Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 05 năm 2022

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 05 năm 2022

 

 

Trồng thử nghiệm thành công nhiều giống nho không hạt cho hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Thời gian qua, các nhà khoa học và một số nông dân trong tỉnh Ninh Thuận đã trồng thử nghiệm thành công nhiều giống nho không hạt với những ưu điểm nổi bật về khả năng sinh trưởng, phát triển và chất lượng quả, góp phần đa dạng hóa và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nho ăn tươi chất lượng cao của tỉnh trên thị trường.

Tiến sĩ Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết đơn vị đã chọn tạo, trồng thử nghiệm thành công hai giống nho không hạt NH04-128 và NH04-61. Hai giống nho mới này được trồng theo mô hình giàn nho chữ Y trong nhà màng có mái che và lưới chắn côn trùng. Sau thời gian trồng thử nghiệm, cây sinh trưởng tốt, dễ ra hoa đậu quả, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Chùm quả tương đối lớn, có hương thơm đặc trưng, độ ngọt brix trên 16%. Mỗi năm sản xuất được 2-3 vụ, năng suất thu hoạch đạt từ 1,2-1,8 tấn/sào/vụ. Theo Tiến sĩ Mai Văn Hào, việc nghiên cứu chọn tạo, phát triển sản xuất thành công hai giống nho ăn tươi không hạt NH04-128 và NH04-61 có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học. Đây là cơ sở để đưa giống nho mới vào sản xuất giúp người dân có giống nho tốt để trồng, lựa chọn thay thế một số giống nho cũ đang bị thoái hóa. Hiện nay, Viện đang hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác và hồ sơ để trình các cấp, ngành và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để công bố giống lưu hành cho hai giống nho này. Đồng thời, giới thiệu, chuyển giao và nhân rộng mô hình trồng giống nho không hạt NH04-61 và NH04-128 ra sản xuất.

 

 

Tại xã Phước Thuận (Ninh Phước), anh Tống Minh Hoàng, Chủ Nông trại Hoàng Yến cũng đang trồng thử nghiệm nhiều giống nho mới, không hạt. Trong đó, giống nho Hạ đen đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hoàng cho biết, giống nho Hạ đen thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội như quả to tròn, trái chín có màu đen rất bắt mắt, ăn giòn, độ ngọt cao, vị thanh mát và đặc biệt là không có hạt. Giống nho này cũng khá dễ trồng, sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh và nhờ vỏ quả dai và dày nên cũng ít bị hư hại do mưa, qua đó, giúp người trồng giảm đáng kể công chăm sóc và lượng phân thuốc trong quá trình canh tác so với các giống nho truyền thống khác.

Qua gần 3 năm, vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay, vườn nho Hạ đen được trồng theo phương pháp hữu cơ của anh Hoàng đã cho thu hoạch được 4 vụ với năng suất trung bình từ 1,5-2 tấn/sào. Tính ra, mỗi năm, 1 sào nho Hạ đen của anh Hoàng cho thu hoạch 2 vụ với gần 4 tấn quả, nhân theo giá trị trường từ 130.000-170.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh Hoàng thu lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Hiện nay, ngoài Hạ đen, anh Hoàng đang trồng thử nghiệm thêm 2 loại nho không hạt có xuất xứ nước ngoài khác là nho Ngón tay đen và nho Mẫu đơn, góp phần làm đa dạng các sản phẩm nho ăn tươi chất lượng cao của tỉnh.

Minh Thương

 

Tập trung bao quả trên cây bưởi

Nguồn tin: Cổng TTĐT Sở NNPTNT Hà Tĩnh

Thời điểm này, người dân huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) đang tiến hành bao quả bưởi. việc bao quả sẽ tránh được sự gây hại của côn trùng và hiện tượng rám nắng trên vỏ quả, giúp quả bưởi có được màu sắc, mẫu mã đẹp và đảm bảo năng suất, chất lượng.

 

 

Người dân trồng bưởi huyện Hương Khê đang tiến hành bao quả

Sau khi phòng trừ sâu bệnh giai đoạn quả non, thời gian này, ông Lê Văn Dũng ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê tập trung tỉa cành già, cành khô, cắt bỏ quả bị méo, quả bị sâu bệnh và triển khai việc bao quả cho vườn bưởi của gia đình.

Ông Lê Văn Dũng chia sẻ: “Vườn bưởi gia đình tôi có 50 gốc đều đã cho quả. Cũng như những năm trước, theo kinh nghiệm cứ vào dịp đầu tháng 5, chúng tôi tiến hành bao quả để trước khi bước vào thời điểm nắng nóng gay gắt của tháng 6, tháng 7 là bưởi không bị rám nắng và tránh được tình trạng côn trùng gây hại, như vậy sẽ đảm bảo được mẫu mã cũng như chất lượng và khi bán sẽ được giá hơn”.

Đến thời điểm này, cây bưởi đang trong thời kỳ nuôi dưỡng quả non. Đây là thời điểm cây bưởi rất mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết nắng lên các đối tượng bệnh hại như: sâu đục quả, rệp, bọ xít, ruồi vàng, nhện sẽ xuất hiện nhiều. Đây là nguyên nhân chính gây thối quả và rụng quả. Để đẩy nhanh tiến độ bao quả bưởi đúng thời vụ, tại xã Điền Mỹ, huyện huyện Hương Khê đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hướng dẫn người dân cách bao quả đúng kỹ thuật để đạt được chất lượng và mẫu quả đẹp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã Điền Mỹ đã bao được 60 ha trên tổng số 85 ha diện tích bưởi của địa phương.

Để bà con có thêm kiến thức chăm sóc cây bưởi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Hương Khê cùng chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình vườn bưởi, hướng dẫn cách chăm sóc, chế độ nước tưới để đảm bảo độ ẩm cho đất, cách bón phân giúp cây đủ dinh dưỡng, cách phòng trừ sâu bệnh và hướng dẫn phương pháp bao quả cho bưởi trong giai đoạn này.

Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, Trại trưởng Trại giống cây ăn quả Truông Bát, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: để quả bưởi phát triển tốt và tăng nhanh trọng lượng thì nên tiến hành bao sau khi kết thúc rụng sinh lý lần 2, đường kính quả đạt từ 6 - 7 cm. Trước khi bao quả cần phải tiến hành cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh để tạo cho cây có bộ khung tán vững chắc, cân đối, thông thoáng, tăng khả năng sinh trưởng, quang hợp để cung cấp dinh dưỡng nuôi quả. Bên cạnh đó, cần cố định số lượng quả phù hợp trên mỗi cây bằng cách tỉa bớt những quả sâu bệnh, quả kẹ, quả nhỏ để cây tập trung nuôi những quả còn lại.

Ngoài việc tiến hành bao quả, giai đoạn này các hộ trồng bưởi cần chủ động chăm sóc cho cây để quả không bị rụng và giúp cây nuôi quả thuận lợi. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc giai đoạn quả non cần được tiến hành triệt để, đúng kỹ thuật. Đây sẽ là điều kiện tốt cho cây bưởi giữ quả và nuôi quả thuận lợi, là tiền đề quyết định đến năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch khi thu hoạch.

Nguyễn Hoàn

 

Trồng ớt chỉ thiên đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Đầu năm 2021, sau khi tìm được các đối tác liên kết sản xuất, anh Châu Ngọc Bình (SN 1974, ở TP. Hồ Chí Minh) đã tìm đến xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) thuê hơn 120 ha đất trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu.

Ớt chỉ thiên là cây trồng ngắn ngày, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Ea Kpam. Sau khi trồng khoảng 45 ngày tuổi, cây ớt đâm nụ, ra hoa, kết trái. Giai đoạn thu hoạch có thể kéo dài từ 60 - 90 ngày tùy vào thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây mà năng suất bình quân đạt từ 25 - 35 tấn/ha.

Trước khi trồng ớt, đất phải được cày xới tơi xốp, phơi từ 10 - 15 ngày và làm cỏ sạch, bón lót phân. Trong quá trình trồng ớt, người trồng phải thường xuyên chăm bón, tưới nước và phòng bệnh cho cây. Đất trồng ớt phải tổ chức luân canh bởi nếu trồng 2 vụ liên tiếp trên cùng một diện tích thì năng suất sẽ giảm do sâu bệnh nhiều, cây sinh trưởng kém. Vì vậy, hiện tại anh Bình đã xen canh trồng 1 vụ bắp Mỹ và 1 vụ ớt. Hai loại cây trồng này đều phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… nên đầu ra và thu nhập ổn định.

 

Vườn ớt chỉ thiên của anh Châu Ngọc Bình tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Toàn bộ diện tích trồng ớt được anh Bình lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt nên rất thuận tiện trong quá trình chăm sóc, tưới nước, tưới phân. Ngoài ra, anh Bình còn sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc hoặc bón phân. Theo anh Bình, việc triển khai lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và sử dụng máy bay không người lái mang lại nhiều lợi ích như: tiết kiệm nước, phân bón, nhân công; cây được tưới đủ nước, đủ độ ẩm thường xuyên nên phát triển tốt.

 

Mỗi ngày hái ớt thuê, chị H’Rức Mlô có thu nhập khoảng 200.000 đồng.

Cây ớt chỉ thiên cho thu hoạch nhiều lần, giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg (tùy thời điểm) nên sau khi trừ các khoản chi phí và công thu hái mỗi héc ta, một vụ thu lãi khoảng 200 triệu đồng".

Anh Châu Ngọc Bình, chủ vườn ớt ở xã Ea Kpam

Hơn 1 năm nay, mô hình trồng ớt chỉ thiên của anh Bình không những mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm thời vụ và thường xuyên cho hơn 400 lao động địa phương. Đơn cử như gia đình chị Hiam Ajun (trú buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) không có nhiều vườn rẫy nên việc làm không thường xuyên, nguồn thu nhập không ổn định. Khi ở địa phương có mô hình trồng ớt quy mô lớn, cần nhiều lao động phổ thông, vợ chồng chị đã xin vào làm việc. “Từ khi được nhận vào làm việc, vợ chồng tôi được trả lương ổn định 9 triệu đồng/người/tháng. Tôi rất vui khi kiếm được việc làm ở gần nhà với mức thu nhập khá”, chị Hiam vui vẻ nói.

Tương tự, chị H’Rức Mlô (trú thôn 2, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ) cũng hết sức phấn khởi khi tìm được việc làm thời vụ không quá xa, lại được bao ăn, bao ở nếu ở lại. Chị H’Rức trò chuyện, mùa này không vướng bận việc nương rẫy nên chị đến đây xin hái ớt thuê, với tiền công 5.000 đồng/kg. Mỗi ngày, chị hái bình quân được khoảng 40 - 50 kg ớt, gia đình có thêm thu nhập nên thấy rất phấn khởi.

Chủ tịch UBND xã Ea Kpam Trần Anh Thái cho biết, từ khi có vườn ớt chỉ thiên của anh Bình, hàng trăm lao động địa phương đã có việc làm thường xuyên và thời vụ với mức thu nhập tương đối khá. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp COVID-19 diễn biến phức tạp hai năm qua, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, tiêu, cao su… giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân thì việc kiếm được việc làm ngay tại quê nhà với mức thu nhập khá như vậy là rất phấn khởi...

Thế Hùng

 

Diện tích lúa Hè thu bị dịch hại tấn công ngày càng tăng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, trong điều kiện nắng mưa xen kẽ như thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch hại xuất hiện và làm ảnh hưởng không nhỏ trên các trà lúa Hè thu của tỉnh; trong đó, đối tượng dịch hại đáng lo ngại nhất vào thời điểm này là bệnh đạo ôn lá. Cụ thể, hiện toàn tỉnh ghi nhận có hơn 600ha lúa Hè thu trong giai đoạn đẻ nhánh bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tăng hơn 117ha so với thời điểm cách nay khoảng 10 ngày; tỷ lệ bệnh ảnh hưởng từ 5-10% trên cùng diện tích và tập trung ở một số cánh đồng lúa của huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh cũng ghi nhận gần 300ha (tăng 40ha so với thời điểm cách nay khoảng 10 ngày) lúa Hè thu trong giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ bị chuột tấn công, với tỷ lệ gây hại từ 5-10% trên cùng diện tích; đồng thời còn ghi nhận hơn 600ha (tăng 30ha so với thời điểm 10 ngày trước) lúa Hè thu trong giai đoạn mới sạ và giai đoạn mạ bị ốc bươu vàng tấn công, với mật số từ 1-3 con/m2.

 

 

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trị hiệu quả các đối tượng dịch hại trên lúa Hè thu.

Trước tình hình sinh vật gây hại như trên, đồng thời theo dự báo thời tiết của cơ quan chức năng thì tình hình trời nắng xen kẽ mưa sẽ còn kéo dài, từ đó tiếp tục tạo điều kiện cho một số loài nấm bệnh và côn trùng phát sinh gây hại trên cây lúa. Do đó, để bảo vệ tốt cho cây lúa trong vụ Hè thu này, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động thăm đồng để phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa và có giải pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng bệnh đạo ôn lá và khô vằn trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ.

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, nông dân toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 66.000ha lúa Hè thu, trong đó lúa ở giai đoạn mạ khoảng 33.000ha, giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng khoảng 31.000ha, đồng thời có hơn 2.000ha ở huyện Châu Thành A và Vị Thủy đang ở giai đoạn trổ - chín.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

 

Giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất theo tín hiệu thị trường

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ năm 2018-2021, Tổ Thông tin và Phân tích thị trường nông sản tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Tổ thông tin) duy trì thực hiện bản tin thị trường. Theo đó, Tổ cập nhật thường xuyên giá các mặt hàng, ứng dụng công nghệ thông tin để phổ biến nhanh chóng thông tin đến các hội quán, hợp tác xã, doanh nghiệp.

 

 

Thông tin dự báo về thị trường giúp nhà vườn chủ động trong sản xuất. Ảnh: Mỹ Nhân

Thời gian qua, Tổ thông tin phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) cung cấp 150 lượt thông tin thị trường (giá cả, nhu cầu thị trường, rào cản thương mại...) trong nước và trên thế giới các ngành hàng như cá tra, thịt, xoài, nhãn, mít và các mặt hàng rau, quả khác để phục vụ bản tin thị trường.

Tổ thông tin còn xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở Sở Tài chính, chợ hạng I, chợ đầu mối, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm cung cấp thông tin giá cả thị trường hàng tuần hoặc đột xuất cho hợp tác xã, hội quán, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, phối hợp với các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, chuyên gia nông nghiệp trong tỉnh nghiên cứu, phân tích số liệu, đánh giá tình hình thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và trên thế giới. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp, định hướng sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh theo tín hiệu thị trường.

Tổ thông tin thường xuyên cập nhật thông tin với nhiều hình thức (văn bản, website...) từ các bộ, ngành Trung ương liên quan đến nhu cầu thị trường, hợp tác giao thương, rào cản quy định liên quan đến nhập khẩu nông sản của các nước để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán... Tổ thông tin còn đẩy mạnh trao đổi thông tin giữa các thành viên, chuyên gia, cộng tác viên về nội dung, định hướng bản tin thị trường phù hợp với tình hình phát triển sản xuất, nhu cầu thông tin theo diễn biến thị trường.

Trên cơ sở dữ liệu thông tin, bài viết phân tích, đánh giá, dự báo thông tin thị trường, Tổ thông tin tiến hành tổng hợp, biên tập, in ấn và phát hành phổ biến thông tin nhanh chóng đến các hợp tác xã, hội quán, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức... Từ năm 20219 - 2021, Tổ thông tin xây dựng bản tin thị trường, in ấn, phát hành 24 kỳ (phát hành định kỳ hằng tháng) đến 200 đơn vị trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung liên quan đến giá cả thị trường, phân tích và dự báo các mặt hàng nông, thủy sản, tình hình giao thương quốc tế, xúc tiến thương mại đầu tư,... Ngoài phát hành bản in giấy, Tổ thông tin còn gửi bản tin điện tử qua nhóm Zalo, email và đăng trên trang thông tin điện tử Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Tổ thông tin vẫn còn một số hạn chế. Bản tin thị trường đôi lúc chưa cập nhật kịp thời biến động giá cả thị trường; số lượng bài viết của các cộng tác viên vẫn còn hạn chế; nội dung bản tin chưa phong phú về chủ đề. Chưa hình thành cơ sở dữ liệu thông tin thị trường theo chuỗi giá trị hàng nông sản, ứng dụng phần mềm phục vụ thu thập, quản lý và khai thác thông tin thị trường...

Trước những thuận lợi và khó khăn trên, Tổ thông tin đề ra kế hoạch hoạt động năm 2022 với mục đích xây dựng bản tin thị trường nông sản đa dạng về nội dung và kịp thời phổ biến thông tin thị trường nông sản trong nước và trên thế giới đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán qua các hình thức bản in, bản thông tin điện tử, mạng xã hội... Qua đó, giúp các đơn vị chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số nội dung, nhiệm vụ thực hiện là: Tổ thông tin sẽ phối hợp với các tổ chức cung cấp thông tin thị trường; thiết lập mạng lưới cộng tác viên; hợp đồng với các chuyên gia theo từng lĩnh vực để phân tích, đánh giá các số liệu, thông tin thị trường nhằm đưa ra cảnh báo, định hướng, giải pháp phù hợp cho việc sản xuất, kinh doanh của người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phổ biến và triển khai hiệu quả bản tin thị trường đến các hợp tác xã, hội quán, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức, kể cả việc lồng ghép vào các chương trình, hội nghị, hội thảo của cơ quan, địa phương...

Y DU

 

Sử dụng enzyme để tách lớp nhớt của hạt cà phê thóc trong công nghệ chế biến ướt

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Công nghệ chế biến ướt cà phê gồm 5 công đoạn: Thu hoạch quả, làm sạch và phân loại quả, xát tươi, tách nhớt và phơi/sấy. Trong đó, tách nhớt là khâu rất quan trọng. Nếu không tách lớp nhớt trước khi phơi thì hạt cà phê bị kết dính với nhau thành cục dẫn đến hiện tượng khô không đều, khó khăn cho bảo quản, phơi sấy lâu khô, đường ngọt trong lớp nhớt hấp dẫn nấm mốc và côn trùng gây hại.

Trước đây, trước khi phơi, lớp nhớt sẽ bị loại bỏ bằng các phương pháp thông thường là ủ lên men tự nhiên hoặc đánh nhớt cơ học. Tuy nhiên, cả hai phương pháp này đều có những hạn chế.

Với phương pháp ủ lên men tự nhiên, thời gian lên men thường phải kéo dài 16 - 48 giờ, phải xây dựng nhiều bể lên men tốn kém; chất lượng cà phê có nguy cơ bị giảm do nhiều hạt bị lên men thối; lên men tự nhiên làm tăng mức độ ô nhiễm nước và không khí.

Phương pháp đánh nhớt cơ học lại có các bất lợi khác: Máy đánh nhớt có giá khá cao; quá trình vận hành tiêu tốn nhiều điện; lực chà xát mạnh trong quá trình tách nhớt nên nguy cơ làm nhiều hạt bị vỡ và bị tróc vỏ thóc và cà phê nhân không còn lớp bảo vệ nên khó bảo quản; máy đánh nhớt không tách được nhớt nằm tại khe hạt.

 

 

Pha chế phẩm enzyme trong phương pháp tách nhớt.

Để khắc phục những nhược điểm của các phương pháp trên, làm giảm giá thành chế biến và nâng cao chất lượng cà phê nhân, TS. Nguyễn Văn Thường và các cộng sự ở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu giải pháp sử dụng enzyme để tách lớp nhớt của hạt cà phê thóc trong công nghệ chế biến ướt.

Enzyme là các chất xúc tác sinh học, có bản chất protein. Thành phần chính của lớp nhớt cà phê là các hợp chất cao phân tử như pectin, đường và cellulose; trong đó hợp chất pectin không tan trong nước và tạo nên tính chất nhớt dính, rất khó rửa. Để phá hủy lớp nhớt thì chỉ cần phá hủy pectin. Để phá hủy pectin phải sử dụng enzyme tương thích là pectinase.

Cà phê thóc sau khi xát tươi dùng chế phẩm chứa enzyme pectinase như Rohapect 10L để loại bỏ hoàn toàn lớp nhớt trước khi phơi/sấy. Việc phối trộn cà phê với enzyme thực hiện trong các bể ủ được xây bằng gạch, bê tông hoặc làm bằng kim loại không bị rỉ sét. Pha chế phẩm enzyme trong thùng nước nhỏ 5 - 10 lít. Liều lượng enzyme: 150 gam “Rohapect 10L” cho 1 tấn cà phê thóc Robusta; hoặc 100 gam “Rohapect 10L” cho 1 tấn cà phê thóc Arabica. Trộn enzyme với cà phê bằng cách tưới đều dung dịch enzyme lên khối cà phê trong bể ủ. Khuấy đảo cà phê bằng máy hoặc bằng tay kỹ lưỡng để enzyme phân bố đồng đều trong khối hạt. Quá trình phân hủy lớp nhớt có thể xảy ra nhanh hơn hoặc chậm hơn so với thời gian dự kiến, vì vậy sau khi xử lý khoảng 90 phút, cứ sau mỗi 10 phút kiểm tra cà phê một lần để xem quá trình phân hủy lớp nhớt đã hoàn thành hay chưa và quyết định thời điểm rửa cà phê. Rửa cà phê ngay sau khi sự phân hủy nhớt đã hoàn thành.

Giải pháp sử dụng enzyme để chế biến hạt cà phê trong công nghệ chế biến ướt có tính ưu việt hơn hẳn công nghệ truyền thống: rút ngắn thời gian phân hủy lớp nhớt từ 16 - 48 giờ xuống còn 2 - 10 giờ; cơ sở chế biến không cần xây dựng hệ thống bể lên men tốn kém; tiết kiệm được nước sạch và điện năng tiêu thụ, giảm được 17% hạt bị hại (vỡ và tróc vỏ thóc) do máy, giảm 8% số hạt lỗi; làm tăng điểm số mùi vị...

Đoàn Văn Thanh

 

Hậu Giang: Phụng Hiệp phát triển các mô hình nuôi động vật hoang dã

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ngoài thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) còn biết đến là địa phương phát triển rất mạnh các mô hình nuôi động vật hoang dã cho giá trị kinh tế cao.

 

 

Mỗi năm, anh Ngôn thu về hơn 200 triệu đồng từ việc bán rắn ri voi giống.

Với tổng đàn bố mẹ 270 con, mỗi năm trang trại cua đinh giống Nguyệt Lâm, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cung ứng cho người nuôi ở khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long gần 1.500 con cua giống, với giá bán dao động từ 500.000-800.000 đồng/kg (tùy vào ngày tuổi). Theo chủ trang trại, trung bình một bể xi măng 20m2 có thể thả nuôi được từ 15-20 con giống. Sau 3 năm thả nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 4-5kg, với giá bán như hiện nay, trừ hết chi phí con giống, thức ăn người nuôi lãi gần 1,5 triệu đồng/con.

Chị Trần Thị Mộng Tuyền, chủ trang trại cua đinh Nguyệt Lâm, cho biết: “Hai năm gần đây tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc tiêu thụ cua đinh có chậm hơn trước đây nhưng mỗi năm trang trại cũng xuất bán hết lượng cua giống sinh sản. Cua giống của trang trại được tuyển chọn kỹ càng nên được người nuôi tin tưởng khắp nơi tìm đến để mua giống. Nhiều thời điểm hết giống bà con phải đặt hàng vài tháng”.

Không chỉ có con cua đinh, con rắn ri voi cũng đang là loài vật nuôi đặc trưng của huyện Phụng Hiệp. Như trường hợp của anh Trương Thành Ngôn, ở thị trấn Cây Dương. Với 600 con rắn ri voi bố mẹ, năm rồi đàn rắn của anh Ngôn sinh sản hơn 2.000 con rắn ri voi con, cung ứng cho người nuôi trong huyện và các tỉnh như: Cần Thơ, Vĩnh Long, với giá bình quân từ 90.000-100.000 đồng/con, trừ hết chi phí thu về lợi nhuận hơn 200 triệu đồng từ việc bán giống, chưa kể việc anh bán rắn hậu bị cho người nuôi có nhu cầu.

Anh Ngôn cho biết: “Rắn ri voi dễ nuôi, nhẹ chăm sóc, thông thường từ 5-7 ngày mới cho ăn một lần nên phù hợp với những người có ít quỹ thời gian. Chưa kể thức ăn đa phần là các loại thủy sản da trơn như: cá trê, ếch, lươn…, đây là những thức ăn dễ tìm, chi phí khá rẻ”.

Rắn ri voi sau 12 tháng nuôi có thể xuất bán rắn thịt, sau 18 tháng nuôi sẽ bắt đầu cho sinh sản. Rắn con sau 1 năm thả nuôi sẽ đạt trọng lượng từ 600gram đến 1kg là có thể xuất bán rắn thịt. Hiện nay rắn ri voi loại I từ 700 gram trở lên có giá từ 600.000-700.000 đồng/kg (tùy thời điểm), riêng rắn hậu bị sinh sản có giá lên 1 triệu đồng/kg.

Ông Dương Văn Diệp, ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, cho biết: “Cũng xuất phát từ việc đam mê con rắn ri voi, qua tìm hiểu trên internet và được sự giới thiệu của ngành nông nghiệp địa phương nên tôi biết được ở huyện Phụng Hiệp có trang trại cung ứng rắn ri voi chất lượng nên xuống mua giống về nuôi”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, phong trào nuôi động vật hoang dã ở huyện đang phát triển rất mạnh. Hiện huyện đang quản lý theo dõi 109 cơ sở nuôi động vật hoang dã với 8.566 cá thể quý hiếm như: cầy vòi hương, trăn đất, cá sấu nước ngọt, rùa răng. Và 34 cơ sở với 5.855 cá thể thông thường như: rắn ri voi, rắn ri cá, heo rừng, cua đinh, ba ba.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Định hướng thời gian tới huyện sẽ quy hoạch và phát triển việc nuôi động vật hoang dã ở những nơi phù hợp, với các loài đặc trưng như rắn, lươn, cua đinh, ba ba, cầy vòi hương… Theo đó, ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch để hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật và quy trình nuôi. Đồng thời, tổ chức cho nông dân tham quan và liên kết với nhau để tạo nên sản lượng lớn đáp ứng cho việc liên kết với công ty, doanh nghiệp bao tiêu, thu mua. Đặc biệt với một số loài vật nuôi phù hợp, huyện sẽ gắn kết để phát triển với các mô hình du lịch.

Bài, ảnh: DUY KHÁNH

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop