Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 4 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 4 năm 2024

 

Làm giàu nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Nhờ mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, anh Huỳnh Văn Hiển (SN 1981, ở thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã phát triển thành công mô hình trồng chanh đào, mang lại giá trị kinh tế cao, cho nguồn thu nhập ổn định.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện (Trường ĐH Quy Nhơn), anh Hiển xin được việc làm tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Tây Thuận, với công việc chính là phụ trách mảng văn phòng, dịch vụ điện và thu gom rác thải cho đến nay.

Anh Hiển cho hay, đầu năm 2020, trong lần tham gia hội thảo xúc tiến thương mại tại tỉnh Quảng Ngãi, ngồi cạnh một số người dân chuyên trồng cây ăn quả, nghe nhắc đến cây chanh đào, anh tò mò tìm hiểu và nhận thấy giống cây trồng này rất có tiềm năng. Nghĩ là làm, anh quyết định vay tiền mua 200 cây chanh đào chất lượng cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng thử nghiệm trên 4 sào đất trồng mì, mía của gia đình.

 

 

Anh Hiển mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây chanh đào, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: D.Đ

Vốn có tính cần cù, chịu khó, anh Hiển tự tìm hiểu, áp dụng các tiến bộ KHKT vào chăm sóc nên vườn chanh đào phát triển tươi tốt chỉ sau 1 năm trồng. Anh tận dụng rơm rạ, vỏ trấu, đậu đỗ, phân chuồng kết hợp với các chế phẩm sinh học, tự chế phân hữu cơ bón cho cây; tự chế các loại chế phẩm tự nhiên để phun, phòng trừ sâu bệnh hại cây; đầu tư hệ thống tưới phun sương tạo độ ẩm cho đất...

Nhờ vậy, sau 1 năm chăm sóc, trong đợt thu hoạch đầu tiên anh Hiển đã thu gần 4 tấn quả, với giá bán 30.000- 40.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí thu lãi gần 80 triệu đồng. Bên cạnh trồng chanh đào, anh còn có nguồn thu nhập ổn định từ 8 ha keo, nuôi 200 con gà đẻ trứng, mở tiệm bán và sửa chữa đồ điện gia dụng tại nhà.

Hiện nay, anh Hiển đã chuyển đổi tiếp 6 sào đất trồng mì sang trồng 300 gốc cây chanh đào mới, nâng tổng số lên 500 cây. Anh Hiển cho biết: Mới đây, UBND huyện Tây Sơn có quyết định công nhận sản phẩm chanh đào đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư máy móc chế biến, sản xuất những sản phẩm mới từ loại quả này, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, vận động người dân trong vùng chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng chanh đào, tạo chuỗi liên kết, nâng cao chuỗi giá trị nông sản của địa phương, cùng giúp nhau nâng cao thu nhập, xây dựng xã ngày càng phát triển.

DUY ĐĂNG

 

Hạn, mặn tấn công nhiều diện tích trồng chanh

 

Nguồn tin: Báo Long An

Tình hình hạn, mặn đã và đang xảy ra gay gắt, hiện nay đã có nhiều diện tích cây ăn trái, nhất là cây chanh ở tỉnh Long An bị ảnh hưởng. Tại huyện Bến Lức, dù chưa có những thiệt hại đáng kể nhưng nguy cơ gây thiệt hại lớn cho cây chanh đang rất cao, nhất là thời gian gần đây, lượng nước ngọt tích trữ sẵn để phục vụ tưới cho vườn chanh của nhiều nông dân cũng đã cạn kiệt.

 

 

Các mương trữ nước trong vườn chanh của người dân đã khô cạn

Nước tích trữ đã cạn kiệt

Qua ghi nhận của phóng viên vào chiều ngày 21/4, ở “thủ phủ” trồng chanh xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, có gần 2.100ha. Vụ này hầu hết diện tích chanh đều đã thu hoạch trái. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều diện tích thiếu nước tưới.

“Sau khi thu hoạch, cây chanh cũng bị suy nhược nên đang rất cần được chăm sóc, dưỡng sức trở lại. Thế nhưng, với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước tưới như hiện nay thì nhiều nông dân đang khá lo lắng cây chanh bị chết” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hòa - Nguyễn Hoài Vũ cho biết.

Nguồn nước tưới cho cây chanh ở xã lấy từ nguồn sông Vàm Cỏ Đông vào. Sau những năm xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, người trồng chanh ở xã cũng có nhiều kinh nghiệm khi đào ao trong các vườn chanh để sẵn sàng trữ nước trước ngọt. Khi có dự báo ngoài sông Vàm Cỏ Đông sắp bị nhiễm mặn thì tiến hành đóng chặn nguồn nước từ ngoài sông chảy vào để ngăn nước mặn xâm nhập vườn cây trồng. Theo đó, nguồn nước tích trữ ở các kênh, rạch, ao sẽ được sử dụng tưới dần cho cây chanh.

Tuy nhiên, thời gian qua, trời nắng nóng gay gắt, cộng với việc bơm để tưới cho cây chanh nên nguồn nước các kênh, rạch, ao chứa nước này cũng đã cạn. Gia đình ông Trần Thanh Sơn (ấp 2, xã Thạnh Hòa) hiện có khoảng 1ha (500 gốc chanh) 3 đến 4 năm tuổi. Vụ này, ông Sơn đã thu hoạch cơ bản xong, với giá bán ở mức khá cao. Hiện tại còn khoảng 1 tấn trái chưa thu hoạch. Dù vậy, gia đình đang đứng trước nỗi lo vườn chanh bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn.

“Trước khi nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông qua địa bàn bị nhiễm mặn, tôi đã tích trữ được hơn 10 mương nước ở trong vườn (mỗi mương chứa được 60 - 70 khối nước). Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay đã cạn kiệt. Vì thiếu nước tưới nên một số cây chanh cũng bắt đầu có dấu hiệu bị xào lá”, ông Trần Thanh Sơn thông tin.

Huyện Bến Lức có diện tích cây chanh khoảng 7.000ha. Đây là cây trồng chủ lực của huyện thời gian qua, làm thay đổi cuộc sống của người dân địa phương, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Ở địa phương đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ giúp người dân phát triển sản xuất và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do điều kiện bất lợi của thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao nắng nóng, hạn, mặn kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây chanh.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, đến hiện tại, hạn hán, xâm nhập mặn chủ yếu mới gây tác động, ảnh hưởng chứ chưa gây ra thiệt hại, nhưng nếu hạn hán kéo dài thì rất đáng lo ngại. Địa phương thường xuyên đi khảo sát, kiểm tra và theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

Khuyến cáo của ngành chuyên môn

Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, thời gian tới, hiện tượng nắng nóng, nhiệt độ cao, xâm nhập mặn còn diễn ra rất phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một số cây trồng như lúa, ổi, mít, đu đủ, chanh.

Theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, hiện nay, độ mặn trên các tuyến sông chính và kênh, rạch trên địa bàn huyện nếu tưới cho cây chanh sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và làm giảm năng suất cho nhiều vụ tiếp sau.

Ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo không sử dụng hóa chất hoặc chất khích thích tăng trưởng tưới rễ, phun lên lá, không xử lý ra hoa trái vụ, không để nhiều trái và neo trái thời gian dài, không bón nhiều phân vô cơ; không nhổ cỏ hoặc phun thuốc diệt cỏ.

Để bảo vệ cây chanh trong mùa hạn, mặn, người dân nên tưới tiết kiệm nước ngọt hoặc phun nước có pha phân bón lá dạng hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng vào chiều mát hoặc buổi tối. Người dân có thể dùng cỏ khô, rơm rạ, xơ dừa phủ xung quanh gốc cây chanh để làm giảm bốc thoát nước và mát rễ; cắt tỉa cành, giảm sự bốc thoát nước qua lá và giảm mất cân đối giữa tán lá và rễ; bón phân hữu cơ hoặc tưới phân hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng.

Về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết, hiện nay, độ mặn xâm nhập sâu vào trong các kênh, rạch làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nên trong mùa khô này đã có khoảng 5.000ha chanh và cây ăn trái đang thiếu nước tưới, khả năng sẽ bị giảm năng suất, sản lượng. Trong đó, huyện Bến Lức có gần 1.500ha; huyện Thủ Thừa có gần 1.500ha; huyện Thạnh Hóa có hơn 1.000ha; huyện Tân Trụ có hơn 600ha; TP.Tân An và huyện Đức Hòa có hơn 80ha;…

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần, để ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất, tỉnh tổ chức thực hiện nhiều giải pháp công trình và phi công trình với mục đích tạo nguồn cấp nước, kiểm soát mặn, bảo vệ sản xuất và dân sinh.

Cụ thể, kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất. Cho hoạt động các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối: Cống Rạch Đào, Cây Gáo trên kênh Thủ Thừa; Cống Rạch Chanh, huyện Bến Lức;... để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiến hành rà soát, tổng hợp các danh mục công trình ưu tiên cấp bách để triển khai thi công ngay bằng các nguồn lực sẵn có của tỉnh hoặc huy động trong Nhân dân nhằm bảo đảm ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt hiện có trong khu vực nội đồng. Các cấp, các ngành kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay, không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt.

Đồng thời, các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng thiếu nước; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích trong sinh hoạt hàng ngày; tham gia hưởng ứng việc lấy nước sinh hoạt từ các điểm tập kết nước do chính quyền địa phương tổ chức cấp nước hỗ trợ.

"Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức kiểm tra, đo đạc chất lượng nước trên các tuyến sông trong tỉnh; thông báo kết quả 2 lần/tuần đến các cấp, các ngành có liên quan để thông tin đến người dân chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; kịp thời đăng tải các nội dung phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên webtise Phòng, chống thiên tai của tỉnh (htps:www//pctt.longan.gov.vn)" - ông Võ Kim Thuần thông tin.

Đến đầu tháng 4/2024, ranh mặn 1‰ và 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt qua lần lượt là 88km và 72km; trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt qua lần lượt là 110km và 86km.

Do tác động nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn nên hiện nay, trên địa bàn các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và TP.Tân An, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu hụt nước ngọt để tưới, hàng ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện Cần Giuộc bị thiếu nước sạch sinh hoạt.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, từ ngày 10 - 20/4, ranh mặn 4‰ trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xâm nhập sâu 90 - 100km.

Trước tình hình hạn, mặn xảy ra phức tạp trong mùa khô 2024, ngày 17/4, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn cấp độ 4.

UBND tỉnh Long An cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí 157 tỉ đồng để tỉnh thực hiện phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất và phục vụ dân sinh./.

Lê Đức

 

Trồng dưa hấu mùa nghịch lợi nhuận hơn 7 triệu đồng/công

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hiện nay, tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), thương lái thu mua dưa hấu với giá 5.000-6.000 đồng/kg tùy chất lượng trái, bình quân cao hơn cùng kỳ năm rồi 1.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay và năng suất vụ này bình quân 1,7-2 tấn/công, người trồng dưa hấu lợi nhuận hơn 7 triệu đồng/công.

Ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cho biết, vụ dưa hấu mùa nghịch năm nay, toàn huyện xuống giống khoảng 70ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn.

DUY KHÁNH

 

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Gia Lai

Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Những năm 90 của thế kỷ trước, cà phê nổi lên như một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Vì vậy, ông Xuyến dốc hết vốn liếng để mua đất trồng cà phê. Ông Xuyến kể: “Trước khi đến Gia Lai lập nghiệp, tôi cũng nhiều lần khảo sát, tìm hiểu về vùng đất này. Không những đất đai rộng lớn mà còn rất màu mỡ, phù hợp để phát triển nông nghiệp, nhất là cây cà phê. Do đó, tôi quyết định mua 3 ha đất tại xã Hnol để trồng cà phê. Vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm những hộ dân xung quanh, tôi tiếp tục mở rộng diện tích cà phê lên thành 15 ha”.

Tuy nhiên, khi vườn cà phê của ông Xuyến bước vào thu hoạch thì giá rớt thảm hại, chỉ còn 4.000 đồng/kg vào niên vụ 2002-2003. Thu không đủ bù chi, ông Xuyến bán bớt vườn rẫy và chuyển diện tích cà phê còn lại sang canh tác theo hướng hữu cơ nhằm giảm chi phí đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ông bắt đầu tìm hiểu về thị trường tiêu thụ cà phê bột nhằm chuyển hướng làm ăn.

 

 

Ông Xuyến đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc hiện đại nhằm đáp ứng các tiêu chí theo quy định và mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh: Q.T

“Mặc dù giá cà phê nhân giảm sâu nhưng các sản phẩm cà phê sau chế biến vẫn có giá khá cao, thị trường tiêu thụ thì đầy tiềm năng. Vì vậy, năm 2006, tôi đầu tư máy móc, bắt đầu chuyển sang rang xay và cho ra mắt sản phẩm cà phê bột đầu tiên mang tên Gia Phú. Chính nhờ dùng nguyên liệu từ vườn cà phê được canh tác theo hướng hữu cơ, thu hái quả chín đạt trên 90% nên sản phẩm cà phê bột Gia Phú được thị trường đón nhận và ngày càng mở rộng”-ông Xuyến cho biết.

Tiếp đà thành công, ông Xuyến đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua máy móc rang xay hiện đại; đồng thời, liên kết với 5 hộ dân ở xã Hneng xây dựng vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao với tổng diện tích khoảng 20 ha. Ông Xuyến thu mua cà phê với cao hơn giá thị trường 1 triệu đồng/tấn nhân.

Với khoảng 1,5 ha cà phê canh tác theo hướng hữu cơ, gia đình anh Nguyễn Bình (làng Krun, xã Hneng) có nguồn thu nhập ngày càng ổn định kể từ khi được ông Xuyến liên kết, bao tiêu sản phẩm. Anh Bình chia sẻ: “Tôi liên kết với cơ sở sản xuất cà phê Gia Phú khoảng 5 năm nay. Vườn cà phê của tôi luôn cho năng suất ổn định nhờ canh tác theo hướng bền vững, lại được ông Xuyến thu mua cao hơn giá thị trường nên thu nhập của gia đình ngày càng tốt hơn”.

Từ khi 4 sản phẩm cà phê Gia Phú đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh thì thị trường tiêu thụ càng được mở rộng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh các sản phẩm cà phê chất lượng cao mang thương hiệu Gia Phú, ông Xuyến còn tận dụng nhà xưởng, máy móc hiện đại để gia công thuê cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, tổng doanh thu hàng năm của cơ sở luôn ổn định và tăng dần. Năm 2023, ông Xuyến thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Với quan điểm chất lượng sản phẩm phải được ưu tiên trên hết, ông Xuyến luôn đặc biệt chú trọng đến nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như bảo đảm quy trình chế biến phải đạt chuẩn. Từ đó, ông tạo ra sản phẩm tốt, đem lại niềm tin cho người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu và uy tín trên thị trường. “Thời gian tới, tôi tiếp tục liên kết với các hộ dân trên địa bàn để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng sạch, thu hái đạt độ chín nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, quan tâm thiết kế mẫu mã bao bì và đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trưng bày tại các hội chợ”-ông Xuyến cho hay.

Đánh giá về hướng đi của ông Huỳnh Đức Xuyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa Nguyễn Kim Anh cho biết: Cơ sở chế biến cà phê Gia Phú đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành hàng cà phê của huyện. Cơ sở không những tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại chỗ mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của các hộ dân tham gia chuỗi liên kết. Đặc biệt, đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh huyện đang tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đưa sản phẩm địa phương vươn xa. Huyện tiếp tục định hướng, tạo mọi điều kiện để các chủ thể OCOP, trong đó có cơ sở chế biến cà phê Gia Phú liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo cho nhu cầu chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

NGUYỄN QUANG

 

Ninh Thuận: Nông dân Bác Ái vào vụ thu hoạch hạt điều

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Những ngày này, về huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận), đi trên các tuyến đường 705, 707 dọc các sườn đồi từ xã Phước Trung đến các xã Phước Chính, Phước Hòa, Phước Bình... dễ dàng bắt gặp cảnh người dân đang tất bật vào vụ thu hoạch hạt điều.

Toàn huyện có trên 1.490ha điều, tuy không phải là cây trồng chủ lực, nhưng cây điều đang giúp bà con ở các xã miền núi huyện Bác Ái có nguồn thu đáng kể. Bên cạnh đó, cây điều còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng. Cùng với các hộ ở xã Phước Hòa, những ngày này gia đình bà Chamaléa Thị Lý ở thôn Tà Lọt đang bước vào vụ thu hoạch hạt điều. Bà Lý cho biết: Rẫy điều của gia đình tôi có trên 400 cây, trồng trên diện tích gần 1,4ha đất sườn đồi, năm ngoái gia đình thu lãi gần 15 triệu đồng nhờ bán hạt điều. Bước vào vụ điều năm nay, gia đình tôi đã thu hai đợt được 67kg, giá bán khá cao, dao động từ 23.500-24.000 đồng/kg. Cùng chung niềm vui như gia đình bà Lý, hiện nay gia đình anh Katơr Thuận ở thôn Chà Panh cũng đang tất bật thu hoạch hơn 1,2ha điều. Anh Thuận chia sẻ: Vụ điều năm nay thu hoạch muộn hơn năm ngoái gần 2 tháng, thời điểm cây điều ra hoa gặp nắng gắt nên tỷ lệ đậu trái ít hơn so với năm ngoái, nhưng nhờ Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop thu mua với giá ổn định, nhờ đó giúp gia đình có thêm thu nhập.

 

 

Nông dân huyện Bác Ái vào vụ thu hoạch hạt điều.

Bà Ngô Thị Cúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái cho biết: Đối với huyện miền núi Bác Ái trồng điều trên những vùng đất dốc, gò đồi được xem là giải pháp canh tác hợp lý, không những giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng. Thời gian tới, phòng đề nghị các địa phương vận động nhân dân tập trung chăm sóc và cải tạo lại các vườn điều, đặc biệt là những diện tích điều già cỗi thay thế bằng những giống điều ghép cao sản. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp hộ trồng điều có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập.

Kha Hân

 

Thu nhập thêm từ phế phẩm nông nghiệp

 

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Mô hình máy cuộn rơm thu gom phế phẩm rơm sau thu hoạch lúa, đang mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất.

 

 

Hợp tác xã Toàn Thắng đưa máy xuống đồng cuộn rơm cho bà con xã viên. Ảnh: M.Đ

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ máy cuộn rơm cho Hợp tác xã (HTX) Toàn Thắng (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Máy cuộn rơm trị giá gần 400 triệu đồng, trong đó, HTX bỏ vốn đối ứng 60%, còn lại 40% Nhà nước hỗ trợ. Việc đưa máy cuộn rơm vào hoạt động đã góp phần tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời xóa bỏ tập quán đốt đồng gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay.

HTX Toàn Thắng có hơn 100 xã viên, với diện tích sản xuất khoảng 200ha. Sau khi đầu tư và được hỗ trợ máy cuộn rơm, HTX làm dịch vụ cho nông dân trong HTX. Nông dân tận dụng rơm sau thu hoạch để bán nhằm tăng thêm thu nhập. Mỗi công đất, máy cuốn được khoảng 15 cuộn rơm, sau khi trừ chi phí nông dân có thêm 150.000 đồng. Ông Trần Văn Rạng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Toàn Thắng, cho biết: Máy cuộn rơm của HTX hoạt động rất hiệu quả. Việc cuộn rơm đã góp phần tăng thêm nguồn thu nhập từ phụ phẩm trong nông nghiệp cho xã viên HTX và nông dân trong vùng”.

Theo ông Lê Hữu Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay đơn vị này đã hỗ trợ 3 máy cuộn rơm cho các HTX. Nhìn chung, máy cuộn rơm ở các HTX đều hoạt động hiệu quả.

NHẬT MINH

 

Những mô hình sản xuất hiệu quả cần được nhân rộng

 

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang hướng đến nhân rộng các mô hình nhằm đa dạng hóa sinh kế và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH KẾT HỢP

Nói về mô hình kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước tiên phải nhắc đến mô hình sản xuất tôm - lúa - cua - cá của ông Tăng Bình (ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Gia đình ông Bình có 3ha đất áp dụng mô hình sản xuất kết hợp nêu trên, lợi nhuận thu được gần 400 triệu đồng/năm. Trong đó, riêng vụ lúa trên đất tôm mới đây, gia đình ông thu được 270 triệu đồng, nhờ trúng mùa - được giá. Ông Bình cho biết: “Trước đây, khi nhắc đến ấp Kos Thum là nói đến vùng quê nghèo nàn, lạc hậu. Năn, lác một thời ngự trị trên vùng đất này, nay đã được thay thế bằng con tôm, cây lúa, những sản vật mang đến cuộc sống ấm no cho người dân”. Lợi nhuận thu được từ mô hình sản xuất kết hợp đã giúp ông Bình có điều kiện xây dựng căn nhà khang trang gần 1 tỷ đồng, đồng thời mua xe ô tô phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình.

Hay mô hình nuôi vịt trong ruộng lúa kết hợp thả cá đồng của ông Hồ Thanh Tổng (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) cũng mang lại hiệu quả rất cao. Gia đình ông Tổng có 5ha đất, trước đây chỉ sản xuất 2 vụ lúa. Nhằm đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi, ông Tổng đã áp dụng mô hình nuôi cá kết hợp với thả vịt trong ruộng lúa. Sau một thời gian thực hiện mô hình, ông Tổng thấy việc sản xuất kết hợp mang lại hiệu quả cao và bền vững. Lúa ít sâu bệnh lại tăng thêm nguồn thu nhập từ cá lóc, rô phi, sặc rằn và vịt. Đây là mô hình không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình sản xuất. Hiện nay, mỗi năm ông Tổng thu lợi nhuận từ mô hình lúa - cá - vịt trên 500 triệu đồng.

 

 

Mô hình sản xuất kết hợp cây trồng - vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích của ông Tăng Bình (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Ảnh: M.Đ

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất đa cây, đa con kết hợp đều mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân. Do đó, ngành chức năng và các địa phương đang khuyến cáo nông dân nhân rộng các mô hình này.

Tuy nhiên, để các mô hình phát triển và đạt hiệu quả bền vững, các địa phương cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất, giúp nông dân chủ động thích ứng, tái cơ cấu cây trồng - vật nuôi cho phù hợp. Theo đó, xây dựng các mô hình điểm, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Phát triển mô hình tôm sạch - lúa an toàn theo quy trình hữu cơ tiến tới đạt các chứng nhận, thương hiệu (VietGAP, ASC, Organic…) nhằm nâng cao giá trị và kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhất là các mô hình nuôi, trồng kết hợp trên cùng một diện tích sản xuất.

Song song đó là cần phải quy hoạch phát triển các vùng sản xuất với các đối tượng phù hợp điều kiện, không phát triển ồ ạt để cung vượt quá cầu. Quan tâm công tác cấp mã số vùng trồng, mã số ao nuôi nhằm xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa, vùng nuôi tôm an toàn, đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, có những chính sách đầu tư, hỗ trợ thử nghiệm các mô hình sản xuất mới; thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu lúa, gạo chất lượng cao, tôm sạch và các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Bạc Liêu...

Đánh giá về các mô hình sản xuất kết hợp, ông Ngô Nguyên Phong - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Hiện nông dân trong tỉnh đã và đang tìm 20 tòi, học hỏi ở nhiều nơi và đưa các mô hình mới, sáng tạo về sản xuất kết hợp trên đồng đất của mình. Các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững, nông dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.

MINH ĐẠT

 

Lão nông Jrai làm giàu nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Gia Lai

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Rơ Châm Hlưng (65 tuổi, làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) thu về trên 300 triệu đồng/năm. Suốt 10 năm liền (2013-2023), ông luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Trước kia, gia đình ông Rơ Châm Hlưng rất khó khăn. Cả nhà 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào vài sào lúa nước 1 vụ. Không cam chịu cảnh nghèo, năm 1980, ông Hlưng quyết định đầu tư trồng 2 ha cà phê. “Những năm đầu, do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên 2 ha cà phê chỉ thu về được khoảng 4 tấn quả tươi. Nhận thấy việc sản xuất theo phương thức truyền thống không hiệu quả, tôi tích cực tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Từ đó, tôi áp dụng phương pháp chăm sóc cà phê tiên tiến, khoa học và không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”-ông Hlưng kể lại.

 

 

Ông Rơ Châm Hlưng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: M.K

Nhờ đó, vườn cây của gia đình ông Hlưng trở nên xanh tốt nhất vùng. 2 ha cà phê của gia đình thu về gần 8 tấn nhân. Năm 2016, ông Hlưng chủ động chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng cây ăn quả và trồng xen chanh dây. Khi được gia đình nhà vợ cho thêm 5 sào đất, ông canh tác ổn định 2 ha cà phê và 5 sào cây ăn quả các loại như: bơ, xoài, mít Thái, sầu riêng. Cùng với đó, ông chăn nuôi heo, bò, gà. Hiện nay, gia đình ông có thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Nhờ đó, ông Hlưng xây được ngôi nhà khang trang, mua xe công nông, máy cày, máy xay xát. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 5 lao động ở địa phương vào vụ thu hoạch.

Đặc biệt, năm 2019, ông Hlưng tham gia Nông hội sản xuất cà phê sạch. Đây là nông hội đầu tiên được thành lập ở huyện Chư Păh. Ông Hlưng phấn khởi: “Tôi cùng với cán bộ nông nghiệp hướng dẫn bà con trồng cà phê sạch. Nhờ đó, bà con người Jrai ở làng Bui từng bước nắm bắt được quy trình sản xuất cà phê sạch từ cây giống, chăm sóc, tưới tiết kiệm nước, thu hái, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ… Nhiều hộ đã cải thiện thu nhập từ việc tham gia mô hình làm cà phê này”.

Ông Puih Bum (làng Bui) cho biết: “Sau khi tham gia Nông hội, được ông Hlưng và cán bộ tận tình hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất vườn cà phê của tôi đạt 12 tấn quả tươi/ha. Kinh tế gia đình từ đó phát triển ổn định hơn. Tôi có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm các phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt”.

Với việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Hlưng đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong 10 năm liền. Ông trở thành điển hình trong thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại địa phương. Mặc dù đã ở tuổi 65 nhưng ông Hlưng vẫn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động. Hàng năm, ông còn tham gia hướng dẫn cách trồng cà phê, nuôi heo, bò… cho 20 lao động nông thôn; hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho người DTTS. “Với kinh nghiệm rút ra từ thực tế, tôi tuyên truyền, vận động người dân trong làng chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”-ông Hlưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng-nhận xét: Ông Rơ Châm Hlưng là một trong những hội viên người DTTS tiêu biểu của xã. Ông luôn đi đầu trong phát triển kinh tế với việc mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất. Ông Hlưng xứng đáng là tấm gương để các hộ nông dân, nhất là đồng bào DTTS học tập và làm theo. Với những nỗ lực của bản thân, 10 năm qua, ông Rơ Châm Hlưng luôn được Hội Nông dân các cấp khen thưởng.

MAI KA-GLO

 

Bác Ái (Ninh Thuận): Chủ động bảo vệ đàn gia súc trong mùa khô

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Hiện nay, tình hình thời tiết nắng nóng ngày càng gay gắt ảnh hưởng đến chăn nuôi. Để ứng phó với nắng hạn, bảo vệ đàn gia súc (GS), nhiều hộ chăn nuôi ở huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) đã chủ động trồng cỏ, dự trữ thức ăn khô và bổ sung dưỡng chất cho đàn GS nhằm duy trì ổn định đàn vật nuôi.

Mặc dù đang trong cao điểm của mùa khô nhưng đàn bò và đàn dê 24 con của gia đình anh Kadá Khôi ở thôn Ma Ty, xã Phước Thắng vẫn đủ thức ăn. Anh Khôi chia sẻ: Trước đây đàn GS của gia đình chủ yếu chăn thả ngoài tự nhiên, vào mùa khô thiếu thức ăn làm suy giảm thể trạng. Hai năm trở lại đây, tận dụng nguồn nước ở các hồ đập tôi quyết định trồng 1 sào cỏ voi để bổ sung thức ăn tươi cho đàn GS. Bên cạnh đó, vào mùa khô tôi phân loại GS để có cách chăm sóc phù hợp, những con bị suy giảm thể trạng sẽ được chuyển sang nuôi nhốt và có chế độ dinh dưỡng riêng. Nhờ vậy, đàn GS phát triển bình thường.

Cũng như gia đình anh Khôi, nhờ chủ động nguồn thức ăn tươi và dự trữ rơm khô, thân cây bắp nên đàn bò và dê 9 con của gia đình ông Katơr Lơn ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung sinh trưởng tốt. Ông Lơn cho biết: Vào mùa khô đàn GS thường bị suy kiệt do thiếu thức ăn và phát sinh bệnh ký sinh trùng, sán lá gan... Đầu năm 2024, tôi đã bán bớt 4 con bò đực, xây dựng lại chuồng trại đúng quy cách, trồng thêm cỏ voi làm thức ăn tươi cho đàn GS. Bên cạnh đó, còn dự trữ thêm rơm khô, cám gạo, mật đường để bổ sung dưỡng chất cho vật nuôi, nhờ vậy đàn GS phát triển bình thường.

 

 

Nhờ chủ động nguồn thức ăn xanh nên đàn gia súc của gia đình anh Kadá Khôi ở thôn Ma Ty phát triển tốt trong mùa khô.

Chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của người dân huyện miền núi Bác Ái. Tuy nhiên, vào mùa khô hoạt động chăn nuôi gặp khó khăn do thiếu thức ăn cho đàn GS. Nhằm giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi, vài năm trở lại đây, huyện Bác Ái thường xuyên phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để người dân áp dụng vào thực tế. Qua đó, nhiều hộ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, kịp thời phát hiện các loại bệnh trên đàn GS để chủ động điều trị.

Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, một số xã đã triển khai mô hình “Mỗi gia đình một chuồng nuôi nhốt, kết hợp trồng cỏ chăn nuôi GS”. Mô hình thu hút sự tham gia của nhiều hộ dân ở các địa phương. Qua đó, giúp bà con thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, góp phần cải thiện chất lượng đàn bò, bảo vệ môi trường xanh, sạch ở địa phương. Ông Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết: Xã tích cực tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các giải pháp để giảm tối đa khả năng GS suy dinh dưỡng trong mùa khô, trong đó chú trọng trồng cỏ, dự trữ đủ thức ăn và bổ dung dưỡng chất cho GS để duy trì ổn định đàn. Nhờ đó, hiện nay đàn GS trên địa bàn xã phát triển ổn định.

Hiện nay tổng đàn GS có sừng ở huyện Bác Ái hơn 43.840 con; trong đó, trâu trên 1.690 con, bò trên 24.800 con, dê, cừu hơn 17.840 con. Với sự chủ động của người dân trong dự trữ nguồn thức ăn và chăm sóc đúng kỹ thuật ngay từ đầu mùa khô đến nay nên đàn GS không bị hao hụt, phát sinh dịch bệnh.

Kha Hân

 

Nuôi hươu kết hợp trồng sâm nam cho hiệu quả cao

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Từ năm 2021, ông Nguyễn Đức Hiền (ở xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã tận dụng diện tích vườn bãi của gia đình để đầu tư chăn nuôi hươu sao kết hợp trồng cây sâm nam. Qua thời gian ngắn, mô hình này cho thấy hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng ở địa phương.

 

 

Sau 1 năm trồng, vườn cây sâm nam của gia đình ông Nguyễn Đức Hiền phát triển tốt, cho thu hoạch hoa, lá để chăn nuôi hươu.

Nhận thấy chăn nuôi hươu còn khá mới mẻ ở địa phương, ông Hiền đã mày mò tự học và dành thời gian đi tham khảo, học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. Năm 2021, cùng với số tiền tích luỹ được cộng với vốn vay ngân hàng, ông đầu tư 1,2 tỷ đồng mua 20 con giống và xây dựng hệ thống chuồng trại.

Theo ông Hiền, hươu là loài dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh, ăn tạp. Thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây, ngô. Ông dành 1 mẫu để trồng cỏ voi cho hươu ăn. Trang trại nuôi hươu được ông tự thiết kế xây dựng bằng gạch và khung thép chắc chắn, chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô nuôi một con, trên mái và xung quanh tường bố trí các ô thoáng. Mùa Hè lắp quạt, mùa Đông dùng bạt che chắn tránh gió lạnh. Bên cạnh đó, ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, các chế phẩm vi sinh để tiêu độc, khử trùng, đảm bảo khu vực chăn nuôi luôn thoáng đãng, sạch sẽ.

Đến nay sau gần 3 năm, ông đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, đàn hươu phát triển khoẻ mạnh. Hiện tại trong chuồng có 21 con hươu, gồm 14 con nhung và 7 con nuôi sinh sản. Với hươu lấy nhung, trung bình một con cắt được khoảng 1,7kg nhung/năm (một năm cắt hai lần). Riêng năm 2023, ông cắt được hơn 20kg nhung, thu lãi 350 triệu đồng. Còn với hươu sinh sản mỗi năm ông Hiền xuất bán 6-7 con (giá 12-13 triệu đồng/con).

Thấy nuôi hươu không quá vất vả, còn dư thời gian, ông Hiền về huyện Tân Yên (Bắc Giang) nghiên cứu, học hỏi về cây sâm nam. Đầu năm 2023, ông san gạt đất đồi, làm luống, lắp đặt hệ thống tưới tự động để đưa 3.000 gốc sâm nam về trồng trên diện tích 1ha. Theo ông, sâm nam là loại dược liệu quý, có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ. Loài dây leo này phù hợp với đất đồi, dốc, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chỉ cần chú ý tưới nước đều, làm sạch cỏ năm đầu để cây phát triển nhanh. Ông chia sẻ sau chưa đầy 1 năm, cây sâm nam đã leo tươi tốt và ra hoa. Thông thường khoảng 5 năm sẽ cho thu hoạch củ (trên thị trường đang bán 1,5 triệu đồng/kg củ). Trong khi chờ thu hoạch củ thì ông vẫn có thể thu hái hoa và tỉa lá cho hươu ăn. Vụ vừa rồi ông thu được hơn 2 tạ hoa tươi. Hoa sâm được ông thu hái để bán tươi (giá 230.000/kg), sao khô (giá 800.000/kg). Nhận thấy tiềm năng từ cây sâm nam, mới đây ông đã đăng ký xây dựng sản phẩm trà hoa sâm làm sản phẩm OCOP.

Thăm khu chuồng nuôi hươu và vườn sâm nam, chúng tôi ấn tượng với cách làm nông của ông Hiền. Không chỉ được thiết kế khoa học, thoáng đãng, khu chuồng luôn được giữ sạch sẽ, gọn gàng. Vườn sâm nam được trồng từng luống thẳng hàng, làm sạch cỏ.

Theo ông Hiền, cả việc nuôi hươu sao và trồng sâm nam đều rất mới ở địa phương nhưng rất triển vọng. Chi phí đầu vào thực hiện mô hình không nhiều, gần như theo quy trình tuần hoàn, khép kín. Toàn bộ phân của hươu dùng bón cho cây, lá sâm nam lại làm thức ăn cho hươu. Tất nhiên, để thành công thì điều đầu tiên phải cần cù, chịu khó học hỏi, đúc rút kinh nghiệm. Nhận thấy cây sâm nam mới trồng nhưng đã có những hiệu quả nhất định, nhiều người đã đến nhà ông học hỏi kinh nghiệm. Hiện ông đang ươm 5.000 gốc sâm nam để bán theo đơn đặt hàng.

Lưu Phượng

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop