Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 19 tháng 4 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 19 tháng 4 năm 2024

 

Phát triển sầu riêng đạt chuẩn OCOP

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Làm nông nghiệp quy mô lớn, với giống và quy trình canh tác chuẩn để cho ra những sản phẩm có chất lượng đồng đều hiện là hướng đi của nhiều hội viên nông dân. Và Câu lạc bộ (CLB) trồng sầu riêng phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đang chuẩn bị các điều kiện hướng tới mục tiêu xây dựng sản phẩm sầu riêng đạt chuẩn OCOP.

Chăm sóc sầu riêng trước thu hoạch

CLB trồng sầu riêng phường Minh Thành hiện có 7 thành viên, với quy mô khoảng 15 ha. Là một trong những thành viên có diện tích trồng sầu riêng với quy mô lớn nhất CLB, anh Hoàng Đình Cường ở khu phố 4, phường Minh Thành có gần 10 ha sầu riêng Thái và Ri6. Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình anh bắt đầu thu trái bói.

 

 

Anh Hoàng Đình Cường chia sẻ, thời điểm cây sầu riêng ra bông, người trồng phải quan sát bón phân, tạo mầm, xịt thuốc phù hợp để bông không bị rụng

Anh Cường chia sẻ: Trồng các giống sầu riêng Thái và Ri6 có lợi thế thụ phấn chéo mà không cần cách làm thủ công như các vườn sầu riêng chỉ trồng một loại. Tuy nhiên, người trồng phải có kiến thức cơ bản về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới có thể tổng hợp các cách làm để tích lũy kinh nghiệm. Và vì thổ nhưỡng, khí hậu mỗi nơi mỗi khác nên không thể làm giống nhau. Thời điểm ra bông, người trồng phải quan sát bón phân, tạo mầm, xịt thuốc để bông không bị rụng. Năm đầu tiên để trái, phải tính toán theo lực của cây. Nếu cây khỏe, lượng bông đủ thì để khoảng 30 trái, còn cây yếu thì để một vài trái, năm sau mới làm trái chính thức.

Chỉ có 3 sào với 30 cây sầu riêng Thái và Ri6, nhưng mỗi năm ông Đỗ Văn Tiền, Phó Chủ nhiệm CLB trồng sầu riêng phường Minh Thành thu hoạch trung bình khoảng 2 tấn trái. Năm 2023, gia đình ông thu 3 tấn, bán với giá 62.000 đồng/kg.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Tiền trồng 8 năm và đã thu hoạch được 2 năm. 2024 là năm thứ 3 gia đình ông có sầu riêng thu hoạch. Xử lý trái vụ nên vườn sầu riêng luôn có trái bán sớm với giá cao. Ông Tiền cho biết: Để xử lý cây ra bông, ra trái, đầu tiên phải giữ cơi đọt, xử lý bộ lá cho đẹp, xịt thuốc trừ sâu, rầy, rệp sáp. Trước khi ra trái, mỗi gốc cây bón 5kg lân, sau 1 tuần bón thêm 0,7kg kali trắng. 1 tháng sau xịt tạo mầm, xịt 1 tuần/lần và xịt 3 lần, sầu riêng sẽ ra mắt cua. Khi cây ra trái phải xịt thuốc dưỡng. Mùa mưa xịt rầy xanh, mùa nắng xịt bệnh nhện đỏ ở lá. Sầu riêng phải giữ bộ lá cho đẹp, lá phải có màu xanh đậm. Bộ lá đẹp quyết định cây sầu riêng thành công 50%.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Anh Cường cho biết, các thành viên CLB canh tác theo quy trình hữu cơ. Đất, nước được kiểm tra trước, trong và sau thời gian trồng. Phân bón cho vườn sầu riêng là phân hữu cơ tự ủ, còn thuốc xử lý sâu bệnh đều sử dụng thuốc hữu cơ. Thuốc hữu cơ giá thành tuy cao nhưng cho chất lượng sản phẩm như ý, đảm bảo sức khỏe người trồng và cả người tiêu dùng. Muốn đạt năng suất thì từ khi ra nhụy khoảng 1 tháng phải bón phân 3 số để thịt trái không bị sượng và các hộc múi nở đều.

Theo ông Tiền, sầu riêng Ri6 dễ đậu trái và sau 95 ngày là có thể thu hoạch, còn sầu riêng Thái từ khi đậu trái đến lúc thu hoạch là 105 ngày và có giá bán cao hơn. Khoảng giữa tháng 5 trở đi, giống sầu riêng Ri6 của gia đình ông Tiền bắt đầu cho thu hoạch. Đây là thời điểm đầu mùa nên ông kỳ vọng giá bán sẽ cao hơn.

Với mục đích hỗ trợ hội viên nông dân có đầu ra ổn định, năm 2023, Hội Nông dân phường đã tập hợp, quy tụ nông dân trồng sầu riêng thành lập CLB trồng sầu riêng để trao đổi kinh nghiệm, hướng đến xây dựng sản phẩm tiêu biểu cho địa phương. Hội Nông dân phường đã triển khai hướng dẫn các thành viên CLB xây dựng sản phẩm OCOP. Với hướng đi phù hợp, tin rằng thời gian tới sản phẩm sầu riêng sạch của các nông hộ trên địa bàn sẽ ngày càng vươn xa. (Ông TRƯƠNG MINH NGÀN, Chủ tịch Hội Nông dân phường Minh Thành, TX. Chơn Thành)

Để đảm bảo cây sầu riêng phát triển bền vững, ổn định đầu ra, thành viên CLB trồng sầu riêng phường Minh Thành đã và đang thực hiện canh tác theo phương pháp hữu cơ, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP. Qua đó tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và vì mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Ngọc Quế

 

Giá sầu riêng giảm mạnh

 

Nguồn tin: Báo Kiên Giang

Kiên Giang hiện vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng. Hiên giá thu mua sầu riêng đang giảm từ 60.000 - 70.000 đồng/kg so đầu vụ cách nay hơn 1 tháng.

Theo nhiều nông dân trồng sầu riêng huyện Giồng Riềng, đầu vụ sầu riêng năm 2024, thương lái vào vườn đặt cọc mua sầu riêng giá 115.000 - 180.000 đồng/kg. Khi vào vụ thu hoạch rộ, giá sầu riêng giảm còn 80.000 - 90.000 đồng/kg, hiện nay 65.000 đồng/kg.

Toàn huyện Giồng Riềng hiện có hơn 70ha sầu riêng gồm các giống Ri6, Mongthong và Musang King.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi Đặng Xuân Bách cho biết thời điểm đầu vụ, sầu riêng được thương lái tự do mua tại vườn giá khoảng 115.000 đồng/kg sầu riêng Ri6, sầu riêng Monthong khoảng 180.000 đồng/kg.

Hiện sầu riêng không còn sốt giá, nhưng với mức giá dao động từ 65.000 - 70.000 đồng/kg nhà vườn trồng sầu riêng vẫn có lời.

 

 

Tại xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng giá sầu riêng Ri6 giảm còn 65.000 đồng/kg.

Theo các nhà vườn, đầu vụ, thương lái săn đón sầu riêng mỗi ngày, chính vì vậy làm giá tăng mạnh. Khi sầu riêng vào vụ xảy ra tình trạng thương lái bỏ cọc, ép giá nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đầy, ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc, huyên Giồng Riềng cho biết đầu vụ nhà vườn ở đây bán được 120.000 - 130.000 đồng/kg sầu riêng Ri6, 180.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong. Hai ngày nay, giá sầu riêng Ri6 giảm chỉ còn 65.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong còn 110.000 đồng/kg.

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH

 

Lão nông Trần Văn Coi năng động làm giàu

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, ông Trần Văn Coi ở khu vực Long Hòa, phường Long Hưng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đang sở hữu vườn sầu riêng, nhãn Idor với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Coi còn hỗ trợ nhiều hội viên phát triển mô hình làm vườn có thu nhập ổn định. Năm 2023, ông Coi là 1 trong 100 gương điển hình tiêu biểu được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì đã có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2004-2024.

 

 

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, ông Trần Văn Coi có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Làm giàu từ cây nhãn

Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và liên kết trong sản xuất, ông Coi đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cây nhãn. Tiếp tôi trong căn nhà khang trang, ông Coi kể về quá trình lập nghiệp đầy gian nan, cơ cực của mình. Theo ông Coi, năm 1977, sau khi cưới vợ, ông được cha mẹ cho hơn 1,5ha đất ruộng. Ban đầu, theo tập quán sản xuất cũ, ông sạ lúa thường và sạ dày nên năng xuất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Để tăng thu nhập, ông Coi mua máy suốt lúa làm thuê. Công việc làm ăn thuận lợi, ông Coi dành dụm tiền mua được thêm 3ha ruộng. Ông Coi xác định làm nghề nông, muốn thành công phải ứng dụng KHKT vào sản xuất. Do đó, từ những ngày đầu lập nghiệp đến nay ông luôn bám sát Hội Nông dân để được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, các hội thảo về trồng trọt, chăm sóc lúa, cây ăn trái… Ông Coi cho biết: “Những năm 1977-1992, tôi trồng lúa 2 vụ/năm nhưng thu nhập không cao. Từ đó, tôi quyết định cải tạo 1,5 ha đất ruộng để trồng cây ăn trái cho đến nay”. Từ năm 1992, ông Coi trồng nhãn da bò. Qua 3 năm chăm sóc, vườn nhãn bắt đầu cho trái. Thời điểm đó, nhãn da bò có giá 20.000-25.000 đồng/kg, ông có thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2011-2013, cây nhãn da bò bị bệnh chổi rồng, ông Coi cải tạo vườn trồng lại cây trồng mới.

Năm 2014, ông Coi có dịp tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện Phong Điền cũng như các quận lân cận và biết được giống nhãn Idor có ưu điểm kháng được bệnh chổi rồng, năng suất cao và giá thành ổn định. Nắm bắt thời cơ, ông Coi đặt mua 100 nhánh nhãn Idor về trồng thử. Sau khi nhận cây giống, ông Coi đốn bỏ 3 công nhãn da bò để trồng nhãn Idor. Ông Coi chia sẻ: “Giai đoạn đầu, cây nhãn chậm phát triển một phần do bón phân, phun thuốc không đúng quy trình. Đối với cây nhãn Idor, khi ra đọt non phải phun thuốc sâu nhằm hạn chế sâu, rầy tấn công. Song song đó, phải bón phân theo định kỳ để cây tốt sẽ kháng được bệnh”. Với cách làm này, vườn nhãn của ông Coi phát triển xanh tốt. Năm 2016, vườn nhãn đã cho thu hoạch được hơn 2 tấn trái, bán với giá trên 30.000 đồng/kg.

Thấy trồng nhãn Idor có hiệu quả, năm 2016, ông Coi quyết định đốn bỏ 1,2ha vườn nhãn da bò còn lại để tiếp tục trồng nhãn Idor. Từ năm 2017 đến năm 2020, 1,5ha nhãn của ông Coi đã cho thu hoạch ổn định với năng suất từ 25-30 tấn/năm. Ông Coi cho biết: “Do nhãn Idor có ưu điểm hạt nhỏ, vỏ mỏng, cơm dày và giòn, ít nước, độ ngọt vừa phải, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình, 1kg nhãn có thể bán cho thương lái với giá 20.000 đồng”. Để cho cây nhãn xanh tốt, sau khi thu hoạch thì tiến hành tỉa cành, bỏ những cành già, tạo tán cho cây. Với diện tích 1,5ha trồng nhãn idor, ông Coi có thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, ông Coi đã đốn bỏ dần vườn nhãn idor kém hiệu quả để trồng sầu riêng.

Bén duyên với cây sầu riêng

Cuối năm 2020, ông Coi nhận thấy giá cả nhãn bấp bênh nên đốn bỏ 1,2ha nhãn, chuyển sang trồng sầu riêng. Ông chọn các giống sầu riêng Ri6, monthong với ưu điểm hạt lép và phẩm chất ngon hơn các giống sầu riêng thông thường. Ông Coi chia sẻ: “Để trồng sầu riêng đạt hiệu quả, tôi đi tham quan các mô hình trồng sầu riêng của những người đi trước và tham dự các lớp chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc sầu riêng. Từ những kiến thức đã học, kết hợp với kinh nghiệm bản thân, tôi ứng dụng các quy trình vào sản xuất nên sầu riêng phát triển xanh tốt”.

Qua gần 4 năm chăm sóc, đến nay vườn sầu riêng của ông Coi đang phát triển xanh tốt và đang cho trái. Hiện tại, mỗi cây sầu riêng ông Coi để từ 20-40 trái và mỗi trái bình quân nặng từ 1-2kg. Theo ông Coi, khoảng 1 tháng nữa sẽ thu hoạch sầu riêng và ước được hơn 7 tấn trái. Nếu giá từ 70.000-80.000 đồng/kg, ông Coi thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Theo ông Coi, đặc tính của cây sầu riêng là từ khi siết nước xử lý ra hoa đến khi thu hoạch là 6 tháng. Để cho sầu riêng ra trái sớm vụ, vào khoảng tháng 9-10 âm lịch là siết nước kết hợp với bón phân để cây ra hoa. Sau khi cây ra hoa phải bón phân, phun thuốc theo định kỳ để sầu riêng phát triển...

Ngoài huê lợi từ vườn cây ăn trái, ông Coi còn có 3ha đất trồng lúa. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, ông Coi tập trung chăm sóc vườn nên cho thuê 3ha đất trồng lúa với thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, cho biết: “Ông Trần Văn Coi là một trong những nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Ông đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, lựa chọn những cây ăn trái chất lượng cao để có thu nhập ổn định, bền vững. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Coi còn tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân phường phát động, như: hỗ trợ cất nhà tiền chế tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, bắc cầu và tham gia sửa chữa, giặm vá các tuyến đường giao thông bị xuống cấp…”.

Bài, ảnh: THANH THƯ

 

Trồng lúa theo hướng VietGAP tăng thu nhập cho nông dân

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Vụ Đông Xuân 2023-2024, huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thí điểm thành công mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP, với diện tích 12ha của 24 hộ dân trên địa bàn xã An Nhứt. Mô hình này mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, liên kết tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.

 

 

Lúa trồng theo hướng VietGAP giúp nông dân xã An Nhứt (huyện Long Điền) có lợi nhuận cao.

Ông Trần Minh Trí (ấp An Lạc, xã An Nhứt) canh tác lúa theo hướng VietGAP trên diện tích 8 sào. Tham gia mô hình, ông Trí được hỗ trợ 80kg giống Đài thơm 8, 4 bao phân và thuốc BVTV bằng sinh học. Sau khoảng 3 tháng, lúa đã cho thu hoạch gần 7 tấn, cao hơn so với canh tác truyền thống trước đây gần 2 tấn. Với giá bán tương đối ổn định như hiện nay và lúa được bao tiêu sản phẩm nên sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 20 triệu đồng, cao hơn 2-3 triệu đồng so với trước.

Ông Trần Minh Trí cho biết: “Khi tham gia mô hình trồng lúa theo hướng VietGAP, tôi thấy quy trình chăm sóc kiểm soát được lượng thuốc, phân, không tăng chi chí đầu vào. Lúa phát triển tốt, năng suất cũng cao hơn”.

Bà Dương Thị Cẩm Hồng cũng vừa thu hoạch 5 sào lúa Đài thơm 8 trồng theo hướng VietGAP với gần 5 tấn lúa. Theo bà Hồng, trồng lúa theo hướng VietGAP không làm tăng chi phí đầu tư. Các loại phân thuốc hóa học sử dụng trước đây giảm dần và thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc sinh học.

"Nhờ đó, cây lúa phát triển tốt hơn, năng suất lúa tăng hơn 20% so với phương pháp canh tác thông thường. Giá bán lúa cũng cao hơn từ 200-300 đồng/kg, nên lợi nhuận cũng tăng theo”, bà cho hay.

Xã An Nhứt (huyện Long Điền) có 425ha lúa, sản xuất theo 3 vụ, trong đó có 12ha với 24 hộ hội viên nông dân tham gia sản xuất lúa VietGAP. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về ghi chép nhật ký sản xuất, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, kỹ thuật canh tác, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại… Đồng thời, được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, sau 3 tháng triển khai, bình quân năng suất lúa trồng theo hướng VietGAP đạt từ 8-9 tấn/ha. Toàn bộ diện tích trồng lúa theo hướng VietGAP đều được liên kết với DN trong việc cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt, mô hình góp phần giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, hướng đến sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững.

“Chúng tôi muốn thay đổi tập quán sản xuất cũ của bà con sang canh tác mới. Theo đó, thời gian tới Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các hội viên mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình VietGAP để xây dựng vùng sản xuất lúa sạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân”, ông Trần Công Danh cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 

Lâm Đồng: Canh tác cà phê vườn - rừng: Nông dân triệu phú

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau thời gian trồng cà phê thuần, chăm sóc cà phê theo hướng chuyên canh; nhiều nông hộ đã chọn canh tác cà phê theo hướng vườn - rừng. Vừa có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, canh tác cà phê hướng vườn - rừng vừa mang lại cho người nông dân năng suất ổn định và thu nhập tốt.

 

 

Chị Lê Thị Dung trong vườn trồng xen mắc ca - cà phê

Gia đình anh chị Nguyễn Bá Dậu, chị Lê Thị Dung là một gia đình nông dân có tiếng tại thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Đó là bởi vì anh chị đã chuyển hướng thành công, trồng xen cây cà phê Robusta và những cây mắc ca, loại cây được xem như cây lâm nghiệp. Trên diện tích 2 ha, anh chị trồng xen cà phê với 400 cây mắc ca. Anh Nguyễn Bá Dậu cho biết: “Trước đây, vườn của gia đình tôi vẫn trồng thuần cà phê Robusta. Năm 2015, được sự động viên của Hội Nông dân, của xã, tôi đã mạnh dạn trồng 400 cây mắc ca xen giữa vườn cà phê. Không ngờ, trồng mắc ca đã mang lại cho khu vườn của gia đình thu nhập tốt hơn rất nhiều”.

Theo anh Nguyễn Bá Dậu, cây cà phê tuy không khó chăm sóc nhưng cũng đòi hỏi nhiều điều kiện. Khi trồng cà phê thuần, do mảnh vườn của gia đình nằm trên sườn đồi nên đất khá khô, anh chị phải chăm bón, tưới tắm thường xuyên. Tuy nhiên, từ khi trồng mắc ca xen vào vườn cà phê, cách chăm sóc của anh chị có rất nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt. Anh Nguyễn Bá Dậu chia sẻ, ban đầu, khi cây mắc ca còn nhỏ, anh chăm mắc ca tương tự như chăm cà phê. Nhưng, là một cây lâm nghiệp, mắc ca rất nhanh lớn và rất dễ chăm sóc, chỉ tới năm thứ hai, mắc ca đã vươn cành, đẻ nhánh, phủ xanh một khoảng không gian. Năm thứ ba, mắc ca đã cho trái bói và năng suất cao dần vào năm thứ năm. Đặc điểm của cây mắc ca là cây rừng, rất ít sâu bệnh, phù hợp để trồng làm cây che bóng, vừa tạo cảnh quan, vừa giảm cỏ dại, giảm lượng nước tưới cho cà phê. Trồng mắc ca xen cà phê, thu nhập tăng nhưng chi phí giảm, công giảm, người nông dân nhàn hơn nhiều so với trồng thuần cà phê.

Với gia đình anh chị Nguyễn Bá Dậu, Lê Thị Dung, trồng mắc ca xen cà phê là một thành công lớn. Từ khi mắc ca xanh tốt, 400 cây đã tạo cho khu vườn một khoảng bóng rợp lớn. Anh Dậu cũng nhận xét, cây cà phê là cây ưa ánh sáng tán xạ, dưới bóng mắc ca, cà phê sinh trưởng rất tốt, giảm sâu bệnh, năng suất ổn định. Anh đánh giá, ngay tại vườn nhà anh, chỉ những năm trời rất hạn mới cần tưới. Còn hầu hết các năm, chỉ cần thời tiết thuận, khu vườn không cần tưới nước do độ ẩm được giữ lại rất cao. Đồng thời, cây mắc ca cũng là loại cây cho thu nhập tốt hơn cà phê. Anh chia sẻ: “Cây mắc ca vùng Phúc Thọ được thu vào hai đợt là tháng Giêng và tháng Sáu. Như vậy quanh năm, gia đình tôi có thu hoạch từ cây trái trong vườn. Đầu năm, giữa năm thu mắc ca, cuối năm thu cà phê. Cũng vì vậy, gia đình có điều kiện kinh tế để đầu tư cho vườn được tốt hơn”.

Năm 2023, gia đình anh Nguyễn Bá Dậu thu được 4 tấn mắc ca sọ, 7 tấn cà phê. Với giá bán 100 ngàn đồng/kg mắc ca và 75 ngàn đồng/kg cà phê nhân, sau khi trừ chi phí, gia đình thu được trên 500 triệu đồng. Anh Dậu nhận xét, trồng mắc ca xen cà phê theo hướng vườn rừng mang lại hiệu quả tốt cho người nông dân xứ cà phê Tân Hà. Chỉ có điều quan trọng, khi trồng mắc ca, cần chọn giống chuẩn, theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Bởi mắc ca là cây lâu năm, tới ba, bốn năm mới ra trái cho nên cần chọn giống chuẩn để tránh các giống năng suất thấp. Đồng thời, khi trồng cần tuân thủ kỹ thuật do cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, từ hạ ngọn, tỉa cây cho nhánh phát triển cành ngang cho tới ngừa bọ xít đúng kỹ thuật. Anh Nguyễn Bá Dậu cũng cho biết, anh bán hạt mắc ca theo liên kết với Công ty Nông sản Huy Hiếu ngay tại địa phương. Liên kết bán cho doanh nghiệp, anh có đầu ra ổn định, yên tâm chăm sóc cũng như thu hoạch. Hạt mắc ca được doanh nghiệp thu ngay, chế biến trong khoảng thời gian sớm nhất nên cũng đạt chất lượng cao. Vì vậy, anh xác định tham gia liên kết lâu dài, đảm bảo đầu ra cho hạt mắc ca vườn nhà.

Anh Nguyễn Việt Trung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hà, huyện Lâm Hà nhận xét, gia đình anh chị Nguyễn Bá Dậu, Lê Thị Dung là hộ nông dân sản xuất giỏi của xã Tân Hà. Mô hình sản xuất cà phê xen mắc ca theo hướng vườn - rừng của anh chị đã đạt năng suất cao và cho thu nhập rất ổn định. Đây là mô hình được xã Tân Hà khuyến khích nông dân phát triển bởi vừa đảm bảo thu nhập cao, vừa đảm bảo môi trường, tạo cảnh quan đẹp cho khu vực nông thôn Tân Hà. Anh Trung cũng cho biết thêm, hầu hết nông dân Tân Hà đã chuyển sang canh tác cà phê theo hướng bền vững, trồng xen với các cây trồng lớn để tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất đồng thời, giữ môi trường ngày một tốt hơn.

DIỆP QUỲNH

 

Hải Dương: Hiệu quả bước đầu từ mô hình liên kết trong trồng ớt xuất khẩu ở tại huyện Nam Sách

 

Nguồn tin: Báo Hải Dương

Vụ đông xuân năm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất, nhập khẩu nông sản T9 (Hà Nội) phối hợp với 7 hợp tác xã tại huyện Nam Sách gồm: xã Thái Tân, Hồng Phong, Nam Hồng, An Sơn, Nam Trung, Nam Tân, Hiệp Cát (Hải Dương) triển khai, phát triển vùng nguyên liệu, thu mua sản phẩm ớt tươi để chế biến, xuất khẩu với tổng diện tích gần 10 ha trên giống ớt chỉ thiên.

 

 

Sau gần 5 tháng triển khai, cây ớt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Khi tham gia chuỗi liên kết trồng ớt xuất khẩu, người dân được tập huấn kỹ thuật, trả chậm 50% tiền phân bón, cây giống và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá thu mua ớt tươi cố định 19 nghìn đồng/kg.

Tại xã Thái Tân, mô hình trồng ớt tươi để chế biến xuất khẩu triển khai tại thôn Đình, thôn Giữa và thôn Tân Thắng với quy mô 1 héc ta. Đến nay, toàn bộ diện tích ớt đã trồng bắt đầu chín, dự kiến thời gian thu hoạch liên tục từ 6 đến 8 tháng. Ông Vương Văn Liêm, giám đốc hợp tác xã Thái Tân cho biết: “Cây ớt chỉ thiên phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu ở trên địa bàn, cây trồng này có giá trị và năng suất cao hơn một số loại cây trồng khác; thời gian sinh trưởng, cho ra quả ngắn, trong khi đó được thu hoạch lâu dài. Dự kiến mỗi sào ớt sẽ cho thu từ 800 - 900 kg quả tươi, xuất cho công ty với giá cố định là 19 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi sào cho thu lãi từ 12 - 14 triệu đồng”.

Từ những kết quả khả quan bước đầu, mô hình hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, đa dạng sản phẩm, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập và thay đổi ý thức sản xuất của người dân.

Nguyễn Tuyền

 

Bình Định: Phù Cát được mùa đậu phụng

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát (Bình Định), vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn huyện có 4.248 ha đất trồng cây đậu phụng, với các loại giống chính, như: Đậu phụng mỏ két, L14, LDH 09... Các xã có diện tích trồng đậu phụng lớn gồm: Cát Hiệp (890 ha), Cát Lâm (710 ha), Cát Trinh (585 ha). Từ đầu tháng 4 đến nay, nông dân tất bật thu hoạch đậu phụng, với niềm vui được mùa; năng suất bình quân đạt hơn 43 tạ/ha, cao hơn năm ngoái 0,1 tạ/ha.

 

 

Người dân thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp thu hoạch đậu phụng. Ảnh: AN NHIÊN

Ông Nguyễn Tôn Hiến, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho biết, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân ở xã xuống giống được 890 ha đậu phụng, tăng 65 ha so với niên vụ năm ngoái (825 ha), với giống đậu phụng mỏ két (đậu phụng sẻ). Đến thời điểm này, người dân đang đẩy mạnh việc thu hoạch, với năng suất bình quân đạt 44 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với vụ mùa năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Thiện, 57 tuổi, người có thâm niên trồng cây đậu phụng 12 năm ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp chia sẻ: Vụ Đông Xuân năm nay, tôi trồng 3 sào đậu phụng, năng suất đạt từ 2,5 - 2,7 tạ/sào, mỗi sào tôi lãi từ 8 - 10 triệu đồng.

Cách ruộng đậu phụng của ông Thiện chừng 700 m, bà Thái Thị Hiền, 57 tuổi, cũng bận rộn với công việc thu hoạch đậu. Vụ Đông Xuân, bà Hiền trồng 30 sào đậu phụng mỏ két, năng suất ước đạt khoảng 3 tạ/sào, cao hơn năm ngoái khoảng 0,2 tạ/sào. Hiện nay, thương lái đang mua với giá 25.500 đồng/kg đậu phụng loại 1 dùng để ép dầu và 24.500 đồng/kg đối với đậu phụng dùng để làm bánh kẹo… So với đầu vụ Đông Xuân năm ngoái, mức giá thu mua này giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng vẫn chấp nhận được và người trồng vẫn có lãi khá.

AN NHIÊN

 

Nâng cao giá trị cho nông sản chủ lực

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào các dự án liên kết sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Qua đó, nâng tầm giá trị cho nông sản chủ lực cũng như cải thiện thu nhập cho người dân.

Với những ưu điểm như khả năng sinh sản cao, lớn nhanh, thích nghi được với nhiều môi trường khác nhau, sức chống đỡ bệnh tật tốt, thịt thơm ngon... từ lâu lợn Móng Cái đã được hộ chăn nuôi lựa chọn để phát triển kinh tế. Cũng từ những lợi thế về chăn nuôi và chất lượng thương phẩm, lợn Móng Cái đã được TP Móng Cái phát triển thành sản phẩm chủ lực của địa phương và dần trở thành sản phẩm chủ lực cấp quốc gia.

HTX nông nghiệp hữu cơ An Lộc là một trong những cơ sở quy mô chăn nuôi lợn Móng Cái lớn ở xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc HTX cho biết: Với mục tiêu xây dựng mô hình HTX cung ứng sản phẩm lợn thịt Móng Cái sạch tới tay người tiêu dùng, các thành viên trong HTX đã thiết lập quy trình chăn nuôi theo phương thức hữu cơ kết hợp chăn thả bán tự nhiên ở vườn đồi. Các sản phẩm sử dụng trong chăn nuôi chủ yếu là rau, ngô, chuối kết hợp với cám gạo... Nhờ đó, cho ra thị trường những sản phẩm thịt thương phẩm chất lượng, thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao.

 

 

Gà Tiên Yên của hộ ông Nguyễn Văn Điệp, xã Đông Ngũ chăn nuôi hạn chế tối đa thức ăn công nghiệp cho thịt thơm ngon hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Hải, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Móng Cái, hiện trên địa bàn có 3 cơ sở chăn nuôi lợn Móng Cái quy mô lớn, cùng với đó là hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ với tổng quy mô đàn lợn trên địa bàn duy trì khoảng 2.000-3.000 con. Để phát triển đàn lợn Móng Cái theo hướng gia tăng giá trị, thành phố đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết lợn ỉ Móng Cái, từ khâu con giống đến chế biến, tiêu thụ. Hiện, địa phương đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước, cũng như quốc tế. Thành phố đặt mục tiêu trong những năm tới, lợn Móng Cái sẽ được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, trở thành thế mạnh của Quảng Ninh.

Gà Tiên Yên là sản phẩm chủ lực của huyện Tiên Yên và của tỉnh Quảng Ninh. Với những thế mạnh về giá trị kinh tế, những năm qua, huyện Tiên Yên tích cực vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Huyện chú trọng xây dựng mô hình HTX Chăn nuôi và tiêu thụ gà Tiên Yên, nhằm nâng cao ý thức của người dân từ khâu tổ chức sản xuất, quản lý trang trại đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát triển giống gà Tiên Yên theo quy mô lớn.

Là một trong những hộ nuôi gà Tiên Yên có quy mô lớn trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Điệp, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên luôn chú trọng khâu chăn nuôi đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường những con gà ngon, thơm thịt, da giòn, theo đúng thương hiệu vốn có của gà Tiên Yên. Quá trình nuôi, ngoài việc tuân thủ theo quy định chặt chẽ từ khâu chọn giống, tiêm phòng, gia đình ông cũng chú trọng đến môi trường chăn thả và hạn chế tối đa thức ăn công nghiệp, thay vào đó là ngô, lúa, rau.

Hiện toàn huyện Tiên Yên có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô tập trung, 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, 4 cơ sở sản xuất giống gà Tiên Yên quy mô đạt 1,2 triệu con giống/năm. Bước đầu một số cơ sở sản xuất đã phát triển theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thời gian qua, huyện cũng đang phối hợp với các đơn vị trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học về bảo tồn giống gà Tiên Yên, đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chế biến sâu, bổ sung thảo dược trong chăn nuôi nhằm nâng chất lượng gà Tiên Yên; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho các đàn gà.

Nguyên Ngọc

 

Khai mạc ngày hội yến sào và trưng bày sản phẩm nông sản, thương mại, dịch vụ hỗ trợ nông dân

 

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Tối 15-4, tại quảng trường thành phố Đồng Xoài, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước phối hợp Hiệp hội Yến sào Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày hội yến sào và trưng bày, quảng bá nông sản, thương mại, dịch vụ hỗ trợ nông dân. Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Phước tổ chức riêng một ngày hội cho nghề này. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh dự lễ khai mạc.

Ngày hội quy tụ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân... nuôi, khai thác, chế biến và kinh doanh tổ yến trên địa bàn tỉnh Bình Phước và các địa phương trong cả nước. Ngày hội giới thiệu hơn 200 gian hàng với các sản phẩm yến sào và nông sản chất lượng cao của Bình Phước với món ăn, thức uống chế biến từ tổ yến, buffet trái cây đặc sản của tỉnh Bình Phước…

Với sự phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh Bình Phước và Hiệp hội Yến sào Việt Nam, ngày hội được kỳ vọng mở ra cơ hội thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành yến sào và nông nghiệp tỉnh Bình Phước. Đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng các doanh nghiệp, chuyên gia và nông dân trong lĩnh vực yến sào kết nối, chia sẻ kinh nghiệm.

Tính đến nay, trên địa bàn Bình Phước có khoảng 1.400 nhà nuôi yến, nhiều cơ sở sản xuất yến sào của Bình Phước đã nâng cao giá trị và sức cạnh tranh khi chủ động đầu tư công nghệ hiện đại vào dẫn dụ chim yến, chuẩn hóa quy trình chế biến, cải tiến bao bì sản phẩm để không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, vươn ra thị trường thế giới.

 

 

Lãnh đạo tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và thành phố Đồng Xoài cắt băng khai mạc chuỗi hoạt động ngày hội yến sào

Phát biểu tại lễ khai mạc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị các ngành, hội, đoàn thể, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh và các tổ chức chuyên ngành yến quan tâm, đầu tư nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách, giải pháp nuôi hợp lý gắn với cơ sở chế biến đáp ứng yêu cầu thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến sâu theo chuỗi giá trị các sản phẩm từ tổ yến để gia tăng giá trị hàng hóa. Xây dựng và phát triển thương hiệu cho yến sào Bình Phước không chỉ ở quy mô doanh nghiệp mà phấn đấu trở thành thương hiệu quốc gia được bảo hộ, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và hướng đến tăng cường xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngày hội yến sào và trưng bày, quảng bá nông sản, thương mại, dịch vụ hỗ trợ nông dân diễn ra từ nay đến hết ngày 21-4 tại quảng trường thành phố Đồng Xoài.

Thanh Mảng

 

Vĩnh Long: Nhiều tiện ích từ bẫy đèn thông minh

 

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

 

 

Thông qua bẫy đèn thông minh, giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao.

Việc lắp đặt và vận hành hệ thống giám sát côn trùng thông minh đem lại nhiều tiện ích, hiệu quả trong việc kiểm soát côn trùng trên ruộng lúa, cây trồng, rau màu, từ đó giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao.

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) Vĩnh Long, bẫy đèn là một công cụ dùng để thu hút rầy nâu trưởng thành và một số côn trùng có đặc tính hướng sáng hỗ trợ việc giám sát dịch hại cây trồng.

Tuy nhiên, thời gian qua hệ thống bẫy đèn có nhiều bất cập, cần thiết phải được cải tiến như: tình trạng nước tràn phễu hoặc rơi túi dựng khi mưa to gây mất số liệu, cần nhiều công lao động và công kỹ thuật trong việc nhận diện, đếm thủ công và báo cáo số liệu côn trùng vào bẫy kịp thời từ địa phương đến cơ quan quản lý cấp trên.

Do đó, năm 2023 Chi cục Trồng trọt-BVTV đã triển khai thực hiện lắp đặt thí điểm bẫy đèn giám sát côn trùng thông minh tại xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) để thay thế dần hệ thống bẫy đèn truyền thống ở địa phương.

Bẫy đèn thông minh này, với dãy ánh sáng có nhiều màu (gồm xanh lá, xanh dương, UV và trắng- có thể điều chỉnh được) tăng khả năng dẫn dụ đa dạng các loại côn trùng vào bẫy; thu thập dữ liệu hình ảnh côn trùng bằng camera và truyền tải hình ảnh ghi nhận về trung tâm phân tích dữ liệu.

Hệ thống sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể nhận dạng, phân biệt được 103 loài côn trùng (gồm 20 loài côn trùng trên cây lúa như rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng, bướm sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu năn, bọ xít đen, sâu phao...; 20 loài côn trùng trên rau màu; 21 loài côn trùng trên cây ăn trái và 42 loài côn trùng trên các loại cây trồng khác); có thể thay thế hoàn toàn việc theo dõi thủ công hàng đêm của cán bộ kỹ thuật.

Qua đó, giảm công lao động trong khâu nhận dạng và đếm số lượng côn trùng vào bẫy, dữ liệu trực tiếp tại điểm truy cập, hạn chế sai sót qua các khâu trung gian (nhận diện, đếm, nhập dữ liệu các công đoạn báo cáo...), dễ dàng truy cập và quản lý, giúp cho công tác dự tính, dự báo trở nên nhanh chóng và kịp thời hơn.

Cụ thể, khâu trích xuất dữ liệu dưới dạng excel, thể hiện theo từng ngày trong tháng, từng tháng trong năm, theo đối tượng cần trích xuất dữ liệu, dễ dàng khai thác dữ liệu tổng hợp báo cáo.

Ngoài ra, công nghệ bẫy đèn thông minh còn có thể giúp nông dân có thể giám sát côn trùng, truy cập thông tin nhanh và chính xác bằng điện thoại thông qua các phần mềm ứng dụng. Từ đó, giúp người nông dân chủ động phòng trừ dịch hại một cách hiệu quả nhất, giảm chi phí trong sản xuất, đặc biệt là giảm tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để phòng và trừ dịch hại.

Qua thời gian đầu, sau khi lắp đặt, bẫy đèn thông minh thu hút đa dạng các loại côn trùng trên lúa (các đối tượng không được ghi nhận trên bẫy đèn truyền thống như thành trùng sâu keo, sâu năn,...), trên cây ăn trái và rau màu (kiến vương, bọ hung, bướm sâu keo...). Đồng thời, có sự chênh lệch cao về số lượng côn trùng khi bị thu hút bởi ánh sáng của bẫy đèn thông minh so với bẫy đèn truyền thống.

Ông Trần Văn Cường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, cho biết: Thông qua phần mềm giúp ngành chuyên môn biết được khá chính xác từng đối tượng, số lượng vào bẫy, qua đó tính được thời điểm dịch hại xuất hiện trên đồng để có các biện pháp hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời. Ngoài ra, bẫy đèn còn có các thiết bị quan trắc khí tượng thời tiết (đo nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió, hướng gió và cảm biến mưa trong ngày).

“Bẫy đèn là một dụng cụ khá đơn giản dùng để thu hút, diệt trưởng thành của rầy nâu và một số loại sâu hại khác dựa vào đặc tính sinh học (tính hướng sáng) của một số loài côn trùng. Nhưng mục đích chính là thống kê, theo dõi số lượng rầy vào bẫy đèn mỗi ngày để từ đó dự báo được tình hình phát sinh phát triển của các lứa rầy trên đồng ruộng trong các đợt sinh trưởng tiếp theo. Trên cơ sở đó, sẽ xác định lịch thời vụ cho các địa phương xuống giống và có biện pháp phòng trừ sinh vật hại thích hợp”- ông Cường cho biết thêm.

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV, nhìn chung, việc lắp đặt bẫy đèn thông minh tại xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình), ngoài việc giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng gây hại đạt hiệu quả cao, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường về phun thuốc BVTV, tăng sức khỏe cộng đồng dân cư nông thôn; còn góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước cho ngành trồng trọt-BVTV của tỉnh.

Cụ thể, là việc kịp thời theo dõi, dự tính dự báo tình hình dịch hại trên cây lúa theo hướng hiện đại. Từ đó tạo thuận lợi cho việc hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý dịch hại cộng đồng trong tỉnh; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo an toàn, bền vững trong điều kiện biến đổi khi hậu như hiện nay.

Bài, ảnh: THẢO LY

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thanh niên Châu Đức ra mắt tổ hợp tác nuôi heo rừng

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Chiều 16/4, tại xã Láng Lớn, Huyện đoàn Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) tổ chức lễ thành lập và ra mắt tổ hợp tác nuôi heo rừng sạch.

Tổ hợp tác được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện nhằm liên kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi heo của ĐVTN huyện Châu Đức. Thức ăn cho heo chủ yếu tận dụng nguồn phụ phẩm sẵn có như: khoai mì, bắp, chuối, rau, các loại cây, giúp giảm chi phí và tăng thu nhập trong quá trình chăn nuôi.

Tổ hợp tác nuôi heo rừng sạch có 6 thành viên, đang nuôi hơn 200 con heo rừng lai.

 

 

Việc thành lập tổ hợp tác nhằm tạo sự liên kết giữa ĐVTN và các hộ chăn nuôi heo rừng trên địa bàn huyện Châu Đức.

Theo anh Phùng Văn Hòa, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi heo rừng sạch, trung bình mỗi con heo thịt có thời gian nuôi từ 10-12 tháng, trọng lượng 30-35 kg, giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg; heo giống có giá dao động từ 900.000 đến 1,1 triệu đồng/con.

Việc thành lập tổ hợp tác nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa ĐVTN và các hộ chăn nuôi heo rừng trên địa bàn, qua đó trao đổi thông tin, thị trường, giá cả, giống nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, tiến tới xây dựng quy trình chăn nuôi chuẩn, nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi. Đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế của các thành viên tổ hợp tác.

Tin, ảnh: THÁI BÌNH

 

Vĩnh Long: Giá heo hơi thấp, tái đàn chậm

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) Vĩnh Long, thời gian qua, do giá con giống, thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao trong khi giá heo hơi thấp hơn giá thành sản xuất, nên người chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đầu tư.

Mặt khác, tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và sức tiêu thụ sản phẩm thịt heo giảm nhiều. Ước tính, hiện đàn heo của tỉnh có trên 188.300 con, giảm 5,57% (hay trên 11.100 con) so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2024, giá heo hơi dao động từ 5-5,7 triệu đồng/tạ, tăng 200.000 đ/tạ so với cùng kỳ. So với giá thành sản xuất heo hơi bình quân là 5-5,2 triệu đồng/tạ thì người nuôi huề vốn, hoặc chỉ lãi 500.000 đ/tạ.

NGUYÊN KHANG

 

Làm giàu từ mô hình VAC

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Với quyết tâm phát triển kinh tế, năm 2016, ông Nguyễn Văn Bích (khu Xuân Quang, phường Yên Thọ, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang đầu tư mô hình trang trại tổng hợp VAC (nuôi lợn, cá chạch và cây ăn quả). Sau 8 năm phát triển, đến nay, mô hình giúp gia đình ông Bích thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

 

 

Mỗi năm, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Bích xuất ra thị trường khoảng 6.000 con lợn.

Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương, vợ chồng ông Bích mạnh dạn dồn điền, đổi thửa để đầu tư vốn xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng trọt rộng 5ha. Năm 2016, khi bắt tay vào làm, vợ chồng ông gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, lại thiếu vốn.

Lựa sức mình lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng ông cải tạo đổ từng xe đất, đắp từng mét đường, đào ao thả cá. Cứ thế mỗi năm, gia đình ông cải tạo hàng trăm mét vuông đất, dần hình thành trang trại, xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả. Ban đầu trang trại của gia đình ông chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn, quy mô đàn lợn tăng dần qua các năm. Đến nay, trang trại của ông có 7 chuồng chăn nuôi lợn tập trung. Để chủ động nguồn giống, ông còn duy trì nuôi 300 con lợn nái, trung bình mỗi năm, trang trại này xuất 6.000 con lợn ra thị trường.

Theo ông Bích, để chăn nuôi lợn an toàn, thành công không thể áp dụng theo những phương pháp, kinh nghiệm truyền thống mà đòi hỏi người nuôi phải cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng thực tế vào quá trình sản xuất. Vợ chồng ông luôn quan tâm, tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm, các phương pháp khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham quan, học tập kinh nghiệm từ chính các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, khu vực cổng ra vào trang trại và cửa các chuồng nuôi đều phun khử khuẩn.

Việc chăn nuôi khép kín, đảm bảo quy trình chặt chẽ và chủ động con giống đầu vào giúp đàn lợn của gia đình ông khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Có thời điểm giữa “tâm dịch” tả lợn châu Phi, trang trại của gia đình ông vẫn duy trì ổn định, cho lãi hàng tỷ đồng. Từ đó, gia đình ông Bích có thêm kinh phí mở rộng hệ thống chuồng trại chăn nuôi.

Năm 2020, ông Nguyễn Văn Bích đầu tư nuôi 3 ao với 5 vạn con cá chạch. Đây là giống cá thích nghi tốt với điều kiện sống tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên trì học hỏi kinh nghiệm, ông đã thuần phục nuôi thành công giống cá chạch tại địa phương. Đây là mô hình nuôi cá chạch đầu tiên trên địa bàn TX Đông Triều. Giống cá chạch thời gian nuôi 1,5 năm cho thu hoạch, cân nặng đạt 0,6-0,7 kg/con.

Hiện nay, toàn bộ đầu ra cá chạch được đầu mối đặt thu mua với giá 250.000 đồng/kg. Thành công từ mô hình nuôi cá chạch đã mở hướng đi mới, không chỉ tăng thu nhập mà còn đa dạng hóa giống nuôi giúp nông dân địa phương có thể liên kết nhân rộng mô hình này. Không những vậy, xung quanh khu trang trại, gia đình ông còn trồng thêm các loại cây ăn quả, rau màu. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình VAC giúp gia đình thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định từ 9-10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Văn Bích, chia sẻ: Mô hình VAC của gia đình anh có mối quan hệ hỗ trợ nhau mật thiết. Chất thải chăn nuôi được xử lý triệt để, phân khô dùng làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp, chất thải được dẫn vào bể biogas làm khí đốt giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm vệ sinh môi trường, một phần để làm thức ăn cho cá, tất cả đã tạo thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín. Để mô hình VAC phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc lựa chọn con nuôi phù hợp, nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo thì quan trọng nhất phải làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Bí thư Đảng ủy phường Yên Thọ (TX Đông Triều), cho biết: Mô hình VAC khép kín của hộ ông Nguyễn Văn Bích hiện đạt hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo của nông dân trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương; tạo hướng đi mới cho nông dân địa phương, học tập, phát triển kinh tế.

Phạm Tăng

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop