Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 22 tháng 4 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 22 tháng 4 năm 2024

 

Bến Tre: Nhiều giải pháp giúp bưởi da xanh Mỹ Thạnh An vượt qua hạn mặn

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Mỹ Thạnh An là xã ngoại ô của TP. Bến Tre, nằm cặp sông Bến Tre. Toàn xã có 7 ấp, 115 tổ nhân dân tự quản (NDTQ), 3.055 hộ dân, với 10.297 nhân khẩu. Người dân thu nhập chủ yếu từ trồng bưởi và dừa. Hiện tại, tổng diện tích canh tác bưởi da xanh của toàn xã khoảng 50ha. Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh An có 7 chi hội, 45 tổ hội nông dân và tổ hội nghề nghiệp với 603 hội viên.

 

 

Bà Lê Thị Phương Thảo bên vườn bưởi da xanh trồng xen canh dừa của gia đình.

Trong vườn dừa và bưởi, bà Lê Thị Phương Thảo (Hai Thảo), 58 tuổi, ngụ Tổ NDTQ số 5, ấp Mỹ An A đã cho người khác thuê (giá 1 triệu đồng/tháng) làm chỗ để sản xuất dừa giống được 10 năm. Theo bà Hai Thảo, tận dụng việc người thuê đất tưới nước và cung cấp phân thuốc cho dừa giống sẽ cung ứng luôn cho bưởi cùng dừa đang cho thu hoạch của gia đình. Đợt hạn mặn năm 2016, vườn bưởi của nhà bà đã bị hư hỏng hơn 50% tổng số cây trồng.

“Tôi có 3 công đất trồng xen canh bưởi da xanh và dừa xiêm xanh đã hơn 10 năm. Giai đoạn 2020 - 2022, bưởi da xanh bị sâu đục trái tấn công nên không có sản lượng thu hoạch và thu nhập. Tết Nguyên đán 2024, gia đình bán được hơn 400kg bưởi da xanh và có thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Hiện tại, tôi đã trữ nước ngọt trong 2 mương vườn để phục vụ việc tưới tiêu bưởi và dừa của gia đình”, bà Hai Thảo chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Đức (Hai Đức), 69 tuổi, ngụ Tổ NDTQ số 9, ấp An Thạnh A cho biết: “Tôi có vườn trồng bưởi da xanh (2,5 công nằm cặp nhà và 5,5 công cách nhà khoảng 300m). Năm 2005, tôi bắt đầu trồng bưởi da xanh. Đến năm 2016, hạn mặn gay gắt đã gây thiệt hại hoàn toàn cây trồng của gia đình. Năm sau, tôi bắt đầu trồng bưởi da xanh trở lại”. Mỗi năm, ông Hai Đức trồng mới từ 100 - 120 nhánh bưởi da xanh. Hiện tại, bưởi của vườn nhà đang cho trái chiến (thu hoạch từ 50 - 100kg/lứa, từ 2 - 3 tháng/lứa).

Theo ông Hai Đức, công việc trồng bưởi da xanh rất cực và khó khăn. Bởi, kỹ thuật canh tác, sự tác động khắc nghiệt của thời tiết như nắng nóng cùng hặn mặn diễn ra gay gắt như hiện tại. Nhà vườn trồng bưởi da xanh ở địa phương luôn mong muốn gắn chặt công việc canh tác cùng thổ nhưỡng thích hợp và chất lượng cao của sản phẩm bưởi da xanh Mỹ Thạnh An. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước tưới và hạn mặn cao, đôi khi nước ngập tràn bờ nên cây bưởi da xanh ở địa phương đã bị thiệt hại rất nhiều. Nhà vườn luôn mong chờ những giọt mưa rớt xuống, giúp giải tỏa “cơn khát” cho cây trồng phát triển tốt.

“Trước năm 2016, thời còn “vàng son” của bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, tôi thu hoạch 1 tấn/tháng, có được thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng (giá từ 40 - 50 ngàn đồng/kg). Sau 2 tháng đậu trái, tôi bắt đầu tỉa bỏ những trái không chất lượng, chỉ giữ lại duy nhất 1 trái đẹp nhất trên mỗi chùm trái. Với dịch hại sâu đục trái, việc bao trái bằng túi lưới là biện pháp hữu hiệu và khả quan nhất giúp giữ gìn chất lượng cho sản phẩm”, ông Hai Đức nhớ lại.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh An Tôn Thành Châu Khanh cho biết: để giúp người trồng bưởi da xanh trên địa bàn chăm sóc bưởi một cách khoa học, hiệu quả, nhất là trong điều kiện hạn mặn xảy ra, thời gian tới, hội sẽ tham mưu UBND xã và phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây có múi nói chung và bưởi da xanh nói riêng cho bà con.

Bài, ảnh: Lê Đệ

 

Long An có hơn 5.000ha chanh và cây ăn trái thiếu nước tưới trầm trọng do hạn, mặn

 

Nguồn tin: Báo Long An

Tình hình hạn mặn đã và đang xảy ra khá phức tạp tại địa bàn tỉnh Long An. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có hàng ngàn hécta cây trồng ăn trái có thể bị giảm năng suất, chất lượng do bị thiếu hụt nguồn nước tưới trầm trọng.

 

 

Đã có hơn 5.000ha chanh và cây ăn trái trái đang thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng

Ngày 18/4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, hiện nay, độ mặn xâm nhập sâu vào trong các kênh, rạch làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên trong mùa khô này đã có hơn 5.000ha chanh và cây ăn trái đang thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng.

Trong đó, huyện Bến Lức có gần 1.500ha; huyện Thủ Thừa có gần 1.500ha; Thanh Hóa hơn 1.000ha; huyện Tân Trụ hơn 600ha và 2 địa phương TP.Tân An, Đức Hòa hơn 80ha. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi như dại, cúm H5N1, dịch tả heo Châu Phi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro tái bùng phát.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực, chủ động phối hợp các sở, ngành tỉnh, đơn vị có liên quan, nhất là các địa bàn đang bị ảnh hưởng nặng của hạn hán, xâm nhập mặn để tổ chức triển khai, thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cấp nước sinh hoạt cho người dân”, ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tăng cường kiểm tra, rà soát và phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện những biện pháp công trình và phi công trình để ứng phó, khắc phục thiên tai, xâm nhập mặn trên phạm vi các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề theo tình huống khẩn cấp.

Về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang xảy ra gay gắt trên địa bàn tỉnh. Đến đầu tháng 4/2024, ranh giới mặn 1‰ và 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt qua lần lượt là 88km và 72km; ranh giới mặn 1‰ và 4‰ trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt qua lần lượt là 110km và 86km.

Do tác động nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn nên hiện nay, trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt.

Xâm nhập mặn đang đang có chiều hướng tăng

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An từ ngày 10 - 20/4/2024, ranh giới mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sẽ xâm nhập sâu 90 - 100km.

Trước tình hình hạn, mặn xảy ra phức tạp trong mùa khô 2024, UBND tỉnh Long An đã có tờ trình về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính.

UBND tỉnh Long An cũng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí với tổng kinh phí 157 tỉ đồng để tỉnh thực hiện phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và phục vụ dân sinh./.

Lê Đức

 

Dùng bẫy pheromone hạn chế sâu hại

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Sử dụng bẫy pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch.

Theo ngành nông nghiệp, việc sử dụng bẫy pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch có ích và môi trường sinh thái, song vẫn khống chế tốt quần thể sâu phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, giúp giảm số lần sử dụng thuốc BVTV trong vụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ.

Với mục tiêu thay thế các hợp chất hóa học độc hại bằng cách phát triển và áp dụng công nghệ pheromone trên các cánh đồng lúa, dự án Cánh đồng xanh Phero Rice đã được triển khai tại Vĩnh Long trong vụ Hè Thu 2024.

Theo ngành nông nghiệp, pheromone là hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học tương tự như chất kích thích tố của côn trùng, nhằm thu hút con trưởng thành vào bẫy để diệt côn trùng. Pheromone là tên gọi một hỗn hợp các hormone giới tính. Hỗn hợp này tạo ra loại mùi thơm đặc trưng giống cái của một số loài côn trùng.

Côn trùng đực theo đó bị dẫn dụ và bị giữ lại trong bẫy nhờ hỗn hợp keo dính tương tự như trong bẫy màu. Dự án Cánh đồng xanh Phero Rice thực hiện trên đồng ruộng dựa trên việc đánh lạc hướng và làm mất khả năng bắt cặp của côn trùng gây hại bằng pheromone. Qua đó, nông dân có thể kiểm soát quần thể và giảm thiệt hại mà loại côn trùng này gây ra cho đồng ruộng.

ThS Manon Avignon- Giám đốc Kỹ thuật Công ty M2i Life Sciences, Cộng hòa Pháp, cho biết: “Đối với dự án tại Việt Nam, chúng tôi tập trung vào 3 loại pheromone chính là 2 loài sâu đục thân và 1 loài sâu cuốn lá nhỏ. 85% là hiệu quả giảm thiệt hại đối với các loại pheromone khác trên các quốc gia khác. Đối với sâu đục thân và sâu cuốn lá lúa thì chúng tôi kỳ vọng đạt kết quả như vậy”.

Tại Vĩnh Long, trong vụ Hè Thu năm nay, Dự án Cánh đồng xanh Phero Rice được thực hiện tại huyện Vũng Liêm và huyện Tam Bình, với tổng diện tích khoảng 10ha gồm 10 điểm trình diễn. Tại mỗi điểm trình diễn, dự án sẽ đào tạo nông dân và cấp giấy chứng chỉ về quản lý dịch hại tổng hợp bằng công nghệ pheromone, hỗ trợ nông dân giảm thiệt hại do sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ gây ra thông qua việc sử dụng pheromone, giúp tăng thu nhập cho nông dân.

Tham gia dự án, chú Dương Thành Thơi (Ấp 11, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho hay: “Tôi được giới thiệu về pheromone, nguyên lý tác động và công dụng của pheromone trong việc quản lý côn trùng gây hại, hướng dẫn cách treo pheromone trên đồng ruộng. Tôi thấy lợi ích lớn nhất của bẫy pheromone là bảo vệ các loài thiên địch, bảo vệ môi trường và quan trọng là sản phẩm đảm bảo an toàn. Tôi cũng thử nghiệm trên ruộng của mình để hạn chế sâu bệnh, từ đó tiết kiệm chi phí”.

Ông Trần Văn Cường- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc (huyện Tam Bình) cho biết: Lợi ích lớn nhất của bẫy pheromone là bảo vệ các loài côn trùng có ích, bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe của nông dân. Xã có 6 hộ tham gia trình diễn mô hình kiểm soát sâu bệnh gây hại bằng pheromone với diện tích 1 ha/hộ. Khi triển khai mô hình, nông dân rất quan tâm và nhiệt tình thực hiện. Mô hình sẽ được đánh giá mức độ hiệu quả sau khi thu hoạch vụ Hè Thu, sẽ đánh giá được mức độ giảm gây hại của sâu đục thân và sâu cuốn lá.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Việc triển khai dự án là một giải pháp hiệu quả trong sản xuất theo hướng an toàn, tuần hoàn nông nghiệp xanh. Đặc biệt trong Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” thì đến năm 2025, tỉnh sẽ có 1,5% diện tích sản xuất hữu cơ và đến năm 2030 sẽ có 3%. Dự án thành công sẽ góp phần tăng được năng suất, hiệu quả và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe làm cho sản phẩm sạch, an toàn hơn và nâng cao được giá trị sản xuất cho nông dân.

Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, nông dân phòng trị sâu hại trên đồng ruộng (trong đó có sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ) chủ yếu sử dụng thuốc BVTV hóa học. Bên cạnh hiệu quả mang lại thì giải pháp này cũng gây ra nguy cơ kháng thuốc đối với côn trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân và môi trường đồng ruộng. Việc sử dụng pheromone để quản lý các đối tượng sâu hại trên đồng ruộng là giải pháp an toàn cho người nông dân và môi trường, bên cạnh còn hỗ trợ nông dân sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, qua đó nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Ông Aru David- Giám đốc ASSIST khu vực sông Mekong, cho hay: “Dự án sẽ tiếp tục triển khai ở tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Long An. Kỳ vọng sau dự án này là chúng tôi sẽ tập huấn cho nông dân và chọn ra khoảng 30 nông dân nòng cốt để hướng dẫn lại cho nông dân khác. Cụ thể, nông dân được đào tạo và cấp chứng chỉ về quản lý dịch hại tổng hợp bằng công nghệ pheromone thông qua lớp tập huấn đồng ruộng (FFS); giảm thiểu 85% thiệt hại do sâu bệnh thông qua việc sử dụng công nghệ pheromone và tăng 10% thu nhập cho nông dân… Chúng tôi cũng mong muốn bà con nông dân nâng cao thu nhập của mình từ việc nâng cao giá bán, giảm chi phí trong sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững hơn”.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 

Liên kết sản xuất, đưa sản phẩm OCOP vươn xa

 

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), cho rằng, Ngọc Hiển là địa phương có thế mạnh về biển, nuôi thuỷ sản, là nơi cung cấp các nguyên liệu chế biến các mặt hàng thuỷ sản phục vụ xuất khẩu quan trọng của tỉnh Cà Mau và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, trong phát triển kinh tế, huyện luôn khuyến khích các hộ dân liên kết sản xuất; các doanh nghiệp, công ty... phát huy thế mạnh, để tạo ra nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo động lực cho huyện phát triển nhanh, bền vững.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc cơ cấu lại tổ chức kinh tế được xem là giải pháp quan trọng để đưa các địa phương đi lên. Do đó, huyện Ngọc Hiển không ngừng tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) để cùng nhau phát triển. Hiện toàn huyện có 31 HTX, vốn điều lệ 51.354 triệu đồng và 117 THT với 1.611 thành viên. Các HTX đã làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hoá tập trung theo quy mô lớn, hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm làm ra, góp phần tăng doanh thu cho các thành viên.

Ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc HTX Nuôi hàu lồng, xã Ðất Mũi, chia sẻ: “Nông dân cần phải liên kết với nhau trong sản xuất để ổn định đầu vào lẫn đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau để mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh; cùng hỗ trợ, kết nối để tiêu thụ sản phẩm của HTX nhằm mở rộng quy mô sản xuất theo hướng bền vững, mỗi thành viên đều có đóng góp, đều có lợi nhuận”.

Tính đến nay huyện đã có 21 sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Các sản phẩm này chủ yếu là đặc sản, thế mạnh của địa phương, như: tôm khô, bánh phồng tôm, mắm tôm chua, bánh phồng cua, bánh phồng hàu, ba khía muối, mắm cá sơn, đũa đước... sản lượng mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn thành phẩm cho thị trường, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ðể mở rộng quy mô sản xuất, nhiều cơ sở đã thành lập HTX nhằm liên kết với nhau, từ nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, cho biết: “Hiện HTX có 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Vấn đề hiện nay là, sản phẩm OCOP làm ra đôi lúc không đủ cung ứng cho người tiêu dùng, nguyên nhân do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phụ thuộc vào con nước khai thác nên rất khó ký kết với các đối tác lớn”.

 

 

HTX Tân Phát Lợi mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn bánh phồng tôm.

“Theo tôi, việc phát triển sản phẩm OCOP nên quan tâm đến chất lượng, phải tập hợp được các sản phẩm với nhau để tạo một chuỗi cung ứng hàng hoá từ đầu vào đến đầu ra; phải chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến sản phẩm đặc sản OCOP; chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ nông dân kết nối thị trường, tạo tính ổn định và đầu ra của hàng hoá”, ông Chương chia sẻ.

Ðể sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến, ngoài giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các điểm du lịch, điểm bán đặc sản, trưng bày OCOP, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, các HTX, cơ sở sản xuất còn đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào bán hàng, thông qua các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... Ða phần các sản phẩm được bán trên môi trường điện tử luôn được các cơ sở chú trọng về hình ảnh, thông tin được nêu chi tiết, rõ ràng để khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm. Theo các cơ sở sản xuất, từ khi bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP trên môi trường mạng, lượng tiêu thụ tăng từ 20-30% so với cách bán hàng truyền thống.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, năm 2024 huyện đặt kế hoạch phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 10 sản phẩm, gồm: cá cơm rim nước mắm, cá sơn rim nước mắm, khô cá đù, mắm tôm, bánh phồng tôm, tôm khô ép lụi, chả tôm, khô cá cơm, đũa đước; phấn đấu công nhận mới ít nhất 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ðồng thời, huyện hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 1 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao.

Ông Trần Hoàng Lạc thông tin, tới đây huyện tổ chức hội nghị sản xuất và sẽ tập hợp các hộ sản xuất, kinh doanh và những nông dân điển hình trong phát triển kinh tế để cùng bàn bạc, tìm ra những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương, phát huy hiệu quả sản phẩm OCOP, liên kết hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc tạo nguồn nguyên liệu, tạo cơ chế để phát triển các sản phẩm OCOP của huyện cực Nam, khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước./.

Hồng My - Chí Hiểu

 

Bình Phước: Hàng ngàn héc-ta cây trồng chết mòn vì nắng hạn

 

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

Nắng hạn kéo dài khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh (Bình Phước) rơi vào tình cảnh thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trầm trọng. Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, sau gần 5 tháng chưa có mưa đã khiến hàng ngàn héc-ta cây trồng bị thiếu nước. Nhiều nông dân ở khu vực này đang loay hoay đủ mọi cách tìm nguồn nước để cứu cây trồng, thế nhưng đây là vấn đề nan giải.

Những ngày qua, gia đình anh Hoàng Sơn Đông ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập như ngồi trên đống lửa khi vườn sầu riêng rộng gần 4 ha của gia đình đang chết héo. Cây sầu riêng thiếu nước, lá từ màu xanh đã ngả sang vàng, quả rụng đầy gốc.

Chỉ tay vào giếng khoan, cùng hệ thống ống tưới tự động nằm la liệt giữa vườn sầu riềng, anh Đông cho biết: Trước đây, với 2 giếng khoan của gia đình, mùa khô dư nguồn nước để tưới cây trồng. Năm nay nắng hạn kéo dài, nước giếng khoan đã khô cạn, vừa qua gia đình tôi bỏ ra hơn 30 triệu đồng cải tạo lại ao nhằm tìm nguồn nước nhưng không có kết quả.

 

 

Nắng hạn khiến ao hồ tại huyện Bù Gia Mập khô cạn đáy. Trong ảnh: Anh Hoàng Sơn Đông ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (bên trái) đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng cải tạo lại ao để tích trữ nước nhưng không hiệu quả

“Đã hơn 5 tháng khu vực này chưa có mưa, vườn sầu riêng đã xuống lá, gia đình quyết định cắt bỏ trái để giữ cây. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu nắng nóng thêm 1 tuần nữa là cây chết khô. Chúng tôi đã hết cách, không còn giải pháp nào để cứu cây, nguồn nước không có, mua nước về tưới thì không đủ điều kiện” - anh Đông cho biết thêm.

Cách đó không xa, vườn cà phê, sầu riêng của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng nhiều cây đã chết hẳn, lá và thân cây khô quắt lại. Nắng hạn kéo dài khiến ao nhỏ cung cấp nguồn nước tưới cho vườn cây của gia đình cũng đã cạn trơ đáy; chiếc máy nổ vì thế đành đắp chiếu nhiều tháng nay. Giếng khoan được xem là niềm hy vọng duy nhất đối với gia đình anh, thế nhưng đây là mũi khoan thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng nay nhưng vẫn không có nguồn nước.

Anh Thắng cho biết: Chưa năm nào nắng hạn kéo dài như năm nay, hiện nước sinh hoạt cho gia đình còn hiếm huống gì nước tưới cây trồng. Hiện hơn 50% diện tích vườn cà phê, sầu riêng của gia đình bị rụng lá, héo lá và chết. Gia đình tôi cố gắng khắc phục bằng giếng khoan, nhưng đã khoan đến mũi thứ 2 vẫn chưa có nước. Khoan giếng, xây bể tích nước chi phí hết gần trăm triệu đồng nhưng vẫn không tìm được nguồn nước. Ngày ngày ra nhìn vườn cây chết dần, chết mòn tôi thấy xót xa quá.

 

 

Giếng khoan là giải pháp được người dân lựa chọn để tìm nguồn nước cứu cây trồng. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Thắng ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập bỏ ra hàng chục triệu đồng khoan giếng nhưng không tìm được nguồn nước

Cứu cây, nhưng cứu như thế nào đang là bài toán khó, khi nguồn nước tự nhiên đã khô cạn, nguồn nước ngầm khan hiếm và nắng nóng dự kiến còn kéo dài đến tháng 5. Bất lực là tình cảnh chung của người dân nơi đây khi phải tận mắt chứng kiến những vườn cây được trồng, chăm sóc bằng tiền của, mồ hôi và công sức đang chết dần, chết mòn vì nắng hạn. “Giờ cứu cây trồng cũng không biết cứu kiểu gì, có nước đâu mà cứu. Ao đã cạn khô, tôi làm liều múc dưới lòng suối sâu đến 4m nhưng cũng không có nước” - anh Nguyễn Văn Tiến, thôn Bù Gia Phúc 1 chia sẻ.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay huyện Bù Gia Mập đã có hơn 5,7 ngàn héc-ta cây trồng thiếu nước, tập trung chủ yếu ở cây điều, tiêu, cà phê và các loại cây ăn trái. Nếu nắng hạn còn kéo dài, thời gian tới diện tích cây trồng thiếu nước tưới dự kiến tăng lên hơn 10.000 ha. Trong đó, xã Phú Nghĩa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 5.700 ha, xã Bù Gia Mập khoảng 3.700 ha.

Không chỉ thiếu nước sản xuất, nắng hạn kéo dài còn khiến gần 1.000 hộ dân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập thiếu nước sinh hoạt. Con số này dự kiến tăng lên 1.500 hộ nếu thời tiết không có mưa trong những ngày tới.

Ông NGUYỄN TẤN LỰC, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập: Về lâu dài, chúng tôi mong Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng để phục vụ sản xuất. Đồng thời nạo vét, cải tạo hồ đập, nâng cấp hệ thống xử lý tại các trạm cấp nước nhằm đảm bảo nguồn nước tưới và nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập cho biết: Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, vừa qua huyện đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn như: Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Đồn biên phòng Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Bù Gia Mập cấp 430m3 nước sinh hoạt hỗ trợ 459 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng. Huyện cũng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm. Đồng thời khuyến cáo người dân sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm, giữ ẩm gốc cây trồng nhằm giảm thiểu sự bốc hơi nước.

Xuân Túc

 

Làng nuôi yến ở Đại Lào

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng có chủ trương về việc khuyến khích nghề nuôi yến toàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó ưu tiên phát triển đại trà ở xã Đại Lào, TP Bảo Lộc.

 

 

Ông Đinh Văn Phòng kiểm tra tổ yến vừa thu hoạch

Xã Đại Lào tọa lạc ở đầu đèo Bảo Lộc với diện tích 62,2 km vuông, được thành lập năm 1999. Đây là nơi cư dân nơi khác đến định cư thưa thớt, tiếp giáp giữa cao nguyên B’Lao với các vùng khí hậu nóng ẩm của đồng bằng như Đạ Huoai, Đạ Tẻh (Lâm Đồng) và các nơi gần biển như Tánh Linh, Hàm Tân, La Gi (Bình Thuận), rất thích hợp cho việc phát triển nghề nuôi yến với quy mô lớn. Trong vài năm nay, tại xã đã có hơn 100 hộ tự phát nuôi riêng lẻ, đến năm 2015, Đại Lào mới phát triển làng nuôi yến chuyên nghiệp.

Chúng tôi đến thăm tư gia chuyên nghề nuôi yến trên 20 năm của anh Đinh Văn Phòng tại Thôn 9, xã Đại Lào. Ông Phòng 66 tuổi là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã, là dân gốc Thái Bình định cư tại đầu đèo từ năm 1988 nhưng bắt đầu vào nghề nuôi yến năm 2002. Sau khi được dẫn đi thăm cơ sở nuôi yến của gia đình, ông Phòng mời chúng tôi vào bàn trà ngoài hiên cạnh ao cá, trên cao là dàn hoa phong lan đầy ắp hoa rũ xuống, biểu hiện mức sống khá giả yên bình của một gia đình nông thôn. Pha bình trà xanh, ông nhỏ nhẹ tâm sự như nhớ một thời xa vắng: “Nghề nuôi yến của tôi như là nhân duyên. Năm 2002, đến thăm một người bà con cùng quê định cư ở vùng ven Sài Gòn chuyên sống bằng nghề nuôi yến, lúc ấy, tôi đắm đuối nhìn đàn yến bay lượn cộng với tiếng kêu bằng âm thanh điện tử của chim yến như một ước vọng, nên có ý định xin học nghề về Bảo Lộc thực hiện. Là bà con trong nhà nên người anh em hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng. Lúc về Đại Lào bàn với gia đình lấy một căn gác của các cháu đang học nuôi thử. Lúc đầu chỉ mới 3 cặp, dần dần phát triển lên vài trăm cặp. Thực tình, Đại Lào nơi có địa thế nước và thổ nhưỡng thuận lợi rất thích hợp cho loại chim này nên phát triển rất tốt”. Ông chép miệng từ trong tâm thức: “Theo các nhà động vật học, chim yến sống trong vùng nóng ẩm, chúng có thể bay suốt ngày khoảng 12 đến 14 tiếng đồng hồ (chim chỉ đậu khi đã về tổ). Mỗi ngày chúng bay khoảng 200 km, thức ăn chính là những loại côn trùng bay trong không trung như ruồi, kiến, mối, rầy nâu, rầy xanh. Vòng đời con chim yến khoảng 8 năm, mỗi năm đẻ từ hai đến 3 lứa có nghĩa là làm tổ trên 2 lần và đã làm tổ ở đâu chúng không bao giờ bỏ đi nơi khác. Đại Lào và các vùng phụ cận dưới đèo là vùng đất chưa bị ô nhiễm nặng, có nhiều hồ nước và các loại côn trùng thiên nhiên. Đặc điểm loại chim này mình không phải đầu tư cho ăn uống vì chúng tự đi tìm. Cũng như nghề nuôi ong lấy mật, mỗi lần thu hoạch mình chỉ lấy đi 2/3 tổ còn chừa lại để chúng nó tự duy trì phát triển”.

Ông mang ra một thau yến đã thu hoạch cho chúng tôi xem và giải thích thêm: “Đây là tổ vừa thu hoạch nuôi trong nhà bình thường chứ không phải bằng công nghệ nhà lồng kính như Malaysia hay Indonesia nên giá thành cao hơn. Giá hiện nay 1 kg là 20 triệu, gia đình tôi chuyên bán tổ yến thô cho các đại lý lớn ở Hà Nội và Sài Gòn, những nơi ấy thu mua số lượng lớn nên không đủ bán cho họ. Nhà tôi có 8 sào cà phê nhưng mình phải đầu tư nhiều và lao động cực nhọc mới có thể thu hoạch tốt, còn nghề yến không phải đầu tư lớn nhưng lợi tức cao hơn. Chủ trương của tỉnh mình ưu tiên phát triển nghề yến ở Đại Lào là kế hoạch đúng đắn. Như ông thấy, mấy chục năm qua, dân Đại Lào đi lên từ trà, cà phê, sau đó một số chuyên trồng cỏ voi chuyển sang nghề nuôi bò sữa và bây giờ thêm nghề nuôi yến. Ông tính thử đi, 100 hộ nuôi yến, trung bình mỗi năm được 30 kg, mỗi kg 20 triệu có thêm của ăn của để. Dọc con đường B’Lao S'rê nơi ông vừa đi qua khá nhiều biệt thự mới nổi lên từ mảnh đất hoang, tất cả những người trở nên giàu có từ trà, cà phê, nuôi bò sữa và yến mới phát. Đa số trong họ đều đi lên từ sự quyết tâm thoát nghèo ở nơi mới trộn lẫn mồ hôi nước mắt đó ông!”.

TRẦN ĐẠI

 

Hòa Bình: Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

 

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc, Hòa Bình) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

 

 

Mô hình nuôi dê của gia đình anh Lường Văn Bành, xóm Hày, xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) bước đầu cho hiệu quả kinh tế.

So với những vật nuôi khác, con dê có khả năng kháng bệnh cao, chịu được khí hậu khắc nghiệt, phù hợp địa bàn vùng cao của xã Đồng Ruộng. Để nuôi dê, người dân không phải tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu, không tốn nhiều tiền mua thức ăn. Chuồng nuôi có thể tận dụng chuồng bò, chuồng lợn cũ sau khi chuyển đổi vật nuôi, quây lưới, bảo đảm thoáng mát về mùa Hè, mùa Đông quây bạt kín để tránh rét, mái kín, không để nước mưa tạt vào. Dê được nuôi dưỡng tốt sau 10 tháng bắt đầu sinh sản. Một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 3 con, sau 6 - 7 tháng có thể xuất bán, trọng lượng đạt 20 - 30 kg/con. Giá thịt dê thương phẩm tương đối ổn định, từ 110.000 - 130.000 đồng/kg. Nhiều hộ đầu tư nuôi dê cho hiệu quả cao như gia đình các anh: Lường Văn Viết (xóm Hạ), Lường Văn Bành, Lường Văn Viến (xóm Hày)...

Đồng chí Hà Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Đồng Ruộng cho biết: "Xã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình nuôi dê từ đầu năm 2023, hiện toàn xã có trên 10 hộ nuôi với tổng đàn hơn 300 con, hộ ít nuôi 4 - 5 con, nhiều hộ có đàn lên 40 - 50 con, tập trung nhiều ở các xóm: Hạ, Hày, Nhạp. Dê giống được lựa chọn chủ yếu là giống dê cỏ vì dễ nuôi, dễ thích nghi với thời tiết, ít dịch bệnh. Từ phát triển nuôi dê, đời sống kinh tế của bà con khởi sắc hơn, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập”.

Thăm mô hình nuôi dê của hộ anh Lường Văn Bành, xóm Hày, là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi vật nuôi sang nuôi dê. Anh Bành cho biết: Trước kia, gia đình tôi nuôi lợn để phát triển kinh tế, tuy nhiên đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh, thậm chí có năm tiền mua giống còn đắt hơn tiền bán lợn. Đầu năm 2023, gia đình chuyển sang nuôi dê với 5 con, vốn đầu tư ban đầu gần 20 triệu đồng, đến nay đàn dê đã có gần 20 con. Nuôi dê khá nhàn vì đây là loài vật ít bệnh, ăn tạp. Vừa nuôi nhốt kết hợp bãi chăn thả để dê nhanh lớn, thịt dê đảm bảo chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm phát triển mô hình, anh Bành cho biết thêm: Nguồn thức ăn của dê khá phong phú. Hàng ngày, khi mặt trời lên cao, cây cỏ hết sương mới đi cắt lá cho dê ăn để tránh bị lạnh bụng, dễ ốm; đến chiều tối lùa từ bãi thả vào chuồng. Dê là loài tạp ăn, nhiều loại lá cây và cả phế phụ phẩm nông nghiệp chúng đều có thể ăn được. Chuồng trại phải thông thoáng, sạch sẽ và phải có bãi chăn thả rộng rãi, vừa cho vật nuôi vận động, tăng chất lượng thịt, vừa để người nuôi tiện quản lý, theo dõi đàn, cho ăn, phối giống và phòng trị bệnh. Nuôi dê không mất công chăn thả, ít bị lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài, chất thải tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Nghề nuôi dê phù hợp với địa bàn, nhất là với đặc điểm ít bãi bằng như xã Đồng Ruộng, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, chi phí cho thức ăn chăn nuôi tương đối thấp, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại vật nuôi truyền thống khác. Hiện, dê đang được tiêu thụ trong địa bàn huyện, nhiều tư thương, nhà hàng từ các địa bàn lân cận cũng liên hệ, đặt mua.

Mô hình nuôi dê ở xã Đồng Ruộng bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương. Để hỗ trợ bà con, xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tăng cường quảng bá về sản phẩm của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua các kênh tín dụng chính sách, tiếp tục tăng đàn, góp phần nâng cao thu nhập, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đạt 28 triệu đồng/ người/năm.

Hoàng Anh

 

Nuôi gà tre thương phẩm chi phí thấp, lãi cao

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang phong trào chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh, trong đó, có mô hình nuôi gà tre theo quy mô trang trại an toàn sinh học của gia đình chị Thị Hoanh (46 tuổi), ngụ ấp Tân Lợi, xã Giục Tượng đạt lợi nhuận cao, mở hướng sản xuất mới cho nhiều hộ dân.

 

 

Chị Thị Hoanh tại chuồng nuôi gà tre của gia đình.

Sau khi đã ăn no tại chuồng, đàn gà chạy ùa ra sân vườn khi chị Hoanh vừa kéo mở tấm cửa chuồng. Chỉ tay về hướng hàng ngàn con gà tre khỏe mạnh trọng lượng từ 1,2-1,4kg/con đã tới kỳ xuất bán đua nhau rượt đuổi tìm côn trùng dưới những tán cây mát rượi, chị Hoanh cho biết: “Hiện tôi có tổng số 3.000 con gà tre và 500 con gà nòi thương phẩm. Hôm qua chốt giá với công ty 85.000 đồng/kg, dự tính trừ chi phí tôi thu lãi hơn 85 triệu đồng sau hơn 40 ngày nuôi”.

Với 2 trại nuôi và khu vực cho gà vận động tổng diện tích trên 500m2, chị Hoanh nuôi được 3 lứa gà/năm, quy mô từ 2.500-3.000 con/lứa, trừ hết chi phí, cứ 1.000 con chị thu lãi từ 20-25 triệu đồng. Theo lời chị Hoanh, 5 năm trước, chị thấy một người quen nuôi thành công gà tre, giá bán ổn định từ 80.000-85.000 đồng/kg nên chị học hỏi và nuôi thử. Lứa đầu tiên, chị Hoanh kê tạm chuồng nhỏ bằng cây lá đơn sơ nuôi thử nghiệm 1.000 con. Do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu đàn gà hao hụt 50 con, nhưng chị rút ra được nhiều bài học trong kỹ thuật chăn nuôi gà tre thương phẩm.

Để đảm bảo con giống chất lượng, đầu ra ổn định, chị Hoanh liên kết với công ty chuyên cung cấp con giống. Trước khi vận chuyển đến tận chuồng nuôi, gà giống được tiêm ngừa đủ liều vaccine phòng bệnh nên suốt quá trình nuôi gà luôn khỏe mạnh, tỷ lệ hao hụt chỉ từ 5-8%. Ngoài ra, chị Hoanh còn được công ty này cung cấp thức ăn chăn nuôi đến khi bán gà mới thanh toán nên giảm áp lực về chi phí đầu vào. Đến kỳ xuất bán, toàn bộ gà thương phẩm được nơi cung cấp con giống, thức ăn thu mua nên chị Hoanh không phải lo về khâu tiêu thụ. Nhằm giảm công chăm sóc, chị Hoanh đầu tư chuồng nuôi theo hướng công nghiệp, với hệ thống máng ăn, nước uống được cấp tự động theo từng giai đoạn phát triển của đàn gà.

Ngoài gà tre, chị Hoanh còn nuôi thêm gà nòi thương phẩm. Dù nuôi với số lượng lớn nhưng khu vực chuồng nuôi không hề có mùi hôi nhờ chị sử dụng trấu phối trộn với men vi sinh làm đệm lót sinh học dưới đáy chuồng. Phương pháp này không chỉ bảo vệ môi trường còn giúp đàn gà khỏe mạnh, ít bệnh. Gia đình chị Hoanh có 40 công đất ruộng canh tác lúa 3 vụ, bình quân mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 160-200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chị Hoanh, để nuôi được 2 đứa con đang theo học cao đẳng chuyên ngành sửa chữa ô tô và y dược tại TP Rạch Giá thì chủ yếu dựa vào đàn gà.

Chị Hoanh nói: “Nuôi gà tre, gà nòi thương phẩm theo hướng bán công nghiệp dễ chăm sóc, ít bệnh, chi phí thấp, thời gian nuôi ngắn, thịt chắc, thơm nên bán được giá. Bán xong vụ này, nếu con giống không khan hiếm và ổn định từ 13.000-16.000 đồng/con như hiện nay tôi sẽ tăng quy mô nuôi”.

Bài, ảnh: ĐẶNG LINH

 

Lâm Đồng: Cát Tiên phát triển 1.000 con bò sữa

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) đang triển khai kế hoạch phát triển hơn 500 con bò sữa tại 7 xã, thị trấn trên địa bàn, nâng tổng số hơn 1.000 con bò sữa vào cuối năm 2024.

Cụ thể, số lượng bò sữa tăng cơ học 300 con, tăng tự nhiên hơn 200 con. Trong đó, lũy kế số lượng bò sữa phát triển nhiều nhất tại thị trấn Phước Cát (219 con) xã Đức Phổ (157 con), thị trấn Cát Tiên (156 con), xã Quảng Ngãi (141 con), xã Nam Ninh (133 con). Còn lại số lượng bò sữa lũy kế ít nhất tại 2 xã Gia Viễn (99 con), Tiên Hoàng (96 con).

Trung tâm Nông nghiệp huyện Cát Tiên trực tiếp nghiên cứu, hướng dẫn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả cao nhất cho người nông dân như: xây dựng chuồng trại, chọn giống, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, tạo nguồn thức ăn, khai thác vào bảo quản sữa tươi…

MẠC KHẢI

 

Nhân giống rắn ri voi cho hiệu quả cao

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Sở hữu trại rắn ri voi hàng ngàn con bố mẹ, anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh (33 tuổi, ngụ ấp Quý Thạnh, xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) thu lãi trên 600 triệu đồng/năm nhờ xuất bán con giống.

 

 

Anh Nguyễn Văn Nhựt Khanh kiểm tra đàn rắn con.

Trại của anh Khanh được biết đến là trại rắn có quy mô "khủng" nhất tại tỉnh Tiền Giang. Hiện anh sở hữu số lượng rắn bố mẹ lên đến 1.500 con. Anh Khanh kể, năm 2011 khi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, loay hoay chưa biết làm nghề gì để trang trải cuộc sống nên anh chọn làm nông nghiệp. Ban đầu, anh chọn nuôi thỏ, nhưng gặp thất bại liên tục. Tình cờ, qua báo, đài, anh biết được mô hình nuôi rắn ri voi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà, anh đánh liều vay vốn đầu tư khởi nghiệp.

"Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ra, thấy người trạc tuổi trong xóm kéo nhau đi làm công nhân, nhưng bản thân tôi lại thích làm nông nghiệp, chăn nuôi. Thấy nuôi rắn ri voi tiềm năng, tôi quyết định vay vốn để nuôi, chấp nhận rủi ro bởi kinh nghiệm là con số không!", anh Khanh kể. Cầm số tiền gần 80 triệu đồng trong tay, anh mua hơn 100 con rắn giống về nuôi thử nghiệm và xây dựng trại. Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi đúc rút kinh nghiệm trong quá trình nuôi, anh dần nắm rõ tập tính của loài rắn này và cho rắn sinh sản thành công, nhân đàn lên. Quyết tâm gắn bó với con rắn, cũng như dự định dài hơi phát triển mở rộng, chấp nhận không có thu nhập từ mô hình thời điểm ban đầu. Bởi rắn con đều được anh giữ lại toàn bộ để tăng đàn. Hiện anh Khanh nhân đàn thành công, luôn duy trì số lượng hơn 1.500 con rắn bố mẹ.

Ưu điểm của rắn ri voi dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, ít bệnh. Tuy nhiên, khâu chọn giống quan trọng, phải chọn nuôi con đồng đều, nhanh nhẹn, không dị tật. Hiện trại anh Khanh có trên 20 hồ nuôi, mật độ nuôi thưa từ 10-15 con/m2 để rắn phát triển tốt. Anh tận dụng dây ni lông cho vào bể làm giá thể trú ngụ cho rắn. Ngoài ra, anh còn tạo môi trường tự nhiên bằng cách thả tàu dừa, lục bình, rau, bèo,… vào hồ. "Bởi rắn là loài chui rúc, nên khi nuôi trong môi trường nhân tạo phải tạo giá thể cho rắn cảm thấy thoải mái, mới mau lớn, đạt hiệu quả. Dây ni lông khi cho vào bể cũng phải ngâm nước vài tiếng để dây sạch mới cho vào", anh Khanh nói.

Thức ăn của rắn cũng được anh Khanh kiếm mua hoặc bắt ngoài tự nhiên, chủ yếu cho rắn ăn cá da trơn, ếch, nhái… Riêng các loại cá có vảy, phải đánh vảy thật sạch mới cho rắn ăn để không ảnh hưởng đường tiêu hóa. Cách 5-7 bữa mới cho rắn ăn 1 lần nên rất tiết kiệm thức ăn. "Rắn rất dễ nuôi bởi là loài hoang dã nên sức đề kháng rất mạnh. Cơ bản là tự ăn, tự lớn, không cần can thiệp gì nhiều. Có hao hụt cũng chỉ từ 2-3% thôi", anh Khanh cho biết. Để rắn khỏe mạnh, phải đảm bảo nguồn nước sạch. Khoảng 1 tháng thay nước 1 lần, thường xuyên vệ sinh, phun xịt khử khuẩn để hạn chế nấm gây bệnh. Do nuôi công nghiệp nên rắn thường bị nấm. Do vậy phải phun xịt chuồng trại thường xuyên. Nếu rắn nhiễm bệnh thì phải xử lý muối, thuốc tím… Rắn nuôi khoảng 1,5 năm, đạt trọng lượng 1kg có thể cho sinh sản từ 7-8 con, rắn càng lớn sẽ cho sinh sản càng nhiều. Rắn con thường không được rắn bố mẹ chăm sóc, phải tự tìm thức ăn. Để rắn nhanh lớn, ít hao hụt, anh Khanh bắt ra nuôi trong bể riêng và cho ăn thức ăn thích hợp.

Hiện mỗi năm anh xuất bán cho thương lái ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây với số lượng hơn 5.000 con giống, giá 70.000-80.000 đồng/con (loại 1 tuần tuổi). Riêng rắn thịt anh chỉ xuất bán số lượng gần 100 kg/năm với giá 550.000 đồng/kg. Nhờ đó anh thu lãi trên 600 triệu đồng. Anh Khanh còn phát triển thêm mô hình nuôi rắn ri cá, trùn quế, lươn thương phẩm… Sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kỹ thuật cho những người trẻ ở địa phương muốn khởi nghiệp từ các loại vật nuôi này.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Giá cám giảm - động lực để phát triển chăn nuôi

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Một năm trở lại đây, các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản được điều chỉnh giảm giá nhiều lần. Đây là một trong những tín hiệu tích cực để ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ổn định và phát triển.

 

 

Gia đình anh Phạm Văn Cảnh (ở xóm Đầm Ban, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) dự kiến tăng quy mô đàn gà thêm khoảng 1.000 con.

Sau một thời gian dài giá cám ở mức cao thì từ tháng 3-2023 đến nay, các công ty sản xuất đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá bán tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi dành cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Theo chia sẻ của một số chủ cửa hàng, đại lý kinh doanh, trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thì mỗi bao cám loại bình thường có khối lượng 25kg dành cho lợn hiện có giá 270 nghìn đồng, cho gà có giá 250 nghìn đồng/bao, so với thời điểm này năm ngoái thì giảm từ 20-50 nghìn đồng/bao (tùy thuộc vào nơi cung cấp).

Giá cám giảm, người chăn nuôi cũng như các đại lý phân phối, hộ kinh doanh mặt hàng này rất phấn khởi. Bởi khi người dân đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm thì lượng thức ăn chăn nuôi bán ra tăng mạnh.

Trang trại gà của anh Phạm Văn Cảnh (xóm Đầm Ban, xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên) hiện chăn nuôi 5.000 con gà mía Sơn Tây. Để chăn nuôi 1.000 con từ khi còn nhỏ đến khi xuất chuồng trong khoảng 3 tháng, anh phải cho gà ăn hết 230-250 bao cám loại 25kg. Anh Cảnh cho hay: Tôi mua cám trực tiếp tại nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở tỉnh Bắc Ninh, mỗi bao có giá 280 nghìn đồng, so với thời điểm tháng 3-2023 thì giảm được 50 nghìn đồng. Tính ra, sau khi xuất bán 5.000 con gà hiện tại tôi sẽ tiết kiệm được trên 60 triệu đồng tiền cám.

Anh Tô Văn Học, ở xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), cho biết: Gia đình tôi đang có 50 con lợn thịt, lượng cám để nuôi toàn bộ số lợn này đến khi xuất chuồng khoảng 400 bao loại 25kg. Do chăn nuôi với số lượng ít nên tôi lấy cám của một số đại lý trong xã. So thời điểm này năm ngoái, hiện mỗi bao cám đã giảm 20 nghìn đồng. Tôi hy vọng giá cám sẽ tiếp tục được điểu chỉnh giảm trong thời gian tới để người nông dân yên tâm sản xuất.

Không chỉ người nông dân phấn khởi mà các đại lý phân phối, hộ kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi cũng vui khi lượng hàng bán ra tăng hơn trước. Bởi nhiều hộ đã quay trở lại chăn nuôi sau một thời gian “treo chuồng” do giá thức ăn tăng cao, chăn nuôi thua lỗ. Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ một đại lý thức ăn chăn nuôi ở xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), cho biết: Cửa hàng của tôi hiện cung ứng cám cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Thịnh Đức, Tân Cương và Phúc Trìu. Một năm trở lại đây, giá bán được điều chỉnh giảm nhiều đợt nên tình hình kinh doanh có nhiều khởi sắc. Hiện, trung bình mỗi tháng cửa hàng cung ứng ra thị trường khoảng 80 tấn thức ăn chăn nuôi các loại, tăng khoảng 20% so với cách đây một năm.

Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, từ đầu năm 2023 đến nay, do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nên các nhà máy, công ty sản xuất cũng điều chỉnh giảm giá bán các sản phẩm. Ông Phạm Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi - Thú y tỉnh, cho biết: Thức ăn là khoản chi phí chiếm đa số trong chăn nuôi với 65-70% giá thành sản xuất. Việc giá thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh giảm liên tục cộng với giá bán các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng gia cầm duy trì ở mức ổn định là tín hiệu tích cực để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu chăn nuôi 95 nghìn con trâu, bò; 610 nghìn con lợn, 16 triệu con gia cầm và sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 222.850 tấn (tăng 1.050 tấn so với năm 2023). Khai thác 6.100ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản và sản lượng ước đạt 19.000 tấn các loại (tăng 500 tấn so với năm 2023).

Vũ Công

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop