Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 15 tháng 4 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 15 tháng 4 năm 2024

 

Đồng Nai: Dâu da là cây trồng cho lợi nhuận tốt tại xã An Phước

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai) là địa phương có diện tích trồng dâu da lớn nhất tỉnh với diện tích hiện nay hơn 40 ha. Dâu da An Phước nổi tiếng về chất lượng ngon nên thường bán được với giá cao. Đây là món đặc sản du lịch được bán nhiều tại các điểm dừng chân và một số điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

 

 

Nông dân trồng dâu xã An Phước, huyện Long Thành thu hoạch dâu da chín sớm. Ảnh: Song Lê

Dâu da là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Địa phương đang khuyến khích nông dân giữ và nhân rộng diện tích cây trồng này, gắn với phát triển du lịch vườn để tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng dâu.

Mùa thu hoạch của dâu da An Phước thường bắt đầu từ tháng tư, rộ vụ vào tháng 6, tháng 7. Nhưng năm nay, một số vườn dâu cho thu hoạch sớm. Từ Tết Nguyên đán 2024, một số nhà vườn đã có thu hoạch. Nhờ có trái bán vào thời điểm ngoài thị trường không có mặt hàng này, giá dâu da bán tại vườn được từ 40-45 ngàn đồng/kg, cao gấp đôi so với mức giá vào mùa.

Theo nông dân trồng dâu tại xã An Phước, kỹ thuật để vườn dâu cho thu hoạch sớm chủ yếu là ngay sau vụ thu hoạch trước, người trồng cần chủ động tỉa cành ngay cho vườn cây, bón phân chuồng dưỡng sức cây và xử lý ngắt nước sớm hơn so với bình thường để thúc cây ra bông sớm. Với kỹ thuật xử lý cho dâu ra hoa sớm, mùa thu hoạch của cây trồng này có thể kéo dài khoảng 7 tháng và thường rộ vụ vào tháng 6, tháng 7. Hiện nhiều vườn dâu đã có lượng trái chín nhiều hơn so với những tháng đầu năm, giá dâu da đã hạ nhiệt chỉ còn từ 20-25 ngàn đồng/kg. Nhưng đây vẫn là mức giá tốt mang lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng dâu.

Song Lê

 

Thái Nguyên: Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

 

 

Gia đình anh Nông Văn Trường (ở xóm Na Tranh, xã Nam Hòa) có 2ha bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thực hiện đề án Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đồng Hỷ đề ra mục tiêu: Duy trì diện tích 170ha na, trong đó diện tích trồng mới là 110ha và có 40ha được chứng nhận VietGAP; duy trì 300ha bưởi (trong đó diện tích trồng mới là 100ha); duy trì 440ha nhãn (trong đó diện tích trồng mới là 145ha, có 60ha được chứng nhận VietGAP và 20ha cấp lại chứng nhận VietGAP). Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tập trung là 240ha.

Với mục tiêu trên, từ năm 2021 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã triển khai chính sách hỗ trợ giá giống 3 loại cây trồng chủ lực na, nhãn, bưởi với diện tích 50ha/năm, tổng kinh phí hỗ trợ là 3 tỷ đồng... Cùng với đó, huyện rà soát, quy hoạch những vùng có diện tích đất đồi bãi, đất trồng cây nông, lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp để chuyển đổi sang trồng cây ăn quả; tạo điều kiện, khuyến khích các địa phương thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), mô hình liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích người dân thực hiện đồng bộ các biện pháp quy hoạch, thâm canh cây ăn quả, đưa các giống mới năng suất cao vào trồng…

Đơn cử như xã Nam Hòa, một trong những địa phương có diện tích chuyên canh cây ăn quả lớn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ với tổng diện tích 300ha, trong đó diện tích bưởi là gần 42ha. Theo ông Trần Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Với định hướng xây dựng bưởi là cây trồng chủ lực, xã đã được ngành chức năng của tỉnh và huyện quan tâm, hỗ trợ triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể bưởi Na Tranh; tiếp nhận, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ cây giống; mở các lớp tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động các hộ dân cùng liên kết sản xuất... Qua đó, trên địa bàn xã hiện có 1 HTX, 2 THT trồng bưởi; gần 16ha bưởi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và 7ha được cấp mã số vùng trồng. Trung bình mỗi héc-ta bưởi, người dân thu về từ 200-250 triệu đồng/năm.

Còn với cây nhãn, xóm Na Long, xã Hóa Trung, là một trong những địa phương tiên phong áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, THT sản xuất nhãn VietGAP được thành lập, thu hút 70 hộ dân tham gia. Anh Vũ Duy Hiền, thành viên THT, chia sẻ: Thông qua các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, người dân chúng tôi đã tin và làm theo. Cách làm này không những giúp giá trị, chất lượng nông sản được nâng lên mà môi trường, sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng cũng được đảm bảo. Với diện tích gần 1ha cây ăn quả, trung bình mỗi năm nhà tôi thu lãi gần 100 triệu đồng.

Bằng những giải pháp cụ thể, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có trên 1.700ha cây ăn quả, trong đó diện tích cây ăn quả chủ lực (na, nhãn, bưởi) được trồng tập trung là 200ha (đạt 80% kế hoạch năm 2025), trồng chủ yếu tại các xã Hóa Trung, Quang Sơn, Tân Long, Nam Hòa, Văn Hán và thị trấn Hóa thượng.

Hiện, toàn huyện đã có 151ha/195ha cây ăn quả tập trung được cấp giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ, qua đó góp phần nâng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng cây ăn quả đạt 200 triệu đồng/năm (tăng 30 triệu đồng so với năm 2020).

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án theo hướng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về thương hiệu và phát triển thương hiệu; xúc tiến việc xây dựng, đăng ký nhãn mác hàng hóa, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; đăng ký chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Ngọc Ánh

 

Giá khóm Cầu Đúc giảm 500 - 1.000 đồng/trái

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Vụ khóm năm 2024, nông dân thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) canh tác 2.470ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 75ha so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến thời điểm này, nông dân thành phố thu hoạch hơn 334ha, năng suất 16,2 tấn/ha, giảm 0,27 tấn/ha so với cùng kỳ năm 2023. Giá khóm hiện nay, nông dân bán tại rẫy từ 8.500 - 9.000 đồng/trái loại I (trọng lượng từ 1kg trở lên), khóm loại II (2 trái tính bằng 1 trái khóm loại I). Với giá như hiện nay, khóm giảm từ 500 -1.000 đồng/trái so với thời điểm cuối tháng 3-2024 và tương đương giá khóm so với cùng kỳ năm 2023.

 

 

Nông dân xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thu hoạch khóm Cầu Đúc.

Theo một số nông dân trồng khóm khu vực xã Hỏa Tiến, với giá khóm như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân đạt lợi nhuận hơn 2 triệu đồng/công. Những hộ đạt năng suất cao, từ 1 thiên khóm trở lên/công (1.000 trái), đạt lợi nhuận hơn 3-4 triệu đồng/công.

Tin, ảnh: HOÀNG CHƯƠNG

 

Nỗi lo giá điều liên tục giảm

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Điều vốn là một trong những loại cây trồng chủ lực, giúp nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, những năm gần đây, loại cây trồng này liên tục mất mùa, rớt giá khiến người trồng không còn quan tâm đầu tư chăm sóc.

Người trồng không còn mặn mà

Huyện Krông Ana là một trong những địa phương có diện tích điều lớn của tỉnh, với 2.351 ha (năng suất bình quân đạt 1,4 tấn/ha), tập trung chủ yếu tại các xã Ea Bông, Dur Kmăl, Băng Adrênh, thị trấn Buôn Trấp…

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết thay đổi thất thường khiến năng suất điều sụt giảm (từ 50 – 60%), có năm gần như mất trắng. Trong khi đó, giá bán lại rớt xuống thấp, chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg (có thời điểm 17.000 – 18.000 đồng/kg), nên sau khi trừ các khoản chi phí, người trồng điều gần như không có lãi.

 

 

Bà H’Hiền Byă (buôn Tuôr, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) phơi hạt điều sau khi thu hoạch.

Gia đình anh Hoàng Phó Dương (thôn 10/3, xã Ea Bông) có 4 ha điều trồng xen cà phê từ năm 2003. Năm 2018 được xem là thời kỳ “hoàng kim” của cây điều, nhờ năng suất và giá bán đều cao (từ 36.000 - 42.000 đồng/kg) đã giúp gia đình anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Thế nhưng sau thời điểm này, điều bắt đầu rơi vào cảnh "mất mùa – rớt giá”, khiến gia đình anh rất lo lắng. Anh Dương than thở: “Năm ngoái, gia đình tôi gần như mất trắng (sản lượng điều giảm từ 8 tấn xuống còn 6 tạ), còn năm nay ước tính thu được 4 tấn thì giá bán lại tiếp tục giảm. Đầu vụ nhưng điều chỉ bán được với giá 23.000 đồng/kg thì vào chính vụ giá sẽ còn giảm nữa. Với mức giá này, gia đình tôi hầu như không có lãi”.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Khuê (thôn 10/3, xã Ea Bông) chuyên canh 6 ha điều từ năm 2000. Những năm gần đây, thời tiết bất thường khiến cây điều gặp nhiều sâu bệnh hại, hoa khô, mất mùa. Năng suất cây điều 4 năm trở lại đây giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 so với các vụ trước đó. Năm nay, mới thu bói được 2 - 3 tạ hạt điều, và gia đình anh chỉ bán được với giá 20.500 đồng/kg. Anh Khuê cho hay: “Dự kiến, sản lượng vụ điều năm nay của gia đình tôi chỉ khoảng 4 – 5 tấn, nếu giá tiếp tục giảm thì e là sẽ bị thua lỗ…”.

Không chỉ riêng huyện Krông Ana, khoảng 700 ha điều tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) liên tiếp nhiều năm thất thu cũng đã khiến người dân còn không mặn mà đầu tư chăm sóc. Gia đình bà H’Hiền Byă (buôn Tuôr) có 5 sào điều hơn 20 năm tuổi. Từ sau đại dịch COVID-19, sản lượng cùng với giá liên tục giảm khiến bà chán nản, không màng đến việc chăm sóc vườn cây. Theo bà H’Hiền, thời tiết bất lợi, thường có mưa trái mùa khiến điều bị khô hoa, gây rụng, thối quả dẫn đến mất mùa. Đây là loại cây trồng mang lại nguồn thu chính cho gia đình bà, nhưng nếu đầu tư chi phí chăm sóc mà giá cả giảm thì vẫn sẽ thua lỗ. Do đó, bà bỏ bê vườn điều khiến sản lượng giảm dần qua từng năm, ước tính năm nay gia đình bà chỉ thu được 3 tạ.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn hàng

Nhu cầu thu mua, chế biến của nhiều doanh nghiệp (DN) đang tăng cao nhưng giá điều thô ở các địa phương lại giảm. Lý giải về điều này, theo nhận định của Sở Công Thương, trong những năm gần đây, sản lượng điều của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng liên tục giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung hạt điều thô phục vụ cho việc chế biến (chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến). Để phục vụ nhu cầu sản xuất, các DN phải tăng nhập khẩu hạt điều nguyên liệu từ các nước như Bờ Biển Ngà, Campuchia, Nigeria. Trong khi đó, giá hạt điều nhập khẩu thời gian qua giảm mạnh nên các DN đã tranh thủ mua số lượng lớn về làm nguyên liệu chế biến, kéo theo giá điều thô trong nước xuống thấp.

 

 

Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Ana kiểm tra tình hình mất mùa tại vườn điều thôn 10/3 (xã Ea Bông).

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana Y Thắng Bđáp cho biết, việc điều liên tục mất giá, trong khi một số mặt hàng nông sản khác như tiêu, cà phê lại đang tăng cao khiến nông dân bỏ bê hoặc có xu hướng bỏ cây điều chuyển sang cây trồng khác để có thu nhập tốt hơn. Từ năm 2022, nhiều hộ trồng điều trên địa bàn huyện đã bắt đầu chặt bỏ vườn điều để trồng cây ăn trái như nhãn hương chi, vải u hồng… Điều này khiến sản lượng điều có nguy cơ sụt giảm. Địa phương đã có kiến nghị đến các công ty chế biến cần bảo đảm về giá thu mua, có chính sách liên kết phù hợp để người dân yên tâm sản xuất, duy trì diện tích trồng, đảm bảo nguồn cung ổn định. Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên ồ ạt phá bỏ mà duy trì trồng xen canh điều trong các vườn cà phê, cây ăn trái để hạn chế rủi ro.

Lo ngại trước tình trạng người dân không mặn mà với cây điều cùng với việc phần lớn diện tích đều đã già cỗi, bị sâu bệnh khiến nguồn cung mặt hàng này sụt giảm, chính quyền xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát triển bền vững loại cây trồng chủ lực này. Bà Võ Lê Quỳnh Như, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Hòa Phú chia sẻ, địa phương đã vận động, khuyến cáo người dân cải tạo vườn điều bằng các loại giống có khả năng kháng bệnh tốt, giảm sự tác động của thời tiết nhằm ổn định năng suất và chất lượng. Trong năm 2024, UBND xã Hòa Phú sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng TP. Buôn Ma Thuột tổ chức các đợt tập huấn về đầu tư thâm canh cây điều cho người dân, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ bà con triển khai sản xuất theo hướng VietGAP và tiến đến xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn.

Năm 2023, toàn tỉnh có 26.172 ha điều (giảm 1.602 ha so với năm 2022), tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Ana, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar… Sản lượng ước đạt gần 35.600 tấn.

Tuyết Mai - Khánh Huyền

 

Tỏi VietGAP: Gian nan đầu ra

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Những năm gần đây, người trồng tỏi ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) nói riêng và toàn tỉnh nói chung đều phải chịu cảnh bấp bênh, thiếu ổn định về đầu ra. Việc xây dựng thành công mô hình tỏi VietGAP ở xã Ninh Sơn được kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình. Dẫu vậy, trước mắt, đầu ra cho cây tỏi vẫn còn gian nan.

Hơn 5ha tỏi VietGAP

Sau một thời gian dài tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất tỏi đáp ứng theo tiêu chuẩn, đầu tháng 3, hơn 5ha tỏi với sản lượng hơn 50 tấn/vụ/năm của 9 hộ thành viên Tổ hợp tác Trồng tỏi xã Ninh Sơn được cơ quan chức năng cấp chứng nhận sản phẩm trồng trọt phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia về thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Ông Đào Quang Học - Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng tỏi xã Ninh Sơn cho biết, ông cùng các thành viên nhiều năm gắn bó với cây tỏi. Gia đình ông lúc cao điểm có đến 5ha trồng tỏi. Trước đây, tỏi bán tương đối được giá, sản xuất tới đâu bán hết tới đó. Tuy nhiên, khoảng 5 năm qua, việc tiêu thụ tỏi bắt đầu gặp khó khăn và ngày càng bấp bênh. Hiện nay, gia đình ông chỉ duy trì 1ha tỏi. Với mong muốn cải thiện chất lượng sản phẩm, có thể giúp cho đầu ra ổn định hơn, các thành viên tổ hợp tác đã quyết định làm tỏi VietGAP.

 

 

Ông Đào Quang Học phơi tỏi.

Ông Vũ Văn Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sơn cho biết, ngoài 9 hộ trồng tỏi đạt chứng nhận VietGAP trên 5ha, vừa qua, hội đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật thị xã mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng tỏi cho nông dân trong 3 tháng. Đồng thời, hỗ trợ Tổ hợp tác Trồng tỏi xã Ninh Sơn vay vốn với số tiền 350 triệu đồng để các hộ cải tạo quy trình trồng tỏi đáp ứng các tiêu chí an toàn.

Dẫu vậy, mùa thu hoạch tỏi vừa qua, giá thu mua tỏi ở Ninh Sơn nói riêng và cả tỉnh nói chung không ổn định, có mức độ dao động lớn. “Đầu mùa, thương lái mua 40 - 50 nghìn đồng/kg tỏi tươi. Nhưng vào chính vụ, giá tỏi không những bị giảm mạnh mà còn tiêu thụ chậm. Một số hộ phơi khô, cất trữ tỏi, chờ giá lên mới bán. Hầu hết các hộ còn lại dù giá thấp cũng phải bán vì đã đến hạn thanh toán chi phí nợ phân bón” - ông Đào Quang Học chia sẻ.

Nông dân mong được hỗ trợ đầu ra

Có một thực tế là giá tỏi luôn dao động khá lớn. Ngay như thời điểm hiện tại, tỏi đẹp, đều hạt, đủ độ khô có thể được bán với giá 70.000 đồng/kg. Nhưng như thế nào là đẹp, tỏi loại 1, 2, 3 chủ yếu phụ thuộc vào cảm quan và kinh nghiệm do người mua quyết định. Chưa kể, tỏi loại 1 được bán với giá 60.000 - 70.000 đồng/kg thì tỏi loại 2 chỉ bán được 20.000 - 25.000 đồng/kg. Tỷ lệ tỏi đẹp - xấu của mỗi hộ nông dân cũng không giống nhau, do đó, dù đạt năng suất 10 tấn/ha, nhưng có hộ bán được hơn 500 triệu đồng, có hộ lại chỉ được khoảng 300 triệu đồng. Hỏi một nông dân đang phân loại tỏi ở thôn 1, xã Ninh Sơn, bà cho biết, chủ yếu tỏi được phân thành 2 loại, loại 1 tỏi đẹp chiếm khoảng 65% sản lượng, còn lại là tỏi loại 2. Về độ khô, tỏi đã phơi đủ 20 nắng hay 25 nắng thì hầu hết đều dựa vào kinh nghiệm, cảm quan. Tỏi loại 1 đẹp với loại 1 chưa đẹp… cũng khác xa về giá bán, thành ra tính hiệu quả của 1ha tỏi chỉ mang tính chất tương đối.

Theo ông Mai Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 90ha tỏi. Vụ tỏi năm nay, điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên năng suất tỏi đạt ở mức khá, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch 10 tấn. Hầu hết nông dân sản xuất tỏi trên địa bàn xã vẫn đang bán cho các thương lái, chưa có doanh nghiệp hay hợp tác xã khác đặt hàng theo hợp đồng kinh tế. Do vậy, giá cả thu mua đều do 2 bên thỏa thuận theo từng thời điểm khác nhau.

Ninh Hòa là địa phương có diện tích tỏi lớn nhất tỉnh với hơn 200ha, sản lượng hàng năm gần 2.000 tấn tỏi; tỏi là một cây trồng có giá trị kinh tế cao, thế nhưng đến nay, tỏi Ninh Hòa vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, đầu ra bấp bênh và hầu hết sản lượng vẫn được bán theo kênh phân phối. Nhiều năm qua, việc xây dựng thương hiệu cho tỏi sẻ Ninh Hòa nói riêng và Khánh Hòa nói chung đã được đặt ra và nhắc đến khá nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Người trồng tỏi Ninh Sơn mong muốn chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong việc mở rộng diện tích trồng tỏi VietGAP, cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu và kết nối, mở ra các kênh phân phối có tính bền vững, hiện đại hơn, chẳng hạn liên kết với các doanh nghiệp chế biến tỏi, siêu thị, sàn thương mại điện tử… nhằm từng bước ổn định đầu ra cho cây tỏi nơi đây.

HỒNG ĐĂNG

 

Đăk Hà (Kon Tum): Cà phê bị ảnh hưởng tiêu cực do nắng hạn kéo dài

 

Nguồn tin: Báo Kon Tum

Những ngày gần đây, hàng trăm héc ta cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà bị cháy lá, khô cành, héo quả non. Bên cạnh nỗi lo sụt giảm năng suất, sản lượng, người trồng cà phê Đăk Hà còn lo lắng vườn cây sẽ bị ảnh hưởng lâu dài do tác động của biến đổi khí hậu tiêu cực như hiện nay.

Liên tục nhiều ngày nay, công nhân, người lao động Công ty Cà phê Đăk Uy và người dân trồng cà phê tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn đứng ngồi không yên khi chứng kiến vườn cây đang xuống cấp một cách nhanh chóng do nguồn nước tưới không đảm bảo, hàng chục ha cà phê héo rũ, khô cành, cháy lá và quả non.

Ông Phạm Văn Tiệp - công nhân Công ty Cà phê Đăk Uy cho biết: Nhiều năm nay, bên cạnh nguồn nước được điều tiết từ hệ thống kênh cấp I của công trình Đập thủy lợi Đăk Uy, có trên 100ha cà phê của người dân trong vùng phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ đập thủy lợi C3 tại thôn Bình Minh. Tuy nhiên, gần tháng nay, mực nước trong hồ cạn kiệt, dẫn đến hàng chục hécta cà phê của người dân không đủ nguồn nước tưới.

Hàng chục hộ dân trông chờ vào đập nước này. Bây giờ thiếu nước, mà Công ty không có giải pháp đưa được nguồn nước tưới về đây thì công nhân chúng tôi chắc chắn sẽ chịu thiệt hại. Cứ tình trạng này thì vườn cà phê giảm khoảng 70% sản lượng - ông Tiệp lo lắng.

Ghi nhận tại công trình thủy lợi C3, có hàng chục máy bơm tưới của người dân túc trực bên lòng hồ đã cạn kiệt, trơ đáy. Chỉ cần có nước, các hộ lại luân phiên nhau chia ca theo tiếng để bơm về diện tích cà phê của gia đình. Tuy nhiên, việc bơm nước từ lòng hồ bị nhiễm bùn cũng trực tiếp ảnh hưởng đến cây cà phê.

Theo ông Đoàn Văn Chương - một hộ dân có kinh nghiệm trong sản xuất cà phê tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn, việc tưới cà phê bằng nguồn nước nhiễm bùn, nhiễm phèn chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy cho cây cà phê.

Theo ông Trần Đức Trọng - Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, ngay từ đầu mùa khô, chính quyền đã xây dựng phương án, phối hợp với Trạm quản lý thủy nông và các đơn vị liên quan làm tốt công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, hồ đập chứa trên địa bàn. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến một số khu vực sản xuất của người dân nằm ở cuối nguồn bị thiếu nước cục bộ. Cùng với đó, nhiệt độ không khí tăng cao cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng nhiều vườn cà phê bị khô cành, cháy lá, gây thiệt hại về năng suất, sản lượng cũng như quá trình phát triển của vườn cây.

“Trước mắt chúng tôi tiếp tục phối hợp với đơn vị cấp nước điều tiết một cách hợp lý nguồn nước về các vùng sản xuất tập trung; vận động người dân sử dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Về lâu dài, địa phương sẽ vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, trồng xen các loại cây bóng mát trong vườn cà phê cũng như thực hiện hiệu quả các đề án tạo nền móng phát triển bền vững cây cà phê trước tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay” - ông Trọng cho biết.

 

 

Lòng hồ thủy lợi C3 tại thôn Bình Minh, xã Hà Mòn cạn trơ đáy. Ảnh: TN

Không chỉ xã Hà Mòn, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng gặp tình trạng khô cành, cháy lá. Những trái non vừa mới đậu vài tháng trước, cũng héo khô và không còn khả năng phát triển.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, cây cà phê Robusta thích hợp với nhiệt độ trung bình từ 15 - 30ºC. Tuy nhiên, thời gian gần đây, biên độ nhiệt tăng cao thất thường, có thời điểm lên gần 40ºC đã vượt quá khả năng chống chịu của cây cà phê.

Đến thời điểm hiện tại, người dân đang bước vào đợt tưới thứ 5, thứ 6. Đây là giai đoạn cây cà phê sinh trưởng phát triển mạnh, nhưng cũng dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực của thời tiết, khí hậu. Ước tính chi phí vật tư nông nghiệp cho mỗi hécta cà phê trên 20 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc, tưới tiêu. Đánh giá về thiệt hại do tác động của nắng hạn kéo dài, nguy cơ sụt giảm năng suất tại các vườn cây trên 35% trong niên vụ tới. Bên cạnh đó, còn tiềm ẩn nguy cơ cây cà phê bị tổn thương bộ rễ, phát sinh tuyến trùng và các loại mầm bệnh khó phát hiện, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất trong suốt chu kỳ kinh doanh sau này.

Huyện Đăk Hà là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất tỉnh với trên 15.000ha. Cà phê cũng được địa phương xác định là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân. Do vậy, để hình thành và phát triển một nền nông nghiệp thực sự bền vững, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần có những biện pháp tích cực và khả thi hơn thay vì những giải pháp mang tính tức thời, cấp bách như hiện nay.

Trọng Nghĩa

 

Ninh Thuận: Nông dân Ninh Phước được mùa bắp giống

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Thời điểm hiện nay, nông dân các xã : Phước Vinh, Phước Sơn... (Ninh Phước, Ninh Thuận) đang tập trung thu hoạch bắp giống. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước ổn định nên cây bắp phát triển tốt, bà con nông dân có một mùa vụ bội thu.

Trên các cánh đồng bắp ở thôn Phước An 1 và Phước An 2, xã Phước Vinh, theo ghi nhận của chúng tôi, hoạt động thu hoạch bắp diễn ra khá nhộn nhịp. Ông Nguyễn Ngọc Thu phấn khởi: Gia đình tôi liên kết với Công ty Giống cây trồng Đông Nam canh tác 6 sào bắp giống, năng suất đạt 9 tạ/sào (bắp nguyên trái), doanh nghiệp thu mua với giá 13.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được gần 10 triệu đồng/sào. Không riêng gì gia đình ông Thu, nhiều hộ trồng bắp giống ở xã Phước Vinh cũng rất phấn khởi khi bắp được mùa, được giá. Ông Huỳnh Ngọc Hiệp, cho biết: Vụ bắp giống năm ngoái năng suất đạt 7-8 tạ/sào, năm nay năng suất cao hơn 1 tạ. Giá bắp giống cao gần gấp đôi so với bắp thương phẩm, nên hộ trồng có thu nhập cao.

 

 

Nông dân Phước Vinh thu hoạch bắp.

Đạt được kết quả trên là nhờ có sự chủ động, linh hoạt của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong điều hành sản xuất, vận động bà con canh tác đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch. Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An, cho biết: Vụ bắp giống này các thành viên HTX và nông dân sản xuất 242ha, trong đó có 60ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn liên kết với Công ty Giống cây trồng Đông Nam, Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố và Công ty TNHH Cổ phần Đồng Nai trong bao tiêu sản phẩm. Ngay từ đầu vụ, HTX khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: LVN10, 668, 5885... Cùng với đó, đội thủy nông của HTX chủ động điều tiết nước tưới hợp lý, nên đảm bảo được nguồn nước tưới từ đầu vụ đến cuối vụ. Nhờ đó, năng suất bắp đạt từ 8-9 tạ/sào, tăng 1 tạ so với vụ cùng kỳ năm trước.

Vụ đông - xuân 2023-2024, nông dân huyện Ninh Phước xuống giống 914ha bắp; trong đó, bắp giống 495ha tập trung chủ yếu ở xã Phước Vinh, Phước Sơn. Ông Huỳnh Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Có được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của người dân, ngay từ đầu vụ huyện đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như vận động bà con xuống giống đúng khung lịch thời vụ nên tránh được sâu bệnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây bắp và áp dụng các quy trình trong sản xuất bắp giống.

Được mùa bắp giống tạo niềm vui phấn khởi cho bà con nông dân tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất trong vụ tới. Qua đó, đưa cây bắp trở thành cây trồng chủ lực của địa phương và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất bắp giống.

Tiến Mạnh

 

Đồng Nai: Hiệu quả trong công tác phòng chống hạn mặn

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có 2 địa phương là huyện Long Thành và Nhơn Trạch có một số khu vực sản xuất có các công trình ngăn mặn. Mùa khô năm nay, thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài là nguyên nhân làm tăng độ mặn ở nhiều khu vực sông tại 2 địa phương này.

 

 

Hạn mặn không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản nước lợ

Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, từ tháng 2 năm 2024, các khu vực có công trình ngăn mặn trên địa bàn huyện Nhơn Trạch như ông Kèo, Phước Lý, Câu Kê…độ mặn tăng cao hơn nhiều so với mọi năm. Cụ thể, đập ông Kèo có thời điểm độ mặn ngoài sông đạt gần 12 ‰; các khu vực sông ở những công trình Phước Lý, Câu Kê đều vượt 4 ‰… cao hơn nhiều so với độ mặn cho phép lấy nước vào đồng. Tuy tình trạng hạn mặn tăng cao hơn so với mọi năm nhưng do công tác phòng chống hạn mặn hiệu quả nên không ảnh hưởng đến sản xuất.

Một trong những giải pháp chống hạn mặn hiệu quả là ở các khu vực hạn mặn, địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện gieo giống sớm, chọn giống lúa và cây trồng ngắn ngày để né hạn mặn. Theo đó, các cánh đồng ở những công trình ngăn mặn đã được thu hoạch xong trước khi vào mùa hạn mặn. Cụ thể, tại khu vực đập ông Kèo có khoảng 3 ngàn ha trồng lúa, trồng mía. Diện tích lúa đã thu hoạch từ hơn 1 tháng trước đó. Diện tích mía có hơn 300 ha cũng đều đang thu hoạch nên không cần đến nguồn nước tưới.

Hiện địa phương chú trọng tổ chức vận hành các công trình thủy lợi thông suốt như đóng mở các cống, đập thủy lợi hợp lý và kịp thời nhằm thuận lợi cho người dân vận chuyển mía, vừa đảm bảo không để nguồn nước bị nhiễm mặn cao vào đồng ảnh hưởng đến vụ sản xuất sau.

Riêng việc nuôi trồng thủy sản hầu như không bị ảnh hưởng vì nguồn nước vẫn được đảm bảo, đặc biệt với độ mặn hiện nay, thủy sản nước lợ vẫn tăng trưởng tốt.

Song Lê

 

Ninh Thuận: Linh hoạt các giải pháp đảm bảo sản xuất trong mùa khô

 

Nguồn tin:  Báo Ninh Thuận

Bước vào mùa khô khí hậu nắng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Với quyết tâm vượt khó, ngành Nông nghiệp triển khai linh hoạt các giải pháp sản xuất, ứng phó hiệu quả với nắng nóng.

Tại cánh đồng trồng rau màu ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận), mặc dù đang là thời điểm nắng nóng, toàn bộ diện tích canh tác của bà con nơi đây vẫn xanh tươi tốt do được bao phủ bằng hệ thống tưới phun nhỏ giọt. Anh Não Văn Tịnh, người dân trong thôn, cho biết: Phần lớn diện tích đất sản xuất quanh khu vực chủ yếu là đất cát nên khả năng giữ nước thấp, chưa kể vào mùa khô nguồn nước lại càng khan hiếm khiến việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi học hỏi mô hình tưới nước tiết kiệm, năm 2018, gia đình tôi đầu tư hơn 15 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất 3 sào măng tây xanh và đậu phộng. Từ khi có hệ thống tưới tiết kiệm cho thấy hiệu quả rõ rệt, nước được tưới thường xuyên với lượng vừa đủ để giữ ẩm cho cây trồng, tiết kiệm đáng kể thời gian so với tưới tràn như trước đây; nhờ đó, năng suất luôn ổn định và không bị chết khô vào mùa nắng.

 

 

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm sản xuất đậu phộng.

Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú hiện có 84 thành viên tham gia sản xuất măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn, với diện tích 65ha; thời gian qua, nhờ áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, giúp các thành viên sản xuất ổn định, chủ động nguồn nước tưới xuyên suốt mùa vụ. Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã nhìn nhận: Với vùng đất không chủ động nước tưới lại thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để duy trì sản xuất là giải pháp khả thi, giúp giảm chi phí sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Song song với việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, giảm diện tích cây lúa chuyển sang trồng màu cũng được nông dân trong tỉnh thực hiện, điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm nước mà còn khắc phục tình trạng đất bỏ hoang. Đơn cử, tại huyện Thuận Bắc, hằng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp cụ thể cho từng vùng, xác định các loại cây trồng cạn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, giao chỉ tiêu cho các xã thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả để làm cơ sở nhân rộng. Qua thời gian triển khai thực hiện, chủ trương chuyển đổi cây trồng thích nghi với nắng hạn trên địa bàn đã thực sự đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng được nông dân đón nhận và sản xuất trên diện rộng. Chị Nguyễn Thị Bé, thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), chia sẻ: Lường trước khó khăn khi sản xuất trong điều kiện thiếu nước, cuối năm 2019, tôi chủ động chuyển hơn 2 sào lúa sang trồng luân phiên cây ớt, hành lá, hiệu quả đem lại cao hơn nhiều so với trồng lúa. Không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác đều tích cực hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng của chính quyền địa phương, nhờ đó toàn bộ diện tích canh tác thiếu nước quanh khu vực đã được bao phủ màu xanh của cây trồng.

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị cao, đến nay đạt trên 1.920ha, đạt 96% mục tiêu nghị quyết đề ra. Qua đánh giá, hiệu quả cây trồng cạn mang lại so với trồng lúa cho lợi nhuận cao gấp 1,3-1,6 lần; riêng cây kiệu gấp 10,5 lần, cây nho, táo gấp 10-15 lần. Cùng với đó, toàn tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm như tưới phun tầm thấp và tưới nhỏ giọt trên cây trồng cạn, cây ăn quả với diện tích trên 1.773ha. Kết quả đã tiết kiệm 30-45% lượng nước tưới, giảm được 3,88% tổng chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận so với tưới truyền thống từ 9-11%. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm ổn định, tạo thu nhập cho người dân tại các vùng sản xuất trong điều kiện thiếu nước.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đã tập trung rà soát, đề xuất triển khai nhiều nhóm giải pháp theo từng giai đoạn cụ thể; trong đó, ngoài tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, công tác chuyển đổi cây trồng, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm được ưu tiên thực hiện. Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm để đảm bảo nước phục vụ sản xuất trong mùa khô.

Hồng Lâm

 

Bến Tre: Sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Tình hình sản xuất nông nghiệp trong những tháng đầu năm 2024 tương đối ổn định, các ngành, các cấp và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 nhằm hạn chế thấp nhất những tác động do hạn, mặn gây ra, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

 

 

Diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Diện tích gieo trồng lúa từ đầu năm đến nay ước đạt 5.651ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng 25.094 tấn, giảm 5,64% so với cùng kỳ. Vụ lúa mùa đã thu hoạch 100% diện tích, vụ Đông Xuân đã xuống giống với diện tích khoảng 755ha, bằng 70,62% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích dừa toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 79.000ha, tăng 1,36%, sản lượng thu hoạch đạt khoảng 182,94 triệu trái, tăng 1,37% so với cùng kỳ. Hiện toàn tỉnh có 23.994ha cây ăn trái, giảm 4,55%; tổng sản lượng trái cây các loại đạt 72.705 tấn, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất rau màu thuận lợi với diện tích 1.130ha, tăng 2,17% so với cùng kỳ; sản lượng 23.798 tấn, tăng 3,64% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tổng đàn bò toàn tỉnh ước khoảng 217.650 con, giảm 4,67% so với cùng kỳ; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong quý I-2024 là 8.295 tấn, tăng 2,16% so với cùng kỳ. Tổng đàn heo ước khoảng 380.950 con, so với cùng kỳ giảm 4,26%; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng trong quý ước 16.800 tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm toàn tỉnh ước khoảng 6.040 ngàn con, giảm 1,82% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, tổng diện tích thả nuôi ước 30.950ha, tăng 2,31% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao năm 2024 phát triển thêm 143ha, lũy kế đến nay là 3.253ha; tổng sản lượng thu hoạch thủy sản nuôi trong quý I-2024 ước đạt 67.820 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lĩnh vực khai thác thủy sản nhìn chung giảm so với cùng kỳ, sản lượng đạt thấp với khoảng 55.520 tấn, giảm 6,24% so với cùng kỳ, đạt 27,76% kế hoạch.

Toàn tỉnh có 67 tổ hợp tác, 78 hợp tác xã liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Sản xuất nông nghiệp có bước tiến bộ, áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương với diện tích 24.640ha. Toàn tỉnh có 17 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 808,51ha; 43 vùng trồng xuất khẩu (93 mã) với diện tích 705,51ha; 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường các nước như: Hoa Kỳ, New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan, châu Âu...

Về xây dựng nông thôn mới, có 12 xã vừa được xét công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đợt 1 năm 2024. Sau khi có quyết định công nhận 12 xã trên, toàn tỉnh có 102 xã đạt chuẩn xã NTM, 33 xã NTM nâng cao, 8 xã NTM kiểu mẫu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3,84% trong năm 2024, ngành nông nghiệp đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, thực hiện tốt kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Chương trình phát triển thủy sản, Đề án phát triển cây giống và hoa kiểng Chợ Lách mang tầm quốc gia gắn với chuỗi giá trị cây giống và hoa kiểng...

Bài, ảnh: Hải Đường

 

Hợp tác xã Thủy sản An Thủy đạt giải thưởng Ngôi sao hợp tác xã Việt Nam năm 2024

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Ngày 11-4-2024, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh và Giải thưởng Ngôi sao HTX năm 2024 “CoopStar Awards 2024”.

 

 

Hợp tác xã Thủy sản An Thủy được trao giải thưởng Ngôi sao hợp tác xã Việt Nam năm 2024. Ảnh: CTV

Buổi lễ nhằm tôn vinh các HTX là thành viên và tích cực tham gia các hoạt động của Liên minh HTX; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về tài chính, chế độ báo cáo, thông tin theo quy định; không thua lỗ; không có nợ xấu. Công tác hoạch toán kế toán, thống kê đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; hỗ trợ kinh tế thành và kinh tế hộ phát triển. Đầu tư, mở rộng quy mô, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Được công nhận là HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh, thành phố 3 năm liên tục và có ít nhất 1 lần được tặng bằng khen của UBND cấp hoặc Liên minh HTX Việt Nam, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương trở lên…

Tại buổi lễ, có 100 HTX tiêu biểu được tôn vinh và trao giải thưởng. Đại diện tỉnh Bến Tre có HTX Thủy sản An Thủy được nhận giải thưởng này. HTX thành lập ngày 24-6-2004, với hoạt động chính là quản lý khai thác nguồn lợi tự nhiên (con nghêu) tạo việc làm, tăng thu nhập thành viên. HTX Thủy sản An Thủy hiện có 4.719 thành viên, tổng vốn hoạt động là 28,165 tỷ đồng. Với lợi thế con nghêu được chứng nhận MSC (chứng nhận đó Hội đồng Quản lý biển cấp cho đơn vị khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên) năm 2023 HTX thực hiện đạt 183% kế hoạch. Doanh thu đạt 20,185 tỷ đồng, lợi nhuận 9,1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động tại địa phương.

Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện Tháng hành động vì HTX năm 2024, chào mừng 78 năm Ngày Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX và 13 năm Ngày Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày HTX 11-4.

C. Trúc

 

Vĩnh Long: 220 trang trại, cơ sở chăn nuôi thực hiện liên kết trong sản xuất

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) Vĩnh Long, thời gian qua, ngành đã đẩy mạnh thực hiện liên kết trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ, hướng đến chăn nuôi trang trại và phát triển bền vững. Qua đó, tránh được trường hợp sản phẩm chăn nuôi mất giá, tạo ra nguồn cung ứng đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng, lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Toàn tỉnh hiện có 9 trang trại nuôi heo có liên kết sản xuất với Công ty CP, CJ, sản lượng ước đạt mỗi lứa là 19.700 con; 105 trang trại nuôi gia cầm có liên kết sản xuất với Công ty CP, Emivest, Vietlight, Japfa, GreenFeed và Bình Minh, sản lượng ước đạt mỗi lứa trên 3.000 triệu con, tăng 5% số lượng trại so cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 25/99 cơ sở đang nuôi thủy sản có liên kết sản xuất với 57,24ha (chiếm 17,2% tổng diện tích nuôi), sản lượng ước đạt gần 17.600 tấn; 81/207 cơ sở đang nuôi lồng/bè có liên kết trong sản xuất (chiếm 39,1% tổng số cơ sở nuôi), ước sản lượng có liên kết đạt 8.460 tấn.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tăng cường liên kết trong hoạt động chăn nuôi; nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

NGUYÊN KHANG

 

Thành phố Hà Tĩnh có mô hình nuôi chồn hương quy mô lớn

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT SNNPTNT Hà Tĩnh

Sau gần 1 năm triển khai mô hình nuôi chồn hương tại phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này trang trại đã nhân tổng đàn từ 70 con lên đạt 136 con , dự kiến tháng 7 tới sẽ cung ứng 10 cặp chồn giống baby cho khách hàng.

Chồn hương là một loài động vật hoang dã, các tập tính của loài thú này như ăn uống, phòng bệnh... sẽ gặp khó nếu không biết cách chăm sóc, phòng bệnh. Tuy nhiên mô hình nuôi chồn hương ở các tỉnh thành cũng dần hình thành bởi nếu gây nuôi thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ gia đình. Cơ cơ sở nuôi chồn hương của anh Trần Thanh Tiệp, ở tổ dân phố 8, phường Đại Nài là một ví dụ về trang trại chăn nuôi động vật rừng hiệu quả, quy mô lớn nhất tại TP Hà Tĩnh.

 

 

Trang trại chăn nuôi chồn hương của anh Trần Thanh Tiệp

Anh Tiệp chia sẻ: Nhận thấy chồn hương là loài vật nuôi đem lại lợi nhuận kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi nên sau một thời gian đi học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi chồn từ Bắc vào Nam, đầu năm 2023, tôi đã mạnh dạn đăng ký với cơ quan chức năng để được phép nuôi. Sau khi được cấp phép, tôi đã đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại trên diện tích hơn 300 m2, thả 70 con chồn hương giống. Từ đó đến nay, chồn sinh trưởng phát triển tốt, thích nghi với môi trường, khí hậu ở Hà Tĩnh.

Theo anh Tiệp cho biết thì nuôi chồn hương chí phí lớn nhất là con giống, rồi đến đầu tư chuồng trại, còn về nguồn thức ăn không quá tốn kém, vì có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như chuối, thịt gà, cá...; giá bán chồn hương cao và không tốn nhiều thời gian chăm sóc nên người nuôi sớm thu hồi được vốn và cho lãi cao.

Tại trang trại nuôi chồn của anh Tiệp, chuồng nuôi được thiết kế dạng lồng sắt, cao khoảng 70 cm, rộng khoảng 1 m2 tuy vòa số lượng nuôi nhốt. Lồng sắt được bố trí trên giá đỡ cách nền từ 0,5-0,6m để đảm bảo thông thoáng, chống ẩm thấp và tiện cho việc vệ sinh chuồng trại. Chuồng được phân chia thành các khu riêng biệt: khu nuôi cá thể, khu nuôi các cặp chồn đực và chồn cái sinh sản, khu nuôi chồn sơ sinh,... Tùy vào từng giai đoạn phát triển, anh Tiệp sẽ nhốt chồn trong lồng theo tỷ lệ 1-2 hoặc nhiều con.

“Sau gần 1 năm chăn nuôi chúng tôi cũng đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và đang cố gắng cho chồn sinh sản. Trong tổng số 70 con, có 20 con đực và 50 con cái. Nhờ được chăm sóc tốt nên sau gần 1 năm nuôi, đã nhân số lượng lên 136 con, dự kiến tháng 7 này cấp cho bà con thành phố và vùng lân cận 10 cặp chồng giống baby. Hiện tại, 1 cặp chồn baby bán với giá 10 – 12 triệu, chồn đực chiến 30 triệu/con, chồn cái sinh sản 15 – 20 triệu/ con.”. anh Tiệp cho biết thêm.

Cũng theo kinh nghiệm nuôi chồn hương của anh Tiệp, cái khó nhất trong nuôi chồn hương là khi bị ốm sẽ không có thuốc điều trị. Do đó, khâu quan trọng nhất là hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng, môi trường trong lành, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ, tránh ánh nắng mặt trời rọi thẳng trực tiếp. Người nuôi chồn phải am hiểu được đặc tính của loài mới thành công được.

Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân Hà Tĩnh cũng đã mạnh dạn đầu tư, học tập kỹ thuật để nuôi nhốt loài thú này tại các trang trại, hộ gia đình. Quá trình nuôi cho thấy, giá trị kinh tế chồn hương đem lại cực kỳ lớn. Việc nuôi thành công loài thú hoang dã này còn mở ra hướng đi mới trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi của thành phố Hà Tĩnh theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị kinh tế từ các giống vật nuôi mới.

Ông Trần Trọng Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh cho hay: “Hiện nay nhu cầu chồn rất lớn, còn thức ăn của chồn trên địa bàn phường rất đa dạng, dồi dào, từ trứng gà, cá, chuối bà con đều cung ứng được và an toàn. Quỹ đất phát triển mô hình trên địa bàn phường còn khá nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động bà con trên địa bàn đến tham quan, học hỏi, đăng ký cấp phép nuôi nếu có nhu cầu; từng bước nhân rộng mô hình trên địa bàn, góp phần đa dạng vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.”.

Nguyễn Hoàn

 

Phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững: Ứng dụng công nghệ, quy hoạch phân khu, bảo đảm môi trường

 

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Trước xu hướng chăn nuôi theo mô hình trang trại ở Bình Dương đang ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ cao và quy hoạch phân khu rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư an tâm cũng như bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Song song đó, việc xử lý các trang trại gây ô nhiễm môi trường cũng cần kiên quyết, kịp thời để tạo sức răn đe.

Chăn nuôi xa khu dân cư

Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (huyện Phú Giáo), cho biết để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, địa phương đã lập khu quy hoạch chăn nuôi tại ấp 6 của xã. Hưởng ứng chủ trương này, một số hộ đã xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi và chấp hành nghiêm các quy định, trong đó có việc bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

 

Trang trại nuôi gà lạnh ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Đinh Ngọc Khương, xã An Bình, huyện Phú Giáo đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi, không ảnh hưởng đến môi trường

Trao đổi với P.V, ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Phú Giáo có trên 200 cơ sở, trang trại chăn nuôi được phân thành 3 cấp để kiểm tra, xử lý về môi trường.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo, đối với 10 xã của địa phương đã chọn những khu đất xa khu dân cư để lập khu tập trung trang trại chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Phú Giáo đã kiểm tra và phát hiện, lập biên bản xử lý 10 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực môi trường.

Ngoài Phú Giáo, một trong những địa phương hiện nay phát triển khá nhanh về mô hình chăn nuôi trang trại là huyện Dầu Tiếng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết hiện trên địa bàn có khoảng 100 trang trại lớn nhỏ.

Tính đến giữa tháng 4-2024, trên địa bàn tỉnh có 150 trang trại gà. Tổng đàn gà có hơn 8.364.500 con; 80 trang trại vịt với 852.900 con; 264 trang trại heo với tổng đàn hơn 710.000 con, tăng hơn 6.700 con so với tháng 3. Có 1 trang trại chăn nuôi bò sữa với 458 con.

Để môi trường sống của người dân được bảo đảm, chính quyền địa phương đã đề nghị một số chủ hộ chăn nuôi di dời trang trại đến vị trí thích hợp. Song song đó, huyện Dầu Tiếng đã chọn xã Minh Thạnh làm nơi quy hoạch, phân khu tập trung trang trại chăn nuôi. Tại khu vực chăn nuôi ở địa phương này, các chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn.

“Thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tiếp tục mở rộng quy hoạch, phân khu trang trại chăn nuôi tại các khu vực xa khu dân cư ở một số xã còn lại. Việc hình thành các khu trang trại phải thuận tiện về cơ sở hạ tầng giao thông để người dân dễ dàng lưu thông hàng hóa. Từ đó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế trang trại, tạo công ăn việc làm cho người dân ở vùng nông thôn”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm.

Phát triển theo hướng bền vững

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh có nhiều chuyển biến đáng mừng. Việc này đã góp phần vào tăng trưởng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh. Với việc đa dạng loại hình kinh tế chăn nuôi đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc đô thị hóa, các khu dân cư tập trung đòi hỏi các chủ trang trại phải bảo đảm về môi trường trong quá trình hoạt động.

Cũng theo ông Trần Phú Cường, hiện nay mô hình nông nghiệp ứng dụng chuồng trại kín, trại lạnh trong chăn nuôi heo và gà đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là ở các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên. “Định hướng chăn nuôi trong thời gian tới của tỉnh là chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc phát triển chăn nuôi theo định hướng này của tỉnh có yếu tố bền vững; môi trường sống quanh khu vực chăn nuôi sẽ được bảo đảm hơn”, ông Trần Phú Cường nhấn mạnh.

Việc phát triển các trang trại chăn nuôi hứa hẹn đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết theo quy định, trang trại chăn nuôi được chia thành hai loại. Đối với trang trại chăn nuôi công nghiệp có quy mô lớn thuộc tỉnh quản lý thì chủ đầu tư phải lập hồ sơ để tỉnh phê duyệt, cấp phép hoạt động. Trong đó, hồ sơ giấy phép BVMT phải bảo đảm các quy định.

Đối với trang trại chăn nuôi theo hộ gia đình thuộc cấp huyện quản lý, theo dõi, kiểm tra, xử lý. “Để việc phát triển kinh tế trang trại có tính bền vững, hiện nay các huyện cũng đã quy hoạch lại vùng chăn nuôi an toàn. Động thái này tạo thêm điều kiện cho người chăn nuôi phát triển kinh tế gắng với việc BVMT”, ông Trần Thanh Quang cho biết thêm.

Ông Ngô Công Lý, Phó Chánh Thanh tra môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thời gian qua đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại các trang trại chăn nuôi, qua đó đã phát hiện, lập biên bản xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Cũng theo ông Ngô Công Lý, Thanh tra môi trường tỉnh đang tiếp nhận công văn kiến nghị kiểm tra công tác BVMT ở các trang trại, cơ sở chăn nuôi của một số huyện. Hiện đơn vị đang thống kê, rà soát lại danh sách để phân loại trang trại thuộc thẩm quyền kiểm tra của cấp huyện hay tỉnh. Sau đó sẽ lập đoàn kiểm tra, xử lý đối với những trang trại xả thải làm ảnh hưởng đến môi trường.

THANH QUANG

 

Khởi nghiệp từ nuôi ong

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tiếp tục thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” gắn với khâu đột phá “hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp sáng tạo”, những năm gần đây, tại thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) có nhiều mô hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Các mô hình khởi nghiệp của hội viên phụ nữ đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, bền vững, truyền cảm hứng cho các chị em vươn lên làm giàu chính đáng. Một trong những gương điển hình là chị Trương Thị Thuy ở khu phố 2, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, khởi nghiệp với mô hình nuôi ong lấy mật, đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, lập gia đình và làm kinh tế riêng nhưng thu nhập chỉ trông chờ vào việc cạo mủ cao su thuê, vì vậy cuộc sống của chị Thuy gặp rất nhiều khó khăn. Với ý chí, quyết tâm cùng sự năng động dám nghĩ, dám làm, năm 2015, chị Thuy đã đầu tư mua 100 thùng ong mật về nuôi. Nhờ cần cù, vợ chồng chị Thuy đi học hỏi kinh nghiệm nuôi ong ở nhiều nơi, lên các trang mạng để tìm hiểu thêm về kỹ thuật, nên mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình chị phát triển nhanh. Theo chị Thuy, nuôi ong phải am hiểu tập tính của nó, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào. Ngoài ra, muốn đàn ong phát triển mạnh, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật hoa gì... Hiện nay, gia đình chị Thuy đang nuôi, cho khai thác hơn 300 thùng ong mật. Trung bình mỗi năm gia đình thu khoảng 30 tấn mật ong, tạo việc làm thời vụ cho 7 lao động địa phương… Trừ các khoản chi phí, gia đình chị Thuy thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.

 

 

Chị Trương Thị Thuy ở khu phố 2, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành khởi nghiệp với mô hình nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế cao

Chị Thuy chia sẻ: “Nghề nuôi ong không khó, nhưng phải đam mê với nghề và chăm sóc ong đúng cách. Muốn ong cho sản lượng mật cao, trong năm phải di dời đến những vùng có nhiều hoa như cà phê, tràm, nhãn... để mật đạt chất lượng, bán ra thị trường có giá cao. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tăng đàn lên 400-500 thùng ong để có thu nhập cao hơn”.

Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Thuy còn là hội viên nhiệt tình, sôi nổi trong các phong trào hội, đoàn thể ở địa phương; thường xuyên giúp đỡ, tặng quà người dân hoàn cảnh khó khăn. Chị Thuy được hội viên phụ nữ ở địa phương quý mến bởi sự hòa đồng, thân thiện, giỏi giang và là tấm gương điển hình về tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị DƯƠNG THỊ NGỌC YẾN, Chủ tịch Hội LHPN phường Minh Hưng: “Chị Thuy luôn nhiệt tình trong các phong trào của hội và ở địa phương. Đặc biệt, chị còn tích cực ủng hộ công tác từ thiện - nhân đạo, giúp đỡ người dân hoàn cảnh khó khăn. Chị thực sự là tấm gương của tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và giàu lòng nhân ái, xứng đáng để nhiều người noi theo”.

Với mô hình nuôi ong lấy mật đang cho hiệu quả kinh tế cao, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Chơn Thành đã kết nối với chị Thuy để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các hội viên khác, những người yêu thích mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp thêm niềm tin, động lực giúp phụ nữ vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội.Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành Mạc Thị Thanh Bình cho biết: “Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp phát triển rất mạnh ở các cơ sở hội. Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã đã hỗ trợ hàng trăm phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp bằng cách cho vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm... Nuôi ong lấy mật của chị Thuy là một trong những mô hình mang lại lợi ích kinh tế cao, đặc biệt là đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần vào công cuộc chuyển đổi xanh. Đây là mô hình được chọn để chuẩn bị thi phong trào phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động”.

Đỗ Trình

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop