rất nhạy cảm với thời tiết nên để nấm phát triển tốt, trồng được quanh năm, cần phải đầu tư thiết bị, nhà xưởng và nắm rõ kỹ thuật trước khi trồng.

Chu kỳ trồng nấm theo phương pháp hữu cơ mất khoảng 4 tháng, đòi hỏi kỹ thuật khắt khe từ khâu xử lý phôi nấm đến nuôi trồng phải đảm bảo sạch hoàn toàn.

Sau khi thu hoạch, cần tiếp tục xử lý môi trường cho đợt trồng tiếp theo. Mô hình trồng nấm này sử dụng công nghệ thông minh, cảm biến để đo nhiệt độ và độ ẩm, từ đó có thể kiểm soát được môi trường sống cho cây nấm phát triển thuận lợi.

Để hạ giá thành sản phẩm, nhóm cũng đã tìm tòi, tự nghiên cứu thiết bị đầu tư, do đó, tính cạnh tranh sản phẩm cao hơn các trại nấm khác.

Hiện trại nấm có 10.000 phôi nấm với diện tích 120m2. Tuấn Anh cho hay, nấm mối đen trồng từ 3 tuần đến 1 tháng là cho ra nấm. Ban đầu thực hiện, nấm cũng bị mốc xanh nhưng dần dần nghiên cứu và khắc phục. Đến nay trại nấm cho ra thành phẩm tốt, chất lượng và đồng đều sản lượng.

Sản phẩm nấm mối qua công đoạn sơ chế, đóng gói để cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tùy theo chất lượng nấm mà phân loại 1, loại 2, loại 3 hay nấm mini để phục vụ theo nhu cầu của khách hàng.

Ông Phương chia sẻ: “Tôi nhận thấy tiềm năng phát triển sản phẩm này rất cao vì lúc nào cũng cung không đủ cầu. Dịp Tết này tôi cũng chuẩn bị trồng thêm phôi nấm để phục vụ thị trường”.

Mô hình trồng nấm mối đen của ông Phương còn tạo việc làm cho một số lao động nữ có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.

Đang gọt nấm, bà Nguyễn Thị Tư cho hay: “ Nhờ có trại nấm mà tôi có thêm công việc lúc nhàn rỗi, kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt gia đình”.

Có thể thấy, việc triển khai mô hình trồng nấm mối đen theo hướng hữu cơ góp phần cung cấp sản phẩm mới có giá trị, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đây được xem là mô hình tiềm năng có thể nhân rộng cho bà con nông dân trong thời gian tới. Do đó, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm dịch vụ tư vấn nhà trồng cho các hộ dân muốn đầu tư, mở rộng diện tích trồng và thu mua nấm từ các hộ dân để tiêu thụ” - Tuấn Anh chia sẻ.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHAN

 

Tuyên Quang: Nông dân Sơn Dương trúng vụ rau Tết

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

 

Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nông dân trồng rau trên địa bàn huyện Sơn Dương vô cùng phấn khởi. Năm nay rau không những dễ bán mà lại được giá cao, bà con nông dân hy vọng cải thiện thu nhập để đón cái Tết đủ đầy.

 

 

Những ngày cuối năm nông dân trồng rau tại xã Thiện Kế (Sơn Dương) đang tất bật chuẩn bị cho vụ rau Tết.

Mặc cho thời tiết rét buốt, nông dân tại xã Thiện Kế vẫn đổ ra đồng thu hoạch rau bán cho lái buôn. Mấy chục năm trồng rau, chưa khi nào ông Đỗ Viết Tài, thôn Vạt Chanh lại thấy rau dễ bán và được giá như năm nay. Do chủ quan và cũng lo sợ mất giá như năm trước nên vụ này gia đình ông chỉ trồng 2 sào rau. Dù rau chưa đến tuổi thu hoạch mà lái buôn đã vào tận ruộng trực chờ đòi mua.

Ông Tài cho biết, vụ này ông trồng rau súp lơ, bắp cải, hành, xà lách, cần tây, cải cúc. Hiện, giá rau bắp cải là 8.000-15.000 đồng/kg, xà lách 30.000 đồng/kg, hành, tỏi giá 25.000-30.000 đồng/kg... Năm nay, rau thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó, tính trung bình mỗi tháng từ bán rau, ông Tài thu lãi hơn 6 triệu đồng.

Cách đó không xa là vườn rau hơn 1 sào của bà Khổng Thị Bích, thôn Vạt Chanh. Vụ Tết này bà Bích trồng các loại rau bắp cải, súp lơ, su hào, xà lách, cà chua, hành, tỏi, rau thơm. Năm nay, do nguồn hàng khan hiếm nên giá rau tăng cao, những ngày cuối năm rau lại dễ bán, nông dân rất vui mừng.

Bà Bích chia sẻ, Tết năm ngoái, cứ 5 giờ sáng là phải dậy cắt rau rồi chở tới chợ bán, giá rẻ như cho. Nhiều lúc còn bị chê lên, chê xuống, rau xấu, rau dở. Nhưng vụ rau Tết năm nay, thì chính thương lái phải xuống ruộng rau để cùng nông dân thu hoạch vì sợ người khác tới lấy hàng. Giá các loại rau cũng cao hơn năm trước từ 2.000-6.000 đồng/kg (tùy loại rau). Nếu thời tiết từ đây đến Tết thuận lợi, giá rau không bị giảm thì vụ rau Tết này, bà Bích dự kiến thu lãi 15 triệu đồng.

Người dân trồng rau ở xã Đại Phú cũng không ngoại lệ. Bà con ở đây cũng có 1 cái Tết no đủ nhờ “hầu bao” ai cũng rủng rỉnh tiền bán rau. Đang tất bật cắt súp lơ bán cho lái buôn, ông Nguyễn Quốc Tụng, thôn Tứ Thể, xã Đại Phú cho biết, năm nay, giá cả các loại rau so với năm trước có phần cao hơn. Vụ Tết năm trước bắp cải, súp lơ, su hào có giá 4.000 - 7.000 đồng/kg, bây giờ các loại rau này có giá bán tại ruộng là 7.000 - 12.000 đồng/kg.

“Vụ này nhà tôi trồng 4 sào rau, chủ yếu là su hào, súp lơ, bắp cải, dưa chuột, phần lớn đều chưa đến tuổi bán nhưng tôi vẫn huy động người ra cắt bán cho thương lái để được giá. Hiện, giá rau súp lơ là 10.000 - 12.000 đồng/cây (khoảng gần 0,7 - 1kg), su hào 7.000 - 8.000 đồng/củ (tương đương với 0,5 đến 0,6kg)... tính ra vụ rau này sau khi trừ mọi chi phí tôi cũng lãi khoảng 40 triệu đồng” - ông Tụng khoe.

Cũng theo ông Tụng, nhiều loại rau, củ, quả như cải, dưa chuột, cà chua, đỗ, khoai tây, rau thơm... hiện giá đẩy lên khá cao nhưng bà con cũng không có để bán. Nguyên nhân chính khiến giá rau tăng đột biến được lý giải là do thời tiết năm nay mưa rét thất thường, khiến cho nhiều ruộng rau của bà con bị hỏng và bị trượt Tết. Ngoài ra, do vụ rau năm trước được mùa nhưng mất giá nên vụ đông năm nay bà con chán trồng, khiến sản lượng cung cấp cho thị trường giảm mạnh, đẩy giá tăng nhanh chóng.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết, mỗi năm, ngành nông nghiệp huyện luôn khuyến khích các hộ dân trồng rau màu vụ đông. Vụ đông này, diện tích rau toàn huyện gieo trồng đạt hơn 1.200 ha, trong đó, vụ rau Tết chiếm trên 70% diện tích. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, nhiều diện tích rau của bà con bị hư hỏng khiến sản lượng rau cung cấp cho thị trường giảm. Hiện, giá các loại rau màu đang tăng, giúp cho nông dân trồng màu vụ Tết thêm phấn khởi. Để thị trường tiêu thụ đảm bảo, giá cả ổn định, ngành nông nghiệp khuyến cáo đến bà con nông dân không nên trồng tập trung một loại màu, đa dạng trong các loại nông sản phục vụ Tết. Cùng đó là cần tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc sinh học, vừa giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng và thị trường đón nhận nhiều hơn.

Bài, ảnh: Lý Thu

 

Hậu Giang: Mưa trái mùa gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang

 

Mấy ngày vừa qua, những cơn mưa trái mùa nặng hạt xuất hiện liên tục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là những mặt hàng phục vụ thị trường tết sắp đến.

 

 

Người trồng hoa tết trong tỉnh đang mong mỏi được sự ủng hộ của thời tiết để có một mùa hoa tết đạt chất lượng.

Nỗi lo người trồng dưa hấu

Vào thời điểm này, nhiều ruộng dưa hấu của người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang chuẩn bị vào đợt thu hoạch trái để giao cho thương lái đem đi tiêu thụ tại các chợ tết trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, thay vì không khí rộn ràng của ngày thu hoạch dưa hấu tết hay sự nôn nao khi rẫy dưa sắp tới ngày cắt trái thì bà con lại đang tỏ ra rất lo lắng vì những trận mưa dầm nặng hạt xuất hiện ở diện rộng trên địa bàn tỉnh trong những ngày vừa qua. Bởi theo chia sẻ của nông dân trồng dưa hấu thì khi dưa chuẩn bị thu hoạch mà gặp ngay thời tiết từ nắng chuyển sang mưa đột ngột thì rất dễ làm cho dưa bị nứt trái, từ đó gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.

 

 

Nhiều nông dân đang thu hoạch dưa hấu tết trên địa bàn tỉnh cảm thấy tiếc nuối vì trái dưa bị nứt do mưa trái mùa nên không được thương lái cân.

Ông Võ Văn Năng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất dưa hấu đạt chuẩn VietGAP ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thông tin: “Hiện toàn HTX có 11ha dưa hấu phục vụ nhu cầu thị trường tết sắp đến, với 4 loại giống dưa, gồm: mặt trời đỏ, lộc phát, ruột vàng và superman. Theo hợp đồng với công ty thì bà con trong HTX sẽ bắt đầu thu hoạch dưa từ ngày 19 đến 27 âm lịch. Do đó, hiện đã có một số diện tích đang được nông dân cắt trái. Tuy nhiên, điều chưa từng xảy ra sau nhiều năm trồng dưa hấu là thời tiết trong các ngày vừa qua tại đây có mưa khá lớn nên bước đầu những ruộng dưa đang thu hoạch đã có trường hợp bị nứt trái khá nhiều. Riêng những ruộng dưa thu hoạch sau ít ngày thì số lượng dưa bị nứt trái có thể nhiều hơn. Vì vậy, tuy bà con đang rất nóng lòng thu hoạch dưa càng sớm càng tốt nhằm giảm thiệt hại nhưng còn phụ thuộc vào công ty và phải đợi đến ngày theo thỏa thuận. Hiện mỗi ngày, công ty chỉ thu mua từ 2-6 tấn dưa để đem đi tiêu thụ, nhưng số lượng sẽ tăng vào những ngày tới”.

Cũng theo ông Năng, năm nay do nước lũ ngập sâu và kéo dài nên đất đai màu mỡ, mầm bệnh trong đất cũng ít hơn, cộng thêm thời tiết thuận lợi nên hầu hết các ruộng dưa của bà con đều trúng mùa. Theo đánh giá sơ bộ thì năng suất vụ dưa tết năm nay đạt từ 3-3,5 tấn trái/công (một công 1.300m2), thậm chí có hộ có thể đạt năng suất đến 4 tấn trái/công, tăng khoảng 500kg/công so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, bình quân giá dưa hấu tết năm nay cũng cao hơn so với cùng kỳ khoảng 3.000 đồng/kg và đang dao động ở mức từ 13.000-16.000 đồng/kg (tùy loại). Từ hai yếu tố trên thì bà con trồng dưa hấu tết đạt chuẩn VietGAP ở xã Vĩnh Thuận Tây cứ ngỡ năm nay sẽ được ăn tết lớn vì dưa trúng mùa, trúng giá. Thế nhưng, từ niềm vui và kỳ vọng thì nay lại trở thành nỗi lo cho bà con vì những trận mưa như trút nước trong những ngày vừa qua.

Với vẻ mặt đầy âu lo cho 1,6ha dưa hấu của gia đình sắp đến ngày thu hoạch, ông Võ Hoàng Lâm, thành viên HTX sản xuất dưa hấu đạt chuẩn VietGAP ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Ngày 23 âm lịch mới đến lượt gia đình tôi thu hoạch dưa để giao cho công ty. Dù mới mưa xong hôm trước, sang hôm sau có hộ thu hoạch dưa ngay mà vẫn có không ít trái dưa bị nứt phải bỏ lại nên đến khi tôi thu hoạch thì tỷ lệ dưa bị nứt trái làm hao hụt khoảng 5% sản lượng là ít. Trọng lượng các trái dưa trên đồng đạt từ 4-6 kg/trái nên chỉ cần một trái dưa bị nứt là nông dân mất thấp nhất 50.000 đồng; từ đó bà con đang ăn ngủ không yên cho ruộng dưa hấu của gia đình mình”.

Hiện nay, tuy chưa có số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh nhưng không riêng gì tại HTX sản xuất dưa hấu đạt chuẩn VietGAP ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, mà qua ghi nhận từ ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh thì hầu hết những ruộng dưa hấu tết đang và chuẩn bị thu hoạch đều có tình trạng bị nứt trái do mưa dầm và tỷ lệ nứt trái sẽ ngày càng nhiều nếu bà con kéo dài thời gian thu hoạch; từ đó làm giảm năng suất và thiệt hại cho nông dân là chuyện khó tránh khỏi.

Tất bật bảo vệ hoa tết

Không chỉ có dưa hấu mà nông dân trồng hoa phục vụ thị trường tết cũng đang có tâm trạng đầy lo lắng vì những cơn mưa trái mùa vừa qua. Bởi, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Lúc này, nông dân trồng hoa, kiểng tết chuẩn bị đưa “thành phẩm” rời vườn ra các lô, sạp và cung ứng cho các đơn đặt hàng số lượng lớn. Bên cạnh tâm lý phấn khởi vì sức tiêu thụ mạnh, mấy ngày qua, nông dân bất ngờ phải đối mặt với những cơn mưa nặng hạt kéo dài.

Bà Lê Thị Út, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, than phiền: “Thời tiết năm nay dị thường thật. Liên tục có mưa trái mùa lúc cận tết. Người trồng hoa gặp mưa trái mùa là sợ lắm, nhất là thời điểm này vạn thọ bắt đầu nở nụ, gặp mưa to, bông nặng, xử lý không khéo sẽ dễ hư hại. Đầu vụ lo chi phí tăng, cuối mùa lại canh cánh nỗi lo thời tiết sẽ ảnh hưởng sản lượng”.

Mưa to, cường độ mạnh sẽ làm tăng nguy cơ hư, ngập úng, gãy thân và cổ hoa. Trước tình hình thời tiết bất lợi, nhiều nhà vườn sớm chủ động máy móc bơm tát, tốn công kê cao chậu khỏi mặt đất để không bị úng nước, ảnh hưởng chất lượng và phát sinh thêm chi phí xử lý.

Bà Phùng Thị Thu, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Mưa nhiều trong mấy ngày qua là nguy cơ khiến hoa dễ sinh bệnh, nhất là đối với cây mai và các loại hoa nở như cúc mâm xôi, vạn thọ… Dù cận kề ngày thu hoạch, nhưng để đảm bảo chất lượng hoa, mấy ngày nay tôi chủ động kê cao chậu hoa lên khỏi mặt đất, làm cho thoáng gốc. Đào thêm mấy đường rãnh giữa các luống hoa để nước thoát nhanh. Đồng thời có kỹ thuật xử lý phù hợp để cây cứng cáp, tăng sức chống chịu.

Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, dịp Tết Nguyên Đán 2023 này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gieo trồng trên 840.000 chậu hoa các loại, tăng hơn 59% so với cùng kỳ. Những loại phổ biến được gieo trồng phục vụ tết gồm vạn thọ, trên 650.000 chậu; cúc các loại có trên 67.000 chậu; mai vàng hơn 22.900 chậu; hoa giấy gần 4.000 chậu… Ngoài ra còn có trên 83.500 chậu hoa các loại phổ biến như păng xê, hướng dương, ớt kiểng… phân bổ tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Theo nhiều nhà vườn thì các sản phẩm hoa, kiểng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán năm nay có sản lượng tăng, và đa dạng về mẫu mã, nhiều phân khúc về giá cả, đảm bảo phục vụ thị trường từ bình dân đến cao cấp. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng truyền thống như cúc mâm xôi, vạn thọ, cát tường, hướng dương... Mong mỏi lớn nhất của người trồng hoa tết và tiểu thương lúc này là được sự ủng hộ của thời tiết để có một mùa hoa tết đạt năng suất, chất lượng, lợi nhuận cao.

Bài, ảnh: H.PHƯỚC - NGỌC ANH

 

Thu nhập ổn định từ nuôi dê

Nguồn tin: Báo Long An

 

Hiện nay, mô hình nuôi dê trên địa bàn tỉnh Long An khá phát triển, giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định.

 

 

Dê là loại dễ nuôi, sức đề kháng tốt

Anh Hồ Văn Tiến (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) có 8 năm kinh nghiệm nuôi dê. Buổi sáng, anh thả dê ra đồng ăn cây cỏ, chiều về cho ăn thức ăn công nghiệp. Nhờ vậy, anh tiết kiệm được chi phí, tăng lợi nhuận. Hiện anh nuôi dê sinh sản và dê thịt. Dê khoảng 7 tháng tuổi, trọng lượng từ 25-30kg là có thể xuất bán. Trung bình, anh cung cấp cho thị trường 60 con dê thịt, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.

Dê ăn được rất nhiều loại lá cây và cỏ nên việc tìm nguồn thức ăn cho dê khá dễ dàng, nhất là đối với vùng nông nghiệp Đồng Tháp Mười. Anh Tiến cho biết: “Trước đây, gia đình trồng lúa nhưng thường xuyên gặp tình trạng "được mùa, mất giá", cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi quyết định nuôi dê theo hình thức bán chăn thả. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc và trị bệnh cho đàn dê. Nhờ tìm tòi, học hỏi trên các trang mạng, sách, báo, đến nay, đàn dê phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho gia đình”.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Thủy (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) nuôi heo nhưng bị dịch tả heo châu Phi, phải tiêu hủy cả đàn. Tận dụng chuồng trại sẵn có, bà chuyển sang nuôi dê. Bà mua 7 con dê giống, sau thời gian tích cực chăm sóc và nhân giống, đàn dê tăng lên 60 con. Hiện bà cung cấp cho thị trường trên 70 con dê thịt/năm, giá bán từ 90.000-120.000 đồng/kg, trung bình mỗi con từ 25-30kg. Ngoài bán dê thịt, bà Thủy còn bán dê giống, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Bà Thủy chia sẻ: “Nuôi dê không tốn nhiều diện tích, phù hợp với người lớn tuổi. Đặc biệt, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, mô hình nuôi dê cho thu nhập ổn định hơn so với những loại vật nuôi khác, bởi nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ, lá, rau,... cám chỉ là thức ăn dặm. Nhờ nuôi dê mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn”.

Nhã Lam

 

Tăng cường kiểm soát vận chuyển trâu, bò qua biên giới

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

 

Ngày 27.12.2022, UBND tỉnh Tây Ninh có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát buôn bán, vận chuyện trái phép trâu, bò sản phẩm từ trâu, bò vào Việt Nam.

 

 

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh và các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm soát vận chuyển trâu, bò qua biên giới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác thanh, kiểm tra về tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới. Kiên quyết xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm theo quy định.

Đồng thời, triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh động vật, sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu trái phép vào địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường và các ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tình trạng buôn bán, vận chuyển trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò; sử dụng chất cấm trên trâu, bò.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về buôn bán, vận chuyển trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò và các quy định về xử lý vi phạm các trường hợp vận chuyển trái phép trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò qua biên giới, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò sản phẩm từ trâu, bò; bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò; sản phẩm từ trâu, bò trái phép vào Việt Nam.

Các huyện, thị xã, thành phố tập trung quản lý chặt chẽ các cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò trên địa bàn quản lý. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò trái phép trên địa bàn quản lý.

Minh Dương

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop