Làm giàu nhờ trồng mãng cầu xiêm
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Theo chia sẻ của anh Phan Thanh Xuyên ở ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), sở dĩ anh chọn cây mãng cầu xiêm để “đổi đời” là vì đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc; trái và các sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu xiêm chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh đã quyết tâm thuê đất để trồng loại cây mà anh tin tưởng là sẽ giúp vực dậy kinh tế gia đình. Hiện tại, với 7 công mãng cầu xiêm, anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Anh Phan Thanh Xuyên (bên trái) chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mãng cầu xiêm cùng thành viên tổ hợp tác.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông anh em, anh Phan Thanh Xuyên vất vả mưu sinh từ nhỏ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh được cha mẹ cho 1 công đất “ra riêng”. Vợ chồng anh làm đủ việc, từ làm cỏ, cắt lúa mướn, giăng câu, chăn nuôi heo, vịt để mong vực dậy kinh tế gia đình. Cần cù lao động, chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng anh tích lũy mua thêm 4 công đất để trồng lúa. Tuy vậy, làm ruộng chỉ đủ ăn, không thể “khá”. Năm 2021, anh tìm hiểu và nhận thấy mô hình trồng mãng cầu xiêm dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế cao, có thể là hướng đi mới cho gia đình nên mạnh dạn thuê đất để trồng mãng cầu xiêm. “Sau 18 tháng cây mãng cầu xiêm cho trái chiếng. Năm đầu tiên, năng suất đạt trên 2 tấn/công. Tôi bán với giá trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi khoảng 300 triệu đồng”.
Năm nay, vườn mãng cầu xiêm của anh Xuyên trĩu quả, năng suất cao hơn hẳn. Anh Xuyên chia sẻ: “Vụ chính của mãng cầu xiêm thường từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, nếu để trái chín vào thời gian này thì giá cả có thể thấp do nguồn cung nhiều hơn cầu. Do đó, tôi nghiên cứu thời gian, “canh” để cây cho trái vào tháng 3, tháng 4 âm lịch, lúc này giá bán cao hơn”. Vụ mãng cầu xiêm năm nay, anh Xuyên thu hoạch khoảng 20 tấn trái, với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh Xuyên “bỏ túi” hơn 350 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thắng, từ hiệu quả của mô hình trồng mãng cầu xiêm, năm 2024, Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hợp tác (THT) Trồng mãng cầu xiêm ấp Thới Bình, với 8 thành viên canh tác trên diện tích 10,8ha, do anh Xuyên làm tổ trưởng. Thành viên THT không chỉ chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất mà còn hùn vốn tương trợ (500.000 đồng/người/năm; mỗi 3 tháng sẽ có 1 người được nhận số vốn 4 triệu đồng và xoay vòng) để giúp nhau khi ốm đau, đầu tư sản xuất...
Theo chia sẻ của các thành viên THT, cây mãng cầu xiêm dễ canh tác, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng địa phương, có thể xem là hướng đi tốt để phát triển kinh tế gia đình. Riêng kinh nghiệm của anh Xuyên, để trái đạt yêu cầu hàng loại 1, bán có giá cao, trái phải đảm bảo sạch, không bị nám, sâu đục thúi, đặc biệt trọng lượng trung bình từ 1,8kg trở lên. “Muốn vậy, nhà nông cần chú ý kỹ thuật bao trái và bón phân thời điểm thích hợp”.
Với kinh nghiệm của mình, anh Xuyên luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho hội viên. Anh Nguyễn Hoàng Ðây ở ấp Thới Bình, xã Xuân Thắng, cho biết: “Tôi có 5 công đất trước đây trồng lúa, huê lợi không đáng kể. Ðược sự hỗ trợ của anh Xuyên, tôi mạnh dạn chuyển đổi 1 công đất sang trồng mãng cầu xiêm. Anh Xuyên hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc mãng cầu xiêm. Không riêng gì cá nhân tôi, anh Xuyên luôn tận tình với thành viên trong THT”. Bên cạnh đó, việc kết nối thương lái để tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là yếu tố giúp anh Xuyên và các thành viên THT thành công khi vừa “được mùa, được giá”.
Chí thú làm ăn, cần cù lao động, sáng tạo trong sản xuất và sống nghĩa tình với bà con nông dân, anh Xuyên được hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân ấp Thới Bình khoảng 1 năm nay. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ Hội Nông dân xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai trân trọng nói: “Anh Xuyên là tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương. Anh luôn tìm tòi, vận dụng kiến thức khoa học để áp dụng tại vườn nhà và đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong công tác, anh Xuyên luôn nhiệt tình, tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động, từng bước nâng cao đời sống”.
Bài, ảnh: ÐỒNG TÂM
Cải tiến kỹ thuật chăm sóc sầu riêng thích ứng với biến đổi khí hậu
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Gia đình anh Phạm Văn Trọng (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 8.000 m2 sầu riêng Ri6 năm thứ tám hiện đã bước vào vụ thu hoạch. Giống sầu riêng Ri6 thường cho thu hoạch sớm hơn giống Dona chừng 20 ngày trong cùng vụ.
Năm nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Trọng ít rụng, ít sâu bệnh, năng suất tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước (ước tính sản lượng có thể đạt hơn 20 tấn quả), trái to đẹp (quả to nhất lên đến 5 kg) nên tiểu thương đã vào tận vườn đặt hàng, chốt giá rất sớm.
Anh Trọng kiểm tra vườn sầu riêng.
Anh Trọng chia sẻ, để vườn sầu riêng đạt được năng suất và chất lượng là nhờ anh đã rút được nhiều kinh nghiệm từ vụ mất mùa sầu riêng năm trước, từ đó cải tiến nhiều biện pháp tác động từ quá trình tưới tiêu, phân bón, tạo hình, quản lý sâu bệnh hại… Trong đó, anh đặc biệt chú trọng điều chỉnh các biện pháp chăm sóc sầu riêng thích ứng biến đổi khí hậu.
Về tưới tiêu, vào mùa khô, mỗi ngày anh tưới đều đặn một lần vào sáng sớm (từ 4 giờ sáng) hoặc chiều tối (từ 5 - 6 giờ chiều) với lượng nước tưới vừa đủ ẩm, thay vì trước kia vài ba ngày anh tưới một lần rất đẫm (tưới nhiều nước); nhất là thời kỳ làm bông, xổ nhị phải thường xuyên cung cấp đủ ẩm cho cây. Nhờ tưới đều đặn như vậy, được cung cấp đủ nước nên bộ rễ cây hoạt động ổn định trong việc hút dinh dưỡng nuôi cây trái. Việc duy trì độ ẩm của đất còn tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất hoạt động tốt, cùng với phân hữu cơ làm đất tơi xốp, giúp đất thoát nước và giữ nước tốt. Đặc biệt là hạn chế tối đa vấn đề cây sầu riêng bị sốc nhiệt làm rụng hoa, quả nếu bất chợt có mưa lớn xảy ra trong những ngày nắng nóng. Ngoài hệ thống tưới tiết kiệm lắp đặt ở từng gốc, anh Trọng còn mắc thêm các béc tưới trên cao để thỉnh thoảng phun nước khi trời nắng nóng kéo dài, hạn chế các đối tượng sâu hại phát sinh và lây lan như rầy, rệp sáp, nhện đỏ… gây hại trên lá, thân.
Về việc cung cấp dinh dưỡng cho sầu riêng, thay vì trước kia mỗi lần bón phân rất nhiều nhưng lại ít lần bón, vụ này anh Trọng bón ít phân lại, tăng thêm số lần bón để cây hấp thu dinh dưỡng đều đặn, không bị ngắt đoạn do thiếu dinh dưỡng, góp phần hạn chế rụng quả non. Đặc biệt, tăng lượng phân hữu cơ, hạn chế tối đa phân hóa học đã làm cho vi sinh vật trong đất hoạt động mạnh, bộ rễ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, nuôi cây khỏe hơn, hạn chế sự rửa trôi xói mòn gây mất dinh dưỡng của đất.
Khi cây sầu riêng khỏe, sâu bệnh hại giảm tối đa, kéo theo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể, đặc biệt là giảm thuốc hóa học, bảo vệ chất lượng sản phẩm sầu riêng. Đồng thời, anh còn chú trọng việc tạo tán, làm cành, tỉa hoa, quả non… một cách hợp lý nhất, để cây đủ sức nuôi quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và duy trì sự phát triển bền vững cho những vụ tiếp theo.
Cẩm Lai
Đăk Tô (Kon Tum): Phát triển cây mắc ca gắn với quản lý tài nguyên rừng
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Đến nay, qua 2 năm (2022-2024) triển khai thực hiện “Đề án phát triển bền vững Mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt Đề án), huyện Đăk Tô (Kon Tum) trồng mới khoảng 1.200ha mắc ca, với tỷ lệ cây sống trung bình đạt trên 95%.
Ông Đặng Quang Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: 2 năm qua, UBND huyện ưu tiên các nguồn kinh phí từ chương trình MTQG cùng với nguồn ngân sách huyện để hỗ trợ 100% chi phí cây giống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách; 70% chi phí cây giống cho hộ đồng bào DTTS và 50% chi phí cây giống cho các đối tượng còn lại để tập trung phát triển cây mắc ca tập trung theo hướng hàng hóa, liên kết, bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum. Đồng thời, hỗ trợ 10 triệu đồng/1ha cho các hộ dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất quy hoạch lâm nghiệp chưa có rừng để phát triển rừng sản xuất bằng trồng cây mắc ca.
Đến nay, qua 2 năm triển khai thực hiện, bà con nông dân trên địa bàn huyện trồng mới khoảng 1.200ha mắc ca, với tỷ lệ cây sống trung bình đạt trên 95%. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 50ha mắc ca cho sản phẩm, với năng suất khoảng 30 tạ hạt tươi/ha, thu nhập khoảng 270 triệu đồng/ha/năm.
Vườn ươm cây mắc ca của Công ty cổ phần Dương Gia Kon Tum tại thị trấn Đăk Tô. Ảnh: T.V.P
Để phát triển diện tích mắc ca bền vững, trong thời gian qua, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Công ty Cổ phần Dương Gia Kon Tum đóng chân trên địa bàn huyện tăng cường tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật đầu tư trồng, chăm sóc cây mắc ca theo quy trình kỹ thuật của Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho các hộ dân đã, đang và có nhu cầu phát triển cây mắc ca.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện trồng cây mắc ca, trên địa bàn huyện vẫn còn một số hộ dân trông chờ, ỷ lại nhà nước, hạn chế đầu tư phân bón, tưới nước, tủ gốc giữ ẩm cho cây mắc ca trong mùa khô. Vì vậy, khi gặp thời tiết bất lợi như năm 2023 (mùa mưa kết thúc sớm và mùa khô kéo dài đến hết tháng 5/2024), dẫn đến tỷ lệ cây mắc ca chết cao, cá biệt có hộ dân tỷ lệ cây mắc ca chết khoảng 50%. Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ trì, phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê thiệt hại do hạn hán gây ra trong vụ đông-xuân 2023-2024 theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai để làm cơ sở xem xét hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân trồng mắc ca trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển cây mắc ca để hình thành một số vùng sản xuất tập trung, thực hiện theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ, để tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường và hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các hợp tác xã phục vụ công tác bảo quản, chế biến sản phảm mắc ca theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Quang Hải cho biết thêm: Trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích cây trồng kém hiệu quả, hết chu kỳ khai thác, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp đảm bảo điều kiện trồng cây mắc ca; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau hợp tác, giúp đỡ nhau đẩy mạnh chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả nguồn kinh phí của các Chương trình mục tiêu quốc gia các chính sách đầu tư hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ một phần kinh phí cho nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu phát triển cây mắc ca bền vững.
Tăng cường công tác phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca cho nhân dân trên địa bàn và phối hợp với các doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để ưu tiên hỗ trợ một phần kinh phí cho nhân dân phát triển thủy lợi nhỏ theo Nghị quyết số 28/2019/NQ-HĐND, ngày 18/7/2019 của HĐND tỉnh “về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh” để chủ động nguồn nước tưới cho diện tích cây mắc ca ở huyện đảm bảo sinh trưởng và phát triển tốt.
Trần Văn Phúc
Tây Ninh: Chủ động phương án sản xuất cây trồng vụ Mùa
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Vụ mùa năm 2024 dự báo gặp rất nhiều khó khăn do thời gian chuyển vụ ngắn, thời tiết, sâu bệnh diễn biến khó lường... Để sản xuất thắng lợi, các địa phương cần chủ động xây dựng các phương án sản xuất phù hợp, sẵn sàng đối phó với các tình huống khó khăn, huy động nguồn lực tập trung gieo trồng càng sớm càng tốt.
Vụ hè thu năm 2024, toàn tỉnh Tây Ninh gieo trồng khoảng 49.500 ha lúa. Thời gian xuống giống tập trung trong tháng 8, 9 và kết thúc trước 15.9.2024, nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo. Các giống chất lượng cao dự kiến nông dân gieo sạ như: OM380, OM5451, OM4900; các giống có chất lượng trung bình như: OM576, OM1352, IR50404. Lượng giống gieo sạ khoảng 80 – 120 kg/ha.
Để sản lượng lúa đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các dịch hại phát sinh trên diện rộng; chủ động các phương án tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn bất thường; thu dọn vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ trước khi gieo sạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ do cày vùi tàn dư rơm rạ ở những chân ruộng sâu, ngập nước, ảnh hưởng sinh trưởng cây lúa.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn khuyến cáo nông dân xuống giống tương đối đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng; giảm lượng giống gieo sạ; bón phân cân đối NPK, tránh bón thừa phân đạm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn, hiệu quả; quan tâm sử dụng các loại phân bón có chứa canxi và silic để giúp lúa cứng cây, giảm đổ ngã trong điều kiện mưa bão.
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại nông dân cần lưu ý và có biện pháp phòng trừ như: rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn (lá, cổ bông), bệnh khô vằn, bệnh do vi khuẩn…
Đối với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, kế hoạch gieo trồng rau các loại khoảng 6.100 ha, đậu các loại 700 ha, đậu phộng 300 ha, bắp 1.050 ha, khoai mì 7.800 ha và mía 400 ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây rau các loại như: sâu vẽ bùa, bệnh thối nhũn, thối gốc... gây hại trên nhóm rau cải; bọ trĩ, sâu xanh, ruồi đục quả, bệnh đốm lá, lở cổ rễ, đốm vàng, thán thư, phấn trắng... gây hại nhóm cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; dòi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh thán thư gây hại cây hành lá….
Trên cây khoai mì, nông dân sử dụng các giống KM94, KM140, KM505 sạch bệnh để gieo trồng. Một số đối tượng phát sinh gây hại như: bệnh lở cổ rễ, thối củ, xì mủ chết đọt phát sinh gây hại. Chính vì vậy, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để có các giải pháp tiêu thoát nước kịp thời khi mưa lớn bất thường, tránh các bệnh hại trên cây.
Đối với cây ăn trái, kế hoạch diện tích trồng là 24.510 ha, một số loại cây chính như: cây chuối 1.930 ha, cây xoài 2.500 ha, cây nhãn 4.280 ha, cây sầu riêng 3.600 ha, cây bưởi 1.250 ha, cây mãng cầu 5.600 ha.
Nông dân làm đất, bón phân cho cây mãng cầu.
Để cây ăn trái đạt năng suất, sản lượng, giá trị cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây.
Tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ hoai kết hợp các vi sinh có ích, nhất là các dòng nấm Trichoderma đối kháng trừ nhóm nấm gây hại trong đất để hạn chết bệnh vàng lá thối rễ. Với những diện tích trồng mới trong mùa mưa, nông dân cần có biện pháp chắn gió cho cây, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý.
Đặc biệt, vào mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí, đồng thời thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại; do đó nông dân cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối và tiêu thoát nước tốt, không để vườn ngập trong điều kiện mưa nhiều.
Để sản xuất vụ Mùa năm 2024 đạt năng suất, sản lượng cao, ngành nông nghiệp triển khai phương án, kế hoạch sản xuất bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố tập trung chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả theo kế hoạch, cần đa dạng cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và nhu cầu của thị trường để việc chuyển đổi được ổn định lâu dài và hiệu quả.
Hỗ trợ, kêu gọi hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất của tỉnh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết tốt cho vấn đề đầu ra.
Riêng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thực hiện điều tra, giám sát đồng ruộng, vườn cây để kịp thời phát hiện dịch hại mới, dịch hại mới nổi, sinh vật gây hại có nguy cơ phát sinh trên diện rộng gây thiệt hại cho sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất và chủ động.
Nhi Trần
Thu nhập khá từ rau diếp cá
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Không tốn nhiều công chăm sóc, ít sử dụng thuốc BVTV, lại có giá thành ổn định, mô hình trồng rau diếp cá đã giúp nông dân ở xã Thuận An (TX Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có nguồn thu nhập khá.
Nông dân xã Thuận An (TX Bình Minh) có thu nhập khá nhờ trồng rau diếp cá.
Từ 2 công đất ruộng, hơn 10 năm qua, chú Huỳnh Văn Hơn (ấp Thuận Phú B, xã Thuận An, TX Bình Minh) đã canh tác rau diếp cá đạt hiệu quả kinh tế cao.
Theo chú Hơn, diếp cá là loại rau màu có kỹ thuật trồng rất đơn giản, rau ưa nắng, ít bị sâu bệnh, thời gian thu hoạch nhanh, khoảng 2 tháng đến 2 tháng 10 ngày sẽ thu hoạch 1 lần (riêng lứa rau đầu thì thời gian thu hoạch sau 3 tháng trồng), trung bình trồng rau diếp cá 1 năm thu hoạch khoảng 5 lần.
Chú Hơn nhẩm tính: “Với năng suất trung bình của rau diếp cá đạt khoảng 2-2,2 tấn/công, sau khi trừ hết chi phí đầu vào khoảng 2-3 triệu đồng/công thì lợi nhuận mà mô hình này mang lại khoảng 65 triệu đồng/công/năm”.
“Rau diếp ca đem lại hiệu quả rất cao, lợi nhuận cao gấp 20 lần/năm so với trồng lúa. Hồi trước gia đình tôi trồng lúa, rồi có chuyển sang trồng rau xà lách xoong, tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng khá cực công chăm sóc. Còn trồng rau diếp cá vừa trồng đơn giản vừa có kinh tế thoải mái, khấm khá”- chú Hơn cho biết.
Năm nay, tùy theo thời điểm giá rau diếp cá có dao động, nhiều nông dân cho biết, vào đợt nắng nóng vừa qua, giá rau diếp cá đỉnh điểm ở mức 25.000 đ/kg, hiện nay đang ở mức 8.000 đ/kg.
Theo chú Hơn, mùa nghịch trồng diếp cá kéo dài 3 tháng từ tháng 4-6 âl, lúc đó thời tiết nóng làm giảm năng suất ruộng rau còn khoảng 1,6-1,8 tấn/công.
Còn mùa thuận kéo dài từ tháng 6 đến tháng 3 âl năm sau. “Nhờ có kinh nghiệm của những năm trước, năm nay tôi đã áp dụng các biện pháp chủ động trong canh tác như tưới rau bằng béc phun, nên tháng nắng vừa rồi rau của tôi được thu hoạch trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng.
Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích trồng loại rau này. Hy vọng mô hình này sẽ còn phát triển, mang lại nguồn thu khấm khá hơn cho bà con”- chú Hơn phấn khởi nói.
Bước vào mùa mưa, nhiều người dân ở xã Thuận An đang tất bật thu hoạch vụ rau diếp cá trên đồng từ sáng sớm.
Vừa thu hoạch 3 công rau diếp cá của gia đình, chị Lê Thị Hùm cho biết: “Trồng rau diếp cá cũng cần cho đất nghỉ khoảng 2-3 năm để cải tạo đất, giúp tăng năng suất, chất lượng cho những vụ sau.
Ruộng rau của tôi cho năng suất trung bình khoảng 2 tấn/công, vụ rau nào được chăm sóc kỹ hơn thì năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/công.
Nhìn chung, rau diếp cá có đầu ra khá ổn định, thương lái đến mua tận ruộng. Vào mùa thu hoạch tôi phải mướn thêm người dân xung quanh đến hỗ trợ và trả tiền công cho các công đoạn như cắt rau trên ruộng là 1.000 đ/kg; người bó rau thì được trả 70.000 đ/100kg; làm sạch 40.000 đ/100kg…”
Có 4 công trồng rau diếp cá được hơn 10 năm, anh Võ Văn Hoàng Long (ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An) cho hay: “Trồng rau diếp cá cực nhất là khâu thu hoạch. Nhiều người trồng quanh đây cũng thu hoạch theo hình thức vần công.
Nhờ chăm sóc tốt nên đợt này ruộng rau của tôi đạt năng suất tốt, khoảng 2,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 10 triệu đồng/công. Rau này có đầu ra ổn định nên an tâm sản xuất”.
Anh Phạm Minh Cơ- Trưởng ấp Thuận Tiến C (xã Thuận An) cho biết: Toàn ấp hiện có 63 hộ đang trồng rau diếp cá với diện tích 13ha, chiếm gần 37,5% tổng diện tích rau màu của ấp.
Thời gian qua, mô hình trồng rau diếp cá đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong ấp. Theo đó, nông dân cũng đã ý thức sản xuất sạch hơn, sử dụng phân hóa học, ít sử dụng thuốc BVTV để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh- cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Thuận An, cho biết bên cạnh rau xà lách xoong thì rau diếp cá cũng là loại rau màu chủ lực của xã. Hiện toàn xã có 65ha trồng rau diếp cá, tăng khoảng 5ha so năm rồi.
Do thổ nhưỡng thích hợp và có điều kiện chuyển đổi thuận lợi cộng với giá bán ổn định, loại rau này đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nông dân, nhất là người đã chuyển đổi từ đất lúa, đất kém hiệu quả, đã đem lại lợi nhuận cao trên cùng diện tích canh tác. Cạnh đó, mô hình này còn giải quyết vấn đề việc làm, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Thời gian tới, địa phương cũng định hướng duy trì, mở rộng, phát triển mô hình, đồng thời, phối hợp để tập huấn kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tưới thông minh, sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất… để giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng.
Bài, ảnh: THẢO LY- THẢO TIÊN
Ða dạng vật nuôi, tăng nguồn thu nhập
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Qua tìm tòi, học hỏi, ông Lý Hoàng Vũ, ấp Kinh Lách, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau), mạnh dạn thực hiện mô hình mới, đó là nuôi gà đen, le le, bước đầu đạt kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Gà đen là giống gà đặc sản của vùng núi Tây Bắc, da và thịt đều có màu đen, thịt gà có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon. Nhờ được chăm sóc đúng cách, mô hình chăn nuôi của ông Vũ đạt năng suất cao.
Ông Vũ cho biết: “Khoảng 2 năm trước, tôi đặt mua 40 con gà đen giống qua mạng, với giá 55 ngàn đồng/con, sau đó tôi nghiên cứu cách nuôi từ các trang mạng xã hội. Ðến nay, đàn gà của tôi được hơn 200 con gà thịt và hơn 40 con gà mái đẻ. Nhìn chung, gà đen dễ nuôi như giống gà ở địa phương, ít dịch bệnh, mau lớn. Gà đen thương phẩm chủ yếu là gà đen trống, với giá khoảng 200 ngàn đồng/kg, có thể xuất bán sau khoảng 5-6 tháng nuôi. Tôi thường để lại gà đen mái để tiếp tục gây đàn nhằm duy trì và phát triển mô hình”.
Bên cạnh nuôi gà đen, ông Vũ còn nuôi thêm le le, đây là loài chim nước thường sống ở các vùng đầm lầy và ao hồ, chất lượng thịt có giá trị dinh dưỡng cao. Ban đầu ông Vũ nuôi chỉ vài chục con giống được chọn lọc kỹ từ các lò ấp. Sau khoảng 5 tháng nuôi, le le có thể đạt trọng lượng khoảng 500-600 gram/con và sẵn sàng xuất bán, có thể bán con giống hoặc bán thương phẩm. Con giống khoảng 1 tháng tuổi có giá thành dao động từ 500 ngàn đồng/cặp; le le thương phẩm thì giá thành sẽ dao động từ 250-270 ngàn đồng/con tuỳ kích cỡ và chất lượng của le le.
Gà đen và le le được cắt cánh từ nhỏ để hạn chế bỏ đàn.
Thời gian đầu, do mô hình chăn nuôi còn mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông Vũ gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô và đảm bảo chất lượng con giống. Với quyết tâm, ông đã tìm tòi, học hỏi và áp dụng khoa học - kỹ thuật, từ đó chăn nuôi đạt hiệu quả hơn.
“Ban đầu khi mới nuôi le le, tôi thực hiện việc cắt cánh như các giống chim khác để hạn chế bỏ đàn nhưng chúng vẫn bay ra tự nhiên. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm, tôi tìm tòi và học hỏi được kỹ thuật cắt chóp cánh bằng dụng cụ điện trong thú y, nên việc thuần dưỡng cũng dễ dàng và hạn chế tối đa việc bỏ đàn của le le. Bên cạnh đó, tôi còn đầu tư máy ấp trứng với sức chứa khoảng 1 ngàn trứng/lần ấp. Mỗi lứa ấp khoảng 28-29 ngày, nuôi trong lồng 1 tuần là có thể bán con giống và tiếp tục ấp thêm lứa mới. Nhờ vậy mà sản lượng tăng cao, ổn định chất lượng con giống và thị trường tiêu thụ”, ông Vũ cho biết.
Ngoài le le và gà đen, ông Vũ đang nuôi thêm gà đông tảo, chim trích cồ, hằng năm tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình hơn 150 triệu đồng.
Hiện mô hình chăn nuôi của ông Vũ được nhiều hộ dân trong xã học hỏi, thực hiện và đạt hiệu quả cao. Ðây là tín hiệu đáng mừng trong việc đa dạng hoá vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế hộ nói riêng và phát triển kinh tế bền vững của địa phương nói chung.
Ông Ngô Minh Ðạo, Chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ, cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà đen và le le của ông Lý Hoàng Vũ là mô hình đầy triển vọng, khẳng định hiệu quả kinh tế. Bản thân ông Vũ là người ham học hỏi và luôn tìm cách ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Vũ còn nhiệt tình giúp đỡ người dân cùng làm ăn, phát triển kinh tế. Mô hình của ông Vũ là điển hình cho phong trào nông dân làm kinh tế giỏi tại địa phương, góp phần tạo diện mạo nông thôn mới”./.
Quách Nguyên - Diễm Huỳnh
Bình Định: Số lượng gà đăng ký thả nuôi hơn 122,4 nghìn con
Nguồn tin: Báo Bình Định
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, đầu năm 2024 đến nay, có 17 hộ tham gia chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi với lượng gà nuôi đăng ký hơn 122,4 nghìn con, kinh phí hỗ trợ hơn 734 triệu đồng. Trong đó, huyện Hoài Ân có 10 hộ, số lượng gà nuôi đăng ký 62.400 con/2 lứa/năm; huyện Tây Sơn có 7 hộ đăng ký, số lượng gà nuôi 60.000 con/2 lứa/năm. Hiện nay, huyện Tây Sơn có 3 hộ đã thả nuôi, tổng đàn 9.000 con; huyện Hoài Ân có 4 hộ thả nuôi, tổng đàn 12.600 con.
Chính sách khuyến khích nuôi gà thả đồi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 áp dụng cho hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, HTX, DN trong nước tham gia liên kết sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gà thả đồi. Đối tượng tham gia được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thả đồi; 50% chi phí con giống gà 1 ngày tuổi cho 2 lứa nuôi trong năm (hỗ trợ 2 năm liên tục), tối đa không quá 6.000 đồng/con. Các cơ sở chăn nuôi được nhận hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện, như: Quy mô chăn nuôi tối thiểu 3.000 con gà thịt/1 lứa nuôi. Có điều kiện xây dựng chuồng nuôi đảm bảo an toàn sinh học và diện tích đồi để thả gà tối thiểu 1.500 m2; cam kết chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…
AN NHIÊN
Ngỗng hồ lô có giá khoảng 3 triệu đồng/con
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) bắt đầu chăn nuôi giống ngỗng hồ lô có nguồn gốc từ Hà Nội, đây là giống mới du nhập vào địa phương. Được biết loài này có vóc dáng to cao, thân hình tròn mập mạp giống như quả bầu hồ lô. Từ khi nuôi đến trưởng thành khoảng 4 tháng và trọng lượng khi trưởng thành lên đến 10-15kg/con, ngỗng mái thường nhẹ hơn ngỗng trống một chút.
Ngỗng hồ lô (hay còn gọi là ngỗng sư tử) đang được người dân ở huyện Long Mỹ nuôi và bán với mức giá 3 triệu đồng/con.
Chia sẻ về việc nuôi giống ngỗng này, chị Lê Thị Thúy Oanh, ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết: “Giống ngỗng này khá dễ nuôi, nhưng vì chi phí con giống khá đắt, lên đến 500.000 đồng/con, chưa kể tiền thức ăn, công chăm sóc nên nhiều người còn e ngại. Tuy nhiên, ngỗng này có trọng lượng lớn, giá bán rất cao, lên đến khoảng 3 triệu đồng/con khi trưởng thành. Hiện, gia đình đang nuôi gia công cho thương lái khoảng 5 con mỗi lần nuôi. Với mỗi con ngỗng, sau khi trừ đi chi phí đầu tư, gia đình thu được lợi nhuận khoảng 700.000-900.000 đồng/con, nhờ đó mà thu nhập của gia đình cũng tăng lên”.
KIỀU THANH
Hiếu Giang tổng hợp