Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 18 tháng 01 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 18 tháng 01 năm 2023

 

 

Trái cây tăng giá, nhà vườn phấn khởi

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Gần đây, giá nhiều loại trái cây tại vùng ÐBSCL đã tăng mạnh so với trước và việc tiêu thụ khá thuận lợi nên nhà vườn rất phấn khởi. Ðầu ra xuất khẩu có nhiều thuận lợi khi Trung Quốc mở cửa thị trường, nhu cầu tiêu thụ nhiều loại trái cây tại thị trường nội địa cũng tăng khi bước vào cận Tết Nguyên đán 2023.

 

 

Thu hoạch chôm chôm tại vườn của chị Lê Hồng Mai.

Giá tăng mạnh

Giá nhiều loại trái cây như nhãn, chôm chôm, bưởi, mít, thanh long, sầu riêng… đều có xu hướng tăng so với tháng trước. Ðáng chú ý, giá sầu riêng đã tăng rất mạnh, với mức tăng ít nhất từ 15.000-25.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 2-3 tuần. Gần đây, giá sầu riêng hạt lép Ri 6 được nông dân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 90.000-100.000 đồng/kg, còn sầu Mỏn Thon (sầu riêng hạt lép, giống Thái Lan) ở mức 95.000-110.000 đồng/kg. Ðây là mức giá cao nhất trong nhiều tháng qua. Giá sầu riêng tăng cao do nguồn cung hạn chế và nhu cầu sầu riêng phục vụ xuất khẩu tăng mạnh, nhất là khi sầu riêng nước ta đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Thời điểm này, các vườn sầu riêng có trái thu hoạch chủ yếu là sầu riêng được nông dân xử lý cho ra trái rải vụ nghịch mùa nên nguồn cung không được dồi dào.

So với cách nay gần 1 tháng, mít Thái, bưởi da xanh và nhiều loại chôm chôm cũng tăng mạnh từ 10.000-18.000 đồng/kg. Ngày 8-1, giá mít Thái loại 1 tại nhiều địa phương ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với trước. Còn bưởi da xanh hàng tuyển lựa loại 1 tại nhiều địa phương được nhà vườn bán cho thương lái và các cơ sở thu mua bưởi với giá lên đến 35.000-37.000 đồng/kg. Giá chôm chôm Java từ ở mức chỉ 10.000 đồng/kg, nay đã lên ở mức 28.000 đồng/kg nhờ được đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, giá chôm chôm nhãn được nông dân bán ra ở mức từ 26.000-30.000 đồng/kg trở lên, còn chôm chôm Thái Loại 1 có giá lên đến 44.000 đồng/kg.

Hiện nay, giá nhiều loại nhãn như tiêu da bò, Ido… cũng đã tăng ít nhất từ 2.000-8.000 đồng/kg so với trước. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh như Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… nhãn tiêu da bò được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái ở mức 10.000-12.000 đồng/kg, nhãn Tuấn Kiệt ở mức 18.000-19.000 đồng/kg. Còn giá nhãn Ido tại nhiều nơi từ mức 21.000-26.000 đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng ở mức 40.000 đồng/kg. Theo tiểu thương kinh doanh trái cây, giá nhiều loại trái cây có khả năng còn tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới do nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và tiêu thụ trong nước tăng vào dịp Tết Nguyên đán 2023.

Nhà vườn phấn khởi

Những ngày qua, hoạt động mua bán nhiều loại trái cây tại vùng ÐBSCL khá sôi động nhờ đầu ra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi khi nước này không còn thực hiện chính sách Zero COVID. Nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đặt hàng, thu mua trái cây của nhà vườn để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cao tại thị trường nội địa vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, giá bán nhiều loại trái cây được cải thiện rõ nét và có đầu ra thuận lợi, nhà vườn trồng những loại cây ăn trái này rất phấn khởi.

Ông Trần Văn Út, nông dân trồng mít Thái tại xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhà vườn rất vui khi hay tin Trung Quốc mở cửa thị trường và các cơ sở thu mua mít xuất khẩu đã tăng thu mua mít, tạo điều kiện cho phục hồi mạnh trở lại. Với giá hiện nay, người trồng mít Thái đã có thể kiếm sống, chứ giá mít mà ở mức thấp như nhiều tháng qua, nhà vườn gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhiều thời điểm của năm 2021 và 2022, giá mít chỉ ở mức từ 2.000-12.000 đồng/kg”. Chị Lê Hồng Mai, nhà vườn trồng chôm chôm ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Thời gian qua, giá phân bón và các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng nhưng giá chôm chôm lại ở mức thấp, nhà vườn gặp khó khăn. Do vậy, nhà vườn rất phấn khởi khi gần đây giá chôm chôm đã tăng mạnh trở lại và năng suất trái cũng đạt khá cao, trồng chôm chôm đảm bảo có lời. Tôi có 4 công vườn trồng chôm chôm Java và chôm chôm nhãn, vụ chôm chôm này năng suất đạt hơn 2 tấn/công”. Theo Chị Huỳnh Thị Thủy, Chủ vựa thu mua chôm chôm Thủy ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, hiện nay việc tiêu thụ chôm chôm và các loại trái cây nhiều thuận lợi so với năm trước nhờ dịch COVID-19 ở nước ta được kiểm soát tốt. Ðặc biệt, gần đây Trung Quốc đã mở cửa thị trường và tăng nhập khẩu nhiều loại trái cây của nước ta, trong đó có chôm chôm. Bên cạnh đó, chôm chôm cũng đang xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều nước ở châu Âu, cũng như được tiêu thụ mạnh tại nội địa, nhất là tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội… Theo anh Trần Hoàng Ngân, chủ một cơ sở thu mua sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại huyện Chợ Lách, mỗi ngày cơ sở thu mua được 5-10 tấn sầu riêng nhưng con số này là vẫn còn khá ít so với nhu cầu tiêu thụ. Bởi nhu cầu sầu riêng phục vụ xuất khẩu là rất lớn, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm này nguồn cung sầu riêng khá hạn chế vì bước vào nghịch mùa. Dù vậy, nông dân cần thận trọng, không nên “neo hàng” chờ giá tăng thêm vì mức giá hiện tại đã quá cao.

Việc giá nhiều loại trái cây đang tăng là tín hiệu rất tích cực nhưng rõ ràng vẫn còn đó những nỗi lo về giá trái cây có thể giảm trở lại, nhất là đối với những loại trái cây tiêu thụ dạng tươi thô và chưa mở rộng nhiều thị trường xuất khẩu. Thực tế cho thấy, vẫn có một số loại trái cây có giá bán còn rất thấp và nhà vườn vẫn gặp nhiều khó khăn.

PV

 

Thu tiền tỷ nhờ trồng chanh dây xuất khẩu

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và canh tác theo hướng sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vườn chanh dây của ông Nguyễn Văn Minh (tổ 3, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) luôn cho năng suất, chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Năm 2018, ông Minh bắt đầu làm quen với cây chanh dây. Thời gian đầu, do ông chưa nắm được quy trình kỹ thuật, thuộc tính của loại cây trồng mới này nên năng suất, hiệu quả mang lại không cao. Không nản lòng, ông Minh đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc chanh dây theo hướng sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Sau một thời gian mày mò, đúc rút kinh nghiệm chăm sóc, vườn chanh dây của gia đình ông bắt đầu cho “quả ngọt”. Ông Minh cho biết: “Trước đây, gia đình chủ yếu trồng dưa hấu, mía. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây khá phù hợp với cây chanh dây nên tôi quyết định chuyển đổi dần sang trồng loại cây này. Lúc mới bắt đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi, áp dụng đúng quy trình chăm sóc cây chanh dây bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với những cây trồng khác”.

 

 

Nhờ sản xuất theo hướng sạch nên vườn chanh dây của ông Nguyễn Văn Minh luôn đạt năng suất cao. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Minh, làm nông nghiệp trước tiên phải sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Do đó, ngoài áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp bón phân cho hơn 1,1 ha chanh dây, ông còn chú trọng quản lý sâu bệnh hại bằng các loại thuốc trừ sâu sinh học. Đặc biệt, ông còn làm ra thuốc diệt trừ côn trùng gây hại cho vườn cây từ hỗn hợp ớt, gừng, tỏi, sả. Nhờ vậy, vườn chanh dây của gia đình luôn đạt năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước châu Âu, được thương lái đến tận nơi để thu mua.

“Làm chanh dây sạch để xuất khẩu sang châu Âu không khó, quan trọng là mình phải chọn được giống đạt chất lượng, bón phân cân đối và đặc biệt phải quản lý được sâu bệnh hại. Bên cạnh sử dụng thuốc trừ sâu tự ủ, tôi còn dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học khác như nano bạc, nano đồng… để luân phiên phun cho vườn cây khoảng 7-10 ngày/lần nhằm đạt hiệu quả cao hơn, tránh bị lờn thuốc. Vụ chanh dây năm vừa rồi, tôi thu được khoảng 70 tấn, trong đó có khoảng 70-80% đạt tiêu chuẩn đi châu Âu với giá 35-38 ngàn đồng/kg, số còn lại bán xô với giá 14-15 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi lãi trên 1 tỷ đồng. Nếu giá chanh dây giữ ổn định như hiện nay thì ít loại cây trồng nào trên địa bàn cho lợi nhuận cao hơn. Dự kiến năm nay, tôi mở rộng trồng thêm khoảng 1 ha chanh dây”-ông Minh phấn khởi cho hay.

Hiện nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đak Pơ đang chuyển một số diện tích mía, rau màu kém hiệu quả sang trồng chanh dây. Ông Minh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm canh tác chanh dây theo hướng sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất đi châu Âu cho các hộ có nhu cầu. Ông cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm tìm nguồn giống chanh dây chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, cây chanh dây mới du nhập vào địa bàn huyện vài năm trở lại đây với tổng diện tích khoảng vài chục héc ta. Mô hình trồng chanh dây theo hướng sạch, đạt tiêu chuẩn xuất đi châu Âu của ông Minh khá thành công. Đây sẽ là mô hình điểm để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mới đây, ông Minh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022. “Thời gian tới, dựa vào bản đồ thổ nhưỡng, chúng tôi sẽ quy hoạch vùng trồng chanh dây để định hướng người dân sản xuất phù hợp với từng vùng. Đồng thời, tập trung quản lý tốt nguồn giống, nhất là làm việc với các công ty để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ giống, đầu vào đến bao tiêu đầu ra”-ông Hiệp cho hay.

NGUYỄN QUANG

 

Nông dân trồng bưởi mất mùa Tết

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

 

Thị trường Tết Nguyên đán, các mặt hàng trái cây có múi, đặc biệt là trái bưởi luôn sốt giá vì nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Theo đó, mọi năm, từ vài tháng trước Tết, thương lái đã đổ xô về các nhà vườn đặt bưởi Tết.

 

 

Thu hoạch bưởi tại xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu.

Nhưng Tết năm nay, đến tháng cận Tết, giá mặt hàng này vẫn ổn định ở mức dưới 10 ngàn đồng/kg, thấp hơn so với giá thành sản xuất. Từ sau rằm tháng chạp, giá bưởi dần hồi phục tăng lên mức 20-25 ngàn đồng/kg với giống bưởi da xanh ruột hồng; bưởi đường lá cam, đặc sản riêng của cù lao Tân Triều thuộc xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) có mức giá từ 400-700 ngàn đồng/chục tùy loại. Mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với Tết năm ngoái.

Theo nông dân trồng bưởi, từ đầu năm đến nay, giá bưởi thường ở mức dưới giá thành sản xuất khiến nông dân trồng bưởi rơi vào cảnh thua lỗ. Trong khi đó, chi phí phân, thuốc lại tăng cao nên nhiều nhà vườn thiếu vốn đầu tư, chăm sóc nên vụ thu hoạch Tết năm nay, sản lượng bưởi không bằng mọi năm. Tuy nhiên, do sức mua trên thị trường giảm mạnh vì ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế khiến nông dân trồng bưởi Tết không còn đạt lợi nhuận khủng như trước.

Phan Anh

 

Chư Pưh phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Huyện Chư Pưh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển sản xuất các loại cây ăn quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 407 ha sầu riêng, 302 ha bơ, 125 ha nhãn và 1.073 ha cây ăn quả khác. Đầu năm 2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với UBND xã Ia Rong, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây sầu riêng, bơ, nhãn. Tham gia mô hình, 24 hộ trồng sầu riêng tại xã Ia Rong thành lập 1 tổ hợp tác với diện tích 21 ha; 69 hộ trồng nhãn tại xã Ia Hla thành lập 4 tổ hợp tác với diện tích 24,1 ha; 11 hộ trồng bơ tại thị trấn Nhơn Hòa thành lập 1 tổ hợp tác với diện tích 15,6 ha. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phân tích và kiểm nghiệm mẫu đất, nước và sản phẩm trên cây ăn quả; hỗ trợ đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 256,1 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ.

 

 Ông Hồ Sỹ Quang (bìa trái) và ông Hồ Sỹ Chương trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

 

Ông Hồ Sỹ Quang (bìa trái) và ông Hồ Sỹ Chương trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

Ông Hồ Sỹ Chương (làng Ia Sâm, xã Ia Rong) cho hay: Năm 2017, khi vườn hồ tiêu già cỗi, ông chuyển đổi sang trồng sầu riêng với diện tích hơn 1,6 ha. Năm 2022, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch được hơn 7 tấn. “Khi được huyện hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi rất phấn khởi. Sau gần 1 năm triển khai, vườn cây phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh gây hại. Dự kiến năm nay, gia đình thu được khoảng 20 tấn sầu riêng”-ông Chương chia sẻ.

Theo ông Hồ Sỹ Quang-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ia Sâm: Các thành viên trong tổ hợp tác thường xuyên sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm với nhau theo phương châm “Người biết nhiều chỉ cho người biết ít” để cùng phát triển và xây dựng thương hiệu sầu riêng. Các tổ viên đã nhận thức rõ việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, từng bước lập lại cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Hiên-Tổ trưởng tổ hợp tác trồng bơ thị trấn Nhơn Hòa-cho biết: Sau khi cây hồ tiêu chết, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó có cây bơ. Tuy nhiên, do người dân sản xuất theo hướng tự phát nên năng suất, chất lượng chưa đảm bảo, việc tiêu thụ sản phẩm cũng bấp bênh. Khi tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân đã dần thay đổi phương thức canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ, bón phân theo đúng từng giai đoạn phát triển của cây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. “Hy vọng sau khi được chứng nhận VietGAP, tiến tới làm các thủ tục để cấp mã số vùng trồng, giá trị sản phẩm bơ sẽ được nâng lên, hướng đến xuất khẩu, giúp người dân có thu nhập cao hơn”-ông Hiên kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Thời gian gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, phương thức canh tác còn hạn chế, không có sổ sách theo dõi hoạt động sản xuất, hàng hóa chưa có nhãn mác, sản phẩm sau khi thu hoạch bán tự do cho thương lái nên giá cả bấp bênh; khu vực đất canh tác, nguồn nước tưới chưa được đánh giá về mức độ ô nhiễm và hàm lượng độc tố; sản phẩm sau thu hoạch chưa có đánh giá về chất lượng, chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm… Do đó, việc triển khai quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là rất cần thiết. Sản xuất nông nghiệp an toàn đang là hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã cấp giấy chứng nhận VietGAP và con dấu cho các nhóm nông hộ trồng sầu riêng, bơ, nhãn. Đây là cơ sở pháp lý để các tổ hợp tác duy trì, mở rộng sản xuất và liên hệ tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia xây dựng các nhóm nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng diện tích sản xuất theo hướng VietGAP trên cây ăn quả và các loại cây trồng khác. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với xây dựng mã vùng, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm”-ông Khánh thông tin thêm.

LÊ NAM

 

Cận Tết, giá rau xanh đột ngột giảm sâu

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

 

Khoảng nửa tháng trước Tết Nguyên đán 2023, giá các loại rau xanh, nhất là rau ăn lá tại các vùng trồng rau trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đột ngột giảm sâu.

 

 

Giá rau xà lách gai bán tại vườn ở xã Xuân Hiệp, H.Xuân Lộc hiện chỉ còn từ 3-5 ngàn đồng/kg

Nông dân trồng rau vụ đông xuân thua lỗ vì giá rau bán tại vườn có mức thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất; nhất là hiện nay chi phí phân, thuốc đội lên rất nhiều so với trước. Cụ thể, các loại rau ăn lá như cải ngọt, mồng tơi, rau dền... có giá từ 4-6 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, rau xà lách, loại rau thường bán được với mức vài chục ngàn đồng/kg bất ngờ rớt giá chỉ còn 3-5 ngàn đồng/kg, chỉ bằng 1/3 giá bán của tháng trước.

Nguyên nhân do vụ đông xuân là chính vụ có điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây rau phát triển nên năng suất các loại rau thường tăng gấp đôi, gấp ba so với vụ rau mùa mưa. Đây là mùa nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đều trồng được các giống rau xà lách. Nguồn cung đột ngột tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ rau vụ Tết năm nay chậm hơn mọi năm khiến rau xanh rớt giá.

Phan Anh

 

Bắc Ninh: Làng trồng lá dong hối hả vào vụ Tết

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh

 

Nổi tiếng với nghề trồng lá dong gói bánh chưng, người dân ở làng Hữu Ái (xã Giang Sơn, huyện Gia Bình) những ngày này đang hối hả vào vụ thu hoạch, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2023.

Về thôn Hữu Ái những ngày giáp Tết, chúng tôi bị cuốn hút bởi màu xanh mướt của vùng trồng lá dong lớn nhất trong tỉnh này. Càng đi sâu vào làng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều khu nhà vườn trồng lá dong san sát. Nhà ít cũng trồng một vài sào, nhà nhiều tới một vài mẫu. Dọc đường làng những ngày này, dễ dàng để bắt gặp hình ảnh người dân phân loại và thương lái đến tận nơi thu mua lá.

Tất bật chuyển những bó lá dong từ ruộng lên, bó cẩn thận chờ tiểu thương đến thu mua, bà Lương Thị Chiều, thôn Hữu Ái phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có truyền thống trồng lá dong từ vài chục năm nay. Hiện, gia đình tôi trồng khoảng 5.000m2 lá dong. Năm nay thời tiết thuận lợi, lá dong to và đẹp nên được các thương lái từ khắp nơi về thu mua, giá cả cũng cao hơn so hai năm trước có dịch. Một bó lá dong loại đẹp với khoảng 100 tàu được bán với giá 85-90 nghìn đồng, loại 2 và 3 bán với giá khoảng 70 nghìn đồng và 50 nghìn đồng”.

Để thu hoạch lá dong, người dân sử dụng dao bổ cau cắt cuống lá sát gốc để ra tháng Giêng những lá non vẫn mọc được. Ngoài ra, những lá nào xấu không thể bán được người dân cũng cắt tỉa bớt. Lá dong sau khi được cắt từ vườn về sẽ được người nông dân phân loại tỉ mỉ theo 3 loại với những kích thước khác nhau từ to đến nhỏ, sau đó sẽ được thu mua và vận chuyển bằng xe tải đến các tiểu thương hoặc những người mua lẻ. Sau khi thu hoạch xong, người dân ở đây chỉ cần tỉa rễ, bón phân, chờ vụ mùa tiếp theo. Theo người dân địa phương, việc trồng lá dong không mất quá nhiều công chăm sóc. Đây cũng là nguồn thu nhập ổn định hằng năm của người dân trong làng.

 

 

Gia đình bà Lương Thị Chiều phấn khởi thu hoạch lá dong phục vụ gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán 2023.

Lá dong là một loại cây trồng có từ lâu đời ở làng Hữu Ái, hiện cả thôn có khoảng 60-70% hộ vẫn trồng lá dong chủ yếu trên đất vườn, đất ở của người dân với tổng diện tích khoảng hơn 46 ha. Cây lá dong cho thu hoạch quanh năm. Ngày thường, lá dong được cắt bán phục vụ gói xôi, gói bánh nếp... còn vụ chính là Tết Nguyên đán phục vụ gói bánh chưng. Theo những người dân nơi đây thì lá dong Hữu Ái là lá dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài, dễ phân biệt với loài dong rừng. Lá dong Hữu Ái gói bánh chưng sẽ cho màu xanh mướt tự nhiên, rất bắt mắt. Bên cạnh đó, còn giúp tăng thêm hương vị cho mỗi chiếc bánh, giúp bánh thơm, rền và lâu bị thiu, hỏng. Điều đặc biệt là lá dong Hữu Ái rất đều, chiều dài 50cm - 60cm, chiều rộng 25cm-35cm. Vì giống lá đặc biệt nên nhiều người dân ở khắp nơi cũng tìm về lấy giống, thế nhưng, khi trồng trên các vùng đất khác, lá dong không đạt được chất lượng như khi trồng ở Hữu Ái.

Ông Trần Văn Anh, Chi Hội trưởng Hội Nông dân thôn Hữu Ái chia sẻ: “Lá dong không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người dân thôn Hữu Ái mà loài lá ấy còn gợi nhớ về Ngày Tết cổ truyền có lá dong để gói bánh chưng xanh, nhắc nhớ về một truyền thống đẹp của người Việt. Đó cũng chính là một trong những lý do rất nhiều người dân nơi đây vẫn gắn bó với loài lá này qua hàng chục năm”.

Về tới Hữu Ái hôm nay, nhìn lá dong, nhìn những màu xanh trên mọi nẻo đường làng, hình ảnh người già, người trẻ tấp nập thu hoạch lá dong khiến chúng tôi như thấy ngày Tết cổ truyền đang cận kề với những niềm vui phơi phới.

N.Quân

 

Nhộn nhịp mùa kiệu Tết

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

 

Về huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, những ngày này không khí thu hoạch, buôn bán củ kiệu khá nhộn nhịp từ ngoài đồng đến trong nhà, dưới bến sông…

 

 

Nhờ trúng giá kiệu nên chủ ruộng trả tiền công người nhổ kiệu thuê cao hơn bình thường.

Hòn Đất là một trong những vùng chuyên canh rau màu lớn của tỉnh Kiên Giang. Do đó càng cận Tết, không khó để gặp cảnh người dân tất bật chăm sóc rau màu như hành, hẹ, cải và đặc biệt là không khí rộn ràng, nhộn nhịp thu hoạch củ kiệu phục vụ thị trường Tết.

Tại xã Mỹ Thuận - nơi được xem là thủ phủ kiệu của huyện Hòn Đất và tỉnh Kiên Giang, có tổng diện tích kiệu khoảng 12ha. Dù chi phí trồng kiệu khá cao, từ 30-40 triệu đồng/công nhưng năm nay được mùa, trúng giá, hút hàng nên tiểu thương ở các chợ Rạch Giá, Hòn Đất vào tận ruộng thu mua kiệu với 25.000 đồng/kg. Những hộ dân trồng kiệu cho biết giá này cao gấp đôi so với những năm trước nên ai cũng phấn khởi. “Để cung ra thị trường Tết năm nay, gia đình tôi trồng 7 công kiệu, năng suất trung bình khoảng 3,5-4 tấn/công. Với năng suất và giá như hiện nay, mỗi công kiệu lời khoảng 30 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Hiếu, ở xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, cho biết.

Bà Trần Thị Nhanh, ở thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, cho biết giá kiệu năm nay làm bà con ai cũng vui, chứ mấy năm trước mỗi công chỉ lời hơn 10 triệu đồng. Giá cao, hút hàng nên các thương lái phải tranh thủ đặt cọc sớm mới có kiệu bán Tết. “Mấy hôm trước thấy giá kiệu lên, tôi nhận cọc tại ruộng 19.000 đồng/kg nhưng lái trả luôn 21.000 đồng/kg. Tôi tính giá vậy là tốt lắm rồi không ngờ kiệu lại tiếp tục tăng. Tuy nhận giá vậy nhưng 3 công kiệu của gia đình tôi cũng lời khoảng 90 triệu đồng” - bà Nhanh nói.

Vui theo chủ ruộng, những người làm nghề nhổ kiệu thuê tại thủ phủ kiệu Hòn Đất cũng có thu nhập cao hơn so với những năm trước. Bà Lê Kim Hên ở xã Mỹ Thuận, cho hay: “Mấy hôm nay, khoảng 2 giờ khuya, tôi và nhiều bạn nghề bắt đầu ra đồng nhổ kiệu thuê. Do giá kiệu năm nay khá tốt nên chủ ruộng cũng tăng tiền công, mỗi giờ chủ ruộng trả 25.000 đồng/người, tính ra mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng”.

Ông Trần Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận, chia sẻ: Năm 2022 diện tích trồng kiệu của xã Mỹ Thuận đạt khoảng 12ha. Ngoài các mô hình kinh tế khác như trồng lúa, khoai môn, mô hình trồng kiệu đạt hiệu quả cao. Hiện nay, giá kiệu khoảng 25.000 đồng/kg lấy tại ruộng, mức giá này nông dân lời khoảng 30 triệu đồng/công, gấp 10 lần so với trồng lúa. “Thời gian tới mong ngành chức năng quan tâm, có hướng để củ kiệu đạt chứng nhận VietGAP nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận, phát triển bền vững mô hình kinh tế này” - ông Trần Hữu Ngọc nói.

Bài, ảnh: HIẾU THUẬN

 

Rau quả xuất khẩu: Tiềm năng rộng mở năm 2023

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

 

Trái ngược với những tháng đầu năm 2022 khi nhiều thị trường hầu như đóng băng vì dịch bệnh COVID-19, những tháng cuối cùng của năm, ngành rau quả đã chứng kiến cú "chạy nước rút" với tăng trưởng mạnh mẽ từ nhiều thị trường mới.

 

 

Sầu riêng được làm sạch để đóng gói xuất khẩu - Ảnh minh họa

Xuất khẩu rau quả tăng tốc vượt mốc 3 tỷ USD

Rau quả lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng vì chính sách "Zero Covid" nên cho đến tháng 7/2022, ngành rau quả vẫn chỉ ghi nhận giá trị xuất khẩu âm so với cùng kỳ 2021. Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này giảm tới 17,3% với kim ngạch 1,7 tỷ USD.

Ngành hàng rau quả bắt đầu ghi nhận tăng trưởng dương năm 2022 vào tháng 8 với con số khá ấn tượng, tăng tới 19,7% so với cùng kỳ 2021. Những tháng tiếp theo đó, xuất khẩu mặt hàng này liên tục tăng trưởng dương. Nhờ vậy, đến hết năm 2022, xuất khẩu rau quả vẫn kịp vượt mốc 3 tỷ USD khi đạt 3,365 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với năm 2021.

Với việc giảm mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngành rau quả lại chứng minh sức sống bền bỉ khi tình hình dịch bớt căng thẳng và đã tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều thị trường khác như Mỹ (tăng 14,4% trong 11 tháng năm 2022), Hàn Quốc (tăng 14,1%), Thái Lan (tăng 19,7%), Nhật Bản (tăng 7,3%), Hà Lan (tăng 47,2%), Australia (tăng 5,5%)…

Rau quả là một trong số ít những ngành hàng tăng trưởng âm so với năm 2021 của ngành nông nghiệp, tuy nhiên ngành hàng này vẫn đón nhận nhiều tin vui từ việc mở cửa thị trường cho nhiều chủng loại trái cây chủ lực.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết trong năm 2022, diện tích cây ăn quả đã đạt 1,21 triệu ha, tăng 41.300 ha; sản lượng khoảng 18,68 triệu tấn. Sản lượng và chất lượng hầu hết các cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, như: Xoài 1,022 triệu tấn, tăng 2,25%; thanh long trên 1,197 triệu tấn, giảm 13,7%; bưởi 1,1 triệu tấn, tăng 6,73%; vải 376.000 tấn, tăng 1,2%; sầu riêng 836.300 tấn, tăng 24,1%; dứa trên 738.000 tấn, tăng 1,65%; chuối 2,48 triệu tấn, tăng 5,5%.

Nhiều tiềm năng tăng trưởng năm 2023

Năm 2022, thị trường Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho sầu riêng Việt Nam. Ngay sau khi mở cửa chính ngạch, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc đã đứng ở vị trí thứ 2 về giá trị xuất khẩu trong nhóm các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt chỉ riêng trong tháng 10/2022, giá trị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu USD, tăng hơn 4.000% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đã tăng tới 91,5% so với cùng kỳ 2021. Trung Quốc cũng cấp thêm 37 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam trong những tháng cuối năm.

Cũng trong năm 2022, Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho khoai lang Việt Nam; trái bưởi Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ; Nhật Bản mở cửa cho quả nhãn Việt Nam, quải chanh xanh được xuất khẩu sang New Zealand… Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam trong những năm tới.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành NN&PTNT ngày 13/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết để thúc đẩy xuất khẩu, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu sản xuất để nâng tầm nông sản Việt; xây dựng chính sách thúc đẩy thương mại biên giới, chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch; đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng số lượng các mặt hàng nông lâm thủy sản được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường, nhất là Trung Quốc.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản; thực hiện có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cuối năm đối với trái cây khá lớn.

Hiện nay, việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu. Cùng với đó, việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan.

Ông Lê Thanh Hòa nhấn mạnh: "Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, Bộ NN&PTNT rất mong doanh nghiệp ngành rau quả tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường".

Đỗ Hương

 

Đa dạng các loại nông sản phục vụ thị trường tết Nguyên đán

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng

 

Từng rẫy màu xanh tốt được trồng ngay hàng thẳng lối, phủ khắp các cánh đồng chuyên canh cây màu trên địa bàn xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tạo cảm giác nhẹ nhàng, thư thái khi có dịp đi ngang qua. Cây màu ở đây rất phong phú và đa dạng, như hành lá, hẹ lá, hẹ bông, ớt, bắp cải ve nhưng chiếm số lượng nhiều nhất phải kể đến là bắp cải, bông cải, bởi đây là loại nông sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất trong những ngày Tết. Do đó, thường vào dịp tết Nguyên đán là hộ dân trồng màu tại các địa phương sẽ tăng diện tích trồng 2 loại nông sản này, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong ngày Tết.

 

 

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mở rộng diện tích trồng bắp cải để cung ứng thị trường tết Nguyên đán năm 2023. Ảnh: THÚY LIỄU

Trong buổi sáng trời se lạnh của những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán năm 2023, chúng tôi tìm đến xã Tham Đôn - nơi được ví như “thủ phủ” của các loại rau màu được trồng chuyên canh của huyện Mỹ Xuyên. Dẫn chúng tôi tham quan diện tích trồng bông cải của gia đình, ông Kiên Ril, ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn bộc bạch: “Tôi trồng màu theo hình thức chuyên canh, trong những ngày thường tôi trồng chủ yếu các loại rau ăn lá, nào là hẹ lá, hành lá, rau cải ăn lá các loại. Riêng dịp tết Nguyên đán hàng năm, tôi chuyển một phần diện tích đất sang trồng súp lơ trắng (cây bông cải), bởi đây là loại màu được người tiêu dùng tìm mua nhiều nhất trong dịp Tết dành cho chế biến các món ăn trong gia đình, đặc biệt bông cải bảo quản được lâu hơn một số loại rau màu khác nên phù hợp cho người tiêu dùng mua để dành ăn dần trong mấy ngày Tết”.

Cũng theo lời ông Kiên Ril, ông đã có hơn 30 năm canh tác màu nên hầu hết các loại màu ông đều trồng đạt năng suất tốt, đặc biệt với cây bông cải được ông Ril chọn trồng để bán trong dịp tết Nguyên đán năm 2023. Với bông cải đòi hỏi người trồng phải nắm vững các quy trình kỹ thuật canh tác, bởi cây bông cải trồng thường có nhiều loại sâu bệnh tấn công như: rầy mềm, bệnh phấn trắng, bọ trĩ, thối đen… các bệnh trên phải phòng ngừa trong quá trình cây sinh trưởng để đảm bảo sâu bệnh không tấn công thân cây, làm ảnh hưởng đến năng suất bông sau thu hoạch, nhất là giai đoạn cây ra bông. Cây bông cải trồng khoảng 70 - 80 ngày đã cho thu hoạch, do đó, để đảm bảo số lượng bông cải bán đúng vào ngày 25 - 27 Tết, nông dân phải canh thời gian gieo trồng cho phù hợp.

Hiện với 4 công bông cải được ông Ril trồng, sau thu hoạch ước năng suất 8 tấn, nếu giá bán bông cải 9.000 đồng/kg như cùng kỳ Tết năm 2022, trừ chi phí ông Ril bỏ túi số tiền lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.

Thêm một loại nông sản thị trường ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất trong ngày Tết phải kể đến là bắp cải. Nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng nên dịp tết Nguyên đán hàng năm, anh Tăng Hoàng Diện, ấp Trà Mẹt, xã Tham Đôn chuyển đổi cây màu trồng ngày thường là cải xanh, cải ngọt… sang trồng bắp cải, với diện tích 4 công. Hiện tại, số lượng bắp cải trồng trên rẫy màu đã vào bắp, trọng lượng mỗi bắp tầm 1,5kg và dự kiến 27 Tết sẽ thu hoạch toàn bộ diện tích rẫy bắp cải cung ứng ra thị trường, ước sản lượng 8 tấn/4 công, trừ chi phí lợi nhuận thu về hơn 32 triệu đồng.

Anh Tăng Hoàng Diện tâm tình: "Tôi trồng màu hàng chục năm qua, tuy cực nhưng cây màu cho thu nhập thường xuyên và ổn định, đặc biệt là vụ màu Tết hầu hết hộ dân đều trông mong cây màu có giá bán cao hơn ngày thường, để tăng thêm lợi nhuận trong năm. Riêng với gia đình tôi, thông qua việc trồng bắp cải bán dịp Tết đã góp phần giúp tôi tích lũy số tiền đáng kể và dành một phần tiền ăn Tết ấm no, đủ đầy".

Ngoài bông cải, bắp cải được hộ dân trồng để cung ứng thị trường tết Nguyên đán thì cây hẹ bông cũng được hộ dân trồng nhiều tại “thủ phủ” màu của xã Tham Đôn. Ông Danh Văn Thanh, ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn là hộ chọn cây hẹ bông trồng bán trong dịp Tết thông tin, Tết năm 2022 ông chọn trồng bắp cải, bắp cải ve để bán trên thị trường, nhưng Tết năm nay ông trồng cây hẹ bông, bởi hẹ bông trong mấy tháng gần đây có giá rất tốt, có thời điểm giá bán lên đến 42.000 đồng/kg. Hiện tại, ông trồng 3 công hẹ bông, hẹ đang trong giai đoạn thu hoạch bông, cứ 3 ngày thu hoạch bông hẹ một lần, số lượng 50kg/lần cắt. Riêng trong tháng Tết, số lượng hẹ cung cấp thị trường hơn 400kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Bên cạnh hẹ bông, ông còn xen canh ớt chỉ thiên trong rẫy hẹ để bán dịp Tết, số lượng ớt thu về trong tháng Tết ước hơn 500kg, đem lại lợi nhuận hơn chục triệu đồng.

 

 

Ông Danh Văn Thanh, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thông tin, trong vụ màu Tết năm 2023, ông trồng hẹ bông xen canh ớt chỉ thiên sẽ đem lại số tiền hàng chục triệu đồng cho gia đình trong vụ màu Tết. Ảnh: THÚY LIỄU

Nếu như bông cải, bắp cải, thị trường Tết cần số lượng lớn, thì dưa hấu cũng là loại nông sản được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết. Dưa hấu ngoài dùng làm món ăn tráng miệng còn là loại quả dùng chưng Tết được nhiều người dân ưa chuộng nên nhà nhà đều mua dưa hấu vào dịp Tết. Là hộ trồng dưa hấu bán Tết trong nhiều năm qua, ông Trần Si Na, phường 7, thành phố Sóc Trăng cho biết: “Tôi đã xuống giống hơn 5 công dưa hấu để bán trong dịp Tết. Hiện dưa hấu đã đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg, khoảng 25 Tết là có dưa bán ra thị trường, sau 60 ngày xuống giống. Theo tôi nhận định, giá dưa hấu Tết năm 2023 sẽ tốt hơn so cùng kỳ năm trước, vì thời điểm này thương lái đã tìm đến tận ruộng đặt cọc mua dưa nhưng tôi chưa đồng ý bán, đợi đến gần Tết sẽ bán theo giá thị trường. Diện tích trồng dưa hấu hơn 5 công, ước sản lượng dưa thu hoạch là 16 tấn, nếu giá dưa hấu 6.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 100 triệu đồng".

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích màu trên địa bàn tỉnh là 39.000ha, trong đó, diện tích trồng màu phục vụ thị trường Tết hơn 2.400ha, tăng 10 - 15% so cùng kỳ, với diện tích màu Tết xuống giống tại các địa phương, sẽ đáp ứng dồi dào nguồn nông sản cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán năm 2023. Để đảm bảo năng suất, chất lượng các loại nông sản sau thu hoạch, bà con nông dân cần tăng cường quan tâm chăm sóc nông sản bằng cách cung cấp đủ nước cho cây màu, phòng ngừa các loại sâu bệnh, dịch hại trên cây màu, đặc biệt là bón phân cân đối, tránh bón thừa phân đạm. Khuyến cáo bà con nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học trên các loại cây trồng, nhằm giảm chi phí đầu tư và an toàn sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng.

THÚY LIỄU

 

Heo rừng lai tăng giá, hút hàng dịp tết

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

Trong khi các loại gia súc, gia cầm thông thường đang mất giá, tiêu thụ chậm thì giá heo rừng lai lại hút hàng, tăng giá trong dịp tết.

Cũng như mọi năm, năm nay, thị trường heo rừng lai đã bắt đầu hút hàng từ khá sớm. Theo ông Nguyễn Văn Được ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), mùa tết năm nay, trại heo gia đình ông có 30 con heo thịt để cung cấp cho thị trường. Từ đầu tháng 11/2022, phần lớn số heo này đã được các quán ăn, nhà hàng đặt cọc; số còn lại cũng sẽ chở đi khi giáp tết.

Những ngày qua, trại nuôi heo rừng lai của gia đình ông Phùng Diệp Luân ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cũng có nhiều khách đến mua nhưng không còn heo bán. Ông Luân cho biết: Trại heo gia đình tôi có 6 heo nái sinh sản. Mỗi năm đẻ được 2-2,5 lứa, toàn bộ số heo con đều giữ lại nuôi thịt. Heo được nuôi theo hình thức bán hoang dã, thức ăn chủ yếu là chuối cây, rau, cỏ… nên tốc độ tăng trọng chậm. Mỗi lứa heo xuất chuồng phải mất khoảng 8 tháng nuôi và trọng lượng khi xuất chuồng chỉ đạt khoảng 12-15kg/con. Vì không cho ăn cám công nghiệp nên chất lượng thịt heo thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện lứa heo tết đã được bán hết.

Chính vì nhu cầu tiêu thụ tăng trong khi nguồn cung không nhiều nên giá heo rừng lai tăng mạnh. Hiện heo rừng lai đang bán tại trại với giá 130.000 đồng/kg hơi, tăng hơn 30.000 đồng/kg. Theo ông Luân, đây là giá trại bán cách đây 1 tháng, chứ giáp tết chắc giá còn tăng hơn nữa.

Để mua được heo rừng lai cho mâm cỗ ngày tết, nhiều người tranh thủ đặt cọc từ những tháng trước. Bà Trần Thị Mười ở phường 3 (TP Tuy Hòa) cho biết: Với quan niệm, đầu năm mới ăn thịt heo rừng sẽ đem lại nhiều may mắn và sức khỏe nên tết năm nào tôi cũng đặt mua 1 con để làm cỗ và sử dụng trong những ngày tết.

Còn bà Lê Thị Hoàng Oanh ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho hay, năm nay con cháu tôi ở TP Hồ Chí Minh về quê ăn tết nên tôi muốn mua heo rừng lai để chiêu đãi. Vậy mà, mấy ngày qua, tôi liên lạc một số trại đặt mua nhưng đều không còn. Giờ phải nhờ người quen tìm mua trên Sông Hinh, Sơn Hòa may ra mới có.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc nuôi heo rừng lai đã hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay, nhưng phát triển đàn khá chậm vì nhiều yếu tố như: cần diện tích đất chăn nuôi rộng, con giống khan hiếm... Do nguồn cung ít nên giá heo rừng lai luôn ổn định ở mức 100.000 đồng/kg hơi, riêng dịp tết nhu cầu tăng nên giá tăng theo.

SƠN CA

 

Thấp thỏm ngành chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

 

Năm 2022, ngành chăn nuôi dần khôi phục, phát triển. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn thấp thỏm trước những biến động của thị trường, trong bối cảnh sản phẩm chăn nuôi đang chịu cảnh mất giá, còn giá thức ăn thì vẫn ở mức cao.

 

 

Năm 2022, người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi giá bán gia súc giảm sâu và khó tiêu thụ. Ảnh chụp tại xóm Pheo, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn).

Trong 2 năm (2020 - 2021) và đầu năm 2022, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp nhiều khó khăn. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát đã tạo điều kiện cho lĩnh vực chăn nuôi phục hồi và phát triển. Theo đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt 3,87 nghìn tỷ đồng, tăng 6,24% so với cùng kỳ. Đến nay, tổng đàn trâu trong tỉnh có trên 114.500 con, đàn bò gần 90 nghìn con, đàn lợn trên 481,7 nghìn con, đàn dê 52 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 9,7 triệu con. Năm qua, sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại gia súc, gia cầm đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi tương đối ổn định nhưng vẫn lẻ tẻ xuất hiện một số loại dịch bệnh nguy hiểm như: tụ huyết trùng trên trâu, bò, dịch tả lợn châu Phi, với thiệt hại trên 8 tỷ đồng.

Hơn 2 năm trở lại đây, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện Lạc Thủy được coi là điểm sáng trong phát triển chăn nuôi. Với kinh nghiệm đúc kết nhiều năm và những giải pháp được cấp ủy, chính quyền, người chăn nuôi triển khai kịp thời, chăn nuôi trên địa bàn huyện được duy trì và phát triển. Đến hết năm 2022, đàn gia cầm trong huyện có 1,46 triệu con, đàn trâu 5.400 con, đàn bò 6.300 con, đàn lợn 61.000 con, đàn dê 8.000 con và 12,6 nghìn đàn ong. Trên địa bàn huyện hiện có 5 HTX chăn nuôi, 19 trang trại và 250 gia trại. Các HTX, trang trại, gia trại giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Trong năm 2022, người chăn nuôi nói chung trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Đặc biệt, giá bán các sản phẩm chăn nuôi thế mạnh của huyện như gà Lạc Thủy có thời điểm giảm mạnh, khiến người chăn nuôi bị thua lỗ. Trâu, bò tiêu thụ khó khăn, giá bán giảm mạnh so với những năm trước.

Đồng chí Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chia sẻ: Mặc dù ngành chăn nuôi đã có sự phục hồi và phát triển nhưng người chăn nuôi vẫn gặp không ít khó khăn. Trong năm 2022, giá đầu vào giảm chậm, trong khi giá sản phẩm đầu ra biến động liên tục theo hướng giảm nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi quy mô nhỏ. Cùng với đó là công tác phối hợp, trao đổi thông tin về phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của một số địa phương chưa được quan tâm. Do đó, khi dịch bệnh động vật xảy ra còn chậm cập nhật tình hình ổ dịch, chưa báo cáo kịp thời theo quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Một số địa phương xảy ra ổ dịch bệnh động vật nhưng không có báo cáo dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành. Công tác tiêm phòng vật nuôi vẫn hạn chế do còn thiếu về kinh phí và nhân lực.

Như vậy, có thể thấy mặc dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro do biến động của thị trường. Những ngày đầu năm 2023, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thấp thỏm mong chờ thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dịp Tết sẽ "ấm” dần. Hi vọng, những tín hiệu mở cửa từ các thị trường tiêu thụ lớn sẽ giúp ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong năm 2023.

Viết Đào

 

Yên Bái: Hiệu quả mô hình vỗ béo bò thịt ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải

Nguồn tin: Báo Yên Bái

 

Triển khai từ tháng 3 đến tháng 9/2022, mô hình vỗ béo bò thịt tại 2 xã vùng cao của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải (Yên Bái) cho kết quả tăng trọng tốt, hiệu quả kinh tế cao.

 

 

Các đại biểu và người dân tham quan mô hình vỗ béo bò thịt ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải.

Có sự quan tâm, giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã tiến hành triển khai mô hình "Vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học”. Thông qua thực hiện, các hộ tham gia thiết thực nâng cao thu nhập gia đình và là những nhân tố góp phần nhân rộng mô hình ra cộng đồng.

Mục tiêu của mô hình là xây dựng được 2 mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải với quy mô 62 con, 20 hộ tham gia và tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu quy mô 61 con, 20 hộ tham gia; khối lượng cơ thể tăng trung bình với bò loại thải - 750 gam/con/ngày, với bò thịt vỗ béo - 850 gam/con/ngày; 100% hộ tham gia nắm được quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; có trên 10 hộ nhân rộng mô hình.

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã phối hợp, tiến hành rà soát, ưu tiên điểm triển khai là các xã đang xây dựng nông thôn mới, có chính sách và quy hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc. Xã Khao Mang và xã Xà Hồ được lựa chọn bởi đáp ứng các tiêu chí của dự án đề ra. 40 hộ tham gia đáp ứng các yêu cầu cụ thể: có bò đúng đối tượng để đưa vào vỗ béo; chưa áp dụng đúng quy trình vỗ béo; cam kết tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật; chưa nhận hỗ trợ bất kỳ nguồn kinh phí nào từ ngân sách Nhà nước cho thực hiện nuôi vỗ béo bò và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.

Dự án triển khai tại địa bàn khó khăn nên mức hỗ trợ của Nhà nước là 100% vật tư, phần còn lại người dân tự đối ứng về rơm, dạ, trấu… để ủ phân xử lý chất thải. Mức hỗ trợ của Nhà nước cho 1 con bò vỗ béo là 270 kg thức ăn hỗn hợp, 1 liều thuốc nội ký sinh trùng, 1 liều thuốc ngoại ký sinh trùng và 0,75 lít chế phẩm vi sinh.

Sau 3 tháng nuôi bò loại thải vỗ béo trong mô hình tại xã Khao Mang, bình quân tăng trọng 779 gam/con/ngày, cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 18% và bò thịt vỗ béo trong mô hình đạt 884 gam/con/ngày, cao hơn ngoài mô hình khoảng 22,5%; tại xã Xà Hồ, nuôi bò loại thải vỗ béo trong mô hình tăng trọng 796 gam/con/ngày, cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 19% và bò thịt vỗ béo trong mô hình đạt 884 gam/con/ngày, cao hơn ngoài mô hình khoảng 21,5%.

Kết quả cho thấy hiệu quả của việc áp dụng, thực hiện đúng quy trình của dự án. Các hộ chuyển dần từ chăn nuôi tự phát, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình về cách phối trộn thức ăn, cho ăn, chế biến dự trữ thức ăn, xây dựng khẩu phần ăn, cho ăn phù hợp giúp tăng trọng nhanh, xuất bán đúng thời điểm... Các hộ tham gia mô hình cũng đã thực hiện tốt việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, góp phần khuyến khích các hộ xung quanh đồng loạt áp dụng các biện pháp xử lý môi trường.

Theo tính toán, mô hình có những ưu điểm so với sản xuất đại trà: đối với bò loại thải vỗ béo, bình quân 2 xã tăng trọng đạt 787,5 gam/con/ngày, hiệu quả kinh tế tăng 18,5% so với nuôi vỗ béo tự phát tại địa phương chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; đối với bò thịt vỗ béo, bình quân tăng trọng đạt 881,5 gam/con/ngày, hiệu quả kinh tế tăng 22% so với nuôi vỗ béo bò thịt tự phát tại địa phương chưa áp dụng các tiến bộ kỹ thuật.

Chăn nuôi bò áp dụng quy trình vỗ béo trung bình ở cả 2 xã tăng 20,3% so với chăn nuôi bò không áp dụng quy trình vỗ béo và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học; bò thịt nuôi vỗ béo tăng trọng nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với vỗ béo bò loại thải. Bò vỗ béo có hình thức đẹp, bắt mắt nên được các thương lái ưa chuộng, dễ tiêu thụ.

Nhờ tham gia tập huấn kỹ thuật, các hộ đã biết cách tẩy giun, sán và tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định nên đàn bò không có dịch bệnh xảy ra, đạt yêu cầu của dự án đồng thời từng bước áp dụng mở rộng chăn nuôi vỗ béo bò thịt ở địa phương. Từ quy mô hỗ trợ ban đầu 123 con, 40 hộ tham gia ở 2 xã, sau thời gian triển khai đã nhân rộng thêm 24 con, 12 hộ tham gia.

Triển khai từ tháng 3 - 9/2022, mô hình vỗ béo bò thịt cho kết quả tăng trọng tốt, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã giúp cho các hộ dân chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh, tăng khối lượng và chất lượng sản phẩm thịt, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường đồng thời góp phần tuyên truyền, nhân rộng ra đại trà.

Nguyễn Thơm

 

Sức hút ‘lợn ăn lá khoai, nhai cây chuối’ dịp Tết

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

 

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện còn duy trì chăn nuôi những giống lợn có xuất xứ tại địa phương với chất lượng thịt thơm ngon. Đây cũng là đặc sản được nhiều người "săn” mỗi dịp Tết đến.

 

 

Giống lợn đen bản địa được nuôi nhiều ở các khu vực vùng cao trên địa bàn tỉnh. Ảnh chụp tại xã Thạch Yên (Cao Phong).

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh đang chăn nuôi khoảng 30 nghìn con lợn bản địa. Trong 22 giống lợn bản địa của Việt Nam được công bố, trên địa bàn tỉnh có 2 giống lợn, gồm lợn Mán và lợn Bản. Trong đó, lợn Mán được nuôi ở các huyện: Cao Phong, Kỳ Sơn cũ (nay là TP Hòa Bình), Tân Lạc, Đà Bắc, Kim Bôi. Giống lợn này có tầm vóc nhỏ, mặt nhỏ, mõm dài, thân hình thanh săn, mình ngắn, tai nhỏ, dựng đứng, lưng thẳng hoặc hơi võng. Lợn Bản phân bố ở các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Đà Bắc. Hai giống lợn nói trên đều có lông và da màu đen hoặc đen tuyền, chăn nuôi theo hướng thịt lợn đặc sản.

"Lợn ăn lá khoai, nhai cây chuối” hút khách dịp Tết

Nhiều năm qua, các giống lợn Mán, lợn Bản được nuôi nhiều ở các địa phương, nhất là khu vực vùng cao, nơi có lợi thế về bãi chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên. Mấy năm gần đây, chăn nuôi lợn bản địa đã có những bước tiến với sự ra đời của các hợp tác xã (HTX). Như ở huyện Mai Châu, năm 2018, HTX chăn nuôi lợn đen Mường Pa được thành lập tại xóm Báo, xã Bao La (Mai Châu). Được biết, bà con người Thái ở Mường Pa đã duy trì chăn nuôi lợn đen bản địa qua nhiều thế hệ nên lưu giữ được nguồn gen lợn quý. Từ xưa, bà con người Thái lên rừng, lên nương gùi lá dướng, lá khoai môn, thân cây chuối về trộn với sắn, ngô cùng nước suối Xia để nấu cám cho lợn ăn. Nhờ đó thịt lợn đen Mường Pa thơm ngon, mỡ và bì giòn, không ngấy. Bà con nơi đây vẫn lưu truyền bí quyết nuôi lợn đen qua câu đúc kết: "Lợn đen Mường Pa ăn lá khoai, nhai cây chuối, cuối tháng bán tạ tư”.

Với sự thành lập của HTX, nghề nuôi lợn đen ở Mường Pa phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo chia sẻ của ông Hà Thế Nhiên, Giám đốc HTX: Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên, đến nay tăng lên 17 thành viên và liên kết với gần 150 hộ vệ tinh tại các xã: Cun Pheo, Xăm Khòe, Bao La (Mai Châu). Mỗi năm, HTX đã cung cấp ra thị trường trên 50 tấn lợn thương phẩm. Với đầu ra và giá bán ổn định, nuôi lợn đen mang lại thu nhập bình quân cho thành viên chính thức khoảng 30 triệu đồng/tháng/hộ, hộ vệ tinh đạt khoảng 15 triệu đồng/tháng/hộ.

Với hiệu quả kinh tế cao, nuôi lợn bản địa được chú trọng mở rộng ở một số huyện, trong đó có huyện Đà Bắc. Giống lợn Mán được nuôi phổ biến ở huyện vùng cao này. Đây là giống lợn có tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm, mỗi con lợn nuôi phải 1 năm hoặc 2 - 3 năm mới xuất bán nên thịt chắc, thơm ngon. Do đó giá thành của những con lợn này khá cao, chủ yếu được người dân bán cho thương lái vào mỗi dịp lễ, Tết.

Nâng cao giá trị giống lợn bản địa

Để phát triển chăn nuôi lợn bản địa, khâu bảo tồn nguồn gen rất quan trọng. Đối với lợn đen Đà Bắc, trong giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh đã phối hợp Bộ NN&PTNT triển khai dự án "Thành lập ngân hàng gen đông lạnh các giống lợn bản địa Việt Nam và phát triển hệ thống chăn nuôi lợn bền vững để bảo vệ đa dạng sinh học” tại 6 xã. Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, lợn đen Đà Bắc là giống lợn nội, được nuôi dưỡng lâu đời theo hình thức thả rông. Giống lợn này có giá trị kinh tế cao nhưng trước đây, việc nuôi giống lợn này mang tính tự cung, tự cấp, chưa trở thành hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua dự án trên đã có 6 tổ hợp tác và 1 HTX chăn nuôi lợn bản địa được thành lập. Chăn nuôi lợn bản địa có những bước phát triển mới trên địa bàn huyện Đà Bắc.

Mới đây, sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh (Đà Bắc) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện. Chị Hà Thị Tâm, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi con giống được chọn lọc kỹ lưỡng, đủ tiêu chuẩn được nuôi thành lợn thương phẩm. Trung bình mỗi lứa lợn nuôi từ 7 tháng - 1 năm, thức ăn chủ yếu là cây chuối trộn với ngô, sắn nấu thành cám. Vì vậy, thịt lợn bản địa có mùi thơm, ngậy nhưng không béo. Ngoài 17 thành viên chính thức, HTX đã liên kết với hàng chục hộ dân để đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường, nhất là trong dịp Tết.

Trước những tiềm năng phát triển của chăn nuôi lợn bản địa, cuối tháng 10/2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, xây dựng liên kết ngành hàng lợn bản địa. Theo thống kê, toàn tỉnh có 14 HTX chăn nuôi sản phẩm lợn bản địa với quy mô 4.500 con/năm. Dự kiến năm 2023, quy mô 5.500 - 6.000 con. Tại hội nghị này, Các HTX chăn nuôi lợn bản địa trên địa bàn tỉnh đã thống nhất thành lập Liên hiệp HTX lợn bản địa Hòa Bình. Qua đó tạo thành chuỗi liên kết phát triển bền vững mô hình chăn nuôi lợn bản địa. Liên hiệp HTX lợn bản địa Hòa Bình sẽ liên kết với Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam để mở rộng, xây dựng, bảo vệ thị trường.

Viết Đào

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop