Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 8 tháng 4 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 8 tháng 4 năm 2024

 

Chờ mùa khóm mới

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giữa mùa nắng chói chang, hơi nóng lan tỏa khắp chợ đồng bằng. Khóm (dứa) bật lên trong số các loại trái cây tươi bán chạy. Dân trồng khóm đang thắp hy vọng bán giá tốt tới khi vào mùa.

 

 

Sản phẩm khóm Cầu Ðúc (Hậu Giang).

Khóm tươi chạy chợ

Về miệt trồng khóm phía Nam sông Hậu, khắp cánh đồng lá gai trải rộng dọc theo sông Cái Lớn còn lưu giữ giống khóm Queen ngon nổi tiếng. Ra Giêng dài qua tháng 2 âm lịch, khóm chưa vào mùa chín rộ đã chớm nhận dấu hiệu hút hàng. Đi theo tuyến quốc lộ 61 từ TP Vị Thanh đến TP Rạch Giá, lác đác chừng vài ba sạp bày bán hàng khóm tươi ven đường. Khóm bán lẻ cho khách qua đường, trái to, vàng óng, ăn tươi ngọt lịm 20.000 đồng/trái. Không mấy ai so đo giá cả, khách hàng mua ăn liền, dù biết giá có cao hơn khóm hè phố quanh chợ Cần Thơ, Long Xuyên.

Nhưng người bán giải thích đơn giản, do khóm mùa nghịch. Khóm nằm trong số trái cây giải nhiệt ra chợ chưa nhiều nên giá lên cao. Hơn nữa, nhờ có lợi thế điểm chung trong quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương là độc đáo, danh tiếng. Dân trồng khóm ở Hậu Giang thường khoe giống khóm Queen Cầu Đúc (cầu Cái Tư) là ngon nhất hạng. Cùng giống khóm này, chủ rẫy khóm ở Tắc Cậu, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, lại cho rằng khóm trồng ở đất cù lao hay ven sông Cái Lớn xẻ tươi rẻ quạt vàng ruộm cho vị ngọt thanh tự nhiên không nơi đâu sánh bằng…

Khóm Tắc Cậu được trồng nhiều ở các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú và một phần của xã Minh Hòa thuộc huyện Châu Thành (Kiên Giang). Trong đó trên đất cù lao nằm giữa hai sông Cái Lớn, Cái Bé có vùng chuyên canh khóm quanh năm. Ông Ba Tải ở Ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hòa Phú có 4,4ha chuyên canh khóm áp theo mô hình 3 cây, khóm - dừa - cau trên đất cù lao này. Ông vừa thu hoạch lứa khóm rải vụ, trái đang độ vừa chín, vỏ còn xanh, to, đẹp. Ghe thương lái đến tận nơi thu mua, khóm loại 1 (1-1,2 kg/trái), giá 13.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí có lời 5.000 đồng/trái. So với cùng tháng này năm trước khóm loại 1 khoảng 8.000 đồng/trái, cao hơn 5.000 đồng/trái. Trong khi giá khóm rớt loại (800 gram/trái) hiện thời bán 8.000 đồng.

Trong số hộ trồng khóm có kinh nghiệm, ông Ba Tải biết rành kỹ thuật cho trái rải vụ thu hoạch sớm bán được giá khá hơn. Ba Tải dẫn giải: Căn nguyên khóm có giá như hiện nay là do một số vùng trồng khóm nơi khác bị triều cường, nước ngập nên thất mùa, giảm năng suất. Thương lái cũng dự tính nhu cầu tiêu thụ mùa nắng nóng kéo dài tới khi vào hè sẽ còn tăng cao. Dân trồng khóm rành rẽ mùa khóm Cầu Đúc, Tắc Cậu thu hoạch chính vụ kéo dài trong hơn một tháng (từ tháng 4 đến tháng 5 âm lịch, đến qua lễ hội Vía Bà ở Châu Đốc - An Giang) là dứt mùa. Tiếp đó, muốn nối vụ một số nông dân áp dụng kỹ thuật kích thích khóm đẻ trái con để thu rải vụ bán quanh năm. Khóm Queen tuy năng suất không cao, khoảng 15-17 tấn/ha, nhưng ít sâu bệnh. Dùng phân bón và không dùng thuốc trừ sâu độc hại nên người tiêu dùng an tâm, có thể xem là trái ngon, an toàn.

Thoát cảnh bồng bềnh…

Ở ĐBSCL có nhiều vùng trồng khóm nổi tiếng lâu đời. Cây khóm có khả năng thích nghi vùng đất phèn như cây tràm, cây mía. Vào khoảng thập niên 40 thế kỷ XX, cây khóm cắm chân bén rễ trên vùng đất này. Theo các địa phương có vùng trồng khóm, trong những năm thị trường tiêu thụ tốt ĐBSCL có khoảng 40.000ha. Vùng trồng khóm Cầu Đúc, tỉnh Hậu Giang có trên 3.100ha. Tỉnh Kiên Giang có hơn 7.580ha, sản lượng trên 115.000 tấn/năm. Trong đó khóm Tắc Cậu thuộc huyện Châu Thành có trên 1.860ha, năng suất bình quân hiện đạt 14 tấn/ha. Riêng tỉnh Tiền Giang, tại huyện Tân Phước có vùng trồng khóm chuyên canh hơn 15.000ha, năng suất bình quân 17 tấn/ha, sản lượng hơn 257.800 tấn/năm. Trong giỏ hàng rau - củ - quả, người tiêu dùng biết rõ khóm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mang lại lợi ích tốt cho sức khỏe. Khóm cung cấp vitamin C và chất chống oxy hóa tuyệt vời.

Ở nước ta có một số địa phương có nhiều vùng trồng khóm rải khắp từ Bắc vào Nam. Trong đó, ĐBSCL cây khóm có điều kiện, lợi thế mở rộng vùng sản xuất, khả năng tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu chế biến thực phẩm và phát triển thành ngành hàng xuất khẩu. Dù vậy, qua nhiều năm dài chuyện đưa khóm từ quê ra chợ vẫn chưa thoát cảnh thân phận long đong.

Hồi trước và sau những năm đầu sau năm 1975, khóm Queen từ miền Tây vào mùa được ghe thương lái mua chở về các chợ nổi rồi bán sang qua xuồng ghe nhỏ len lỏi theo sông rạch bán dạo tới các chợ lớn - nhỏ trong vùng. Nhưng sức mua mạnh nhất vẫn là đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến giữa những năm 1980 giống khóm Cayenne (còn gọi là dứa gai, thơm) nổi lên với năng suất cao lấn sân với giống khóm Queen, vì được các nhà máy thu mua chế biến đóng hộp hay đông lạnh tươi xuất khẩu. Sau một thời gian khi thị trường xuất khẩu hạ nhiệt, vùng trồng khóm Cayenne thu hẹp dần. Giống khóm Queen xem ra vẫn được nông dân lưu dụng, thị trường nội địa ăn bền.

Mấy năm gần đây khóm Queen có dấu hiệu phục hồi khi các địa phương mở ra nhiều chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật trong trồng trọt, chế biến thực phẩm tạo ra nhiều loại sản phẩm đa dạng. Song, bên cạnh việc cung cấp sản phẩm trái tươi vào các siêu thị, nhà máy chế biến thực phẩm, cơ sở làm bánh kẹo, nước giải khát. Phần lớn sản lượng khóm vẫn còn tiêu thụ nội địa theo kênh phân phối qua các chợ truyền thống. Hoạt động gắn kết cung - cầu giữa các Hợp tác xã và doanh nghiệp tiêu thụ còn khiếm diện ở một vài địa phương, chưa bật lên thành mô hình mẫu. Một khi chuỗi liên kết sản xuất chưa hình thành, người trồng khóm miền Tây còn "tự bơi" tìm thị trường hay vẫn bán khóm theo lối mòn cũ, chờ gặp may trúng chợ thì phận khóm vẫn chưa hết long đong.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

 

Người dân xã Hưng Khánh Trung B lo lắng vì sầu riêng bị cháy lá

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Thời gian gần đây, dù giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Bến Tre được duy trì ở mức rất cao, nhưng nhà vườn lại lo lắng do bệnh cháy lá đang hoành hành. Một số nhà vườn phải “bấm bụng” lặt bỏ hoa, trái để giữ cây.

 

 

Vườn sầu riêng của bà Trương Thị Bé Bảy bị cháy lá hàng loạt.

Theo một số nhà vườn tại xã, bệnh cháy lá trên cây sầu riêng đã xảy ra từ trước Tết Nguyên đán 2024. Ghi nhận tại vườn sầu riêng 5 công đất của bà Trương Thị Bé Bảy, ấp Phụng Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, có khoảng 60% cây sầu riêng trong vườn bị bệnh cháy lá. Theo bà Bảy, tình trạng sầu riêng cháy lá xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán, sau đó cây bị suy kiệt, thậm chí là chết cây. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của thời tiết. Cây bị kiệt sức nên không thể để trái nhiều như những năm trước.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Văn Dũng, hiện toàn xã có khoảng hơn 200ha sầu riêng. Bệnh cháy lá ít xảy ra tại các vườn sầu riêng tơ hơn những vườn lâu năm. Qua theo dõi, trên địa bàn xã có khoảng trên 60% diện tích sầu riêng bị cháy lá. Khi xảy ra cháy lá, cây đang mang hoa thì không thể nuôi trái được. Có hộ phải lặt bông bỏ, có trái nhỏ thì cũng cắt bỏ để nuôi cây.

Trưởng trạm khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp khu vực Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc Nguyễn Quỳnh Thiên cho biết: Hiện tình trạng bệnh cháy lá trên cây sầu riêng đã giảm, nhưng vẫn còn do ảnh hưởng của thời tiết. Những ngày qua, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tập huấn cho nông dân phòng, trị bệnh cháy lá và chăm sóc vườn sầu riêng.

Hiện tượng cháy lá trên cây sầu riêng có nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân đầu tiên là do đất trồng bị thiếu chất hữu cơ, làm cho đất thiếu độ tơi xốp dẫn đến rễ cây thiếu trầm trọng lượng oxy trong đất. Nguyên nhân thứ hai là do chỉ số pH thấp. Nguyên nhân thứ ba, có thể do cây bị “stress” vì nhà vườn sử dụng quá nhiều chất ức chế sinh trưởng (Paclobutazol) kết hợp với xiết nước tạo khô hạn trong quá trình xử lý ra hoa. Thứ tư là do cây bị nhiễm nấm bệnh.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đặng Văn Dũng cho biết: Những cây sầu riêng tơ, chưa cho trái thì không bị bệnh. Tuy nhiên, những cây đang mang trái thì bị cháy lá nhiều. Trong quá trình xử lý nghịch vụ, nhà vườn cắt nước để sầu riêng ra hoa, sau đó mở mủ đậy gốc sầu riêng, đây là giai đoạn thiếu nước cộng với nắng nóng gay gắt dẫn đến lá sầu riêng bị cháy và rụng. Từ đó, trái sầu riêng không lớn được, thậm chí trái rụng hoặc cây mang trái rồi chết.

Để phòng và trị bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo nhà vườn không nên hoặc hạn chế tối đa sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn sầu riêng. Đồng thời, không nên cuốc đất xung quanh gốc sầu riêng sau khi dỡ mủ xử lý ra hoa nghịch vụ. Những vườn có xử lý ra hoa vụ nghịch thì nên lặt bỏ hết hoa, trái hoặc bỏ một phần hoa, trái nếu cây có dấu hiệu bệnh và suy kiệt. Khi tưới, người dân cần tưới đủ nước cho cây, bón bổ sung phân trung vi lượng; bón phân hữu cơ + nấm Trichoderma và những vi sinh vật đối kháng khác như: Streptomyces, Pseudomonas…

Hiện nay, các ngành chức năng và địa phương đang tập trung quyết liệt, hướng dẫn người dân chăm sóc vườn sầu riêng với hy vọng sẽ mau chóng khắc phục được thiệt hại, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: Bảo Duy

 

Vườn sầu riêng cổ thụ giữa đất mới

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) là đất kinh tế mới của người Hà Nội tại cao nguyên. Cây trồng chính của bà con từ nhiều năm nay là cà phê. Nhưng, tại thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, có một vườn sầu riêng cổ thụ, một khu vườn đã góp phần vào thay đổi cơ cấu cây trồng của người nông dân trong vùng.

 

 

Ông Phạm Văn Nghĩa bên vườn sầu riêng đang ra hoa

Gia đình ông, bà Phạm Văn Nghĩa - Lê Thị Nhiều vào định cư tại thôn Liên Hồ, xã Liên Hà vào năm 2011. Ông Nghĩa kể lại, lúc đó, toàn thôn Liên Hồ bà con gần như độc canh cây cà phê thì mảnh đất của ông bà mua có sẵn 100 cây sầu riêng đã trưởng thành, cây rất to, rợp bóng. Ông Nghĩa cũng cho biết, khi mua đất, ông bà cũng không hỏi kỹ tuổi của cây sầu riêng nhưng lúc đó, vườn sầu riêng đã rất to, cao và cho quả hằng năm. Với 2,3 ha, 100 cây sầu riêng khi đó còn khá thưa bóng. Vì vậy, ông bà quyết định trồng thêm 150 cây sầu riêng, cũng giống Thái Dona như các cây sầu riêng đang có sẵn.

“Điều rất may mắn là những cây sầu riêng lớn được trồng sẵn cũng thuộc giống sầu riêng chuẩn, giống Dona, giống được các nhà khoa học nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên canh tác. Vì vậy, vườn sầu riêng nhà tôi dù cây mới hay cây cũ đều trồng thuần giống, mang lại hiệu quả rất tốt vì kỹ thuật chăm sóc giống nhau, chất lượng trái sầu riêng cũng đồng nhất. Sau khi 150 cây trồng sau cho trái, cả vườn sầu riêng đạt 250 cây đều cùng một giống” - ông Phạm Văn Nghĩa đánh giá. Chính từ kinh nghiệm của bản thân, ông Nghĩa khẳng định, khi trồng sầu riêng, quan trọng nhất là người nông dân phải chọn được giống chuẩn. Bởi, 100 cây sầu riêng lâu năm của gia đình ông do trồng giống chuẩn nên tới tận bây giờ, chất lượng của trái càng ngày càng ngon, được thị trường ưa chuộng.

Ông Phạm Văn Nghĩa chia sẻ thêm về canh tác sầu riêng, bắt đầu từ người không có kinh nghiệm về trồng sầu riêng, chỉ thu hoạch trái từ những cây trưởng thành có sẵn, ông bà đã học từ từ, tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc sầu riêng trưởng thành và sầu riêng giai đoạn kiến thiết cơ bản. Ông Nghĩa nhận xét, cây sầu riêng khó chăm sóc tại giai đoạn mới trồng, giai đoạn kiến thiết, sau khi cây đã trưởng thành, việc chăm sóc nhàn hơn rất nhiều. Trồng sầu riêng đặc biệt chú ý tới chế độ nước bởi chế độ nước ảnh hưởng rất lớn tới việc ra hoa, đậu quả. Với những cây trên 10, 12 năm tuổi, chế độ chăm sóc rất nhàn, chủ yếu quan tâm tới lượng phân hữu cơ, lượng thuốc dưỡng cây, thuốc bảo vệ thực vật.

“Bà con trồng sầu riêng không phải lúc nào cũng chờ đợi giá cao đỉnh như năm 2023. Với vườn sầu riêng này, gia đình tôi từng có thời điểm chịu giá chỉ có 6000 đồng/kg. Tuy nhiên, đất Liên Hồ, Liên Hà là mảnh đất khá đặc biệt khi mùa sầu riêng tại đây thu hoạch rất muộn, muộn hơn hầu hết các vùng trồng sầu riêng trong tỉnh Lâm Đồng. Tôi nghĩ rằng, đây là một thế mạnh để bà con Liên Hà có thể phát triển cây sầu riêng” - ông Phạm Văn Nghĩa chia sẻ. Mùa thu hoạch sầu riêng 2023, gia đình ông, bà thu được 70 tấn trái với giá trị 3,5 tỷ đồng. Ông Nghĩa đánh giá, với hiện trạng nông nghiệp địa phương, không có giống cây trồng nào có giá trị cao như sầu riêng.

Khu vườn trồng sầu riêng cao tuổi của ông bà Phạm Văn Nghĩa - Lê Thị Nhiều cũng là khu vườn mang lại ý nghĩa rất tích cực với nông dân thôn Liên Hồ. Bắt đầu từ việc chỉ quen trồng cây cà phê, loại cây công nghiệp nhanh cho thu, người Liên Hồ đã nhận thấy cây sầu riêng có thể sống được, phát triển tốt tại đất địa phương. Đồng thời, cùng với giá cả ổn định của thị trường sầu riêng, người Liên Hồ đã thay đổi, chuyển sang canh tác cây sầu riêng với diện tích khá nhiều. Hiện tại, 20 nông hộ trong thôn Liên Hồ đã hình thành Tổ hợp tác trồng sầu riêng với mục tiêu xây dựng mã số vùng trồng, hướng tới xuất khẩu. Mảnh vườn sầu riêng cổ thụ của gia đình ông Phạm Văn Nghĩa đã mang lại cho bà con niềm tin rất lớn. Bác Nguyễn Văn Dân, nông dân thôn Liên Hồ, thành viên của tổ hợp tác cũng chia sẻ, gia đình ông Nghĩa thành công từ cây sầu riêng cũng góp phần thúc đẩy gia đình bác mạnh dạn chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng sầu riêng. Khu vườn trĩu trái mỗi năm giúp người nông dân khẳng định cây sầu riêng có thể sống tốt tại địa phương, bà con mạnh dạn trục cà phê để xuống giống sầu riêng.

Và tới mùa vụ năm 2024, hầu hết sầu riêng của nông dân trong thôn đã bắt đầu cho thu hoạch, mở ra thêm một nguồn thu nhập rất tốt với người nông dân. Cùng với những nông dân khác, gia đình ông bà Phạm Văn Nghĩa - Lê Thị Nhiều cũng đang tích cực tìm hiểu nội dung xây dựng mã số vùng trồng, tích cực đoàn kết, chia sẻ thông tin để bà con trong tổ hợp tác canh tác sầu riêng ổn định, hình thành vùng trồng an toàn, trồng được trái sầu riêng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại nguồn thu ổn định cho người nông dân thôn Liên Hồ.

DIỆP QUỲNH

 

Sầu riêng tăng giá chưa từng có

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

 

 

Nguồn cung sầu riêng tại chợ không nhiều do thương lái gom hàng đi xuất khẩu.

Thời điểm cho trái đầu vụ cộng với xuất khẩu thuận lợi đã đẩy giá sầu riêng lên cao chưa từng có. Với mức giá hiện tại, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng phấn khởi vì thu về lợi nhuận cao.

Lợi nhuận cao nhờ sầu riêng

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long, sầu riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, trong đó thị trường chủ lực vẫn là Trung Quốc. Do đang ở thời điểm đầu vụ cộng với đầu ra xuất khẩu thuận lợi, nhất là sang thị trường Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng lên mức cao.

Theo nhiều nhà vườn trồng sầu riêng, hơn một tuần qua thương lái vào tận vườn tìm mua sầu riêng với giá từ 100.000-120.000 đ/kg (đối với loại phổ biến là Ri 6), tùy chất lượng và kích cỡ trái. Đây là mức giá cao trong nhiều năm trở lại đây. Với năng suất bình quân từ 3-3,5 tấn trái/công, sau khi trừ hết chi phí nhà vườn thu về lợi nhuận cao.

Tại cù lao Dài ở huyện Vũng Liêm- nơi được mệnh danh là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh, nhiều nhà vườn đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp ứng phó tình trạng xâm nhập mặn để bảo vệ vườn sầu riêng cho năng suất như mong muốn. Có gần 5 công sầu riêng, chú Nguyễn Văn Ba (xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) phấn khởi cho biết: “Vụ sầu riêng này của tôi đạt năng suất từ 3-3,5 tấn/công. Với mức giá dao động 100.000- 115.000 đ/kg, sau khi trừ hết chi phí tôi nhẩm tính lợi nhuận còn lại khoảng trên 300 triệu đồng/công. Chưa bao giờ giá sầu riêng tốt được như thời điểm hiện tại”.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình) cũng vui mừng nói: “Tôi có gần 4 công trồng sầu riêng, thương lái đến vườn thu mùa với giá 110.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí tôi còn lời nhiều. Sầu riêng giờ đã thành niềm vui chung của nhà vườn”.

Nhiều nhà vườn cũng cho hay, thời điểm này, do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, khô hạn và sâu bệnh khiến nhiều diện tích vườn sầu riêng bị cháy lá, sụt giảm năng suất. Mặc dù vậy, nhờ giá sầu riêng năm nay cao hơn các năm trước nên nhà vườn vẫn có lợi nhuận khá. Ngoài yếu tố thị trường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang thuận lợi, nhiều thương lái thu mua sầu riêng cho biết giá sầu riêng ổn định ở mức cao bởi lúc này nguồn cung ít, sầu riêng hút hàng. Sầu riêng hút hàng nên phần lớn sản lượng được thu mua phục vụ xuất khẩu. Chính vì vậy, giá sầu riêng bán lẻ tại các chợ cũng ở mức cao. Cụ thể, sầu riêng Ri 6 bán trái hiện ở mức 140.000-150.000 đ/kg và sầu riêng cơm dao động từ 250.000-450.000 đ/kg, tùy theo

chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Huyên- tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: “Năm nay giá sầu riêng cao hơn mấy năm trước. Sầu riêng loại 1 thu mua tại vườn là 120.000 đ/kg, còn loại 2, loại 3 từ 80.000-100.000 đ/kg, cao hơn so với những năm trước từ 40.000-50.000 đ/kg. Tuy nhiên, sầu riêng tại chợ cũng không có nhiều do thương lái gom hàng đi xuất khẩu. Mỗi ngày tôi bán 50-70 trái, giá cao nên bán lẻ

cũng chậm”.

Cần đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh), toàn tỉnh có trên 4.000ha diện tích trồng sầu riêng. Trong đó, có trên 3.900ha sầu riêng đang cho trái, bắt đầu vào vụ thu hoạch. Hiện thời điểm này đang là đầu vụ và từ khoảng tháng 5-6 thì sầu riêng vào mùa thu hoạch rộ. Nguyên nhân giá sầu riêng tăng là thị trường xuất khẩu chính ngạch đã thuận lợi hơn, đồng thời, đang cao điểm vào mùa nắng nóng, sản lượng chưa nhiều, nguồn cung ít trong khi nhu cầu lớn nên giá sầu riêng ở mức cao.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan đã khẩn trương xúc tiến các thủ tục cần thiết lập hồ sơ để được cấp mã số cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc cũng như một số nước khác. Đặc biệt là quan tâm xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sầu riêng. Tính đến tháng 3/2024, riêng mặt hàng sầu riêng toàn tỉnh có 20 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích trên 500ha và 17 mã số vùng trồng nội địa với diện tích gần 300ha.

Theo ngành chức năng, với mức giá sầu riêng ở thời điểm hiện tại, nhà vườn thu về lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhà vườn không vì giá sầu riêng lên cao mà phá vỡ chuỗi cung ứng, hợp tác liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, HTX, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sầu riêng chính ngạch.

Song song đó, nông dân không nên mở rộng diện tích sầu riêng, đặc biệt là đối với khu vực, địa hình không phù hợp trồng loại cây này. Thay vào đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Sầu riêng Việt Nam đã có lợi thế vào thị trường Trung Quốc. Để tận dụng hết cơ hội từ thị trường này, người dân cần chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để tiếp tục mở rộng thị trường.

Bài, ảnh: PHI LONG

 

Khống chế bệnh cháy lá trên cây sầu riêng

 

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có gần 5.600 ha sầu riêng bị ảnh hưởng bởi bệnh cháy lá, trong đó có gần 500 ha bị ảnh hưởng mức độ cháy lá với tỷ lệ từ 30% đến 40%, còn lại dưới 30%.

Nặng nhất là huyện Cai Lậy có gần 3.200 ha sầu riêng bị nhiễm bệnh; huyện Cái Bè có trên 1.800 ha sầu riêng trong tổng diện tích khoảng 10.000 ha sầu riêng bị nhiễm bệnh.

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khẩn trương đưa ra các giải pháp hỗ trợ, khuyến cáo nhà vườn tích cực phòng, chống bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, khống chế, không cho lây lan, chăm sóc phục hồi và bảo vệ vườn cây.

Theo đó, ngành chuyên môn xác định hiện tượng cháy lá sầu riêng có nguyên nhân bởi vườn cây suy kiệt sau khi thu hoạch kết hợp với thời tiết, mùa khô hạn nắng nóng gay gắt kéo dài và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, vườn sầu riêng bị nhiễm nấm bệnh, đặc biệt là nấm thán thư hoặc vườn bị ảnh hưởng cháy lá bởi tất cả các nguyên nhân kể trên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng Viện Cây ăn quả Miền Nam tổ chức Hội thảo "Biện pháp quản lý bệnh cháy lá trên cây sầu riêng" và "Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng trong điều kiện hạn, mặn" với sự tham dự của cán bộ kỹ thuật các cấp, Tổ Khuyến nông cộng đồng và đông đảo nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn tổ chức 36 cuộc tập huấn về kỹ thuật phòng, chống bệnh cháy lá trên cây sầu riêng cho trên 1.000 lượt nông dân.

Tại huyện Cái Bè, ông Đặng Văn Tung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, địa phương đã tổ chức khoảng 30 cuộc tập huấn kỹ thuật phòng, chống bệnh cháy lá trên cây sầu riêng thu hút khoảng 900 lượt nông dân. Nội dung gồm tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh cháy lá trên cây sầu riêng, kỹ thuật chăm sóc phục hồi vườn cây trong mùa hạn, mặn…

Ngoài ra, thông qua Bản tin thời tiết nông vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, ngành cảnh báo, khuyến cáo, hướng dẫn bà con áp dụng đồng bộ những giải pháp phòng, chống bệnh cháy lá trên cây sầu riêng.

Theo ghi nhận của ngành chức năng, các biện pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực bước đầu. Nông dân tìm hiểu và biết được nguyên nhân, cách xử lý khi vườn bị nhiễm bệnh cùng các giải pháp thích hợp đề phòng đối với vườn chưa nhiễm bệnh. Từ đó, cơ bản kiểm soát được bệnh, hạn chế gia tăng diện tích vườn nhiễm bệnh mới cũng như quản lý tốt hiện tượng cháy lá trên vườn đã bị nhiễm. Hiện tại, các diện tích vườn nhiễm bệnh cháy lá trước đó đã phục hồi, đang ra cơi đọt mới và dự kiến sẽ cho trái trong vụ tiếp theo khoảng 4 - 5 tháng tới.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng khuyến cáo nông dân trong thời gian tới cần áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý bệnh cháy lá trên cây sầu riêng. Theo đó, lưu ý nông dân cần phải thường xuyên thăm vườn cây, nắm tình hình sinh trưởng cây trồng và ảnh hưởng của bệnh cháy lá nhằm áp dụng đồng bộ các giải pháp quản lý, phòng, chống theo hướng dẫn của các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân quản lý bệnh cháy lá trên cây sầu riêng trong tình hình hạn, mặn đang còn diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài. Đặc biệt, nông dân chú trọng cung cấp đủ nước cho vườn sầu riêng thông qua giải pháp tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước kết hợp tủ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, lục bình, cỏ rác…

Bà con cần tỉa cành, tạo tán, hạn chế bón các loại phân vô cơ, thay vào đó sử dụng rộng rãi phân bón trung vi lượng nhằm tăng sức đề kháng cho cây kết hợp tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng đã hoai mục…

Ngoài ra, bón thêm vôi đồng thời hạn chế sử dụng phân sinh lý chua để nâng chỉ số pH lên trên 5; những địa bàn khó khăn về nguồn nước bơm tưới thì áp dụng biện pháp xử lý rải vụ, tránh cho trái và thu hoạch vào thời điểm hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp khiến sâu bệnh nói chung, bệnh cháy lá nói riêng tấn công cây trồng.

Minh Trí

 

Nông dân trồng sầu riêng trúng đậm, nhưng vẫn lo

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Giá sầu riêng đang cao chót vót từ 120.000-210.000 đồng/kg (tùy loại), giúp nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu trúng đậm. Tuy nhiên, việc phát triển ào ạt kéo theo nhiều nỗi lo, nhất là chất lượng khi mới đây phía Trung Quốc cảnh báo 30 lô sầu riêng của Việt Nam bị nhiễm kim loại nặng (cadimi) vượt quy định...

 

 

Giá sầu riêng ở ĐBSCL đang cao ngất ngưỡng. Ảnh: H.THU

Thu lãi lớn nhờ giá cao

Những ngày này, vườn sầu riêng sớm của chị Lý Thị Thu Thủy, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, bắt đầu chín. Chị Thủy cho biết thương lái đã đến đặt tiền cọc mua với giá 130.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri 6 loại 1, cao hơn cùng kỳ năm ngoái gần 50.000 đồng/kg. “Khu vườn của tôi có 1,5ha với sản lượng hơn 35 tấn trái; xem như năm nay trúng đậm bạc tỉ…”, chị Thủy chia vui. Cũng ở xã Trường Long, 6 công sầu riêng Ri 6 của ông Nguyễn Văn Nhường cho thu hoạch sớm vụ này được 10 tấn trái. Bán cho thương lái với giá bình quân 120.000 đồng/kg, đảm bảo mức lợi nhuận rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Đưa chúng tôi đi xem khu vườn sầu riêng rộng hàng chục héc-ta của các xã viên đang cho trái sai oằn, ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) cho hay, từ trước Tết Nguyên đán 2024 giá sầu riêng tăng rất cao và duy trì đến nay. Hiện, thương lái thu mua phục vụ xuất khẩu với giá 120.000-130.000 đồng/kg (sầu riêng Ri 6), còn sầu riêng Thái từ 180.000-210.000 đồng/kg, kỷ lục so với các năm qua. “Nếu canh tác hợp lý, sử dụng phân bón cân đối, nhất là dùng nhiều phân hữu cơ giúp chất lượng sầu riêng đảm bảo và chi phí đầu tư chỉ 15.000-20.000 đồng/kg. So với giá bán hiện nay thì người trồng sầu riêng trúng đậm, khó cây nào theo kịp ”, ông Chiến phân tích.

Mặt được là vậy, tuy nhiên vài năm nay phong trào trồng sầu riêng “bùng nổ” nhiều nơi, vượt ngoài quy hoạch đã kéo theo những lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động - thực vật (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định. Ngay lập tức, Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh; Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, thành phố Hà Nội; cùng các doanh nghiệp liên quan… về tình trạng trên. Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các cơ quan chuyên môn giám sát các doanh nghiệp vi phạm khẩn trương thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo; thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lô hàng bị cảnh báo… gửi kết quả kèm theo hồ sơ liên quan về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi cho phía Trung Quốc, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tăng cường hợp tác và nâng chất lượng

Theo Cục Bảo vệ thực vật, các lô sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng có thể xảy ra trong quá trình canh tác do sử dụng phân bón hoặc đất, nguồn nước tưới bị nhiễm cadimi. Ngoài ra, khi sơ chế, làm sạch sầu riêng sau thu hoạch, có thể các thương lái và doanh nghiệp dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc sử dụng hóa chất có cadimi… Trước đó, tháng 7-2022, Bộ NN&PTNT đã ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cụ thể, trái sầu riêng phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại mà phía Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là ruồi đục trái và các loài rệp sáp; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép… Sau đó, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về vấn đề trên để các địa phương, nông dân, doanh nghiệp biết và thực hiện. Dù vậy, các vi phạm vẫn xảy ra.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua, phía Trung Quốc đã từng cảnh báo việc này mấy lần nhưng mức độ nhẹ, riêng lần này nặng hơn. Do đó, chúng ta cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục ngay nhằm tránh những ảnh hưởng có thể tiếp tục xảy ra. Bởi nếu các vi phạm còn tiếp diễn, phía Trung Quốc không chỉ cảnh báo nữa mà sẽ rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, lúc đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH XNK trái cây Phương Ngọc (Tiền Giang), lo ngại: “Mỗi khi xảy ra những lô hàng sầu riêng vi phạm quy định thì các ngành chức năng phía Trung Quốc sẽ kiểm tra việc nhập khẩu vào thị trường họ nghiêm ngặt hơn; trong khi mặt hàng sầu riêng chỉ cần ùn ứ ở các cửa khẩu vài ngày là sẽ chín, nứt trái… gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”.

Khắc phục việc này, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các doanh nghiệp rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sử dụng tại vườn trồng); tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Đối với ngành nông nghiệp các địa phương cần tăng cường quản lý chặt quy trình canh tác, nhất là các nơi được cấp mã số vùng trồng; các lô hàng xuất khẩu được kiểm tra chặt nghiêm ngặt; phía hợp tác xã và nông dân cần tuân thủ các quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo trái sầu riêng đạt chất lượng để xuất khẩu vào Trung Quốc và các thị trường khó tính khác…

Là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 22.000ha, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tăng cường quản lý chặt từ khâu sản xuất, thu hoạch cho đến xuất khẩu. Cụ thể, phối hợp cùng chính quyền địa phương và các hợp tác xã làm tốt mã số vùng trồng bởi đây là khâu quan trọng. Hiện, Tiền Giang được cấp 72 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích khoảng 2.600ha và còn 213 hồ sơ xin cấp mới đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra. Ngoài ra, có 66 cơ sở đóng gói được cấp mã số và còn 39 hồ sơ mới chờ kiểm tra…

Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh Hậu Giang có 2.468ha sầu riêng. Hiện tại, các nhà vườn trong tỉnh Hậu Giang đang xử lý bông để cho trái và thời điểm thu hoạch cũng còn vài tháng nữa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm gần đây, người dân đang có xu hướng chuyển sang loại cây trồng này vì giá cao, lợi nhuận hấp dẫn. Ngành nông nghiệp cũng đã tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng.

Về lâu dài, để phát triển căn cơ loại trái cây “tỉ đô” này, tỉnh Tiền Giang sẽ kiểm soát chặt hơn việc quy hoạch, hạn chế trồng sầu riêng tự phát, nhỏ lẻ, nơi chưa được đầu tư hạ tầng; khuyến khích nông dân tham gia các hợp tác xã để sản xuất tập trung, bài bản, đầu tư khoa học kỹ thuật, có liên kết đầu ra với doanh nghiệp xuất khẩu; toàn bộ quy trình canh tác có ghi chép sổ sách, truy xuất nguồn gốc rõ ràng… Đồng tình với định hướng trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng ở Tiền Giang phản ánh, đã từng thu mua trực tiếp tại vườn với điều kiện là sầu riêng đủ độ chín; tuy nhiên vẫn có trường hợp nông dân yêu cầu thu hoạch toàn bộ, trong đó có cả trái non chưa đạt tiêu chuẩn. Thế là doanh nghiệp phải bỏ tiền đặt cọc, bởi nếu cắt trái non đưa đi xuất khẩu sẽ không đảm bảo chất lượng và ảnh hưởng về sau. Giải quyết việc này, các hợp tác xã cần phát huy vai trò vận động nông dân tham gia làm ăn chung sẽ dễ dàng thực hiện việc sản xuất đồng loạt và thu hoạch đồng loạt số lượng lớn, đáp ứng đúng tiêu chuẩn, chất lượng.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền) cho hay, vừa tuyên truyền cho các xã viên tuân thủ quy định trong canh tác, thu hoạch; đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng về thời điểm thu hoạch, sản lượng, tiêu chuẩn, giá cả… để cung ứng phù hợp cho thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Một khi sản xuất có sự liên kết chặt chẽ đầu vào và đầu ra thì mới bền vững được…

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích trồng sầu riêng cả nước đến năm 2023 đạt khoảng 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022, sản lượng 1 triệu tấn. Xuất khẩu sầu riêng năm qua thu về khoảng 2,3 tỉ USD; riêng thị trường Trung Quốc hơn 2,03 tỉ USD. Dự báo những năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Ngoài việc cạnh tranh với Thái Lan, dự kiến tháng 5-2024, Việt Nam sẽ cạnh tranh thêm với Malaysia về xuất khẩu sầu riêng tươi vào thị trường tỉ dân này. Lợi thế của Việt Nam là quãng đường vận chuyển sang Trung Quốc gần và sầu riêng nước ta được rải vụ thu hoạch quanh năm; trong khi các quốc gia đối thủ thì thu hoạch theo mùa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc; giá trị sầu riêng cấp đông cao hơn nhiều lần so trái tươi. Vấn đề là chúng ta cần siết chặt quản lý các quy trình canh tác, thu hoạch, xuất khẩu… đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của nước bạn. Phải nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để loại trái cây “tỉ đô” phát triển bền vững.

H.TÂN - H.THU

 

Cẩn trọng với giá hồ tiêu tăng

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Dù chưa bằng thời kỳ “hoàng kim” nhưng giá hồ tiêu đang phục hồi mạnh là tín hiệu vui đối với người nông dân. Tuy nhiên, người dân vẫn phải cẩn trọng, không vội đầu tư mở rộng diện tích loại cây trồng này.

Giá hồ tiêu khởi sắc

Sau nhiều năm "lao dốc", giá hồ tiêu đang phục hồi là tín hiệu đáng mừng cho người trồng tiêu. Năm nay, ngoài giá cà phê liên tục tăng cao thì giá hồ tiêu cũng đang trên đà tăng và áp sát mức 100.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, giúp người dân có thêm lợi nhuận và lấy lại niềm tin đối với loại nông sản từng được ví như "vàng đen" của Tây Nguyên.

 

 

Nông dân huyện Cư Kuin phơi hồ tiêu sau thu hoạch.

Những ngày này, gia đình ông Vũ Đình Khôi (thôn 6, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) đang tập trung nhân lực để hoàn tất công tác thu hái vườn tiêu của gia đình. Gia đình ông có hơn 1,2 ha hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ và tận dụng chế phẩm sinh học làm phân bón nên năng suất, sản lượng tương đối ổn định. Vụ mùa năm nay, ông dự kiến thu về khoảng 4 tấn tiêu. Trừ chi phí sản xuất, gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng. “Hy vọng rằng, giá tiêu sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao để người trồng tiêu bớt khổ, có thêm lợi nhuận để trang trải cuộc sống và bù đắp lại chi phí đầu vào tăng cao trong quá trình đầu tư”, ông Khôi bộc bạch.

Vừa thu hoạch xong gần 1 ha hồ tiêu và đang chuẩn bị phục hồi lại vườn cây, bà Đỗ Thị Khánh (phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) cho hay, vụ mùa tiêu năm nay, giá tiêu tăng từ đầu vụ đến cuối vụ khiến nhà nông khấp khởi mừng và đặt nhiều kỳ vọng vào một mùa tiêu thắng lợi để bù đắp lại những tổn thất của các năm trước. Điều đáng mừng nữa là mặc dù giá hồ tiêu tăng cao, nhưng người dân không bị áp lực bán sớm như những năm trước đây, bởi giá các loại nông sản khác như: cà phê, sầu riêng... cũng đang tăng, giúp bà con có thu nhập ổn định. Do đó, sau khi thu hoạch, gia đình bà chỉ bán trước một phần sản lượng để tái đầu tư sản xuất, số còn lại sẽ tích trữ tiêu khô chờ tăng giá.

Bà Phạm Thị Như Linh, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Như Linh (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết, công ty đang thu mua hồ tiêu với mức giá 92.500 đồng/kg (ngày 4/4). So với vụ mùa năm ngoái, mức giá thu mua hiện nay đã tăng thêm hơn 20.000 đồng/kg. Thời điểm giá tiêu tăng trùng với mùa thu hoạch rộ hồ tiêu, nhiều nông dân vẫn chưa vội bán ra thị trường với hy vọng giá tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Phần lớn người dân chỉ bán khi cần tiền gấp hoặc bán để trả tiền công thuê hái, trang trải chi phí sinh hoạt.

Không nên mở rộng diện tích

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 28.583 ha hồ tiêu, sản lượng dự kiến đạt gần 74.630 tấn. Bên cạnh cây cà phê, hồ tiêu là một trong những loại cây công nghiệp chủ lực của nhiều địa phương, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân. Sau nhiều năm mức giá “nhảy múa” khiến nhà nông "khóc - cười" theo cây hồ tiêu, năm nay giá hạt tiêu liên tục tăng cao nên nhiều hộ dân có xu hướng muốn quay trở lại trồng mới và mở rộng diện tích.

Sau khi thu hoạch, cây hồ tiêu thường bị “kiệt sức”, lại rơi vào thời điểm mùa khô. Do đó, bà con nông dân nên chú trọng vào khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, cung cấp đủ dinh dưỡng để cây hồi phục”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Xuân Dũng

Theo nhận định của nhiều chủ vườn tiêu trên địa bàn tỉnh, giá hồ tiêu tăng nhưng còn rất lâu mới ngang bằng thời kỳ "hoàng kim" như năm 2015. Thời điểm đó, thương lái thu mua tiêu với mức giá hơn 230.000 đồng/kg, giúp nhiều nông dân thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, giá tiêu trong gần một thập kỷ trở lại đây đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có khi giảm xuống dưới mức 40.000 đồng/kg (vào năm 2020), khiến người trồng tiêu phải gồng lỗ để tái đầu tư chăm sóc, duy trì sản xuất cho năm sau.

Bên cạnh đó, những năm qua, giá tiêu xuống thấp, nông dân không còn mặn mà trong việc đầu tư, chăm sóc nên năng suất hồ tiêu cũng sụt giảm. Tình trạng dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa được kiểm soát, thị trường hồ tiêu luôn bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường. Do đó, để tránh rủi ro, người dân cần tỉnh táo và cẩn trọng, tránh đi vào "vết xe đổ" hồ tiêu được giá thì đầu tư mạnh, trồng ồ ạt, đến khi rớt giá lại rơi vào cảnh trắng tay, phá sản.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin Nguyễn Cảnh Danh cho biết, đến nay Cư Kuin vẫn là vùng trọng điểm sản xuất hồ tiêu của tỉnh, với diện tích gần 4.667 ha, trong đó diện tích hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh là 4.125 ha. Vụ mùa tiêu năm 2024, năng suất tăng nhẹ, đạt 3,2 tấn/ha, ước sản lượng khoảng 13.000 tấn. Giá tiêu đang tăng cao, song huyện khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu ở Cư Kuin phát triển bền vững và ổn định.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đỗ Xuân Dũng, năm nay, người dân bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu với tâm thế mừng vui. Đồng hành cùng người dân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn theo dõi sát tình hình thị trường, khuyến cáo người dân tập trung nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để phát triển hồ tiêu bền vững, ngành chức năng và các địa phương khuyến khích người trồng hồ tiêu tham gia các hợp tác xã, liên kết sản xuất, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung. Đồng thời, khuyến khích nông dân, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sản xuất bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị hồ tiêu.

Thúy Nga

 

Vĩnh Long: Giảm thiểu 85% thiệt hại do sâu bệnh thông qua việc sử dụng công nghệ pheromone

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Đó là mục tiêu của Dự án Cánh đồng xanh Phero Rice năm 2024 do Sở Nông nghiệp-PTNT Vĩnh Long triển khai ngày 1/4.

Mục tiêu của dự án nhằm thay thế các hợp chất hóa học độc hại bằng cách phát triển và áp dụng công nghệ pheromone trên các cánh đồng lúa.

Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương để tạo cơ hội tăng thu nhập cho nông dân ngành lúa.

Cụ thể, nông dân được đào tạo và cấp chứng chỉ về quản lý dịch hại tổng hợp bằng công nghệ pheromone thông qua lớp tập huấn đồng ruộng (FFS); giảm thiểu 85% thiệt hại do sâu bệnh thông qua việc sử dụng công nghệ pheromone và tăng 10% thu nhập cho nông dân…

Pheromone là một chất được côn trùng tiết ra một cách tự nhiên với số lượng rất nhỏ. Công nghệ sử dụng pheromone tổng hợp để làm côn trùng bị mất phương hướng và hạn chế khả năng giao phối của sâu bệnh sẽ giúp nông dân kiểm soát quần thể sâu bệnh và giảm thiệt hại mà chúng gây ra cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Tại Vĩnh Long, vụ Hè Thu năm 2024 dự án được thực hiện tại xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm và xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình với tổng diện tích khoảng 10ha với 10 điểm trình diễn.

Việc triển khai dự án là một trong những giải pháp mới, an toàn cho người nông dân và môi trường để phòng trừ sâu hại trên đồng ruộng. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ từ đó nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

THẢO LY

 

Giá cà phê lập kỷ lục: Mừng, lo niên vụ mới

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Với việc giá cà phê nhân xô không ngừng tăng cao, có thời điểm đạt mốc trên 100 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay đã lấy lại “nguồn sinh lực” cho người trồng cà phê khi vị thế của cây trồng này đang bị “lung lay” bởi những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là sầu riêng…

Cà phê lập đỉnh giá mới

Sau khi vượt mốc trên 100.000 đồng/kg (cà phê nhân) vào ngày 28/3, đến thời điểm này giá cà phê nhân xô ở Đắk Lắk vẫn áp sát mức gần 100.000 đồng/kg. Nếu tính từ đầu tháng 1/2024 tới nay thì giá cà phê đã tăng khoảng 40.000 đồng/kg, đây là mức tăng kỷ lục. Giá tăng cao khiến nhiều hộ dân vui mừng vì đã “chốt” giá bán tốt, có nguồn lợi nhuận và vốn tái đầu tư cây cà phê.

Khi thấy giá lên cao, chị Lê Thị Thương ở thôn Thanh Cao, xã Ea Tân (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đã bán hết 2 tấn cà phê với giá 92.000 đồng/kg. Chị Thương cho hay: “Tôi cũng không biết giá còn tăng nữa không, nhưng với giá này thì người trồng cà phê cũng rất vui mừng vì đã có lãi sau bao nhiêu năm cà phê nằm ở mức giá thấp”.

Anh Trần Đình Thảo ở thôn Ea Bi, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) bộc bạch, anh cùng với 8 hộ dân chung tay sản xuất cà phê chất lượng cao, với mong muốn hướng đến việc sản xuất cà phê bền vững. Niên vụ cà phê năm nay, nhóm của anh đã kết nối với một nhà rang xay, nhận thu mua khoảng 40 tấn cà phê chất lượng cao với giá cộng thêm là 14.000 đồng/kg. Nhiều hộ đã chốt bán khi giá vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg, tăng thu nhập và tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân canh tác cà phê bền vững.

Đối với mặt hàng chiến lược như cà phê thì cần sự quan tâm đúng tầm để vùng cà phê bứt phá mạnh mẽ hơn. Cốt lõi vẫn là người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu đạt được lợi ích hài hòa nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị cho ngành hàng này phát triển bền vững”.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương

Đắk Lắk hiện có trên 200.000 ha cà phê, sản lượng bình quân đạt trên 500.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích cà phê có chứng nhận đạt trên 30.317 ha, tổng sản lượng đạt hơn 100.065 tấn, với 23.291 hộ tham gia. Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nguyên nhân giá cà phê tăng cao là do thiếu hụt nguồn cung trong nước, lượng tồn kho vụ trước chuyển qua quá thấp so với mọi năm. Ngoài ra, cước phí vận tải hàng hải tăng cao, tạo cơ hội cho giới đầu cơ trên sàn giao dịch hàng hóa thế giới trữ hàng, đẩy giá để kiếm lời… Hiện nay, nguồn cà phê còn trong dân không nhiều, dự báo thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ mới cũng sẽ tăng cao do diện tích cà phê trong dân giảm nhiều vì được chuyển đổi sang trồng cây khác, ngoài ra còn do ảnh hưởng của khô hạn dẫn đến năng suất cà phê bị ảnh hưởng.

Nỗi lo về sự bền vững

Theo ông Trần Ðình Trọng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), sản xuất cà phê chất lượng cao đang mang lại lợi ích thiết thực, trực tiếp cho nông dân khi giá cà phê luôn ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 – 2,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, với mức giá cà phê nhân xô tăng cao như hiện nay, đồng nghĩa với việc giá cà phê nguyên liệu cũng tăng theo. HTX gặp khó khăn vì thiếu nguồn vốn để thu mua, nhất là đối với những đơn hàng đã ký kết.

 

 

Sản xuất cà phê đặc sản ở Krông Năng.

Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Đại Dương, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC ở xã Ea Tóh (huyện Krông Năng), khi giá cà vượt mốc 80.000 đồng/kg, nhiều thành viên HTX đã bán khoảng 80% sản lượng. Ông Dương phân tích: “Với giá cà phê liên tục tăng cao như những ngày qua thì cũng không ai dám “ôm” hàng, vì không biết giá lên xuống thế nào… Năm nay nếu làm cà phê nhân xô thì có lợi nhuận hơn là làm cà phê chất lượng cao, vì giá cà phê cộng thêm sẽ cao, khó có nhà rang xay thu mua”.

Tại hội thảo "Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD" do Báo Người Lao Động tổ chức vào ngày 30/3 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích cà phê cho rằng: Nông dân được hưởng lợi khi giá cà phê tăng cao nhưng nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp, ngành hàng cà phê sẽ gặp khó khăn nếu không đáp ứng được các đơn hàng, nhất là các hợp đồng xuất khẩu. Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo quỹ cho vay, quỹ tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp có tiền thu mua. Một giải pháp khác, cần tăng cường hỗ trợ các đơn vị chế biến cà phê đặc sản, chất lượng cao để giá trị gia tăng của hạt cà phê được bền vững.

Minh Thuận - Nguyễn Gia

 

Trồng sắn phủ bạt cho hiệu quả cao

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Thay vì trồng sắn theo cách truyền thống, thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đã chuyển đổi sang trồng sắn sử dụng màng phủ bạt kết hợp tưới nước nhỏ giọt.

 

 

Nông dân xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) trồng sắn phủ bạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Mô hình này bước đầu mang lại kết quả và đang được khuyến khích nhân rộng vì có nhiều ưu điểm vượt trội như: Tiết kiệm nước, không tốn công chăm sóc, giảm được phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…

Nhiều ưu điểm vượt trội

Vụ đông xuân này, gia đình ông Lê Tấn Hải ở thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, áp dụng kỹ thuật phủ bạt để trồng sắn. Sau gần 6 tháng, đến nay ông Hải đã thu hoạch để xuống giống vụ mới cho kịp thời vụ cùng các thửa đất xung quanh.

Ông Hải cho biết: Mặc dù thời gian trồng ngắn, quá trình sinh trưởng gặp mưa nhiều nhưng so với trồng sắn thông thường thì năng suất tăng gấp đôi, hàm lượng tinh bột củ sắn trồng phủ bạt cũng nhiều và cân nặng hơn. Năng suất trồng sắn theo cách truyền thống khoảng 1-2,5 tấn/sào, còn trồng phủ bạt đạt từ 4-5 tấn/sào.

Với 6 sào đất trồng sắn, hằng năm, gia đình bà Trần Thị Vinh ở thôn Bình Yên, xã Sông Hinh thường chọn giống sắn có năng suất cao để trồng theo cách truyền thống. Riêng vụ này, bà trồng thử nghiệm sắn được phủ bạt, mỗi hom sắn cách nhau khoảng 50-60cm, mỗi hàng cách nhau khoảng 40cm. Trước khi trồng, bà Vinh cũng lên luống theo cách truyền thống, chỉ khác là phủ thêm lớp bạt màu đen vào giữa luống đặt đường ống nước tưới nhỏ giọt.

“Tuy mới trồng sắn phủ bạt thử nghiệm, nhưng tôi thấy tiết kiệm được nhiều chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với mô hình trồng này, tỉ lệ nảy mầm đạt hơn 90%, khi bón phân chỉ cần rải vào lỗ hom trên bề mặt bạt. Mùa mưa không làm xói đất trên các luống, cỏ cũng không phát triển gây hại sắn”, bà Vinh chia sẻ.

Còn theo ông Ksor Xuân ở buôn Diêm, thị trấn Hai Riêng, chi phí trồng sắn phủ bạt không cao hơn trồng sắn truyền thống. Ngược lại, trồng sắn phủ bạt tiết kiệm được nước, không tốn công chăm sóc, giảm được phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, năng suất gấp đôi, thậm chí cao hơn. Sang vụ tới, ông Xuân quyết định áp dụng kỹ thuật trồng sắn phủ bạt cho toàn bộ diện tích đất trồng sắn của gia đình.

Tiếp tục nhân rộng

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh Lý Thị Thu Hằng, sắn là loại cây dễ trồng. Cùng với nhà máy tiêu thụ đóng ngay trên địa bàn huyện, sắn đã giúp nhiều người dân thoát nghèo, là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình.

Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất sắn giảm sút do dịch bệnh, nên mô hình trồng sắn phủ bạt là giải pháp tích cực đang được các địa phương đặc biệt quan tâm để nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt là các xã đang phấn đấu về đích xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

“Toàn huyện hiện có hơn 100 hộ áp dụng trồng sắn phủ bạt với khoảng 50ha. Riêng vụ đông xuân 2023-2024, huyện phối hợp với Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên triển khai mô hình và hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn sử dụng màng phủ nông nghiệp kết hợp có tưới nhỏ giọt với diện tích 5ha, có 7 hộ tại xã Sông Hinh, Sơn Giang và thị trấn Hai Riêng tham gia (các hộ trồng được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha)”, bà Hằng cho hay.

Điển hình tại xã Sơn Giang, ngay trong vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, năng suất sắn đạt đến 50 tấn/ha, cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống chỉ đạt 15-18 tấn/ha. Ông Hứa Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết: Địa phương đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, thì tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi rất chú trọng việc sản xuất, tạo kế sinh nhai, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua mô hình trồng sắn phủ bạt.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Nay Y Sét, mô hình trồng sắn phủ bạt là hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và là nhu cầu, nguyện vọng của người dân. “Hiện nay, địa phương khuyến khích nông dân trồng sắn theo phương pháp này. Cùng với đó, xã cũng tính tới phương án hướng dẫn người dân thu gom và xử lý rác thải nhựa là bạt sau khi thu hoạch sắn một cách hiệu quả để bảo vệ môi trường”, ông Nay Y Sét nói.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh: UBND huyện Sông Hinh đã làm việc với Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên tiếp tục đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sắn phủ bạt; đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản lượng sắn theo giá thị trường. Với mô hình này, sản lượng sắn đạt 40-50 tấn/ha, cho thu nhập cao nên huyện quyết tâm nhân rộng ra toàn huyện. Cụ thể, trong vụ tới sẽ tiếp tục trồng trên địa bàn xã Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng để bà con nông dân học tập kinh nghiệm.

NGỌC HÂN

 

Lập nghiệp, làm giàu trên vùng đất khó

 

Nguồn tin:  Báo Bình Định

Ðến thôn 1 (xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ chăm chỉ, cần cù, gia đình ông Lê Văn Năng (SN 1965, ở thôn Vạn Xuân, xã An Hòa, huyện An Lão) đã biến vùng đất hoang hóa, cây cỏ um tùm thành một trang trại tổng hợp, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đầu năm 2012, ông Năng bắt đầu dắt díu vợ con lên xã An Toàn để lập nghiệp. Ông mua 1 ha đất của người dân để canh tác. Khi ấy, nơi đây còn là vùng rừng núi, cây cối rậm rạp, khí hậu ẩm thấp, lắm côn trùng, đất cằn cỗi rất khó canh tác.

Thời điểm đó, ông Năng bắt đầu trồng chanh dây nhưng không thành công. Năm 2015, ông chuyển đổi sang trồng gần 50 cây cam xoàn. Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp KHKT vào chăm sóc nên cây sinh trưởng tốt, sau 2 năm trồng đã cho quả. Từ đó, ông mạnh dạn trồng thêm 70 cây cam xoàn.

Mỗi năm ông thu hoạch hơn 1 tấn cam, thu lời khoảng 50 triệu đồng.

Để xoay vòng vốn, năm 2019, ông mua 10 con heo đen sinh sản về nuôi. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, đàn heo lớn nhanh và sinh sản đều, lúc cao điểm đàn heo có 120 con lớn nhỏ.

 

 

Ông Năng phấn khởi chờ đón mùa thu hoạch cam xoàn mới. Ảnh: D.Đ

Nhờ cố gắng, nỗ lực hết sức mình, ông Năng đã biến vùng đất khó thành cơm, giúp gia đình thoát khỏi sự luẩn quẩn của đói nghèo. Hiện tại, với việc trồng cam xoàn, chuối, tiêu, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, huỳnh đàn, nuôi heo đen sinh sản, mỗi năm sau khi trừ chi phí chăm sóc, ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Từ cuộc sống khốn khó, giờ đây ông đã tạo dựng được nhà ở khang trang, mua sắm xe tải, các thiết bị nghe nhìn hiện đại phục vụ cuộc sống.

Ông Năng chia sẻ: “Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng trang trại, trồng thêm nhiều cây ăn quả, nuôi con giống mới; tích cực chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, nuôi heo đen cho người dân bản địa để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm dựa trên lợi thế của vùng, giúp người dân nâng cao thu nhập, xây dựng xã An Toàn ngày càng phát triển hơn”.

DUY ÐĂNG

 

Những tỉ phú nông dân năng động

 

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Dám nghĩ, dám làm, thích ứng nhanh với sự thay đổi, nhiều nông dân thành công với các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bắt kịp xu thế mới, hiện đại.

Lượng sức mà làm

Được cha mẹ cho 2,7ha đất ruộng, anh Nguyễn Thanh Phong (49 tuổi), ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) quyết tâm làm giàu, tự tìm tòi phát triển sản xuất. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, lại mạnh dạn tiếp thu cái mới, tiến bộ nên vốn liếng bạn đầu của vợ chồng anh ngày càng nở nồi. Có dư đồng nào vợ chồng anh lại đầu tư vào ruộng đất, mua máy cày, máy suốt lúa, để đến nay gia đình anh có 31,4ha đất ruộng, thu lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi năm.

 

 

Ông Nguyễn Thanh Phong (trái) bên vườn sầu riêng vừa cho trái lứa đầu tiên của gia đình.

Dám nghĩ, dám làm nên anh Phong không lùi bước trước khó khăn. Để gia tăng lợi nhuận, anh Phong chuyển hơn 16,4ha đất lúa 2 vụ sang trồng nhãn và sầu riêng. Nhiều người bảo anh chạy theo phong trào nhưng ít ai biết, việc chuyển đổi được anh tính toán bằng kế hoạch chi tiết, có cả phương án dự phòng. Để chuyển đổi, anh Phong đã đi nhiều nơi học tập kinh nghiệm. Vườn nhãn Ido 7ha của vợ chồng anh Phong vừa thu hoạch với hơn 17 tấn trái, giá bán 12.000 đồng/kg, lợi nhuận vụ đầu tuy chưa thấm vào đâu với khoảng đầu tư ban đầu nhưng đây là động lực để anh Phong tiếp tục phát triển vườn nhãn trong thời gian tới.

Để “lấy ngắn nuôi dài”, anh Phong đã trồng xen chuối cau trong vườn sầu riêng. Hiện anh đang trồng xen sầu riêng vào vườn nhãn để tận dụng diện tích. Kết quả bước đầu này cho thấy hướng đi hợp lý mà vợ chồng anh Phong đã chọn chuyển đổi. Một trong những khâu được anh Phong chú trọng là mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất. Ngoài đầu tư hơn 1 tỉ đồng lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, anh còn mua 2 thiết bị bay điều khiển từ xa trị giá 1 tỉ đồng để bón phân, xịt thuốc cho vườn cây ăn trái.

Anh Phong bộc bạch: “Làm lúa hay trồng cây ăn trái, bao giờ tôi cũng chịu khó lắng nghe. Chọn mô hình thì phải lượng sức mà làm, chứ không phải thấy ai làm gì mình cũng chạy theo”. Nói về định hướng tới, anh Phong cho biết, sau khi được cấp mã vùng trồng sẽ cùng thành viên Tổ hợp tác cây ăn trái ấp Thạnh Vinh trồng sầu riêng, nhãn theo hướng an toàn đạt chuẩn xuất khẩu.

Hiểu rõ mới đầu tư

Về ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), chúng tôi gặp ông Nguyễn Thanh Hồng đang trong xưởng máy của gia đình. Hàng chục chiếc máy cắt, máy cày đang được ông Hồng và công nhân kiểm tra, sửa chữa. Nghiêng đầu quệt mồ hôi trên mặt, ông Hồng cười nói: “Làm nghề máy cày, máy cắt gần như không có ngày nào rảnh, hết ra đồng thì về nhà tu bổ, sửa chữa. Được cái nhờ mình đam mê nên cực mà vẫn thấy vui, thấy có động lực để làm hoài”.

Gia đình có truyền thống cách mạng, 16 tuổi, ông được học tập tại Trường Thiếu sinh quân. 4 năm học tập, rèn luyện, ông được học thêm sửa chữa cơ khí. Sau khi xuất ngũ, ông đăng ký học lớp cơ khí tại Trung tâm Cơ khí quận 5 (TP Hồ Chí Minh). “Tôi nghĩ muốn làm việc gì phải hiểu rõ mới đầu tư. Nhờ hiểu máy móc nên dù máy có nằm đồng tôi đều xử lý gọn hơ không cần thợ”, ông Hồng nói. Năm 2007, vợ chồng ông dành dụm mua được 1 chiếc máy cắt đập liên hợp, 1 xe kéo lúa. 1 năm sau, vợ chồng ông vay ngân hàng mua thêm 1 máy cắt làm dịch vụ. Hiệu quả ban đầu giúp ông mạnh dạn đầu tư, đến nay ông sở hữu 17 máy cắt, 12 máy cày, phục vụ cho hơn 2.000ha đất sản xuất. Riêng khoản dịch vụ thu hoạch lúa và cày đất, ông Hồng lãi hơn 1,5 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, ông còn sở hữu 10ha lúa 2 vụ, lợi nhuận ngót ngét vài trăm triệu đồng.

Hiện ông Hồng cho biết đang liên kết với Công ty TNHH Angimex - Kitoku (An Giang) sản xuất lúa xuất khẩu sang Nhật. Bài toán giảm chi phí sản xuất lúa luôn được ông Hồng tìm lời giải. Lúa đông xuân 2023-2024 là vụ thứ 3 ông dùng máy sạ cụm, giúp giảm giống từ 120kg còn 60kg/ha. Giảm giống, giúp cây lúa khỏe, nở bụi tốt, hạn chế sâu bệnh nên các khoản chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm theo, giúp hạ giá thành sản xuất từ 40-50% so với trước.

Trong hơn 100 lao động có nhiều người gắn bó với ông Hồng gần chục năm, có người tuổi cao vẫn được ông tạo điều kiện bố trí làm việc nhẹ để có thu nhập. Không phải là người giàu nhất xứ Hòn nhưng tấm lòng của ông Hồng khiến nhiều người nể phục. Sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hồng còn giúp giống, vốn cho 20 hộ nghèo, cận nghèo sản xuất. Trong các phong trào làm cầu, đường, xây nhà Đại đoàn kết ông đều tích cực hưởng ứng. Ông từng được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021.

Bài, ảnh: AN NAM

 

Hòa Bình: Người gây dựng thương hiệu đặc sản Hoa Quả Sơn ở Kim Bôi

 

Nguồn tin:  Báo Hòa Bình

Sau 40 năm trải qua nhiều nghề, ông Nguyễn Văn Thập ở xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã gây dựng được thương hiệu đặc sản Hoa Quả Sơn. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, ông còn tạo việc làm, cơ hội thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân.

 

 

Trang trại của ông Nguyễn Văn Thập, xóm Kim Đức, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi chăn nuôi lợn rừng và nhiều loại động vật phục vụ nguồn cung cho các nhà hàng.

Đến với Kim Bôi du khách không chỉ được đắm mình trong dòng nước khoáng mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng Mường Động do các nhà hàng cung cấp, trong đó nhà hàng mang tên Hoa Quả Sơn của ông Nguyễn Văn Thập được nhiều người biết đến. Ngoài những món ăn: cơm lam, rượu cần, thịt trâu nướng ống tre, thịt trâu om lá lồm, tôm rim mặn, gà rang muối, gà quay mật ong... còn có những món đặc sản thú rừng. Để thu hút du khách đến với Kim Bôi ngày càng đông có sự góp công sức của ông Nguyễn Văn Thập, người đã bỏ tâm huyết gây dựng nên các nhà hàng đặc sản Hoa Quả Sơn.

Những năm đầu lập nghiệp ông Thập làm nghề xây dựng. Có chút vốn ông đầu tư bất động sản và chuyển sang kinh doanh vàng bạc, đồ gỗ, nhà hàng. Những năm trước huyện Kim Bôi có thế mạnh về đồng cỏ, vườn đồi thuận lợi cho chăn nuôi gia súc. Sinh ra từ khó khăn nên ông thấu hiểu cảnh người nông dân có sức lao động nhưng thiếu vốn làm ăn kinh tế. Ông bàn với gia đình bỏ vốn mua bò cho các hộ khó khăn có nhân lực nuôi bò rẽ. Ban đầu vài chục con bò, sau vài năm đàn bò ông cho các hộ nuôi rẽ lên đến hàng trăm con. Cũng từ hình thức này nhiều hộ dân được ông giúp đỡ gây dựng vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Những năm gần đây Kim Bôi là điểm đến của nhiều khách du lịch, nhất là Thủ đô Hà Nội. Thấy rõ tiềm năng của địa phương ông mở 3 nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Để giới thiệu, quảng bá những đặc sản của vùng đất Mường Động và của tỉnh, ông sưu tập món ăn các vùng miền, lựa chọn đầu bếp địa phương. Cũng từ nhà hàng thu hút 28 lao động làm việc với thu nhập từ 6 -17 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm cho gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng.

Đưa chúng tôi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi thỏ, lợn rừng, nai, dê… ông Thập cho biết: Giờ đã có tuổi nên tôi tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt. Hiện tôi có 2 trang trại chăn nuôi khoảng 200 con lợn rừng và nhiều loại động vật để phục vụ nhà hàng. Ngoài ra liên kết với các hộ chăn nuôi trong huyện để cung cấp thực phẩm cho nhà hàng.

Nhằm liên kết các hộ sản xuất nông nghiệp trong xã, năm 2017 ông thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Hoa Quả Sơn với 8 thành viên chính, diện tích canh tác trên 50 ha. Hợp tác xã tập trung trồng cây ăn quả như cam, bưởi, mít, bơ… Ngoài cung cấp cho nhà hàng còn tiêu thụ ra thị trường.

Ông Thập cho biết thêm: Thời gian gần đây giá cả hoa quả bấp bênh, đầu ra ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhưng tôi vẫn tập trung vào chăn nuôi. Để thành công được là do chủ động đầu ra, không phụ thuộc vào tư thương ép giá. Cùng với đó, tôi tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các thành viên hợp tác xã và các hộ liên kết. Như vậy các hộ thành viên yên tâm đầu tư chăn nuôi và có nguồn thu nhập ổn định.

Việt Lâm

 

‘Thuận thiên’ để sản xuất bền vững

 

Nguồn tin:  Báo Cà Mau

Trong 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), Cà Mau là địa phương chịu sự tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu; trong năm, bất kể mùa nào cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai. Vì thế, để ổn định và phát triển, không còn cách nào khác hơn là phải “thuận thiên”, dựa vào những biến đổi của tự nhiên. Từ đó, địa phương đã hình thành nhiều giải pháp công trình, mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn.

Trước hết, rõ nhất là mô hình kinh tế dưới tán rừng; đặc biệt là nuôi tôm dưới tán rừng tại các huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Ðầm Dơi, được xem là hình thức sản xuất ổn định, hiệu quả và phát triển gần gũi với tự nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững. Không dừng lại chỉ ở con tôm và cây rừng, hiện nay người dân còn nuôi kết hợp con sò, con cua dưới tán rừng, phù hợp với hệ sinh thái, nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng, trứ danh, giảm thiểu rủi ro sản xuất độc canh, gia tăng thu nhập.

“Giữ được rừng, không chỉ để có môi trường trong lành, ứng phó thiên tai, mà ở đó là sự phát triển kinh tế ổn định và bền vững. Ðây là sự lựa chọn tuyệt vời, các địa phương có rừng đước tiếp tục phát huy hiệu quả”, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, địa phương có diện tích nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng lớn nhất tỉnh, thể hiện quyết tâm.

Một mô hình khác có hiệu quả không thua kém, đó là lúa - tôm. Trước sự xâm nhập mặn sâu nội đồng, khi hạ tầng thuỷ lợi chưa đảm bảo, mô hình lúa - tôm ra đời như là điều tất nhiên trong sản xuất nhằm thích ứng điều kiện thực tế.

Cái hay của mô hình này, theo như phân tích của ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đó là phù hợp với đặc trưng 2 mùa mưa - nắng của miền Nam, đặc biệt khi Cà Mau hoàn toàn dựa vào nguồn nước ngọt ở mùa mưa để sản xuất theo hệ sinh thái. Mùa mưa thì làm lúa, đến mùa hạn là nuôi tôm. Càng bất ngờ hơn khi có sự cộng sinh của 2 hệ sinh thái này để phát triển tốt. “Ðây là mô hình điển hình nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, không riêng Cà Mau mà có mặt tại hầu hết các tỉnh ven biển khu vực ÐBSCL”, ông Lê Văn Sử thông tin.

Tại hội nghị mới đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ở tỉnh Cà Mau, ông Christopher Howe, Giám đốc Cảnh quan ÐBSCL (WWF - Việt Nam - Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam), cho biết, một trong những thành công lớn của tổ chức này trong thực hiện các giải pháp dựa vào tự nhiên là mô hình thí điểm trồng lúa - tôm luân canh tại Cà Mau, khi mô hình đã đạt được Chứng chỉ ASC đầu tiên cho nhóm hộ sản xuất lúa - tôm tại Việt Nam vào tháng 10/2022.

“Phương pháp canh tác này không chỉ mang đến cho người dân thu nhập gấp 3 lần so với các hộ không tham gia dự án, mà còn giúp tăng mức bồi đắp trầm tích ở các khu vực dự án từ 10-40% so với các địa điểm thông thường khác”, ông Christopher Howe chia sẻ.

Trong sản xuất “thuận thiên”, qua quá trình nghiên cứu, mới đây ở Cà Mau xuất hiện hình thức nuôi tôm siêu thâm canh lót bạt tuần hoàn. Ðây được xem là mô hình sản xuất tôm siêu thâm canh khép kín thông qua áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Cái được lớn nhất là bảo vệ hệ sinh thái vùng nuôi, đặc biệt là môi trường nước, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm công nghệ cao vốn đã “tai tiếng” về gây ô nhiễm môi trường lâu nay.

Tìm ra mô hình “thuận thiên” đã khó, duy trì và mở rộng càng khó hơn. Theo đó, cần có sự đầu tư về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hoá hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới, từ đó việc nhân rộng mô hình sẽ lan toả rộng khắp.

 

 

Tận dụng đất dưới các tuyến kênh bị khô hạn và nguồn nước còn sót lại, người dân ấp Cơi 4, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, trồng hoa màu, có nguồn thu nhập trong những tháng hạn hán.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ các dự án ngành nông nghiệp là 2.507 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, đã hỗ trợ 994 tỷ đồng. Ngoài ra, các nguồn huy động hợp pháp khác cũng phát huy hiệu quả, điển hình như Dự án nuôi thuỷ sản công nghệ cao có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thuỷ sản Cà Mau.

Qua kinh nghiệm thực tế, để duy trì sản xuất “thuận thiên” và tạo ra quy mô sản xuất lớn, dưới góc độ quản lý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng, cần mở rộng không gian kinh tế mang tính liên kết vùng, tạo thành chuỗi ngành hàng. Theo đó, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất “thuận thiên”, xác định chính xác mô hình sản xuất phù hợp thực tiễn tại các địa phương, tạo lập cơ chế liên kết; và các nội dung này cần được định hướng xuyên suốt...

Với những thành công bước đầu, cùng với sự đồng thuận cao của người dân và quyết tâm lớn của chính quyền, cho thấy, khát vọng sản xuất “thuận thiên” được Cà Mau lựa chọn là hướng đi xuyên suốt trong quá trình phát triển thích ứng.

“Chúng ta sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, có áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới, không làm tổn hại đến môi trường; đang có những bước chân tích cực và hiệu quả trên con đường “thuận thiên” để phát triển bền vững, và Cà Mau đang rất quyết tâm theo đuổi hướng đi này”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chia sẻ.

Trần Nguyên

 

Người nuôi bò BBB ‘treo chuồng’ vì giá bán giảm

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Nuôi bò BBB được xem là một trong những mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, từ hơn một năm nay, nhiều hộ chăn nuôi bò BBB gặp khó do đầu ra hạn chế và giá bán giảm.

 

 

Gia đình ông Hoàng Trọng Vinh (ở xóm Tiền Phong, xã Khe Mo, Đồng Hỷ) dự định mua 10 con bò BBB về nuôi.

Đến gia trại nuôi bò BBB của ông Hoàng Trọng Vinh, ở xóm Tiền Phong, xã Khe Mo (Đồng Hỷ), chúng tôi thấy chủ nhà đang cặm cụi băm cỏ để ủ chua làm thức ăn cho bò. Hiện, ông Vinh đã ủ được khoảng 15 tấn cỏ. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là trong chuồng trại có quy mô 45 con bò của gia đình hiện lại đang để trống.

Chia sẻ về điều này, ông Vinh cho biết: Cuối năm ngoái năm ngoái, gia đình tôi bán 6 con bò, trung bình mỗi con nặng 560kg. Với giá bán 77 nghìn đồng/kg, nếu trừ hết chi phí giống, thức ăn, công chăm sóc và thuốc thú y thì sau 15 tháng chăn nuôi gần như không có lãi. Lo sợ giá bò thịt tiếp tục xuống thấp nên tôi không tái đàn luôn. Để tránh lãng phí diện tích cỏ đã trồng, tôi đã xử lý bằng men vi sinh để làm thức ăn dự trữ.

Cách nhà ông Vinh một quả đồi là trang trại nuôi bò BBB của anh Nguyễn Văn Quang, xóm Ao Rôm 2. Mấy ngày trước, gia đình ông vừa xuất bán 5 con bò và còn lại trong chuồng 11 con.

Anh Quang cho biết: Mặc dù giá bò thịt hiện tại vẫn giữ ở mức 77-78 nghìn đồng/kg nhưng lại khó bán hơn. Nếu như năm ngoái bò có trọng lượng từ 400kg trở lên thương lái đều thu mua hết thì nay nhiều con có trọng lượng tới 600-700kg nhưng nếu đánh giá còn non hoặc chăn nhiều cám công nghiệp thì họ sẽ không mua, hoặc mua với giá dưới 70 nghìn đồng/kg.

Theo anh Quang, một ngày trung bình 1 con bò ăn hết khoảng trên 50kg thức ăn thô xanh, 2-3kg cám công nghiệp và một lượng phụ phẩm khác. Hiện trong chuồng vẫn còn 2 con nặng 700kg nhưng chưa bán được do còn non. Với những con bò này nếu cho ăn như bình thường thì đến khi thương lái mua sẽ lỗ, vì thế gia đình chủ yếu cho bò ăn cỏ và hạn chế cám công nghiệp để giảm chi phí.

Không chỉ có các hộ chăn nuôi bò BBB cá thể gặp khó mà Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò BBB Thanh Bình, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thay vì nuôi trên 1.000 con như khi mới thành lập (năm 2021) thì số lượng bò hiện tại của 32 thành viên trong HTX chỉ khoảng 200 con.

Ông Quách Thanh Bình, Giám đốc HTX, cho biết: So với các vật nuôi khác thì nuôi bò BBB mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước đây, khi thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán cao, các thành viên HTX đã đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi với số lượng lớn, có gia đình mỗi lứa nuôi cho thu nhập cả tỷ đồng. Nhưng từ năm 2023 đến nay, giá bò vào khoảng 70-75 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 15-20 nghìn đồng/kg so với trước đó, trong khi bò lại khó tiêu thụ nên nhiều thành viên đã dừng nuôi hoặc giảm số lượng đàn.

Được biết, ông Bình ngoài vai trò là Giám đốc HTX chăn nuôi bò BBB Thanh Bình còn là một lái buôn bò có tiếng trong và ngoài tỉnh. Chia sẻ về việc bò khó tiêu thụ và giá giảm so với trước đây, ông Bình cho hay: Những năm trước, tôi thu mua toàn bộ bò của các thành viên rồi xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và các lò mổ ở ngoài tỉnh. Nhưng hơn một năm nay, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch bị hạn chế nhiều, trong khi xuất khẩu chính ngạch gặp không ít khó khăn nên bò chủ yếu bán vào lò mổ. Cung vượt quá cầu nên các chủ lò mổ kén chọn, dẫn đến giá cũng giảm theo.

Để hạn chế rủi ro, thua lỗ cho người dân trong quá trình chăn nuôi bò BBB, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, tránh tình trạng giảm đàn, tái đàn ồ ạt. Đồng thời tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ giống ngô sinh khối, phân bón và tập huấn kỹ thuật chế biến thức ăn tươi, ủ chua từ ngô sinh khối cho bò ăn; cắt giảm nguồn thức ăn công nghiệp và thay vào đó bằng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, ngô, cây chuối...

Vũ Công

 

Bình Định: Hoài Ân phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Thời gian qua, huyện Hoài Ân (Bình Định) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhiều hộ chăn nuôi thực hiện các mô hình xử lý chất thải. Các xã, thị trấn chú trọng trồng cây xanh phân tán trên các tuyến đường liên xã, liên thôn để cải thiện cảnh quan, môi trường.

Khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình ông Nguyễn Văn Bình (đội 9, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức) thường xuyên nuôi từ 100 - 150 con heo nái và heo thịt nhưng không còn để phát sinh mùi hôi khó chịu; lượng nước thải xả ra ngoài cũng không ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Có được kết quả này là nhờ gia đình ông Bình áp dụng mô hình xử lý nước thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ từ 50 - 100 con, bằng phương pháp sinh học đơn giản do Trường ĐH Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) triển khai trên địa bàn xã Ân Đức. Đây là phương pháp thực hiện tách cặn chất thải thông qua hệ thống bể lắng kết hợp với hầm biogas.

Ngoài ra, nước và chất thải còn được xử lý qua hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí. Chất thải sau khi tách nước được ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng rất hiệu quả.

Tương tự, từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Kỳ (thôn Phú Thuận, xã Ân Đức) cũng không còn bị hàng xóm, láng giềng càm ràm về hoạt động chăn nuôi heo. Bởi gia đình ông đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi bằng công nghệ wetland nên không phát sinh mùi hôi, dù trong chuồng trại lúc nào cũng có hơn 100 con heo.

 

 

Mô hình xử lý nước thải chăn nuôi heo quy mô nhỏ bằng phương pháp sinh học đơn giản giúp giảm tối đa mùi hôi và nước thải xả ra môi trường đảm bảo tiêu chuẩn cho phép. Ảnh: V.L

Được biết, hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi gia đình ông Kỳ áp dụng cũng tương tự mô hình xử lý bằng phương pháp sinh học đơn giản của gia đình ông Bình. Chỉ khác ở việc nước thải sau khi qua các công đoạn xử lý được cho vào hệ thống bạt ny lông để trồng cây thủy canh như môn, bèo, rau muống… làm thức ăn bổ sung cho heo.

Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: Hoài Ân được xem là thủ phủ chăn nuôi heo của Bình Định và cả khu vực miền Trung. Tính đến tháng 1.2024, trên địa bàn huyện có hơn 10.290 hộ chăn nuôi heo. Ngoài ra, gần đây tại địa phương còn phát triển mạnh nuôi gà với hơn 13.360 hộ nuôi.

Chăn nuôi heo, gà đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, giúp địa phương phát triển kinh tế; nhưng mặt trái của nó là môi trường bị ảnh hưởng không nhỏ. Để hài hòa giữa phát triển kinh tế và đảm bảo cảnh quan môi trường, các phòng, ban liên quan và UBND huyện Hoài Ân triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm trong chăn nuôi.

Trong đó, huyện chú trọng ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế. Tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các mô hình xử lý, khử mùi; lắp đặt công trình khí sinh học (biogas), nhất là các công trình quy mô nhỏ phù hợp điều kiện kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, xây dựng mô hình xử lý mùi hôi chuồng trại bằng phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB.

Ông Nguyễn Văn Rô, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Ân, cho hay: Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn được các phòng, ban liên quan của huyện và chính quyền các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ. Các hộ chăn nuôi chủ động, tự giác xây dựng mô hình xử lý chất thải, nước thải; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay, UBND các xã, thị trấn đã trồng hơn 200 nghìn cây xanh phân tán ở các tuyến đường liên xã, liên thôn và các khu vực công cộng, tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”, môi trường trong lành, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động chăn nuôi gây ra.

VĂN LỰC

 

Giá bò giảm, người nuôi thua lỗ, tái đàn chậm

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Nhiều người chăn nuôi bò cho hay, từ khoảng 1 năm nay, giá bò giảm, thị trường tiêu thụ chậm trong khi chi phí thức ăn, cỏ, rơm tăng khiến người nuôi gặp khó.

Theo đó, giá bò thịt giảm từ 25-35% so với trước đó, trong khi giá thức ăn công nghiệp cho bò đã tăng 50.000-70.000 đ/bao 50kg, rơm khô tăng 10.000 đ/cuộn, khiến người chăn nuôi bò thua lỗ.

Nuôi 4 con bò thịt, chú Nguyễn Văn Bé (xã Xuân Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho hay: “Từ trước Tết đến nay vẫn không thể bán được bò vì thương lái trả giá quá thấp. Tôi cũng đã tận dụng vườn nhà để trồng cỏ, ruộng để lấy rơm nhưng nuôi bò thịt vỗ béo phải cần có thức ăn công nghiệp, rơm khô, cỏ tươi thì bò mới tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt. Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thức ăn công nghiệp tăng cao, cỏ không còn nhiều phải mua rơm thêm, giá bò thịt thì giảm mạnh, nếu bán là cầm chắc lỗ”.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, hiện đàn bò của tỉnh có 75.740 con, giảm 0,9% (trên 700 con) so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đàn bò giảm là do giá thịt bò hơi ở mức thấp, trong khi nguồn thức ăn tự nhiên không còn nhiều nên người chăn nuôi tái đàn chậm.

NGUYÊN KHANG

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Yahoo:
Skype:
Yahoo:
Skype:
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop